Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Lương của bác sĩ là bao nhiêu?

Từ trước đến nay người ta vẫn tò mò lương của bác sĩ là bao nhiêu một tháng, vì sao bác sĩ giàu mà vẫn than thu nhập thấp?
Bảng lương của bác sĩ bệnh viện công lập
Một bác sĩ công tác tại bệnh viện công ở Hà Nội đã 15 năm tâm sự, 1 tháng thu nhập của anh do nhà nước trả khoảng hơn 5 triệu đồng cộng thêm tiền trực khoảng 500 nghìn đồng/tháng. Tổng thu nhập từ bệnh viện khoảng gần 6 triệu đồng.
Nếu so với các người bạn bằng tuổi, ở cùng mức học như nhau thì giờ đây họ đã trở thành giám đốc, trưởng phòng và những người làm ở ngành tài chính kinh doanh thì mức thu nhập của họ cao hơn rất nhiều. 
Mức lương của bác sĩ không phải so sánh với mặt bằng xã hội mà so sánh với những hi sinh và học hỏi của họ. Điều đó khiến các bác sĩ luôn cảm thấy “bị hắt hủi” vì công việc vất vả, phải trực đêm và phải liên tục học hỏi.
Mới ra trường một bác sĩ chỉ có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng, hầu như các bác sĩ sẽ có thêm khoản trợ cấp khác nhưng đó chỉ là với bác sĩ ở những bệnh viện lớn.
Bảng phụ cấp

Một trưởng khoa của Bệnh viện Tâm thần trung ương chia sẻ, làm việc 17 – 18 năm tại bệnh viện, cả lương quản lý khoa nhưng tổng thu nhập của chị mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này để nuôi các con ăn học ở Hà Nội là eo hẹp. Với các bác sĩ của bệnh viện tâm thần việc làm thêm cũng khó hơn các bác sĩ nội khoa, ngoại khoa.
Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương của bác sĩ hiện tại cũng giống như lương của giáo viên, của kỹ sư, của các ngành nghề khác. Với mức lương cơ bản (cơ sở) của ta là 1.150.000 đồng/tháng. Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00) ... Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98). 
Skip in 6...
Ad finishes in 31 seconds

Bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường, phải qua một quá trình học việc hoặc thử việc, nếu may mắn được ký hợp đồng sẽ được hưởng 85% của hệ số lương 2,34 tức là 2,34 x 1.150.000 x 0,85 = 2.287.350 đồng, nếu trừ bảo hiểm còn khoảng 2,2 triệu đồng/tháng.
Ở cấp học thạc sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00.

Nếu là Bác sĩ chính, Giảng viên chính, Phó giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên chính (tương đương Chuyên viên chính) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 4,40 và cứ 3 năm tăng một bậc thêm hệ số 0,34 cho tới tối đa là bậc 8 (hệ số 6,78).

Nếu là Bác sĩ cao cấp, Giảng viên cao cấp, Giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên cao cấp (tương đương Chuyên viên cao cấp) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 6,20 và cứ 3 năm tăng thêm một bậc là 0,36 cho tới tối đa là bậc 6 (hệ số là 8,00).

Nếu so với nghề khác, nghề bác sĩ phải luôn luôn đi học, luôn luôn trau dồi kiến thức thì thu nhập của họ đôi khi chỉ “đủ tiền đi học thêm”.

Tuy nhiên vẫn có những bác sĩ giàu, bác sĩ đi xe hơi đi làm. TS Võ Xuân Sơn – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Bác sĩ nói chung là nghèo! Số bác sĩ có nhà lầu, xe hơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó thực sự là những bác sĩ rất giỏi".

TS Sơn cho biết có những bác sĩ anh gặp họ làm việc ở tuyến cơ sở và họ chia sẻ ước mơ của họ chỉ đơn giản là một lần được ngồi lên máy bay. Hiện tại đa số các bác sĩ ở Việt Nam lương nhà nước theo bậc lương chung.

Hướng tới tăng thu nhập cho bác sĩ, chặn đứng nạn phong bì hiện nay đã có một số bệnh viện tự chủ tài chính để phát triển. Theo các bác sĩ việc tự chủ tài chính đối với bệnh viện công sẽ giúp các bệnh viện có thể triển khai xã hội hóa việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhờ đó người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao. Tự chủ tài chính cũng giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao thu nhập nên thái độ phục vụ sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên hiện nay số lượng bệnh viện tự chủ tài chính còn thấp, hiện mới có 9/1.188 bệnh viện công lập được giao quyền tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động và bài toán tăng thu nhập cho bác sĩ đang được hướng tới đó là tính giá viện phí bao gồm cả lương bác sĩ, tăng cường sự hài lòng của người bệnh để người bệnh trở thành người trả lương cho bác sĩ.
Phương Thuý

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

VIÊM GAN C NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT



Cấu trúc virus viêm gan C
I.  BỆNH VIÊM GAN C
Viêm gan C là một bệnh do virus lan truyền rộng rãi và Tổ chức Y Tế thế giới ước tính có 170 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh.
Virus viêm gan C có 6 kiểu chính, gọi là kiểu gen.
Kiểu gen không ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc bạn sẽ được điều trị như thế nào. Kiểu gen của virus được xác định bằng xét nghiệm máu trước khi bắt đầu điều trị.
Việc xác định kiểu gen là vấn đề quan trọng vì có một số kiểu gen dễ điều trị hơn một số kiểu gen khác. Điều này có nghĩa là việc điều trị sẽ khác nhau tùy theo kiểu gen.  Ở Việt Nam kiểu gen 6 chiếm tỷ lệ cao khoảng 20%, chỉ sau kiểu gen 1)


Chức năng của gan, và virus viêm gan C ảnh hưởng đến gan như thế nào?
Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và quan trọng nhất trong cơ thể. Gan nằm dưới khung sườn bên phải, phía trên dạ dày. Gan chịu trách nhiệm:
·        Dự trữ vitamin, khoáng chất , sắt và đường cho cơ thể và chuyển hóa thức ăn
·        Sản xuất những protein cơ bản và những chất đông máu.
·        Kiểm soát nồng độ hormone và các chất hóa học trong máu
·        Hóa giải chất độc. Bạn không thể sống nếu không có gan. Nếu gan bị bệnh, chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng, và bạn sẽ thấy sức khỏe thay đổi. Tổn thương gan do virus viêm gan C có thể tiến triển chậm trong nhiều năm, nên việc phát hiện và điều trị rất quan trọng.
Người ta thường bị nhiễm viêm gan C qua:
·         Truyền máu bị nhiễm hay những chế phẩm của máu trước năm 1991
·         Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm (sử dụng chung dao cạo râu, kéo, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, băng vết thương)
Tất cả những tình huống (trong  hay ngoài y khoa) có sử dụng hay tái sử dụng những dụng cụ không được vô trùng cẩn thận như những trường hợp sau:
·         Dùng chung kim tiêm hay ống chích
·         Bị kim tiêm đâm phải (ví dụ như khi y tá tiêm chích thuốc)
·         Chữa răng
·         Xăm mình, châm cứu xỏ lỗ tai không vô trùng
·         Truyền bệnh qua những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu, giao hợp lúc có kinh
·         Sử dụng những vật dụng vệ sinh cá nhân bị nhiễm
·         Truyền từ mẹ sang con (hiếm gặp)
·         Ở nhiều người, không biết được đường lây nhiễm
Các đường lây viêm gan C

Làm thế nào để tránh lây bệnh cho người khác?
Bạn không bị lây (hay truyền bệnh) khi hắt hơi, ho, hôn, ăn chung chén bát, sử dụng chung nhà vệ sinh hay qua những hành vi giao tiếp thông thường.
Tuy nhiên, bạn cần thực hiện một số biện pháp đểđề phòng lây bệnh cho người khác:
Tránh dùng chung kim tiêm hay những vật dụng tương tự (như xăm mình, tiêm chích thuốc, kim châm cứu…)
Tránh những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu và tránh giao hợp khi hành kinh (sử dụng bao cao su làm giảm nguy cơ)
Làm sạch vết máu (dùng găng cao su và chất khử trùng)
Tránh sử dụng chung những vật dụng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay) vì chúng có thể dây máu
Phụ nữ nên cẩn thận khi hành kinh và nên vứt bỏ băng vệ sinh vào nơi an toàn
Điều quan trọng là bạn cần suy nghĩ về khả năng lây bệnh cho người khác vì hai lý do:
·         Bạn có thể tránh được nguy cơ một khi đã khỏi bệnh
·         Bạn có thể tránh được việc truyền bệnh cho người khác
Vấn đề quan trọng là cần hiểu rõ về viêm gan C và chuẩn bị cho điều trị diệt virus
Tiến triển của bệnh viêm gan C


II.ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI BẠN MẮC VIÊM GAN C?
Khi mắc bệnh, virus viêm gan C đi từ máu đến gan và sinh sôi ở đó. Cùng lúc đó, cơ thể bạn bắt đầu chống lại nhiễm trùng. Viêm gan C được xem là “một bệnh thầm lặng”. Chỉ khoảng 1/3 người mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng  và những triệu chứng này thường nhẹ -nên bạn có thể không hề biết là mình đã mắc bệnh
1.VIÊM GAN C CẤP
Khoảng thời gian ngắn (thường là 6 tháng) sau khi nhiễm bệnh thường được gọi là giai đoạn cấp của bệnh. Bệnh nhân bị viêm gan C cấp hiếm khi có biểu hiện triệu chứng. Đó là lý do tại sao viêm gan C thường được gọi là “yên lặng”. Điều này không có nghĩa là tổn thương gan không xảy ra. Trong thời gian này, một số bệnh nhân (khoảng 15-30%) có khả năng tự vượt qua (“diệt sạch”) virus mà không cần điều trị. Dấu hiệu duy nhất cho thấy họ đã mắc bệnh là sự hiện diện của kháng thể chống siêu vi C trong máu. Tìm thấy kháng thể này không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh  mà chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc bệnh ở một thời điểm nào đó. Một xét nghiệm PCR trong máu mới biết được bạn đang mang virus trong người hay không. Điều đáng tiếc là hầu hết bệnh nhân đều không tự diệt sạch được virus trong giai đoạn cấp (có thể xem xét khả năng điều trị nếu tìm thấy virus trong giai đoạn cấp). Bệnh sau đó chuyển sang giai đoạn mãn, như mô tả dưới đây.
2.VIÊM GAN C MẠN TÍNH
Nếu virus vẫn tồn tại trong máu (và gan) trên 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, bạn đã bị viêm gan C mạn tính . Cơ may khỏi bệnh rất hiếm nếu không điều trị . Ở giai đoạn này, có thể bắt đầu có những tổn thương nặng hơn cho gan. Bạn có thể thấy có triệu chứng của bệnh trong giai đoạn này.
Người bị viêm gan C mạn tính có thể thấy mệt mỏi  khó tập trung, thấy ốm yếu, đau cơ hay đau khớp, thấy lo lắng hay chán nản .Hầu hết bệnh nhân đều không cór triệu chứng và không cảm thấy bệnh. Việc không có triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, virus vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong gan. Chúng gây viêm gan và tăng nồng độ của nhiều men gan (AST và ALT) có thể đo được trong máu. Kết quả là tổn thương gan (gọi là xơ hóa ) có thể lan rộng và dẫn đến xơ gan . Khi xơ gan, mô xơ xâm lấn và thay thế mô gan bình thường, làm hỏng những chức năng quan trọng của gan như tiêu hóa và giải độc. Khoảng 20% bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan. Xơ gan là một bệnh nặng có nhiều biến chứng nghiêm trọng nên phải điều trị tích cực . Ghép gan là biện pháp điều trị duy nhất để điều trị xơ gan nặng. Nếu không điều trị, xơ gan sẽ dẫn đến những biến chứng nặng và ung thư gan.
Bệnh nhân bị viêm gan C có thời gian tiến triển bệnh khác nhau và không thể dự đoán được chính xác. Nhiều bệnh nhân chỉ bị thay đổi ít sau 20-30 năm, trong khi nhiều người bị xơ gan sau 10 năm hay ngắn hơn . Điều cần lưu ý là tốc độ tiến triển đến bệnh gan KHÔNG phụ thuộc vào kiểu gen hay số lượng virus bạn đang mang. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhận biết được những yếu tố có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn:
·        Lớn tuổi tại thời điểm nhiễm bệnh
·        Phái nam
·        Uống rượu bia
·        Đồng nhiễm virus viêm gan B (HBV) hay HIV
·        Thừa cân, béo phì
·        Tiểu đường
·        Hút thuốc
III. ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐIỀU TRỊ
1.TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ
Nếu bạn bắt đầu điều trị, điều rất quan trọng là bạn phải sử dụng thuốc đúng  như đã được kê toa.
Nghĩa là phải dùng thuốc đúng liều lượng vào đúng thời gian quy định. Điều này gọi là “tuân thủ điều trị” theo chuyên ngành y khoa. Bệnh nhân tuân thủ tốt thường có cơ may khỏi bệnh cao hơn. Nếu bạn ngưng thuốc sớm hay không dùng đúng liều, bạn có thể không diệt được virus.
2.KHI ĐIỀU TRỊ KHÔNG PHÙ HỢP
Kết hợp pegylated interferon và ribavirin là cách điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không được kê toa kết hợp điều trị vì họ còn có những bệnh khác. Điều trị có thể gây khuyết tật thai nhi nên không được sử dụng ở những người đang dự tính có thai hay đang có thai. Phải ngừa thai hiệu quả trong thời gian điều trị và tiếp tục 6 tháng sau khi ngưng điều trị nếu bạn đang ở độ tuổi sinh đẻ.
Nếu bạn có biểu hiện chứng trầm cảm trong quá khứ, hay có bệnh tim nặng trong 6 tháng trước đó, bác sĩ có thể thảo luận về những phương án điều trị với bạn.
Bạn và bác sĩ của bạn có thể quyết định rằng, vì những lý do cá nhân hay xã hội, có thể tốt hơn nếu trì hoãn điều trị. Trong một số trường hợp, việc trì hoãn điều trị có thể là một ý định sáng suốt nếu như bạn đang gặp phải những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể làm trở ngại cho việc tuân thủ điều trị.
Có rất nhiều nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới điều trị viêm gan C. Nếu bác sĩ khuyên bạn không nên điều trị bây giờ, bạn vẫn có thể nhận được các lợi ích từ điều trị trong tương lai. Trong thời gian chờ đợi, bạn cần cố gắng hạn chế những tổn thương cho gan và cải thiện sức khỏe bằng cách thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên, ăn khẩu phần lành mạnh và tránh hút thuốc hay uống rượu. Điều quan trọng là có cái nhìn bao quát để cải thiện sức khỏe, hơn là chỉ nhằm vào lá gan.
3.THEO DÕI KIỂM TRA TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ
Yếu tố quan trọng nhất để tiêu diệt virus là phải hoàn thành chương trình điều trị thuốc. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ được thầy thuốc yêu cầu tới kiểm tra theo dõi đều đặn. Trong những lần tái khám này, thầy thuốc của bạn sẽ:
Làm một số xét nghiệm để kiểm tra đáp ứng với điều trị của bạn
Theo dõi tác dụng phụ của thuốc trên cơ thể bạn và gợi ý những phương pháp để hạn chế chúng
 Theo dõi tình trạng gan và sức khỏe chung của bạn
Những xét nghiệm này được tiến hành ở những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị.
Ở nhiều bệnh nhân, số lượng virus sẽ giảm xuống đáng kể khi bắt đầu điều trị. Dấu hiệu đáp ứng virus sớm  là một dấu hiệu tốt cho thấy bạn sẽ thực sự tiêu diệt được virus. Tuy nhiên, virus viêm gan C có thể lây nhiễm vào những tế bào khác ngoài gan và máu . Do đó, muốn tiêu diệt sạch virus, điều cốt lõi là bạn phải tiếp tục điều trị theo hướng dẫn và đủ thời gian, mặc dù bạn đã có đáp ứng virus sớm. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa khả năng tái phát sau khi hoàn thành điều trị.
Mục tiêu điều trị cuối cùng là kết quả xét nghiệm virus vẫn âm tính sau khi ngừng điều trị 6 tháng, kết quả này gọi là đáp ứng virus kéo dài . Điều này được xem là khỏi bệnh, vì khả năng tái phát về sau rất hiếm (chỉ khoảng 1%). Khoảng 1 trong 2 bệnh nhân có kiểu gen 1 và khoảng 4 trong 5 người bệnh có kiểu gen 2 và 3 được điều trị khỏi bệnh.
IV.NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP THEO
Điều trị thành công thường cải thiện chất lượng cuộc sống và có thể là tuổi thọ của bạn. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo bạn phải điều chỉnh cách sinh hoạt để thích nghi với bệnh tật và chế độ điều trị. Điều trị viêm gan C mãn tính sẽ gồm nhiều lần tái khám và xét nghiệm. Cũng có thể có những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sinh họat thường nhật. Điều này tạo thêm những áp lực cho đời sống gia đình, công việc và xã hội của bạn.
Bạn không nên chịu đựng những gánh nặng này một mình. Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có thể giúp bạn bằng nhiều cách và sẽ ổn thỏa nếu bạn yêu cầu được giúp đỡ. Vấn đề bạn đang đối diện có thể ít gây căng thẳng trong quan hệ nếu bạn thảo luận trước một cách cởi mở. Cũng hữu ích nếu như bạn vẫn duy trì những thích thú hay quan tâm khác.
Đề nghị giúp đỡ trong công việc nhà - bạn có thể dễ mệt hơn, cáu kỉnh hơn và cảm thấy ốm sau khi chích thuốc.
Tập thể dục nhẹ như đi xe đạp, đi bộ, bơi hay yoga giúp bạn bớt đau cơ, cải thiện cảm giác khỏe khoắn và giúp dễ ngủ.
Nếu bạn cảm thấy khó tập trung khi làm việc, thử giảm bớt công việc hay báo cho cấp trên biết để giảm bớt công việc. Những lựa chọn khác là: làm việc bán thời gian, giờ làm việc linh động, hay làm việc tại nhà một hay vài ngày trong tuần để giúp bạn xoay sở.
Nếu bạn bị căng thẳng hay kích thích, điều này cũng có thể là do điều trị. Những người đã điều trị xong có thể giúp bạn lời khuyên hữu ích. Bạn có thể tham gia vào một nhóm người đang điều trị viêm gan C hay câu lạc bộ người bệnh.
Bạn cũng cần xem lại chế độ ăn. Khi gan bạn hoạt động không tốt, bạn có thể thấy giảm thèm ăn, hay có một vài thức ăn làm bạn không khỏe. Nói chung tốt hơn là bạn nên ăn nhiều bữa ăn nhẹ trong ngày, hơn là ăn một vài bữa ăn lớn. Điều quan trọng nhất là bạn cần ăn một chế độ cân bằng những nhóm chất dinh dưỡng chính yếu.
Những quan hệ cá nhân của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Những người khác có thể không thấy những triệu chứng bệnh và tác dụng phụ của điều trị và nếu họ trông bạn vẫn không có vẻ gì là bệnh, người ta có thể không biết là bạn đang có bệnh hay không thông cảm với những yêu cầu của bạn. Nếu bạn luôn là người “cái gì cũng làm”, người bạn đời của bạn có thể bị áp lực vì lúc này phải gánh thêm trách nhiệm. Sự kích thích hay mất ngủ có thể làm cuộc sống chung thêm khó khăn và đời sống tình dục có thể bị ảnh hưởng. Bạn bè và gia đình cần giúp đỡ và thông cảm để bạn vượt qua những khó khăn này. Đôi khi, có thể cần đến tư vấn chuyên nghiệp về mối quan hệ và bác sĩ hay điều dưỡng có thể khuyên nhủ bạn. Chỉ cần bạn có nghị lực và cố gắng, tất cả sẽ vượt qua.
 Nguồn: FDA Hoa Kỳ

Tư vấn và điều trị viêm gan C xin liên hệ:
Bác sĩ Trần Hữu Hiền - 0987842200, email: dr.hien90@gmail.com
Điều trị hết bệnh trong 3 tháng với chi phí thấp nhất.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Đóa hoa can trường


Hồng Phúc
(TBKTSG - Người được gọi thân ái là “mẹ” của nhân dân Myanmar, bà Aung San Suu Kyi được biết đến từ lâu với giải Nobel Hòa bình 1991 nhưng ít có tài liệu nào miêu tả bà như một con người với đầy đủ các góc cạnh của một người vợ, người mẹ, người phụ nữ và trên hết là một con người bình thường, phải vượt qua mọi điều không mong muốn, chiến thắng nỗi sợ hãi và trăn trở với các lựa chọn.
Gần đây, cuốn sách tranh tiểu sử "Aung San Suu Kyi - Sợ hãi và tự do" (*) được nhà báo, nhà nhiếp ảnh Christophe Loviny - người đã có hơn 30 năm làm việc ở khu vực Đông Nam Á và Myanmar - xuất bản đã nhận được sự chú ý bởi nó gợi mở suy nghĩ về hành trình đến với dân chủ và tự do của loài người.
Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin về cuộc đời Aung San Suu Kyi với nhiều bức ảnh quý giá về hành trình cùng những lời nhận xét của người thân, bạn bè và các nhân vật nổi tiếng về bà, và đặc biệt là phần phụ lục về các mốc lịch sử của Myanmar. Dấu mốc định mệnh của đời bà, khi từ nước Anh trở về Yangon thăm mẹ bị ốm, người con gái 43 tuổi của Đại tướng Aung San đã bị thuyết phục rằng bà phải đứng lên lãnh đạo cuộc cách mạng phi bạo lực, đưa nhân dân ra khỏi sự độc tài và đói nghèo dưới chính quyền quân sự.
Lần trở về đó là lần đầu tiên Aung San Suu Kyi nói chuyện với gần một triệu người dân Myanmar dưới chân chùa vàng Shwedagon, trái tim của Miến Điện, và đó cũng là lần đầu tiên nhân dân cảm thấy làn gió tự do bắt đầu thổi sau nhiều thập kỷ. Bà ngay lập tức trở thành thủ lĩnh và nguồn cảm hứng của người dân vốn đã im lặng và bị đàn áp suốt 26 năm dưới chế độ độc tài.
Trải qua rất nhiều khó khăn, bị phe đối lập giam lỏng tại gia, cách ly gia đình, chiến đấu với những tháng ngày khó khăn về tinh thần và vật chất, đến tận năm 2010 bà mới được trả tự do. Ở tuổi 65 bà xuất hiện rạng rỡ như những bông hoa cài lên mái tóc. Tờ Times đặc tả “nhiều người đã đợi chờ và khóc, trong chừng 10 phút Aung San Suu Kyi không thể làm gì ngoài việc trầm mình trong tiếng cổ vũ của đám đông”.
Số phận của một người được quyết định hoàn toàn bởi hành động của người đó. Tặng vật trân quý nhất đối với mỗi cá nhân và đất nước là “bhaya” - không khiếp sợ, không chỉ là sự can đảm bề ngoài thông thường mà là sự vắng bóng của nỗi sợ trong tâm.
AUNG SAN SUU KYI
Nhiều người phương Tây tự hỏi không hiểu từ đâu mà người phụ nữ nhỏ bé Aung San Suu Kyi có thể vượt qua những hy sinh cực nhọc nhiều năm để chữa lành vết thương cho đất nước. Có một lần bà đã nói: “Nếu như tôi đã bắt đầu dung dưỡng lòng hận thù vào những con người đã giam cầm mình thì ngay lúc đó tôi đã tự đánh gục mình”. Hillary Clinton nhận xét rằng có lẽ đó là kết quả của quá trình tu tập dài lâu, không ngừng gieo cấy từ tâm và không bao giờ để hận thù và nỗi sợ dẫn dắt hành vi. Đây cũng là điểm chung giữa bà và Nelson Mandela, cả hai đều nổi bật ở đức tính khoan hòa, tinh thần độ lượng và ý chí không gì lay chuyển được.
“Số phận của một người được quyết định hoàn toàn bởi hành động của người đó. Tặng vật trân quý nhất đối với mỗi cá nhân và đất nước là “bhaya” - không khiếp sợ, không chỉ là sự can đảm bề ngoài thông thường mà là sự vắng bóng của nỗi sợ trong tâm”, Aung San Suu Kyi viết trong tiểu luận “Vô úy” của mình.
Không phải quyền lực khiến con người tha hóa mà chính là nỗi sợ. Nỗi sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa kẻ nắm quyền lực và nỗi sợ bị quyền lực áp bức làm tha hóa những ai nằm dưới ách quyền lực. Trong một hệ thống chối bỏ sự hiện diện những quyền con người cơ bản, nỗi sợ có xu hướng trở nên phổ quát. Trong nhiều năm người dân vốn hiền hậu và khoan hòa đã luôn lo sợ khi mà thân phận họ như “nước trong bụm tay” của kẻ nắm quyền lực. Không mấy ngạc nhiên là trong bất kỳ xã hội nào, khi nỗi sợ lan tỏa, sự tha hóa dưới mọi hình thức cũng theo đó sinh sôi.
(*) Aung San Suu Kyi - Sợ hãi và tự do, Đỗ Hùng dịch, NXB Hồng Đức.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Du học sinh Việt kể 'điều ngượng' trên đất Mỹ


Ai cũng biết người Mỹ thẳng thắn và lịch thiệp nhưng ít người biết rằng con người ở quốc gia số 1 thế giới này còn rất hảo tâm.
Ngượng vì sự tử tế
Lê Mai Hương (Hương Mysheo), cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, hiện đang học thạc sĩ tại Philadelphia, Mỹ cho biết những ngày đầu mới đặt chân đến đây, cô cảm thấy “ngượng ngùng” trước sự quan tâm của tất cả mọi người mà cô gặp.
“Ở Mỹ, từ cụ già đi ngoài đường tới bác thu ngân trong siêu thị, ai cũng thấy mình là “Hello, how are you?”. Ở Việt Nam thì cứ nghĩ là “How are you” dịch thành “Bạn có khỏe không?” và chỉ dùng khi mình gặp bạn bè người quen và mình hỏi thăm ân cần. Hồi đầu nghe chưa quen thì sẽ thấy mình được quan tâm ghê gớm, nghĩ bụng “Có quen đâu mà cứ hỏi han tử tế thế nhỉ?!”.
Thế nhưng, cứ ở Mỹ một thời gian bạn sẽ hiểu rằng nó cũng là từ để chào, người ta không kỳ vọng bạn phải đáp lại. Dù sao thì cũng thấy đỡ chạnh lòng khi một mình nơi xứ người”, Hương kể.
du học sinh, nước Mỹ, thân thiện, tử tế, môi trường sống, cuộc sống ở Mỹ, người Mỹ, hảo tâm
Sống và học tập ở Mỹ một thời gian, Hương mới thực sự hiểu về người Mỹ.
Không chỉ ngỡ ngàng với sự thân thiện của người Mỹ, sống và học tập ở đây Hương mới biết người Mỹ rất hảo tâm. Mỹ cũng là quốc gia làm tình nguyện nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Myanmar.
“Họ cho đi rất nhiều. Có rất nhiều tổ chức và hoạt động tình nguyện bạn có thể tham gia sau giờ học. Với Hương, đây là một cách tuyệt vời để kết bạn với người bản địa cũng như hiểu thêm về nước Mỹ, về thế giới. Ví dụ mình đã có lần đi phân loại dụng cụ y tế cho Project Cure, mới hiểu được hệ thống y tế của Mỹ và những công đoạn để vận chuyển hàng cứu trợ tới một nước xa lắc xa lơ tới tay người cần”, Hương nói.
Theo báo cáo Chỉ số Hảo tâm Thế giới CAF do Quỹ Hỗ trợ từ thiện (CAF) ở London, Anh, tại Mỹ, 75% dân số trên 15 tuổi giúp đỡ người lạ, 44% dân số trên 15 tuổi làm tình nguyện viên. Điểm hảo tâm của nước này là 61%.
Nữ thạc sĩ tương lai cũng chia sẻ rằng, thời gian đầu mới đến Mỹ cô nhầm tưởng rằng người Mỹ lạnh lùng và ích kỷ bởi lúc đầu cô bị mấy bạn cùng bàn “bơ”, không thèm hỏi thăm xem đến từ đâu, quê hương thế nào, có gì hay ho để kể cho họ. Nhưng sống được một thời gian thì cô hiểu đó chỉ là cách hành xử bình thường của người Mỹ.
“Khi đến Việt Nam thì trong mắt người Mỹ bạn là “người nước ngoài” và đã đặt chân tới nước ta thì họ là du khách, họ sẽ rất hứng thú khi nói chuyện với bạn, tìm hiểu về lối sống văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, khi bạn đã tới Mỹ rồi thì bạn chỉ là một trong số nhan nhản những gương mặt Châu Á xuất hiện hàng ngày trên đường phố, trong quán ăn trong cuộc đời họ. Thậm chí, có lẽ họ còn nghĩ bạn cũng là… người Mỹ nên “I don’t care!” (Tôi không quan tâm!)”, Hương lý giải.
du học sinh, nước Mỹ, thân thiện, tử tế, môi trường sống, cuộc sống ở Mỹ, người Mỹ, hảo tâm
Lê Mai Hương (Hương Mysheo) hiện đang là chủ của một website và fanpage học IELTS miễn phí dành cho những bạn trẻ có ước mơ du học.
Tức anh ách vì bị “bơ”
Mai Hương kể rằng, trong những tuần học đầu tuần khi thảo luận với nhóm bạn Mỹ, cô luôn mang tâm trạng hậm hực, “tức anh ách” vì cho rằng các bạn Mỹ “bơ” mình.
Hương kể: “Lúc ở nhà, làm gì cũng thong thả, mở đầu cuộc thảo luận thường là không khí e dè “nhìn nhau chẳng nói nên lời,” sau đó từng người sẽ được hỏi ý kiến trong không khí hòa bình tôn trọng lẫn nhau. Ai ngờ qua bên này, thầy giáo bảo bắt đầu là các bạn ấy thi nhau “bắn” và bắn không ngừng nghỉ. 
Mình ngồi ở góc bàn nên cảm giác người ta còn quay lưng vào mặt mình và không thèm đếm xỉa tới cái con bé châu Á này. Mặc dù rất muốn “lên tiếng” nhưng trong hoàn cảnh như thế cũng khó để chêm lời vào. Cô gái trong lòng vô cùng bối rối, thậm chí là còn ngạc nhiên vì cảm giác không được coi trọng, trong khi những thầy cô bạn bè người Mỹ trước đây của mình thì rất tử tế.
Rất may, sau khi chia sẻ với bạn cùng phòng, chị ấy giải thích cho về tính cách của người Mỹ. Họ là những người rất chủ động và chủ nghĩa cá nhân cực cao. Sống trong một đất nước tự do mọi mặt, họ chẳng có gì ngần ngại khi phát biểu ý kiến cá nhân. Còn bạn, nếu bạn không lên tiếng, họ sẽ mặc định là bạn không có gì để nói, hay bạn không muốn nói, chứ họ sẽ không chờ đợi bạn mở miệng hay ân cần mời bạn cho vài lời vàng ngọc đâu. 
Thay vì về nhà hậm hực thì mình được khuyên hôm sau hãy đến lớp sớm, chọn ghế ngồi vào giữa “tụi Mỹ” để chúng nó phải chú ý tới mình. Quả thực là khi mình đã cất tiếng được rồi thì họ rất lịch sự, tôn trọng và lắng nghe mình”.
Sự khác biệt trong văn hóa ứng xử không chỉ là trở ngại khiến du học sinh khó hòa nhập với môi trường mới mà còn khiến những người bạn Mỹ “điên đầu, tổn thọ”.
“Đó chính là lối nói vòng vo của đa số người Việt. Câu trả lời của bạn là A, nhưng khi đứng lên bạn cứ phải tung hỏa mù, tản mát một lúc rồi mới “bập” vào từ khóa là A được, và sau đó lại vòng vo thêm một đoạn nữa. Lỗi này to lắm! vì nó làm “tổn thọ” thầy giáo Mỹ. Khi bạn diễn giải mà không liên quan tới chủ đề chính, thầy sẽ phải cố hiểu xem ý bạn muốn nói là gì, đoán xem cái bạn đang cố ám chỉ là gì. Vì vậy, các bạn muốn đi du học thì hãy luyện ngay lối tư duy thẳng, mạch lạc. Có thể luyện luôn trong IELTS Speaking: Hỏi gì trả lời nấy, sau đó đưa lý lẽ và ví dụ. Cấu trúc này đơn giản mà dễ theo dõi cho cả người nói và người nghe”, Hương đưa ra lời khuyên.
du học sinh, nước Mỹ, thân thiện, tử tế, môi trường sống, cuộc sống ở Mỹ, người Mỹ, hảo tâm
Học tập ở Mỹ không căng thẳng như nhiều người lầm tưởng, biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, Hương vẫn còn dư thời gian để đi mua sắm, lượn phố, tham gia các sự kiện và hoạt động tình nguyện.
Học hỏi liên tục để không bị “khớp”
Là người có kinh nghiệm làm việc trong môi trường nước ngoài và cũng đạt điểm IELTS cao, Hương rất tự tin khi sang Mỹ du học. Ấy thế mà, những ngày đầu tiên lên lớp, cô vẫn bị “khớp”. Không phải thầy nói nhanh hay dùng từ khó mà lý do rất đơn giản là khi giảng bài, thầy giáo thường lấy ví dụ với một số sản phẩm hay thương hiệu lớn của Mỹ mà cô chưa từng nghe đến.
“Lúc ở nhà, trong đám bạn cũng được coi là thành phần tri thức, vậy mà sang “thế giới thứ nhất” là chẳng liên quan gì luôn. Ở đây không ai biết tới Vinamilk hay Cà phê Trung Nguyên, chỉ toàn những cái tên lạ hoắc như Target, Costco, Wendy rồi Geico… Nhớ có một lần thầy giáo cho bài tập thảo luận về một sản phẩm có tên Sodastream, trong khi các bạn người Mỹ đang phát biểu ầm ầm thì mình vẫn phải cặm cụi tìm hiểu xem nó là cái gì, rồi hỏi lại người ta xem cái máy đó tính năng thế nào, thường ai dùng, dùng ra làm sao. Một hồi mới biết hóa ra nó là máy chuyển nước lọc thành nước có ga và thường chỉ trẻ con thích uống nước kiểu này thôi. Vò đầu bứt tai, công nhận cái này “quê” mình không có thật”, Hương chia sẻ.
Để “giải ngố” cho bản thân, Hương quyết tâm học hỏi bằng cách đi siêu thị và lượn lờ shopping. “Đi siêu thị mới biết họ ăn gì, uống gì, mặc gì và dùng đồ như thế nào. Thế rồi cách bán hàng, trưng bày và đóng gói bao bì cũng rất khác so với ở nhà. Có lần mình đang lưỡng lự không biết mua lọ dầu gội đầu nào thì có chị tới tươi cười nói, “Em cứ mua đi, kể cả dùng thử rồi mà không thích cứ mang trả lại.” Thế nên, mua hàng ở Mỹ thì yên tâm lắm”, Hương nói.
Hương bảo, lấy điểm A ở Mỹ không khó lắm, chỉ cần tích cực phát biểu trên lớp và về nhà chăm đọc sách, ôn bài là ổn. Biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, Hương vẫn còn dư thời gian để đi mua sắm, lượn phố, tham gia các sự kiện và hoạt động tình nguyện.
“Năm vừa rồi, dù cuộc sống và học hành cũng bận rộn, nhưng mình vẫn sắp xếp được để “phủ sóng” trên các hội nhóm học IELTS, thực hiện video, các lớp học IELTS miễn phí, xây dựng trang web học IELTS riêng. Khi làm những việc này, mình cũng chỉ nghĩ là ngoài kia hẳn cũng có những cô gái như mình ngày xưa, cặm cụi học tiếng Anh và mơ tới ước mơ du học”, Hương chia sẻ.
Kim Minh

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Cải thiện việc giao tiếp trong gia đình DN661_GD170616_Cai-thien

Giao tiếp tốt là chìa khóa cho bất kỳ mối quan hệ nào. Giao tiếp trong gia đình còn đặc biệt quan trọng ở chỗ giúp thiết lập cách mà mọi người tương tác với những người khác trong xã hội. Cải thiện giao tiếp trong gia đình có thể củng cố các mối quan hệ, giúp các thành viên gần gũi nhau hơn. Hãy kết hợp những lời khuyên sau đây để mở cánh cửa giao tiếp hiệu quả trong gia đình của bạn.

ĐIỀU NÊN LÀM

  • Trước khi nói chuyện với một thành viên gia đình, nhất là khi bạn đang tức giận, hãy cố gắng kềm nén cảm xúc. Xác định rằng mục đích của bạn là thông cảm, thấu hiểu với họ. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hơn cho sự tương tác, đáp ứng được nhu cầu giữa đôi bên.
  • Dành thời gian giao tiếp, bày tỏ lòng cảm kích với các thành viên gia đình mỗi ngày. Điều này có thể đơn giản giống như một câu ghi chú cảm ơn. Chủ động thể hiện sẽ mang ý nghĩa tích cực, giúp các thành viên gia đình gắn bó với nhau hơn.
  • Khi dành thời gian để lắng nghe bạn đời, con cái của mình, họ càng thêm cảm thấy mình được yêu thương, đánh giá cao. Bạn có thể hỏi về ngày làm việc, học hành hoặc cảm giác của họ về một chủ đề nào đó đồng thời hãy tỏ ra quan tâm lắng nghe điều họ nói. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được những tâm tư, tình cảm của các thành viên trong nhà.
  • Một trong những kỹ năng giao tiếp khó nhất là thể hiện chính mình một cách trung thực, với lòng bao dung, nhất là khi bạn tức giận. Khi thể hiện những cảm xúc khó khăn, các tuyên truyền viên tích cực luôn biết cách thay đổi cảm xúc của họ, thay vì cho phép những cảm xúc tiêu cực lấn át mối tương tác.

DN661_GD170616_Cai-thien

ĐIỀU CẦN TRÁNH

  • Sử dụng những ngôn ngữ có tính công kích. Khi giao tiếp với những người thân yêu, cần chú ý đến tông giọng. Giao tiếp với giọng nói công kích chỉ khiến người khác có tâm lý phòng thủ, khiến họ có xu hướng từ chối điều bạn đang nói. Tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh, điềm đạm sẽ giúp họ nhận và nắm bắt được thông điệp của bạn.
  • Để cảm xúc lấn át. Một trong những điều tệ hại nhất bạn có thể làm là nói điều tiêu cực với một người thân yêu trong khi tức giận. Vậy nên, hãy hít vài hơi thở, chờ cho đến khi bình tĩnh trở lại mới phản ứng. Phản ứng sau vẫn tốt hơn thay vì nói điều gì bất lợi ngay lúc đó.
  • Đổ lỗi hay xấu hổ. Chúng ta có xu hướng đổ lỗi, xấu hổ khi thất vọng hay tức giận. Những lời bình luận như “Em/anh gây nên điều này” hay “Em/anh cần hiểu rõ hơn”, chỉ gây tổn thương cho việc giao tiếp. Bày tỏ những cảm xúc theo một hướng tích cực hơn, như “Em/anh bực mình bởi vì…” là cách hiệu quả hơn để giao tiếp những cảm xúc, nhu cầu của bạn đối với những người thân yêu.
  • Quên đi việc hỏi thăm. Một tiếp cận chủ động sẽ được yêu cầu cho các ý kiến và phản hồi. Sự quan tâm của bạn đến ý kiến của mọi người sẽ được đánh giá cao, bạn sẽ có được những công cụ cần thiết để cải thiện việc giao tiếp trong tương lai.
Thùy Như theo Expertbeacon.com (DNSGCT)

Tham nhũng quyền lực


TBKTSG) - Nói đến tham nhũng phần đông mọi người nghĩ ngay đến tiền - vàng - đô la, những món có thể trao tay nhanh chóng dễ dàng. Chính vì thế mới có người đề nghị từ nay chỉ in tiền có mệnh giá nhỏ, dưới 20.000 đồng như một biện pháp chống tham nhũng!
Tuy nhiên, chính tham nhũng quyền lực mới là một dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất và cũng khó chống nhất.
Trong các vụ việc cha bổ nhiệm con hay nói cho đúng cha tạo điều kiện để con được bổ nhiệm vào những vị trí rồi cũng có quyền lực thì dù cho có đúng quy trình, dù luật pháp chưa lường hết để ngăn chặn thì các vụ việc như thế chính là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực.
Cán bộ nhà nước, ở bất kỳ cương vị nào, cũng được Nhà nước trao cho một số quyền lực để hành xử chức trách Nhà nước giao phó. Bất kỳ ai lạm dụng cái quyền lực đó để tư lợi, sử dụng cái quyền lực đó không cho công việc mà cho chính bản thân mình hay gia đình mình, người đó đang tham nhũng quyền lực.
Và trong thực tế đâu chỉ có chuyện lạm dụng quyền lực một cách trực tiếp, dễ bị phát hiện. Cảnh sát giao thông thổi phạt người vi phạm luật giao thông nhưng bỏ túi vài trăm ngàn chứ không lập biên bản là một dạng tham nhũng quyền lực cò con, dễ bị phát hiện. Phức tạp hơn sẽ có sự đổi chác để quyền lực được ban phát cho một bên nhìn qua thì không hưởng lợi gì nhưng sẽ được đổi lại để từ một nơi khác quyền lực lại ban phát một cách “vô hại”. Hai cái “vô hại” như thế rồi sẽ tự “cân đối” lợi ích cho nhau - từ đó mới đẻ ra nhóm lợi ích!
Chính vì thế con đường cha bổ nhiệm cho con chỉ là một bước trên đại lộ tham nhũng quyền lực gián tiếp; nó có thể đơn giản là số cổ phiếu được chia hay quyền mua cổ phiếu, quyền mua căn hộ, đến phức tạp hơn một chút là dàn xếp học bổng cho con cái đi học ở các trường đắt tiền ở nước ngoài. Từ đó đến có tên trong các danh sách như kiểu hồ sơ Panama đâu có gì là xa.
Tình trạng tham nhũng này ai cũng thấy, ai cũng lên tiếng tỏ rõ quyết tâm muốn dẹp. Giải pháp cũng có nhiều, kể cả chuyện in tiền mệnh giá nhỏ... Nhưng kết quả cụ thể chưa được bao nhiêu trừ một số vụ được phát hiện gần đây.
Con đường đơn giản nhất để chống lại tham nhũng nằm ngay trong khái niệm đưa ra ở đầu bài: quyền lực. Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực.
Nhưng Nhà nước cũng không thể vận hành nếu không trao quyền cho cán bộ để thay mặt Nhà nước mà hành xử. Vì thế con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực - tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía. Thứ nhất phải loại bỏ hết mọi “ngoại lệ”, tức dùng các biện pháp không có trong hệ thống luật pháp để can thiệp vào sự vận hành của bộ máy công quyền. Hiện nay tính song trùng của bộ máy tạo ra những khe hở mang tính can thiệp như thế và làm vô hiệu hóa các công cụ kiểm soát luật định.
Thứ hai phải hiểu vai trò giám sát của người dân thông qua báo chí không phải là chuyện muốn thì làm, không muốn thì gia giảm. Đó là một cơ chế mà nhân loại đã dày công xây dựng thì phải để nó phát huy tác dụng.
Tính giám sát lẫn nhau của, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội chất vấn việc bổ nhiệm sai luật; bên tòa án không màng đến sự can thiệp của ông chủ tịch tỉnh để vẫn xử công minh một ông phó chủ tịch tham ô... phải được tôn trọng. Các chỉ đạo loại như thủ trưởng cơ quan hành chính bảo bên tòa phải xử mạnh tay vào là hỏng cái tính giám sát lẫn nhau đó.
Tinh thần của kiểm soát quyền lực nói cho cùng là sự bắt buộc của một cơ chế, trong đó từ cấp cao nhất tự đặt mình dưới những ràng buộc giúp bản thân mình và bộ máy bên dưới có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử chứ không phải chỉ dựa vào đạo đức của người đứng đầu.