Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Đóa hoa can trường


Hồng Phúc
(TBKTSG - Người được gọi thân ái là “mẹ” của nhân dân Myanmar, bà Aung San Suu Kyi được biết đến từ lâu với giải Nobel Hòa bình 1991 nhưng ít có tài liệu nào miêu tả bà như một con người với đầy đủ các góc cạnh của một người vợ, người mẹ, người phụ nữ và trên hết là một con người bình thường, phải vượt qua mọi điều không mong muốn, chiến thắng nỗi sợ hãi và trăn trở với các lựa chọn.
Gần đây, cuốn sách tranh tiểu sử "Aung San Suu Kyi - Sợ hãi và tự do" (*) được nhà báo, nhà nhiếp ảnh Christophe Loviny - người đã có hơn 30 năm làm việc ở khu vực Đông Nam Á và Myanmar - xuất bản đã nhận được sự chú ý bởi nó gợi mở suy nghĩ về hành trình đến với dân chủ và tự do của loài người.
Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin về cuộc đời Aung San Suu Kyi với nhiều bức ảnh quý giá về hành trình cùng những lời nhận xét của người thân, bạn bè và các nhân vật nổi tiếng về bà, và đặc biệt là phần phụ lục về các mốc lịch sử của Myanmar. Dấu mốc định mệnh của đời bà, khi từ nước Anh trở về Yangon thăm mẹ bị ốm, người con gái 43 tuổi của Đại tướng Aung San đã bị thuyết phục rằng bà phải đứng lên lãnh đạo cuộc cách mạng phi bạo lực, đưa nhân dân ra khỏi sự độc tài và đói nghèo dưới chính quyền quân sự.
Lần trở về đó là lần đầu tiên Aung San Suu Kyi nói chuyện với gần một triệu người dân Myanmar dưới chân chùa vàng Shwedagon, trái tim của Miến Điện, và đó cũng là lần đầu tiên nhân dân cảm thấy làn gió tự do bắt đầu thổi sau nhiều thập kỷ. Bà ngay lập tức trở thành thủ lĩnh và nguồn cảm hứng của người dân vốn đã im lặng và bị đàn áp suốt 26 năm dưới chế độ độc tài.
Trải qua rất nhiều khó khăn, bị phe đối lập giam lỏng tại gia, cách ly gia đình, chiến đấu với những tháng ngày khó khăn về tinh thần và vật chất, đến tận năm 2010 bà mới được trả tự do. Ở tuổi 65 bà xuất hiện rạng rỡ như những bông hoa cài lên mái tóc. Tờ Times đặc tả “nhiều người đã đợi chờ và khóc, trong chừng 10 phút Aung San Suu Kyi không thể làm gì ngoài việc trầm mình trong tiếng cổ vũ của đám đông”.
Số phận của một người được quyết định hoàn toàn bởi hành động của người đó. Tặng vật trân quý nhất đối với mỗi cá nhân và đất nước là “bhaya” - không khiếp sợ, không chỉ là sự can đảm bề ngoài thông thường mà là sự vắng bóng của nỗi sợ trong tâm.
AUNG SAN SUU KYI
Nhiều người phương Tây tự hỏi không hiểu từ đâu mà người phụ nữ nhỏ bé Aung San Suu Kyi có thể vượt qua những hy sinh cực nhọc nhiều năm để chữa lành vết thương cho đất nước. Có một lần bà đã nói: “Nếu như tôi đã bắt đầu dung dưỡng lòng hận thù vào những con người đã giam cầm mình thì ngay lúc đó tôi đã tự đánh gục mình”. Hillary Clinton nhận xét rằng có lẽ đó là kết quả của quá trình tu tập dài lâu, không ngừng gieo cấy từ tâm và không bao giờ để hận thù và nỗi sợ dẫn dắt hành vi. Đây cũng là điểm chung giữa bà và Nelson Mandela, cả hai đều nổi bật ở đức tính khoan hòa, tinh thần độ lượng và ý chí không gì lay chuyển được.
“Số phận của một người được quyết định hoàn toàn bởi hành động của người đó. Tặng vật trân quý nhất đối với mỗi cá nhân và đất nước là “bhaya” - không khiếp sợ, không chỉ là sự can đảm bề ngoài thông thường mà là sự vắng bóng của nỗi sợ trong tâm”, Aung San Suu Kyi viết trong tiểu luận “Vô úy” của mình.
Không phải quyền lực khiến con người tha hóa mà chính là nỗi sợ. Nỗi sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa kẻ nắm quyền lực và nỗi sợ bị quyền lực áp bức làm tha hóa những ai nằm dưới ách quyền lực. Trong một hệ thống chối bỏ sự hiện diện những quyền con người cơ bản, nỗi sợ có xu hướng trở nên phổ quát. Trong nhiều năm người dân vốn hiền hậu và khoan hòa đã luôn lo sợ khi mà thân phận họ như “nước trong bụm tay” của kẻ nắm quyền lực. Không mấy ngạc nhiên là trong bất kỳ xã hội nào, khi nỗi sợ lan tỏa, sự tha hóa dưới mọi hình thức cũng theo đó sinh sôi.
(*) Aung San Suu Kyi - Sợ hãi và tự do, Đỗ Hùng dịch, NXB Hồng Đức.