Diễm Trang
(TBKTSG) - Ngày 21-6-1929, Sài Gòn bừng lên cuộc tiếp đón một vĩ nhân đến từ Ấn Độ: Rabindranath Tagore.
Một quốc gia đương nhiên sẽ nghênh tiếp nhiều chính khách và quan chức trong nhiều thời điểm khác nhau. Song, vượt ra khỏi những nghi thức ngoại giao, Tagore nằm trong số ít những nhân vật được toàn dân chào đón, đặc biệt là tầng lớp trí thức.
Báo Phụ nữ Tân văn miêu tả lại không khí ấy vô cùng sống động: “Dân thành phố Sài-gòn cả Tây lẫn ta và đông đảo người Ấn Độ nghinh tiếp tiên sinh rất là trọng thể. Khi tàu cập bến, có quan chánh văn phòng trên phủ Thống Đốc thay mặt chánh phủ và ông Béziat, Đốc Lý Sài-gòn cùng nhiều quan chức nghinh đón, đều lên tàu chào mừng tiên sinh. Người mình lâu nay ước mong được chiêm ngưỡng dung nhan một nhà đại thi hào, thì hôm nay dân Sài-gòn đã toại nguyện...”. Báo La Tribune Indochinoise còn tổ chức một cuộc mít tinh trọng thể để chào mừng nhà thơ đoạt giải Nobel văn chương đầu tiên của châu Á.
Cuộc viếng thăm của Tagore tuy ngắn ngủi nhưng đầy ấn tượng và đọng lại dư âm đến vài chục năm sau.
Giở lại báo chí ngày ấy, một điều thú vị là các mối quan tâm của đại chúng về Tagore không khác thời đại chúng ta là mấy, dù có một khoảng cách xa về hình thức truyền thông. Tựu trung, người ta cũng quan tâm đến mấy vấn đề như Tagore ở đâu, đi đâu, làm gì, mặc gì, uống gì trong ba ngày ở hòn ngọc Viễn Đông.
Các hoạt động và thần thái của Tagore ở Sài Gòn được miêu tả rõ nét nhất trên báo Thần Chung(số ra ngày 23-6-1929) và Phụ nữ Tân văn (số ra ngày 27-6-1929 và 4-7-1929). Riêng Phụ nữ Tân văn và Nha Thương cuộc của ông bà Nguyễn Đức Nhuận còn có vinh dự đón tiếp Tagore vào sáng Chủ nhật ngày 23-6. Những ký giả ở tòa soạn Phụ nữ Tân văn có đưa cho Tagore xem số báo có đăng “chơn dung” ông trước đó và phát hiện ra là “những bức ảnh đã đăng trong các báo xưa này còn kém xa cái nét tươi ở gương mặt, cái tinh thần ở đôi mắt, dường như có hào quang sáng rực ở con người có “tiên phong đạo cốt” ấy”.
Ngoài việc đến thăm tòa soạn Phụ nữ Tân văn, ông còn trả lời phỏng vấn của ký giả Lê Trung Nghĩa và “chịu khó” ngồi làm mẫu để người ký giả này vẽ chân dung bằng chì than trên giấy trắng khổ 50x65 cen ti mét (bức tranh có chữ ký Tagore ở một bên góc hiện nay vẫn được gia đình nữ sĩ Ái Lan lưu giữ). Các hoạt động khác của Tagore là: viếng mộ Lê Văn Duyệt, đi thăm nhà in của ông Nguyễn Văn Của, viếng chùa Bà ở Chợ Lớn, đền Ấn giáo Sri Thendayutthapani ở đường Tôn Thất Thiệp, thăm trường mỹ thuật Biên Hòa...
Nhân dịp này, ông dự lễ khai trương Viện tàng thơ Murugananda Vasagasala và buổi đón tiếp của Thống đốc Pierre Pasquier. Một hoạt động khác mà ông thường xuyên thực hiện khi công du các nước là diễn thuyết thì rất tiếc lại bất thành. Cuộc diễn thuyết tại nhà hát Thành Xương đã không diễn ra như dự định vì những lý do tế nhị.
Về trang phục, Tagore quả thật am hiểu tâm lý ngoại giao khi xây dựng cho mình hình ảnh “một bực lão thành đạo mạo” hợp cách An Nam với mũ nhung đen, áo dài trắng. Nhà thi sĩ “dệt nên những câu cẩm tú” và có giọng nói “như tiếng đờn” ấy còn mua một món “hàng hóa Bắc kỳ” là chiếc áo gấm bông bạc. Độc đáo hơn, ông đã kịp đặt may một chiếc áo dài An Nam và mua thêm hai cái khăn đóng. “Thì ra nhà thi hào Ấn Độ ưng ý cái lối quốc phục của mình, cho nên sắm một bộ y phục An-nam để mặc và làm kỷ niệm” - Phụ nữ Tân văn bình luận.
Một yếu tố khác được nhiều người quan tâm là Tagore lưu trú ở đâu. Đại thi hào đã nghỉ tại khách sạn Continental trên đại lộ Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1). Khách sạn được xây dựng từ cuối thế kỉ 19 này, sau vinh dự được đón tiếp Tagore, đã có duyên nợ với một số tác giả lớn khác như nhà văn André Malraux (tác giả Số phận con người), nhà văn Graham Greene (tác giảNgười Mỹ trầm lặng) và nhiều ký giả đến từ Âu, Mỹ. Ngoài ra, ông còn lưu lại ở một nhà nghỉ tại đường Barbet (nay là đường Lê Quý Đôn, quận 3).
Hầu như không có tài liệu nào nói ông dùng món ăn gì, chỉ đề cập đến việc ông muốn uống nước dừa thay rượu champagne tại nhà ông Nguyễn Văn Của.
Ông sẵn sàng ngồi hỏa xa hay lênh đênh trên tàu thủy từ nước này sang nước khác để diễn thuyết, đấu tranh cho tự do nhân quyền, hòa bình và hợp nhất tôn giáo của Ấn Độ cũng như các nước chưa phát triển cho đến hơi thở sau cùng.
|
Nhưng vượt lên những hoạt động, những biểu hiện mang tính hình thức, điều đáng quan tâm là ý nghĩa sâu xa mà cuộc viếng thăm mang đến.
Như chúng ta đã biết, Tagore là thiên tài trong nhiều lĩnh vực. Ông được ví như một trong “tam vị nhất thể” thời cận hiện đại của Ấn Độ (cùng với Nehru, Gandhi). Cho đến nay, những gì mà Tagore đã đóng góp cho nhân loại và nhân dân Ấn Độ vẫn là vầng hào quang chói lọi ít ai bì kịp.
Điều khiến Tagore trở thành một trong những nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ là xác lập rõ hai mục tiêu cơ bản: thánh hiến trọn vẹn cho Thượng Đế và phụng hiến nhiệt tình cho thế gian mà người đã tạo ra; hay nói cách khác, Tagore đã hợp nhất tôn giáo và con người thành một thể thống nhất để phụng sự một cách tận tụy.
Với một trí thức tầm cỡ như Tagore, việc nâng cao dân trí là mục tiêu tất yếu và lâu dài. Ông là một trong những người tiên phong về chủ trương đổi mới giáo dục ở Ấn Độ. Bản thân ông cũng là minh chứng cho sự tự học. Học để sáng tạo và vươn tới tầm cao của chân lý, học để làm chủ bản thân và thế giới, học để hành chứ không phải để bị bó nghẹt kiểu “lồng chim”, “giày Tàu”.
Tagore chú trọng đặc biệt đến sự tự do phát triển cá tính, tinh thần và trí tuệ của học sinh. Để có thể hiện thực hóa ước mơ về một mô hình giáo dục lý tưởng vốn được khơi nguồn từ ký ức tuổi thơ của Tagore, tịnh xá Santiniketan đã ra đời trên một khuôn viên rất đẹp và rộng rãi ở Bengal từ năm 1863. Khởi đầu với năm học sinh mồ côi, đến năm 1901, Tagore đã phát triển Santiniketan thành trường đại học tầm cỡ quốc tế, với nhiều khu nhà liên hợp, mỗi khu lại có nhiều tòa nhà khác nhau. Ông sẵn sàng ngồi hỏa xa hay lênh đênh trên tàu thủy từ nước này sang nước khác để diễn thuyết, đấu tranh cho tự do nhân quyền, hòa bình và hợp nhất tôn giáo của Ấn Độ cũng như các nước chưa phát triển cho đến hơi thở sau cùng.
Vì nhiệt huyết đó nên tên tuổi Tagore đi đến đâu thì nức lòng người đến đấy. Ông được các nhà trí thức Việt Nam trân trọng vì tài năng, nhân cách, trí tuệ, tư tưởng, hành động; và vì đặc thù của nơi chốn mà ông sinh trưởng ít nhiều tương đồng với hoàn cảnh của Việt Nam. Trong tình hình nước Việt lắt lay dưới chế độ thực dân, nhân dân đói khổ và mù chữ, tầng lớp trí thức lạc loài vô phương hướng thì nhân cách toàn cầu và hào khí Tagore thực sự đem đến một luồng gió mới, một ước vọng cho tương lai dân tộc. Thậm chí, nhiều chí sĩ Việt không có dịp chiêm yết Tagore vẫn bị thu hút bởi sự kiện lớn này. Đáng quý hơn cả là, họ biến lòng ngưỡng vọng Tagore thành những hoạt động thiết thực. Trí Đức học xá do nhà trí thức - nhà thơ Đông Hồ xây dựng ở Hà Tiên dựa theo mô hình của Santiniketan là một ví dụ.
Dư âm của cuộc viếng thăm đó khiến ba mươi năm sau ngày Tagore ghé thăm Việt Nam, ông K.E. Kripalani - thư ký Hàn lâm viện Ấn Độ - phải lặn lội sang Việt Nam để tìm tài liệu và dấu vết của bậc vĩ nhân. Nhà thơ Đông Hồ được giao nhiệm vụ tiếp đón ngài Kripalani tại Yễm Yễm Thư Trang. Trong buổi nói chuyện thân mật, Đông Hồ đã chép tay bài “Lời cầu nguyện” (do ông dịch từ bài 36 của tập Thơ dâng) trên quạt giấy riêng tặng cho Kripalani “để làm duyên văn hóa”. Nhà thơ xứ Hà Tiên còn chép thêm bài thơ dịch số 35 là “Quê hương nhân loại” trên bức dó hòe long phượng gửi tặng Hàn lâm viện Ấn Độ. Mối giao hảo đẹp đó lại một lần nữa nhắc nhớ sự hiện diện của Tagore trên đất Việt.
Nhìn lại cuộc viếng thăm Sài Gòn cách đây 87 năm của Tagore để thấy rằng một sự xuất hiện có thể làm nức lòng cả dân một nước không phải chỉ thời nay mới có. Và không một địa vị xã hội, một uy quyền nào có thể khiến hàng ngàn con người tình nguyện đội mưa đội nắng, thậm chí vượt cả hàng trăm cây số để nhìn thấy một điều gì đó hay hòa vào nghi lễ đám rước. Chỉ nhân cách, sự am hiểu văn hóa và lòng phụng hiến tận tụy cho sự phát triển con người mới có thể tạo ra sức lan tỏa sôi nổi như vậy. Và qua đó, chúng ta cũng cảm nhận được sự nhạy bén, hấp dẫn trong cách thức đưa tin của báo chí Việt Nam ngày trước.