TBKTSG) - Nói đến tham nhũng phần đông mọi người nghĩ ngay đến tiền - vàng - đô la, những món có thể trao tay nhanh chóng dễ dàng. Chính vì thế mới có người đề nghị từ nay chỉ in tiền có mệnh giá nhỏ, dưới 20.000 đồng như một biện pháp chống tham nhũng!
Tuy nhiên, chính tham nhũng quyền lực mới là một dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất và cũng khó chống nhất.
Trong các vụ việc cha bổ nhiệm con hay nói cho đúng cha tạo điều kiện để con được bổ nhiệm vào những vị trí rồi cũng có quyền lực thì dù cho có đúng quy trình, dù luật pháp chưa lường hết để ngăn chặn thì các vụ việc như thế chính là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực.
Cán bộ nhà nước, ở bất kỳ cương vị nào, cũng được Nhà nước trao cho một số quyền lực để hành xử chức trách Nhà nước giao phó. Bất kỳ ai lạm dụng cái quyền lực đó để tư lợi, sử dụng cái quyền lực đó không cho công việc mà cho chính bản thân mình hay gia đình mình, người đó đang tham nhũng quyền lực.
Và trong thực tế đâu chỉ có chuyện lạm dụng quyền lực một cách trực tiếp, dễ bị phát hiện. Cảnh sát giao thông thổi phạt người vi phạm luật giao thông nhưng bỏ túi vài trăm ngàn chứ không lập biên bản là một dạng tham nhũng quyền lực cò con, dễ bị phát hiện. Phức tạp hơn sẽ có sự đổi chác để quyền lực được ban phát cho một bên nhìn qua thì không hưởng lợi gì nhưng sẽ được đổi lại để từ một nơi khác quyền lực lại ban phát một cách “vô hại”. Hai cái “vô hại” như thế rồi sẽ tự “cân đối” lợi ích cho nhau - từ đó mới đẻ ra nhóm lợi ích!
Chính vì thế con đường cha bổ nhiệm cho con chỉ là một bước trên đại lộ tham nhũng quyền lực gián tiếp; nó có thể đơn giản là số cổ phiếu được chia hay quyền mua cổ phiếu, quyền mua căn hộ, đến phức tạp hơn một chút là dàn xếp học bổng cho con cái đi học ở các trường đắt tiền ở nước ngoài. Từ đó đến có tên trong các danh sách như kiểu hồ sơ Panama đâu có gì là xa.
Tình trạng tham nhũng này ai cũng thấy, ai cũng lên tiếng tỏ rõ quyết tâm muốn dẹp. Giải pháp cũng có nhiều, kể cả chuyện in tiền mệnh giá nhỏ... Nhưng kết quả cụ thể chưa được bao nhiêu trừ một số vụ được phát hiện gần đây.
Con đường đơn giản nhất để chống lại tham nhũng nằm ngay trong khái niệm đưa ra ở đầu bài: quyền lực. Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực.
Nhưng Nhà nước cũng không thể vận hành nếu không trao quyền cho cán bộ để thay mặt Nhà nước mà hành xử. Vì thế con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực - tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía. Thứ nhất phải loại bỏ hết mọi “ngoại lệ”, tức dùng các biện pháp không có trong hệ thống luật pháp để can thiệp vào sự vận hành của bộ máy công quyền. Hiện nay tính song trùng của bộ máy tạo ra những khe hở mang tính can thiệp như thế và làm vô hiệu hóa các công cụ kiểm soát luật định.
Thứ hai phải hiểu vai trò giám sát của người dân thông qua báo chí không phải là chuyện muốn thì làm, không muốn thì gia giảm. Đó là một cơ chế mà nhân loại đã dày công xây dựng thì phải để nó phát huy tác dụng.
Tính giám sát lẫn nhau của, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội chất vấn việc bổ nhiệm sai luật; bên tòa án không màng đến sự can thiệp của ông chủ tịch tỉnh để vẫn xử công minh một ông phó chủ tịch tham ô... phải được tôn trọng. Các chỉ đạo loại như thủ trưởng cơ quan hành chính bảo bên tòa phải xử mạnh tay vào là hỏng cái tính giám sát lẫn nhau đó.
Tinh thần của kiểm soát quyền lực nói cho cùng là sự bắt buộc của một cơ chế, trong đó từ cấp cao nhất tự đặt mình dưới những ràng buộc giúp bản thân mình và bộ máy bên dưới có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử chứ không phải chỉ dựa vào đạo đức của người đứng đầu.