Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Mẹ bác sĩ Minh dạy con: với người lớn tuổi phải dạ, thưa

TTO - Trước sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc về bác sĩ Trần Hoàng Minh, 29 tuổi, quốc tịch Mỹ, hiện đang làm tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp (TP.HCM), Tuổi Trẻ đã trò chuyện với bác sĩ Minh và bác sĩ Phạm Hữu Quốc, giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp.

Từ bỏ giàu sang về khám bệnh ở quê nhà

Mẹ bác sĩ Minh dạy con: với người lớn tuổi phải dạ, thưa
Bác sĩ Minh (giữa) cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện quận Gò Vấp trao đổi một ca bệnh - Ảnh: Hải Hiếu
Sáng 31-5, ngay sau khi đọc được thông tin có buổi trò chuyện trực tiếp này, ông Nguyễn Xuân Hân (72 tuổi) và ông Vũ Bá Luân (67 tuổi), cùng ngụ ở P.6, Q.Gò Vấp, đã tìm đến Bệnh viện Q.Gò Vấp để gặp được bác sĩ Minh, người mà hai ông rất mến mộ nhưng cũng đầy thắc mắc trong 
những ngày qua.
Bác sĩ tận tụy
“Tôi ít thấy bác sĩ nào như thế!” - ông Vũ Bá Luân khẳng định như vậy. Ông Luân cho rằng một người đến bệnh viện khám bệnh mà gặp được một bác sĩ tận tình như bác sĩ Minh sẽ thấy đỡ bệnh được rất nhiều.
Bác sĩ Trần Hoàng Minh còn rất trẻ, thế mà lại có nhận thức, tinh thần, thái độ như vậy là rất đáng trân trọng. Theo ông, bác sĩ Minh là một tấm gương và sau này sẽ có nhiều 
người học hỏi theo.
Còn ông Nguyễn Xuân Hân chia sẻ: “Tôi tự hỏi tại sao lại có một người sẵn sàng bỏ giàu sang về quê hương phục vụ người dân”.
Cũng trong buổi sáng nay, ba của Minh, ông Trần Minh Bình, 54 tuổi, mới từ Mỹ về Việt Nam cũng tìm đến Bệnh viện Q.Gò Vấp thăm nơi con trai ông đang làm việc. Ông nói từ khi về Việt Nam làm việc, Minh ốm đi nhiều, vợ ông chỉ lo lắng về sức khỏe của Minh.
Ông cũng kể rằng trước khi Minh về Việt Nam thăm bà nội, Minh đã được một bệnh viện bên Mỹ nhận vào làm việc. Ai ngờ sau một chuyến thăm bà nội, Minh quay lại Mỹ nói với ba mẹ: “Con thấy tại Việt Nam rất cần bác sĩ, bệnh nhân rất đông mà điều kiện y tế còn nhiều khó khăn nên con muốn cống hiến những kiến thức học ở nước ngoài cho người dân ở quê hương”.
Lúc đầu vợ chồng ông cũng bất ngờ nhưng nhanh chóng hiểu và tôn trọng 
quyết định của con.
“Gia đình đã giáo dục như thế nào để có được một Minh của ngày hôm nay?”, chúng tôi hỏi.
Ba Minh trả lời: Công đầu tiên phải kể đến là mẹ của Minh. Mẹ dạy Minh rất nghiêm khắc. Ngay từ nhỏ bà đã định hướng cho Minh phải trở thành một người tốt, phải nhớ đến cội nguồn nơi mình sinh ra. Mẹ dạy Minh học thuộc lòng những bài thơ về Tổ quốc, quê hương... Mẹ cũng dạy Minh khi nói với người lớn tuổi luôn phải có những từ “dạ, thưa...”.
Bà nói với Minh rằng: “Cách nói chuyện này sẽ thể hiện con tôn trọng người khác và khi nói chuyện như vậy con sẽ được người khác tôn trọng. Việc gì mình muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho 
người khác trước”.
Muốn giúp bệnh nhân, đóng góp cho đồng bào
Trong buổi trò chuyện, bác sĩ Minh chia sẻ là rất bất ngờ, cảm động và hân hạnh khi nhận được những lời động viên, khích lệ, những lời khen từ bạn đọc.
“Minh hi vọng sẽ có nhiều cơ hội để giúp các bệnh nhân cũng như cho bệnh viện, đóng góp cho đồng bào để đáp lại niềm mong muốn, đáp lại sự kỳ vọng mà bạn đọc đã dành cho mình” - bác sĩ 
Minh bày tỏ.
Trước băn khoăn của nhiều bạn đọc liệu những khó khăn về điều kiện làm việc tại Việt Nam có làm bác sĩ Minh chùn bước, quay về Mỹ, Minh kể: “Khi Minh mới về Việt Nam, người đầu tiên lo lắng về điều này chính là bác sĩ Quốc.
Nhưng Minh đã trả lời với bác sĩ Quốc rằng: “Thưa bác sĩ Quốc, khi con làm đơn xin nhập hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì con đã quyết tâm gắn bó với Việt Nam dù có khó khăn, con sẽ cố gắng hết mình”. Minh còn kể rằng bác sĩ Quốc và bệnh viện luôn tạo điều kiện cho Minh được làm việc một cách tốt nhất trong điều kiện hiện nay.
Tại buổi trò chuyện, bác sĩ Phạm Hữu Quốc cũng chia sẻ Bệnh viện Q.Gò Vấp rất may mắn khi có một bác sĩ như bác sĩ Minh, một bác sĩ đam mê với nghề và có nguyện vọng phục vụ đồng bào Việt Nam.
Ông tin tưởng với lòng đam mê nghề nghiệp của bác sĩ Minh đã đặt tại Bệnh viện Q.Gò Vấp, ban giám đốc bệnh viện luôn và sẽ hết lòng tạo điều kiện để đáp ứng một cách tốt nhất cho những người thầy thuốc và bệnh nhân.
Bác sĩ Quốc cũng “bật mí” một thông tin là hiện Bệnh viện Q.Gò Vấp đã làm hồ sơ gửi Phòng nội vụ của quận, Sở Nội vụ TP.HCM để đặc cách biên chế cho bác sĩ Minh trong thời gian tới.
Đặt bệnh nhân lên hàng đầu
“Tại Đại học Queensland (Úc), môn y đức là môn được coi trọng hàng đầu, cho dù các môn được 10 điểm hết nhưng môn y đức trượt thì sẽ bị rớt năm đó. Những trường đào tạo ngành y ở nước ngoài đặt nặng y đức.
Qua quá trình học, Minh ngày càng thấy địa vị của mình ngày càng thấp hơn so với bệnh nhân. Sau khi tốt nghiệp, Minh thấy mình ở dưới chân, bệnh nhân ở hàng đầu. Đặt địa vị của bệnh nhân là hàng đầu, đó là cách đào tạo ở nước ngoài và theo Minh đó là một cách suy nghĩ mà các bác sĩ trẻ nên có” - bác sĩ Trần Hoàng Minh cho biết.
Mẹ bác sĩ Minh dạy con: với người lớn tuổi phải dạ, thưa
Bác sĩ Nguyễn Phi Vân Cương - Ảnh: D.N.
Quyết định đúng khi về bệnh viện quận
“Nhiều người thắc mắc sao học ở nước ngoài rồi lại chọn về Việt Nam làm, lại còn về làm bác sĩ tại một bệnh viện quận? Nhưng với tôi đó là quyết định đúng” - bác sĩ Nguyễn Phi Vân Cương, hiện là trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM, đã chia sẻ.
Năm 1995, ba mẹ và em trai qua Mỹ định cư, một mình bác sĩ Cương ở lại Việt Nam tiếp tục theo học y khoa tại Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch bây giờ).
Đến năm 2000, bác sĩ Cương du học tự túc, xin vào làm ở Bệnh viện Highline Medical Center (Seattle, Washington, Mỹ) và tiếp tục những năm tháng làm bác sĩ nội trú tim mạch tổng quát. Tại đây, bác sĩ Cương được thầy hướng dẫn định hướng đi theo con đường can thiệp tim mạch.
Năm 2010, bác sĩ Cương lần đầu về lại Việt Nam và nộp đơn vào Bệnh viện Q.Thủ Đức.
“Tôi không chỉ được nhận mà còn được ban giám đốc bệnh viện cử tiếp tục đi học tại Viện Tim để quen cách làm việc tại Việt Nam. Sau đó, tôi được cử sang Bệnh viện Đại học quốc gia Đài Loan học hai năm và một năm tại Bệnh viện Detroit Medical Center (Michigan, Mỹ) - nơi có bệnh đa dạng về can thiệp tim mạch để làm và học hỏi”.
Tuy nhiên, khi về làm ở bệnh viện tuyến quận, bác sĩ Cương mới thấy tính đa dạng can thiệp tim mạch ở Việt Nam nặng hơn, nổi trội hơn nước ngoài rất nhiều, lượng bệnh nhân lại rất đông.
“Từ đó, tôi mới thấy chọn về tuyến quận là rất đúng về mặt chuyên môn. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ của ban giám đốc bệnh viện cho người trẻ phát triển, được học và cập nhật kiến thức liên tục là điều rất đáng quý. Nếu hỏi tôi gặp khó khăn gì khi về Việt Nam làm việc, tôi trả lời là không thấy trở ngại nào cả” - bác sĩ Cương chia sẻ.
DIỆU NGUYỄN
THÙY DƯƠNG