Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Di dời lư hương và góc nhìn từ trong tâm

Gia Tưởng 

(Dân Việt) Nếu đưa lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo đi chỗ khác, để làm cho thành phố đẹp hơn, văn minh và ngăn nắp hơn, người với người sống với nhau có thiện căn hơn, thì tôi tin là anh linh của Đức Thánh Trần cũng chẳng phản đối.

Quê tôi ở vùng Kinh Bắc. Từ thời phong kiến làng nào cũng có đình chùa. Khoảng 1955 đến 1985 rất nhiều chùa bị phá, để lấy gỗ xây kho hợp tác xã, xây trường học, xây cầu cống. Hay bị biến thành nơi nhốt trâu bò, đặt máy xát gạo...
Rất nhiều đình chùa đã từng bị phá bỏ, nay lại được người dân tự nguyện dựng lại. Người đi xa về, người sống ở trong làng, mỗi khi hội hè, đình đám đều ra đình, chùa của làng mình lễ. Để cầu mong sức khỏe và bình an trong tâm mình. Từ cụ già đến em nhỏ đi lễ rất trật tự, văn minh và có chiều sâu văn hóa.
Hiện tại Bắc Ninh là một trong những tỉnh có cuộc sống dễ chịu nhất cả nước, thu ngân sách 28.000 tỷ. Người già 70 tuổi mỗi tháng được 200.000 đồng, các nghệ nhân quan họ có tiền trợ cấp... Ngoài những yếu tố thuận lợi về địa lý để Bắc Ninh phát triển kinh tế thì phải thừa nhận rằng, đời sống tâm linh của người quê tôi rất am tường và hài hòa với cuộc sống thực tại, có tín mà không mê.
 di doi lu huong va goc nhin tu trong tam hinh anh 1
Lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo được dời đi từ ngày 17.2.
Cũng ở quê tôi, năm 1983 có một ông trưởng ban văn hóa xã, lúc đó ông đang phấn đấu được đứng trong hàng ngũ... Khi đó trụ sở UBND xã rất thiếu, nên đã mượn nhờ chùa thôn Dàn Chợ để làm nơi làm việc. Trong chùa có 2 pho tượng hộ pháp được đắp bằng đất và giấy bồi. Lúc đó ông trưởng ban văn hóa xã, thực hiện nếp sống mới, đã xung phong đập tượng để chứng minh ý chí phấn đấu của mình, đồng thời được thưởng gần tạ thóc. Ông đã dùng dao chém vào cổ ông tượng hộ pháp, pho tượng vỡ tung chảy ra rất nhiều tiền xèng bằng đồng...
Đập xong pho tượng ông đem toàn bộ hóa xuống ao gần UBND xã. Đúng một tuần sau, trên bắp tay cầm dao chém cổ tượng hộ pháp của ông trưởng ban văn hóa xã mọc lên một cái nhọt. Ông trưởng ban văn hóa từ đó đau đớn, không ngủ được, ít ngày sau thì chết - một cái chết vô cùng khó hiểu. Chưa hết, những người tham gia phụ giúp ông trưởng ban văn hóa xã, hóa pho tượng xuống ao, thời gian sau đều có những cái chết cũng khó hiểu không kém.
Nói những chuyện trong quá khứ lại nhớ đến việc quận 1, TP.HCM di dời lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo trong ngày 17.2.2019. Tôi không dám nói việc đó là đúng hay sai, vì trong các bộ luật của nước ta mà tôi đã từng tiếp cận thì chưa đề cập tới hành động đó. Nhưng là một công dân bình thường, tôi thấy rằng việc làm đó dường như đang đi ngược thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, ngăn cản sự bày tỏ lòng thành kính của nhân dân thông qua việc thắp hương tưởng nhớ một danh tướng yêu nước.
 di doi lu huong va goc nhin tu trong tam hinh anh 3
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Q.1, TP.HCM)
Anh hùng Trần Hưng Đạo đã được nhân dân ta suy tôn là Đức Thánh Trần, vì đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Bất cứ tượng của ngài ở đâu cũng xứng đáng có lư hương, để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn tới công lao của ngài đối với dân tộc Việt. Nếu đưa lư hương trước tượng của ngài đi chỗ khác, để làm cho thành phố đẹp hơn, văn minh và ngăn nắp hơn, người với người sống với nhau có thiện căn hơn, thì tôi tin là anh linh của Đức Thánh Trần cũng chẳng phản đối. Vì một con người đã hiển thánh thì lúc nào cũng mong muốn điều tốt đẹp đến cho dân tộc, nhân dân và non sông mình đã từng chiến đấu, bảo vệ.
Còn đưa lư hương của ngài đi, để nhằm đối phó với những điều vẩn vơ trong suy nghĩ, thì chỉ gây chia rẽ, nghi ngờ về tính vô tư của người lãnh đạo, thiếu tôn trọng, không thấu hiểu đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc và gây bức xúc cho người dân. Một thiệt hại không đo đếm được bằng kinh tế, nhưng lại bào mòn rất nhiều những thứ khác trong lòng dân.
Đứng dưới góc độ văn hóa, thì các cơ quan quản lý văn hóa của TP.HCM và cả Bộ VHTTDL cần phải điều tra xem việc đưa ra quyết định đưa lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo đi nơi khác có dấu hiệu xâm phạm di tích lịch sử, văn hóa hay không? Vì tượng đài Trần Hưng Đạo được người Việt xây dựng từ năm 1967. Và tất cả chúng ta đang thừa hưởng những di sản của người đi trước để lại. Và chúng ta chẳng bao giờ có quyền nghi ngờ tình yêu nước của những người dân khi đến thắp hương cho một vị anh hùng của dân tộc đã hiển thánh như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.


Di dời lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo về nơi tôn nghiêm

(ĐTTCO)-Chính quyền quận 1 (TPHCM) đã xin ý kiến UBND TPHCM thực hiện việc tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và sắp xếp lại khuôn viên tượng đài. Quận 1 cũng tổ chức di dời lư hương tại tường đài về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo để việc thờ cúng đảm bảo tôn nghiêm, trân trọng và thành kính.
Di dời lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo về nơi tôn nghiêm

Ngày 18-2, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến khẳng định, việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo (tại công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1) là theo kế hoạch, nhằm trang trí lại khu vực. Việc này cũng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân và du khách.
Theo bà Yến, việc thờ phụng ở công viên và nơi công cộng là chưa phù hợp với tâm linh của người Việt nên quận đã đưa lư hương vào Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1) để việc thờ phụng, dâng hương, dâng hoa được trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn.
“Một số người cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quan điểm của quận thì đây là việc rất bình thường và được nhiều bà con ủng hộ”, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến bày tỏ.
Được biết, công việc di dời lư hương đã được hoàn thành vào ngày 17-2. Dự kiến ngày 16 tháng Giêng (ngày 20-2), lư hương sẽ được đặt vào đúng vị trí ở Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) cũng khẳng định, việc di dời lư hương tại công trình tượng đài Trần Hưng Đạo là việc bình thường, thực hiện theo kế hoạch đã có trước đó.
Cụ thể, cuối tháng 7-2018, UBND quận 1 có văn bản xin chủ trương sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng trên địa bàn quận 1.
Sau khi có ý kiến tham mưu về chuyên môn, ngày 15-1-2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã có văn bản giao UBND quận 1 thực hiện việc tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng.
Sở VH-TT cũng được giao chủ trì, phối hợp, hướng dẫn về chuyên môn trong việc tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng theo quy định.
“Công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng hiện đã xuống cấp nên việc tu sửa, tôn tạo là cần thiết”, đại diện Sở VH-TT thông tin thêm với PV Báo SGGP vào chiều 18-2. Theo Sở VH-TT, việc này là vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo cảnh quan.
Tại khu vực này, không gian khá hẹp nên không thuận tiện cho việc đặt lư hương, thắp hương. Do đó, việc quận 1 di dời lư hương về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là phù hợp, đảm bảo tính tôn nghiêm, trân trọng và thành kính.
Mặc khác, trên địa bàn TPHCM có nhiều hình thức tôn thờ đối với các vị anh hùng của dân tộc. Đối với Đức thánh Trần Hưng Đạo, ngoài tượng đài (ở quận 1 và một số quận khác) còn có việc đặt tên đường Trần Hưng Đạo (đi qua địa bàn quận 1, quận 5).
Đặc biệt là Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (tại số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1). Ở đây, bên cạnh tượng đài, đền thờ còn có Nhà trưng bày lịch sử thời Trần cũng như về con người và sự nghiệp của Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Theo Sở VH-TT, tượng đài Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh (quận 1) được xây dựng trước năm 1975, bằng bê tông cốt thép - là chất liệu không bền vững. Tượng cao 4m, đứng trên bệ hình tam giác cao 12m, ốp đá màu nâu. 3 mặt đế tượng có 6 mảng phù điêu diễn tả các trận tiêu diệt giặc ngoại xâm. Hiện nay tượng đã xuống cấp.
Tương tự, tượng đài Thánh Gióng tại vòng xoay ngã 6 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 (thường gọi là ngã 6 Phù Đổng) cũng được xây dựng trước năm 1975, bằng chất liệu bê tông. Tượng đài và bệ tượng này cao 6m, lâu nay đã được quét sơn nhiều lần nhưng hiện cũng đã xuống cấp.
Mặc dù tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng có quá trình lịch sử hình thành gắn bó với người dân TPHCM, nhưng chưa được xếp hạng di tích và cũng không thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TPHCM (theo Quyết định 923/2017 của UBND TPHCM). Chính vì vậy, Sở VH-TT không quản lý tượng đài, khuôn viên và hạ tầng tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng nói riêng và nhiều tượng, tượng đài khác trên địa bàn TPHCM.
Trước sự xuống cấp của một số tượng đài, Sở VH-TT cũng kiến nghị UBND TP bố trí nguồn ngân sách của thành phố để tu sửa, tôn tạo các công trình tượng đài. Trước kiến nghị này, giữa tháng 1-2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã giao UBND các quận - huyện thực hiện việc quản lý, khảo sát, kiểm định và tu sửa, tôn tạo các công trình tượng đài trên địa bàn.
KIỀU PHONG - THU HƯỜNG