Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Nhật ký một chuyến đi xa của cố GS Phan Đình Diệu

Cố GS Phan Đình Diệu đã có ghi chép cẩn thận về một chuyến đi đáng nhớ trên đất Mỹ, trong giai đoạn đất nước bị cấm vận và dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài...

Lời toà soạnMột chuyến đi kéo dài 6 tuần (tháng 9-10/1980), tới 15 thành phố lớn, trình bày nghiên cứu và làm việc ở 14 trường ĐH Mỹ, 3 trường ở Canada và một số cơ quan nghiên cứu ở Pháp..., trong đó có nhiều buổi thuyết trình, trao đổi khoa học tại những nhóm nghiên cứu đỉnh cao thế giới ở Berkeley, MIT, Stanford, Havard…. Xúc động nhất khi xen giữa những cuộc làm việc đó là những cuộc gặp thân tình với những người bạn, những người đồng hương, cùng những tâm tư, trăn trở với tình hình đất nước của cố GS Phan Đình Diệu, một nhà khoa học giàu tâm huyết trước thềm Đổi mới.
Báo VietNamNet xin trích đăng những trang nhật ký này...
Nhật ký một chuyến đi xa của cố GS Phan Đình Diệu
GS Phan Đình Diệu tại ĐH Standford (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Ngày 14/9
9 giờ đêm. Máy bay đỗ xuống sân bay San Francisco. Đất liền nước Mỹ rồi. Kết thúc một chuyến bay vượt Thái Bình Dương. Nước Mỹ đến với tôi bằng một hình ảnh đầu tiên của một thành phố rực sáng trong đêm.
... Thao thức khó ngủ. 
Vâng, tôi đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác mà!
... Ngày 18/9
Đi lại Wescon/80. Hôm trước đi, vội vã nên chỉ mới xem qua loa. Đây là một trưng bày có tính chất thương mại những kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực sản xuất các máy móc, thiết bị xử lý thông tin và tính toán...
Tôi không phải là một chuyên gia kỹ thuật, nhưng mấy năm nay trên cương vị công tác của mình, tôi cũng cố vươn mắt nhìn tới những cái hiện đại, và đây chính là những thứ mà ta mong muốn.
Tôi biết rõ rằng từ khu Đồi Thông – Liễu Giai, nơi Viện tôi làm việc – và cũng có một phòng thí nghiệm về Vi tin học – đến Wescon/80 là cả một khoảng cách hàng thế kỷ. Nhưng dầu sao cũng vẫn có thể tìm một gạch nối. Gạch nối đó là gì, và ở đâu? Đó là một câu hỏi đáng được quan tâm một cách nghiêm túc. Từ bao lâu nay tôi chỉ mới thấy được một phần trong cái gạch nối đó, đó là sự nỗ lực của trí tuệ. Nhưng như vậy đã đủ chưa? Hẳn là chưa, dẫu rằng chỉ riêng sự nỗ lực của trí tuệ thôi cũng đã đòi hỏi không ít.
Ôi! Sức mạnh ghê gớm của khả năng sáng tạo của con người! Con người có thể mở đường đi lên các vì sao, và con người – với đôi mắt thần của mình – có thể nhìn thấu mỗi bước sóng, mỗi chấm hạt trong tận cùng cấu trúc của vật chất. Để rồi sáng tạo nên cả những thứ mà bản thân con người cũng phải giật mình kinh ngạc.
Đất nước thân yêu ơi! Giữa những đòi hỏi hàng ngày của miếng cơm tấm áo mà ta đang rất đỗi thiếu thốn đến cái thế giới của những tiến bộ kỹ thuật ghê gớm này, có con đường nào nhanh hơn mà ta có thể tìm được? Phải chăng một quan hệ xã hội tốt đẹp mà ta mong muốn chỉ có thể có được trong điều kiện một nền sản xuất phong phú, một sức mạnh khoa học kỹ thuật hiện đại? 
GS Phan Đình Diệu (1936-2018) - Nhà toán học, nhà khoa học máy tính nổi tiếng, được ghi nhận là người đặt viên gạch đầu cho sự phát triển của ngành tin học VN.
GS là người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học VN; đồng thời là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin VN)... 
Trong công tác xã hội, ông là Ủy viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN các khoá III, IV, V, VI, VII; nguyên Đại biểu Quốc hội VN khóa V, VI... Ông là người luôn có những phát biểu thẳng thắn và tâm huyết nhằm đóng góp vào sự đổi mới của đất nước. 
Ngày 19/9
Đến Stanford University, một ĐH nổi tiếng của Mỹ mà tôi từng biết tên và từng đọc nhiều công trình nghiên cứu...
Trường ĐH Stanford ở một khu rộng nằm về phía nam thành phố San-Francisco. Qua cổng trường là những khu rừng với nhiều cây to và bóng mát. Những ngôi nhà một tầng, hai tầng trải rộng và ẩn hiện trong màu xanh của cây cối. Không có những tòa nhà cao tầng với những dòng người đông đúc. Yên tĩnh, thoải mái. Không gian và môi trường ở nơi đây thật tuyệt diệu cho việc học hành và nghiên cứu.
Những khu nhà của các giáo sư là những biệt thự trong những khoảnh vườn đầy hoa và cây xanh.
Vào hiệu sách của trường. Sách cũng mênh mông và la liệt. Tìm sách thì dễ, nhưng làm sao mà mang về được đây!
Nhiều người nói với tôi là trình độ văn hóa trung bình của người Mỹ không cao lắm, có nhiều người Mỹ học xong trung học 12 năm mà thậm chí vẫn gần như “mù chữ”. Và sự hiểu biết của từng người Mỹ nói chung khá hẹp. Tôi không có điều kiện để thể nghiệm điều đó, nhưng giả sử là như vậy đi, thì quả thực từ những thành viên “hiểu biết hẹp” mà có được một nền sản xuất, một xã hội rất phát triển với kỷ luật chặt chẽ, hẳn phải có những tài năng và kinh nghiệm ghê gớm trong vấn đề quản lý và tổ chức. 
Nghe tin bão lụt lớn ở quê nhà, vùng Thanh Hóa. Tự nhiên ứa nước mắt. Ôi, quê hương lắm gian nan vất vả. Thiên nhiên cũng tàn nhẫn với đất nước ta lắm thay!
Nhật ký một chuyến đi xa của cố GS Phan Đình Diệu
Trước khi nghiên cứu về lý thuyết Tin học, GS Phan Đình Diệu đã làm tiến sỹ khoa học tại Nga về toán học kiến thiết. Các công trình trong Luận án TSKH của ông - trong đó có 6 bài báo đăng trên tạp chí vào hàng uy tín nhất ở Nga "Doklady Akademii Nauk" - được tập hợp thành một cuốn sách. Hội Toán học Mỹ dịch sang tiếng Anh cuốn sách này năm 1974 và trong chuyến đi Mỹ này ông mới được "gặp" cuốn sách của mình.
Ngày 22/9
Sáng đến trường ĐH Berkeley. Gặp và nói chuyện với GS S. Smale, một nhà toán học lớn, từng được giải thưởng quốc tế Fields năm 1966. 
Một khu trường rộng lớn. Trên đồi cao. Hôm nay là ngày khai trường cho một tam cá nguyệt mới. Sinh viên đông, đi lại nhộn nhịp. Ở nơi đây đã từng đào tạo và cũng là nơi làm việc của nhiều nhà bác học lớn. Vâng, trên đồi cao này, tôi đã từng nghĩ đến những đỉnh cao trí tuệ với niềm khâm phục chân thành.
Ngày 23/9
Thuyết trình ở Department of Computer Science (ĐH Berkeley) về những vấn đề mà tôi với họ cùng quan tâm, và tôi cũng có một số kết quả nghiên cứu được họ chú ý.
M. Blum quan tâm nhiều đến kết quả của tôi về NP – complete problems (M. Blum là người được giải Turing - tương đương Nobel - của Computer Science, ông là thầy hướng dẫn siêu việt, học trò làm tiến sỹ với ông có Shafi Goldwasser, Silvio Micali, Leonard Adleman - cả ba cùng đạt giải Turing... - PV).
Ngày 25/9
Sáng cùng N. Koblitz đến ĐH Washington ở Seattle. Một trường ĐH lớn, cũng ở trên đồi với một khu đất rộng lớn. Những trường ĐH Mỹ chọn được những vị trí thật tuyệt diệu.
Thư viện, nhiều tài liệu. Ở đây tôi tìm được đầy đủ những bài mà tôi đang cần. Tôi cũng tìm được bản dịch tiếng Anh của một số bài của chính mình mà trước đây tôi chưa hề thấy. 
Chiều. Thuyết trình ở xêmina của Department of Computer Science trong ĐH Washington về một vài kết quả về graph theory (lý thuyết đồ thị - PV) và ứng dụng. Buổi thuyết trình thứ hai trên đất Mỹ. Mình cũng có thể lấy làm vui vì những kết quả của mình cũng được người nghe chú ý theo dõi. Ôi, trong chốc lát chợt nghĩ đến những điều kiện làm việc của anh em mình ở nhà và không khỏi thầm so sánh! Vâng, các bạn nghe tôi trình bày, tôi cảm ơn các bạn, nhưng các bạn có hiểu được rằng những kết quả nghiên cứu này đã được thực hiện trong những hoàn cảnh thiếu thốn như thế nào! Những người nghiên cứu khoa học trên đất nước Việt Nam chúng tôi đang thiếu mọi thứ, cả cơm ăn, cả sách để đọc, cả phương tiện để thực nghiệm..., nhưng chúng tôi cũng mong có được ít nhiều kết quả để khi phán xét và so sánh nó, người ta có thể chỉ xét đến cái giá trị thực của nó mà không cần xét hoàn cảnh sản sinh ra nó. Vâng, chúng tôi không mong sự chiếu cố, và chúng tôi hiểu rằng vì vậy, cần phải cố gắng gấp bội!
Nhật ký một chuyến đi xa của cố GS Phan Đình Diệu
Bút tích của cố GS Phan Đình Diệu (Ảnh tư liệu: Gia đình cung cấp)
Ngày 26/9
Sáng làm việc ở Department of Computer Science của ĐH Washington và xem sách báo ở thư viện. Giá có nhiều thì giờ mà đọc tạp chí ở các thư viện ĐH Mỹ! Mình là dân nghèo, đói tài liệu, đến đây thì thấy quả thực người ta quá no nê về thông tin, và có lẽ no quá nên người ta cũng không thèm ăn uống. Phải chăng vì thế mà không ít những người tôi đã gặp không biết nhiều lắm ngoài một vài vấn đề hẹp mà họ quan tâm?
Trưa cùng đi tham quan nhà máy sản xuất máy bay Boeing. Người hướng dẫn đưa đi một tua của dây chuyền sản xuất. Từ những phân xưởng gia công cánh, vỏ... cho đến nơi lắp ráp cuối cùng ra những máy bay Boeing 727, 737, 757. Nhà máy có mấy chục nghìn công nhân, nhưng phần lớn công việc là tự động.
Tôi chẳng hiểu gì về kỹ thuật, nhưng có vài điều lạ làm tôi chú ý: Nhà máy chăm lo khá nhiều đến đời sống, sự giải trí của công nhân viên, và khắp các phân xưởng đều có nơi trang trọng dán ảnh của những công nhân, nhân viên làm việc xuất sắc trong tháng và trong quí. Lao động tiên tiến hay chiến sĩ thi đua nhỉ?! Tôi chợt nhớ ra tôi đang đứng trong một xí nghiệp lớn tư bản chủ nghĩa.
Đi dọc bờ hồ Washington, và dạo một lát trong khu vườn phía nam thành phố. Vườn Nhật Bản! Nhật Bản, vâng, Nhật Bản có mặt khắp nơi trên đất này. Và họ có mặt một cách vững chắc bằng những nhà máy lớn, bằng những gian hàng điện tử rất được ưa chuộng, và bằng hàng vạn, hàng chục vạn ôtô hàng ngày chạy trên đường phố Mỹ. Đáng khâm phục thay trí tuệ của một dân tộc Á Đông!...
Nói về Nhật Bản, tôi dõi nhìn về phía bên kia Thái Bình Dương. Nơi ấy có đất nước tôi, và cũng có những đất nước với những nền văn minh đáng kính như Nhật Bản, Trung Hoa. Trung Hoa của bao nhiêu biến cố suốt mấy chục năm qua, Trung Hoa đang là kẻ hàng ngày đe dọa xâm lược đất nước tôi. Tôi không quên điều đó, nhưng tôi cũng thành thực mong rằng sẽ đến một ngày không xa, hai dân tộc sẽ lại có thể sống cùng nhau một cách hòa hợp, hay ít nhất thì cũng là những láng giềng bình thường như mọi láng giềng khác.
Ngày 29/9
Được anh J. H. Levan đưa đi thăm một số nơi trong Chicago và đến trường ĐH Northwestern. Nhìn cảnh hồ và cảnh thành phố ban ngày được rõ ràng hơn đêm qua.
Đại học. Trường ĐH khắp nơi. Và những khu trường ĐH ở đâu cũng rộng rãi, yên tĩnh. ĐH cho học sinh học ban ngày, cho học sinh học ban đêm, và cho cả công nhân, nhân viên học thêm ngoài giờ. ĐH công và ĐH tư. Có phải ĐH chỉ dành cho những người giàu có hay dành cho mọi người có ham muốn học tập?
Tôi vẫn không rời khỏi được những ý nghĩ về khoảng 300.000 người Việt Nam hiện có trên đất Mỹ. Phải chăng phần đông trong số họ cũng nhớ đất nước, quê nhà?
Và rồi mười năm sau, hai mươi năm sau, với tinh thần hiếu học, cần cù của người Việt Nam nói chung, lại được nền khoa học kỹ thuật tiên tiến ở đây dìu dắt, hẳn là sẽ có hàng chục ngàn nhà kỹ thuật, kinh tế và khoa học người gốc Việt có tài năng trên đất này.
Có cách gì không nhỉ, để rồi sau mươi năm, hai mươi năm, đa số những chuyên gia người Việt đó sẽ nhìn về Tổ quốc với những mong muốn đóng góp của những đứa con xa nước xa nhà?...
Tổ quốc bao dung sẽ cần đến họ và sẽ sẵn sàng đón nhận họ chứ?
Nhà anh J. H. sang trọng. Nhưng anh cho biết rằng vào dịp nghỉ hè, các con anh vẫn đi “làm thuê” như làm bồi khách sạn, cắt cỏ, hái trái cây... Và con E. Kennedy trong những dịp nghỉ hè lao động những việc như đi đưa báo, làm bồi...
Giàu có, sang trọng, đầy đủ tiện nghi. Nơi đây có thiên nhiên ưu đãi, nhưng phải chăng cũng có – và là chủ yếu – sự lao động chuyên cần và có kỷ luật của con người?

"Những đêm không ngủ" của GS Phan Đình Diệu ở Canada

Phần hai của Nhật ký GS Phan Đình Diệu là quãng thời gian ông tới làm việc ở Canada, nơi mà ông viết "trong đất trời mùa thu này của một phương trời lạ, mà lòng tôi lại vẫn nặng tình hướng về mùa thu đất nước".

'Những đêm không ngủ' của GS Phan Đình Diệu ở Canada
"Một chuyến đi hiểu thêm nước người, nhưng cũng hiểu thêm nhiều tấm lòng của những bà con xa quê hương đất nước"
(Ảnh: Gia đình cố GS Phan Đình Diệu cung cấp)
Ngày 1/10
Tạm rời nước Mỹ để sang Canada.
Một ngày làm việc nhiều, liên tục từ 9 giờ sáng đến 12 giờ khuya.
9h – 11h. Làm việc với Sofer từ Detroit (Mỹ) sang.
11h – 12h. Dự nghe thuyết trình của P. Erdos, một bác học lớn về toán rời rạc người Mỹ gốc Hung.
12h – 1h. Ăn trưa với Erdos và nhiều nhà toán học Canada (ăn cũng là làm việc, nhiều khi lại còn mệt hơn làm việc bình thường, vì mọi sự trao đổi ý kiến đều dễ thực hiện ở đây!).
1h – 4h. Làm việc với một số nghiên cứu sinh ở khoa Computer Science của Đại học Toronto đến trao đổi ý kiến.
4h – 5h30. Thuyết trình ở xêmina Theoretical computer Science của Đại học Toronto.
5h30 – 7h. Tiếp tục trao đổi về kết quả đã thuyết trình và tìm tài liệu liên quan ở thư viện.
7h – 9h. Ăn cơm chiều (lại là làm việc!) với Chaudler Davis, Lee Lorch, Barron Brainerd và bà Nancy Pocock ở một tiệm ăn Hungari.
9h – 12h. Tiếp xúc và trò chuyện với anh chị em Việt Kiều ở Toronto.
Buổi thuyết trình xêmina hôm nay đối với tôi là một buổi thú vị. Nhiều người đến nghe. Có Borodin, Cook, Mendelsohn, Rackoff, Ch. Davis, Brainerd và nhiều người khác (Cook là người đưa ra khái niệm NP - đầy đủ quan trọng nhất trong lý thuyết độ phức tạp tính toán hiện nay; Rackoff là người được giải Gödel cho những công trình về chứng minh tương tác sử dụng nó trong việc xây dựng các sơ đồ mật mã hiện đại... – PV).
Thuyết trình về bài toán NP đang được giới toán học về tính toán rất quan tâm. Cách làm và kết quả được mọi người chú ý đến. Và quan trọng hơn cả là sau khi trình bày, có rất nhiều ý kiến trao đổi rất bổ ích đối với tôi. Tôi hiểu, làm khoa học ở một nước thiếu thốn mọi thứ như nước ta, đến cả thì giờ cũng rất thiếu, chọn cách làm và chọn vấn đề làm như thế nào là một chuyện rất quan trọng. Muốn có tiến bộ, không có cách nào khác là phải nhảy vào dòng cuộc sống đang cuộn chảy rồi cố gắng hết sức mà trỗi dậy. Cũng có kẻ thích tìm một góc đá rêu mốc phủ kín làm chỗ nương thân và tự mãn xem rằng ở cái nơi cô quạnh đó không ai hơn mình cả, thì dẫu có làm vương ở một góc đá phỏng có nghĩa gì với dòng đời luôn sục sôi cuồn cuộn?
Đêm lại cũng trằn trọc không sao ngủ được. Đất nước thân yêu luôn luôn là hình ảnh ngự trị trong mọi suy nghĩ của tôi... Trong thế giới ngày nay, “độc lập” phải chăng chỉ là một trạng thái cân bằng giữa những mối phụ thuộc? Hãy chấp nhân sự phụ thuộc, sự phụ thuộc về mọi phía (chứ không phải một phía) để rồi tìm cho ra một trạng thái cân bằng và đồng thời cũng là trong sự độc lập tương đối đối với mọi sự phụ thuộc đó.
Tôi nói: sự phụ thuộc về mọi phía, chứ không phải sự phụ thuộc về một phía.
Ôi, nhưng làm thế nào được khi sự trì trệ vẫn còn được xem là dấu hiệu của vững bền!
'Những đêm không ngủ' của GS Phan Đình Diệu ở Canada
Bút tích của cố GS Phan Đình Diệu về những ngày thăm và làm việc ở Canada ((Ảnh tư liệu: Gia đình cố GS Phan Đình Diệu cung cấp)
... Ngày 3/10
...Gặp gỡ anh em trí thức Việt Kiều tại Québec.
Một đêm kỳ lạ. Mấy anh em Việt Nam, người xa nước đã từ lâu, kẻ mới ở nhà sang, nơi đất khách quê người ở tận cùng phương bắc của lục địa châu Mỹ xa xôi này, một đêm cuối tuần, ngồi cùng nhau quyến luyến chẳng nỡ rời.
Mấy anh chàng khoa học, kẻ ngành nọ, người nghề kia, nhưng đêm nay tự nhiên gặp nhau ở một Tình thơ lai láng.
Một đêm đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ thật đáng ghi nhớ. Thơ, thơ, thơ của dân tộc, của muôn đời. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, cho đến Thế Lữ, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, ... Thơ Bạch Cư Dị, thơ Tagore... Ai nhớ gì đọc nấy, ai thích gì ngâm nấy. Tự Québec xa xôi, tâm hồn rung động dõi về điệu dân ca của “bên kia sông Đuống”... Ôi! Một “quê hương có con sông xanh biếc” làm da diết biết bao nhiêu tấm lòng của những kẻ tha phương!
Tình quê, vâng, tình quê, phải chăng đó là sợi dây thần mãi mãi gắn bó mọi tâm hồn dân Việt, dù họ đến tự nơi nào, và họ sẽ đi đâu, về đâu...
Ngày 4/10
Một buổi sáng Québec. Một ngày thu thật là thu. Có lẽ đã tự lâu rồi, hôm nay tôi mới có được một buổi sáng rảnh rỗi để cho tâm hồn được thấm đượm hương thu. Có giọt mưa thu, có cả rừng thu “lá vàng rơi xào xạc”, cả một trời thu... Đi với bạn cùng tâm sự, trong đất trời mùa thu này của một phương trời lạ, mà lòng tôi lại vẫn nặng tình hướng về mùa thu đất nước.
Đất nước ra đời tự một mùa thu, đã từng có những ngày xuân rực rỡ, rồi những ngày nắng hạ tưng bừng... Và rồi đất trời sẽ vần chuyển sao đây để lại qua đi những thu đông ảm đạm mây mù, và vươn tới một mùa xuân mới cho cuộc đời hiện tại và mai sau?
Rời Québec, đi ôtô buýt trở lại Montréal. Đi xe buýt đường dài ở đây, tự nhiên nhớ đến cái cảnh đi xe buýt ở Hà Nội. Dĩ nhiên làm sao mà cứ so sánh mãi được?
Montréal. Một tối gặp gỡ với anh chị em và bà con Việt Kiều. Đông quá, ngoài dự kiến của mình. Tình đồng bào, nghĩa non nước thật làm tôi xúc động. Một đêm Québec sâu lắng, tâm tình; một tối Montréal rộn ràng, nhộn nhịp; và trước đó đã có những đêm gặp gỡ ở Los-Angeles, San Francisco, Chicago, Toronto; và sau đây rồi còn có những đêm gặp gỡ nào nữa... Một chuyến đi hiểu thêm nước người, nhưng cũng hiểu thêm nhiều tấm lòng của những bà con xa quê hương đất nước.

GS Phan Đình Diệu: "Chiều dài nào cho đất nước?"

Bởi tự rất xa nhìn cái gần mới thật" - Từ bờ Tây của Đại Tây Dương, GS Phan Đình Diệu đã "bao lần gọi tên đất nước" và canh cánh bên lòng câu hỏi "Liệu sẽ là chiều dài nào cho đất nước?".

GS Phan Đình Diệu: 'Chiều dài nào cho đất nước?'
GS Phan Đình Diệu trong chuyến công tác tới Mỹ và Canada (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Ngày 6/10
ĐH Havard. Từ lâu nghe tiếng trường ĐH lừng danh này, hôm nay được may mắn đến thăm tận nơi. Trường rộng, khu vực của trường gồm nhiều biệt thự xinh xắn trong một vườn cây xanh tươi giữa một thành phố yên tĩnh, thanh bình. Ngoài ra còn có nhiều ký túc xá ở rải rác khắp nơi trong vùng Cambridge – Boston này. ĐH Havard nổi tiếng vì có nhiều nhà bác học lớn, vì trình độ khoa học cao của những công trình nghiên cứu và phát minh. Và cũng nổi tiếng vì đây là một trường tư có học phí cao, thường chỉ con nhà giàu hoặc những sinh viên thật xuất sắc mới học được. Lại nổi tiếng vì nhiều chính khách cỡ lớn thường đã từng học hoặc từng dạy nơi đây.
Chỉ một ngày, tất nhiên tôi không thể tìm hiểu nhiều về nhà trường có tầm vóc khổng lồ này. Nhưng trong ngành chuyên môn của mình, tôi cũng đã tìm thấy ở đây nhiều tên tuổi vào hàng đầu thế giới.
Đặc biệt lý thú là trao đổi hồi lâu với M. Rabin, Einstein Professor của trường. Rabin là bác học cỡ lớn, người Do Thái, dạy ở Israel và ở Mỹ. Ông trình bày cho tôi nghe về lý thuyết các thuật toán ngẫu nhiên, trước đây tôi ít để ý đến, bây giờ nghe ông trình bày, tôi mới thấy rõ cái hay của nó. Và tôi cũng trình bày cho ông ta nghe những việc mình làm và những suy nghĩ của mình. Ăn cơm trưa với J. Reif và M. Rabin ở một tiệm cơm Tàu. (Năm 1980 cũng là năm Rabin xuất bản bài báo về thuật toán ngẫu nhiên kiểm thử tính nguyên tố, đặt nền móng cho việc xây dựng hiệu quả các sơ đồ mật mã khoá công khai – PV).
Ngày 7/10
Đến trường MIT. Cùng với Havard, MIT là một ĐH lớn trong số khoảng dăm trường ĐH nổi tiếng nhất của Mỹ. Tôi đã đến Stanford, Berkeley, Havard, hôm nay lại được đến MIT, đối với tôi quả là một dịp may hiếm có. Một khu trường rộng mênh mông, có những biệt thự cổ kính và cũng có những tòa nhà rất hiện đại. Nơi đây đã ra đời nhiều công trình nghiên cứu lớn góp phần quan trọng vào những tiến bộ kỹ thuật của nước Mỹ. Tôi chỉ đến được một góc nhỏ của MIT, nhưng qua đó, cũng hình dung được phần nào cái vĩ đại của một trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật lớn trong thời đại ngày nay.
Thuyết trình ở xêmina của C. H. Papadimitriou những kết quả nghiên cứu của mình về “Ô-tô-mát xác suất có cấu trúc thay đổi theo thời gian”. Cũng như những lần thuyết trình trước, buổi thuyết trình này cũng được người nghe chú ý – có thể nói là hào hứng. Ôi, mình nghĩ, giá như ở nhà mình đừng bận những việc “sự vụ” linh tinh, mà được tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học! Qua lần đi này, dầu sao tôi cũng thấy tự tin hơn vào khả năng xây dựng những ê kíp nghiên cứu khoa học có trình độ cao ở nước mình. Vấn đề là, làm sao tạo điều kiện tốt hơn nữa cho những khả năng đó phát triển.
Chiều. Ra cảng Boston. Kia là biển Đại Tây Dương rồi. Từ bờ phía đông của Thái Bình Dương, thế là tôi đã sang bờ phía tây của Đại Tây Dương. Dạo một lát gần bờ biển, chợt nhớ ba năm về trước, cũng đã một lần dạo chơi trên bờ phía tây của Đại Tây Dương, ở thành phố Laltabana xinh đẹp của hòn đảo tự do Cuba, tôi đã viết câu thơ:
Cũng đó khoảng trời xanh, cũng đây làn gió thoảng
Mà sóng vỗ bờ kia là sóng Đại Tây Dương
Khoảng rộng không gian gợi chiều sâu ngày tháng
....
Và giờ đây, cái khoảng rộng ấy không chỉ gợi nhớ về chiều sâu ngày tháng trong dĩ vãng, mà còn xôn xao trong lòng tôi cái chiều dài của thời gian về phía trước, trong tương lai. Không phải chỉ về chiều sâu của một tâm hồn, mà còn về chiều dài mai sau của một đất nước. Mong sao cho cái chiều dài ấy đừng có mịt mù, thăm thẳm...
GS Phan Đình Diệu: 'Chiều dài nào cho đất nước?'
"Tôi không nói rằng một mảnh lòng tôi xin gửi lại đây, nhưng tôi cũng tự biết rằng có những hình ảnh gặp gỡ trên đất này sẽ theo về với lòng tôi mãi mãi" (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Ngày 8/10
Tạm biệt, Boston – Cambridge. Tạm biệt các bạn bè quen biết. Tạm biệt ông bà Boone và Peggy rất đỗi chân tình. Và kính chào MIT, Havard. Ngày xưa, khi tạm biệt trường Đại học Mạc Tư Khoa nổi tiếng, tôi viết
Mạc Tư Khoa, kính chào người, tạm biệt!
Một quãng đời ta, một mảnh lòng ta!
...
Giờ đây, tôi chưa thể viết như thế về Boston, Cambridge. Tôi chỉ mới ở đây được vài ba ngày, đời chưa quen và tình cũng chưa đậu. Nhưng lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với những đỉnh cao của trí tuệ hẳn cũng có thể cho phép tôi giữ lấy cho mình chút kỷ niệm lưu luyến.
Ngày 9/10
New York. Trong bữa ăn sáng, trong câu chuyện với P. Gallagher, tự nhiên lại đưa về lý thuyết số với những Vinogradov, Linnik và Hua LoKeng. Và một điều kỳ lạ: ở cái ghế mà tôi đang ngồi đây mới bốn ngày trước, chính Hua LoKeng đã ngồi! Ôi! Một sự “gặp gỡ” lạ lùng! Hai mươi hai năm về trước tôi đã từng ngưỡng mộ Hua đến nỗi tự học chữ Trung Quốc để dịch sách “Số luận đạo dẫn” của Hua, một quyển sách mà cho đến nay vẫn là quyển sách hay nhất về lý thuyết số. Và kể từ đó, lòng kính trọng của tôi đối với Hua chưa bao giờ giảm, dẫu rằng hẳn Hua chẳng hề biết tôi. Rồi thời thế đổi thay, trong những năm biến động “cách mạng văn hóa”, tôi nghe nói rằng Hua bị đọa đầy khổ sở. Và biết rằng giờ đây Hua lại xuất hiện với tư cách là Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, trưởng đoàn Toán học của Trung Quốc đi thăm Mỹ. Tiếc quá, giá như tôi đến New York sớm được bốn ngày, thì tôi đã gặp được Hua, và tôi tin rằng sẽ có những điều thú vị.
Vậy là đến tận bên bờ này của thế giới, tôi vẫn chỉ được gặp Hua trong sự kính trọng. Mà nào có xa lắm đâu. Hà Nội – Bắc Kinh cách nhau chỉ có một biên giới.
Ngày 15/10
10h30. Gặp giáo sư John S. Toll, president của Đại học Maryland. Trường này là một trong những đại học lớn của Mỹ, có 70 ngàn sinh viên! Buổi nói chuyện đề cập đến khả năng trong tương lai lập những quan hệ giữa đại học hai nước.
Trưa đi ăn cơm với Joe Anslander. Gặp một số thầy dạy Toán của trường.
Chiều nay thuyết trình ở Department of Computer Science của trường. Một buổi thuyết trình khoa học có một cử tọa khá kỳ lạ. Ngoài các người Mỹ trong khoa đến nghe vì chuyên môn, còn có một số khá đông sinh viên người Việt. Họ học ở trường, hầu hết là dân di tản, có lẽ họ đến nghe vì tò mò thấy có một người Việt Nam tận Hà Nội sang thuyết trình khoa học ở một ĐH Mỹ. Hà Nội! Dù trong lòng họ còn lắm hoài nghi, còn có cả căm giận, nhưng chắc là tận sâu trong tâm tư họ, Hà Nội vẫn là hình ảnh quê hương đất nước mà dẫu muốn hay không họ vẫn còn ít nhiều gắn bó.
Sau buổi thuyết trình, họ xúm lại nói chuyện với tôi một cách hồ hởi. Có hai cậu còn trẻ, hoàn cảnh di tản khá éo le và thương tâm, cứ theo tôi không nỡ rời, mãi cho đến chiều tối. Họ xúc động gặp tôi, và tôi, tôi cũng xúc động...
GS Phan Đình Diệu: 'Chiều dài nào cho đất nước?'
Bút tích của cố GS Phan Đình Diệu (Ảnh tư liệu: Gia đình cung cấp)
Ngày 18/10
Thế là sau năm tuần lễ đi thăm và làm việc nhiều nơi ở Mỹ và Canada, tôi sắp kết thúc chuyến đi đầy những ấn tượng mới lạ trên một đất nước xa xôi và chứa đầy những “bí mật” đối với tôi này. Nước Mỹ! Ôi, một đất nước mênh mông giàu có, một đất nước của một sức mạnh kinh tế và kỹ thuật khủng khiếp; một đất nước mà trước đây tôi chỉ được hiểu là sào huyệt của những thế lực tàn bạo, thù địch của nhân loại!
Trước đây, nhiều khi tôi được nghe nói xã hội Mỹ là một xã hội “tiêu thụ”, một nơi ăn chơi trác táng, đồi trụy... Tôi hiểu, và cũng đã nhìn thấy cái cách tiêu thụ ở xứ này, và cũng đã thấy sơ qua cái tự do thác loạn của nhiều loại người ở đây. Nhưng có một câu hỏi: ở đây, có tiêu thụ nhiều, phải chăng vì có sản xuất lớn, có ăn chơi đấy, nhưng ai ăn chơi và ai lao động, và người ta đã lao động ra sao?
...Tôi nhìn qua cửa sổ. Ngoài trời mưa dầm, âm u buồn. Dưới kia là dòng sông East River êm đềm. Một hòn đảo nhỏ giữa dòng. Những chiếc cầu dài nối hai bờ sông East với những dòng xe cộ tấp nập. Và kia là những ngôi nhà chọc trời yên lặng. Thỉnh thoảng, vài chiếc trực thăng chở du khách đi chơi ngắm phố lên xuống dưới sân bay nhỏ cạnh nhà. Xa kia, tận chân trời, thảng hoặc một vài tia nắng mặt trời xuyên qua lớp lớp sương mù dày đặc.
Một chiều New York cuối tuần. Và đối với tôi, phải chăng đây sẽ mãi mãi là buổi chiều cuối cùng trên đất Mỹ. Biết rồi còn có bao giờ trở lại! Tôi chưa yêu mà cũng không ghét. Nhưng dầu sao có thoáng một chút nhớ nhung.
Nhưng nhớ gì? Nhớ gì nhỉ? Vâng, nhớ, và đáng nhớ lắm chứ! Trên đất này, tôi đã gặp biết bao là bạn. Và có thêm biết bao bè bạn. Bạn thân hay sơ, gần hay xa, vẫn cần biết đấy, nhưng tình bạn chân thành có phải bao giờ cũng nhất thiết phải đo bằng chiều dài ngắn.
Vậy thì tôi nhớ. Tôi không nói rằng một mảnh lòng tôi xin gửi lại đây, nhưng tôi cũng tự biết rằng có những hình ảnh gặp gỡ trên đất này sẽ theo về với lòng tôi mãi mãi.
Ôi, đất nước thân yêu! Tôi chỉ là một đứa con nhỏ bé của đất nước, nhưng trong chuyến đi này đã biết bao lần tôi gọi tên đất nước. Biết bao đêm thao thức, biết bao nỗi suy tư, và cả biết bao lần nhớ thương đến nhỏ thầm giọt lệ! Đất nước ơi, đất nước của biết bao sự tích anh hùng, đất nước của lắm tài năng, đất nước của những con người cần mẫn. Vậy mà ngày nay, đó vẫn là đất nước của sự nghèo khổ cùng cực, của một hiện tại vô vọng, của một tương lai mịt mờ.
Tôi bi quan quá chăng? Tôi thường nghĩ: không nên nói nhiều về bi quan hay lạc quan, thái độ đáng có là một thái độ thực tiễn và hành động. Thực tiễn! Hãy có đủ dũng cảm để nhìn cho thấu rõ tận đáy sâu của sự thật, cái sự thật rất đỗi đau lòng về mọi mặt trong cơ cấu nhà nước của Việt Nam ta hiện nay, để rồi tự cái sự thật trần trụi và tàn nhẫn đó mà tìm ra may ra mới có thể tìm cách thoát ra được.
GS Phan Đình Diệu: 'Chiều dài nào cho đất nước?'
Việc nghiên cứu đưa khoa học, tin học vào quản lý là một trong những hướng trọng tâm mà GS Phan Đình Diệu  muốn phát triển. Sau chuyến đi, cuối năm 1980, ông có những phát biểu mạnh mẽ trên Quốc hội, và đầu năm 1981, theo đề xuất của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông hoàn thành bài nghiên cứu công phu về "Khoa học hệ thống và một số ý kiến về vấn đề cải tiến quản lý kinh tế hiện nay"... (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Tôi sẽ làm gì cho đất nước thân yêu của tôi? Chao ôi, nghĩ đến sự bất lực của chính mình mà hổ thẹn. Tôi vẫn nghĩ rằng rồi một lúc nào đó tôi sẽ làm một con bọ thiêu thân. Nhưng con bọ thiêu thân chỉ có thể tự giết mình một lần. Vậy thì cái lần duy nhất ấy phải là lần nào đây? Sự thiêu thân có giúp được chút ích gì cho đồng loại hay không.
Nước Mỹ. New York. Thôi, giã từ ngươi! Ta sẽ đi về. Ta có một quê hương của ta, một quê hương cực khổ - cả sự cực khổ không thể tránh được và những cực khổ không đáng có – và ta yêu quý quê hương đó vô vàn. Cuộc đời ta, máu thịt ta gắn bó với quê hương đó. Ta chào ngươi, và ta mong rằng những ngày sống gần ngươi này sẽ có ích cho ta khi ta trở về đất nước của ta!... 
Đất nước thân yêu ơi! Giữa những đòi hỏi hàng ngày của miếng cơm tấm áo mà ta đang rất đỗi thiếu thốn đến cái thế giới của những tiến bộ kỹ thuật ghê gớm này, có con đường nào nhanh hơn mà ta có thể tìm được? Phải chăng một quan hệ xã hội tốt đẹp mà ta mong muốn chỉ có thể có được trong điều kiện một nền sản xuất phong phú, một sức mạnh khoa học kỹ thuật hiện đại?
GS Phan Đình Diệu