Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Gặp hậu duệ Petrus Ký



Đôi mắt anh rất sáng, cuốn hút, dường như rất thân quen. "Tôi là Richard Trương Vĩnh Tống", anh nói với cái bắt tay nồng ấm.
Mấy tháng nay, liên lạc với anh qua email, bây giờ mới được hội ngộ trên đất Pháp. Ông nội của anh là Trương Vĩnh Tống - người con thứ 9 của Petrus Trương Vĩnh Ký, một nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn và Nam Kỳ ngày xưa.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 1.
Anh Richard giới thiệu với tôi người em - con chú con bác của mình là Gilbert Trương Vĩnh Tống. Cả hai anh đều có vầng trán cao, gương mặt xương xương, và đúng rồi - đôi mắt sáng giống cụ cố Petrus.
Hôm ấy, tôi gặp hai anh cùng với anh Cao Hữu Hoài - chồng của chị Hai Josiane Trương Vĩnh Tống, tại căn hộ anh Hoài ở quận 13. Hai tuần sau, tôi còn gặp các anh tại nhà anh Gilbert ở ngoại ô Paris. Tại nhà nào, ảnh của Petrus Ký cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất.
Anh Richard cho biết cụ Petrus Ký có 11 người con, hiện giờ con cháu tản mác khắp nơi trên thế giới. Dòng họ Petrus có lập một hội hậu duệ, có website nơi đăng gia phả của dòng họ và tư liệu về cụ cố.Thếhệchắt của Petrus bây giờ cũng đã trên dưới tuổi 70, vì nhiều hoàn cảnh cũng chưa có dịp họp mặt đông đủ.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 2.
Sơ đồ 9 người con của Petrus Ký, theo gia phả của gia đình Petrus Ký
Anh Richard nói chỉ mong thế hệ sau đừng quên nguồn gốc dòng họ và làm được điều gì đó giữ danh thơm cho cụ cố. Hằng năm, con cháu Petrus từ Pháp vẫn về thăm Cái Mơn - Bến Tre quê cụ cố, về thăm khu nhà mộ Petrus, góp tiền tu bổ khu nhà mộ này.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 3.
Từ thế kỷ trước, ông Trương Vĩnh Tống là người được giữ "hương hỏa", chăm nom khu mộ và di sản của Petrus Ký. Đầu những năm 1960, gia đình ông Tống với 14 người con chuyển qua Pháp. Anh Gilbert kể ông nội mình mang theo một chục cái rương lớn đựng kỷ vật gia đình.
Sau này lớn lên, các cháu mới biết trong rương chứa đựng nhiều giấy tờ, sách vở, thư từ, hình ảnh của cụ cố Petrus. Hiện tại, gia đình hai anh ở Paris cùng "chú thứ 15" - Charles Trương Vĩnh Tống, bây giờ gần 100 tuổi, còn giữ được nhiều tài liệu này. Sau năm 1975, "cô thứ 13" - Suzanne Trương Vĩnh Tống mang sang Paris một số tài liệu, hiện vật còn cất giữ ở nhà mộ Petrus Ký ở Sài Gòn.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 4.
Nghe đến đây tôi vừa mừng, vừa hồi hộp. Đến nay, sách báo viết về Petrus Ký khá nhiều, tranh luận cũng lắm. Tuy nhiên, để nhìn nhận một sự kiện hay khen chê một nhân vật lịch sử, cần có đầy đủ các nguồn tư liệu. Thế nhưng hiện trong nước vẫn đang thiếu thốn rất nhiều sách báo và tư liệu gốc trực tiếp của Petrus Ký, cũng như các tư liệu liên quan đến cụ.
Anh Gilbert như đoán được câu hỏi của tôi, liền mở ra một chiếc hộp lớn màu hồng điều mang từ nhà đến. Bên trong có hai bức ảnh trắng đen cụ ông và cụ bà Petrus Ký cùng nhiều xấp giấy tờ đã ố vàng và một số quyển sách xưa cũ.
Tôi xin phép các anh được đọc và chụp hình những tài liệu này. Trên các trang giấy mỏng manh ấy là những dòng chữ mực đen mềm mại, thẳng tắp. Trong đó có một trang thư tiếng Pháp có chữ ký rất bay bổng - Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn 1892. Tôi nhận ra nhiều trang kế tiếp là bản thảo các từ luyến âm được thống kê và chú thích ghi làm 3 cột. Có những trang ghi chép âm tiếng Lào, tiếng Khmer và nghĩa dịch ra tiếng Việt.
Có những trang ghi lại các trạng từ giờ giấc tiếng Việt đối chiếu với tiếng Pháp. Nhiều trang biên khảo khác viết chữ Việt, kèm chữ Hán và chữ Pháp. Các quyển sách trong hộp là sách Địa chí Nam Kỳ in năm 1875, Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca - 1884, Ước lược Truyện tích nước Nam, 1887. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, đó chính là các sách giáo khoa và sách Việt Nam học đầu tiên, đã có từ hai thế kỷ trước.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 5.
Gia đình Petrus ở Paris còn gìn giữ nhiều tài liệu khác. Các anh Richard và Gilbert trao cho tôi một số file số hóa tài liệu bao gồm di thảo của Petrus và nhiều bài viết về cụ mà tôi chưa tìm được trong nước. Các anh vẫn đang tập hợp nhiều tài liệu còn tản mác trong gia đình. Các anh đều biết các thư viện và lưu trữ Pháp hiện lưu giữ nhiều tư liệu về Petrus Ký và thế kỷ 19 đau thương của nước Việt. Song các anh đều đã về hưu, thời gian không còn nhiều, những tài liệu này sẽ được gửi gắm về đâu...
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 6.
Trong gia đình các anh, có một người nối nghiệp nghiên cứu của cụ cố là chị Christine Trương Vĩnh Tống. Duyên may, mới đây, cuối tháng 12, tôi được gặp chị ở Bangkok (Thái Lan) để tìm hiểu tài liệu của cụ.
Chị Christine cũng đã về hưu, cách đây 23 năm chị đã trình luận văn thạc sĩ thư viện học tại City University of New York. Đề tài thạc sĩ của chị là "Petrus Trương Vĩnh Ký và sự nghiệp truyền bá chữ quốc ngữ".
Ở thời điểm 1995, luận văn này còn có bảng tổng thư mục các tác phẩm và thư từ của Petrus Ký đang lưu giữ tại các thư viện Việt Nam, Pháp, Mỹ, Canada và gia đình chị. Tổng cộng có 76 sách và văn bản nguyên gốc bằng nhiều thứ tiếng mà chị tìm được, đọc trực tiếp và chú giải vắn tắt qua tiếng Anh.
Khi tiếp tôi ở nhà, chị Christine đã đặt sẵn trên bàn quyển luận văn hơn 100 trang và khoảng 20 bó tài liệu sưu tầm từ 25 năm trước. Thật ra, chị đã chọn con đường làm"nội trợ" (chồng chị làm việc cho Liên Hiệp Quốc nên gia đình di chuyển nhiều nước) là công việc chính, song khi nghe về sự nghiệp của cụ cố, chị Christine muốn tham gia nghiên cứu để khám phá nhiều hơn.
Do vậy, khi có mặt ở New York, được tiếp xúc thuận lợi với nhiều nguồn tư liệu, chị đã nảy ra ý định làm luận văn về cụ. Qua nghiên cứu các sách vở phong phú của Petrus Ký, chị nhận ra cụ cố mặc dù là người Tây học vẫn cố gắng truyền tải nhiều nhất, nhanh nhất kiến thức sử địa, văn hóa dân tộc, phong tục đạo đức cổ truyền Á Đông từ ngôn ngữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ. Cuối thế kỷ 19, trong hoàn cảnh đất nước mới bị xâm chiếm, công việc lớn lao đó đã được Petrus Ký thực hiện kiên trì và khéo léo, không ngơi nghỉ suốt cả thời gian thanh xuân cho đến lúc về già.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 7.
Chị Christine tâm sự chị chỉ muốn tham gia làm một viên gạch cho các thế hệ nghiên cứu về sau bước tới, tiếp tục khám phá một sự nghiệp văn hóa vẫn còn đang dang dở từ hơn 100 năm trước. Ở nhiều nơi trong và ngoài nước, vẫn đang có nhiều nhà nghiên cứu thuộc đủ các ngành văn, sử, ngôn ngữ, ngoại giao, sư phạm... đã và đang sử dụng các tác phẩm của Petrus Ký để tìm hiểu sâu kỹ về nước Việt Nam xưa.
Tôi báo với chị Christine và các anh chị hậu duệ Petrus một tin vui: Gần đây, Thư viện Bến Tre đã triển khai dự án Phòng danh nhân Bến Tre, qua đó sưu tầm tài liệu về Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị... Và không thể thiếu được Petrus Trương Vĩnh Ký - người vẫn còn nhà bia lưu niệm ở Cái Mơn, đã được đưa vào logo của huyện Chợ Lách.
Tại TP.HCM cũng đã có một số cựu học sinh Trường Petrus Ký mong muốn làm một thư viện và nhà lưu niệm trưng bày các tác phẩm và kỷ vật về Petrus Ký. Cả hai dự án đều đã hoạch định việc đưa các tác phẩm và tài liệu của Petrus Ký lên mạng để những nhà nghiên cứu và những người mến mộ khắp thế giới có thể truy cập dễ dàng.
Chị Christine, anh Richard và anh Gilbert đều hoan nghênh ý định đó và sẵn sàng gửi tặng tài liệu di thảo và sách vở của Petrus Ký cho những dự án. Mong lắm một ngày không xa, "châu về hiệp phố", những di sản của một nhân vật đã trở thành một phần ký ức quý báu của Sài Gòn và nước Việt sẽ về lại quê hương, góp vào cái vốn văn hóa chung đang rất thiếu thốn của xã hội đương đại.
Gặp hậu duệ Petrus Ký - Ảnh 8.
 
PHÚC TIẾN
 
KIỀU NHI & PHƯƠNG THANH
 
BẢO SUZU