Trong mấy ngày qua, dư luận sôi sục vì bản án 42 tháng tù giam mà tòa án tỉnh Hoà Bình đã tuyên cho BS Hoàng Công Lương. Bênh có, tán đồng có...
Tuy nhiên, xin những người đọc bài viết này bỏ qua hai lý lẽ rất cảm tính sau đây:
1. Cậu ấy còn trẻ, mặt mũi hiền lành thế kia! Làm gì mà tuyên án nặng thế?
Xin thưa, dù khoa nhân tướng học có sự đúng đắn nhất định, tâm tính con người phần lớn sẽ bộc lộ qua nhân dạng.
Nhưng đây là một nhận định cảm tính, vì không thể luận công tội một con người dựa vào sự đẹp hay xấu giai.
2. Lập luận 2: 9 gia đình thân nhân của những bệnh nhân không may qua đời đã ký đơn yêu cầu tha bổng, tuyên vô tội cho BS Lương. Tại sao phải kết án?
Lập luận này cũng sai và đầy cảm tính. Vì ý kiến của những người không có chuyên môn thì không đủ giá trị để kết án hay tha bổng cho một con người chuyên môn, trong một vụ án chuyên môn. Trong quá khứ đã có nhiều bác sĩ, bệnh viện bị dư luận ném đá tơi bời, đầy ác ý. Nhưng cuối cùng ngã ngũ ra thì người thầy thuốc kia vô tội, đã làm hết sức mình và không có lý do gì để lên án họ cả. (Tình huống ngược lại cũng không thiếu).
Lý lẽ duy nhất mà tòa án vin vào để tuyên án tù giam cho BS Lương là không làm theo quy trình: BS Lương không kiểm tra việc bàn giao, nghiệm thu chất lượng hệ thống lọc nước trước khi khởi động hệ thống lọc máu. Và sau đó là một thảm hoạ y tế chưa từng thấy như chúng ta đã biết.
“Quy trình” là yếu tố then chốt của vụ án gây nhiều căm phẫn này. Nên tôi, với tư cách một thầy thuốc đã trải qua hơn 30 năm vinh nhục trong nghề xin lạm bàn về hai chữ “quy trình” này.
Với y khoa hiện đại, quy trình là cực kỳ quan trọng. Các phác đồ điều trị là các thuật toán được nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính đến các xác suất đúng sai, có cập nhật liên tục. Mà đã có xác suất đúng sai, có cập nhật thì đồng nghĩa với đã có những phác đồ quy trình lạc hậu hay sai. Đó là tất yếu của một nền y khoa hữu hạn và không ngừng tiến bộ, thay đổi từng ngày.
Trong hành chính, SOP (Standard Of Operation) là những quy trình vận hành chuẩn, được soạn thảo để bảo đảm tính đồng bộ trong hoạt động của một ê kíp chuyên môn, để hạn chế sai sót, để quy định trách nhiệm.
Quy trình là tối quan trọng cho những công việc mang tính kỹ thuật, chuyên môn cao độ như y khoa, hàng không… Vấn đề là những quy trình này do ai soạn thảo, và soạn thảo như thế nào, với mục đích gì? Mấu chốt của vấn đề là ở đây!
Có những quy trình y khoa đã cứu mạng hàng triệu sinh linh. Chẳng hạn việc rửa tay trước khi đỡ đẻ của BS Semmelweis, người đã bằng cảm tính yêu cầu các bác sĩ dưới quyền mình rửa tay bằng nước vôi trước khi đỡ đẻ. Kết cục là tỷ lệ chết do nhiễm trùng hậu sản giảm đi rõ rệt.
Nhưng Semmelweis cũng phải trả giá đắt cho quy trình đơn giản đó. Nhiều đồng nghiệp lên án giả thiết trên chẳng khác nào bản cáo trạng buộc tội các bác sĩ đã gây bệnh, là một điều sỉ nhục cho y giới, vốn tự xem mình là quý tộc. Thậm chí có 3 bác sĩ Sản khoa đã ký giấy gởi Semmelweis đến bệnh viện tâm thần (?).
Ngày nay, quy trình rửa tay trước khi tiến hành các thủ thuật y khoa đã trở thành quen thuộc với tất cả các nhân viên y tế, đến độ người ta làm nó như một thói quen, đơn giản và không hề có cảm giác ép buộc.
Giá trị của một quy trình đúng đắn, thuyết phục là như thế! Nói không quá lời, động tác rửa tay là một quy trình vĩ đại.
Ngược lại, tôi đã chứng kiến một công ty Thụy Sĩ mua lại một công ty lớn khác của Đức. Sau cuộc sáp nhập này, rất nhiều khối óc lỗi lạc người Đức ra đi. Người ta giải thích cuộc lưu vong hàng loạt (mass exile) này là những cái đầu Đức, tuy lạnh lùng, chính xác nhưng không chịu nổi các quy trình vận hành SOP tỉ mỉ, quá chi tiết của người Thụy Sĩ, dân tộc nổi tiếng về nghề làm đồng hồ. “Không có chỗ cho sự sáng tạo” , người Đức nói thế!
Lại nhớ chuyện xưa, khi tôi là một bác sĩ trẻ lộc ngộc, làm việc ở một khoa nghèo, bệnh nhân nghèo, bác sĩ cũng nghèo. Tổ chức Y tế Thế giới ưu tiên cho khoa nghèo mạt hạng kia một cái máy sốc điện dùng cho bệnh nhân ngưng tim. Quý lắm, nên trùm bao để trong kho, không dám đem ra ngoài.
Đêm ấy tôi trực, bệnh nhân giường số 3 ở Bình Phước chuyển lên trong tình trạng ngưng tim. Sốt ruột, tôi vào đẩy cái máy mới tinh ra, đánh luôn mấy nhát sốc điện. Tim đập lại, bệnh nhân được cứu sống.
Sáng hôm sau giao mai, tôi bị lãnh đạo khoa mắng té tát vì tội tự tiện dùng máy mới mà không có ý kiến lãnh đạo (nói gọn là "không đúng quy trình").
- Bệnh nhân ngưng tim, tôi sốt ruột phải làm thế. Tại sao?
- Chú dùng máy không đúng quy trình (lại quy trình – NV). Nhỡ máy nó hư thì sao?
Đến đây thì tôi cứng họng. Cãi thế nào được với “quy trình”?
Ôn lại chuyện xưa để biết rằng hai chữ “quy trình” tuy hay ho mọi nhẽ, rất thuyết phục với công chúng, nhưng không phải khi nào “quy trình” cũng đúng, cũng tốt, cũng giúp cứu người (?). Nó tùy thuộc vào độ giản tiện, tính chính xác, mục đích, tính khả thi (feasibility), tính áp dụng (applicable) của mỗi quy trình.
Nói rộng ra, bộ quy trình dày cộp của các bệnh viện Mỹ cũng vừa được khảo sát về tính hiệu quả. Mặc dù bộ quy trình cực kỳ chi tiết, khảo sát trên tạp chí Bristish Medical Journal cho thấy trên 4.400 bệnh viện đạt chuẩn quy trình này, tỷ lệ tử vong không hề giảm. Đồng thời bệnh nhân không hề dựa vào việc đạt chuẩn quy trình này để lựa chọn bệnh viện điều trị cho mình.
Ngược lại, với những thủ tục hành chính, giấy má, hồ sơ điện tử (Electronic Health Record - EHR), người ta thấy tình trạng kiệt sức, trầm cảm, tự sát đang gia tăng trong giới y khoa Mỹ. 80% tình trạng sức khỏe tâm lý tồi tệ này có liên quan đến thủ tục hành chính, giấy má và EHR. Đến nỗi ngành Y khoa đang dẫn đầu về tỷ lệ tự sát, ly hôn, trầm cảm. Và mỗi ngày có 1 BS Mỹ tự sát...
Không ai dám nói các quy trình này sai, tôi cũng thế. Nhưng quy trình đúng đắn, chi ly chưa chắc đã giúp giảm tử vong. Ngược lại, sự kiệt sức của y giới khi áp dụng các quy trình này có thể làm xao nhãng sự chăm sóc bệnh nhân, đối tượng của mọi quy trình, và làm tăng sai sót. Vì y khoa là khoa học của con người, do con người thực hiện, không phải là một khoa học được lập trình sẵn. Tính chất nguy cơ, bất định trong y khoa muôn đời vẫn tồn tại mà không quy trình nào lường trước được.
Một ví dụ dễ hiểu khác, xe tải được kiểm định chất lượng đúng quy trình, bằng lái hợp lệ cũng đúng quy trình. Nhưng tai nạn giao thông ngày càng khủng khiếp. Nói thẳng ra là quy trình đó dối trá, tầm phào và vô hiệu quả. Hãy nhìn quy trình học thi lái xe thì hiểu ngay được vấn đề.
Hãy trông vào tỷ lệ tử vong hay tai biến chích ngừa dồn dập đang xảy ra. Vaccine, sàng lọc, tiêm chủng… có đúng quy trình không? Nhưng vẫn chết! Và chắc chắn tội lỗi không thuộc về người cán bộ y tế tiêm chủng, vì họ không có chuyên môn, không thể kiểm định tính an toàn, tính hiệu quả của loại vaccine mà họ được chỉ thị chích cho trẻ em. Họ không phải chịu trách nhiệm về cái không thuộc chuyên môn và trách nhiệm của họ.
Tương tự, BS Lương không thể chịu trách nhiệm về cái mà anh ta không được đào tạo để thực hiện hay kiểm định là nguồn nước chạy thận. Đòi hỏi một biên bản kiểm định ư? Cũng tốt để tránh trách nhiệm, nhắm mắt ký vào biên bản cũng xong. Nhưng nếu nguồn nước đó đã bị nhiễm độc, thì có tờ giấy đó cũng chẳng giúp bệnh nhân sống sót. Bám vào một tờ giấy lộn, một tấm bằng lái mua được bằng tiền, một biên bản kiểm định xe được mua… để biện hộ hay luận tội là một lập luận duy lý và cực đoan. Và vô cùng phi lý, tàn nhẫn.
Y khoa là hữu hạn, con người y khoa cũng hữu hạn. Nên cần quy trình để hạn chế sai lầm.
Tuy nhiên, y khoa không phải là một cỗ máy công nghiệp và con người y khoa không phải là người máy. Nếu thực hành y khoa mà chỉ bám vào quy trình, nhất là những quy trình cứng ngắc, dốt nát thì những con robot chữa bệnh sẽ tốt hơn người thầy thuốc nhiều lắm. Và những con robot này sẽ không cảm thấy bị chà đạp, xúc phạm, làm nhục khi ra tòa.
Thế nên việc dùng quy trình máy móc để kết án một bác sĩ là một nhát dao kết liễu nghề nghiệp rất nặng nhọc và rất ít được thông cảm này.
Cuối cùng, bản án dành cho bác sĩ Lương sẽ là một tiền lệ rất xấu cho y khoa Việt Nam. Các thầy thuốc để thủ thân sẽ bám vào “quy trình” nhiều hơn, bỏ nhiều thời gian cho việc giấy má ghi chép nhiều hơn, kiệt sức nhiều hơn, thủ thế nhiều hơn… thay cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp. Hậu quả cuối cùng là ai? Những người bệnh sẽ chết, và chết rất đúng quy trình, không bắt bẻ vào đâu được.
Vài ngày tới, BS Lương có thể sẽ vào tù. Không lâu nữa cũng sẽ đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.
Và sẽ có hoa, rất nhiều hoa…
Chỉ thiếu một vành hoa tang cho nền y tế Việt Nam thôi!
BS Lê Đình Phương