Những con đường phượng tím đã trở thành đặc sản riêng của Đà Lạt, có thể kể đến đường Trần Phú (ảnh), Hai Bà Trưng hay Nguyễn Thị Minh Khai...
Đà Lạt đang bước vào mùa phượng tím thì bất ngờ ngày cuối tháng 4.2019 vừa qua, nhiều người dân phố núi Đà Lạt và du khách tiếc nuối vì cây phượng tím cổ thụ đầu dòng tọa lạc trước lối vào nhà hàng Thủy Tạ (Đà Lạt) bị cơn mưa giông quật gãy.
Sau đó trên facebook chia sẻ nhiều hình ảnh cây phượng tím ngã đổ và việc xử lý thu dọn thân cây, cùng nhiều bình luận thể hiện sự tiếc nuối. Nhiều người đưa cả hình ảnh cây phượng tím này khi còn bung sắc tím lãng mạn, cùng những kỷ niệm khó quên khi đến Đà Lạt mùa phượng tím.
Đây không phải lần đầu tiên cây phượng tím đầu dòng này bị đỗ do mưa bão. Khoảng hơn chục năm trước, cây phượng tím này cũng đã bị bật gốc đỗ nghiêng trong một trận mưa bão. Sau đó Công ty Công trình đô thị Đà Lạt đã cưa tỉa phần ngọn và cành, giữ lại phần gốc cây và dựng lên để tiếp tục chăm sóc. Thật may mắn sau vài năm cây phượng tím này có hình dáng rất đẹp, tiếp tục sum suê và nở hoa mỗi khi hè về.
Chỉ sau hai ngày, chính quyền TP. Đà Lạt đã tìm cây phượng tím cổ thụ khác trồng vào vị trí cây vừa bị quật gãy nhằm “xoa dịu” sự nuối tiếc của cộng đồng.
Nhắc đến phượng tím làm nhiều người nhớ đến cố kỹ sư nông học Lương Văn Sáu (tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles, Pháp), người mang hạt giống phượng tím từ Pháp về Đà Lạt gieo ươm rồi đem cây con trồng thực nghiệm dọc đường phố vào năm 1962.
Dù được chăm sóc kỹ càng nhưng chỉ có ba cây sống sót: một cây nằm dọc trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (Chợ đêm Đà Lạt), một cây ở vườn hoa Bích Câu (gần Vườn hoa Đà Lạt) và cây ở trước cổng vào nhà hàng Thủy Tạ vừa ngã đỗ.
Cây phượng tím này vừa gãy đỗ
Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda acutifolia thuộc họ Bignoniaceae, khác họ với phượng đỏ ở Việt Nam. Hoa có lá kép hai lần và hình thù hoa giống hoa phượng nên người địa phương gọi là phượng tím. Ngặt nỗi phượng tím ra hoa nhưng không cho quả, nên không có khả năng sinh sản tự nhiên.
Mãi đến năm 1994, kỹ sư Lương Văn Sáu mới thành công việc nhân giống phượng tím bằng phương pháp chiết cành. Đến cuối thập niên 90 (thế kỷ 20), các nhà khoa học ở Đà Lạt đã lấy mầm của 3 cây phượng tím đầu dòng trên để thử nghiệm việc nhân giống bằng phương pháp vô tính, và đã thành công.
Nhờ đó, phượng tím được nhân giống và trồng đại trà trên nhiều tuyến đường, tại các công viên, khu du lịch… Riêng ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm có con đường được mang tên Phượng Tím. Phượng tím từng được nhà văn Nguyễn Quang Sáng chọn làm tựa đề bộ phim phản ánh phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Đà Lạt…
Phượng tím thường nở vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, mang đến vẻ đẹp dịu dàng đặc trưng của Đà Lạt
Kỹ sư Lương Văn Sáu từng là hội viên Hội Hoa hồng nước Pháp, là một trong những người đầu tiên thiết lập nên Công viên hoa Đà Lạt (Vườn hoa Đà Lạt ngày nay).
Ngoài 3 cây phượng tím đầu dòng ở Đà Lạt, ông Sáu còn di thực nhiều cây hoa lá khác từ nước ngoài về trồng trong Vườn hoa Đà Lạt, trong khuôn viên các dinh thự, nhà thờ, chùa chiền... như cây vông mồng gà nằm nghiêng bên hàng rào sân sau khách sạn Palace, cây hoa chuông vàng ở chùa Linh Phước…
Kỹ sư nông học tài hoa ấy cuối đời bệnh tật, ông sống trong câm lặng; mọi việc trao đổi qua bút giấy, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu nhân giống các loài cây thân gỗ… Ông ra đi trong lặng lẽ, để lại gia tài vô giá là những giống cây quý và lạ cho Đà Lạt. Có thể ví phượng tím là cây hoa di sản, chuyên chở ký ức phố núi Đà Lạt tựa như cuộc đời lặng lẽ của người kỹ sư đã ươm mầm màu… hoa tím!
Bài: Lâm Viên
Ảnh: Khánh Phan, Hugo Trần Quang Anh
Đà Lạt là nơi đầu tiên trồng phượng tím ở Việt Nam
Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận Đà Lạt là nơi đầu tiên trồng phượng tím ở Việt Nam và thực tế bao năm qua Thành phố hoa phượng tím Đà Lạt đã trở thành điểm hẹn lãng mạn của các đôi uyên ương.
Cánh hoa phượng có màu xanh tím dịu dàng, bí ẩn nên ở một số nước thuộc châu Mỹ, châu Âu, mỗi khi hoa nở rộ, người dân tưng bừng mở hội hóa trang, múa hát và vịnh hoa.
Người đầu tiên đưa cây phượng tím (tên khoa học là Jacaranda Acutifolia, thuộc họ Bignoniaceae) có nguồn gốc từ châu Mỹ về Đà Lạt vào năm 1962 chính là kỹ sư Lương Văn Sáu (sinh năm 1942, quê quán Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, tốt nghiệp trường Canh nông Versailles, Pháp). Và, nhiều năm sau đó ông vẫn độc hành trong cuộc chơi nhân giống loài hoa này bởi đây là việc hết sức khó khăn; những cây phượng do ông ươm trồng tại Đà Lạt được vinh danh là những cây phượng tím hiếm hoi ở Việt Nam suốt một thời gian dài.
Sống cùng người vợ trong căn hộ chật chội ở đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt và thường xuyên bị giày vò bởi bệnh tật nhưng mỗi khi có thể gượng dậy là kỹ sư Sáu lại mày mò chiết cành phượng tím. Một số cây ông gửi đi bán để lấy tiền chữa bệnh bởi thời đó cây giống phượng tím rất đắt vì quá hiếm; số khác ông tặng cho bạn bè thân hữu để trồng ở Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa...
Ông cũng truyền những bí quyết và công thức nhân giống loài hoa khó tính này cho một số kỹ sư với hy vọng phát triển loài hoa này ở Việt Nam. Dần dà những người kế tục kỹ sư Sáu và một số nhà khoa học ở Việt Nam cũng đã thành công trong việc nhân giống phượng tím bằng cách chiết ghép, gieo ươm hạt... để rồi hôm nay hàng vạn cây phượng tím bung những chùm hoa xinh xắn với sắc tím mỏng manh, bâng khuâng tạo nét duyên mới cho phố núi Đà Lạt.
Là hội viên Hội hoa hồng nước Pháp nhưng hành trang của kỹ sư Lương Văn Sáu khi trở về Việt Nam lại đầy ắp những giống hoa thân mộc. Nhiều thập niên sau đó, ông còn nhờ bạn bè ở nước ngoài tìm kiếm thêm những loài hoa lạ để tô điểm cho thành phố hoa Đà Lạt: hoa sen núi, hoa chuông vàng, hoa vông kê móng cọp, cẩm cù…
Gần trọn cuộc đời ông lặn lội ngược xuôi sưu tầm những loài hoa lạ; tận tụy, cần mẫn nhân giống, ươm mầm hoa quý để dâng tặng miền đất này mà không hề kể lể công lao, không đòi hỏi sự đền đáp.
Kim Anh