Thượng đế ơi, phải chăng trong cuộc chiến và sau cuộc chiến, người Việt đã phạm lỗi không thương nhau, không yêu nhau? Và bây giờ, cần làm gì để người Việt thương nhau, yêu nhau từ nay và mãi mãi? Lại thêm hơn 20 năm nữa, thế kỷ XXI rồi, mỗi lần nghe bài hát Mùa xuân đầu tiên, mỗi lần tháng Tư đến, tôi lại thấy những câu hỏi này vang lên.
Xung đột, trả thù và trả giá
Cuộc chiến 30 năm 1945 - 1975 trên dải đất hình chữ S vẫn là đề tài gây tranh luận cho nhiều phía, nhiều thế hệ. Mấy năm trước, tôi gặp tại Washington một cụ già ở tuổi 80. Như nhiều người già xa xứ, ông cụ đã về lại Việt Nam, âm thầm đi thăm nhiều nơi, kể cả miền Bắc - vùng đất bên kia chiến tuyến ngày xưa.
Chỗ tình thân, ông cụ kể với tôi, ông đã đến phố Khâm Thiên và bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội là hai nơi từng hứng bom B52 tàn phá dịp Giáng sinh 1972. Ông cụ nhận xét một cách buồn bã: “Trận bom đó đáng lẽ không có vì hai bên đã đàm phán xong bản dự thảo hiệp định Paris nhưng giờ chót - ông Thiệu không ký nên Mỹ “thay đổi chiến thuật”, cho B52 dội bom thảm khốc Hà Nội!”.
Poster binh lính hai miền Nam - Bắc bắt tay nhau, chấm dứt nội chiến 1861-1865 được dùng trong sách giáo khoa Mỹ.
Và càng buồn hơn, ông cụ hỏi tôi: “Phải chăng chính vì vậy, lãnh đạo Hà Nội rất căm thù chính quyền và quân đội của ông Thiệu, cho nên sau cuộc chiến lập tức bắt bỏ tù, đày ải nhiều năm quân cán chính miền Nam?”. Ai sẽ trả lời và bao giờ sẽ trả lời được minh bạch và đầy đủ những câu hỏi như thế cho các thế hệ còn sống và mai sau về những vết đau tiếp tục chia cắt lòng dân sau cuộc chiến tương tàn: trại học tập cải tạo, đánh tư sản, phân biệt lý lịch, vượt biên...?
Ông cụ và tôi, chỉ biết trầm ngâm và càng thở dài khi nghĩ đến những vết thù hằn kỳ lạ trong nội bộ người Việt khắc ghi trong lịch sử dân tộc. Sử ký xưa từng ghi thế kỷ XI, Trần Thủ Độ - người tổ chức cho nhà Trần soán ngôi nhà Lý đã chủ trương “nhổ cỏ tận gốc”, không cho vua quan triều đại cũ có cơ hội trở lại chính trường. Đại Việt sử ký toàn thư chép chuyện Trần Thủ Đô lập mưu hiểm độc, chôn sống tôn thất nhà Lý.
Có thể câu chuyện chôn sống không đúng hoàn toàn nhưng việc con cháu nhà Lý phải ly tán, trốn chạy khắp nơi, là sự thật. Phải đến cuối thế kỷ XX, chúng ta mới được biết dòng dõi nhà Lý đã có nhiều người trốn chạy đến xứ Cao Ly xa xăm. May mắn, con cháu những “thuyền nhân” Việt Nam đầu tiên trong lịch sử, dòng dõi Lý Long Tường, Lý Hoa Sơn, khi đất nước yên bình đã tìm về quê Việt.
Mong rằng, người Việt - từ chính quyền đến dân, đừng lập lại những sai lầm cực đoan, những hành vi ấu trĩ, những tính toán nhỏ mọn, dẫn đến những cuộc chia ly thời hậu chiến, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sau nhà Trần, đến nhà Lê, thế kỷ XV, vụ án Lệ Chi Viên và cuộc thảm sát tru di tam tộc dòng họ Nguyễn Trãi, góp vào sử Việt thêm một điển tích trả thù man rợ. Tuy nhiên, man rợ nhất và gần nhất với thời hiện đại, là cuộc trả thù lẫn nhau của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, thế kỷ XVIII. Thoạt đầu, nhà Tây Sơn trong thế thắng đã truy đuổi, tận sát con cháu và phá hủy lăng mộ chín đời chúa Nguyễn. Hồi sau, nhà Nguyễn hồi phục và đại thắng, liền xử tử khốc liệt vua quan và tướng lãnh Tây Sơn và còn quật mồ, giam cầm hài cốt ba anh em Nguyễn Huệ.
Người kế vị Gia Long, vua Minh Mạng, mặc dầu có nhiều công lao xây dựng nước Việt mới, cũng đã thực hiện nhiều cuộc trả thù tàn khốc. Sử sách lưu truyền, chính Minh Mạng cho chém hơn 1.800 binh lính và người dân Gia Định liên quan cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi, mặc dù họ đã quy hàng. Không những thế, Minh Mạng còn cho san bằng mộ phần Lê Văn Duyệt, khai quốc công thần của tiên đế nhưng không đồng quan điểm với ông.
Cái giá phải trả cho những cuộc trả thù kinh hãi như vậy trong sử Việt là gì? Nguyễn Du, kẻ sĩ trong thời nội chiến 200 năm, tự thán: “Một phen thay đổi sơn hà, mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?” (Văn tế thập loại chúng sinh). Chuyện đã rõ nhiều thời, nhiều dòng họ, nhiều đất nước, hễ cứ cư xử nghiệt ngã tận cùng thì chỉ làm thù hận khó tan, lòng người bất phục, nhân tài ly tán.
Hòa bình, đại cuộc và khoan dung
Châu Âu và nhiều nơi trên thế giới cũng từng có và đang có không ít những cuộc trả thù hay đối xử hoang dã trong và sau cuộc chiến giữa các phe. Tuy nhiên, nhân loại, và ngay chính nước Việt ngày nay, chắc chắn không thể lớn nổi bằng lòng hận thù truyền kiếp hay sai lầm dai dẳng. Thật kỳ diệu, cuộc nội chiến Mỹ 1861 - 1865, đã kết thúc với những hình ảnh bi tráng và nhân nghĩa.
Vị đại tướng Robert E. Lee của Nam quân được giữ lại gươm và ngựa khi đầu hàng Bắc quân. Binh lính Nam quân được bình yên trở về quê nhà, không bị khinh ghét. Ngay cả lá cờ của phe miền Nam cho đến nay cũng không bị lăng mạ mà được tôn trọng như một kỷ vật chiến tranh và hòa bình. Chính những cử chỉ và chính sách đẹp của chính quyền Lincoln đã mở đầu nhanh chóng việc hàn gắn vết thương chung, đưa nước Mỹ từ bờ vực phân ly, trở lại cánh đồng chung thống nhất và cường thịnh.
Trong khi đó, cùng thời gian, ở nước Nhật đã xảy ra một cuộc nội chiến giữa phe cải cách và phe bảo thủ (1868 - 1872). Cả hai đều đã đổ máu nhiều trận và ở trận cuối cùng, mặc dù đang thắng và có quân đội tiên tiến hơn, nhưng phe Meiji cải cách đã mở cuộc thương thuyết với phe Shogun bảo thủ. Bằng đường lối nhân hòa, phe Meiji đã thuyết phục được phe Shogun buông kiếm để tham gia sự nghiệp Duy tân.
Thật kỳ diệu, chính vị shogun tài ba nhưng đối địch - Enomoto Takeaki, sau khi hàng phục, đã được chính phủ Meiji không ngần ngại mời làm bộ trưởng hải quân. Nhờ có nhân tài chứ không phải tài nguyên mà nước Nhật từ đó đã thực hiện “phú quốc cường binh”, không bị các cường quốc phương Tây bắt nạt nữa. Không những thế, nước Nhật Duy tân còn bước vào thế kỷ XX bằng chiến thắng hạm đội Nga vang dội.
Shogun Enomoto Takeaki, người chống lại phe cải cách nhưng sau khi hàng phục, được bổ nhiệm làm bộ trưởng hải quân đầu tiên của nước Nhật Duy tân
Làm sao người Mỹ và người Nhật làm nên chiến công nhân ái đó? Phải chăng, tầm nhìn đại cuộc sáng suốt đã giúp vượt lên hào quang chiến thắng? Phải chăng, khoan dung và độ lượng mới giúp xóa đi những ký ức buồn? Phải chăng ở trình độ văn minh nhất định mới tìm ra giải pháp win-win - các bên cùng thắng? Còn yếu tố nào khác thì chung quy, tất cả đều là những kinh nghiệm và bài học xương máu vô giá cho toàn nhân loại! Huống chi, với người Việt vốn tự hào cội nguồn “Một mẹ trăm trứng” , từng khuyên bảo “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” , từng kêu gọi “Người chung một nước phải thương nhau cùng” thì bài học trên càng cần thiết “học, học nữa, học mãi”.
Mong rằng, người Việt - từ chính quyền đến dân, đừng lập lại những sai lầm cực đoan, những hành vi ấu trĩ, những tính toán nhỏ mọn, dẫn đến những cuộc chia ly thời hậu chiến, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bước qua thế kỷ XXI, trước mệnh nước lại bị đe dọa bởi ngoại xâm về cả quân sự, kinh tế và văn hóa, trước mục tiêu công nghiệp hóa, dân chủ và văn minh chưa hoàn thành, người Việt không cách nào khác, chỉ có “tình thương đây là khí giới“ (Phạm Duy) để bảo vệ mình và non sông gấm vóc. Chỉ có hòa bình và khoan dung thì mới làm tăng nội lực nhiều mặt của dân tộc. Đừng để lỡ những cơ hội thương nhau, tin nhau giữa các thế hệ Việt xa gần.
Phúc Tiến