Mỗi lần Quốc hội bàn tới các vấn đề giáo dục, tôi lại băn khoăn về một điều mà theo tôi, rất quan trọng với tương lai Việt Nam, là tiếng Anh.
Đặng Hoàng Hải Anh tốt nghiệp Tiến sỹ tại Đại học Minnesota, ông hiện là kinh tế gia cho một tổ chức quốc tế tại Washington DC, Mỹ.
Tôi vẫn nhớ những ngày đầu nhọc nhằn luyện tiếng Anh ở cuối cấp hai để chuẩn bị thi vào lớp chuyên Anh cấp ba. Sau khi hoàn thành mấy năm chuyên toán cấp tiểu học ở Hải Phòng, nơi bố mẹ tôi được phân công công tác, tôi cùng gia đình quay về Hà Nội và học cấp hai ở một trường đúng tuyến không chuyên gần nhà. Vì tôi chỉ có thời gian ôn luyện ngắn để thi vào trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, mẹ tôi bảo tập trung cho tiếng Anh sẽ dễ có cơ hội hơn là đua vào chuyên toán. Mẹ đã đúng.
Mấy năm cấp ba của tôi sau đó bình lặng trôi qua mà không có kết quả học tập nào đáng kể so với bạn bè. Nhưng điều rất quan trọng tôi nhận được là sự say mê tiếng Anh. Ngoài giờ học ở trường, tôi dành hết thời gian rảnh rỗi cho ngôn ngữ này, đến mức gần như chẳng mấy khi tham gia đá bóng hay các hoạt động khác với bạn bè.
Bạn có thể nhớ sách tham khảo tiếng Anh chuyên sâu vào đầu những năm 1990 ở Hà Nội thiếu thốn thế nào nếu từng học tiếng Anh khi ấy. Thế là tôi trở thành khách quen của các tiệm sách cũ trên phố Lý Thường Kiệt hay Bà Triệu. Một bí mật sau khi la cà khắp các tiệm sách cũ được tôi phát hiện, có khá nhiều những cuốn sách học tiếng Anh được biên soạn rất chi tiết bằng tiếng Nga, bởi vì các bạn Nga đã nắm vững tiếng Anh từ rất lâu trước chúng ta. Và nếu bạn đủ kiên nhẫn chỉ đọc phần tiếng Anh trong các cuốn sách đó, bạn cũng có thể học thêm được nhiều.
Lên bậc đại học, tôi vẫn cần mẫn với tiếng Anh bằng niềm tin chắc chắn rằng đây là một kỹ năng mình cần có. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, tôi đã thi và đạt điểm TOEFL ở mức khá cao, 667 trên 677 điểm - vượt kỷ lục cũ năm 1999 của Việt Nam là 660 điểm, trên thế giới thời điểm đầu những năm 2000 chỉ có 1% thí sinh vượt qua 650 điểm.
Kết quả đó đã giúp tôi giành học bổng đi làm tiến sỹ ở Mỹ một cách thuận lợi. Vững tiếng Anh giúp cho tôi rất nhiều khi nghiên cứu sau này, và công việc hiện nay là biên tập viên cho một tạp chí khoa học chuyên ngành viết bằng tiếng Anh.
Ngày nay đã có nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam đạt điểm tiếng Anh cao hơn tôi trước đây, nhưng theo Education First - công ty đa quốc gia dạy ngoại ngữ có uy tín toàn cầu - trình độ tiếng Anh của người Việt nhìn chung hiện chỉ ở mức trung bình trong khu vực và thế giới. Nhà nước đã đầu tư nhiều chương trình lớn cho đào tạo tiếng Anh phổ cập tại hầu hết các trường phổ thông và đại học như Đề án ngoại ngữ 2020 với kinh phí tới gần 10.000 tỷ đồng và nhiều đề án khác.
Nhà nhà đang đầu tư tiền của, thời gian cho con em học tiếng Anh. Thế nhưng, phần lớn học sinh chưa giỏi ngoại ngữ này, hầu hết người Việt khi gặp người nước ngoài vẫn không nói chuyện được, đọc sách vở, tài liệu vẫn chỉ hiểu lờ mờ.
Đây là một bất lợi lớn không chỉ với các cá nhân mà còn với quốc gia. Bởi tiếng Anh là chìa khóa mở mọi cánh cửa kiến thức và công nghệ của nhân loại. Đại đa số các bài báo khoa học quốc tế, công nghệ mới nhất, thông tin quốc tế quan trọng, sách, công trình nghiên cứu đều được công bố bằng tiếng Anh qua Internet. Đại đa số các trường đại học hàng đầu, các tập đoàn đa quốc gia, các giao dịch thương mại quốc tế đều sử dụng tiếng Anh.
Nếu nhìn ra xung quanh, các nước láng giềng có thu nhập cao như Brunei hay Singapore đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức song song với các ngôn ngữ bản địa. Trên thế giới, người dân các nước thu nhập cao khác như Hà Lan hay Bỉ đều sử dụng thành thạo vài ngôn ngữ, trong đó luôn có tiếng Anh. Hai đất nước khác có mức thu nhập gần với Việt Nam là Ấn Độ và Philipines cũng đã dùng tiếng Anh như công cụ phổ biến và thu về nhiều ngoại tệ.
Xuất khẩu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ hàng năm thu về đến 150 tỷ USD, gần bằng ba phần tư tổng giá trị GDP hàng năm của Việt Nam. Lượng kiều hối hàng năm chảy về Philipines ước tính chiếm khoảng 10% giá trị GDP nước này, trong đó chủ yếu từ xuất khẩu nhân lực trong ngành y tế.
Trong khi đó, người Việt có rất nhiều điều kiện thuận lợi để giỏi tiếng Anh. Học sinh Việt Nam giỏi toán hơn so với các nước trên thế giới, điều này đã được khẳng định qua nhiều kỳ thi quốc tế. Từ kinh nghiệm của tôi và những người tôi biết, tư duy toán và ngoại ngữ có một mối liên hệ và bổ sung chặt chẽ cho nhau. Một ví dụ nữa, bảng chữ cái tiếng Việt dựa trên bảng mẫu tự Latin, giúp người Việt học tiếng Anh dễ dàng hơn so với các nước sử dụng các bảng chữ cái tượng hình như tiếng Nhật hay tiếng Trung Quốc.
Từ trước đến nay, ta chỉ chú ý vào phía cung, nghĩa là tăng cường các chương trình dạy tiếng Anh nhưng ít chú ý đến phía cầu, tức là khuyến khích động cơ của người dạy và học thông qua đánh giá kết quả bằng các phương pháp chuẩn hóa. Nếu một giáo viên tiếng Anh được đào tạo cơ bản, nhưng không được đánh giá kết quả dạy chính xác, thì làm sao có đủ động lực dạy cho hiệu quả? Nếu một cán bộ được nhà nước cấp kinh phí cho đi học, nhưng không có thước đo trình độ thu được, thì làm sao có động lực học tốt được?
Trong một đề án phổ cập tiếng Anh tôi đang xây dựng chung với GS Trần Ngọc Anh tại Đại học Indiana, Mỹ, chúng tôi đưa ra ba đề xuất cụ thể để nhà nước và các gia đình có thể đổi mới toàn diện cách tiếp cận trong đào tạo kỹ năng quan trọng bậc nhất này cho thế hệ tương lai của Việt Nam.
Thứ nhất, chúng ta phải mạnh dạn đưa tiếng Anh thành một tiêu chuẩn xét duyệt cho các bằng cấp và tuyển việc. Ví dụ, học sinh muốn tốt nghiệp phổ thông, sinh viên muốn tốt nghiệp đại học, người lao động muốn có việc làm trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, bổ nhiệm lên cấp phải đạt chuẩn tiếng Anh thực sự.
Tôi nói "thực sự" là vì có rất nhiều người có bằng tiếng Anh nhưng không thể sử dụng tiếng Anh. Thậm chí cán bộ xã ngày nay cũng cần đạt chuẩn tiếng Anh nhất định để có thể tiếp cận được kinh nghiệm của khu vực, tiếp thu kiến thức từ Internet để giúp dân. Giáo viên dạy tiếng Anh cũng cần được đánh giá lại thường xuyên bằng chính tỷ lệ học viên đạt chuẩn của mình. Như vậy mới tạo được động lực học mạnh mẽ cho việc học và dạy tiếng Anh.
Thứ hai, các kỳ thi tiếng Anh phải được tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế, chứ không phải là chuẩn tự chúng ta đặt ra với nhau. TOEIC hay IELTS là những kỳ thi quốc tế đã chuẩn hóa mà Việt Nam có thể dùng để đánh giá trình độ tiếng Anh. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể phối hợp với các tổ chức thi tuyển tiếng Anh trên thế giới như ETS để làm được điều này, cũng là để giảm chi phí thi cử khi tiến hành đại trà.
Thứ ba, Bộ Giáo dục chuyển sang lối tư duy hỗ trợ người học theo nhiều cách thay vì đầu tư quá nhiều vào đào tạo giáo viên hay sửa đổi giáo trình. Bộ hoàn toàn có thể làm việc với các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống đào tạo tiếng Anh trực tuyến bài bản, miễn phí để cho bất kỳ người dân nào cũng có thể tiếp cận và tự học được.
Nhà nước thay vì tổ chức các lớp học tiếng Anh cho công chức có thể hỗ trợ kinh phí để họ tự chọn kênh tốt nhất với mình mà học. Nhà nước thậm chí có thể kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của các nước nói tiếng Anh, tạo điều kiện cho người dân các nước nói tiếng Anh sang tình nguyện dạy tiếng Anh tại Việt Nam - hình thức này đã có song còn rất manh mún.
Nếu chính phủ muốn làm và làm thực sự, số người Việt Nam sử dụng tốt tiếng Anh có thể tăng lên gấp nhiều lần và chi phí nhỏ hơn nhiều so với hiện nay. Việc tiến vào nền kinh tế tri thức toàn cầu sẽ không còn quá khó.
Đặng Hoàng Hải Anh