Những vụ việc ấy đã cho thấy không ít kẻ có chức quyền sai phạm và bè nhóm tham ô, tham nhũng không chỉ tham lam, vơ vét, tham nhũng tài sản, vật chất hiện hữu mà còn tham nhũng cả cơ hội, tước đoạt cả tương lai phát triển. Bởi hành vi đó chính là đánh thẳng vào nguồn lực con người - nguồn lực cơ bản để xây dựng, phát triển xã hội, là tương lai của đất nước.
Những chuyện sai phạm, đổ đốn chưa từng thấy đã diễn ra ở nhiều nơi trong xã hội, trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước thời gian gần đây. Qua các vụ việc ấy đã bộc lộ thêm thang bậc sai phạm, mức độ tham nhũng của những kẻ có quyền không dừng ở hiện tại mà còn “tham nhũng cả tương lai”.
Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ
Hiện tại, đất nước thì đang gánh nợ nần không nhỏ; doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là dân nghèo đang gặp rất nhiều khó khăn, chật vật trong việc làm ăn, sinh sống. Nhiều địa phương đang cần có nguồn vốn đầu tư xây dựng để giảm ngập, giải kẹt đường sá và bao chuyện bức bí hạ tầng xã hội để “giải nghẹt” xã hội, cho toàn dân nhưng không dễ tìm ra nguồn vốn thực hiện.
Trong khi ấy, hàng loạt vụ án, sai phạm đã và đang bị phanh phui, xử lý với tiền bạc, tài sản tham ô, tham nhũng, thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng, hàng triệu đôla đã đến mức thấy quen như kiểu thường tình. Sức tàn phá của những vụ án tham nhũng, sai phạm và nhiều dự án theo lợi ích nhóm đã xóa cả xóm làng, tước đoạt đất đai, lấp sông lấn biển gây ra khiếu nại, khiếu kiện, chống đối của người dân... biết bao hệ lụy không dễ xử lý, giải quyết.
Nếu làm phép so sánh đơn giản cũng sẽ thấy những giá trị vật chất, tài sản tham nhũng đã là những bội số không nhỏ, so với những khoản đầu tư cho xóa đói giảm nghèo hay các hỗ trợ cho dân cư khắc phục hậu quả, khôi phục cuộc sống, sản xuất sau các trận bão lụt, thiên tai tàn khốc ở nhiều nơi. Tiền tham nhũng, thất thoát cũng lớn hơn gấp nhiều lần những khoản thuế, phí, viện phí mà nhiều ngành, nhiều địa phương đã tăng thu hay đang tìm cách tăng thu của người dân. Thậm chí, sự “thiếu hụt” còn đến mức phải tự đặt cả “luật con” để lạm thu các quỹ, phí chưa từng có, giống kiểu như “tiền áo” mặc nuôi người bệnh hay tiền người nhà ở nuôi người bệnh (30.000 đồng/người) mà Bệnh viện đa khoa quận Thủ Đức, TP.HCM đặt ra để thu gần đây.
Một khi các vụ việc đã bị phát giác, xã hội lên án nhưng lại không xử lý kịp thời, trừng trị đúng luật pháp, nghiêm minh mà trì hoãn, quanh co, kéo dài; ngược lại có khi còn để cơ hội được “an vị” hay thậm chí có thể còn có bao che, để nhởn nhơ như thách thức công luận, công dân và luật pháp... thì rất dễ khiến người dân coi là bạo ngược.
Nhìn lại những vụ gian manh thi cử, cướp đoạt cơ hội của nhiều thí sinh con dân vừa nêu hay những vụ “nâng đỡ không trong sáng” đạp trên nhiều người xứng đáng hơn để “tiến thân thần tốc”; kể cả những vụ gian dối để thành “anh hùng kiểu Hồ Xuân Mãn” (nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) gần 10 năm trước đây hoặc cả các vụ cán bộ, quan chức hủ hóa, dâm ô mà điển hình là vụ dâm ô trẻ con của Nguyễn Hữu Linh - cựu phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, mới bị khởi tố... suy cho cùng đều có nhiều điểm đồng dạng nữa, đó là “tham nhũng niềm tin”.
Tất cả những vụ sai phạm, tham nhũng hiện tại, “tham nhũng niềm tin”, “tham nhũng tương lai” với đầy hậu họa đã gây ra, trong mắt nhiều người dân đó chính là sự tham tàn của “đội ngũ tham nhũng” đã nêu. Còn một khi các vụ việc đã bị phát giác, xã hội lên án nhưng lại không xử lý kịp thời, trừng trị đúng luật pháp, nghiêm minh mà trì hoãn, quanh co, kéo dài; ngược lại có khi còn để cơ hội được “an vị” hay thậm chí có thể còn có bao che, để nhởn nhơ như thách thức công luận, công dân và luật pháp... thì rất dễ khiến người dân coi là bạo ngược.
Niềm tin của công chúng và xã hội sẽ bị đánh đổ mạnh nhất, nhiều nhất và nhanh nhất nếu một khi tham tàn, bạo ngược xuất hiện và tồn tại. Đó là thực tế lịch sử thế giới và cả của Việt Nam đã diễn ra, minh chứng quá nhiều, chứ không phải chỉ là cá biệt với quốc gia, dân tộc nào. “Mất niềm tin là mất tất cả” - bài học, cảnh báo chung ấy đã có rất nhiều và có tự xa xưa; đồng thời đó cũng chính là một trong những nguy cơ cho chế độ, cho đất nước mà chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhận diện, cảnh báo từ nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo trước đây.
Vì vậy, dù bất cứ trong điều kiện, hoàn cảnh nào, nếu như công cuộc chống tham nhũng - “đốt lò” mà lơ lỏng, chùn tay thì “lực lượng tham nhũng” hiện tại lẫn tham nhũng tương lai sẽ còn cơ hội tồn tại, phát triển như kiểu tương sinh. Dẫu cuối cùng tham tàn có bạo ngược đến đâu cũng phải bị suy tàn, diệt vong nhưng một khi nó còn tồn tại thì sẽ gây rất nhiều hệ lụy, tai vạ cho dân và nguy cơ với đất nước. Đó là vấn đề đã đến lúc không thể né tránh, quanh co, lập lờ, lơ lẩn... mà cần phải nhìn thẳng, nói thật để cảnh báo, ngăn chặn hậu họa lâu dài cho người dân, cho xã hội, cho đất nước hôm nay và cả tương lai.
Trúc Nam Sơn