Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Tô Thùy Yên: Thức cho xong bài thơ

LTS: Nhà thơ Tô Thùy Yên, tác giả của những thi phẩm nổi tiếng: Trường Sa hành, Ta về, Chiều trên phá Tam Giang,… vừa qua đời tối 21.5 tại Houston, Texas (Hoa Kỳ), hưởng thọ 81 tuổi. Để bạn đọc hiểu hơn “một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam” như nhận định của thi sĩ Du Tử Lê, tòa soạn giới thiệu bài viết của nhà thơ Ý Nhi từng đăng trên báo in Người Đô Thị với nhan đề "Thức cho xong bài thơ" (*)
    Tô Thùy Yên (1938 - 2019). Ảnh: AFP

    Năm 1993, tôi đã gặp Tô Thùy Yên. Tôi đã được nghe Trường Sa hành, Chiều trên phá Tam Giang, Thi sĩ… trước khi gặp Tô Thùy Yên. Vì vậy, có phần bất ngờ khi đối diện với tôi, con người từng mộng du trên trái đất tròn, từng chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng/giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô, từng bay trên phá Tam Giang với những suy nghĩ ở một tầng cao đáng kinh ngạc về cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra, lại là một người đàn ông tầm thước, lịch duyệt, từ tốn.
    Cho đáng một lần đi (2)
    Bất ngờ khác, ông gần như không có sự ngại ngần khi trò chuyện với tôi - một nhà thơ từ Hà Nội vào. Ông thường ghé qua nơi tôi làm việc - Chi nhánh NXB Hội Nhà Văn tại TP.HCM, nơi ông có thể gặp những nhà văn miền Nam còn ở Sài Gòn như Huỳnh Phan Anh, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Phong... và những nhà thơ trẻ như Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoằng Vỵ, Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên...
    Hồi đó, hẻm 361 Hai Bà Trưng (nơi có trụ sở NXB) còn vắng vẻ. Phía trước mặt trụ sở có một khoảnh đất trống. Gia đình nọ đã dựng tạm gian quán lợp giấy dầu bán cà phê nước ngọt, kiểu một cái quán cóc. Chúng tôi thường “tụ tập” ở đó. Sáng nọ, trong gian quán quạnh quẽ, Tô Thùy Yên đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Quán vắng vẻ của ông, giọng nhẹ nhàng, cách đọc chậm rãi khiến người nghe dễ dàng nhập vào tâm trạng của tác giả: Việc đời lầm lẫn vậy/ Hối mấy chẳng hơn gì/ Thôi thì hãy cố nán/ Cho đáng một lần đi... Nghe đâu, trong tù, ông còn hát vang lên một ca khúc của Trịnh Công Sơn, để báo với bạn tù sự có mặt của mình, để thiên hạ biết mình vẫn có thể hát.
    Đôi lần, ông xuống nhà tôi ở quận 6, không gặp tôi, ông trò chuyện với nhà tôi và các con tôi. Khi nghe vợ chồng tôi có ý định xây nhà trên mảnh đất ở Gò Vấp, ông đưa chúng tôi đến Biên Hòa gặp kiến trúc sư Đinh Thiên Tứ - bạn ông - nhờ thiết kế.
    Từ khi ra tù, Đinh Thiên Tứ bỏ nghề, không nhận bất cứ công việc chuyên môn nào. Nếu không có Tô Thùy Yên, chắc chắn chúng tôi không thể có được ngôi nhà trang nhã, thanh thoát, chan hòa nắng gió này. 
     Tô Thùy Yên (trái) và họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: TL

    Ông nói với tôi, ông mong có dịp ra Hà Nội, nơi ông từng qua giữa đêm khuya trong chiếc xe chở tù bít bùng, chật chội. Ông một mình chạy xe đến hồ Trị An: đi giữa trảng tranh/ràn rạt gió lùa/hư rỗng tuênh toang/ bốn phía rừng xa mịt mịt...
    Những quấn quýt bạn bè, những lo toan giúp đỡ, những tỏ bày, những chuyến đi... phần nào nói lên tâm trạng của Tô Thùy Yên lúc này. Ông vừa ra khỏi tù lần thứ ba chưa bao lâu và đang chuẩn bị cho việc rời bỏ quê cha đất tổ. Có thể nói, đó là quãng thời gian rất đặc biệt trong cuộc sống của ông: chưa dứt khỏi ký ức nặng nề, bàng hoàng giữa những ngày đang sống (Lang thang rã rời ngoài phố đông người/ không gặp một ai quen... Bất chợt nghe như đời đã muộn/ Muộn đến chán chường rũ thõng đôi tay/Tưởng không cái vội nào còn bắt kịp...) và, đứng trước một chuyến ra đi không dễ dàng, thậm chí, là một chuyến đi đau đớn, đầy ưu uất: Anh ra đi/Bứt ruột mà đi/ Như đã một lần cũng bứt ruột/Đi những mười năm tưởng chẳng còn về...
    Cuối năm, trước khi cùng gia đình rời Việt Nam, ông đem cho tôi một số bài thơ chép tay, như món quà cho người bạn vong niên: Ngoài cõi võ vàng, Giấc hoành môn, Những mẩu giấy rời, Những thành phố mà ta không ghé lại, Bài thơ chia tay dành cho người duy nhất đọc, một bài không có tựa đề và bản in bài Ta về (có lẽ trên một tạp chí ở hải ngoại) với các ghi chú: Xin đừng phổ biến. Đa tạ. Chữ Tô Thùy Yên rất đẹp.
    Các bài thơ đều được viết trong năm 1993. Sau này, trong Thơ tuyển, Bài thơ chia tay... được lấy tựa Giã biệt và không thấy có Những mẩu giấy rời, Ngoài cõi võ vàng, bài thơ không tựa đề. Có thể Tô Thùy Yên không chọn. Mà cũng có thể ông không còn lưu giữ chúng.
    Tô Thùy Yên dường như không có thói quen lưu giữ các bài thơ của mình, dưới bất cứ hình thức nào. Làm thơ từ cuối những năm 1950 mà đến năm 1995 ông mới cho xuất bản tập thơ đầu tiên. Được biết, khi làm sách, ông đã phải nhờ cậy bạn bè và những người yêu thơ còn lưu giữ thơ ông. Một trường hợp hy hữu.
    Thơ của gã du hành muôn năm muôn nơi 
    Nhưng một cuộc gặp khác, cuộc gặp Thơ Tô Thùy Yên thì phải chờ đến mấy năm sau. Có thể nói, đây là một cuộc gặp gây chấn động với tôi. Mười mấy năm trôi qua, kể từ khi có Thơ tuyển và Thắp tạ (3), tôi luôn có ý định viết về thơ Tô Thùy Yên nhưng lại luôn ngần ngại, lo mình không đủ thấu hiểu, không đủ sự đồng cảm (4). Chỉ khi nhận được thư điện tử của ông vào cuối năm 2015 (5), tôi mới khởi sự.
    Như mọi nhà thơ lớn, khi bắt đầu, Tô Thùy Yên đã định vị chỗ đứng của mình. Thi sĩ 18 tuổi lựa chọn sự đối đầu. Với Thượng đế, “Đầu tôi cứng và trơn/ Thượng đế làm sao ngự”, với Hư vô: “Có đọc thuộc thánh thư/Linh hồn tôi vẫn vậy/Tôi vẫn không thể lạy/Dù đứng trước hư vô”, với Cuộc đời: “Với thứ linh hồn quốc cấm/ Tôi tù tội chung thân”, với Thơ: “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/ từng chữ một” . Và, thi sĩ chấp nhận nỗi cô đơn: “Tôi thấy đã mất mát/ Tất cả trừ cô đơn”, chấp nhận “cuộc tuần du bất tận… về nơi hẹn nào không định trước”, chấp nhận những đau đớn, những oan khiên, những trượt lỡ của cuộc đời. Đó là một lựa chọn có ý thức. Và vì vậy, đã được nhà thơ giữ trọn suốt một đời thơ dài hơn 60 năm.
    Có thể nói, thơ Tô Thùy Yên là câu chuyện của “gã du hành muôn năm muôn nơi”. Cách khác, chính xác hơn, đó là cuộc độc thoại của con người đầy ý thức về cõi thế, về cõi người, về lẽ mất, còn, về dựng xây và hủy diệt, về hy vọng và tuyệt vọng...
    Cách khác nữa, là lời tự vấn, là những câu hỏi, nhiều khi không lời đáp, sau những gì đã đi qua, sau những hạnh ngộ và chia lìa, sau những hân hoan hiếm hoi và những khổ lụy lâu dài của kiếp người. Dù là cách nào đi nữa, cuối cùng, thơ Tô Thùy Yên cũng đem lại cho ta những suy nghĩ lớn lao, những rung cảm mãnh liệt, những dày vò khôn nguôi, và, vẫn còn đó, những câu hỏi mà ta cũng không tìm ra lời đáp hay chỉ là “Câu hỏi vạn niên/ Lời đáp nhất thời”.
    Đó là câu chuyện của bậc thượng thừa, bậc tiên tri. Chẳng phải thế sao. Ai, ngoài ông, có thể tiên cảm kinh hoàng về những tai ương, những tang tóc mà nhân loại hôm nay đang hứng chịu:
    Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
    Ngoài biển khơi, trên lục địa
    Sò hến, côn trùng cũng chẳng yên thân
    Đặng Tiến tinh tế khi cho rằng thơ Tô Thùy Yên là “những bài thơ ngoài thời gian và vô quốc tịch”.
    Câu thơ soi mệnh viết mà khóc
    Vào năm 1972, trong bài thơ Bất tận nỗi đời hung hãn đó, nhà thơ từng cầu ước được một lần thấu suốt định mệnh của mình. Nhưng, vẻ như, ông đã không được toại ước, không thể biết rằng, chỉ vài ba năm sau đó, đã phải đặt chân lên đoạn đường tàn khốc của đời mình.
    Thủ bút của Tô Thùy Yên
    Đó là thời của những Mùa hạn: mùa hạn của trời đất, mùa hạn của thể xác, của tâm tưởng:
    ... Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc
    Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng
    Đó là thời của những chuyến Tàu đêm lao vào cõi mịt mù tựa như một mũi khoan xoáy vào tâm trí đớn đau của người tù:
    ... Tàu đi như một cơn điên đảo
    Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
    Ta tưởng chừng nghe thời đại động
    Xô đi ầm ĩ một cơn đau...
    Nhưng, với con người ấy, những oan khiên, những mất mát, những khổ lụy của cá nhân không làm lụi tắt tình yêu thương bất tận với đồng loại, không làm lụi tắt nỗi lo âu nhân thế. Chính trong cái Mùa hạn kinh hoàng ấy, trong cảnh tù đày khốn khổ ấy, những câu thơ vẫn bật lên ánh sáng nhân ái kỳ diệu nhất mà con người có thể có được:
    ... Tất cả rồi đây sẽ đổi thay
    Đổi thay từ quặng mỏ, mầm cây
    Đổi thay cả mặt người tăm tối
    Những bớt chàm xưa được xóa trôi
    Chính trên chuyến tàu đêm mịt mùng, vô vọng ấy, những câu thơ lại như những lời kêu gọi vang vọng, những khắc ghi sâu đậm trên ngày tháng:
    ... Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
    Cho tiếng rền vang dội địa cầu
    Lay động những tầng mê sảng tối
    Loài người hãy thức, thức cùng nhau
    Thật khó hình dung đó là tiếng nói của một người tù nhưng thật dễ hiểu, khi biết, người tù đó là nhà thơ Tô Thùy Yên - người từng chọn cho mình một cách giã từ đẹp đẽ nhất, sang cả nhất:
    Rồi đến một hôm nào
    Ta mắc lại
    Trên cành cây bất chợt gặp bên đường
    Tấm áo sinh thời nặng trĩu bụi
    Như một lời từ biệt nghe rồi quên.
    Đó là những vần thơ Lấy mình soi mệnh mình.
    Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
    Câu thơ này nằm trong bài Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, một bài thơ hiếm hoi dường như chứa chất nỗi vui, sự thanh thản của tâm hồn. Dù vậy, ngay lần đầu đọc câu thơ, tôi đã ngờ ngợ có điều chi bất ổn. Có thể vì tôi đã đọc quá nhiều những câu thơ đau đớn, dằn vặt, thảng thốt về nỗi đời của Tô Thùy Yên.
    Chúng phủ trùm lên tâm trí người đọc, không nhường chỗ cho bất cứ điều gì khác. Mà cũng có thể, chính âm hưởng của câu thơ đã phủ định ý nghĩa của từ ngữ. Nếu quả ta vui vẻ, ta vô sự, hẳn ta chẳng cần “tuyên bố” như vậy.
    Trong lời tuyên bố này hàm chứa một điều gì giống như sự gắng gượng, gắng tỏ ra vui vẻ, gắng quên những lo âu, phiền lụy:
    Ví dù ta ngủ không còn dậy
    Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng...
    Vẻ như, cuộc gắng gượng không thành. Xem ra, lòng chẳng hề vô sự. Xem ra, cuộc “làm lại tâm hồn” cũng chỉ là một dự tính bất thành.
    Hạnh phúc, tình yêu, niềm vui... trong thơ Tô Thùy Yên thường ở trạng thái của một mơ ước, một dự tưởng. Vườn hạ trong xanh dịu dàng kia chỉ là việc của “mai kia mốt nọ”, những cảnh thanh bình yên ả chỉ là nỗi nhớ tiếc:
    Còn ở đâu miền xanh bóng cây
    Để ta đến đó ngồi trưa nay
    Dường như hơi mát trong vòm lá
    Có chất men làm ta thoảng say...
    Và, tình yêu. Và niềm vui chỉ là một khát vọng khôn cùng, một mong mỏi khiêm nhường: 
    Hãy hạnh phúc nhất thời
    Như dấu lặng
    Hãy hạnh phúc nhất thời
    Như tiếng mưa rào, như lời cỏ hát
    Như ánh chớp đùa, như hạt sương gieo
    Như giọt nước lan reo mà tự hủy...
    Liệu con người này có lúc nào vô sự, có lúc nào vui vẻ, thảnh thơi như câu thơ ông từng viết?
    Ta về khai giải bùa thiêng yểm
    Cuộc “khai giải” này dường đã được bắt đầu từ rất lâu, trước tai ương, trước mười năm tù lưu xứ, trong căn cốt, trong tri cảm của thi sĩ - hành giả.
    Ví như, từ một lần đi đến ngôi quán vắng vẻ kia: Lỗi tự mình, lỗi tự mình thôi/ Đã chẳng nhớ ra ngày tháng hẹn... Tội cho người, tội bấy cho người/ Cũng đến đây chờ chẳng gặp ai... Việc đời lầm lẫn vậy/ Hối mấy chẳng hơn gì.
    Ví như, từ một lần đến Trường Sa: Ta hỏi han, hề, Hiu quạnh lớn/ Mà Hiu quạnh lớn vẫn làm ngơ... Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt/ Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi/ Đám cây bật gốc chờ tan xác/ Có hối ra đời chẳng chọn nơi...
    Ví như, từ bao nhiêu chiêm nghiệm về lẽ đời: Đừng loạn tâm, đừng loạn tâm/ Cuối chặng hành trình quay đảo nhất/ Cả thảy sẽ an nhiên/ Trong trật tự hằng hằng của vũ trụ...
    Và, cuộc “khai giải” sâu đậm nhất đã diễn ra trong một lần gặp mặt tưởng tượng với người lính bên kia chiến tuyến:
    Ta thương ta yếu hèn
    Ta thương ngươi khờ khạo
    Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
    Nên cả hai cùng mắc đường Lịch sử...
    (Chiều trên phá Tam Giang)
    Chắc chắn, nếu không có cuộc “khai giải” trong tâm tưởng ấy, không có cuộc khai giải tự lòng mình ấy, không thể có hình ảnh người tù: Ta về một bóng trên đường lớn; không thể có cảnh tượng: Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa/ Làng ta, ngựa đá đã qua sông/ Người đi như cá theo con nước/ Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng; không thể có nỗi hàm ơn: Ta về cúi mái đầu sương điểm/ Nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ Cám ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui từ mỗi lẻ loi; không thể có sự bình tâm: Em hãy yêu lấy thành phố của anh/ Như tất cả những gì anh gửi lại/ Trong buổi chiều dịu lãng đời em/ Thành phố của anh/ Bây giờ đã thuộc về em/ Như lời nói thuộc về nhà thơ phe thắng trận; không thể có cuộc lễ tạ đơn độc mà kỳ vĩ: Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này...
    Cuộc khai giải huy hoàng và đau đớn này, chỉ có thể được làm nên bởi chính tri cảm của một người lớn, một nhà thơ lớn. 
    Mà, bài thơ ông muốn viết vẫn chưa xong (6).
     * * *
    Các nhà phê bình văn học danh tiếng như Đặng Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc... đều đã thử bút với thơ Tô Thùy Yên. Và, dường như chưa ai trong số họ cho rằng họ đã nói lời sau cùng về ông. Chắc chắn, những nhà phê bình tiếp sau họ, những độc giả của tương lai, sẽ đọc Tô Thùy Yên với một định chuẩn thẩm mỹ mới, bởi Thơ Tô Thùy Yên là kho báu của thơ Việt, bởi Tô Thùy Yên là “một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam” (Du Tử Lê).
    Chính xác hơn, Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. 
    Tô Thùy Yên tên khai sinh là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Sài Gòn, cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa, mất 5.2019 tại Hoa Kỳ.
    Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) và cùng với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh “Thơ tự do” trên văn đàn miền Nam thập niên 1960.
    Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị quân đội Sài Gòn.  Sau 30.4.1975, Tô Thùy Yên phải tập trung cải tạo tổng cộng gần 13 năm, đến 1993 ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư.
    Tô Thùy Yên là một trong số các nhà văn hải ngoại vừa nhận được lời mời về nước tham dự  “một cuộc gặp mặt nhẹ nhàng và ấm áp” với các nhà văn trong nước dự định tổ chức vào hạ tuần tháng 10 tại Hà Nội.
    Ý Nhi

    (*) Tựa bài viết cũng như các câu thơ in nghiêng trong bài viết là thơ Tô Thùy Yên
    (2) Các tít phụ đều là thơ Tô Thùy Yên
    (3) Tên hai tập thơ của Tô Thùy Yên
    (4) Đặng Tiến: “Tác giả kén chọn người đọc và cách đọc, có lẽ vì thế mà 40 năm sau khi có thơ thường xuyên đăng trên báo, anh mới cho xuất bản một tập thơ tuyển, viết về anh có phần khó, không phải ở khâu bình giải khen chê, mà ở mức độ đồng cảm” (Ngựa phi, ngựa phi đường xa)
    (5) Trích thư Tô Thùy Yên trả lời về việc xin đăng thơ ông trên Văn Việt: “... Về những bài thơ, xin cô cứ tùy nghi. Tôi thiết nghĩ, dù xa mặt, bao giờ cô cũng chẳng nỡ làm gì có thể hại thanh danh và khí tiết của tôi...”
    (6) Trời rạng/Chuyến đi không hoãn được/ Bài thơ tâm phát dẫu chưa xong/ Xin vẫn cài hờ lên cửa tạ (Thơ tạ)