Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

10 ngày áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM

Ngọc Tân

Qua 2/3 thời gian áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, hệ thống y tế trước sức ép lớn, TP.HCM có khả năng kéo dài thời hạn giãn cách.

 10 ngày căng mình chống dịch ở TP.HCM

Sau khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM bước vào những ngày căng mình chống dịch Covid-19. Số ca mắc mới liên tục tăng cao, đặt ra nhiều thách thức trong việc dập dịch.

"Cứ chịu khó giãn cách xã hội một thời gian, rồi mọi chuyện sẽ ổn", đó là niềm tin đã được củng cố qua 3 đợt chống dịch thành công của cả nước. Dù có nói ra hay không, người dân TP.HCM cũng kỳ vọng rất nhiều vào kết quả của 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn thành phố.

Bước sang ngày giãn cách thứ 10 theo Chỉ thị 16, lãnh đạo TP.HCM khẳng định thành phố đi đúng hướng, việc giãn cách mang lại hiệu quả, nhưng cũng đồng thời nhận định rằng "tình hình đang diễn biến khá phức tạp, ta phải lường tới khả năng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm thời gian nữa".

F0 tăng phi mã

Trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, nhiều chuyên gia y tế đã nhận định số lượng F0 chưa được phát hiện trong cộng đồng còn rất nhiều. Nhưng nhiều là bao nhiêu? Trong 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16, phương pháp xét nghiệm thay đổi từ mẫu gộp PCR sang xét nghiệm nhanh, cho ra một bức tranh ngỡ ngàng về số ca F0 trong cộng đồng.

Từ con số 400-700 ca F0 mới mỗi ngày trong một tuần đầu tháng 7, tốc độ tăng F0 đã đạt trên dưới 2.000 ca/ngày. Đến ngày 15/7, TP.HCM chính thức vượt mốc 20.000 ca mắc Covid-19 tính từ đầu đợt dịch.

Chiều 18/7, TP.HCM ghi nhận con số kỷ lục 4.692 ca mắc Covid-19 mới sau 24 giờ, nâng tổng số F0 từ ngày 27/4 lên hơn 30.000 ca. Thành phố ghi nhận 180 ca tử vong, trong đó có 20 ca được ghi nhận từ 8/7 đến nay.

Hình ảnh bệnh viện dã chiến thu dung F0 ở TP.HCM chật kín bệnh nhân sau 3 ngày mở cửa. Ảnh: Ngọc Tân.
Hình ảnh bệnh viện dã chiến thu dung F0 ở TP.HCM chật kín bệnh nhân sau 3 ngày mở cửa. Ảnh: Ngọc Tân.
TP.HCM 10 ngay gian cach xa hoi anh 2TP.HCM 10 ngay gian cach xa hoi anh 3

Hình ảnh bệnh viện dã chiến thu dung F0 ở TP.HCM chật kín bệnh nhân sau 3 ngày mở cửa. Ảnh: Ngọc Tân.

Những ngày giãn cách, người dân TP.HCM chứng kiến nhiều cao ốc bỏ hoang bỗng nhiên sáng đèn. TP đã quyết định trưng dụng khu tái định cư "ế ẩm" ở trung tâm bán đảo Thủ Thiêm làm các bệnh viện dã chiến số 3, 6, 7, 8, 9 cho F0 không triệu chứng.

Cùng lúc đó, tòa nhà Thuận Kiều Plaza, công trình nằm giữa trung tâm quận 5, chủ đầu tư phải tạm hoãn kế hoạch cải tạo đưa vào khai thác 648 căn hộ, giao cho TP trưng dụng thành bệnh viện dã chiến số 5.

Lấy hết được mẫu vùng lõi thì lấy ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Số ca mắc theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam

Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, nhận định thời gian đầu áp dụng Chỉ thị 16, F0 sẽ được phát hiện rất nhiều. Nguyên nhân là cả thành phố đang dừng lại để truy vết.

"F0 nhiều đột xuất như thế vì chúng ta sử dụng bộ xét nghiệm nhanh, làm lộ ra những ổ dịch ngay tức khắc, hiệu quả hơn PCR rất nhiều. Sau khi xét nghiệm PCR khẳng định, chúng tôi đánh giá độ chính xác của xét nghiệm nhanh là trên 90%", ông Hòa cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đang lấy mẫu xét nghiệm ở vùng lõi nên số F0 được phát hiện sẽ rất lớn.

"Nếu lấy hết được mẫu vùng lõi thì thời gian tới lấy ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Số ca mắc theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống. Mục tiêu của chúng ta trong đợt dịch này là cố gắng tách nhóm F0 ra khỏi cộng đồng dân cư", ông Nam nói.

Ngoài việc mở thêm bệnh viện dã chiến, thành phố đang thí điểm cách ly F1 tại nhà và nghiên cứu điều trị F0 tại nhà.

Hàng hóa khan hiếm, cuộc sống xáo trộn

"Chưa bao giờ thấy Sài Gòn như vậy", anh Hiếu (người dân quận 1) nói trong lúc nhận túi trứng gà từ tay nhân viên Circle K.

Cửa hàng Circle K vốn chỉ bán trứng gà chín. Nhưng anh Hiếu bảo con anh đang ốm, cần trứng gà sống để nấu cháo mà đảo qua 3 siêu thị mini đều không còn hàng. Nghe anh Hiếu trình bày, nhân viên cửa hàng vào nhà kho lấy cho anh 3 quả trứng chưa luộc.

Người dân TP.HCM bước vào những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong hoàn cảnh cả 3 chợ đầu mối đã đóng cửa, cả thành phố chỉ còn 46 chợ truyền thống hoạt động (tính tới 16/7). Luồng vận tải hàng hóa từ ngoại tỉnh vào thành phố gặp khó khăn.

Tại các chuỗi siêu thị mini, trứng gia cầm trở nên khan hiếm, trong khi các loại nông sản, thịt cá cũng lên giá và nhanh hết hàng.

Bên cạnh lý do khâu vận tải gặp khó khăn, nhà chức trách cũng ghi nhận xu hướng gom hàng, tích trữ nhu yếu phẩm khiến nguồn cung không theo kịp nhu cầu.

Người dân TP.HCM xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị. Ảnh: Ngọc Tân.
TP.HCM 10 ngay gian cach xa hoi anh 4

Người dân TP.HCM xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị. Ảnh: Ngọc Tân.

Bên cạnh vấn đề khan hiếm nhu yếu phẩm, người dân thành phố còn gặp khó khăn khi phải tuân thủ yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà và giải trình lý do tại các chốt kiểm soát.

Nhiều người dân mất việc do doanh nghiệp sản xuất phải dừng hoạt động, nhưng cũng không thể mưu sinh tự do ngoài đường phố vì không có giấy thông hành cho loại hình công việc này.

Trong 4 ngày đầu, TP.HCM đã lập hơn 300 chốt giao thông để kiểm tra lý do đi lại của người dân. Việc đặt rào chắn giữa lòng đường đã gây ra cảnh tượng ùn tắc tại chốt kiểm soát Nguyễn Kiệm thuộc quận Gò Vấp.

Nếu người dân bất an, không ủng hộ thì cuộc chiến không thể thành công.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Dù đã rút được nhiều kinh nghiệm, TP.HCM vẫn để phát sinh "đám đông bất đắc dĩ" trong khi áp dụng Chỉ thị 16.

Trao đổi với Zing, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho biết giới tài xế liên tỉnh và những người dân thường xuyên ra vào TP.HCM đối mặt với khó khăn mới khi phải có được tấm giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực để qua chốt kiểm soát.

"Giấy xét nghiệm Covid-19 có nơi quy định thời hạn hiệu lực là 3 ngày, có nơi lại 5 ngày. Khoảng thời gian đó với tuyến đường nội tỉnh thì có thể kịp, nhưng nếu chở hàng ra phía bắc để xuất khẩu thì không kịp", Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô chia sẻ.

Tại hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết điều cực kỳ quan trọng giai đoạn này là "an dân". Người dân hiện chịu nhiều sức ép, đời sống bị hoạt động giãn cách đảo lộn, nhiều nơi đang gặp khó khăn và thành phố phải hỗ trợ, quan tâm đến tâm lý xã hội. Nếu người dân bất an, không ủng hộ thì cuộc chiến không thể thành công.

Hệ thống y tế trước sức ép chưa từng có

Trước tình hình F0 vẫn tăng cao, lãnh đạo TP.HCM đã phải đưa ra kịch bản xấu nhất là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Khi đó, thành phố phải tính tới khả năng áp dụng biện pháp giãn cách mạnh hơn nữa.

Hiện, không chỉ TP.HCM mà cả 19 tỉnh, thành phía nam phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong cuộc họp ngày 17/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định có tình trạng các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời nhưng bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong.

Chủ tịch TP.HCM cho biết đã "có lời đến tất cả giám đốc bệnh viện", nhắc nhở trách nhiệm nếu không tiếp nhận khi bệnh viện còn giường.

Nhân lực và thiết bị y tế để điều trị F0 sẽ là ưu tiên của TP.HCM trong thời gian tới. Ảnh: Duy Hiệu.
TP.HCM 10 ngay gian cach xa hoi anh 5

Nhân lực và thiết bị y tế để điều trị F0 sẽ là ưu tiên của TP.HCM trong thời gian tới. Ảnh: Duy Hiệu.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhận định hệ thống y tế đang đứng trước sức ép chưa từng có về cách ly, điều trị, "vượt xa sự chuẩn bị trước đó". Thành phố và các địa phương đều đã cố gắng khắc phục với nỗ lực cao nhất.

Các ca bệnh phải can thiệp ECMO đang là vấn đề đáng lo ngại với TP.HCM bởi toàn ngành y tế thành phố lúc này chỉ có 8 máy ECMO. Trong bối cảnh số ca F0 tiếp tục tăng, TP.HCM cần được chi viện thêm nhân lực và thiết bị y tế để đảm bảo cứu chữa các ca nguy kịch.

Nhận định về phương hướng sắp tới của TP.HCM, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng chính quyền thành phố phải hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mạng của người dân, cũng là bảo vệ uy tín của chính quyền.

"Để đạt mục tiêu bảo vệ sinh mạng, bảo vệ hệ thống y tế, và kiềm chế dịch để chờ vaccine thì cần chuyển trọng tâm sang khâu điều trị và tiêm vaccine", ông Tự Anh nhận định.

4 lần thông báo giãn cách xã hội của TP.HCM

Lần 1: Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15+ trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp áp dụng chỉ thị 16.

Lần 2: Từ ngày 14/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Lần 3: Từ ngày 19/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, không nêu thời hạn.

Lần 4: Từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày.