Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Dịch thuật Sài Gòn: Từ phim sang truyện đến nhạc

 Có một thời, những bộ phim nổi tiếng với kịch bản dựa theo những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đã làm mưa, làm gió ở Sài Gòn. Cùng với nó là những câu nói, những bài hát đã trở thành “cửa miệng” của không ít người hâm mộ…

Một sáng Chủ nhật mùa hè 1972, suất đầu tiên phim The Godfather được trình chiếu ở Rex và Eden, hai rạp ciné sang nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Phim do Francis Ford Coppola làm đạo diễn, dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ gốc Ý, Mario Puzo và mới được công chiếu tại Mỹ cách đó hơn tháng. Các rạp quảng cáo “Phim màu màn ảnh đại vĩ tuyến. Cấm trẻ em dưới 18 tuổi” càng làm khán giả Sài Gòn háo hức tìm xem để thấy tài diễn xuất của tài tử gạo cội Marlon Brando và tài năng trẻ Al Pacino.

Phận người

Trước đó một hai năm, giới trẻ mê phim được xem 3 bộ phim về giới du đãng do điện ảnh Sài Gòn sản xuất. Phim Loan mắt nhung, đạo diễn Lê Dân, kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Phim Điệu ru nước mắt và Vết thù trên lưng ngựa hoang đều do Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn, kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh. Và lần này, họ lại được xem phim gangster do Hollywood sản xuất với nhiều kỹ xảo tân tiến.

Theo lời kể của ông Châu, công chức trẻ tuổi lúc bấy giờ: “The Godfather không chỉ thu hút giới trẻ. Giới ký giả, giới văn nghệ sĩ đi xem để viết bài, để học hỏi. Giới công chức như tôi hay sĩ quan về phép cũng tìm xem”. Các rạp hạng A chiếu liền 2 tuần xong mới chuyển phim sang cho các rạp hạng B chiếu.

Vài tháng sau, trên kệ của nhiều nhà sách Sài Gòn xuất hiện Bố già, bản dịch của nhà văn Ngọc Thứ Lang. Tiểu thuyết vừa ra mắt đã phải tái bản ngay. Độc giả tấm tắc mãi, The Godfather chuyển ngữ thành Bố già vừa đủ nghĩa, rất độc đáo. 

Các quán café nhạc thi nhau mở Speak softly love của Nino Rota, ca khúc viết dựa trên chủ đề chính của nhạc phim, qua giọng hát ngọt ngào của Andy Williams. Và sau đó, bạn trẻ yêu nhạc lại được nghe Thú yêu thương, lời Việt của Trường Kỳ qua giọng ca Elvis Phương. 

Tình yêu

Một năm trước khi chiếu The Godfather, Sài Gòn đã chiếu Love story, bộ phim tình cảm lãng mạn. Phim do đạo diễn Arthur Hiller thực hiện, kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Erich Segal, tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1970. Phim có sự tham gia của hai tài năng trẻ, Ali MacGraw và Ryan O’Neal.

Love story, bi kịch tình yêu của đôi tình nhân trẻ. Oliver Barrett IV, dòng dõi thượng lưu ở bờ đông Hoa Kỳ và Jennifer Cavilleri thuộc tầng lớp bình dân. Tình yêu đã chắp cánh cho đôi lứa vượt qua rào cản cách biệt về giai tầng trong xã hội để đến với nhau. Nhưng thật không may, Jenny mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Câu thoại Jenny nói với Oliver trước khi nhắm mắt: “Love means never having to say you’re sorry – Yêu nghĩa là không bao giờ nói lời hối tiếc” đã thành slogan của giới trẻ hippie Sài Gòn.

Thời gian ngắn sau, bản dịch Chuyện tình của Phan Lệ Thanh xuất hiện trên kệ sách, bên cạnh Buồn ơi chào mi của Nguyễn Vỹ (dịch Bonjour Tristesse của Francoise Sagan) đã có trước đó một thập niên. 

Ca khúc Love story mở đầu với câu hát lạ lùng - Where do I begin? của Francis Lai & Carl Sigman, thể hiện qua giọng hát của Andy Williams đã nằm trong Top ten năm đó. Ngay sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt Chuyện tình: “Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ. Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá…” để con trai, ca sĩ  Duy Quang thu âm.

Cuối thập niên 1960, giới mê điện ảnh Sài Gòn đã xôn xao với Roméo và Juliet, phim dựa theo vở kịch kinh điển của kịch tác gia William Shakespeare. Nhiều thế hệ độc giả Sài Gòn đã biết đến mối hận thù dai dẳng giữa hai dòng họ Montague và Capulet cùng chuyện tình bi thương của Roméo và Juliet qua nhiều bản dịch in trong các tuyển tập truyện ngắn xuất bản trước đó rất lâu. Khi xem phim họ càng xao xuyến trước vẻ đẹp thiên thần của nàng Juliet (do Olivia Hussey thủ vai) và chàng Roméo (Leonard Whiting thủ vai). Những lớp dạy vẽ chân dung bằng bút chì và bột than thời đó luôn dành một chỗ trang trọng để treo một bức tranh lớn vẽ ảnh Roméo và Juliet trong phim, học viên cố gắng vẽ lại một bức cho riêng mình.

Ca khúc A time for us của Nino Rota, viết dựa trên chủ đề chính của nhạc phim đã được tác giả Xuân Vinh chuyển soạn lời Việt: Thương nhớ người xưa: “Giây phút êm đềm. Ngày ta gặp nhau. Mắt yêu thầm trao. Những câu tâm tình. Biết bao là âu yếm”…

Chiến tranh

Nửa đầu thập niên 1960, các rạp ciné Sài Gòn có trình chiếu bộ phim Gone with the wind do Hollywood sản xuất từ năm 1939. Phim thuộc đề tài sử thi lãng mạn, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Margaret Mitchell. Bộ phim lấy bối cảnh cuộc nội chiến nước Mỹ (1861 – 1865) đan xen trong đó mối quan hệ tình cảm của ba nhân vật chính: Scarlett O’Hara, Rhett Butler và Ashley Wilkes. Khán giả Sài Gòn đã kiên nhẫn xem phim dài hơn 3 giờ để ngắm nàng Scarlett kiều diễm do nữ minh tinh Vivien Leigh thủ vai. Xem phim xong, nhiều thanh niên đã bắt chước để râu kiểu con kiến cho giống tài tử Clark Gable, người thủ vai Rhett Butler.

Nhưng phải mãi đến đầu năm 1974, Sài Gòn mới xuất hiện Cuốn theo chiều gió của Vũ Kim Thư dịch từ nguyên tác Gone with the wind. Tiểu thuyết do Đất Sống xuất bản, dày hơn 1.000 trang nên in thành 2 quyển.

Sang giữa năm 1966, khán giả Sài Gòn lại được xem bộ phim sử thi khác cũng dài hơn 3 giờ, lần này là Doctor Zhivago dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Boris Pasternak, nhà văn người Nga, in năm 1957. Bộ phim lấy bối cảnh nước Nga từ nửa cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đến sau Cách mạng tháng Mười. Một chuyện tình ngang trái giữa chàng bác sĩ Zhivago tài hoa, đã có vợ con và cô y tá Lara xinh đẹp, lãng mạn. Định mệnh đã cho họ được gặp nhau rồi mất nhau giữa thời tao loạn, để rồi chàng Zhivago cứ mãi đi tìm, gửi nỗi nhớ nàng Lara qua những vần thơ tha thiết cùng tiếng đàn balalaika réo rắt. Bộ râu rậm của tài tử Omar Sharif, người thủ vai bác sĩ Zhivago đã trở nên thời thượng đối với đàn ông trung niên thời ấy. 

Bản valse du dương Somewhere my love của Paul Francis Webster và Maurice Jarre, viết dựa trên chủ đề chính của nhạc phim được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt: Hỡi người tình Lara: “Người tình thương nhớ. Hãy lắng nghe lời mặn mà. Dù mùa xuân đã chôn vùi bởi làn tuyết kia”. 

Giữa năm 1974, nhà xuất bản Tổ Hợp Gió cho ra mắt tiểu thuyết Vĩnh biệt tình em của Nguyễn Hữu Hiệu phỏng dịch Doctor Zhivago; sang đầu năm 1975 sách được tái bản với tên Bác sĩ Zhivago

*

Thời đang học trung học cuối thập niên 1970, ngoại trừ quyển Bác sĩ Zhivago, bạn bè chúng tôi đã chuyền tay nhau, ngấu nghiến đọc bốn tác phẩm còn lại. Trong đó, Bố già và Cuốn theo chiều gió được thường xuyên đưa ra thảo luận. Nhân vật bố già Vito Corleone, ông trùm buôn lậu, gá bạc và chứa gái. Một người xấu, dĩ nhiên. Nhưng ông không mất hết nhân tính. Ông biết buôn ma túy rất lời nhưng ông đã từ chối bởi ông không muốn kiếm tiền mà hủy hoại nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Ông cương quyết không buôn ma túy và chính điều ấy suýt làm ông mất mạng.

Nhờ đọc quyển này mà bạn bè chúng tôi không hề đụng tới ma túy. Tác giả Cuốn theo chiều gió đã xây dựng hai nhân vật nam điển hình, một Ashley Wilkes thông minh, lịch lãm, cương trực và một Rhett Butler bản lĩnh, cơ hội nhưng rất hiệp nghĩa. Chúng tôi đã nhiều lần tranh luận nẩy lửa về hai nhân vật này nhưng chưa bao giờ có hồi kết. Đến hôm nay, Bố già của Ngọc Thứ Lang và Cuốn theo chiều gió của Vũ Kim Thư là hai bản dịch mà các nhà sách ưu tiên chọn khi quyết định in lại tiểu thuyết.

Khi Sài Gòn chiếu những bộ phim này, tôi còn quá bé, chưa đủ tuổi xem. Nếu được xem chắc cũng không đọc kịp dòng phụ đề. Đến cuối thập niên 1980, tôi mới có dịp xem cả 5 tác phẩm điện ảnh kể trên. Mới đây, giữa đợt giãn cách dài ngày, tôi lục trên mạng tìm phim xem lại. Tôi mơ màng như được đi cùng các nhân vật qua từng thước phim, bềnh bồng trôi theo giai điệu của tình yêu, biết lo sợ, biết nỗi đớn đau của phận người, xót thương cho những nạn nhân của chiến tranh và tiếc thương những người đã mất trong đại dịch COVID-19. 

Hoàng Phương Anh