Đặt vấn đề
Việt Nam có hơn 3000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (1). Luật Biển Việt Nam được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 đã xác định rõ “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa…thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Tuy nhiên, việc tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên biển Đông đã, đang và sẽ diễn ra gay gắt; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn…Trong số các chủ thể tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc là quốc gia có tham vọng lớn nhất. Tham vọng đó đã được các nhà lãnh đạo các thế hệ khác nhau từ Mao Trạch Đông đến nay, bằng những biện pháp và phương thức khác nhau thực hiện. Từ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thành lập các đơn vị hành chính đến khẳng định trên thực địa, nhằm từng bước kiểm soát, khống chế tiến đến độc chiếm biển Đông, lấy biển Đông làm bàn đạp tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…Tình hình này đặt ra cho Việt Nam: một mặt, cần khai thác các chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhưng mặt khác, cũng cần phải đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái của phía Trung Quốc, kể cả quan điểm chính thức và quan điểm của học giả (2). Theo ý nghĩa đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích những cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
1.1. Các sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi cát vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa (cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam
- “Toản Tập Thiên Nam tứ chí Lộ Đồ Thư”, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ thứ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng Phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, độ dài 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh (3) mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy,…có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói cả, hàng hóa thì đều ở lại nơi đó” (4).
- Trong “Giáp Ngọ Bình Nam đồ”, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoàn quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam (5).
- “Phủ biên tạp lục” sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776, viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi “xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm (đơn vị đo lường thời xưa, tương đương 0,5km), có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tầu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”, “Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã Vĩnh An, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày, hoặc vài canh thì đến. Trên núi có suối nước ngọt, trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy…các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ ba tháng nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy…Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của Tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cùng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của cải ít khi lấy được” (6).
Trong số tư liệu còn tìm thấy ngày nay, có thể kể tờ sai sau đây đề năm 1786 của quan Thượng tướng công: “Sai cai Hội Đức Hầu đội Hoàng Sa dẫn 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng, bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác (chỉ loại pháo cỡ nhỏ), đồi mồi, hải ba cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ” (7).
- “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, bản đồ nước Việt Nam thời Nguyễn vẽ vào khoảng năm 1838, ghi “Hoàng Sa - Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam(8).
- “Đại Nam nhất thống chí”, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802-1845) soạn xong năm 1882 (phần viết về các tỉnh Trung Bộ được soạn lại và khắc in năm 1909) đã ghi Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đoạn nói về hình thể tỉnh Quảng Ngãi, cuốn sách viết: “Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi, có đảo cát (tức đảo Hoàng Sa) liền cát với biển làm hào, phía Tây Nam miền Sơn man có lũy dài vững vàng, phía Nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn…(9).
“…Đầu đời vua Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ “Vạn lý Ba Bình” (Muôn dặm sóng yên). Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự Sơn, phía Đông và Tây đều có đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến xây dựng đền, bia đá ở phía trái đền, để ghi dấu và tra hạt các thứ cây ở 3 mặt phải, trái, sau…Nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây trong những thế kỷ trước đều xác nhận Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Một giáo sĩ phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701 viết một lá thư rằng “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam” (10).
- Giám mục J.L.Taberd, trong bài “Ghi chép về địa lý nước Cochimchine xuất bản năm 1837, cũng mô tả “Pracel hay Pracels” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “cát vàng” (11). Trong An Nam đại quốc họa đồ, xuất bản năm 1838, ông đã vẽ một phần của Paracel và ghi “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) ở ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay (12).
- J.B.Chaigneu, cố vấn của vua Gia Long, năm 1820 đã viết trong phần chú bổ sung vào cuốn “Hồi ký về nước Cochinchine” (Danh từ Cochinchine (tiếng Pháp) hoặc Cochinchina (tiếng Anh) trong tài liệu phương Tây trích dẫn ở đây có 2 nghĩa tùy theo văn cảnh: a) nước Việt Nam thời bấy giờ, sách này dịch là nước Cochinchine; b) xứ Đàng Trong thời bấy giờ, sách này dịch là xứ Cochinchine): “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng Đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh (tức Đàng Ngoài - Letonkin)…một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, gềnh và đá không có dân cư hợp thành”(13).
- Trong “bài địa lý vương quốc Cochinchina” (“Bài địa lý vương quốc Cochinchina” Đàng Trong “Tạp chí Hội địa lý Hoàng gia London” (The jounal of the Royal Geography Society of London) tập XIX, 1849, trang 93) của Gutzlaff, xuất bản năm 1849 có đoạn nói rõ Paracel thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là “Cát Vàng” (14).
Tóm lại, các sách địa lý, bản đồ cổ của Việt Nam và nước ngoài đều ghi rất rõ ràng Bãi cát vàng, Hoàng Sa, vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường sa, Pracel hay Paracels là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
1.2. Với tư cách là người làm chủ, trong nhiều thế kỷ nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát địa hình và khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát đó (15)
- Trong “Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (thế kỷ XVII) có viết: “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến (Bãi Cát Vàng) để lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.
- “Đại Nam thực lục tiền biên”, bộ sử về chúa Nguyễn do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1844, có đoạn viết: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, ở ngoài biển, có hơn 130 bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, v.v…”, “Hồi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, độ 3 ngày đêm thì đến, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân ở phường Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.
- Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, bộ sử do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn biên soạn, viết về các đời vua nhà Nguyễn, phần viết về các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị được soạn xong năm 1848, ghi sự kiện Gia Long chiếm hữu các đảo Hoàng Sa năm 1816, sự kiện Minh Mạng cho xây miếu, dựng bia trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này”.
Quyển 52 ghi: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816)…Vua phái thủy quân và đội Hoàng Sa cưỡi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”.
Quyển 154 ghi: “Tháng 6 mùa Hạ năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (1835)... dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi, Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng nước ngọt, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ “Vạn LÝ Ba Bình” (có nghĩa là Muôn dặm sóng yên). Cồn Bạch Sa chu vi 1.070 trượng, tên cũ là Phật tự sơn (Núi chùa Phật), bờ đông, tây, nam đều là đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía Bắc giáp với cồn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cốt cát, gọi là Bàn than thạch
Quyển 165 ghi: “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836) mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 1. Bộ công tâu: cương giới mặt biển nước ta có sư Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, xin phái thủy quân và Vệ Giám Thành đáp một chiếc thuyenf ô, nhằm thượng tuần tháng hai, đi dến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; Khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thể hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tận đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy, trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.
“Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
- Cũng trong sách “Đại Nam thực lục chính biên” có ghi: năm 1847, Bồ Công đề trình lên vua Thiệu Trị tờ tâu, trong đó có viết: “xứ Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta. Theo lệ hàng năm có phái binh thuyền ra xem xét thông thuộc đường biển. Năm nay bận nhiều công việc xin hoãn đến năm sau. Vua Thiệu Trị đã phê “Đình” (dừng).
- Trong sách “Đại Nam Nhất thống trí (1882) có ghi: “Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có hơn 130 đảo nhỏ, cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích… hóa vật của các tầu thuyền bị nạn trôi dạt ở đây”.
Các sách thời Nguyễn như “Lịch triều hiến chương loại chí” (1821), “Hoàng Việt dư địa chí” (1833), Việt Sử Cương Giám Khảo Lược” (1876) cũng mô tả Hoàng Sa tương tự.
Do đặc điểm của Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều hải sản quý, lại có nhiều hóa vật của tầu bị đắm như trên đã nói, Nhà nước phong kiến Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo này với tư cách một quốc gia làm chủ. Nhiều sách lịch sử và địa lý cổ của Việt Nam đã nói rõ tổ chức, phương thức hoạt động của các đội Hoàng Sa có nhiệm vụ khai thác đó. Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn phải liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm, tuy vậy vẫn luôn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa. Nghĩa là nhà Tây Sơn, nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức việc khai thác Hoàng Sa với ý thức thực hiện chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa. Từ khi nắm chính quyền từ năm 1802, đến khi ký kết với Pháp Hiệp ước 1884, các vua nhà Nguyễn ra sức củng cố chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, sau được tăng cường thêm đội Bắc Hải, được duy trì và hoạt động liên tục từ thời các chúa Nguyễn (1558 - 1783) đến nhà Tây Sơn (1786 - 1802) và nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Tóm lại, qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam, cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây nói trên đã viết, đã khẳng định rằng: từ lâu, liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt của các đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải do Nhà nước thành lập trên hai quần đảo đó, mỗi năm từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành một nhiệm vụ do Nhà nước giao, tự nó đã là một bằng chứng hùng hồn, đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó. Việc chiếm hữu và khai thác đó của Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác, điều đó càng chứng tỏ từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã là lãnh thổ Việt Nam (16).
2. Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Việt Nam
2.1. Thời thuộc Pháp
Từ khi ký với Triều đình nhà Nguyễn, Hiệp ước 06-6-1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Liên quan đến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Pháp đã ký với nhà Thanh bản Hiệp ước năm 1887. Đến năm 1895, Pháp lại ký tiếp với nhà Thanh bản Hiệp ước bổ sung. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đây là một vài bằng chứng:
- Các pháo hạm của Pháp thường xuyên tiến hành tuần tiễn trong vùng biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1899, toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer đề nghị với Paris xây tại đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa một cây đèn biển để hướng dẫn các tàu biển qua lại vùng này, nhưng kế hoạch đó không thực hiện được vì thiếu ngân sách. Năm 1920 các tàu hải quan Đông Dương tăng cường tuần tiễn ở vùng Hoàng Sa để ngăn chặn buôn lậu
- Năm 1925, Viện Hải Dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương học…
- Cũng năm 1925, ngày 3-3, Thượng thư Bộ Binh của triều đình Huế Thân Trọng Huề lại khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam.
- Năm 1927, tàu De Lanessan ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa.
- Năm 1929, phái đoàn Perrier - De Rouville đề nghị đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa (Đảo Tri Tôn, đảo Đá Bắc, đảo Linh Côn, bãi Bom Bay).
- Năm 1930, tàu thông báo La Malicieuse tới quần đảo Hoàng Sa.
- Tháng 3-1931, tàu Inconstantra ra quần đảo Hoàng Sa.
- Tháng 6-1931, tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa.
- Tháng 5-1932, pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa.
- Từ ngày 13-4-1930 đến ngày 12-4-1933, chính phủ Pháp đã cử các đơn vị hải quân lần lượt ra đóng ở các đảo chính trong quần đảo Trường Sa: Trường Sa (spratley), An Bang (Caye d’ Amboine), Itu Aba, nhóm Song Tử (Groupe de deux iles) (Tức đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông), đảo Loại Ta và Thị Tứ.
- Ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam Kỳ M j.Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, HuAba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
- Năm 1937, nhà đương cục Pháp cử kỹ sư công chính Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bãi Thủy Phi cơ.
- Tháng 2-1937, tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó Đô Đốc IStava chỉ huy thăm đảo Hoàng Sa.
- Ngày 29-3-1938, vua Bảo Đại ký dụ tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên.
- Ngày 15-6-1938, toàn quyền Đông Dương Sules Brévié ký nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.
- Năm 1938, Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa (Ile Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa, xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Itu Aba, trong quần đảo Trường Sa.
Hàng chữ trên bia: “Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816- đảo Pattle - 1938 (Năm 1816 là năm vua Gia Long thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, năm 1938 là năm dựng bia).
- Ngày 5-5-1939, toàn quyền Đông Dương jules Brévié ký nghị định sửa đổi nghị định ngày 15/6/1938 nói trên và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai cơ quan đại lý “Croissant và các đảo phụ thuộc”, “Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.
Tóm lại, suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó như: ngày 04/12/1931 và ngày 24/4/1932, Pháp phản kháng chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 24/7/1933, Pháp thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa. Ngày 04/4/1939, Pháp đã phản kháng Nhật đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật (17)
2.2. Từ sau thế chiến thứ II (1945)
- Khi trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) , đến năm 1947, Pháp đã yêu cầu đại diện quân đồng minh ở Việt Nam là quân Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép cuối năm 1946, và Pháp đã cho quân đội đến thay thế quân đội Trung Hoa Dân quốc, đã xây dựng các trạm khí tượng và đài vô tuyến điện tại quần đảo Hoàng Sa.
- Ngày 7-9-1951, Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Bảo Đại là Trần Văn Hữu tuyên bố tại Hội nghị San Francisco về việc ký hòa ước với Nhật Bản rằng từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam: “…và cũng vì cần dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tuyên bố đó của trưởng đoàn đại biểu của chính phủ Bảo Đại, ông Trần Văn Hữu đã không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự Hội nghị.
- Năm 1953, tàu Ingénieur en chef Girod của Pháp khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương, địa chất, địa lý, môi sinh.
- Chính phủ Sài Gòn, sau đó là cả chính phủ Sài Gòn và chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam. Dưới đây là một vài bằng chứng: i) Ngày 16/6/1956, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; ii) Năm 1956, lực lượng hải quân của chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Pháp rút quân về nước. Sở hầm mỏ, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân chính quyền Sài Gòn trên 4 đảo: Hoàng Sa (Pattle), Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Duy Mộng (Drumond), iii) ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn đặt quần Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy; iv) ngày 13/7/1961, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính; v) từ năm 1961 đến năm 1963 chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây dựng bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa như: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây v.v…; vi) ngày 21/10/1969 chính quyền Sài Gòn sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; vii) ngày 22/5/1959, chính quyền Sài Gòn đã bắt giữ trong một thời gian 82 “ngư dân” Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa trong quần đảo Hoàng Sa; viii) ngày 20/4/1971 chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó trong cuộc họp báo ngày 13/7/1971; ix) tháng 7/1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển Nông nghiệp và Điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Ai (Nam Yết) thuộc quần đảo Trường Sa; x) Tháng 8/1973, với sự hợp tác của công ty Nhật Bản Maruben Corporation, Bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Sài Gòn tiến hành khảo sát phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa; xi) ngày 6/9/1973, chính quyền Sài Gòn đã sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy; xii) ngày 19/01/1974, lực lượng quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chiếm đóng nhóm Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa, và cũng trong ngày này, chính quyền Sài Gòn tuyên bố lên án Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 26/01/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ngày 14/2/1974 tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam; xiii) tháng 9/1975, đoàn đại biểu chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức Khí tượng Thế giới (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của WMO dưới biển số 48.860; xiv) Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau này, khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa; xv) Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên liên quan, trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, trong các Hội nghị của Tổ chức Khí tượng Thế giới (ở Genève (tháng 6/1980), của Hội nghị Địa chất Thế giới ở Paris (tháng 7/1980) v.v. Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố “Sách Trắng” (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo này là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, ngày 14/3/1988 Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang tại Trường Sa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tháng 4/2007, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa (18); xvi) Luật Biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 đã xác định rõ “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam” (19); xvii) ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo công ước luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982. Để bảo vệ giàn khoan HD 981, Trung Quốc đã huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 07 tàu quân sự, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh cùng nhiều tàu vận tải và ngư binh. Hằng ngày Trung Quốc còn điều động hàng chục tốp máy bay hoạt động trên bầu trời khu vực đó. Có thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc. Ngày 05/5/2014, Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Ngày 15/5/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc. Ngày 20/5/2014 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Genéva đã gửi thông báo đến Văn phòng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genéva, về sự kiện Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Trước tình hình đó, dư luận quốc tế đã lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước như Mỹ, Nhật, Philippin, Ấn Độ, Indonesia đã lên án hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh. Trước những sức ép ngày càng lớn từ dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc không còn con đường nào khác, ngày 16/7/2014 đã phải rút giàn khoan phi pháp HD 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.(20); xix) Tháng 7/2019, Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, trong 3 tháng, đến ngày 25/10/2019, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã lên tiếng về thông tin nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong thông cáo phát đi chiều 25/10, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo công ước của LHQ về luật biển (UNCLOS) 1982, không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn vi phạm”. Trong khi đó, khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là “Bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. “Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để đưa ra yêu cầu đối với khu vực này. UNCLOS 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này” (Trích thông báo của phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 25/10/2019 Nguyễn Thị Thu Hằng) (21).
3. Người Trung Quốc luận giải về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) (22)
Nhóm những nhà nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam do GS. Hoài Sa chủ trì, đã tiến hành chuyến khảo sát đến các Trường Đại học các hệ thống thư viện, các Viện nghiên cứu, Bộ, Ngành, địa phương ở Đài Loan năm 2018, đã xuất bản cuốn sách “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông - Cái nhìn tổng quan” Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, xuất bản tại Hà Nội, năm 2019. Cuốn sách có nhiều nhận xét lý thú về tình hình nghiên cứu và đánh giá của người Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Theo nhóm nghiên cứu, vì vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (TQ gọi là Nam Sa) diễn ra ngày càng gay go, phức tạp, nên các tài liệu của Trung Quốc liên quan đến vấn đề này xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu như trước thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các tài liệu của Trung Quốc chủ yếu tập trung trong “Sách Trắng” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa và Tây Sa”, thì từ thập kỷ 90 trở lại đây đã xuất hiện nhiều bài nghiên cứu trên báo chí Trung ương, địa phương, các tạp chí chuyên ngành, tạp chí của các trường Đại học với nội dung phong phú. Bên cạnh số lượng sách báo chuyên khảo, tính đến ngày 4/6/2016, Trung Quốc đã công bố 39.686 bài tạp chí nghiên cứu về Nam Hải (Biển Đông), trong đó trước năm 1980 chỉ có 197 bài, tính đến hết năm 2015, tổng số luận văn thạc sĩ có liên quan đến vấn đề Nam Hải (Biển Đông) là 3042, luận án Tiến sĩ là 1003. Nội dung các tài liệu, luận văn, luận án về chủ đề Biển Đông, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa tập trung vào hai chủ đề chính sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu về lịch sử của vấn đề, nhằm xây dựng những “chứng cứ lịch sử” để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa”.
Thứ hai, nghiên cứu những cơ sở pháp lý của vấn đề nhằm tìm ra những “chỗ dựa pháp lý” để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa”.
- Ở chủ đề căn cứ lịch sử, các xuất bản phẩm của Trung Quốc đã đưa ra các luận điểm ngụy biện như sau:
Thứ nhất, ngụy biện rằng người Trung Quốc phát hiện ra quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) sớm nhất, từ thời Hán Vũ Đế, thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông chính là dựa trên cơ sở này, rồi dần dần hình thành trong thời kỳ lịch sử lâu dài và từng bước thực hiện theo cơ sở lý luận đó. Những tác phẩm tiêu biểu như: “Quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc” của Tác giả Lâm Kim Chi, xuất bản năm 1980. Cuốn sách “Cống hiến lịch sử của ngư dân Hải Nam phát hiện và khai thác quần đảo Tây Sa và Nam Sa” của tác giả Hà Ký Sinh, xuất bản năm 1981. Cuốn sách “Tây Sa không phải là Hoàng Sa” của Quách Vĩnh Phương, xuất bản năm 1980. Đặc biệt cuốn sách “Hội biên sử liệu các đảo Nam Hải của nước ta” do tác giả Hàn Chấn Hoa chủ biên, xuất bản năm 1988 của NXB Đông Phương đã ngụy tạo những “chỗ dựa lịch sử”để chứng minh cho cái gọi là chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Đây là kết quả công trình hợp tác của 20 cơ quan, đơn vị nghiên cứu, Học Viện, Trường Đại học, Thư viện, Bảo tàng Quốc gia và bảo tàng địa phương với quá trình biên soạn công phu lên tới hàng chục năm, từ tháng 5/1975 sơ thảo, tháng 4/1985 sửa chữa bản thảo, tháng 6/1985 viết thành bản chính thức. Họ đã thu thập tất cả các tài liệu, kể cả ở nước ngoài, mà họ cho rằng đó là ghi chép về các đảo ở Biển Đông trong sử sách trong và ngoài nước, gồm sách, tạp chí, phương chí, bản đồ, văn kiện lưu trữ, bản sao, ảnh, bài báo (cắt ra) cho đến các tư liệu điều tra, trích dẫn đến 17.000 sử liệu, sau đó phân loại chỉnh lý, biên soạn thành Hội biên tư liệu, coi đó là “bằng chứng lịch sử” nhằm ngụy biện rằng các đảo ở Biển Đông xưa nay vốn là lãnh thổ của Trung Quốc (23).
Thứ hai, Trung Quốc đã ngụy biện cho rằng nhân dân Trung Quốc đã đến các đảo này khai thác làm ăn từ lâu đời. Từ thời Đường, Tống nhân dân Trung Quốc đã sinh sống và hoạt động sản xuất đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa và Nam Sa.
Học giả Trung Quốc đã dẫn chứng các sử liệu của Trung Quốc ghi chép về cái gọi là “tình hình nhân dân Trung Quốc đi lại, sản xuất ở quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ hàng ngàn năm nay, cũng như vị trí, tình hình phân bố các đảo của hai quần đảo này”. Các tác phẩm đó gồm: “Mộng lương lục “đời Tống, “Đảo Di chí lược” đời Nguyên, “Đông Tây dương khảo”, “Thuận Phong tương tống” đời Minh, “Chỉ Nam chính pháp”, “Hải quốc văn kiến lục” đời Thanh, “Canh lộ bộ” của ngư dân các thời kỳ. Trung Quốc đã ngụy biện rằng, những tác phẩm trên không chỉ tiếp tục gọi quần đảo Tây Sa và Nam Sa là “Cửu Nhũ Loa Châu”, “Thạch Đường”, “Thiên Lý Thạch Đường”, “Vạn lý Thạch Đường”, “Trường Sa”, “Thiên lý Trường Sa”, “Vạn Lý Trường Sa”…mà còn đặt ra nhiều tên gọi với hình tượng sinh động cho các đảo, đá ngầm, cát, bãi. Những năm gần đây, ở quần đảo Tây Sa đã phát hiện di chỉ sinh sống và những đồ dùng sinh hoạt như đồ sứ, dao, nồi đời Đường, Tống của Trung Quốc và di tích lịch sử như Giếng nước, miếu thờ, bia mộ. Cuối cùng, Trung Quốc ngụy biện rằng “chỉ nhân dân Trung Quốc đã sinh sống và hoạt động sản xuất đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa, Nam Sa từ thời Đường, Tống”(24).
Thứ ba, Trung Quốc đã ngụy biện rằng chính quyền các triều đại Trung Quốc đã tiến hành quản lý hai quần đảo này. Từ thời Bắc Tống (năm 960-1127), hải quân Trung Quốc đã tuần tra biển đến vùng quần đảo Tây Sa. Đời Nguyên (1279), Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đích thân cử nhà thiên văn nổi tiếng, đồng tri Thái sử Viện sự Quách Thủ Kính đến tiến hành đo trắc địa ở Nam Hải. Đến đời Minh, Thanh, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa thuộc sở hữu Vạn Châu, Phủ Quỳnh Châu, tỉnh Quảng Đông. Chính quyền nhà Thanh ở Trung Quốc đã phản đối nước ngoài có hoạt động ở vùng biển Tây Sa, Nam Sa. Trung Quốc đã thể hiện quần đảo Tây Sa và Nam Sa trong nhiều bản đồ quan phương (vào đời Thanh)…(25).
Thứ tư, Trung Quốc đã ngụy biện rằng Chính phủ, nhân dân Trung Quốc đã phản đối “sự xâm lược của nước ngoài” đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa và “thu hồi” các đảo từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (năm 1945).
Thứ năm, Trung Quốc đã ngụy biện rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa đã được quốc tế công nhận. Sự công nhận này được thể hiện qua các hội nghị quốc tế, qua sách vở và bản đồ do nước ngoài xuất bản (26).
- Ở chủ đề căn cứ pháp lý, các xuất bản phẩm của Trung Quốc đã đưa ra các luận điểm ngụy biện như sau:
Ngay từ thập niên 1990 thế kỷ XX, khi tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Biển Đông tăng lên, thì các nghiên cứu vấn đề Biển Đông dưới góc độ luật quốc tế cũng được chú trọng ở Trung Quốc. Một số sách chuyên khảo chủ yếu nhằm ngụy biện cho cái gọi là “cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dưới góc độ luật quốc tế”. Một số công trình khác có mục đích nhằm phản bác các tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây (khoảng từ năm 2010 trở lại đây) đã xuất hiện rất nhiều những luận văn, luận án liên quan đến các nội dung như: vấn đề pháp lý liên quan tới đường chữ U, vấn đề phân định biên giới trên biển dưới góc độ luật quốc tế hoặc sử dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác. Có thể kể đến một số công trình như: “Suy nghĩ về vấn đề luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Nam Hải” của tác giả Tu Phương; “Nghiên cứu phân tích pháp lý quốc tế của vấn đề Nam Hải và đối sách của nước ta” của Trương Hải Đình; “Phân tích luật quốc tế của vấn đề phân định ở Nam Hải” của Phó Côn Thành…Khái quát các nghiên cứu về căn cứ pháp lý của vấn đề Biển Đông, chủ yếu bao gồm những nội dung sau đây: Áp dụng những quy định của luật pháp quốc tế bảo vệ cái gọi là chủ quyền “hợp pháp chính đáng” của Trung Quốc, phản đối các nước khác đưa ra những yêu sách chủ quyền trái luật pháp ở Biển Đông, và nghiên cứu “Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc” và những ứng dụng của luật quốc tế có liên quan trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc. Cụ thể là: i) Các nghiên cứu nhằm ngụy biện cho cái gọi là chủ quyền liên quan ở Biển Đông của Trung Quốc và căn cứ pháp luật phân định biên giới trên biển; ii) Một số nghiên cứu trên cơ sở sử dụng luật quốc tế có liên quan và Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc nhằm chứng minh chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; iii) Vấn đề áp dụng Công ước Luật biển và các quy định luật quốc tế có liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông (27).
Tóm lại, các nhà học giả Trung Quốc trong các tác phẩm của mình đều ngụy biện rằng, nếu áp dụng luật quốc tế và Công ước Luật biển thì Trung Quốc sẽ không thể nào khẳng định được chủ quyền một cách vô lý của mình. Điều này cũng phần nào giúp lý giải cho việc Trung Quốc từ trước đến nay luôn chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua con đường đàm phán song phương, từ đó dễ dàng giành ưu thế, giúp cho việc thực hiện âm mưu bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc rất lo sợ giải quyết bằng cơ chế đa phương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Sau khi thất bại do phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc tháng 7/2016, những luận điệu về “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn” “chữ U” của Trung Quốc đã được Trung Quốc chuyển sang sử dụng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tứ Sa”, bao gồm 4 nhóm đảo: Đông Sa (quần đảo Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (quần đảo Trường Sa) và Trung Sa (bãi Macclesfield), đồng thời Trung Quốc cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Như vậy Trung Quốc sẽ làm chủ gần như toàn bộ Biển Đông. Âm mưu dùng “Tứ Sa” để thay thế “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã gây sự phản ứng mạnh mẽ cho các nước trong khu vực Biển Đông. Các nước và dư luận quốc tế đang lên án, đấu tranh với Trung Quốc về âm mưu này, và cho rằng “Tứ Sa” không có cơ sở pháp lý, đang cố ý gây nhập nhằng, thể hiện mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
4. Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, công bố “Tứ Sa”, “Nam Hải chư đảo”, “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông, và cuộc chiến công hàm Việt Nam - Trung Quốc.
4.1. Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
Ngày 17/4/2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong đó, Trung Quốc khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều này thông qua công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây là mưu đồ của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc nhằm “đánh lận con đen” “gắp lửa bỏ tay người”, trắng trợn vu cáo một dữ kiện lịch sử, pháp lý mà Trung Quốc đã và đang sử dụng để khẳng định không có quốc gia nào phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Như chúng ta đã biết, ngày 04/9/1958, Trung Quốc ban hành bản tuyên bố về hải phận. Bản tuyên bố của Trung Quốc gồm 4 điều: i) Thứ nhất, về bề rộng hải phận Trung Quốc là 12 hải lý. Điều này áp dụng cho những nơi mà nước này gọi là “Lãnh thổ Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo duyên hải, Đài Loan cùng các phụ cận…”; ii) Thứ hai, Trung Quốc xác định các đường cơ sở của hải phận dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi được xác định bởi “các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền ở các đảo ngoại biên ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ đường cơ sở của hải phận Trung Quốc…” iii) Thứ ba, Trung Quốc yêu cầu các nước không được tự ý xâm phạm hải phận và vùng trời trên hải phận của nước này; iv) Thứ tư, Trung Quốc tuyên bố điều 2 và 3 kể trên cũng áp dụng các quan điểm mà Trung Quốc gọi là: Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa…(28)
Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải 1958 chưa qui định được chiều rộng lãnh hải (12 hải lý như Trung Quốc tuyên bố). Khi đó Trung Quốc không được Hội nghị về luật Biển Liên Hợp Quốc lần thứ nhất (UNCLOS 1) tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 24/2 đến 27/4/1958 mời tham gia. Sau tuyên bố của Trung Quốc vào ngày 4/9/1958, đến ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc để khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với tuyên bố hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm với mục đích ngoại giao, thể hiện sự đoàn kết về mặt chính trị và ủng hộ lập trường hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Các quốc gia trong phe XHCN như Liên Xô cũng làm như vậy, đây là động thái hoàn toàn bình thường của các nước XHCN trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu với phe TBCN do Mỹ đứng đầu. Như vậy, bản chất công hàm Phạm Văn Đồng là một văn kiện ngoại giao đơn phương với mục đích rất đơn giản. Thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc chống lại Mỹ và các nước thuộc phe TBCN (29). Giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng không phụ thuộc vào việc gọi văn kiện này là công hàm hay công thư. Một nguyên tắc của luật pháp quốc tế là khi xem xét một văn kiện được ký kết, cần phải tìm hiểu ý định thực sự của người ký văn bản trong phạm vi câu chữ của văn kiện. Đây chính là nguyên tắc “trong 4 góc” và “cái đặc thù làm chủ cái tổng quát”. Theo nguyên tắc này, không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của người ký văn kiện trong phạm vi những câu chữ được dùng trong văn kiện (trong 4 góc của các trang giấy văn kiện). Có nghĩa là, công văn Phạm Văn Đồng gồm 2 đoạn, đoạn thứ nhất chỉ nói về việc ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc: “Chính phủ nước Việt Nam DCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Đoạn thứ hai, văn kiện đã làm rõ hơn: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Công hòa nhân dân Trung Hoa về mặt bể”. Như vậy, cái đặc thù “12 hải lý trên mặt bề “đã làm rất rõ công hàm Phạm Văn Đồng chỉ nói về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, chứ không nói về vấn đề khác. Có nghĩa là, công hàm Phạm Văn Đồng đơn giản là một văn kiện ngoại giao đơn phương với từ ngữ rất khéo léo. Mục đích là để thể hiện sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. nhưng tuyệt nhiên không thể hiện sự công nhận của Việt Nam đối với chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều học giả, luật sư về công pháp quốc tế trong, ngoài nước đều đồng ý với quan điểm này (30).
Mặt khác, Việt Nam không chỉ thực hiện chủ quyền liên tục ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa suốt giai đoạn chiến tranh với Pháp (1946-1954), mà còn cả giai đoạn sau đó 1954-1974 và giai đoạn hiện nay. Cụ thể, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký, theo Hiệp định này, lãnh thổ Việt Nam tạm chia thành hai vùng: Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) kiểm soát, miền Nam do Liên hiệp Pháp và các lực lượng thân Pháp, trong đó có Quốc gia Việt Nam (QGVN) kiểm soát. Ranh giới tạm thời là vỹ tuyến 17. Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, lên làm Quốc trưởng của QGVN. Sau đó QGVN đổi thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Năm 1956, quân đội VNCH đã trú đóng ở phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Như vậy, năm 1958, chính VNCH (chứ không phải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) là thực thể chính trị duy nhất thực sự thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy nên, dù công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể hiện sự phản đối trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo (vì VNDCCH không phải là thực thể chính trị thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) nhưng sự không phản đối đó không tạo ra bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng Việt Nam đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc (31). Theo công ước Montevideo 1933 về quyền nghĩa vụ của các quốc gia, “một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: có dân cư ổn định, có lãnh thổ xác định, có chính phủ và có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế” và “sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của các quốc gia khác”. Giai đoạn 1954-1975, chiếu theo công ước Montevideo 1933, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại hai thực thể chính trị với tư cách quốc gia: VNDCCH và VNCH. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ: dù các nước có tuyên bố công nhận hay không công nhận tư cách quốc gia của VNDCCH hay VNCH thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng tư cách quốc gia của họ. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, VNCH hoàn toàn có tư cách quốc gia để thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn VNDCCH thì trong thời gian đó không có thẩm quyền với hai quần đảo đó. Như vậy, VNDCCH không nhất thiết phải tuyên bố phản đối chủ quyền của Trung Quốc năm 1958 và sự im lặng của VNDCCH trong thời gian này không làm yếu đi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo (32).
Theo công ước Montervideo 1933 quy định sự thay đổi chính quyền không làm thay đổi quốc gia. Khi trên một lãnh thổ quốc gia có một chính quyền bị thay đổi bởi một chính quyền khác, chính quyền mới sẽ kế thừa các di sản của chính quyền trước đó, kể cả lãnh thổ, các hiệp ước, tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, các khoản nợ…Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam từ sau khi ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960, và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30-01-1975 và thành lập Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, thực chất là việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam trong việc lựa chọn chế độ chính trị theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Sau ngày 30-4-1975, CHMNVN đã thay thế VNCH và trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam. Vì vậy, CHMNVN có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của VNCH ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận CHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trung Quốc cũng đã gián tiếp công nhận rằng theo luật pháp quốc tế, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của VNCH, CHMNVN đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (33).
Năm 1976 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước Việt Nam. Toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn một quốc gia với chính quyền duy nhất là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Đó cũng là dấu mốc CHXHCNVN kế thừa chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ CHMNVN (chứ không phải từ VNDCCH, vì thực thể chính trị này không có thẩm quyền và không được giao quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa). Như vậy việc kế thừa chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của CHXHCNVN đã được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 không có giá trị pháp lý và không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (34).
Gần đây Trung Quốc liên tục đưa công hàm lên Liên Hợp Quốc, trích dẫn công hàm Phạm Văn Đồng 1958 và cáo buộc Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel. Đó là mưu đồ nhằm cố tình bẻ cong sự thật, bẻ cong pháp luật, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên. Cần phải khẳng định đanh thép rằng Việt Nam không vi phạm nguyên tắc Estoppel. Estoppel là một nguyên tắc của luật pháp quốc tế, có nghĩa là một chủ thể luật pháp (người hoặc cơ quan, tổ chức, quốc gia) không được phép nói hoặc hành động ngược với những gì mình đã nói và hành động trước đó.
Có nhiều học giả đã bàn luận về việc áp dụng nguyên tắc cho trường hợp công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Đáng kể nhất là thảo luận của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Minh Thu. Theo đó, căn cứ vào thực tiễn quốc tế và các án lệ của các tòa quốc tế, muốn chứng minh Việt Nam vi phạm nguyên tắc Estoppel thì phải chứng minh rằng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 có ý định và nói rõ ràng rằng chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc, và điều này phải được nói một cách liên tục và có hệ thống.
Tuy nhiên, theo lập luận của PGS. TS. Vũ Thanh Ca, chuyên gia về Luật Biển quốc tế Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thì: “Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ngoài việc ủng hộ quan điểm vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, thì hoàn toàn không đả động đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm nữa, VNDCCH càng không nói một cách liên tục và có hệ thống rằng chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc. Mặt khác, 2 quần đảo này lúc đó thuộc VNCH quản lý, thế nên VNDCCH không có quyền có những tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo này (35).
4.2. Luận điệu mới tuyên bố chủ quyền “tứ sa”, “Nam Hải chư đảo” và “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông của Trung Quốc.
Ngày 19/4/2020 vừa qua, Bộ Dân Chính Trung Quốc đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” đối với 80 hòn đảo và bãi cạn ở Biển Đông (25 đảo, 55 thực thể địa lý dưới đáy biển), bao gồm những thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời Trung Quốc công bố cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” thuộc thành phố Nam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 01/5/2020, Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh bắt cá ở phía Bắc Biển Đông, bao gồm một phần của Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/5 đến 16/8/2020. Trước đó, Trung Quốc đã công khai thúc đẩy chiến lược “Tứ Sa” mà họ đã công bố từ năm 2017, nhằm thay thế cho “đường 9 đoạn” vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ hồi năm 2016. Những mưu đồ trên của Trung Quốc là rất rõ ràng và nằm trong tính toán chiến lược lâu của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp thực hiện chiến lược làm chủ khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương trong tương lai. Bình luận về những mưu đồ trên của Trung Quốc, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ james Kraska đã đưa ra những nhận định như sau: “Quyết định của Trung Quốc thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” là nhằm thúc đẩy chiến lược “Tứ Sa” đã công bố năm 2017 Biển Đông, thay thế cho “đường 9 đoạn” vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ năm 2016. Cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực, bởi nó vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc xâm phạm lãnh thổ, quyền chủ quyền và sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác. Việc triển khai lực lượng quân đội để tiến hành những hành vi nói trên đã vi phạm điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà chính Trung Quốc đã từng vi phạm vào năm 1974 khi Trung Quốc tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cái gọi là “Khu Tây Sa”, “Khu Nam Sa” của Trung Quốc còn vi phạm hàng loạt các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đáng chú ý nhất là điều 56 UNCLOS, trong đó cho phép các quốc gia ven biển thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong EEZ, các quốc gia ven biển mà trong trường hợp này là Việt Nam có quyền đánh bắt cá, khai thác các nguồn tài nguyên, trong đó có dầu mỏ và khí đốt. Hành động này của Trung Quốc còn vi phạm điều 87 và 58 của UNCLOS trong đó khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cũng như phần lớn các điều khoản trong phần V và phần VI của UNCLOS liên quan đến EEZ cũng như thềm lục địa của Việt Nam trong vùng biển này. Và, phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) về vụ Philippins kiện Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016 có thể áp dụng trong trường hợp này. Chiếu theo nội dung phán quyết của PCA, có thể thấy rõ Trung Quốc đã rất phi pháp ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa”. Phán quyết của PCA nêu rõ, UNCLOS bao trùm toàn bộ khuôn khổ pháp lý trên đại dương và việc một quốc gia tuyên bố thiết lập các khu vực hành chính ngay trong khu vực thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước khác đã vi phạm nghiêm trọng nội dung phán quyết năm 2016 của PCA. Đặc biệt, hiện nay Trung Quốc đang lợi dụng việc các quốc gia khu vực Biển Đông và các nước lớn trên thế giới đang phải tập trung chống lại đại dịch Covid-19 hòng đạt được “Những mục tiêu chiến lược” mà nước này đề ra trên Biển Đông. Đó cũng chính là lý do những hành động sai trái của Trung Quốc đã vấp phải nhiều sự phản kháng, phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực, trên thế giới…Các nước trong khu vực, trong đó có Malaysia, Philippins và Việt Nam (theo tôi) nên đàm phán (với nhau) để đạt được quan điểm chung liên quan đến vấn đề Biển Đông, trước khi cùng truyền đạt quan điểm chung này tới Trung Quốc. Điều này là bởi, Trung Quốc vẫn đang thực thi chính sách “Chia để trị” đối với các nước và cách duy nhất để các nước có thể phản ứng hiệu quả hơn với những hành vi sai trái của Trung Quốc là các nước cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, và ngoài ra, sự đoàn kết đó sẽ tạo điều kiện để các nước ngoài khu vực như Nhật, Úc, Ấn Độ, Mỹ…có thể hỗ trợ tốt hơn nữa trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (36).
Và theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, chuyên gia hàng đầu về Luật pháp quốc tế về Biển Đông đã nói: “Với chiến lược “Tứ Sa”, Trung Quốc âm mưu yêu sách vùng biển còn lớn hơn cả khu vực giới hạn trong “đường lưỡi bò”. Nhưng cả 2 đều không có cơ sở pháp lý và cố ý nhập nhằng: Hơn nữ, Trung Quốc còn công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông. Dù chưa rõ Trung Quốc sẽ gộp 80 thực thể mà họ nói là mới phát hiện này vào Hoàng Sa hay Trường Sa, điều “tương đối chắc chắn” là Trung Quốc xem chúng thuộc “Nam Hải chư đảo” và vì vậy có thể tạo quyền và lợi ích trên biển. Lập luận “Tứ Sa” của Trung Quốc bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa), bãi ngầm Macclesfield và bãi Scarborough mà Trung Quốc gộp chung gọi là “quần đảo Trung Sa”, cùng nhóm đảo Pratas mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Đông Sa”. Trước kia, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, “đường lưỡi bò” để tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, cái gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ vào năm 2016, khiến Trung Quốc, dù tuyên bố không thừa nhận phán quyết, vẫn cần phải xây dựng yêu sách và lập luận mới. Vì vậy, họ đang cố gắng tìm căn cứ pháp luật mới cho “đường lưỡi bò” và chiến lược “Tứ Sa” ra đời, dù nguồn gốc của cách tiếp cận này không phải là mới. Thực tế “Tứ Sa” là cách diễn nôm na cho cái mà Trung Quốc từ lâu đã gọi là “Nam Hải chư đảo”, tức là “các đảo ở Nam Hải” theo cách Trung Quốc gọi Biển Đông. Trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã lấy lý lẻ “dựa trên UNCLOS” để đòi các quyền, lợi ích với “Nam Hải chư đảo” cũng như các quyền và lợi ích ở Biển Đông dựa trên các tập quán lịch sử và luật pháp quốc tế. Trung Quốc đưa ra “Tứ Sa” để những yêu sách của họ về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với “Nam Hải chư đảo” có vẻ “phù hợp hơn” với ngôn ngữ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Thay vì tuyên bố “chủ quyền lịch sử” đối với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc mà họ xem là đảo. “Trung Quốc đang cố giảm bớt vai trò của “đường lưỡi bò” vì đó là sự xấu hổ và không nước nào chấp nhận yêu sách đó” (Giáo sư Luật biển Quốc tế tại Đại học Hải Chiến MỸ james Kraska nói). Họ chuyển hướng sang “Tứ Sa” vì nó có thể giúp họ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý xung quanh các nhóm đảo này. Nhưng về bản chất, cả 2 yêu sách này chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Thông qua việc kết luận rằng các nhóm đảo thuộc “Tứ Sa” có đầy đủ các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán rộng đến 200 hải lý. Trung Quốc vẫn đang yêu sách các vùng biển mà ghép lại sẽ có phạm vi gần như không khác biệt, thậm chí còn rộng lớn hơn, so với vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Nhưng, xét trên góc độ luật pháp quốc tế, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc cũng chỉ là một phiên bản mơ hồ, không có cơ sở pháp lý, giống như yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã từng đưa ra. Trước sau, Trung Quốc vẫn dựa trên việc diễn giải tùy tiện luật pháp quốc tế, nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát toàn bộ các cấu trúc và vùng biển ở Biển Đông. Không có cơ sở pháp lý nào cho phép Trung Quốc thiết lập đường cơ sở bao quanh các cấu trúc thuộc các nhóm đảo như đã làm với Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) với yêu sách vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên cả 4 nhóm đảo: Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa. Phán quyết của Tòa quốc tế (PCA) năm 2016 cũng đã bác bỏ khả năng vẽ đường cơ sở thẳng đối với Trường Sa, cũng như khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của các cấu trúc thuộc Trường Sa và Scarborough. Những kết luận này cũng sẽ áp dụng với các nhóm đảo còn lại trong “Tứ Sa”.
Tóm lại, đối với yêu sách về chủ quyền các nhóm đảo, việc không nêu rõ phạm vi từng nhóm đảo thuộc “Tứ Sa” được cho là để ngỏ cho khả năng Trung Quốc tùy tiện sáp nhập các cấu trúc mới vào các nhóm đảo này, cho dù đó là cấu trúc chìm hay nửa nổi, nửa chìm. Với nhận định đó, việc Trung Quốc công bố “danh xưng tiêu chuẩn”, như một cách khẳng định chủ quyền, đối với 80 cấu trúc “mới phát hiện” trên Biển Đông, bao gồm 55 thực thể địa lý dưới đáy biển, gây ra những quan ngại về dã tâm của Bắc Kinh. Đáng chú ý là 55 thực thể địa lý dưới đáy biển đều nằm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam, và nằm khá xa vùng 12 hải lý của bất cứ cấu trúc nổi nào mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Rõ ràng là, quỹ đạo mới nhất của các yêu sách, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc chìm dưới nước và các quyền lợi trên biển từ 4 nhóm đảo xa xôi ở Biển Đông đã thách thức các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặt trong bối cảnh diễn dịch yêu sách “Tứ Sa”, việc tuyên bố chủ quyền đối với 55 thực thể này có thể báo hiệu rằng Trung Quốc đã tích lũy đủ sức mạnh và tự tin để chống lại luật pháp quốc tế, đồng thời tự Trung Quốc đã đặt ra luật của riêng họ. “Tứ Sa” là một lăng kính mà qua đó các yêu cầu dài hạn đầy tham vọng của Trung Quốc đối với Biển Đông được phơi bày hoàn toàn. Bất kể bao nhiêu “Sa” như 2 “Sa” phổ biến như Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc 3 “Sa” như tên của thành phố “Tam Sa” chỉ ra, hoặc 4 “Sa” bao gồm cả Pratas và Macclesfield, tham vọng lâu dài của Trung Quốc là tối đa hóa các yêu sách chủ quyền trên biển (37).
4.3. Cuộc chiến công hàm giữa Việt Nam, Malaysia, Philippins với Trung Quốc.
Trước những hành động lợi dụng tình hình thế giới đang phải gồng mình lên tập trung vào công cuộc chống lại đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phi pháp nhằm thực hiện các mưu đồ độc chiếm Biển Đông với những thủ đoạn, âm mưu mới. Đặc biệt, sau việc tàu Đại chất Hải Dương 8 và các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển, trong đó có Indonexia, Malaysia và Việt Nam. Cuộc đấu tranh pháp lý về Biển Đông tại Liên Hợp Quốc được bắt đầu từ việc Malaysia gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Đông ngày 12/12/2019. Ngay trong ngày, Trung Quốc đã gửi Công hàm số CML/14/2019 tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (TTKLHQ) phản bác Báo cáo này của Malaysia. Tại công hàm này, Trung Quốc cho rằng: (i) Trung Quốc có chủ quyền với 4 nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo; ii) Trung Quốc có các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và các nhóm thực thể; iii) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Tiếp theo, ngày 06/3/2020, Philippins gửi lên TTKLHQ: i) Công hàm số 000191-2020 phản đối công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippins tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (ANCLOS); ii) Công hàm số 000191-2020 của Philippins đưa ra ý kiến về Báo cáo của Malaysia. Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi công hàm CML/11/2020 lên TTKLHQ để phản bác các Công hàm của Philippins. Trong Công hàm này, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam), bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận; yêu sách quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc tiếp tục cũng nhắc lại yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên TTKLHQ để phản bác hai Công hàm CML/14/2019 và CM/11/2020 của Trung Quốc. Ngày 10/4/2020, Việt Nam gửi hai Công hàm số 24/HC-2020 và 25/HC-2020 lên TTKLHQ lần lượt nêu ý kiến về báo cáo của Malaysia và về các Công hàm của Philippins. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã gửi Công hàm số CML/42/2020 phản bác lại Công hàm của Việt Nam. Trong 3 công hàm của Việt Nam gửi TTKLHQ, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày một cách hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông.
Chỉ trong phạm vi một trang giấy, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày quan điểm của Việt Nam về 3 vấn đề quan trọng: i) Các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông; ii) Yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; iii) Việc áp dụng Công ước UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Các quan điểm này cần được hiểu đầy đủ và đúng đắn trong mối liên hệ với các Công hàm của các nước và cuộc đấu tranh chính trị - ngoại giao, pháp lý và quản lý thực tế trên thực địa Biển Đông, cụ thể:
i) “Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc, các yêu sách của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ kiện Biển Đông (12/7/2016), Trung Quốc đã có dấu hiệu thúc đẩy yêu sách mới, tạm gọi là yêu sách “Tứ Sa” nhằm thay thế yêu sách “đường 9 đoạn” mà Tòa đã bác bỏ. Bước điều chỉnh này xuất hiện ngay trong bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày Tòa đưa ra phán quyết và Sách Trắng “Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippins thông qua đàm phán” của Quốc Vụ Viện Trung Quốc (13/7/2016), một ngày sau phán quyết), trong đó lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới lập trường về “Nam Hải Chư đảo (các đảo ở Biển Đông). Và trong Công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019 là lần đầu tiên Trung Quốc đưa công khai về đầy đủ lập trường liên quan đến “Nam Hải Chư đảo” ở Liên Hợp Quốc.
Yêu sách “Tứ Sa”, lập trường mới sau Phán quyết của Trung Quốc ở Biển Đông có những điểm đáng chú ý như sau: i) Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với 4 nhóm đảo, gồm Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ), Nam Sa (Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfields, đây là một bãi ngầm hoàn toàn dưới nước ngay cả khi thủy triều thấp). Trung Quốc gọi 4 nhóm đảo này là “Nam Hải Chư đảo”; ii) Trung Quốc yêu sách đầy đủ các vùng biển: nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các nhóm quần đảo này; iii) Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông. Bên cạnh lập trường chính thức nêu trên về “Nam Hải Chư đảo”, Trung Quốc còn có yêu sách: i) Với các bãi ngầm và các cấu trúc lúc chìm, lúc nổi ở Trường Sa, Macclefields Bank, thậm chí với những bãi ngầm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam như Bãi Tư Chính; ii) Xác lập được cơ sở bao quanh các nhóm đảo để từ đó yêu sách đầy đủ các vùng biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ “đường cơ sở quần đảo” như một quốc gia quần đảo.
Yêu sách “Tứ Sa” được đánh giá là nguy hiểm vì kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn yêu sách “đường chín đoạn”. Cả hai yêu sách này của Trung Quốc đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm ở Biển Đông, quy thuộc thành phần đảo, từ đó xác lập đầy đủ các vùng biển bao quanh là hoàn toàn trái với UNCLOS 1982. Theo quy định, các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm, lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng(38).
ii) “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế”.
Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là lập trường nhất quán đã được Việt Nam khẳng định trong các Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các năm 1975, 1979, 1981, 1988. Lập trường này cũng được thể hiện nhiều lần trong các văn bản lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm chủ thực sự, chiếm hữu đầy đủ, hòa bình, liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa kể từ khi hai quần đảo này chưa được quốc gia nào yêu sách. Bên cạnh đó, nhiều văn kiện lịch sử và địa lý của Trung Quốc cũng chứng minh cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều bản đồ do Phương Tây vẽ đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm thiếu thuyết phục và phản bác các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra khi yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo này (39).
iii)” Công ước UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Kể từ khi chính thức có hiệu lực vào năm 1994, UNCLOS 1982 luôn khẳng định vai trò của “Hiến pháp của biển và đại dương” điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến luật biển. Với 168 thành viên tham gia, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế phổ cập lớn thứ hai, chỉ xếp sau Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trật tự pháp lý trên biển. Công hàm ngày 30/3/2020 cho thấy Việt Nam đã dựa vào UNCLOS 1982 để xác lập các vùng biển, đồng thời cho thấy Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông ở các nội dung quan trọng sau:
Một, “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước.” Theo Điều 121(3), đảo đá không thích hợp cho con người sinh sống hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông lần đầu tiên giải thích Điều 121.3 và đi đến kết luận rằng tất cả các cấu trúc nổi nào ở Trường Sa không có khả năng cho con người sinh sống hoặc duy trì đời sống kinh tế riêng, do đó, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Hai, “các nhóm đảo tại Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”. Hoàng Sa và Trường Sa không phải là quốc gia quần đảo để được áp dụng cách vẽ đường cơ sở quần đảo theo UNCLOS, do đó không thể xác lập hệ thống đường cơ sở quần đảo bằng cách vẽ nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất. Tinh thần này đã từng được Việt Nam khẳng định trong Tuyên bố phản đối hệ thống đường cơ sở thẳng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa năm 1996. Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông kết luận rằng bất cứ cách vẽ đường cơ sở thẳng nào ở Trường Sa cũng trái với Công ước UNCLOS. Trên thực tế, cấu trúc địa lý của Hoàng Sa và Trường Sa có những điểm tương đồng, do đó, việc Việt Nam áp dụng cách tiếp cận của Toà Trọng tài đối với các thực thể ở Hoàng Sa là phù hợp.
Ba, “các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”. Hiện nay, Trung Quốc yêu sách chủ quyền với một số bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Biển Đông. Như đã trình bày ở trên, điều này hoàn toàn không được UNCLOS 1982 cho phép vì theo quy định, các bãi ngầm hoặc các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng. Phán quyết của Toà Trọng tài 2016 cũng kết luận rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief reef), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Xubi (Subi reef), Nam Gaven (Gaven reef/South), Tư Nghĩa (Hughes reef) là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc, không có vùng biển riêng.
Bốn, “Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.” Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường này. Ngày 12/9/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982. […] Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn.”
Về điểm này, Công hàm của Việt Nam đã phản ánh tinh thần của Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016. Theo kết luận của Toà, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật nằm trong đường chín đoạn là không phù hợp với quy định của Công ước. Toà cho rằng yêu sách đó vượt quá giới hạn vùng biển của Trung Quốc mà UNCLOS cho phép. Trên thực tế, yêu sách quyền lịch sử trong đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Gần đây, ngày 9/4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố phản đối các yêu sách trên biển bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định ủng hộ kết luận của Toà Trọng tài rằng “Đường chín đoạn của Trung Quốc là yêu sách biển bất hợp pháp.”
KẾT LUẬN
Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của Luật pháp và tập quán quốc tế, có thể rút ra kết luận sau đây:
1. Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi mà các quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
2. Từ thế kỷ XVII đến nay, suốt trong mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thực sự, liên tục và hòa bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (40).
4. Trong cuộc đấu tranh pháp lý về Biển Đông tại Liên Hợp Quốc được bắt nguồn từ việc Malaysia gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS). Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Đông ngày 12/12/2019, phía Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tới TTKLHQ phản bác báo cáo này của Malaysia. Và Philippins gửi Công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, rồi Trung Quốc lại gửi Công hàm số CML/11/2020 lên TTKLHQ để phản bác các Công hàm của Philippins. Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020 Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên TTKLHQ để phản bác hai Công hàm CML/14/2019 và CML/11/2019 của Trung Quốc. Ngày 10/4/2020, Việt Nam lại liên tiếp 2 Công hàm số 24/HC-2020 và 25/HC-2020 lên TTKLHQ lần lượt nêu ý kiến về Báo cáo của Malaysia và Philippins. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc cũng gửi Công hàm CML/42/2020 phản bác lại Công hàm của Việt Nam. Trong 3 Công hàm nói trên, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông. Trước hết, Công hàm dã phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với Luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm yêu sách “đường chín đoạn” và yêu sách “Tứ Sa”. Các yêu sách đó hoàn toàn trái với qui định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Nội dung Công hàm được xây dựng dựa trên các quy định của Công ước UNCLOS 1982, đồng thời phù hợp với kết luận quan trọng của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) năm 2016 dù qui định, phán quyết chỉ có giá trị ràng buộc với các bên liên quan. Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, kể từ khi vụ kiện Biển Đông bắt đầu, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện, mong muốn Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) sẽ đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, ủng hộ giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và ủng hộ việc tuân thủ, thực thi đầy đủ UNCLOS 1982.
Công hàm ngày 30/3/2020 thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và toàn diện của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cùng các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Với chủ trương UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, Việt Nam một lần nữa chứng minh trách nhiệm của mình trong tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng, từ đó góp phần vào đảm bảo trật tự pháp lý ở Biển Đông (41)
PGS. TS. Đinh Công Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế
Trường Đại học Đại Nam
(1) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 1.
(2) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 7, 8.
(3)Cửa Đại Chiêm nay là cửa Đại thuộc tỉnh Quảng Nam, cửa Sa Vinh nay là cửa Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
(4) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 5
(5) Trong tập Hồng Đức bản đồ
(6) (7) (8) (9) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012 trang 5-13
(10) J.Y.C trích dẫn trong bài “Bí mật các đảo san hô - Nhật ký về cuộc hành trình đến Hoàng Sa”, đăng trên tuần báo “Đông Dương (indochine) trong các số ngày 3, 10, 17/7/1941
(11)“Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” của Giám mục jean - Louis Taberd đăng trong “tạp chí của Hội châu Á Băng - Gan” (The journal of the Asiatic Sciety of Bengal) tập VI, 1837, tr. 745
(12) Đính trong cuốn “Từ điển La tinh - Việt Nam” (Dictionarium Latino - Anamiticum), 1838.
(13) (14) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 13, 14.
(15) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 14
(16) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 15-20.
(17) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 21- 28
(18) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 29-36.
(19) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 7.
(20)Trung tướng Nguyễn Đình Chiến “Nhìn lại sự kiện Hải Dương 981 và bài học kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo” . http://canhsatbien.vn>nghien-cuu-trao-doi
(21) Báo Tuổi trẻ online “Bộ Ngoại giao xác nhận tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng biển Việt Nam” http://tuoitre.vn
(22) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang bìa, trang 46, 47.
(23) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 48, 58
(24) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 58, 59.
(25) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 59.
(26) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 59, 60
(27) Hoài Sa (chủ biên) “Xuất bản phẩm Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông - cái nhìn Tổng quan”, Nxb KHXH, Hà Nội, 2019, trang 63-74.
(28) Đỗ Thiện “Biển Đông: hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng”. https: plo.vn/thoi-su/bien-dong-hieu-dung-y-nghia-cong-ham-pham-van-dong 910058
(29) Đỗ Thiện “Biển Đông: hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng”. https: plo.vn/thoi-su/bien-dong-hieu-dung-y-nghia-cong-ham-pham-van-dong 910058, trang 5.
(30) Đỗ Thiện “Biển Đông: hiểu đúng ý nghĩa công hàm Phạm Văn Đồng”. https: plo.vn/thoi-su/bien-dong-hieu-dung-y-nghia-cong-ham-pham-van-dong 910058, trang …
(31)Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html.
(32) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html, trang 2.
(33) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html, trang 3, 4
(34) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html., trang 4
(35) Đỗ Thiện thực hiện “Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng”. https://plo vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html, trang 4.
(36) Trần Khánh, Hồ Điệp/ VoV “Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”. https://m.vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-dang-vi-pham-nghiem-trong…ở Biển Đông-1045517.vov.
(37) Vũ Mạnh “Âm mưu dùng “Tứ Sa” để thay thế đường lưỡi bò của Trung Quốc”. https: // Zingnews.vn/am-muu-dung-tu-sa-de-thay-the-duong-luoi-bo-cua-trung-quoc-post1080452.html
(38) Nguyễn Thị Lan Hương “Phân tích Công hàm Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020” https:// www.printfriendly. com/p/g/8VAZFt.
(39)Nguyễn Thị Lan Hương “Phân tích Công hàm Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020” https:// www.printfriendly. com/p/g/8VAZFt, trang 3.
(40) Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới quốc gia “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2012, trang 38.
(41) Nguyễn Thị Lan Hương “Phân tích Công hàm Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ ngày 30/3/2020” https:// www.printfriendly. com/p/g/8VAZFt, trang 4-5