Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Chuyện siêu công trình trên đại sa mạc Trung Đông

 Sự trỗi dậy của các tiểu quốc và quốc gia vùng Trung Đông trong lĩnh vực xây dựng phát triển các công trình ở quy mô vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Câu chuyện về những “siêu công trình” với chiều cao siêu cao, diện tích siêu lớn giữa sa mạc mênh mông gây nên sự tò mò, hấp dẫn đối với đại chúng thế giới.

    Từ chỗ không thể định hình nổi vị trí của các tiểu quốc như Dubai, Abu Dhabi giữa sa mạc rộng lớn, chỉ biết đại khái ở vùng Trung Đông nhiều dầu mỏ, thì ngày nay những tòa nhà cao chọc trời, những cảnh quan đặc sắc, những công trình văn hóa độc đáo đã trở thành biểu tượng nhận diện không thể nhầm lẫn cho những điểm đến hấp dẫn của thế giới ở vùng Trung Đông.

    Hình ảnh thu hút của điểm đến hôm nay đều có những câu chuyện kiến trúc đằng sau nó. Và đó là… 

    Kiến trúc cao nhất thế giới Burj Khalifa 

    Với chiều cao 828 mét trên nền sa mạc Dubai, tháp Burj Khalifa là công trình cao nhất thế giới, được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc danh tiếng SOM, Mỹ. Mặt bằng hình ngôi sao ba cánh vừa là thế chân vạc cho chiều cao siêu tưởng, vừa tối ưu hóa tầm nhìn toàn cảnh của vịnh Ả Rập. Thiết kế kiến trúc này cũng lấy cảm hứng từ một loại hoa sa mạc cũng như hệ thống hoa văn của kiến trúc Hồi giáo. 

    Ở giai đoạn cao điểm của dự án này, SOM từng phải duy trì 100 người làm việc chỉ riêng cho dự án này, chưa kể đội ngũ trực tiếp tại Dubai. Công nhân làm việc tại công trường là 12.000 người, đã dành tổng cộng 22 triệu giờ làm việc để hoàn thành công trình.

    Lượng bê tông đổ vào để xây dựng tòa nhà có thể tích là 330.000m3, tương đương trọng lượng của 100.000 con voi. Đỉnh của tòa nhà này có thể được nhìn thấy từ khoảng cách 95km. Để lưu thông trong tòa nhà này cần đến 57 thang máy tốc độ 10m/s tải trọng đến 5,5 tấn và 8 thang cuốn. Tổng lộ trình di chuyển thang máy lên sàn vọng cảnh của tòa nhà đến cuối năm 2014 tương đương với 8 lần đi vòng quanh thế giới.

    Có thể nói, Burj Khalifa là một đỉnh cao thành tựu thể hiện tầm nhìn của Dubai nhằm tạo ra điều tưởng như là không thể và ghi dấu ấn mãi mãi trong lòng thế giới. Bằng công trình này, Dubai đã khẳng định khả năng của Tiểu vương quốc này với toàn thế giới. Burj Khalifa như ngọn hải đăng biểu tượng cho sự giàu có của thành phố và là biểu tượng cho Trung Đông sôi động, năng động và thịnh vượng.  

    Khung cửa sổ Dubai (Dubai Frame)

    Cao 150 mét và rộng 95 mét trên nền công viên Zabeel của Dubai, “Khung ảnh lớn nhất thế giới” đã chính thức mở cửa từ năm 2018. Được biết đến với cái tên Dubai Frame, công trình kiến trúc này là một trong những siêu dự án bắt mắt của thành phố, mang đến tầm nhìn toàn cảnh đường chân trời trong một khung hình với các tòa nhà mang tính biểu tượng như Burj Khalifa. 

    Thiết kế của cấu trúc Dubai Frame cao 150 mét không phải là không có tranh cãi: ý tưởng ban đầu xuất hiện với tư cách là thiết kế đoạt giải trong cuộc thi ThyssenKrupp năm 2008-2009 của KTS Fernando Donis, người sau đó đã đệ đơn kiện thành phố Dubai vì ăn cắp bản quyền đối với thiết kế của mình.

    Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Donis nói với Archinect: “Cuối cùng, họ đã lấy nó, xây dựng nó và sẽ thu lợi nhuận từ nó, mà không liên quan đến chúng tôi cũng như trả tiền cho chúng tôi”.

    Theo Fernado Donis, ý tưởng ban đầu khi tham gia cuộc thi thiết kế, ông đã coi Dubai như một thành phố đầy những biểu tượng và thay vì thêm một biểu tượng khác, ông đã đề xuất đóng khung tranh tất cả những biểu tượng này bằng công trình của mình. Thay vì xây dựng một công trình kiến trúc đồ sộ, ý tưởng thiết kế là xây dựng khoảng trống 150x105 mét để liên tục định hình sự phát triển của Dubai trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

    Thực chất thì cấu trúc dạng khung cửa này cũng đã từng có ở công trình “tân khải hoàn môn” của Paris - La Grande Arche de la Defense từ năm 1982. Thậm chí La Grande Arche này còn là một cấu trúc mang nhiều công năng hơn, cả từ không gian văn phòng làm việc bên trong đến tuyến metro bên dưới. Dù vậy, Dubai Frame cũng là một trong những điểm đến phản ánh tính hào nhoáng, bóng bẩy, thu hút du khách đến thành phố trung chuyển này của thế giới. 

    Bảo tàng Louvre Abu Dhabi 

    Kiến trúc sư Jean Nouvel đã tuyên ngôn về công trình bảo tàng Louvre ở Abu Dhabi của mình như sau: “Tất cả các vùng khí hậu đều thích những trường hợp ngoại lệ. Ấm hơn khi trời lạnh. Mát hơn ở vùng nhiệt đới. Con người không chống sốc nhiệt tốt. Các tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Những quan sát cơ bản như vậy đã ảnh hưởng đến Louvre Abu Dhabi. Nó mong muốn tạo ra một thế giới chào đón một cách thanh thản, kết hợp giữa ánh sáng và bóng tối, sự phản chiếu và bình tĩnh.

    Nó muốn thuộc về một quốc gia, về lịch sử của nó, về địa lý của nó mà không trở thành một bản dịch phẳng, một chủ nghĩa tổng hợp dẫn đến sự nhàm chán và quy ước. Nó cũng nhằm mục đích nhấn mạnh sự mê hoặc được tạo ra bởi những cuộc gặp gỡ hiếm hoi”.

     

    Khái niệm mà Jean Nouvel muốn chuyển tải là một cơn mưa ánh sáng (rain of light), tạo cho người tham quan cảm giác giống như đang ở trong sự dễ chịu dưới tán cọ dầu giữa sa mạc. Ý tưởng đơn giản chỉ là một vòm mái úp trên tổ hợp phòng trưng bày phân tán như một dãy phố cổ Trung Đông. Dây chuyền bảo tàng dựa trên nền mặt bằng không gian như đô thị này cho một trải nghiệm khám phá thư giãn, đắm mình trong bầu không khí nghệ thuật đậm đặc của sa mạc mênh mông. 

    Khả năng tiếp cận bảo tàng bằng thuyền hoặc tìm một chiếc phao để đến bảo tàng bằng cách đi bộ từ bờ cũng phi thường không kém, trước khi được chào đón như một du khách được chờ đợi sẵn sàng xem các bộ sưu tập độc đáo, nán lại các hiệu sách hấp dẫn hoặc thưởng thức các loại trà, cà phê địa phương và món ngon.

    Với diện tích 24.000m2 tổng cộng, trong đó có 8.000m2 phòng trưng bày nghệ thuật, khẳng định vị thế bảo tàng nghệ thuật lớn nhất ở bán đảo Ả Rập. Chính quyền Abu Dhabi đã phải trả cho nước Pháp khoản tiền 525 triệu đô la Mỹ để gắn với tên của Louvre và 747 triệu đô la Mỹ sẽ được thanh toán để đổi lấy việc mượn các tác phẩm nghệ thuật, trưng bày triển lãm và tư vấn quản lý.

    Với sự thành công và thu hút của nó, dường như đây là một khoản đầu tư có hiệu quả của người Abu Dhabi cho kiến trúc và nghệ thuật. 

    Bảo tàng Tương lai 

    Với chiều cao 78 mét, Bảo tàng Tương lai (MOTF) nằm cách xa đường chân trời nổi tiếng của Dubai, nơi có những tòa nhà chọc trời như Burj Khalifa cao nhất thế giới. Tuy nhiên, với hình dạng táo bạo và mặt tiền nổi bật được tạo bởi hơn 14.000 mét thư pháp Ả Rập, nó chắc chắn thành công trong việc trở thành biểu tượng mới nhất của đô thị.

    Với tổng diện tích xây dựng hơn 30.000m2, MOTF có không gian triển lãm về các hệ tư tưởng và sản phẩm sáng tạo, cũng như không gian nhà hát, phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu.

    Tượng trưng cho di sản Ả Rập và sự tiến bộ trong tương lai, MOTF bao gồm ba phần chính: ngọn đồi xanh, tòa nhà và khoảng không. Ngọn đồi xanh đại diện cho cội nguồn trái đất, giúp nâng cao bảo tàng một cách kín đáo phía trên tuyến tàu điện ngầm liền kề và tạo ra một công viên trên cao.

    Tương tự như vậy, cấu trúc hình xuyến tượng trưng cho khả năng đổi mới của nhân loại và đẩy lùi các giới hạn của kỹ thuật và xây dựng hiện đại. Mặt khác, khoảng trống hình elip là một biểu hiện của “điều chưa biết” nhằm tìm cách truyền cảm hứng cho những người sáng tạo ngày nay đối mặt với tương lai bất thành văn của nhân loại.

    Để giải quyết cho khâu triển khai đầy phức tạp của ý tưởng có vẻ siêu thực này, dự án đã áp dụng nhiều sáng tạo liên quan đến công nghệ và vật liệu xây dựng. Ví dụ như việc phát triển các công cụ thiết kế tham số với các thuật toán tăng trưởng “để tối ưu hóa hiệu quả kỹ thuật số cho sơ đồ cấu trúc chính, mặt tiền và các cấu phần mặt dựng kính”. 

    Các quy trình công nghệ cao, như phần mềm hàng không và cánh tay robot tự động, đặc biệt cần thiết để ghép các tấm thư pháp phủ bên ngoài lại với nhau. Phần mềm mô hình 3D đã được sử dụng để đặt chữ thư pháp lên bề mặt của tòa nhà và đảm bảo rằng 1.000 nút đường chéo bằng thép được tránh ở giữa các cửa sổ. Để đặt chính xác các tấm vào cấu trúc khi triển khai, đồng thời đảm bảo chúng không bị biến dạng, công trình đã áp dụng hệ thống định vị laser nhiều lớp, cách này cũng để định vị chính xác đường chéo thép.

    Bảo tàng của Tương lai MOETF là một công trình điểm nhấn với kiến trúc và kỹ thuật có cách tiếp cận đột phá về ý nghĩa của một bảo tàng. Một trong nhưng điểm cốt lõi làm nên thành công của nó là sự hợp tác đa lĩnh vực và việc sử dụng sáng tạo các công nghệ mới nhất; từ robot đến thiết kế tham số, từ CNC đến phần mềm hàng không. Thúc đẩy các giới hạn của sự đổi mới, cột mốc mang tính biểu tượng mở đường hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn, một nơi mà công nghệ tham gia vào môi trường xây dựng có lợi cho sự sáng tạo, hạnh phúc và bền vững.

    Bài: Kiến Vũ - Ảnh: Tư liệu