Kỳ 1: Kích hoạt những tiềm năng giáo dục vốn có
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một quá trình tái cấu trúc xã hội mới trên toàn Việt Nam, ở đó nhiều hoạt động xã hội trong đó có giáo dục bắt đầu mang nội dung và tính chất khác hẳn không chỉ so với thời Pháp thuộc mà còn với cả thời quốc gia phong kiến Việt Nam độc lập trước đó. Việc đưa quyền lực của quốc gia vào tay nhân dân khiến hoạt động này bắt đầu mang những nội dung và tính chất mới mẻ tức không chỉ nhằm phục vụ các mục đích của chính quyền mà còn vì lợi ích của toàn dân tộc, không chỉ là ưu thế của riêng bộ phận hữu sản mà còn là quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân. Việc nhìn lại hoạt động giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 (trở xuống viết tắt là 1945 – 1946) do đó không những có thể làm rõ thêm một thời kỳ của lịch sử giáo dục Việt Nam mà còn có thể góp phần vào việc tìm hiểu quá trình hiện đại hóa của xã hội Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám trở đi.
Nhìn lại quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam thời gian 1945 – 1946, dễ nhận ra sự mâu thuẫn giữa nhiều hiện tượng, sự chênh lệch giữa nhiều lãnh vực và sự khác biệt giữa nhiều quá trình xã hội. Nhưng giữa bấy nhiêu ngổn ngang thường thấy ở những buổi giao thời, giáo dục vẫn là khu vực hoạt động có sự thống nhất, đồng bộ và tương đồng cao nhất nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhất vẫn đạt được nhiều thành công nhất, điều này bắt nguồn từ thực trạng nền giáo dục của thực dân Pháp và khát vọng xóa bỏ thực trạng ấy trước Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam.
Từ di sản của quá khứ…
Ngoài những xáo trộn thời cuộc từ khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9/3/1945) đến khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (15/8/1945) làm bộ máy giáo dục tê liệt, hoạt động giáo dục đình đốn, thực trạng giáo dục mà người Pháp để lại cho nhân dân và chính quyền Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám quả thật vô cùng thê thảm. Khoảng 90% dân số Việt Nam mù chữ, giáo dục cấp tiểu học và trung học mang đậm sắc thái xa rời thực tế, giáo dục cấp đại học chỉ nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ thừa hành bản xứ phục vụ cho hoạt động cai trị của người Pháp, chương trình giáo dục có nhiều khác biệt giữa Nam Kỳ “thuộc địa” và Trung Bắc “bảo hộ”… Thực trạng ấy đã sớm đưa tới sự phản ứng trong nhận thức của nhiều trí thức Việt Nam. Chỉ nói trong phạm vi giảng dạy văn học, từ 1925 Nguyễn Văn Kinh đã uất ức “Ta thử hỏi một trò nào đủ trí khôn, coi có biết một ít tên nhà văn sỹ nước Nam cùng một ít đấng văn học của ta trong thế kỷ sau này, rồi hỏi lại nào J. J. Rausseau, nào Lamartine, nào Châteaubriad thì trò đọc suốt cả lai lịch, nhớ đến ngày sanh chỗ ở. Thiệt rõ ràng mồ cha không khóc, đi khóc đống mối!” (1), đến 1945 Ngọc Thụy lại cay đắng “Về văn học cổ điển chúng ta vẫn là nô lệ của văn học Tây phương” (báo Ngày mới, số 1, ngày 1/4/1945). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nói tới hệ thống giáo dục của người Pháp ở Việt Nam, Thanh Thế Vỹ khẳng định “Cơ quan duy nhất về sự học của họ đặt trong nước ta là Nha Học chính. Thật là rõ rệt! Họ trắng trợn thi hành phương sách phá hoại căn bản ta. Chỉ có Học chính thôi, chứ không có giáo dục” (Trung Bắc chủ nhật số 249, ngày 17.6.1945), bàn về chương trình các bậc học của chính quyền thuộc địa, Vũ Bằng phân tích “Hồi mồ ma chính phủ Pháp, họ chia việc học ở nước ta làm bốn bậc: ban Sơ học, ban Cao đẳng tiểu học, ban Trung học và ban Cao đẳng đại học. Mục đích không có gì khác hơn là kéo dài niên khóa ra để làm tê liệt sức phát triển của học sinh” (báo Trung Bắc chủ nhật số 246, ngày 27/5/1945). Một bài viết trên báo Tin mới số 1639 ngày 5/6/1945 chỉ ra chất lượng bộ phận hương sư “Các ông giáo dưới thời bọn thực dân Pháp muốn cạnh tranh với sự bành trướng của Hội Truyền bá quốc ngữ, lập vội thật nhiều trường hương thôn và tuyển vội thật nhiều ông giáo không cần nhân cách và không cần cả học lực” , bản đề nghị nguyên tắc nền giáo dục nước Việt Nam mới của Hội Phụ huynh học sinh Việt Nam đệ lên Bộ Giáo dục Mỹ thuật tháng 5/1945 nhận định về nội dung giáo trình bậc học mẫu giáo “Sách giáo khoa và báo sư phạm trước đây thường hiểu sai tâm lý nhi đồng, thành ra dạy những trừu tượng viễn vông, xao nhãng sự mở mang ngũ quan của trẻ. Loại sách Psychologie appliquée à l’âdoration dùng ở các lớp sư phạm đều nói về tâm lý người Âu” (báo Tin mới số 1656, ngày 30/6/1945). Hơn thế nữa, có thể nói hệ thống giáo dục thuộc địa dưới thời Pháp thuộc không những không đóng góp được bao nhiêu vào việc nâng cao dân trí mà còn tạo ra nhiều nét đứt gãy trong sự nối tiếp truyền thống của xã hội Việt Nam. Chủ trương ngu dân được thực hiện bằng một chính sách thâm độc mà cụ thể là việc lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức trong nhà trường từ bậc học thấp nhất “Chưa học hết Việt ngữ đã bắt học chữ Pháp” (báo Trung Bắc chủ nhật số 246, ngày 27/5/1945) đã tạo ra một đội ngũ học sinh “như một lũ vẹt nhai lại một thứ tiếng ngoại quốc để nhét vào đầu óc một mớ học thức phổ thông cần phải có để vỡ lòng và để hiểu mọi lẽ của tạo vật” (báo Ngày mới, số 1, ngày 1/4/1945). Cần nói thêm rằng chương trình và giáo pháp vong bản ấy còn khiến suốt tám mươi năm dưới thời Pháp thuộc tiếng Việt chỉ vận động và phát triển một cách tự phát, đồng thời làm chữ quốc ngữ Latin với ưu thế dễ học mau nhớ không phát huy được hết tác dụng lẽ ra phải có vì vẫn bị giới hạn trong phạm vi “chữ quốc ngữ của các phương ngữ”. Tiếng Việt không được chú ý đúng mức trong nhà trường đã dẫn tới tình trạng nhiều học sinh không chỉ tiểu học mà cả trung học cũng không nắm vững tiếng Việt ở mức tương ứng với học vấn, gieo mầm vong bản trong nhiều hoạt động sản xuất tinh thần cũng như tác động bất lợi tới hệ thống giao tiếp xã hội trong nội bộ cộng đồng Việt Nam. Chính thực trạng ấy đã làm dấy lên phản ứng của xã hội Việt Nam qua phong trào giáo dục bình dân mà điểm sáng là sự xuất hiện Hội Truyền bá quốc ngữ Bắc Kỳ (2) năm 1938 và đặc biệt là phong khí mới trong hoạt động giáo dục dưới thời Đế quốc Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 9/1945.
Trên cơ sở nền độc lập đích thực, niềm khát vọng chính đáng và những yếu tố tích cực của một quá khứ bi thảm ấy, nhân dân và chính quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thời gian 1945 – 1946 đã viết nên một trang rực rỡ chưa bao giờ có được và có lẽ cũng không bao giờ lặp lại trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Sau khi vua Bảo Đại ban dụ số 5 ngày 17/4/1945 thành lập Nội các của Đế quốc Việt Nam trong đó có Bộ Giáo dục Mỹ thuật, ngày 22/4/1945 một đoàn đại biểu sinh viên và học sinh ở Huế đã đệ trình một bản nguyện vọng với Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn gồm một số yêu cầu quan trọng về giáo dục, đến tháng 5/1945 Hội Phụ huynh học sinh Việt Nam lại đệ lên Bộ Giáo dục Mỹ thuật bản đề nghị nguyên tắc nền giáo dục nước Việt Nam mới (Việt Nam tân báo số 31, ngày 30/4/1945 và báo Tin mới số 1654, ngày 28/6/1945). Tháng 5/1945 Vũ Bằng mong mỏi các trí thức có bằng cấp cao “có thì giờ rộng rãi, sẽ tìm những sách chuyên khoa của Âu Mỹ và theo sở trường, sở đoản mà phiên dịch ra Việt ngữ để giúp cho cái thư viện các sách giáo khoa của nước ta” (báo Trung Bắc chủ nhật số 246, ngày 27/5/1945). Theo phiến số 14 ngày 24/5/1945 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ thuật được vua Bảo Đại chuẩn y, một Hội đồng Tư vấn giáo dục đã được thành lập bao gồm đại diện các bộ Tiếp tế, Thanh niên, Y tế, Giám đốc Văn hóa viện, Hiệu trưởng các trường công tư có ban trung học và ban cao đẳng, Đốc học và Kiểm học ở các tỉnh và nhiều nhân sỹ trí thức, đến ngày 31/5/1945 Hội đồng này đã nhóm họp lần đầu ở Văn hóa viện bàn về việc cải cách nền tiểu học (3). Ngày 4/ 6/1945 vua Bảo Đại ra Dụ số 41 ban hành thể lệ mới về trường tư theo hướng thống nhất về chương trình giảng dạy và không phân biệt đối xử trong việc thi cử với trường công (4). Hoạt động truyền bá quốc ngữ bùng lên ở miền Trung khiến tác giả bài Chỉ hai tháng 10 vạn người sẽ biết đọc biết viết hướng tới những cách thức và phương tiện như áp dụng cách dạy của Hội Truyền bá quốc ngữ, tận dụng tàu chuối mo cau để viết chữ, huy động giáo viên và học sinh ở miền Trung tranh thủ dịp nghỉ hè dạy học cho những người mù chữ (5). Tháng 4/1945 Thái Can mô tả việc các giáo viên chuẩn bị bài giảng bằng tiếng Việt “Suốt cả đêm họ phải tra cứu, sưu tầm, phiên dịch, hiệu đính các danh từ chuyên khoa, để sáng mai đến giảng dạy cho học trò. Rồi lúc giảng, họ hết sức theo mạch lạc để diễn ý tưởng sáng suốt ra cho học trò được dễ hiểu. Công việc các giáo sư đó thực là mười phần khó nhọc hơn xưa, cái lòng hăng hái, cái chí kiên nhẫn của họ thật đáng thán phục. Phần đông học trò đều công nhận rằng bài dạy bằng quốc văn dễ hiểu hơn Pháp văn nhiều” (6), ngày 13/6/1945 kỳ thi Sơ học bổ túc tổ chức ở miền Bắc đã dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Pháp (báo Trung Bắc chủ nhật số 246, ngày 27/5/1945 và báo Nước Nam số 273, ngày 23/6/1945). Tháng 6/1945 Bộ Giáo dục Mỹ thuật ở Huế, Nha Học chính Bắc Kỳ ở Hà Nội đều ráo riết tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên và hương sư (Việt Nam tân báo số 56, ngày 31/5/1946), ngoài ra Bộ Giáo dục Mỹ thuật còn dự định mở Trường Kỹ nghệ chuyên môn ở Thuận Hóa trong kỳ khai giảng năm học 1945 – 1946 để đào tạo những nhân viên chuyên môn về kỹ nghệ (7) và chuẩn bị xuất bản tờ học báo Giáo dục tân san “để truyền bá tư tưởng về nền giáo dục mới và giúp giáo viêu tiểu học trong phương pháp thực hành” (Việt Nam tân báo số 76, ngày 25/6/1945). Ngày 24/6/1945 Hội Truyền bá quốc ngữ miền Nhuệ Giang làm lễ phát phần thưởng cho học trò trong miền thi đậu khóa học thứ hai và làm lễ khánh thành Bình dân thư viện của hội lập tại tổng Phương Canh phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông (báo Nước Nam số 276, ngày 21/7/1945). Ngày 8/7/1945 Tiểu ban Học chính Bắc Kỳ họp bàn chương trình chống nạn thất học trong dân chúng với đề nghị “người Việt Nam từ 6 tuổi đến 40 tuổi đều bắt buộc phải biết chữ, hẹn trong ba năm nếu ai không biết chữ thì sẽ phải nộp một khoản thuế gọi là thuế vô học” (Trung Bắc chủ nhật số 252, ngày 8/7/1945). Ngày 28/7/1945 Tổng trưởng Nội các Trần Trọng Kim ra Nghị định thành lập Hội đồng Bảo trợ sinh viên và thanh niên đặt ở Hà Nội (báo Tin mới số 1686, ngày 4/8/1945). Ngày 31/7/1945 Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ thuật ra Nghị định thiết lập Nha Giám đốc Đại học vụ ở Hà Nội (Fonds Bộ Giáo dục tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – từ đây viết tắt là Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2)…
Do sự cản trở, cấm đoán của người Pháp nên nhìn chung Hội Truyền bá quốc ngữ thời gian 1938 – 1945 không gặt hái được thật nhiều kết quả, còn sự tồn tại ngắn ngủi của nó cũng khiến Đế quốc Việt Nam chưa có thành tựu giáo dục nào đáng kể. Nhưng sinh hoạt xã hội, nhu cầu văn hóa, đời sống tư tưởng luôn có sự độc lập nhất định với thể chế chính trị, nên không thể đánh đồng sự độc lập giả hiệu mà người Nhật “trao trả” với khát vọng có thật của cộng đồng Việt Nam về việc xóa bỏ nền giáo dục thuộc địa để xây dựng một nền giáo dục mới, khát vọng này đã trình hiện khá tập trung mặc dù chưa toàn diện và thống nhất qua hoạt động giáo dục trong gần nửa năm thời Đế quốc Việt Nam. Trên cơ sở nền độc lập đích thực, niềm khát vọng chính đáng và những yếu tố tích cực của một quá khứ bi thảm ấy, nhân dân và chính quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thời gian 1945 – 1946 đã viết nên một trang rực rỡ chưa bao giờ có được và có lẽ cũng không bao giờ lặp lại trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
… Đến trang sử giáo dục 1945 – 1946 ở Việt Nam
Ngay sau Tuyên cáo ngày 28/8/1945 theo đó Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa có tất cả 13 bộ trong đó có Bộ Quốc gia Giáo dục (trở xuống viết tắt là Bộ Giáo dục) vừa thành lập, cơ quan này đã lập tức hoạt động. Các Thông tư số 1, 2, 3, 4 cả trước và sau ngày 2/9/1945 (Fonds Bộ Giáo dục, hồ sơ 2) cho thấy điều này. Trong hoàn cảnh bộ máy giáo dục có nhiều xáo trộn, hoạt động giáo dục đang bị đình đốn vì thời cuộc trước đó, Bộ Giáo dục đã mau chóng chấn chỉnh lại lề lối và tác phong làm việc, nỗ lực tổ chức lại bộ máy và nhân sự, cố gắng giải quyết những hậu quả của nền giáo dục cũ đồng thời đặt nền móng cho nền giáo dục mới ở một quốc gia vừa giành độc lập. Cái sinh khí hừng hực của một dân tộc vừa thoát khỏi xích xiềng nô lệ đã thay gân đổi tủy cho nhiều yếu tố giáo dục vốn có từ thời Pháp thuộc, kích hoạt những tiềm năng giáo dục vốn có của xã hội Việt Nam.
Chính vì hậu quả của việc lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc dân đảng chiếm đóng những nơi này trước đó. Hoạt động giáo dục thời gian 1945 – 1946 vì vậy không thể tiến hành như nhau ở các địa phương.
Cần nhìn lại hoàn cảnh Việt Nam thời gian 1945 – 1946 để thấy những ảnh hưởng bất lợi của nó đối với hoạt động giáo dục. Sau khi Nhật đầu hàng, Đồng minh giao cho quân Anh giải giáp quân Nhật ở Đông Dương trên phần đất phía nam vỹ tuyến 16, nhưng ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 23/9/1945 quân Pháp núp bóng quân Anh trở lại Việt Nam đã khởi sự tái xâm lược Nam Bộ, đến tháng 11/1945 đánh lan ra vùng Nam Trung Bộ rồi Tây Nguyên. Trên phần đất phía bắc vỹ tuyến 16 Đông Dương quân Trung Hoa đã theo lệnh Đồng minh tới giải giáp quân Nhật từ tháng 9/1945 rồi sau Hiệp ước Hoa Pháp ngày 28/2/1946 lại ưng thuận rút về nhường cho quân Pháp quyền hoàn tất việc giải giáp quân Nhật. Trong tình thế ấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, chấp nhận cho quân Pháp đổ vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ngay sau đó quân Pháp đã lần lượt tới đóng quân ở Hải Phòng, Hà Nội (18/3/1946), Đà Nẵng (25/3/1946), Thuận Hóa (28/3/1946), Nam Định và Hòn Gai (5/4/1946) và liên tiếp tiến hành các hoạt động khiêu khích, gây hấn… Sau khi quân Pháp đánh ra Nam Trung Bộ, ở Khánh Hòa tại những nơi bị chiếm đóng thanh niên học tập phải cử người canh gác, nếu quân Pháp kéo tới thì báo hiệu cho lớp học vùi sách vở giấy bút xuống dưới cát để tránh bị khủng bố (báo Cứu quốc số 332, ngày 30/8/1946). Ở vùng Trung Bắc thì sự có mặt của quân đội Trung Hoa rồi quân đội Pháp sau đó cũng gây ra nhiều trở ngại cho sinh hoạt xã hội nói chung cũng như cho hoạt động giáo dục nói riêng. Đầu năm học 1945 – 1946 Bộ Giáo dục phải đề nghị Tư lệnh quân Trung Hoa rút số quân tạm đóng ra khỏi Việt Nam Học xá và Trường Đại học để lấy chỗ giảng dạy (Công văn của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày 1/10/1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 3), đầu năm học 1946 – 1947 dư luận lại rộ lên yêu cầu quân Pháp đóng tạm ở các trường học ở Hà Nội, Hải Phòng phải rút đi để học sinh có thể vào học đúng ngày khai giảng . Sau khi quân Pháp kéo vào vùng Bắc Trung Bộ một số trường học ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa được lệnh tản cư, khi tình hình tạm thời yên ổn trở lại một số phụ huynh của học sinh Trường nữ học Đồng Khánh vẫn lo sợ không dám cho con đi học vì trường ở cạnh đồn quân Pháp (Biên bản phiên họp Hội đồng giám sát Trường trung học Đào Duy Từ ngày 13/5/1946, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2321)… Việc quân Pháp có mặt ở miền Bắc khiến tháng 4/1946 Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục đã phải dự thảo một Sắc lệnh tổ chức lớp võ huấn tức huấn luyện quân sự cho học sinh trung học (Dự án Sắc lệnh tổ chức lớp võ huấn cho học sinh Ban Trung học tháng 4/1946, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Chiến tranh khiến nhiều sinh viên người Nam Bộ ra học đại học ở Hà Nội bị đứt liên lạc với gia đình, lâm vào tình cảnh thiếu thốn đến nỗi tháng 2/1946, Chính phủ phải lập một Quĩ cho vay danh dự để giúp họ có điều kiện sinh hoạt và học tập (Việt Nam Dân quốc công báo số 10, ngày 9/3/1946), hay hội nghị Đà Lạt trong đó phái đoàn Pháp đòi hỏi Trường Đại học ở Hà Nội thuộc quyền Liên bang Đông Dương cũng hứa hẹn nhiều bất lợi cho hoạt động của Trường Đại học Việt Nam (báo Cứu quốc số 226, ngày 27/4/1946). Thậm chí mặc dù Nhật Bản đã đầu hàng, một số người Nhật vẫn giở trò phá bĩnh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, viên Giám đốc Học chính Đông Dương người Nhật Sera đã cho thủ tiêu toàn bộ những hồ sơ công chức, giáo sư và sinh viên Pháp lưu trữ ở Nha Học chính khiến hồ sơ nhiều học sinh Việt Nam cũng bị mất mát, còn sau Cách mạng Tháng Tám người này lại chằng bửa không hợp tác với chính quyền mới, không giao trả công sở cho Bộ Giáo dục của nước Việt Nam (Việt Nam Dân quốc công báo, số 7 ngày 3/11/1945 và số 21, ngày 25/5/1946). Bên cạnh đó, ngoài lực lượng vũ trang của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội thổ phỉ hóa chiếm cứ một dải Móng Cái, Hòn Gai cướp bóc tài vật, giết hại nhân dân đến tháng 4/1946 nghe tin quân Pháp kéo vào mới hoảng sợ rút chạy, từ cuối 1945 lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc dân đảng đã chiếm đóng Vĩnh Yên, Phú Thọ, Việt Trì, Bắc Giang không tuân lệnh Chính phủ, đến tháng 6/1946 bị Vệ quốc đoàn tấn công mới rút về phía biên giới Việt Trung. Ngày 21/8/1946 Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Nghị định mở một kỳ thi tiểu học tốt nghiệp đặc biệt vào ngày 12/9/1946 tại các tỉnh lỵ Lạng Sơn, Phú Thọ, Việt Trì, Yên Bái và hủy bỏ kết quả kỳ thi tiểu học tốt nghiệp tại Việt Trì ngày 24/6/1946 (Việt Nam Dân quốc công báo số 37, ngày 14/9/1946) chính vì hậu quả của việc lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc dân đảng chiếm đóng những nơi này trước đó. Hoạt động giáo dục thời gian 1945 – 1946 vì vậy không thể tiến hành như nhau ở các địa phương, chẳng hạn từ tháng 9/1945 gần như hoàn toàn bị đình đốn ở Nam Bộ rồi Nam Trung Bộ. Báo cáo tình hình chung miền Đông Nam Bộ (gồm các tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn và chiến khu Đông Thành) ngày 28/12/1948 do Thanh tra Chánh trị miền Đông Nam Bộ Tạ Nhựt Tu ký tên ít nhiều cung cấp một ý niệm về tình hình giáo dục ở miền Nam trong hoàn cảnh chiến tranh “Văn hóa. Bị khủng bố ráo riết, nhiều lớp học bị thiêu hủy, nhiều giáo viên bị bắt, thiếu giáo viên, thiếu an ninh để mở rộng nhiều lớp tiểu học. Nhiều trẻ em phải vào vùng tạm chiếm để học. Cán bộ quần chúng muốn đi học nhưng không có người thay thế, không có trường trung học bình dân (…). Ty Giáo dục đã tổ chức đầy đủ ở các tỉnh, nhưng không có sự phân công ngay từ lúc ban đầu giữa các ty về tu thơ nên ty nào cũng mất nhiều thì giờ và cán bộ để làm một công chuyện giống nhau (…). Sự kiểm soát giáo dục ở hương thôn không chu đáo, có nơi dạy không chương trình không phương pháp đúng đắn” (8). Nhưng trên địa bàn Trung Bắc có điều kiện tương đối hòa bình nên có thể tiến hành một cách toàn diện, hoạt động giáo dục thời gian 1945 – 1946 cũng gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh gánh nặng của nền giáo dục ngu dân thời Pháp thuộc, hệ thống giáo dục ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám còn phải đối mặt với nhiều trở lực khác. Diễn văn của Chủ tịch Quân sự ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đọc ngày 2/9/1946 tại Hà Nội cho biết “Vào lúc Chính phủ nhân dân thành lập, ngân sách Đông Dương đã hụt tới 185 triệu và nợ 564 triệu. Trong ngân khố trung ương tổng cộng còn 1.230.000 đồng, trong đó có 586.000 đồng là hào nát” (9). Tình hình tài chính ngặt nghèo ấy cùng với tình trạng vật tư khan hiếm, hàng hóa đắt đỏ đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giáo dục. Thời gian 1945 – 1946 cả Bộ Giáo dục chỉ có hai chiếc xe hơi trong đó một chiếc là camion loại nhỏ, một chiếc là “giành giật” được từ viên Giám đốc Nha Học chính Đông Dương cũ người Nhật Sera, phải xin xăng kiểu ăn đong lại không có lốp dự phòng, phải “hỏi mượn” một chiếc lốp xe bỏ không ở trụ sở Nha Nông lâm mục, đã thế còn phải đôi co qua lại với Bộ Y tế vì Bộ này “đòi lại” chiếc xe ấy (Công văn của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12/2/1946, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Đi xem nhà ở Cầu Giấy để thuê mặt bằng làm trường học, Giám đốc Trung học vụ Ngụy Như Kontum hẹn với chủ nhân “Tôi sẽ đón ngài cùng đi bằng xe đạp” (Thư của Giám đốc Trung học vụ gửi ông Nguyễn Phúc Lộc ngày 27/9/1945, Fonds Bộ Giáo dục, hồ sơ 3). Việc in ấn học báo và sách giáo khoa phải xin cấp từng tấn giấy, từng trăm rames bìa (Công văn của Bộ Quốc gia Giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế ngày 1/10/1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 3), thậm chí ngày 3/11/1945 Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã ra thông tư nhắc nhở nhân viên dè xẻn trong việc sử dụng giấy với những lời dặn dò “Trừ những trường hợp đặc biệt, những giấy từ sở này qua sở khác chỉ nên dùng khổ nhỏ (…). Có thể đánh máy cả hai mặt những giấy tờ không quan hệ (…). Phong bì gửi đến cho gấp trái nếu còn có thể dùng được” (tư liệu 117).
Cái sinh khí hừng hực của một dân tộc vừa thoát khỏi xích xiềng nô lệ đã thay gân đổi tủy cho nhiều yếu tố giáo dục vốn có từ thời Pháp thuộc, kích hoạt những tiềm năng giáo dục vốn có của xã hội Việt Nam.
Không lạ gì mà nhiều công văn, báo cáo, thư từ của Bộ Giáo dục thời gian 1945 – 1946 còn được lưu giữ đến nay là được viết hay đánh máy trên giấy tờ in tiêu đề của chính quyền cũ hay nhiều văn bản chỉ có khổ bằng bàn tay. Thời gian 1945 – 1946 các bộ trong Chính phủ chưa có ngân sách riêng, mọi chi tiêu công vụ của văn phòng và các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục đều do Bộ Tài chính tùy theo nhu cầu cụ thể mà trợ cấp hay tạm ứng (Việt Nam Dân quốc công báo số 10, ngày 24/11/1945, số 14 ngày 15/12/1945, số 3 ngày 19/1/1946, số 17 ngày 27/4/1946, số 18 ngày 4/5./1946, số 24 ngày 15/6/1946 số 29 ngày 20/7/1946). Ở các sở ở cấp kỳ hay ty ở cấp tỉnh và nhất là hệ thống các trường từ tiểu học tới trung học, tình hình cũng không có gì khá hơn. Biên bản họp của các hội đồng giám sát bốn trường Đào Duy Từ ở Thanh Hóa, Nguyễn Công Trứ ở Vinh, Đồng Khánh và Khải Định ở Thuận Hóa từ tháng 5 đến tháng 7/1946 đều nêu ra những khó khăn về trường lớp, bàn ghế, dụng cụ và phương tiện giảng dạy, sách giáo khoa và các vấn đề như học sinh nghèo không có học bổng, thiếu giáo viên vì quĩ lương có hạn (Biên bản phiên họp Hội đồng giám sát Trường trung học Đào Duy Từ ngày 13/5/1946, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2321). Bình dân học vụ mà đối tượng phải giúp đỡ là hàng chục triệu người mù chữ chỉ tính trên địa bàn Trung Bắc lại càng là cái khó chồng lên cái khó, không có giấy bút phải dùng cả que vạch xuống đất, than viết lên tường, không có trường lớp phải học ở quán nước cây đa, sân đình góc chợ (báo Cứu quốc số 243, 247, 248, ngày 18, 23, 24/5.1946). Đến nỗi Bộ trưởng Vũ Đình Hòe từng phải thông tư cho các công sở của bộ “để riêng một chỗ những sổ sách, giấy tờ bỏ đi và giấy tờ cũ không phải những tài liệu cần thiết quan hệ nên giữ để phát cho những đồng bào nghèo thất học dùng làm vở viết” theo yêu cầu của Bình dân học vụ Hà Nội, hay gợi ý Giám đốc Học chính Trung Bộ về việc giải quyết vấn đề học cụ “Bút viết có thể dùng những quản bút nho hay những đũa tre gọt nhọn hình ngòi bút sắt, quản bút nho Tàu ngày trước dùng được lâu lắm” (Thông sư số 357 của Bộ Quốc gia Giáo dục ngày 3/11/1945, Fonds Bộ Giáo dục, hồ sơ 3, Công văn của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục gửi Giám đốc Học chính Trung Bộ ngày 11/1/1946). Ngay tại thủ đô cũng có tình trang nhiều thanh niên “kéo xe bò đến các sở quyên giấy lộn về cho Bình dân học vụ lọc lại để in tranh” (báo Cứu quốc số 196 và 200, ngày 24 và 28/3/1946). Tuy nhiên với Cách mạng Tháng Tám nhu cầu về một nền giáo dục mới của xã hội Việt Nam đã có điều kiện chính trị để trở thành hiện thực. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ với luận điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (10). Hoạt động giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thời gian 1945 – 1946 đã diễn ra trong bối cảnh và với nhận thức nói trên.□
(Còn tiếp)
Chú thích:
(1) Nguyễn Văn Kinh, Nam âm, Recueil de morceaux choisis de Poésie annamite à l’usage de la Jeunesse avec explications des mots, notices biographiques et commentaires, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925, tr. I – III.
(2) Trước nay khi đề cập tới tổ chức này nhiều người vẫn gọi là Hội Truyền bá quốc ngữ, nhưng đúng ra phải gọi là Hội Truyền bá học quốc ngữ Bắc Kỳ như tên chính thức của nó trong con dấu trên một số văn bản. Một tư liệu hiện còn cho biết khi Ban sáng lập hội đề nghị cho phép được hoạt động trên toàn Việt Nam, Thống sứ Bắc Kỳ đã trả lời chỉ Toàn quyền Đông Dương mới có quyền ấy, chứ ông ta chỉ có quyền cho phép hội được hoạt động trong phạm vi Bắc Kỳ mà thôi. Những hoạt động trên địa bàn Trung Kỳ và Nam Kỳ của tổ chức này do đó rất ít ỏi và chủ yếu chỉ rộ lên sau ngày Nhật đảo chính Pháp.
(3) Việt Nam tân báo số 62, ngày 7. 6. 1945 và số 73, ngày 21. 6. 1945.
(4) Việt Nam tân báo số 74, ngày 22. 6. 1945
(5) Việt Nam tân báo số 69, ngày 16. 6. 1945.
(6) Việt Nam tân báo số 11, ngày 6. 4. 1945.
(7) Việt Nam tân báo số 73, ngày 21. 6. 1945.
(8) Báo cáo tình hình chung miền Đông Nam Bộ năm 1948 (số 363-CT ngày 28. 12. 1948), Fonds Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Hồ sơ 12, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Tất cả các tư liệu lưu trữ sử dụng trong bài viết đều được lưu giữ tại cơ quan này.
(9) Xem thêm Cao Tự Thanh, Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến – Tư liệu và Suy nghĩ, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tư liệu 517.
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4 (1945 – 1946), tr. 8.
* Bài viết đã đăng trong sách Tư liệu về Giáo dục Việt Nam từ tháng 9/1945 đến tháng 112/1946.
Kỳ 2: Bộ máy giáo dục năm 1945-1946
Mặc dù bị đặt trước nhiều khó khăn tưởng như không thể vượt qua, với tất cả khả năng và điều kiện của mình, bộ máy giáo dục từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam thời bấy giờ vẫn nỗ lực hoạt động. Nhìn vào tổ chức của Bộ Giáo dục thời gian 1945 – 1946, có thể thấy cơ quan này phải gánh vác nhiều trách nhiệm không những về giáo dục từ phổ thông tới đại học và xóa nạn mù chữ mà còn cả về dạy nghề, nghiên cứu khoa học, bảo tàng, lưu trữ công văn và thư viện, lưu chiểu văn hóa phẩm, công tác thanh thiếu niên và phong trào thể dục thể thao.
Ngày 24.1.1946, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ký Nghị định cử ông Nguyễn Hữu Lương vào Nam giữ chức Giám đốc Sở Bình dân học vụ Nam Bộ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 8 ngày 23.2.1946), đến ngày 26.1.1946 lại có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ “yêu cầu quí bộ cho một bức thư giới thiệu ông ấy với các Ủy ban Hành chính Bắc Trung Nam để việc chuyển dịch của ông ấy không gặp khó khăn trong tình thế nghiêm trọng này”. Ở Nam Bộ thì sau một thời gian đình đốn vì chiến tranh, hoạt động giáo dục trong vùng kháng chiến cũng từng bước được khôi phục. Phúc trình chung năm 1948 về tình hình chung trong miền Trung Nam Bộ (gồm các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Tân An, Vĩnh Long, Sa Đéc, Gò Công, Trà Vinh, Long Châu Tiền) ngày 4.1.1949 do Thanh tra Chánh trị miền Trung Nam Bộ Nguyễn Thành A ký tên có đoạn:
“Giáo dục. Phong trào học hỏi được khuyến khích và phát huy. Dân chúng ham học nhưng ở vài tỉnh phong trào tiến chậm vì giặc khủng bố luôn (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Bến Tre). Có mở những lớp học gia đình ở những vùng bị uy hiếp”.
Và báo cáo về tình hình Bình dân học vụ:
“Ngưng trệ trong mùa nước (Long Châu Tiền) đã bắt đầu hoạt động mạnh lại. Có đào tạo giáo viên, thành lập Hội đồng giáo dục ở tỉnh, Hội chống nạn mù chữ (Vĩnh Long)”.
Tỉnh | Lớp học | Giáo viên | Học sinh |
Mỹ Tho Bến Tre (tháng 7) Tân An Vĩnh Long Sa Đéc Gò Công Trà Vinh Long Châu Tiền | 289 136 149 447 195 112 435 69 | 340 136 162 139 326
549 | 4.696 1.545 2.084 13.878 7.985
9.098 1.623 |
Về Tiểu học vụ, báo cáo trên nêu ra vài con số. (Bảng trên).
Mỹ Tho mới mở một trường chưa báo cáo rõ
Bến Tre 161 lớp, 161 giáo viên, 6.261 học sinh
Tân An 38 lớp, 35 giáo viên, 1.016 học sinh
Sa Đéc 32 lớp, 50 giáo viên, 1.098 học sinh
Vĩnh Long 465 lớp, 447 giáo viên, 15.121 học sinh
Trà Vinh 316 lớp, 287 giáo viên, 10.523 học sinh
Long Châu Tiền 67 lớp, 71 giáo viên, 2.199 học sinh (11).
Ở miền Đông Nam Bộ mà tình hình còn khó khăn hơn, báo cáo ngày 28.12.1948 của Tạ Nhựt Tu cũng đề nghị “Về văn hóa: Thống nhứt công tác tu thơ để rảnh bớt một số giáo viên đang dùng vào Tiểu học vụ. Các Ban Tu thơ các ty chỉ lo soạn những tài liệu về tình hình tỉnh mình mà Ban Tu thơ Nam Bộ không làm được”. Nhưng ngày 6.1.1949, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ra Nghị định số 13-NĐ đặt Nha Giám đốc Giáo dục phụ trách các bậc trung học, tiểu học và Bình dân học vụ ở Nam Bộ (12). Trong tình hình chung ấy, cũng dễ tưởng tượng ra không khí sôi động của hoạt động giáo dục ở vùng Trung Bắc trước ngày 19.12.1946.
Từ bài diễn văn đọc trong ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 2.9.1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp phát biểu “Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách, bậc trung học sẽ không có học phí, học trò nghèo sẽ được cấp học bổng (…). Trong thời hạn rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong cái hoàn cảnh eo hẹp này chúng ta cũng quả quyết tiến hành (13). Ngắn gọn hơn, trong bài Chống nạn thất học kêu gọi toàn thể nhân dân ủng hộ và tham gia phong trào Bình dân học vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%. Như thế thì tiến bộ làm sao được?” (Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4.10.1945): tiến bộ xã hội được coi như cơ sở vững chắc và mục đích lâu dài của nền độc lập dân tộc, mà để có tiến bộ xã hội thì phải có một nền giáo dục độc lập và hiện đại. Và để xây dựng hệ thống giáo dục mới trên cương vị là hệ thống chính thống của nền giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục phải thực hiện nhiều nhiệm vụ như tổ chức bộ máy, mở rộng hoạt động, xác lập chương trình và bao trùm lên tất cả là xác định mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp giáo dục. Muốn tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam thời gian 1945 – 1946 thì cần tìm hiểu việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Cần bắt đầu từ việc xây dựng bộ máy giáo dục. Sau khi thành lập ngày 28. 8. 1945, Bộ Giáo dục đã trải qua nhiều bổ sung điều chỉnh về mặt tổ chức, đến Sắc lệnh tổ chức Bộ Giáo dục ngày 9.7.1946 rồi Nghị định ấn định nhiệm vụ các cơ quan trung ương của Bộ Giáo dục ngày 13.7.1946 thì bộ máy tổ chức cơ bản đã được xác định, theo đó ngoài văn phòng và các phòng sự vụ trung ương còn có Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ, Nha Tổng Giám đốc Trung học vụ, Nha Tổng Giám đốc Tiểu học vụ, Nha Tổng Giám đốc Bình dân học vụ, Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể dục (Việt Nam Dân quốc công báo, số 29, ngày 20.7.1946, và số 32 ngày 10.8.1946), ngoài ra trước ngày Toàn quốc kháng chiến khoảng một tháng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã thành lập Ban Giáo dục Ấu trĩ và chuẩn bị mở lớp huấn luyện giáo viên mẫu giáo để nuôi dạy trẻ em chưa đến tuổi đi học (Fonds Bộ Giáo dục tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Từ đây viết tắt là Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 5). Bên cạnh đó còn có hệ thống Thanh tra học vụ thành lập theo Sắc lệnh ngày 8. 9. 1945, được chia thành hai bộ phận Thanh tra Trung học vụ và Thanh tra Tiểu học vụ lệ vào Nha Tổng Giám đốc Trung học vụ và Nha Tổng Giám đốc Tiểu học vụ, cũng có cấp dưới ở kỳ và tỉnh (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945, số 4, ngày 20.10.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 3, Báo Cứu quốc, số 282, ngày 3.7.1946), đến tháng 7.1946 thấy Nha Tổng Giám đốc Bình dân học vụ cũng có bộ phận Thanh tra, nhưng không thấy tư liệu nào ghi nhận Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ và Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể dục có bộ phận này (Việt Nam Dân quốc công báo, số 29, ngày 20.7.1946, và số 32, ngày 10.8.1946). Đáng chú ý là một phần công việc chuyên môn ở đây đã được xã hội hóa với các tổ chức và cá nhân không thuộc biên chế chính thức của Bộ Giáo dục như Hội đồng Cố vấn Học chính thành lập theo Sắc lệnh ngày 10.10.1945 – đến ngày 10.7.1946 Bộ trưởng Bộ Giáo dục còn ra Nghị định thành lập ở Thuận Hóa và Sài Gòn các Ban Cố vấn Học chính địa phương cho Trung Bộ, Nam Bộ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 4, ngày 20.10.1945, Báo Cứu quốc, số 269, ngày 18.6.1946, Việt Nam Dân quốc công báo, số 32, ngày 10.8.1946), Hội đồng Sách giáo khoa chính thức thành lập theo Sắc lệnh ngày 23.7.1946 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 17, ngày 27.4.1946 và số 31, ngày 3.8.1946) nhưng có những đóng góp rất quan trọng chẳng hạn trong việc xây dựng những nguyên tắc căn bản cho nền giáo dục mới ở Việt Nam. Không chỉ các trí thức như Vũ Đình Hòe, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thái Mai, Nguyễn Mạnh Tường, mà cả các chính khách như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng cũng tham gia vào việc giảng dạy hai lớp Cao đẳng Chính trị và xã hội ở Đại học Việt Nam (Việt Nam Dân quốc công báo, số 9 ngày 17.11.1945). Cũng phải kể thêm sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ như Hội Phụ huynh học sinh, Liên đoàn giáo giới (Việt Nam Dân quốc công báo, số 25, ngày 22.6.1946, Báo Cứu quốc, số 300, ngày 24.7.1946).
Tiến bộ xã hội được coi như cơ sở vững chắc và mục đích lâu dài của nền độc lập dân tộc, mà để có tiến bộ xã hội thì phải có một nền giáo dục độc lập và hiện đại.
Ngoại trừ Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ không có tổ chức ở các địa phương, các nha còn lại đều có hệ thống cấp dưới tức sở ở các kỳ và ty ở các tỉnh. Bộ máy nhân sự ở đây được tinh giản tới mức tối đa, ví dụ ngoài Tổng Giám đốc Đại học vụ, Tổng Giám đốc bốn nha còn lại đều kiêm nhiệm chức Giám đốc các sở cấp kỳ ở Bắc Bộ, ví dụ Tổng Giám đốc Nha Tiểu học vụ kiêm Giám đốc Sở Tiểu học vụ Bắc Bộ, Tổng Giám đốc Nha Bình dân Học vụ kiêm Giám đốc Sở Bình dân Học vụ Bắc Bộ. Hay ngày 1.3.1946 có Nghị định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục tạm bãi văn phòng Tổng Thanh tra Trung học vụ, chuyển công việc này cho văn phòng Tổng Giám đốc Nha Trung học vụ tạm kiêm (Việt Nam Dân quốc công báo, số 11, ngày 16.3.1946), có lẽ vì Tổng Thanh tra Trung học vụ Đặng Thái Mai được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thay Bộ trưởng Vũ Đình Hòe được đổi làm Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2.3.1946.
Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ quản lý cấp đại học và các thư viện công, các nhà bảo tàng (Quốc gia Bảo tàng viện tức Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội, Lâm Ấp Bảo tàng viện tức Bảo tàng Parmentier ở Đà Nẵng, Gia Định Bảo tàng viện tức Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn), các học viện như Học viện Đông phương Bác cổ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 7, ngày 3.11.1945), Văn hóa viện Trung Bộ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 6 ngày 27.10.1945) và một số cơ quan khác như Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc trong đó có Quốc gia thư viện tức Thư viện Pierre Pasquier ở Hà Nội, Sở Lưu chiểu văn hóa phẩm toàn quốc (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945, và số 9 ngày 2.3.1946).
Nha Tổng Giám đốc Trung học vụ quản lý bậc trung học và các trường dạy nghề, tổ chức bài vở cho nguyệt san Giáo dục tân san (trung học), tham gia xây dựng chương trình cải cách bậc trung học.
Nha Tổng Giám đốc Tiểu học vụ quản lý bậc tiểu học, tổ chức bài vở cho nguyệt san Giáo dục tân san (tiểu học), tham gia xây dựng chương trình cải cách bậc tiểu học, cuối năm học 1945 – 1946 còn phải chịu trách nhiệm soạn thảo dự án cải cách ngạch hương sư thành giáo viên hương học (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Ở cấp kỳ thì từ tháng 10.1945 trở đi do Nha Học chính cũ ở các kỳ đảm nhiệm (Fonds Bộ Giáo dục, hồ sơ 3). Theo Nghị định ngày 14.6.1946 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì Thanh tra Tiểu học vụ các tỉnh thành thay thế hoàn toàn các viên Ủy viên giáo dục ở địa phương trước đó (Việt Nam Dân quốc công báo, số 27, ngày 6.7.1946). Trên phương diện quản lý theo địa bàn, trường tiểu học ở các tỉnh thành còn được tổ chức thành các học khu do cơ quan Tiểu học vụ địa phương lãnh đạo.
Nha Tổng Giám đốc Bình dân học vụ thành lập theo Sắc lệnh ngày 8.9.1945 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945) phụ trách phong trào Bình dân học vụ có nội dung chủ yếu là xóa nạn mù chữ, trực tiếp thực hiện chủ trương cưỡng bách giáo dục, tiến hành hoạt động giáo dục ở cấp học bình dân. Đây là bộ phận chủ yếu làm nên không khí sôi động của nền giáo dục Việt Nam thời gian 1945 – 1946, với những cách thức và phương tiện đặc biệt vượt ra khỏi tất cả các qui chuẩn thông thường, thậm chí còn có một loại “dấu hiệu” tức huy hiệu riêng cho các nhân viên, giáo viên và kiểm soát viên (Việt Nam Dân quốc công báo, số 25, ngày 22.6.1946). Ngoài các bộ phận hành chính và chuyên môn, cơ quan này cũng có bộ phận thanh tra đặt dưới quyền Tổng Thanh tra Bình dân học vụ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 32, ngày 10.8.1946).
Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể dục (hậu thân của Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời thành lập ngày 28. 8. 1945 và giải thể sau khi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2. 3.1946) phụ trách công tác thanh thiếu niên và thể dục thể thao, được thành lập theo Sắc lệnh ngày 27.3.1946 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945, số 14, ngày 6.4.1946 268). Sau một số khóa đào tạo cán bộ được tổ chức trong thời gian còn là Bộ Thanh niên, sau tháng 3.1946 nha này đã thành lập Trường Cán bộ Thanh niên và Thể dục (Việt Nam Dân quốc công báo số 29, ngày 20.7.1946, số 32, ngày 10.8.1946). Ngay trong hoàn cảnh quân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Hải Phòng và ráo riết đẩy mạnh các vụ khiêu khích, xung đột quân sự trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tháng 11.1946 nha này vẫn công bố chiêu sinh cho một khóa học từ ngày 2.12.1946 đến 15.1.1947 do Chi Cán bộ Thanh niên Trường Huấn luyện Hồ Chí Minh tổ chức ở Hà Nội (14).
Nhìn vào tổ chức của Bộ Giáo dục thời gian 1945 – 1946, có thể thấy cơ quan này phải gánh vác nhiều trách nhiệm, không những về giáo dục từ phổ thông tới đại học và xóa nạn mù chữ mà còn cả về dạy nghề, nghiên cứu khoa học, bảo tàng, lưu trữ công văn và thư viện, lưu chiểu văn hóa phẩm, công tác thanh thiếu niên và phong trào thể dục thể thao. Ngoài ra việc thành lập hai lớp Cao đẳng Chính trị xã hội trong thời gian xây dựng chương trình mới cho trường Đại học Luật khoa nhằm cấp tốc đào tạo một số cán bộ chuyên môn về hành chính, tư pháp và ngoại giao từ năm học 1945 – 1946 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 4, ngày 20.10.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2301, Việt Nam Dân quốc công báo số 9, ngày 17.11.1945) cho thấy Bộ Giáo dục còn phải trực tiếp góp phần đáp ứng nhu cầu cán bộ của chính quyền. Bên cạnh đó, việc thành lập trường Đại học Văn khoa, “một trường mà người Pháp ngày trước không bao giờ muốn mở cả” (Việt Nam Dân quốc công báo số 4, ngày 20.10.1945, số 9, ngày 17.11.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2301) tuy có mục tiêu trước mắt là nhằm đào tạo giáo sư Ban Văn khoa cho bậc trung học nhưng trong thực tế còn đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Đến cuối năm học 1945 – 1946 thì bộ máy giáo dục đã bước đầu hoàn chỉnh với bốn bậc học bình dân, tiểu học, trung học và đại học (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 5). Việc thiết lập được nền tảng hành chính bên cạnh cơ sở pháp lý nói trên là một thành tựu đặc biệt quan trọng của nền giáo dục sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam.
Đến cuối năm học 1945 – 1946 thì bộ máy giáo dục đã bước đầu hoàn chỉnh với bốn bậc học bình dân, tiểu học, trung học và đại học.
Cần lưu ý rằng từ ngày 15.8.1945 Toàn quyền Đông Dương người Nhật đã ra Nghị định giải thể Nha Học chính Đông Dương và Nghị định chuyển các trường đại học, cao đẳng và trung học ở Việt Nam cho chính quyền Bảo Đại, dĩ nhiên không phải vì thật lòng trao lại quyền độc lập về giáo dục cho Đế quốc Việt Nam mà vì đúng hôm ấy Nhật hoàng Hirohito đã đọc bài diễn văn Gyokuon-hòsò tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng minh nên bộ máy cai trị của Nhật Bản ở các nước bị họ chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai dĩ nhiên cũng phải giải thể. Cả hai Nghị định nói trên đều cam kết bảo đảm chi trả lương bổng của những nhân viên hữu quan đến ngày 31.8.1945 bằng Ngân sách Đông Dương (Fonds Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Hồ sơ 1534). Việc xây dựng bộ máy giáo dục mới ở đây do đó cũng gắn liền với việc tiếp quản bộ máy và nhân viên của hệ thống giáo dục cũ với vô số vấn đề cá nhân cũng như công vụ do quá khứ để lại hay đang liên tục phát sinh. Từ việc khôi phục quyền lợi cho một số giáo viên bị đối xử không công bằng dưới thời Pháp thuộc đến việc sa thải những nhân viên, giáo chức bất lực hay hạnh kiểm xấu, từ việc giải quyết chính sách chế độ tới việc thuyên chuyển đề bạt khen thưởng kỷ luật, thậm chí có lần còn phải trả số tiền thuê in sách mà Nha Học chính Đông Dương cũ còn thiếu Nhà in Trung Bắc tân văn trước đó (Fond Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10)…, tất cả đều phải tiến hành trên cơ sở pháp lý và qui định hành chính vốn có. Có thể nêu ra hai trường hợp tiêu biểu về hoạt động của Bộ Giáo dục trên phương diện này.
Ngày 20.10.1945 Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Nghị định cho ba người trong đó có Bùi Quang Huy, Giáo sư thượng hạng hạng nhất ngạch Tiểu học tòng sự tại Trường trung học Đỗ Hữu Vị về hưu. Ngày 22.10.1945 ông này gửi đơn khiếu nại. Ngày 25.10.1945 Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục gửi văn thư trả lời “sự quyết định của Hội đồng dựa vào những lý do chính đáng, ví dụ như những điều ám muội trong một kỳ thi xưa kia,… một việc rất đáng tiếc với một nhà mô phạm”. Nhưng ngày 5.2.1946 Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại ký Nghị định cử Bùi Quang Huy, Giáo sư thượng hạng hạng nhất ngạch Tiểu học hưu trí sung vào Hội đồng Cố vấn Học chính (Việt Nam Dân quốc công báo số 7, ngày 3.11.1945). Một người thầy trong nhà trường, trên bục giảng cần có một hình ảnh nếu không hoàn hảo thì ít ra cũng phải sạch sẽ, còn một chuyên gia trong Hội đồng Cố vấn Học chính phải có kiến thức và kinh nghiệm để phát hiện những vấn đề trong hoạt động giáo dục và có thể đóng góp ý kiến giải quyết, không thể vì lỗi lầm của người trước mà phủ nhận năng lực của người sau.
Ngày 19.6.1945 một Thư ký hạng 6 của Nha Học chính Đông Dương được cử vào Sài Gòn công cán, nhưng Cách mạng Tháng Tám nổ ra rồi kế đó là Nam Bộ kháng chiến, ông ta nhập ngũ tham gia chống Pháp, đến ngày 20.12.1945 đang đóng ở Vũng Tàu – Bà Rịa nhân có đồng đội ra Bắc bèn gửi thư cho Bộ Giáo dục xin được lãnh lương từ tháng 7.1945 và đề nghị cho vợ mình được lãnh giúp. Sau khi được thư, ngày 12.2.1946 Bộ Giáo dục gửi công văn cho Bộ Tài chính đề nghị giải quyết bằng cách ra một sự vụ lệnh tạm thời (affectation pour ordre) bổ nhiệm ông ta về Bộ Giáo dục kể từ ngày nhập ngũ và coi lá thư kia như một giấy ủy quyền (procuration) cho người vợ được thay mặt lãnh lương từ tháng 7.1945. Vì trên nguyên tắc các nhân viên của Nha Học chính Đông Dương cũ được trả lương đến hết tháng 8.1945, tờ sự vụ lệnh kia lại thừa nhận ông ta là nhân viên của Bộ Giáo dục từ ngày Nam Bộ kháng chiến tức tháng 9.1945, nên chỉ mười ngày sau khi gửi công văn trao đổi với Bộ Tài chính, ngày 22.2.1946 Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục đã gửi văn thư cho vợ ông ta báo tin đã chuẩn bị xong ngân phiếu trả lương từ ngày 1.7.1945 đến ngày 31.12.1945 và từ ngày 1.1.1946 đến ngày 28.2.1946, “Khi nào ngân phiếu được duyệt ký, tôi sẽ gửi cho bà để bà lĩnh tiền. Còn từ tháng 3 trở đi, cứ hằng tháng Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục làm ngân phiếu để trả lương ông Minh cho bà” (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Việc xử trí rất uyển chuyển mà đúng qui trình, mau lẹ và chu đáo chỉ với một nhân viên cấp thấp đang không trực tiếp làm việc ở bản bộ như vậy tự nó cho thấy nhiều điều về tác phong nỗ lực vì công việc, công tâm khi giải quyết, tuân thủ pháp luật, quí trọng con người thời bấy giờ ở Bộ Giáo dục. Tác phong hành chính tích cực ấy cũng giúp cơ quan này vượt qua được nhiều khó khăn mà hoàn cảnh Việt Nam thời gian 1945 – 1946 đưa tới. Cần nói thêm rằng trong một thời gian dài trong ngành giáo dục đã có tình hình các Bộ trưởng làm việc không hưởng lương, nhiều viên chức làm việc không nhận lương, nhiều giáo viên Bình dân học vụ dạy học không có lương, nhưng tinh thần dân tộc được kích thích bởi ý thức công dân ở một đất nước vừa giành được độc lập đã khiến nhiều người bất kể khó khăn, thiếu thốn hay bệnh tật hết lòng ra sức phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục mới của nước nhà.□
(Còn tiếp)
—–
Chú thích:
(11) Phúc trình chung năm 1948 về tình hình chung trong miền Trung Nam Bộ (số 1-TT-MT ngày 4. 1. 1949), Fonds Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Hồ sơ 12.
(12) Việt Nam Dân quốc công báo số 2, ngày 15. 3. 1949.
(13) Xem thêm Cao Tự Thanh, Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến – Tư liệu và Suy nghĩ, sđd., tư liệu 034.
(14) Báo Cứu quốc số 415, ngày 24. 11. 1946.