Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại

 

TTO - "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến", câu nói nổi tiếng về sự sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất của thương cảng buôn bán một thời Phố Hiến Hưng Yên xưa. Ngày nay, bóng dáng về một Phố Hiến xưa có chăng chỉ còn sót lại những giá trị văn hóa.

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 1.

Phố Hiến hôm nay là một đô thị nhỏ đang phát triển, yên bình, được ôm trọn bởi dòng sông Hồng

Nhắc đến Phố Hiến xưa, người ta thường nói đến những khu nhà cổ của thương nhân 12 nước châu Á xây dựng như Xiêm, Lữ Tống, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… với cảnh nhộn nhịp tàu thuyền cập bến trao đổi hàng hóa, hay những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa tôn giáo tín ngưỡng thời bấy giờ.

Phố Hiến Hưng Yên hôm nay, với những tác động của điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống, điều còn được giữ lại là các công trình kiến trúc gắn với tôn giáo tín ngưỡng.

Trong đó, nổi bật là 16 di tích tiêu biểu đã được công nhận, nằm trong khu di tích đặc biệt Phố Hiến.

16 di tích tiêu biểu có thể kể tên như: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng (phường Lam Sơn); đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, chùa Chuông, đình An Vũ; đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi), đình - chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu) và chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam)...

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, năm 2014 khu di tích Phố Hiến Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là khu Di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện nay, các di tích được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hóa của Phố Hiến vang bóng một thời cũng như thúc đẩy, quảng bá du lịch Hưng Yên.

Bên cạnh một số công trình còn lưu giữ nguyên trạng thì nhiều công trình cổ cũng không còn nguyên vẹn nữa, mà chủ yếu là phục dựng, tôn tạo. Nhiều công trình theo thời gian cũng đã xuống cấp.

Khu vực thương cảng sầm uất với tàu thuyền ngược xuôi xưa, nay gần như lùi khá sâu với sông Hồng do sự bồi đắp và đời sống ngày càng mở mang, phát triển của người dân.

Đường Phố Hiến nhộn nhịp với Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung, nơi hội họp của các thương gia nước ngoài, được coi là trung tâm Phố Hiến thời bấy giờ là con phố nhỏ, yên bình dựa mình bên triền đê, rặng nhãn cùng các công trình hiện đại khác.

Bà Trần Thị Xuân, phó trưởng Ban quản lý khu di tích đặc biệt Phố Hiến, cho biết hằng năm đều có các phương án nhằm khảo sát tổng thể các di tích để kịp thời trùng tu, tôn tạo:

"Những di tích nào xuống cấp, chúng tôi đều gửi tờ trình lên thành phố hoặc cấp cao hơn, được chấp thuận các phương án tu bổ thì sẽ triển khai. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu là duy tu mang tính cấp thiết đối với các di tích vừa và nhỏ như chống thấm dột ở mái, sơn sửa cột hay xây lại tường bao, còn các dự án duy tu dài kỳ thì phải do tỉnh, trung ương làm".

Dưới đây là hình ảnh hiện trạng của một số công trình kiến trúc đặc trưng mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của Phố Hiến xưa còn sót lại:

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 2.

Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung được xây dựng tại trung tâm Phố Hiến Hạ khi xưa, nay là phố Mậu Dương, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên. Nơi này là minh chứng cho thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của mảnh đất Phố Hiến nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 3.

Tuy không còn giữ được những nét nguyên bản, nhưng nhắc tới Phố Hiến là phải nói tới Đông Đô Quảng Hội, nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài để mua bán, hợp đồng xuất nhập khẩu, định giá hàng hóa, điều hành các thương vụ ở Phố Hiến thế kỷ 16, 17, đồng thời đây cũng là trụ sở giao tiếp của người đồng hương Trung Hoa

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 4.

Khu vực Dốc Đá cuối hồ Bán Nguyệt, được cho là cảng Vạn Lai Triều, nơi tàu thuyền thương nhân cập bến, là trung tâm Phố Hiến xưa với hoạt động giao thương sầm uất của các thương nhân vào thế kỷ 16, 17

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 5.

Đền Mẫu hay còn gọi Hoa Dương Linh Từ, thờ bà Dương Quý Phi triều Tống, Trung Quốc, nằm cạnh hồ Bán Nguyệt tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP Hưng Yên

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 6.

Đền Mẫu cũng nổi tiếng bởi cụm cây sanh, si, đa cổ thụ có tuổi đời khoảng 800 năm ở phía trước cửa đền. Theo nhận định của nhà sử học Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng thì “đây là cây đa cổ nhất vùng châu thổ Bắc Bộ”. Lễ hội truyền thống đền Mẫu tổ chức từ ngày 10 đến 13-3 âm lịch hằng năm

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 7.

Đình, chùa Hiến tọa lạc tại Phố Hiến Hạ thuộc trung tâm Phố Hiến xưa, nay là đường Phố Hiến với lối kiến trúc độc đáo mái đình cong. Đình Hiến được định danh từ thế kỷ 15, khi vua Lê Thánh Tông đặt trị sở Hiến ty tại vùng đất này, mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh của Phố Hiến

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 8.

Phía trước sân đình, chùa Hiến có cây nhãn tổ còn gọi là nhãn tiến vua với tuổi thọ gần 400 năm

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 9.

Chùa Chuông được mệnh danh "Phố Hiến đệ nhất danh thắng", hiện nằm trên khu phố chùa Chuông, phường Hiến Nam. Chùa với nhiều hạng mục công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Lê đan xen thời Nguyễn như: Tam quan, nhà Tiền, Tiền đường, Thượng điện, hai dãy hành lang, nhà thờ Đức vua Thần Nông, nhà Tổ và nhà Mẫu

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 10.

Hiện tại, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật rất có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử, văn hóa như các bức đại tự, câu đối, chuông đồng, cầu đá xanh, cây hương đá

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 11.

Văn Miếu Xích Đằng, di tích tiêu biểu cho nền văn hiến và truyền thống hiếu học của người dân Hưng Yên. Văn Miếu Xích Đằng là nơi tôn thờ Đức Thánh Khổng Tử và các chư hiền của Nho gia. Cùng phối thờ với Khổng Tử là thầy giáo Chu Văn An, nhà sư phạm tài năng, đức độ thời Trần

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 12.

Hiện vật quý giá nhất lưu giữ tại Văn Miếu là 9 tấm bia đá dựng dọc hai gian hồi tòa Trung từ và Hậu cung

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 13.

Chùa Phố trên đường Trưng Trắc, phường Quang Trung. Xưa kia, đây là khu vực người Nhật và người Hoa tập trung sinh sống đã lập lên phố Bắc Hòa. Đây là di tích minh chứng cho sự tồn tại của người Hoa ở lại Phố Hiến sau thời kỳ hưng thịnh

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 14.

Tương truyền, chùa Phố được khởi dựng vào cuối thời Lê, thời kỳ Phố Hiến đã và đang suy tàn, nhóm người Hoa còn lại ở Phố Hiến cùng với một số nhà từ thiện người Bắc Hòa đã xây dựng nên. Tổng thể các hạng mục chùa Phố mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa cách tân. Ngoài thờ Phật, chùa Phố còn là trung tâm Phật giáo của Phố Hiến xưa cũng như thành phố Hưng Yên ngày nay.

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 15.

Nhà thờ Thiên Chúa giáo tuy không nằm trong 16 di tích tiêu biểu của Phố Hiến nhưng cũng là một công trình lâu đời mang đậm lối kiến trúc Việt và phương Tây. Tương truyền nhà thờ được người Bồ Đào Nha xây dựng khi họ vào đây bắt đầu công việc truyền giáo. Đây là nơi ra vào của các giáo sĩ, các tín đồ ngoại quốc và tín đồ địa phương

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 16.

Bề ngoài và mặt trước của nhà thờ được mô phỏng theo kiểu kiến trúc Gothic, vòm theo kiểu vòng cung 3 thùy. Kiến trúc của nhà thờ được làm bằng gỗ, vừa tạo được phong cách của nhà thờ ở phương Tây vừa có những nét kiến trúc điêu khắc rất Việt Nam. Đây là một nét độc đáo góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng các di sản văn hóa của Phố Hiến

Độc đáo Phố Hiến nét xưa còn lại - Ảnh 17.

Phố Hiến Hưng Yên hôm nay với một thời vang bóng đã qua, giờ còn lại trong mình một chút cổ kính của những công trình kiến trúc cổ, một chút quê với những cánh đồng, triền đê, rặng nhãn, rặng tre, một chút hiện đại với những ngôi nhà tầng san sát, đường mở rộng, xe cộ tấp nập...

6F56207E-4088-4525-9301-3C3D58371241_1_105_c

Trung tâm TP Hưng Yên ngày nay, phía rìa phải ngoài đê là bãi bồi và sông Hồng, phần chủ yếu được dự kiến khai thác của dự án phục dựng Phố Hiến xưa

Mới đây, doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã đề xuất rót 25.000 tỉ đồng vào dự án nhằm phục dựng Phố Hiến xưa.

Dự kiến, tổng diện tích đất cho đề án là 1.874,8ha, chủ yếu khai thác khu đất ngoài bãi sông Hồng, không sử dụng đất trồng lúa.

Trong đó, khu quần thể Phố Hiến xưa có quy mô 511,3ha, để phục dựng khoảng 3.000 nhà cổ, trung tâm tâm linh tín ngưỡng, đình thờ tổ nghiệp trên mặt nước, trung tâm hội nghị, lễ hội cho doanh nhân…

Tuy vậy, trong văn bản phản hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cần phải rà soát, đánh giá hiện trạng khu đất, căn cứ mục tiêu, quy mô của dự án để xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho phù hợp.

Đại gia Xuân Trường đề xuất rót 25.000 tỉ đồng phục dựng Phố Hiến xưaĐại gia Xuân Trường đề xuất rót 25.000 tỉ đồng phục dựng Phố Hiến xưa

TTO - Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường vừa đề xuất xin được triển khai dự án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa" với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 25.000 tỉ đồng.

NAM TRẦN