Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Nhà văn Nguyên Ngọc: Về trí thức

 Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có sẵn, đã ổn định, đã được coi là xong xuôi, ngay cả trong chính anh ta.

Chắc chắn nhiều vị sẽ phát biểu về nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề rộng lớn này. Tôi chỉ xin chọn nói về một số khía cạnh sau đây, theo tôi là quan trọng. Và xin nói với tinh thần thẳng thắn như đã được kêu gọi.

A - Định nghĩa trí thức

1. Định nghĩa thế nào là trí thức là rất quan trọng, bởi từ đó mới có thể đặt đúng vấn đề vai trò của trí thức trong xã hội, cách ứng xử đúng đắn với trí thức, phát huy vai trò của trí thức...

Trí thức đương nhiên là người làm việc bằng trí óc. Nhưng không phải mọi người lao động trí óc đều là trí thức. Tôi tán thành anh Cao Huy Thuần khi anh nhắc lại định nghĩa sau đây của J.P. Sartre. Sartre gọi một người nghiên cứu trên hạt nhân để cho nổ ra trái bom nguyên tử càng lúc càng tinh vi là nhà bác học. Cũng nhà bác học đó, khi ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm ông nắm trong tay, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, người đó ông gọi là người trí thức.

Như vậy một người được xác định là trí thức không phải căn cứ trên lượng kiến thức anh ta có, mà trên thái độ và hành vi xã hội của anh ta. Trí thức là người có trách nhiệm xã hội cao, dấn thân mạnh mẽ cho lý tưởng xã hội mà anh ta coi là đúng đắn, cao quý. Ở phương Đông ngày xưa người ta gọi người trí thức là "kẻ sĩ". Kẻ sĩ là người dấn thân vì lợi ích của toàn thiên hạ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì đại nghĩa của toàn thiên hạ. Trí thức như vậy là một phẩm cách đặc biệt, là một "chất" chứ không phải một "lượng". Một người có bằng cấp rất cao, một người có kỹ thuật rất tinh vi có thể là một nhà chuyên môn giỏi, một kỹ thuật viên cao cấp, nhưng chưa hẳn là một người trí thức.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Nguyễn Á

Cần phân biệt việc đào tạo một đội ngũ chuyên môn cao với việc xây dựng một lực lượng trí thức cần thiết cho đất nước. Chẳng hạn kế hoạch đào tạo hai vạn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng nhất với việc tạo ra hai vạn trí thức. Có thể có hai vạn tiến sĩ mà vẫn không có trí thức.

Tôi không nói việc đào tạo bao nhiêu tiến sĩ đó là không quan trọng, nhưng đó là việc khác. Cứ coi như ta đã đào tạo được hai vạn tiến sĩ rồi, thì để cho hai vạn tiến sĩ đó trở thành hai vạn trí thức lại phải làm một việc khác, có thể còn khó khăn hơn rất nhiều, đó là làm cho họ có tư cách, phẩm tính trí thức. Việc ấy đòi hỏi những yêu cầu khác, mà tôi sẽ xin cố gắng nói sau đây.

Tôi nghĩ hội nghị trung ương lần này nên bàn vấn đề xây dựng lực lượng trí thức đúng nghĩa của nó, tạo cho xã hội ta thật sự có một lực lượng có phẩm cách trí thức cao, đó là một việc đang bức xúc, chứ không phải chỉ có việc đào tạo một lực lượng có chuyên môn cao mà không có phẩm cách trí thức.

2. Vì sao một xã hội lành mạnh cần có những người trí thức?

Do từ định nghĩa trên kia, người trí thức thường là người vượt ra khỏi lĩnh vực chuyên môn của mình, lo "bao đồng" những việc chừng như không dính dáng gì đến chuyên môn của mình. Sartre gọi như vậy là "s'occupe de ce qui ne le regarde pas", lo những việc chẳng ăn nhằm gì tới mình. Việc không phải của mình mà anh ta lại coi là việc của mình, thậm chí chằm chằm tham gia, ráo riết can thiệp vào đó, cãi vã, tranh luận, chiến đấu có khi đến mất mình vì nó...

Anh Cao Huy Thuần gọi đó là "xớ rớ", người trí thức xớ rớ, can dự vào việc của xã hội, của chính phủ, của nhà cầm quyền, "quấy rầy", không để cho người ta yên. Việc không phải của anh mà anh lại tha thiết coi là của anh, chính cái sự coi đó khiến anh trở thành người trí thức (chứ không phải là nhà chuyên môn đơn thuần).

Xã hội cần những người xớ rớ như vậy, người cầm quyền luôn cần có những người như vậy quanh mình, không để cho mình yên, không để cho mình được yên trí, bởi vì đã yên trí thì tất là bắt đầu trì trệ, thậm chí sa sút, biến chất.

Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Không có tự do tư tưởng thật sự, cụ thể, thiết thực thì không có trí thức. Xin nói rõ là họ cần tự do tư tưởng rộng rãi nhất, tuyệt đối, không có bất cứ rào cản, cấm kỵ nào. Họ phải có được quyền suy nghĩ đến cùng, trên mọi vấn đề, lật lại mọi vấn đề, không bị bất cứ sự cản trở nào.

Nguyên Ngọc

3. Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có sẵn, đã ổn định, đã được coi là xong xuôi, ngay cả trong chính anh ta. Như Marx nói: người trí thức "phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào".

Người trí thức như vậy là người luôn phê bình, trước hết là phê bình những kết luận tưởng đã xong của chính mình, không chịu dừng lại trong những kết luận ấy, không chịu coi đó đã là chân lý bất khả xâm phạm; rồi từ đó đối với xã hội cũng vậy, anh ta không bao giờ chịu dừng lại trước những điều đã được coi là chân lý "vĩnh cửu".

Một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Trí thức là sự tự ý thức lại thường trực của xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng. Phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội không dừng lại trên bất cứ một trật tự được coi là bất biến nào, giúp xã hội luôn tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử.

Trí thức là những người tự đặt mình ra khỏi thẩm quyền của mình. Thẩm quyền của họ chỉ là cái chuyên môn mà họ có. Khi vượt ra khỏi cái chuyên môn chật hẹp đó, bức xúc can thiệp, phê bình trật tự xã hội thì họ trở thành trí thức.

Tại sao họ làm vậy? Tại vì, Sartre trả lời, "trí thức là người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức đang đô hộ. Ý thức được điều đó tức là khám phá ra những mâu thuẫn căn bản của xã hội, nghĩa là những xung đột giai cấp và, ngay trong lòng giai cấp thống trị, một xung đột hữu cơ giữa sự thật mà giai cấp đó nhân danh để thống trị và những huyền thoại, giá trị, tập tục mà nó bám giữ và truyền nhiễm vào những giai cấp khác để thống trị"...

Giai cấp thống trị nào cũng cần tạo ra những "huyền thoại" và áp đặt vào xã hội để thống trị. Người trí thức là người ý thức được những huyền thoại đó, mâu thuẫn, xung đột giữa chúng và thực tiễn xã hội, quyết phá giải những huyền thoại đó, để cho xã hội tiến lên.

Nhận thức này rất quan trọng: phải phân biệt việc đất nước cần có một đội ngũ chuyên môn giỏi (cũng là hết sức cần thiết và cấp bách) với việc xã hội cần có một lực lượng trí thức làm "chức năng" luôn tự hỏi lại về chính những giá trị đang được coi là chính thống của xã hội, luôn cật vấn về những gì đang có, luôn đặt lại vấn đề về các chuẩn mực đã được khẳng định.

Có người đã nói theo một cách chơi chữ: trí thức giữ cho xã hội luôn "thức" chứ không ngủ. Đảng cần những người trí thức là vì như vậy, chứ không phải chỉ cần những nhà chuyên môn giỏi bảo gì nghe nấy, như những cái máy tinh xảo mà vô cảm. Nói cách khác Đảng và Nhà nước cần có những người trí thức chân chính để luôn bị quấy rầy, luôn có người quấy rầy mình hằng ngày, trong mọi việc, không bao giờ để cho mình yên mà tự thỏa mãn và dừng lại, khô cằn.

Do vậy, thường xảy ra tình trạng người cầm quyền khó ưa được trí thức. Biết quý người luôn quấy rầy mình, luôn buộc mình không bao giờ được kiêu căng thỏa mãn, là phẩm chất của người cầm quyền giỏi. Tôi nghĩ nếu lần này Đảng đặt vấn đề bàn về trí thức thì chính là đặt vấn đề bàn về việc xây dựng lực lượng luôn quấy rầy mình đó, xây dựng cho họ cái phẩm chất dám và biết quấy rầy ấy, mạnh mẽ trao cho họ cái quyền đó, để cho xã hội và dân tộc tiến lên. Bởi Đảng không có quyền lợi riêng của mình, Đảng không có quyền lợi nào khác ngoài sự tiến lên không ngừng của xã hội, của đất nước.

Bàn về vấn đề trí thức cũng là bàn về khả năng của Đảng, của người cầm quyền chấp nhận được sự quấy rầy thường trực của tiếng nói phản biện thường trực ấy. Nâng cao năng lực của Đảng, của người cầm quyền chịu đựng sự quấy rầy phản biện ấy, vì quyền lợi của đất nước.

Tập sách của Nguyên Ngọc vừa ra mắt bạn đọc, phát hành bởi Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam, tháng 6.2022. Ảnh: Lam Điền


B - Nhận dạng trí thức Việt Nam

1. Đặc điểm quan trọng nhất của trí thức Việt Nam là rất yêu nước. Cách mạng tháng Tám 1945, rồi suốt chiến tranh cứu nước, tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam đều đi với cách mạng và kháng chiến, cống hiến hết mình cho dân tộc. Trong khi chẳng hạn ở Nga, sau Cách mạng tháng Mười 1917, tuyệt đại đa số trí thức lớn nhất đều bỏ ra nước ngoài, không đi với cách mạng.

Đó là vì cách mạng Nga đậm tính giai cấp, trong khi cách mạng ta chủ yếu là vì vận mệnh của dân tộc, trí thức Việt Nam là trí thức của một dân tộc bị sa vào ách nô lệ phải đứng lên tự giải phóng cho mình. Đây là chỗ mạnh, đồng thời cũng tiềm tàng chỗ yếu của trí thức ở ta: họ thiết tha yêu nước, nhưng đồng thời cũng là trí thức nhỏ bé của một đất nước hàng trăm năm không có độc lập, được thực dân đào tạo chủ yếu nhằm phục vụ bộ máy thống trị của chúng. Những người ưu tú nhất trong số đó đã vượt lên, tận dụng ngay được bản chất ưu việt của nền văn hóa Pháp dầu nó được thực dân truyền bá với những mục đích khác, tự làm giàu cho mình và cho đất nước...

Theo một cách nào đó thậm chí có thể nói chính nền văn hóa Pháp với những tư tưởng chói lọi của nó đã từng góp phần tạo nên cả một thế hệ những nhà cách mạng hiện đại Việt Nam. Trí thức Nga thì khác, phần lớn họ không đi với cách mạng, nhưng mặt khác họ là trí thức lớn của một quốc gia độc lập lâu đời, có phẩm tính trí thức lớn. Yêu nước nhưng nhỏ bé, tư cách trí thức không cao là đặc điểm cố hữu của trí thức ta.

2. Sau cách mạng, nhất là từ sau 1950 (giải phóng biên giới, ảnh hưởng tư tưởng Mao tràn vào...), trí thức lại liên tục bị vùi dập, làm nhục, qua chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, và nhiều cuộc đấu tranh khác, liên tục... Tư cách trí thức thuộc địa vốn đã nhỏ bé lại ngày càng bị làm cho nhỏ bé đi. Mỗi lần người trí thức muốn tự khôi phục lại vai trò, tư thế của mình, thì đều bị vùi dập thêm. Mặc dầu vậy, nhiều người trí thức đã vì lợi ích của dân tộc mà tự mình vượt lên, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, nhiều người thật sự đã có đóng góp lớn, và đã làm vinh quang cho đất nước.

Theo dõi cuộc đời và sự nghiệp của nhiều trí thức lớn ở ta suốt nhiều chục năm qua đều có thể thấy tình trạng đó: họ đều đã dũng cảm vượt qua những lần bị vùi dập bất công, vì lợi ích cao nhất của dân tộc mà quên mình đi, lao động dũng cảm và cống hiến. Cứ nhìn lại một số người tiêu biểu thì có thể thấy rõ: Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy... Theo tôi, những đóng góp đó chưa được đánh giá đúng.

Nhận thức này rất quan trọng: phải phân biệt việc đất nước cần có một đội ngũ chuyên môn giỏi (cũng là hết sức cần thiết và cấp bách) với việc xã hội cần có một lực lượng trí thức làm "chức năng" luôn tự hỏi lại về chính những giá trị đang được coi là chính thống của xã hội, luôn cật vấn về những gì đang có, luôn đặt lại vấn đề về các chuẩn mực đã được khẳng định.

Nguyên Ngọc

Một ví dụ rất gần đây: năm vừa qua giáo sư Hoàng Tụy tròn 80 tuổi, thế giới toán học coi là một dịp quan trọng để vinh danh và bày tỏ sự kính trọng, biết ơn công lao sáng tạo của ông đối với toán học thế giới. Một hội nghị quốc tế về toán học đã được tổ chức ở Pháp, có mặt những nhà toán học lớn trên thế giới, tôn vinh ông. Trong khi đó cho đến nay Đảng và Nhà nước ta không hề có một lời đối với ông vào dịp này. Thật là một lỗi nặng của chúng ta... Còn có thể kể nhiều ví dụ như thế nữa.

Trong khi đó, cũng chính do cách nghĩ không đúng về vai trò của trí thức, tiếng nói phản biện xã hội vốn là thiên chức của trí thức, đối xử không đúng đối với những trí thức chân chính, định kiến nặng nề đối với những trí thức thẳng thắn và cương nghị, có tinh thần trách nhiệm cao với mọi vấn đề của xã hội, mặt khác, tất yếu, lại rất dễ tạo ra một loại trí thức dỏm, chuyên tâng bốc, nịnh hót những người cầm quyền, bao vây quanh họ những thông tin giả, gây rất nhiều tác hại. Loại đó hiện nay rất nhiều, làm ô nhiễm môi trường trí thức ở ta. Và rất nhiều khi lại được lãnh đạo ủng hộ, vì họ luôn nói dễ nghe, hóng gió mà nói theo.

Tôi nghĩ nếu quả thật lần này Đảng muốn thật sự bàn về vấn đề trí thức, xây dựng lực lượng trí thức xứng đáng với dân tộc, cho nhiệm vụ phát triển mới của đất nước, thì không thể không nghiêm khắc tự kiểm điểm lại về những khuyết điểm không nhỏ ấy, đã có hệ quả triệt tiêu vai trò có thể to lớn của một lực lượng trí thức dân tộc đã tự phấn đấu rất kiên cường để là những trí thức không hề tầm thường.

Quả thật, cho đến nay trong trí thức, còn có nhiều điều chưa được giải tỏa. Lòng tin của họ đối với lãnh đạo chưa cao. Đã đến lúc cần dũng cảm sòng phẳng trở lại một lần cho xong đối với một số vụ vùi dập trí thức từng xảy ra từ nhiều chục năm nay, nghiêm túc nhận khuyết điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, để cho thanh thản với quá khứ và tránh mọi sai lầm lặp lại về sau.

Những người trí thức chân chính chỉ cần một thái độ thật sự chân thành như vậy của lãnh đạo, để có lòng tin vững chắc mà nhẹ nhàng, hết lòng cống hiến vì sự nghiệp lớn.

Một số trí thức Việt Nam tiêu biểu (từ trái): Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy... Ảnh: TL


C - Để phát huy tốt vai trò của trí thức

Tôi nghĩ trước hết nên tránh cách nghĩ trí thức đòi hỏi sự đãi ngộ. Đối với người trí thức chân chính, nhấn mạnh đến đãi ngộ thậm chí đôi khi có thể là một sự xúc phạm đến họ.

Để xây dựng và phát huy lực lượng trí thức, theo tôi cần:

1. Trước hết nhận thức đúng về vai trò và chức năng của trí thức trong xã hội. Có thể nói một cách nôm na như thế này: trí thức sinh ra là để nói ngược. Chấp nhận tiếng nói ngược, ít nhất là bình đẳng với nó, tôn trọng nó, để tự ý thức rõ hơn về mình, công việc của mình, là bản lĩnh cần thiết của người lãnh đạo.

Trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập rộng lớn ngày nay, tiếng nói ngược như vậy càng quan trọng, bởi trong chiến tranh dù rất ác liệt nhưng về tư tưởng thì là theo chiều thuận, nó phù hợp sâu xa với tình thần dân tộc và lòng yêu nước vốn là sức mạnh lâu đời của người Việt. Xây dựng xã hội mới khó hơn nhiều, vì có rất nhiều điều không phải đã có sẵn trong bản chất hay truyền thống của con người Việt, phải phá vỡ rất nhiều quan niệm cũ, xây dựng những quan niệm mới, thật sự là một cuộc cách mạng có thể còn sâu sắc hơn bao giờ hết. Chính lúc này cần phát huy vai trò của trí thức, cần có một lực lượng trí thức có tính độc lập cao, để từ đó có nhiều suy nghĩ mới, táo bạo, mở đường, sáng tạo.

2. Yêu cầu cao nhất của người trí thức chân chính là được làm việc, được cống hiến, cống hiến tất cả tài năng, trí lực của mình cho đất nước, cho xã hội. Đãi ngộ họ đúng đắn là cần thiết, nhưng đãi ngộ rất nhiều mà không tạo điều kiện tốt nhất, rộng rãi nhất cho họ làm việc, thì đối với họ sẽ chẳng có nghĩa gì cả. Người trí thức chân chính thậm chí thường coi thường hình thức, ghét sự đãi bôi, khinh rẻ quyền lợi vật chất. Họ không cần những lời chào đón, đề cao hình thức, mà cần những điều kiện thiết thực để có thể làm việc, cống hiến nhiều nhất, hiệu quả nhất. Phải nói rằng chúng ta đang làm rất không tốt điều này.

Xin nêu một ví dụ: ngay một nhà bác học tầm cỡ thế giới như Pierre Darriulat, hết sức yêu Việt Nam, tự nguyện đến ở và làm việc tại Việt Nam, nguyện hết lòng làm việc cho Việt Nam như một chiến sĩ tình nguyện không công, mà cho đến nay một số ít điều kiện làm việc tối thiểu cũng không được những người có trách nhiệm tạo cho ông. Những ý kiến tâm huyết và hết sức sâu sắc, thiết thực của ông về nhiều lĩnh vực quan trọng cũng bị những người và tổ chức có trách nhiệm bỏ ngoài tai. Qua một việc cụ thể này chúng ta đang làm cho nhiều trí thức người Việt trong nước và ngoài nước nản lòng.

3. Bên cạnh những điều kiện về vật chất thật ra là rất ít ỏi người trí thức cần có, thì điều quan trọng, cơ bản, thiết yếu nhất đối với họ là tự do, tự do tư tưởng. Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Không có tự do tư tưởng thật sự, cụ thể, thiết thực thì không có trí thức. Xin nói rõ là họ cần tự do tư tưởng rộng rãi nhất, tuyệt đối, không có bất cứ rào cản, cấm kỵ nào. Họ phải có được quyền suy nghĩ đến cùng, trên mọi vấn đề, lật lại mọi vấn đề, không bị bất cứ sự cản trở nào.

Cần thật sự trao cho người trí thức quyền tự do tư tưởng cao nhất. Phải nói thật rằng chúng ta đang làm không tốt điều này. Tôi thấy chúng ta đang có tâm lý nặng nề sợ trao nhiều quyền tự do tư tưởng cho trí thức, viện những cớ rất giả tạo, vớ vẩn như kiểu "thù trong giặc ngoài" để hạn chế tự do. Tôi cũng thật sự không hiểu được tại sao một số người được bố trí vào một số cương vị nào đó thì bỗng nhiên tự thấy mình có quyền cho ai được tự do, ai không đủ trình độ để được tự do, quyền cho người ta được tự do đến đâu thì vừa, lúc nào thì được..v.v.

Vừa qua và hiện nay đang có một số việc làm vụng về, thiển cận, vô ích, và gây bất bình, mất lòng tin trong trí thức, làm cho tình hình nặng nề một cách không cần thiết, chẳng hạn như cách xử lý đối với tập thơ Trần Dần vừa rồi, hoặc theo chỗ tôi được biết những ý đồ tìm cách giải tán viện IDS, nơi đang có những tiếng nói phản biện của nhiều trí thức có trình độ, giàu tâm huyết, nghiêm túc... Nếu chúng ta cứ tiếp tục những việc làm kiểu đó thì mọi lời kêu gọi đóng góp trí tuệ, tài năng của trí thức cho sự nghiệp chung sẽ mất đi rất nhiều tác dụng, thậm chí vô nghĩa.

Đối với trí thức, không được dùng quyền lực. Những người trí thức chân chính không sợ quyền lực, thậm chí khinh rẻ quyền lực. Cùng lắm là họ sẽ đối phó lại bằng im lặng. Và chúng ta sẽ chẳng được gì cả, sẽ là mất mát rất lớn.

Chính vì vậy, nói xây dựng lực lượng trí thức thì trước hết lại là xây dựng thái độ đúng đắn của Đảng, của lãnh đạo đối với trí thức. Tôi xin nói: có được thái độ đó thì sẽ có trí thức, bằng không thì sẽ không bao giờ có, hoặc sẽ chỉ có trí thức dỏm, chỉ càng hại Đảng, hại cho sự nghiệp chung.

4. Để đào tạo một lực lượng trí thức lớn và mạnh, cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là phải có một nền đại học thật sự ra đại học, điều chúng ta hiện nay hầu như hoàn toàn không có. Cách đây mấy mươi năm, song song với vụ Nhân văn Giai phẩm, chúng ta đã phá tan mất một nền đại học rất đàng hoàng, với những trí thức lớn như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đình Hượu..v.v., và từ đó đại học của ta, như nhiều người nói, chỉ còn là một kiểu phổ thông cấp 4.

Điều kiện cốt lõi của đại học là độc lập tư duy. Nhiệm vụ cơ bản của đại học là tạo nên những con người có dũng khí, tư cách và khả năng tư duy độc lập; có như vậy nó mới chuẩn bị được cho đất nước một lực lượng trí thức mạnh, dồi dào. Và muốn có một nền đại học như vậy, thì trước sau cũng phải thẳng thắn giải quyết vấn đề tự trị đại học.

Tôi đề nghị cần đặt ra vấn đề ấy, có kế hoạch thực hiện từng bước, để đi đến có được một nền đại học đàng hoàng, cho công cuộc hiện đại hóa của đất nước. Dự định đến năm nào đó ta sẽ có được đại học vào top này top nọ của thế giới sẽ hoàn toàn là ảo tưởng nếu ta cứ một mực duy trì một kiểu đại học chẳng khác gì phổ thông như hiện nay. Có thể có một số đại học không thua kém ai, thậm chí trong một thời gian không dài, nếu ta dám thật sự làm đại học tự trị. Trước sau chúng ta cũng phải nhất thiết tiến đến đó, cần bắt đầu những bước đi đầu tiên từ bây giờ.

Đấy là một trong những điều kiện thiết yếu để xây dựng lực lượng trí thức xứng đáng cho đất nước, dân tộc, đáp ứng yêu cầu của phát triển.

Nguyên Ngọc

_______________

(*) Bài viết này là phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc trong Hội nghị chuẩn bị Nghị quyết về trí thức do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập, năm 2008. Người Đô Thị trích đăng từ tập sách Dọc đườngphát hành bởi Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam tháng 6.2022.