Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Hoa anh đào vẫn nở

Tamnhin.net

Vào độ cuối tháng 3, đầu tháng 4 tại Nhật Bản là mùa hoa anh đào bắt đầu đua nở. Tuy nhiên, năm nay vào khoảng thời gian trên Nhật Bản đang ngập chìm trong cảnh hoang tàn đổ nát do động đất và sóng thần gây ra.

Ảnh: internet

Tamnhin.net đăng bài thơ "Hoa anh đào vẫn nở" như một sự chia sẻ sâu sắc với những mất mát thương đau mà đất nước Nhật Bản đang phải gánh chịu.

Năm trước tôi đến Nhật

Thấy hoa anh đào nở

Rực rỡ quanh nơi ở

Rất đẹp trong mắt ai…



Năm nay tôi trở lại

Không còn hoa anh đào

Như lạc phương trời nào

Thấy hoang tàn đổ nát.



Ôi nghìn năm câu hát

Nước Nhật Bản can trường!

Trong sâu thẳm yêu thương

Hoa anh đào vẫn nở.



Ngày 17/3/2011
Sáu Nghệ




SGTT.VN - Không ngờ một đứa nhỏ người Nhật Bản 9 tuổi và mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh…
Trong mail gửi đến SGTT dưới hình thức một lá thư gửi người anh, bạn Lam kể một câu chuyện xúc động về đức hy sinh, quan tâm đến người khác ngay trong lúc khó khăn nhất…của một cậu bé 9 tuổi người Nhật. SGTT xin trích đăng lá thư này.

Em là Lam đây, anh và gia đình khỏe không?
Mấy ngày nay mọi sự đều quay cuồng lên cả. Mở mắt cũng thấy xác chết, nhắm mắt cũng thấy xác chết. Mỗi thằng tụi em mỗi đứa phải trực 20h/một ngày. Ước gì thời gian dài 48 tiếng một ngày để mà còn đi tìm cứu người. Điện nước không, thực phẩm gần như số không! Di tản dân chưa xong thì lại có lệnh đưa dân đi di tản tiếp. Ngay cả cảnh sát tụi em còn đói khát tả tơi.

Đây là thông điệp mà em nhỏ gửi đến toàn thế giới: Quyên góp cứu trợ cho nạn nhân thảm họa ở Nhật Bản.
Em đang ở Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima 1 khoảng 25km, có rất nhiều chuyện có thể viết nên thành sách về tình người trong hoạn nạn.
Có nhiều chuyện muốn kể cho anh nhưng mà nhiều đến độ bây giờ em cũng chẳng biết gì mà viết nữa. Có một câu chuyện cảm động: ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người.
Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng, em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm.
Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến. Cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp.

Bao giờ em nhỏ người Nhật này sẽ được cắp sách đến trường trở lại?
Thằng nhỏ kể đến đó rồi quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh, em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: " Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải. Nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

Nỗi khổ nhất ở vùng này bây giờ là lạnh- đói-khát-không có điện-thiếu thông tin. Dân chúng thì vẫn bình tĩnh, lòng tự trọng và luân lý của họ tốt nên chưa đến nỗi loạn nhưng nếu tình hình này kéo dài thì có khả năng tình hình an ninh không thể kiểm soát nổi. Họ cũng là con người mà, khi cơn đói khát đã vượt quá lòng tự trọng và nhân cách thì cái gì cũng phải làm thôi!
Chính phủ đang lập cầu hàng không vận chuyển thực phẩm và thuốc men vào vùng này nhưng chỉ như muối bỏ biển.
Trích thư của bạn Lam

Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ…" Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, để mọi người không nhìn thấy.
Thật cảm động! Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.
Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Vài dòng gửi cho anh, chúc anh khỏe.Tới giờ em vào phiên trực nữa rồi.
Chúc anh và gia đình vạn sự an khang.


...
Một ông lão được Lực lượng Phòng vệ cứu thoát ở thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi.

Không hỗn hoạn, không có cảnh cướp bóc, hôi của, giành giật đồ ăn thức uống, người dân đoàn kết cho dù đã có đôi chút hoang mang, cảnh sơ tán tại các khu vực có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ diễn ra trong trật tự.
"Khí đốt và nước đã bị cắt ở Miyagi và ở thành phố Sendai. Một số trường hợp, điện cũng bị cắt", một nhân chứng tại Miyagi cho biết hôm 11/3. "Tuy nhiên, không hề có hoảng loạn trên đường phố hay ở các cửa hàng".
Thay vào đó, mọi người kiên nhẫn xếp hàng bên ngoài các cửa hiệu vốn đã hỏng toàn bộ cửa sổ kính và cửa ra vào. Để tránh tích trữ, các cửa hàng phân phát lương thực và nước uống cho từng người.
Toàn bộ Nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 giờ kể từ hôm 11/3. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng nội các cho tới các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình.
Đó là những gì truyền thông quốc tế đã và đang ca ngợi Nhật Bản trong suốt tuần qua. Điều này hoàn toàn trái ngược với những chuyện thường thấy ở nhiều quốc gia sau khi hứng chịu thiên tai dịch họa.
Hãng tin CNN dẫn lời chuyên gia văn hóa Nhật Bản Gregory Pflugfelder thuộc trường Đại học Columbia cho hay, “không có hiện tượng giành giật của cải ở Nhật Bản và tôi cũng không chắc trong suy nghĩ của người Nhật có những từ vựng đó không nữa”.
Pflugfelder có mặt ở Tokyo thời điểm động đất xảy ra. Ông thấy mọi người vẫn xếp hàng rất trật tự tại ga tàu điện ngầm, ngay cả khi nơi này bị đóng cửa trong vài giờ.
“Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của chính mình, trong khi những nền văn hóa khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha thậm chí trong thảm họa?”, biên tập viên Ed West của tờ Telegraph viết.
“Các siêu thị giảm giá và chủ cửa hàng mời mọi người uống nước, cùng đoàn kết để sống sót. Thật ấn tượng khi không có chuyện giành giật của cải”, Ed West ngưỡng mộ.
Thế giới từng chứng kiến những cảnh cướp bóc, tội phạm hoành hành trong trận động đất ở Chile, Haiti hồi năm ngoái hay sau cơn bão Katrina tại New Orleans (Mỹ) hoặc một số quốc gia khác bị thiên tai tàn phá trước đây.
Tại Anh, sau trận lụt kinh hoàng năm 2007 ở West Country, nhiều xe cộ bỏ không đã bị đập phá, các thùng nước miễn phí bị đánh cắp.
Ở Chile, nạn cướp bóc và hôi của diễn ra tràn lan sau động đất hồi năm ngoái. Nhà lãnh đạo Chile đã phái 10.000 binh sĩ tới vùng lâm nạn để duy trì trật tự, trong khi giới chức ở Concepcion, thành phố lớn thứ nhì nước này, phải nới rộng lệnh giới nghiêm để chặn nạn hôi của.
Tại Haiti, tiếp sau trận động đất là cảnh hỗn loạn trên rất nhiều đường phố. Tiếng súng thỉnh thoảng lại vang lên. Cảnh chen lấn tranh giành những gói bánh quy dinh dưỡng và viên lọc nước quanh những chiếc xe tải của Liên hợp quốc có thể bắt gặp ở nhiều nơi.
Tổng biên tập tờ Bangkok Post là Pichai Chuensuksawadi cho biết: "Ngay cả bây giờ trong các khu cứu hộ người sống sót, cảnh tấn công tình dục, cưỡng hiếp vẫn xảy ra do chính quyền Haiti không thể dọn sạch đống đổ nát, do sự tàn phá gây ra từ hơn một năm trước đó".
Tại New Orleans, Mỹ, trong thời kỳ bão Katrina, cảnh cướp bóc diễn ra ở mức độ kinh hoàng. Cảnh cướp xe diễn ra khắp nơi, bệnh viện bị tấn công và bắn nhau diễn ra ở nhiều nơi.
Chiến dịch cứu hộ bị hủy vì tình hình an ninh không đảm bảo cho những người tình nguyện. Cảnh vệ quốc gia không thể tập trung vào nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vì họ còn bận giải quyết tình trạng cướp phá.
Vì thế tình hình xã hội Nhật Bản quả là điều lạ thường.
Gregory Pflugfelder cho rằng, “người Nhật có ý thức rằng trước hết phải có trách nhiệm với cộng đồng”. Còn theo Federico D. Pasqual ở tờ The Philippine Star, “người Nhật đang thể hiện điều mà họ được dạy dỗ từ khi còn nhỏ, đó là sự trật tự và kiên cường”.
Thomas Lifson viết trên The American Thinker rằng, xã hội Nhật Bản đã được rèn giũa qua nhiều thế hệ để mọi thứ đi vào nề nếp, trật tự và cư xử đúng mực. Chính sức mạnh này đã giúp Nhật Bản vượt lên sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và hiện một lần nữa trong thảm họa này.
"Người Nhật được giáo dục rằng sự quy củ và đồng thuận là giá trị cốt lõi", James Picht, The Washington Times, cho biết. Với người Mỹ, luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì những giá trị đó nghe có vẻ không hợp thời.
Những lúc bình thường, việc chú ý tới vẻ bề ngoài và các quy tắc có vẻ cứng nhắc, nhưng vào thời điểm khó khăn, những đức tính này sẽ đánh bại nhu cầu "cướp giật". Nền văn hóa Nhật Bản không cao siêu, nó chỉ đơn giản được cấu tạo để phù hợp với việc duy trì trật tự xã hội ngay sau một thảm họa lớn.
Với biên tập viên Max Fisher của tờ The Atlantic, "rất hiếm quốc gia được chuẩn bị kỹ càng". "Từ người lính, các nhân viên y tế được huấn luyện cẩn thận, cho tới các bệnh viện dễ dàng hoán chuyển thành trung tâm đối phó tình trạng khẩn cấp. Khó tìm được một khía cạnh nào trong đời sống dân chúng Nhật lại không được chuẩn bị kỹ để đối phó với động đất và sóng thần".
Tuy nhiên, cho dù vì bất cứ lý do gì, thì sức chịu đựng của người Nhật cũng quả thực hiếm thấy và đáng nể. Theo Phó giáo sư Dmitry Evstafyev, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Nga), tinh thần ứng phó với thiên tai ở người Nhật quả thực đáng để học tập.
Theo Sơn Hà - VnEocnomy