Chính khách gốc Việt trở thành phó thủ tướng Đức
Cu Lờ & mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Rösler với Thủ tướng Angela Merkel ở Đức Bundestag (© Picture Alliance)TTO - Ngày 13-5, ông Philipp Rösler - một người Đức gốc Việt đang giữ chức bộ trưởng kinh tế - đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (FDP) đồng thời giữ chức Phó thủ tướng của đất nước này.
Ông Rösler đã chính thức trở thành thủ lĩnh mới của FDP và giữ chức Phó thủ tướng Đức - Ảnh: AFP
Theo Deutsche Welle, ông Rösler được bầu với hơn 95% số phiếu (619/651 phiếu), trở thành lãnh đạo FDP trẻ nhất trong lịch sử đảng này ở độ tuổi 38, tiếp nối vị trí của Guido Westerwelle - nhân vật đã từ chức sau khi FDP thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử địa phương đầu năm nay nhưng vẫn giữ chức ngoại trưởng.
Ngày 12-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cải tổ nội các và bổ nhiệm ông Rösler làm bộ trưởng kinh tế và công nghệ. Trước đó, ông Rösler giữ chức bộ trưởng y tế và sau đó vị trí này được chuyển giao cho ông Daniel Bahr.
Dù vậy, ông Rösler vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi các chính trị gia cho rằng Đảng FDP đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Ông Rösler sinh ngày 24-2-1973 tại Sóc Trăng, được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi mới 8 tháng tuổi. Ông gia nhập đảng khi 18 tuổi và nhanh chóng trở thành chủ tịch đoàn thanh niên và tổng thư ký FDP ở bang Niedersachsen.
Ông Rösler sinh ngày 24-2-1973 tại Sóc Trăng, được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi mới 8 tháng tuổi. Ông gia nhập đảng khi 18 tuổi và nhanh chóng trở thành chủ tịch đoàn thanh niên và tổng thư ký FDP ở bang Niedersachsen.
PHAN ANH
Cu Lờ & mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Hôm qua xem bản tin muộn trên kênh truyền hình quốc gia (Đức) thấy anh Cu Lờ (Philipp Roesler) người quê gốc Sóc Trang đất Việt mình sắp lên chức Phó Thủ tướng Đức thì không khỏi mừng. Cu Lờ (tên VN do quê choa đặt) sinh sau GS Ngô Bảo Châu đúng 100 ngày, chuyên môn bác sỹ phẫu thuật. Đỗ bằng Tiến sỹ Y khoa (năm 2002-lúc mới 29 tuổi). Nay sắp đảm nhận cái chức “ngàn cân treo sợi tóc” Bộ trưởng Kinh tế (giống bác Nguyễn Văn Ninh bên mình). Nhưng với vai trò sẽ là một đảng trưởng, đảng FDP đang liên minh cầm quyền với đảng của bà Angela Merkel, Cu Lờ trở thành Phó Thủ tướng, một chức vụ vô cùng nặng nề chứ không đủng đỉnh như các bác Phó TT (rất đông đảo) xứ mình. Nhất là ở cương vị phải vực cả nền kinh tế Đức, đứng đầu Âu châu trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay. Vừa phải vực cả FDP, đang bị cử chi Đức quay lưng (do những sai lầm của vị tiền nhiệm) với chỉ số tín nhiệm ở mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của đảng này.
Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, Cu Lờ sẽ lèo lái nền kinh tế Đức và sự nghiệp chính trị của FDP ra sao để đi lên, vẫn là một câu hỏi để ngỏ, một thách đố vô cùng lớn lao. Không chỉ đòi hỏi tài năng, còn cần sự may mắn nữa. Nhất là sống trong một xã hội như Đức, lần đầu tiên trong lịch sử chính trường nước này, giao trọng trách số 2 điều hành chính phủ vào tay một người gốc Á, xuất xứ là một trẻ mồ côi không cha không mẹ. Tới Đức, cha mẹ nuôi lại không còn sống với nhau (ly dị), chỉ được dung dưỡng bởi người cha già (gà trống nuôi con)... mà nên người như vậy, kể cũng thần tình.
Nghe Cu Lờ trả lời phỏng vấn trong bản tin lúc nửa đêm, đang gà gật, nghe câu được câu chăng, thấy Cu Lờ căng thẳng hiện ra trên nét mặt từ đầu chí cuối... tôi mới chợt nhận ra, chính khách xứ người cực nhọc hơn chính khách xứ mình nhiều lắm. Nhà quan xứ mình phần đa được “cơ cấu” bởi đường dây quyền lực của một chính đảng độc nhất vô nhị. Còn bên họ, sáu, bảy đảng phái ganh đua nhau để tranh thủ từng lá phiếu của cư tri ở từng tiểu bang lớn nhỏ. Muốn được lòng cử tri, ngoài việc chính đảng đó phải đưa ra được đường lối cương lĩnh chính trị ưu việt. Còn cần phải đưa ra được những gương mặt sáng láng, tài giỏi thực sự. Mạnh như Union CDU/CSU (Liên minh Thiên Chúa Giáo), uy tín như Angela Merkel mà có bảo vệ được con gà nòi đầy triển vọng (ông Karl-Theodor zu Guttenberg), khi ông bộ trưởng Quốc phòng trẻ nước này vướng scandan bị báo chí phát giác “cầm nhầm” (đạo văn) ở nhiều trang trong bản luận văn tiến sỹ. Thế mới thấy cái thói “đa đảng” nơi xứ người, tự nó đã buộc các chính trị gia phải liêm chính, biết hổ thẹn, dám xin lỗi không chậm trễ mỗi khi phạm sai lầm và từ chức ngay để giữ uy tín cho cái chính đảng mà họ đang là thành viên. Bằng không, dân chúng (cư tri) sẽ tẩy chay, đảng bị mất phiếu... làm sao mà có thể tồn tại nổi ở một nơi mà sự ganh đua khốc liệt từng ngày từng giờ trên chính trường giữa các đảng phái như vậy?
Khổ thân Cu Lờ, từ ngày lên chức Bộ trưởng Bộ Y tế, phải xa vợ con sống ở Berlin cơm niêu nước lọ, làm việc nhiều mà không ai săn sóc nên ăn thì Fastfood (đồ ăn nhanh) là chính. Đêm ngủ thì ngả lưng ngay nơi phòng làm việc cơ quan. Có người nêu thắc mắc, làm bộ trưởng quyền cao chức trọng với lương bổng đâu đến nỗi mà Cu Lờ phải sống cực như vậy? Việc này chỉ có Cu Lờ và vợ anh ta lý giải, chứ người ngoài ai dám đoán mò những việc qúa riêng tư ấy? Thế mới thấy ở xứ người, việc bốc xôi làng như cấp nhà và xe công vụ cho quan chức chính phủ một cách hào phóng như xứ Thiên đường mình là không bao giờ xẩy ra.
Philipp Roeslee và vợ (Wiebke Roesler) ở Bundespresseball 2010 (lễ hội báo chí Liên bang)
Hàng đêm, Cu Lờ giành thời gian lên mạng chát chít với vợ con ở Hannover (cách Berlin chừng hơn 300 Km) cho đỡ nhớ. Lại còn mở cả blog cá nhân (địa chỉ ở đây: http://www.facebook.com/pages/Philipp-R%C3%B6sler/108119759209621) mang tên “sổ ý kiến”, luôn để ngỏ khiến ai muốn cũng có thể mở, vào đọc và còm. Lại được chính Cu Lờ (chứ không phải thư ký) hồi âm hàng ngày. Cường độ làm việc như thế liệu có vị bộ trưởng đồng nhiệm hay quan chức đồng hương nào với Cu Lờ theo và học được?
Anh Cu Lờ có một mong mỏi giản dị, tới năm 45 tuổi (tức là khoảng sau 7 năm nữa), anh ta sẽ giã từ con đường chính trị để thuần túy làm chuyên môn (ngành phẫu thuật mổ tim) nhằm cống hiến những năm tháng cuối đời (khoảng già 20 năm) cho cái nghề trị bệnh cứu người của một thầy thuốc “lương y như từ mẫu” mà Lờ đã theo đuổi lúc đầu đời.
Tới đây, dù Cu Lờ có thành bại gì trên con đường chính trị, tôi cũng chả qúa mừng hay lo lắng. Bởi “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Sự thành đạt sẽ còn nhờ vận hội phong vân may mắn nữa chứ tài năng hay đức độ cũng không hẳn đã đưa cao nhân tới bến bờ vinh quang. Song thật tự hào về một người đồng hương như thế. Dù Cu Lờ đã mất gốc-không biết tiếng Việt, không còn tìm được ai là thân nhân nơi quê nhà. Đảng của Lờ lại vừa gặp hạn, bị mất nhiều điểm với đa số cư tri khó tính xứ Nhật Nhĩ Man (German) do người trên của Lờ, ông bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle (đảng trưởng FDP) đã bỏ phiếu trắng vụ Libya ở LHQ (giống Nga và Trung Quốc), khiến cử tri Đức bất bình, cho rằng như thế là “tự mình cô lập với thế giới”. Kết hợp với vài việc thái qúa trong chính sách của người tiền nhiệm khiến FDP đang trên bờ phá sản. Liệu sự nghiệp chính trị của Cu Lờ có nên cơm cháo gì không trong một tương lai gần? Chả ai dám chắc. Mặc dù vậy, “một phút huy hoàng” của Cu Lờ cũng khiến tôi cảm thấy phấn trấn vô cùng, lại ráng (vì đang nghỉ bệnh) ngồi dậy lọc cọc gõ mấy dòng tâm sự khô khan này!
Gocomay
_____
P/S: Xem thêm
Người ta hâm mộ ông bởi tài năng bẩm sinh “nói nhanh, sắc bén”, “điểm đúng huyệt, nhưng chừng mực, lịch sự”, “tuân thủ luật hoàn hảo, không chơi xấu đối thủ kiểu đấm bốc vào vùng cấm dưới thắt lưng, không làm tổn thương đẩy họ vào thế đối đầu”.
Sự nghiệp chính trị của ông tới nay được coi là lên nhanh một cách kỳ lạ.
Thành công nhờ xây dựng một xã hội mạnh
Tốt nghiệp phổ thông 1992, Philipp Rösler gia nhập đảng FDP, trở thành chủ tịch cấp thành phố năm 1994 (21 tuổi), cấp tiểu bang năm 1996 (23 tuổi); tổng thư ký đảng FDP tiểu bang năm 2000 (27 tuổi); trưởng đoàn nghị sĩ FDP tiểu bang năm 2003 (30 tuổi); chủ tịch đảng FDP tiểu bang năm 2006 (33 tuổi); phó thủ hiến, kiêm bộ trưởng Kinh tế năm 2009 (35 tuổi). Chỉ tám ngày sau nhậm chức phó thủ hiến (chỉ kéo dài tám tháng), đơn đệ trình của ông đòi hoãn một năm kế hoạch tăng 30% lệ phí quản lý đường hàng không, được Thượng viện bỏ phiếu chấp thuận. Chín ngày sau nhậm chức, ông triển khai chương trình kích cầu 50 tỉ euro toàn liên bang lúc đó, cho xây dựng ba tuyến đường tiểu bang kết nối với đường liên bang. Tám tháng sau, với thắng lợi kỳ bầu cử quốc hội liên bang 27.9.2009, Rösler dẫn đầu đảng FDP đàm phán thành công với song đảng Union về các chính sách cơ bản cho chính phủ liên minh, giữ chức bộ trưởng Y tế liên bang.
Thành công của chính khách bắt nguồn từ tư tưởng chính trị. Chủ thuyết của Rösler là “cần xây dựng một xã hội mạnh thay vì một nhà nước mạnh”, bởi “trật tự, pháp luật, nhà nước, tất cả chỉ là công cụ, phải phục vụ cho các giá trị xã hội, chứ không phải ngược lại”. “Một chủ trương muốn thuyết phục được dân chúng phải là chủ trương được chính họ phản biện thường xuyên...; và chỉ có thể khẳng định qua thực tế, chứ không phải suy ra từ lý thuyết”. Vì thế, Rösler lại cũng là một con người thực tiễn, luôn biết rõ người dân cần gì ở mình; chính là lợi ích thiết thân của họ, chứ không phải những lời kêu gọi, đánh giá, ca ngợi rập khuôn; trang mạng cá nhân ông mang tên “sổ ý kiến”, mở ngỏ ai cũng có thể viết hoặc mở đọc, được chính ông trả lời hàng ngày.
Sự rút lui của người đứng đầu
Dù Rösler tài xuất chúng tới mấy, thì ghế chủ tịch đảng và phó thủ tướng trước đó không phải bỏ trống chờ ông. Người đứng đầu đảng FDP là phó Thủ tướng Guido Westerwelle. Sinh năm 1961, ông gia nhập đảng FDP năm 19 tuổi và nhanh chóng thành công trên chính trường: 35 tuổi nghị sĩ quốc hội, 40 tuổi chủ tịch FDP. Kỳ bầu cử quốc hội năm 2009, lần đầu tiên trong 60 năm thành lập, đảng FDP do Westerwelle đứng đầu giành được 14,6% phiếu cử tri, chiếm sáu ghế bộ trưởng trong nội các liên minh 16 thành viên.
Là biểu tượng tinh thần của đảng, quyền lực thứ hai quốc gia, trong tháng trước, Westerwelle tuyên bố không ứng cử tiếp chức chủ tịch đảng, bàn giao chức phó thủ tướng. Từng mang lại chiến thắng vang dội cho đảng FDP, ông Westerwelle chứng tỏ được bản lĩnh vĩ đại, chiến thắng bản thân khi dám thừa nhận thất bại, từ bỏ quyền lực. Ông này thẳng thắn thừa nhận: “Đó là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với một chủ tịch đã cống hiến liên tục suốt mười năm liền (ở Đức, đại hội nhiệm kỳ đảng hai năm một lần) bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết!” Ông coi đây là một ngày đặc biệt đối với ông bởi đã đưa ra một quyết định đúng đắn, đặc biệt đối với đảng, bởi đảng sẽ có cơ hội khởi đầu một bước ngoặt mới.
Lý do khiến ông Westerwelle rút lui là đảng FDP do ông đứng đầu mất dần sự ủng hộ. Một năm cầm quyền, đảng này chỉ còn 10% cử tri ủng hộ theo thăm dò dư luận. Tháng trước, đảng này chỉ còn 3% cử tri ủng hộ, con số thấp nhất trong lịch sử đảng FDP. Sai lầm đầu tiên là chủ trương hứa cắt giảm thuế không được nội các thông qua do không thể cân đối ngân sách. Sau đó là lời hứa giảm thuế giá trị gia tăng cho ngạch khách sạn từ 19% xuống 7% được thực thi nhưng bị phản đối trên chính trường, do mang tính giải quyết cục bộ. Việc ủng hộ kéo dài thời hạn hoạt động các nhà máy điện hạt nhân để giảm giá nhiên liệu, gặp lúc thảm hoạ nổ lò phản ứng Fukushima Daiichi ở Nhật, bị dân Đức quyết tẩy chay. Sự kiện Đức bỏ phiếu trắng, mà người chịu trách nhiệm là bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle, khi Liên hiệp quốc biểu quyết về Libya, bị chính giới chỉ trích nặng nề, cho là lần đầu tiên trong lịch sử, CHLB Đức đã tự cô lập trên trường quốc tế. Phát ngôn của Westerwelle đối với chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp lâu dài, bị cả trong và ngoài đảng phản đối, khi ông so sánh chính sách đó với thời La Mã cổ đại tự tiêu vong, do tạo cho lao động không muốn cố gắng.
Hậu quả, cả ba cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang tháng trước, thì cả ba nơi đảng FDP đều thất bại nặng nề. Tại tiểu bang Sachsen-Anhalt, từ 6,7% cử tri ủng hộ lần bầu cử trước, tụt xuống chỉ còn 3,8%, dưới ngưỡng 5% theo luật định nên không còn đại biểu trong quốc hội. Tại tiểu bang Rheinland-Pfalz thất bại tương tự, rớt từ 8% cử tri kỳ bầu cử trước xuống 4,2%. Tại tiểu bang Baden-Wüttemberg, từ 10,7% trước đây, xuống còn 5,4%, mất luôn vai trò cầm quyền. Cứ theo đà mất từ 1/3 tới 1/2 cử tri như ba tiểu bang trên, thì tương lai đảng FDP có thể sẽ bị loại khỏi quốc hội lẫn chính phủ. Điều này đặt FDP hoặc phải từ giã chính trường hoặc phải cải tổ đảng, để giành lại tín nhiệm cử tri, tuỳ thuộc giữ hay thay người đứng đầu, dù họ là ai.
TS Nguyễn Sỹ Phương
SGTT.VN - Philipp Rösler trở thành hiện tượng đặc biệt, được chính trường lẫn công luận Đức hết lời ca ngợi ngay từ khi trở thành phó Thủ hiến tiểu bang Niedersachsen năm 35 tuổi, với danh hiệu ngôi sao đang lên của Dân chủ tự do Đức (FDP) - “Shooting-Star (tên giải thưởng cao nhất của tổ chức Phim châu Âu EFP tặng tài tử điện ảnh trẻ)”.
Khi đảng FDF bên bờ vực
Sự nghiệp của ông tới nay được đánh giá là “thẳng đứng”, và “hầu như không có đối thủ” ở bất kỳ vị trí nào. Chức chủ tịch đảng FDP tiểu bang, ông được bầu ở tuổi 33, năm 2006, tới 96,4% phiếu thuận. Trúng chủ tịch đoàn FDP liên bang năm 2007 cao thứ 2 với 88% phiếu bầu, chỉ đứng sau chủ tịch Đảng lúc đó. Ông trở thành vị chủ tịch thứ 13 của đảng FDP tại đại hội đảng toàn quốc ở Rostock trung tuần tháng 5, với 95,8% phiếu thuận.
Philipp Rösler đang được xem là ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ tự do Đức (FDP). Ảnh: The local.de
Đại hội này được chính trường Đức và công luận hết sức quan tâm, so sánh ý nghĩa với kỳ bầu cử Obama ở Mỹ, coi đó là tín hiệu khởi đầu kỷ nguyên mới của đảng FDP vốn không còn đường lựa chọn, hoặc phải từ giã chính trường hoặc phải cải tổ đảng, bởi bất cứ đảng nào, dù thần kỳ tới đâu cũng chỉ là niềm tin chứ không phải vua chúa; nếu không muốn bị người dân loại bỏ thì phải giành được sự tín nhiệm của họ. Nhưng đảng FDP đã từ đỉnh cao tín nhiệm chiếm 14,6% cử tri năm 2009, sau 1 năm tham gia liên minh cầm quyền 2010 chỉ còn 10% cử tri ủng hộ (mất 1/3). Nửa năm tiếp, tháng trước, con số đó rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử đảng này chỉ còn 3%; nếu bầu cử, theo luật định sẽ bị loại ra khỏi quốc hội. Ở 3 cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang mới đây, thì cả 3 nơi, đảng FDP cũng thất bại nặng nề, mất từ 1/3 – 1/2 số cử tri, bị loại ra khỏi quốc hội, hoặc ra khỏi chính phủ tiểu bang. Dân chúng thất vọng, bởi FDP đã thất hứa, tuyên bố sẽ cắt giảm thuế nhưng không thực hiện; ủng hộ nhà máy điện hạt nhân bị dân chúng tẩy chay; bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc về Libya bị chỉ trích; bị thành phần hưởng trợ cấp phản đối khi FDP lên tiếng chỉ trích chính sách trợ cấp cho họ.
Bài phát biểu thuyết phục
Đứng trước nguy cơ mất còn đó, Rösler trở thành kỳ vọng của đảng, có sứ mạng giành lại niềm tin nơi cử tri. Bài phát biểu đầu tiên của ông với tư cách chủ tịch đảng được đánh giá mở đầu cho kỷ nguyên Rösler, đáp ứng được mọi mong đợi của đảng ông. Trước 660 đại biểu, đúng 11 giờ trưa hôm đó, ông bước lên diễn đàn trước tiếng vỗ tay vang dậy như sấm. Không cần nhìn văn bản, với giọng nhỏ nhẹ, từ tốn, điềm tĩnh, và thỉnh thoảng pha chút khôi hài, ông nói vo một mạch 66 phút bị ngắt quãng nhiều lần bởi tiếng vỗ tay liên hồi kéo dài nhiều phút. Với các tuyên bố về những chính sách cơ bản, ông khẳng định quyết tâm của đảng FDP. Đề cập đến chính sách năng lượng, với cách tiếp cận hết sức cân nhắc, ông cam đoan sẽ chấm dứt năng lượng hạt nhân, nếu phấn đấu đạt được ba điều kiện: bảo đảm được nguồn cấp điện, giá điện có thể chấp nhận và loại điện đó không làm tăng ô nhiễm môi trường.
Ông hứa nhanh chóng giảm bớt gánh nặng thuế khoá cho người dân, cảnh báo phía đảng liên minh cầm quyền phải thực hiện lời hứa đó vốn đã cam kết khi thành lập chính phủ. Về người nhập cư, chìa khoá hoà nhập họ là chính sách đào tạo, chứ không phải thông qua các ngày hành động đa văn hoá như hiện nay. Nền kinh tế Đức cần một hệ thống đánh giá, để trên cơ sở đó thu hút nguồn nhân lực nước ngoài trình độ cao. Ông ủng hộ một đồng đô la mạnh và cảnh báo trước việc giúp đỡ quá mức đối với những nước gây nợ nần, như Hy Lạp. Ông chủ trương, giúp đỡ đó phải được Hạ viện thông qua, bởi quyền ngân sách là quyền tối thượng phải thuộc về quốc hội chứ không phải chính phủ, (dù ông là phó Thủ tướng, bộ trưởng kinh tế).
Đối với người ốm đau tàn tật cần chăm sóc tốt, phải hỗ trợ cho người nhà của họ. Gia đình phải được chú trọng, thông qua chính sách cải thiện nhà trẻ mẫu giáo; tăng thời gian mở cửa, để người nuôi con một mình có thể đi làm. Quyền tự do của công dân, trong thời đại internet và kết nối điện thoại di động, cần được bảo vệ trước các cơ quan công quyền, nhất là dữ liệu cá nhân. Ông hưá, bất cứ ở đâu tìm cách hạn chế tự do, dù một chút thôi, thì ở đó đảng ông cũng sẽ có mặt, như trong trường hợp kiểm tra biên giới ở Đan Mạch, tình trạng Đức quốc xã mới ở Berlin-Kreuzberg. Ông chỉ trích bộ trưởng Nội vụ CSU Hans-Peter Friedrich đã ủng hộ kiểm soát biên giới và kéo dài luật chống khủng bố, vốn hạn chế quyền tự do của công dân, và khẳng định không thể cho phép một sự hạn chế tự do như vậy. Ông so sánh hệ lụy khi hạn chế tự do từng chút một, với hình tượng con ếch, được hội trường vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Nếu ném nó vào nồi nước nóng nó sẽ phản xạ tức thì, nhảy ra khỏi nồi ngay. Nhưng nếu ném nó vào nồi nước lạnh, rồi đun nóng dần, nó sẽ nằm yên cho đến chín. Hạn chế quyền tự do từng chút một rốt cuộc sẽ dẫn tới như vậy, bởi xã hội mất đề kháng.
Ông thẳng thắn, cử tri hy vọng bỏ phiếu cho chúng ta năm 2009 là muốn nước Đức có một cái gì đó thay đổi. Lẽ ra đảng phải tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế cuộc sống, những trăn trở thường nhật của từng người dân. Nhưng dân chúng đã thất vọng, vì cảm thấy những tranh cãi chính trị hầu như không đề cập đến điều đó. Chúng ta sai lầm, bỏ lỡ nhiều chương trình cấp bách và cần thiết, nhất là người dân đã không gắn đảng FDP với kỳ vọng phát triển kinh tế. Họ thất vọng là phải. Kết thúc phát biểu, Rösler nhấn mạnh: thảo luận công khai là bà đỡ cho tất cả mọi vấn đề, rồi ông lên tiếng kêu gọi: "Hỡi những công dân thất vọng với chúng tôi, từ hôm nay đảng FDP sẽ đổi mới lấy lại niềm tin". Cả hội trường đứng bật dậy, tiếng vỗ tay vang dội kéo dài đúng 11 phút.
Báo chí sau đó dẫn nhiều đánh giá của các chính khách. Cựu chủ tịch FDP, ông Wolfgang Gerhardt thốt lên: Thật là một chủ tịch tuyệt vời. Chủ tịch đoàn thanh niên FDP: đúng là viên kim cương đã được mài giũa. Bộ trưởng Y tế mới Bahr: phát biểu rất thiện cảm ở lời nói và nhất quyết trong sự việc. Phó chủ tịch đảng đoàn quốc hội FDP Florian Toncar: Bài phát biểu thật đáng tự hào.
Chỉ mới là tiếng vỗ một bàn tay
Rösler dù tài năng xuất chúng tới mấy, thì cũng chỉ là một cá nhân, không thể trở thành Shooting-Star, nếu không sẵn có một môi trường chính trị, trong đó người dân định đoạt số phận mọi đảng phái, buộc các đảng phái phải tự đổi mới nếu không sẽ bị dân bất tín nhiệm, loại bỏ.
Chính nhờ nguyên lý đó, mà vị chủ tịch FDP tiền nhiệm sẵn sàng từ bỏ quyền lực, chỉ sau một năm rưỡi tại vị phó Thủ tướng, để cứu đảng ông, mặc dù uy tín trong đảng vẫn rất cao. Bài phát biểu từ chức của Wolfgang Gerhardt được đại hội vỗ tay kéo dài 8 phút, nhiều người cảm động luyến tiếc rơi nước mắt, bởi ông đã 10 năm chủ tịch, một thời oanh liệt như Rösler, có công đưa đảng ông đến mức tín nhiệm cao nhất trong lịch sử ở kỳ bầu cử trước. Ông thẳng thắn: Ai lãnh đạo đảng lâu như vậy, người đó cũng sẽ mắc sai lầm, như tôi đã phạm phải, và xin được tha lỗi đối với từng sai lầm cụ thể đó. Ông thừa nhận rời bỏ chức vụ với nỗi đau trong tim, như bất cứ con người bằng da bằng thịt nào, nhưng không giận hay buồn mà với tất cả lòng biết ơn đảng ông từ trong tâm khảm.
Rösler trở thành cứu cánh của đảng FDP, và chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng da vàng đầu tiên của nước Đức, đối diện với bên kia địa cầu là Tổng thống Mỹ da đen Obama, nếu kỳ bầu cử quốc hội liên bang tới, đảng FDP chiếm được đa số phiếu. Ngược lại với nhà nước phong kiến Trung Hoa đến xê dịch mỗi chiếc bàn thôi cũng phải đổ máu (Lỗ Tấn), ở các nước hiện đại, việc chuyển giao chính quyền vốn nhẹ nhàng như xê dịch chiếc bàn, thì khả năng trên là một thực tế hiện hữu. Người dân Đức đang phập phồng từ bây giờ!
TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức