Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Nhà báo nước ngoài duy nhất tại dinh Độc Lập ngày 30.4

Tác giả: Borries Gallasch
"Là nhà báo nước ngoài duy nhất, tôi chứng kiến đại tướng Minh "lớn" - tổng thống của VN cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh".


LTS: Borries Gallasch vào tháng 4-1975 là phóng viên của báo Tấm Gương (Đức), thường trú tại miền Nam VN. Sáng 30-4-1975, mặc dù "sợ đến run cả hai đầu gối", Borries Gallasch vẫn tìm cách "lọt" vào bên trong dinh Độc Lập, và sau đó trở thành phóng viên nước ngoài duy nhất chứng kiến thời khắc lịch sử ở Đài phát thanh Sài Gòn.
Dưới đây là tường thuật của ông, với tư cách một nhà báo. Nó được viết cách đây 32 năm và được in trong cuốn Ho - Tschi - Minh Stadt. Vì cuốn sách được viết từ năm 1975, nên không thể tìm thấy trong các hiệu sách ở Đức. Nhờ nỗ lực của nhà quay phim Đặng Việt Tùng, bản sách duy nhất của Borries Gallasch đã được gửi về VN vào giữa năm 2006.
Tuần Việt Nam giới thiệu bài tường thuật của ông như một tư liệu lịch sử giá trị cần tham khảo. Bài được in trong cuốn Sài Gòn - thời khắc số 0 do NXB Thời đại in ấn và phát hành năm ngoái.

Cả Sài Gòn đang có mặt tại đây. Người dân đứng nhìn viên trung úy tìm cách ám sát tổng thống mình. Ông bay thấp qua thành phố tấn công 3 lần, ném 2 quả bom vào dinh tổng thống. Tất cả đã trôi qua, cả suy đoán lẫn kịch tính.
Trong khi một cột khói nhỏ bốc cao phía sau dinh tổng thống và tan dần thì dòng người cũng thoát khỏi cơn sốc. Đây là một tín hiệu đã chờ đợi từ nhiều tuần qua, có lúc tưởng như nó không xảy ra, và bây giờ nó đã đến.
Ngày 8-4, 8 giờ sáng, binh lính cầm vũ khí, phóng viên nhiếp ảnh cầm lấy máy, phóng viên nhà báo vội vàng chạy tới dinh tổng thống. Một tí gì ở thái độ đã trôi qua. Nó còn lại sau mấy tuần rút lui và tháo chạy toán loạn, cái vẻ yêng hùng bên ngoài đã bị xóa đi - tìm nơi trú ẩn trước khi xe tăng đến. Tại ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Du, một viên cảnh sát vứt bỏ bộ quân phục, trong người chỉ có chiếc áo lót và chiếc quần, chạy lấy chiếc xe đạp của mình. Đối với anh, chiến tranh đã chấm dứt, chạy về nhà trước khi nó kịp xảy ra. Nhiều người tụ tập tại chợ trung tâm, đường phố bị ùn tắc, trên lề đường những người buôn bán gom vũ khí của họ lại, loa phóng thanh thông báo lệnh giới nghiêm 24 tiếng đồng hồ.
Thật khoan khoái, dễ chịu. Không có ai vui mừng, càng ít người có lý do vui mừng. Thiệu vẫn sống với "ơn Chúa" như ông ta đã thông báo cho người dân thông qua đài phát thanh và truyền hình. Tiếng nói đã thay đổi. Hy vọng thay Thiệu dù bằng cách nào, càng bế tắc. Đi với Thiệu đến bờ vực thẳm của người chỉ huy, trên đường phố thì hoang mang.
Trong khi vị nguyên thủ chạy ra nước ngoài (3 chiếc trực thăng đậu trên sân của dinh tổng thống), ông lại lên án đồng bào mình kiên nhẫn vô điều kiện. Từ chối tham dự hội nghị ở nước ngoài, các nhà khoa học và viên chức cao cấp của chính phủ không được phép xuất cảnh ra nước ngoài nữa, nói chung cấm đi học ở các trường đại học nước ngoài. Các trường học đều đóng cửa.

Xe tăng tiến vào dinh Độc lập. Ảnh TTXVN
Cuộc chiến tranh đang tiến gần. Hỏa lực binh ngày càng kề cận thành phố. Tôi đi trên con đường tối tăm đến đài điện tín, qua những đường phố vắng tanh. Tiếng rền vang đơn điệu của những khẩu pháo 130mm đồng hành cùng cánh nhà báo chúng tôi. "Cuộc tấn công vào Sài Gòn đã bắt đầu", thượng tá Achim Weste, tùy viên quân sự Đại sứ liên bang Đức đã nói. Sài Gòn đã trở nên thành phố chiến trận.
Nhân dân biết điều đó. Huế ở rất xa. Thiệt hại hoa màu ở Đà Lạt đã làm cho nhiều người đau xót. Nhưng Xuân Lộc và Thuận An lại rất gần. Nếu quốc lộ số 4 mất đi thì Sài Gòn bị cắt đứt khỏi vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp theo sự sợ hãi tuần qua là sự lãnh đạm. Không còn có thể động viên lực lượng nào để có thể bắt đầu lơn hơn cho một sự thử thách cuối cùng. Trong lúc đó những người dân Sài Gòn đang có những chuẩn bị như quen với thời chiến tranh. Ông Huỳnh cư ngụ trong một căn nhà nhỏ sau lưng dinh Độc Lập đưa cho tôi một lá bùa khắc gỗ nhờ chuyển cho đứa con gái đang sống tại Đức. Vợ anh ta làm mấy chiếc vòng bằng kim loại chuyển cho bốn đứa cháu ngoại để chúng đeo trên cổ. "Năm 1968 tôi đã làm cái này. Năm 1972 tôi làm lại lần thứ ba. Tôi làm xong rồi quăng nó đi. Tôi là một người rất lạc quan"
Rất nhiều người đều lạc quan, kể cả anh Thomas J. Garrity từ Los Angeles đã lắp ráp nhà máy cơ khí "Emerald Industries", sau một năm rưỡi đi vào hoạt động trước đây hai tháng, có 120 công nhân. "Tất cả tiền của tôi đã bỏ vào đấy. Bây giờ tôi không thể sống được, thật đáng nguyền rủa".
Nguyền rủa nó. Trong khi những người tháo chạy bị tập trung trên boong tàu Mỹ và Nam Việt Nam ngày đêm không có thức ăn uống, đa số họ bị đưa đến nhà giam Phú Quốc. Chế độ Sài Gòn nặn lên bức tượng khổng lồ dành cho lính Mỹ. Bức tượng đó được dựng trên đại lộ Cách mạng gần sân bay Tân Sơn Nhất một năm nay, chi phí khoảng hai trăm triệu Piaster và sẽ khành thành trong những ngày này. Trong lúc đó chi phí xây dựng bức tượng tăng lên gấp đôi - trên bốn trăm triệu, nó sẽ kéo dài một năm nữa cho đến khi khánh thành, sẽ còn sự hiện diện của Thiệu, trên mặt tượng đài còn có dòng chữ "Để tưởng nhớ những người Mỹ đã ngã xuống Việt Nam để bảo vệ quyền con người".
Nguyễn Quang Vinh, một trong những công nhân xây dựng bất đắc dĩ biết công việc xây dựng con quái vật này sẽ phải đình chỉ. "Khi nào những người bên kia đến đây, điều đó chế độ Sài Gòn cũng biết".

Khi nào những người bên kia đến đây...
Anh Trần Hồ Lin tài xế xe lam làm việc ở cảng, bốn mươi tám tuổi, gầy gò, hốc hác, tay chân khẳng khiu, có mười đứa con, nghĩ rằng Cộng sản đến là chết, kết liễu cuộc đời. Đa số người dân ở Sài Gòn đều cảm thấy như vậy - là ảnh hưởng của tuyên truyền ba mươi năm đã ăn sâu vào đầu óc họ.
Vì vậy với cuộc đảo chính bất thành ngày 8 - 4, một cuộc đảo chính hình như là vụ ám sát, với hành động đơn lẻ của viên phi công trẻ tuổi, với việc thay thế Thiệu sau đó hai tuần, những ngày cuối cùng nhất của Sài Gòn đã bắt đầu, khả năng cuối cùng về một trận đánh tổng lực, một sự lắp ghép Nam Việt Nam còn lại dưới quyền lãnh đạo của lực lượng thứ ba như một giải pháp quá độ theo mô hình của Lào. Tất cả đã trôi qua. Ngay cả những người lạc quan chuyên nghiệp, những người hô hào, những người mù quáng cũng nhận rõ trong những ngày tháng 4 này rằng điều không thể sẽ trở thành điều chắc chắn.
Trong những ngày hè nóng bỏng này bùng phát nỗi thống khổ của nhân dân đã phải chịu đựng đau khổ nhiều năm, kể cả ở Sài Gòn. Những người thành thị mất hết vũ khí cuối cùng của mình, mất tiếng cười của mình mà đằng sau tiếng cười đó ẩn giấu những sự bất lực của người khốn khó, sự bối rối và cảm giác hổ thẹn của mình. Nụ cười tự nhiên sáng sủa làm cho người mới đến càng thêm bối rối, nếu nước mắt và sự thảm hại, những dấu hiệu đau buồn và tuyệt vọng đang chờ đợi người ta, thì sự hồ hởi bất chợt càng làm cho người quan sát không tìm được lời nói nào.
Sau khi bán rẻ vũ khí tự vệ cuối cùng này thì độ sâu của sự chia rẽ càng rõ hơn, sự chia rẽ thấm qua dân tộc Việt Nam. Người Miền Bắc và Miền Nam sau giờ khắc số không thể hòa hợp với nhau sẽ thế nào?
Họ sau khi kết thúc chiến tranh mà một bên cho là chiến thắng bên kia cho là chiến bại - họ sẽ tìm đến nhau như thế nào mà không phải trải qua những điều mà trong cuộc chiến tranh đều tỏ ra logic và cần thiết: tính nợ, trả thù, tòa án xử những người có tội.
Khó có ai tính trước được như tờ báo quân đội Mỹ "The Arms and Stríp" đã viết: "Ít nhất có một triệu người Nam Việt Nam bị Cộng sản giết chết".
Những người chạy trốn trước cuộc tiến công của binh sĩ Mặt trận Giaỉ phóng từ gần hai tháng nay lại tin vào lời tuyên truyền ghê sợ. Sài Gòn đóng cửa đối với họ. Ngay tại đồng bằng, nơi đất đai phì nhiêu, những ngừoi di tản tuyệt vọng, nửa đói khát cũng không thể tìm được sự yên ổn. Họ bị chuyên chở bằng phương tiện vận tải quân đội, đưa xuống phía nam, đi tàu ra đảo Phú Quốc.
Một địa điểm lý tưởng đối với người tù, đối với trại giam, một trại tập trung 40.000 Việt Cộng và lính Bắc Việt. Cho đến khi được thả ra sau hiệp định Paris, họ bị giam giữ như những con vật trong những căn lều bẩn thỉu, sau ba lớp rào kẽm gai, dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Đây cũng là một nơi lý tưởng đối với việc định cư những người chạy trốn từ phía Bắc (Nam Việt Nam). Tất cả đây là những gì chính quyền cần để tách vỏ ra khỏi hạt lúa. Thành lập một doanh trại quân đội mà ở đây không ai có thể đào ngũ, một trại lính có thể nhìn bao quát, tạm thời không sử dụng, không khán giả, nếu có dùng biện pháp cứng rắn đi nữa.
Tôi cùng 4 nhà báo đi trên máy bay chính phủ đến thăm đảo, tại đây bộ trưởng di dân Dr. Đán giới thiệu cho chúng tôi nghe về công tác "tái định cư của chính phủ", và cả về "viện trợ nhân đạo của chính phủ các nước bạn", cụ thể là người Đức. Cũng vì lý do đó, đại sứ Đức ở Sài Gòn, tiến sĩ Heinz Droge, cùng đi máy bay ra đây.
Khi đoàn xe jeep chở các tướng tá, bộ trưởng và đại sứ cùng một thành viên Ủy ban về người tỵ nạn của LHQ sau mấy phút đi lên bờ, nơi những người di tản vừa cập bến, kéo sát vào bờ, thì các nhà báo lùi lại phía sau. Chúng tôi nhìn thấy những điều mà không nên nhìn xem: phía đuôi máy bay, cách xa tầm nhìn của các vị quan khách, có 30 binh sĩ trang bị vũ khí hạng nặng bao vây một nhóm 20 binh lính trần trụi, trói ngược hai tay sau lưng, đang chịu đựng một cuộc hỏi cung.
Họ là những con bọ, những binh lính chạy trốn, hay kẻ phá hoại Cộng sản?
Người bị tra khảo la mắng và đánh vào đầu bằng một cái gậy và bị chà đạp - anh ấy hình như chỉ có một cái lỗi là: trên lưng anh ta có hình xăm trông ghê tởm, mà sĩ quan hỏi cung cho răng đồi truỵ và nguy hiểm. Binh lính thừa nhận những gì xảy ra sau này với nạn nhân của họ: họ bị bắn bởi vì họ không thừa nhận. Và cái gì họ không thừa nhận?
Sài Gòn trong những ngày ấy, một thành phố trước sự thu nạp. Khắp nơi đầy người, họ dự kiến chờ ngày bùng nổ hoặc chuẩn bị cho ngày thu nạp vào. Sự sợ hãi quá sâu lắng rằng chạy trốn đến một nước nào khác mà người ta chưa biết dân tình ở đó (Mỹ) ra sao, còn nghĩ những điều không hay về họ, có lẽ còn chịu đựng được hơn là sống chung với những người cùng dân tộc, với "những người bên kia, người Cộng sản từ miền Bắc vào".
Tại Thảo cầm viên Sài Gòn, các gia đình bàn bạc với nhau, ở đây không có người ngoại quốc nào đang ở vườn cây này, nơi có bảo tàng lịch sử, có hàng đống cổ vật có giá trị do người Pháp trao tặng lần cuối vào những năm 40 và lâu nay không còn ai chú ý bảo quản.
Một nhân viên bảo vệ cùng gia đình ngồi xổm trước bộ long bào của các ông vua, nấu canh cho bữa ăn tối trên một bếp lửa. Làn khói xanh bay lên thành những dòng li ti xung quanh tượng Phật cạnh cổng ra vào.
Trước các chuồng trại có nhiều dòng họ gia tộc, người ta lắng nghe các bà nói chuyệnm một số người khóc lóc, trẻ em đứng ngây người xung quanh. Khắp nơi có quân nhân, binh sĩ lưỡi lê tuốt trần, xe chở pháo cao xạ. Ở đây người ta canh giữ con người, chứ không phải các con thú, mà bây giờ chúng không còn là bao. Còn những con cọp, sư tử đều đói meo, vì những người trông nom - tham nhũng - đã tuồn thịt ra chợ. Số còn lại sống nhờ rau cỏ, đến lúc nào đó đến lượt chú voi, chú khỉ xám xịt, rồi đàn cá. Ở bên cạnh có nhà màu vàng, là cơ quanh hành chính của Thảo cầm viên, bây giờ là doanh trại chính của cảnh sát mật. Tại đây, Thiêm đã tra tấn những nạn nhân trong các phòng giam biệt lập hàng năm trời trong sở thú.
Đội quân bại trận ngồi tại nhà hàng café Rex cạnh đường Lê Lợi, thấm đau những vết thương của họ. Có những sĩ quan trẻ - những người còn mơ tưởng tới thời vàng son, tay trái chiếm ngục Patis, tay phải cầm điếu thuốc phì phào, ba hoa về những trận đánh tương lai chống Cộng sản - họ xuất phát từ thời kỳ đã bị đánh bại và hom hem hơn những đồng đội đã có may mắn gấp đôi - thoát chết trong cuộc chạy dài từ mặt trận phía Bắc và được phép vào thành phố. Chế độ không dung thứ số này, xuất phát tự sợ Cộng sản thâm nhập nhưng để làm cho người dân Sài Gòn yên lòng, cố giữ bí mật thực trạng vấn đề. Không xa lắm là CLB Nobel tại Sài Gòn, thời kỳ thực dân vàng son còn kéo dài nữa như cuộc cách mạng chưa đến hồi kết thúc.
Tại CLB 147 đường Võ Tánh, được bảo vệ bằng dây kẽm gai và hàng rào máy, có ba chục cô gái ngực trần xinh đẹp, chưa đến tuổi 20, ai cũng hiểu rõ. Nơi ẩn náu này chỉ dành cho người da trắng, người Việt Nam không được vào dù họ có giàu đến đâu, bằng đồng tiền họ cũng không thể mua được màu da. Người Mỹ, người Hà Lan, người Đức đầm đìa mồ hôi ngồi nhậu, tay mân mê cái bụng. Ai muốn cứ việc, nhiều người muốn lắm. "Em yêu, hãy qua đây, ở đây không phải là Việt Nam", một người ngồi cạnh quầy rượu kêu lên, anh ta nói đúng.
Nhưng nếu đó là Việt Nam. Một cô trong bọn họ nói: "Họ sẽ chặt hai tay, cắt móng, đốt cháy môi tôi". Vì sao? Bởi vì cô ấy đã sơn móng tay, đã trang điểm đôi môi, đã uốn mái tóc theo kiểu phương Tây. Không thể tả được sự sợ hãi, sự nghi ngờ, sự căm giận sâu sắc đến chừng nào. Những người nói đến hòa hợp, hòa giải, thực ra họ không biết họ đang nói gì?
Ngày 29 - 4, cuối cùng hình như thời điểm treo cổ đã trôi qua. Sự hành quyết mà mọi người chờ đợi, cuối cùng đã được xác định: Sài Gòn sẽ bị trừng phạt, bị thanh lọc, những con quỷ dữ sẽ bị đuổi hết đi. Cố gắng của "Big Minh" đạt tới đàm phán đã thất bại. Đêm qua những phát đạn pháo đầu tiên không ngớt nã vào sân bay Tân Sơn Nhất. Hỏa lực pháo binh ở phía Bắc, phía Tây và những tiếng nổ đều đều ở Củ Chi, nơi kho đạn dược lớn nhất Việt Nam bị nổ tung, tất cả đã làm cho bầu trời biến thành một bức tường lửa đỏ rực.
Terzani, Mummendey và tôi nghỉ qua đêm tại hành lang, an toàn hơn trong các phòng của chúng tôi nhìn ra đường. Khách sạn Continental có tường dày, và chỉ có viên đạn bắn trúng đích mới hạ được chúng tôi. Chúng tôi ngồi trên bậc thềm lát đá lạnh trong lối đi xây cao sơn màu trắng, đưa cái đầu vào phía trong, giữa chúng tôi là chiếc đài bán dẫn, và nếu có tiếng động lớn ở gần cũng không sao. Thật ngẫu nhiên chúng tôi nghe được tin liên lạc qua radio giữa cơ quan trợ lý quốc phòng Hoa Kỳ (DAO) và đại sứ quán. Cuộc điện đàm này thật quái quỷ, kỳ dị giữa trực ban của DAO và đại sứ quán, tiếng nói của họ chắc nịch, trầm tĩnh, giọng ồm ồm, vang vang phía xa là tiếng súng pháo cao xạ, và tiếng nổ kinh hoàng. "Hai lính thủy bị giết chết trong một trận đánh ác liệt, bao giờ chúng ta sẽ gặp lại nhau?" Tiếng trả lời từ trong đại sứ quán sau giây lát: "Đúng 6 giờ". Và như vậy phải bắt đầu di tản ngay.
Các con chuột ra rời chiếc tàu đang chìm. Hình như số phận đuổi kịp thành phố. Những cô gái mãi dâm của chiến tranh cùng với những đồ xa xỉ và những kẻ trục lợi trong chiến tranh, những cuộc tiệc tùng thối nát và những ký sinh trùng béo phị của họ - phút chót mà họ vẫn còn mong đợi ở một điều kỳ diệu, giờ đây đang nghĩ tới cách làm giàu của mình trước một phiên tòa tất yếu sẽ xảy ra.
Sài Gòn tự cướp bóc mình. Giống như những con kền kền, dòng người đổ xô đến những nơi người Mỹ rút đi bỏ của lại, xâu xé những miếng béo bở, đóng đinh xương xẩu. Vơ lấy những thứ như máy truyền hình, máy chụp ảnh, máy thu thanh, dụng cụ nhà tắm, khung cửa sổ, đèn điện được tháo rời và chở đi ngay. Nhưng họ không phải là tầng lớp nghèo khổ mà họ là viên chức, binh lính, sĩ quan cấp cao - những người từ sự bế tắc của lòng ham muốn phồn vinh và giàu có không tìm ra lối thoát.
Trong lúc đó người Mỹ lo sơ tán, thục giục phóng viên nước ngoài đến những điểm gặp mặt đã hẹn trước, những phóng viên chiến trường thuộc loại tinh nhuệ của Mỹ tự dựng chướng ngại vật sau cổng sắt của đại sứ quán Hoa Kỳ. Trên những tháp canh có bố trí súng đại liên gần nóc khu vực mà bên trong có lính Mỹ, bên ngoài có lính của Thiệu đứng gác, có phóng viên nhiếp ảnh ngồi, họ liên tục chụp ảnh về dòng người tuyệt vọng trước cổng đại sứ quán, dòng người còn hy vọng tìm chỗ thoát thân trên chuyến trực thăng cuối cùng với niềm tin tìm được tự do. Cả ngày, cả đêm, máy bay trực thăng cất cánh bay lên.

Tướng Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Ảnh Kỳ Nhân
Vào sáng 30 - 4, dòng người Việt Nam xông vào tòa đại sứ quán Mỹ, tìm vơ vét của dưới tiếng súng bắn chát chúa trên đầu họ. Trong lúc đó, trên nóc nhà vẫn còn máy bay trực thăng cất cánh và hạ cánh, do lính thủy bảo vệ bằng súng tiểu liên.
Giờ khắc số 0 kéo dài 5 tiếng đồng hồ - vào 7 giờ sáng, những chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của không lực Hoa Kỳ rời khỏi Sài Gòn. Đến 12g trưa, những lá cờ của Mặt trận Giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập.
Dietrich Mummendey cùng tôi đã trụ lại qua đêm tại Hội Chữ thập đỏ nằm trên đường Hồng Thập Tự. Vào khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đi đến khách sạn Caravelle nơi tập trung hầu hết phóng viên thông tấn nước ngoài còn ở lại. Đầu tiên là người Pháp, người Nhật, một vài người Anh, Ý và cả chúng tôi. Mummendey và tôi không thể nán lại lâu hơn nên đã đi đến văn phòng của Hãng Reuters, nằm cách khách sạn khoảng 2km.
Mặc dù sợ đến run cả hai đầu gối, nhưng sau đó tôi vẫn đi bộ đến dinh Độc Lập vào lúc 11g sáng hôm ấy. Tôi đứng một mình trước dinh mà giờ đây yên lặng như một viện bảo tàng và ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
Không có một bóng người nào ở đó. Những tiếng nổ từ phía kho đạn của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn vọng lại. Tôi bước qua cánh cổng sắt mở hé. Một thiếu tá bước sát ngay bên cạnh tôi, nhưng làm như có vẻ không nhìn thấy tôi. Tôi băng ngang qua bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất cứ lúc nào. Ngay bên những bậc thang dẫn đến lối vào chính có những người lính đang cãi vã. Một chiếc Limousine đen, bên trong là ông Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống của một chính thể không còn nữa, nói với tôi: "Chúng tôi đang chờ phái đoàn của Mặt trận Giải phóng vào dinh, anh có thể đợi nếu anh muốn". Những người lính của đội cận vệ tổng thống thậm chí đã không thèm chào khi một nhân vật quan trọng thứ hai của quốc gia được chở ra bằng cổng sau.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước tiếp lên những bậc tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi lên lầu một. Tại đây tôi gặp Hà Huy Đỉnh - một luật sư Sài Gòn người nhỏ bé và cũng là học trò của thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Hà Huy Đỉnh, người mà chỉ vừa mới đi lên từ tầng hầm đã có cùng ý nghĩ như tôi: đi đến một chỗ mà nếu có chuyện gì quan trọng xảy ra thì sẽ xảy ra ở đấy.
Trong khoảnh khắc ấy, khi chúng tôi còn đang đứng ở giữa sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Minh "lớn", thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người thân cận từ dưới hầm trú ẩn đi lên. Ông Minh "lớn" (Big Minh) nói: "Thật là tốt khi anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn tôi".
Trong lúc những nhân viên của tổng thống Dương Văn Minh đi đi lại lại đầy lo âu, thì ông vẫn đứng im lặng giữa sảnh và phóng tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của dinh về hướng nhà thờ Đức Bà. Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng máy vang lên. Tôi nằm rạp xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột ximăng. Phút cuối cùng của sự nổi dậy, một cuộc đánh chiếm dinh?!
Không có tấm kính nào bị vỡ, chúng tôi rời khỏi chỗ nấp. Minh "lớn" vẫn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên cạnh ông thủ tướng thấp bé. Rồi trước mắt chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: ba chiếc xe tăng treo những lá cờ của Mặt trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng, lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai bên và rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của dinh. Khoảng 20-30 phát súng khác được bắn lên.
Tôi chạy ra ban công chụp ảnh. Tôi và Hà Huy Đỉnh thay phiên nhau. Thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi một người lính giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang suýt xô ngã tôi. Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang. Đầu tiên không ai nhận thấy Minh "lớn" và những người khác đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách.
Một người lính đứng ngay trước mặt tôi. Anh ta hét vào tôi, hét đi hét lại điều gì đó mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh hét giải thích cho tôi là mở cửa ra ban công. Tôi mở cánh cửa kính ra vào. Anh ta lướt qua tôi, kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại.
Ở phía dưới nhiều chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào và tất cả đều bắn lên không trung. Một vài nhà báo chạy vào qua bãi cỏ.
Khoảng 30 binh sĩ của chế độ Sài Gòn đứng giơ tay đầu hàng và xếp thành ba hàng trên bãi cỏ.
Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến đại tướng Minh "lớn" - tổng thống của VN cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh.
Nhưng tướng Minh không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong dinh. Họ tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính giải phóng chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả. Không có một cái máy ghi âm nào trong dinh cả.
Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Ngay lúc đó, một nhóm đông người tập trung lại và được đưa vào phòng tiếp khách của tầng thứ nhất.
Sau một vài phút, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng (đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này - TS). Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh.
Ông Mẫu trông có vẻ hài lòng. Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của ông. Người thành lập và phát ngôn cho lực lượng thứ ba, mà mới tuần trước đã giải thích cho tôi tại sao nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam VN, nay tuyên bố rằng: "Không còn lực lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cùng làm việc cho nhân dân ta". "Không phân biệt chính kiến?". "Đúng, chúng ta có khác nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một mục đích chung".
Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào.
Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài.
Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên ngoài vẫn còn nghe những tiếng nổ. Những người lính giải phóng đã thể hiện sự vui mừng không kìm nén được. Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: "Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?". Đó là số mệnh của những người dân VN: người em của tổng thống là một tướng lĩnh trong quân đội miền Bắc VN và trong 20 năm anh em ruột thịt ở hai bên chiến tuyến.
Đại úy Thệ im lặng. Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng... Nga. Họ trông thấy phù hiệu "Báo chí Đức" trên áo sơmi của tôi và tưởng tôi là nhà báo Đông Đức. Họ đã nói chuyện với tôi về Các Mác. Bạn tôi là Hà Huy Đỉnh đã giải thích cho họ rằng tôi là nhà báo Tây Đức. Mặt họ sầm xuống, tỏ ra nghi ngờ và e dè hơn.
Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: "Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn", nhưng ông ấy chỉ muốn nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...". Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn". Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác: "...miền Nam Việt Nam".
Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông chính ủy Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to. Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Chính ủy Bùi Văn Tùng đã nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Tôi đã được ông cảm ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep. Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông chính ủy ngồi ghế bên.
Tôi không thể nổ máy chiếc xe. Lúc ấy ông chính ủy trở nên sốt ruột và chúng tôi đã đi sang một chiếc xe khác, nơi tôi lại ngồi băng ghế sau. Chúng tôi lại đi qua những con đường của VN. Lúc ấy khoảng 2g chiều, những người lính của Mặt trận Giải phóng đã đứng gác tại tất cả các ngã tư và trên những con đường đã rất đông người. Chúng tôi đã đi mà không có bảo vệ. Sài Gòn đã chắc chắn ở trong tay của chính quyền cách mạng, không gặp sự kháng cự nào.
Tại dinh Độc Lập, tôi nhảy ra khỏi xe. Trên khuôn mặt bình thản của chính ủy Bùi Văn Tùng giấu một nụ cười. Rồi ông nói với tôi bằng một câu tiếng Đức mà ông biết: "Danke" (cảm ơn).
Hai ngày sau, ông Minh được tự do trở về nhà với vườn hoa phong lan của mình.
.................
Lược trích từ cuốn sách Sài Gòn thời khắc số O, Nhà xuất bản Thời Đại, năm 2010
Về tác giả: Borries Gallasch những ngày tháng 4-1975 là phóng viên của báo Tấm Gương (Đức), thường trú tại miền Nam VN.