Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Thiên vị, xa lạ với đạo đức Bác Hồ


Sự “quán triệt” hay nói thẳng là thiên vị đó vừa trái luật bầu cử, vừa xa lạ với tư tưởng và đạo đức Bác Hồ

Bác Hồ:
“Ai đến trước, bầu trước. Bác đến sau, Bác chờ”
“Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân”


Hôm nay 22-5, hàng chục triệu cử tri trên cả nước sẽ tự mình đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu nhân dân xứng đáng nhất.
Sinh nhật Bác năm nay có trùng hợp là sát ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Vì thế không chỉ giới sử gia và các đảng viên lão thành, nhiều người đã kể lại cho con cháu nghe những mẩu chuyện về việc thực thi dân chủ trong bầu cử của Bác.
Trong đó, không thể không nhắc lại một chuyện tròn 42 năm trước, ngày 27-4-1969, ngày bầu cử HĐND cấp huyện và xã. Bác Hồ đã trực tiếp đi bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội (đặt tại nhà thuyền Hồ Tây). Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý để mọi người chờ Bác bỏ phiếu trước, song Bác gạt đi: “Ai đến trước, bầu trước. Bác đến sau, Bác chờ” - Người nói và đứng đợi đến lượt mới lấy phiếu bầu. Khi đó có một phóng viên định chụp ảnh, Người đã lấy tay che lá phiếu và nói: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!”.
Còn trước đó 23 năm, tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (Quốc hội khóa I) năm 1946, Bác Hồ ra ứng cử tại Hà Nội. Gần đến ngày bầu cử có 118 vị là chủ tịch Ủy ban Hành chính đồng lòng đề nghị Bác không phải ra ứng cử và họ nhất trí ủng hộ, suy tôn vĩnh viễn Bác là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Cử tri cả nước cũng có nguyện vọng như vậy. Song Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị để mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, bởi Bác “không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”.
Những câu chuyện nho nhỏ như thế dù đã lùi xa vào lịch sử, song có lúc, có nơi nếu được đem ra kể nó lại trở nên vô cùng thời sự với nhiều cử tri. Tôn trọng quyền tự do lựa chọn, xếp mình bằng với tất cả thường dân khác - những việc ấy tưởng dễ mà khó. Bởi chính hành động của Bác đã nói rằng: Sự vĩ đại của một nhà lãnh đạo không phải thể hiện ở việc sử dụng quyền lực hay đưa ra những lời lẽ "to tát" với nhân dân mà nó đến từ sự ứng xử bình thường, giản đơn nhất.

PHAN MAI



(Vfej.vn)-Càng gần đến ngày bầu cử vào Chủ Nhật, 22-5, không khí càng sôi động. Nhân dịp này nhiều đảng viên lão thành đã kể lại cho con cháu nghe những chuyện về việc Bác Hồ đi bầu cử.
Trong câu chuyện thứ nhất, tại cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên (Quốc hội Khoá I) năm 1946, có chuyện Bác Hồ ra ứng cử tại Hà Nội. Gần đến ngày bầu cử có 118 vị là chủ tịch ủy ban hành chính đồng lòng đề nghị Bác không phải ra ứng cử và họ nhất trí ủng hộ, suy tôn vĩnh viễn Bác là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
(Pano cổ động tuyên truyền ngày bầu cử ở Hồ Gươm - Ảnh: VnExpress )
Cử tri cả nước cũng có nguyện vọng như vậy. Song Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị để mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, bởi Bác “không thể vượt qua thể lệ của cuộc tổng tuyển cử đã định".
Đặc biệt, chuyện Bác Hồ đã trực tiếp đi bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, Tiểu khu 1, Khu Ba Đình, Hà Nội (đặt tại nhà thuyền Hồ Tây) vào ngày 27-4-1969, ngày bầu cử HĐND cấp huyện và xã, chuyện bàn tán mới sôi nổi. Hôm ấy, khi Bác đến, tổ bầu cử có ý bảo mọi người chờ Bác bỏ phiếu trước. Bác nói ngay: “Ai đến trước, bầu trước. Bác đến sau, Bác chờ”
Người nói và đứng đợi đến lượt mới lấy phiếu bầu. Có một phóng viên định chụp ảnh, Người đã lấy tay che lá phiếu và nói: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân”.
Sở dĩ cử tri hôm nay sôi nổi thảo luận lại những câu chuyện cũ, không phải vì thời điểm này đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, mà nó hàm chứa những bài học đắt giá cho hôm nay.
Tôn trọng quyền tự do lựa chọn, xếp mình bằng với tất cả những thường dân khác - những việc ấy tưởng dễ mà khó, bởi có lúc, có nơi (như trường nọ ở Nghệ An) vì quá nhiệt tình mà “định hướng, quán triệt” với cử tri về các ứng viên “cần quan tâm”.
Sự “quán triệt” hay nói thẳng là thiên vị đó vừa trái luật bầu cử, vừa xa lạ với tư tưởng và đạo đức Bác Hồ. Bởi chính hành động của Bác đã nói rằng, uy tín của người lãnh đạo thể hiện ngay từ những điều bình thường, giản đơn nhất hàng ngày.

Bằng Lĩnh