Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Khác biệt văn hóa Đông – Tây

 Đông Tây khác biệt. Ảnh: internet

Trong bối cảnh biển Đông đang nổi sóng, thời tiết không thuận, HM Blog bỗng muốn tìm xem văn hóa Đông Tây ra sao. Trình độ IT nên không thể bàn về văn hóa.
Mấy cái hình này copy trên internet do Liu Young vẽ, một người sinh ra ở Trung Quấc và đi học ở Đức. Trung Quốc hơi giống Việt Nam ta. Nếu hai nước đánh nhau thì không ai…thua chỉ vì văn hóa cùng…khác Tây.
Màu xanh là người phương tây, màu đỏ là người phương đông

1/ Cách sống: Tây sống độc lập, Ta sống ràng buộc. Thấy hô hào đánh nhau là chơi tới số

2/ Cái tôi: Tây – bự, Ta – chút xíu. Á Đông tự thấy mình nhỏ bé nên không làm gì. Sếp bảo đánh là đánh, sếp bảo nghỉ là nghỉ

3/ Phương tiện di chuyển: Tây – trước xe hơi giờ xe đạp, Ta – ngược lại. Đang giải trừ quân bị không xong thì xứ ta chạy đua vũ trang.

4/ Ba bữa một ngày: Tây – bữa trưa là bữa chính. Ta – bữa nào cũng ăn nhiều. Ăn nhiều nên thiếu, thiếu thì đánh nhau.

5/ Chủ Nhật ngoài đường: Tây – vắng hoe, Ta – đông nghẹt. Phát triển không có kế hoạch nên không còn chỗ chơi, nơi nào cũng như kiến.

6/ Đau bụng: Tây – uống Cocacola, Ta – uống trà. Tây làm gì cũng nhanh. Ta từ từ, đi đâu mà vội

7/ Xếp hàng: Tây – xếp hàng dọc, Ta – xếp hàng ngang. VN chen lấn. Nóng nẩy nên thích choảng nhau vì những lý do vớ vẩn.

8/ Giờ giấc: Tây – chính xác, Ta – dây thun. Hôm nay không đánh thì mai. Vội gì.

9/ Ăn tiệc. Tây: Bàn thế sự và nhiều thứ được thống nhất. Ta: ăn tập thể, nói chuyện tập thể

10/ Lập trường – đây mới là cơ sự hay xảy ra xung đột

11/ Du lịch: Tây nhìn, Ta chụp hình. Không nhìn vào bản chất

12/ Trong nhà hàng. Tây: mục đích rõ ràng. Ta: ý nghĩ nẩy ra từ đầu gối

13/ Giải quyết vấn đề: Tây – thẳng thắn, Ta – tránh né. Thích đánh nhau là phải thôi

14/ Liên lạc: Tây – trực tiếp, Ta – lung tung. Nói một đằng làm một nẻo

15/ Giận dữ: Tây – giận thì nói giận, Ta – hên xui. Không thật lòng. 16 chữ vàng nhưng là thau.

16/ Xu hướng thời thượng.

17/ “Gặp của đánh rơi”: Tây – để yên, Ta – lụm lên coi, săm soi, moi móc… Thấy biển đảo là tối mắt

18/ Con nít. Bên Tây bé được tôn trọng như người lớn nên lớn lên biết tôn trọng người khác.

19/ Sếp – Ta: Sếp to quá nên sếp sai thì cả tỷ người khốn khổ

20/ Tắm: Tây – tắm sáng, Ta – tắm tối – Tắm tối nên đầu óc thành tăm tối

21/ Nhận thức về “phía bên kia”

22/ Thời tiết và tâm trạng – Dối trá Á Đông

23/ Về già: Tây – dắt chó đi dạo, Ta – dắt cháu đi dạo

Chúc các bạn vui.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI: NGUYỄN HIẾN LÊ

Đỗ Hồng Ngọc
Rất nhiều người Việt Nam, dù ở nơi đâu, trong những ngày này, đều hướng lòng mình về Hà Nội. Với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhớ tới mảnh đất ngàn năm văn hiến "phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu" là ông lại nhớ đến một người. Người ấy khá đặc biệt đối với riêng ông và cũng không xa lạ với mọi người, đó là học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê. Qua những câu chuyện kể, những bức thư trao đổi giữa vị học giả này và tác giả- được sắp xếp một cách khéo léo- người đọc nhận ra ẩn sau những con chữ ấy là nỗi lòng của một người con Hà Nội, dù phải cách xa mảnh đất thiêng liêng ấy suốt nửa thế kỷ, nhưng lòng vẫn canh cánh khôn nguôi...

Đọc thêm:
Nguyễn Hiến Lê  (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Hồi kí Nguyễn Hiến Lê

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu… Hà Nội mùa thu… Mùa thu Hà Nội…Nhớ dến một người… ”(TCS).

“Nhớ đến một người” đó, với tôi, là nhớ Nguyễn Hiến Lê, một người Hà Nội, một học giả, một nhà trí thức chân chính ngày nay được cả nước biết đến. Nhưng nói Nguyễn Hiến Lê người Hà Nội chỉ đúng… một phần ba, vì tuy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, lúc mới 22 tuổi, ra trường Công chánh, ông đã khăn gói vào Nam nhận nhiệm sở để rồi sống luôn ở đó suốt nửa thế kỷ cho đến ngày mất, năm 1984, khi vừa 72 tuổi. Nửa thế kỷ dằng dặc đó của một đời người, ông đã chẳng lúc nào nguôi quên Hà Nội của tuổi thơ ông.
Còn nhớ năm 1978, ba năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi có dịp lần đầu tiên ra Hà Nội dự một hội nghi về y học. Hà Nội không hề xa lạ với tôi. Tôi như thuộc lòng từng ngõ ngách, từng phiến đá, từng mái tranh gốc rạ, từng phố xá thân quen… cũng nhờ từ nhỏ đã sống với tác phẩm của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng… những buổi chiều vàng, những gánh hàng hoa, những anh phải sống… rồi với cả những người xa Hà Nội như Mai Thảo, như Vũ Bằng… Hà Nội với tôi còn là “Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng…” của Lưu Hữu Phước, rồi “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi…”…
Tôi lẻn khỏi hội nghị đến thăm Văn Miếu, lòng lâng lâng như đi giữa ngàn xưa và bỗng nhớ Nguyễn Hiến Lê, nhớ một câu ông viết từ những năm 50 rằng bằng cấp không phải là thước đo giá trị của một con người. Có những người có tên trong văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu mà chẳng mấy ai còn nhớ, trong khi những Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Tú Xương… luôn được người đời nhắc đến…
Tôi đến Bưu điện Hà Nội gởi ngay cho ông một tấm bưu thiếp. Chỉ viết mấy dòng vắn tắt. Cũng chẳng hy vọng gì nó đến được trong thời buổi đầy khó khăn này. Vậy mà hơn một tháng sau, Nguyễn Hiến Lê nhận được bưu thiếp và ông trả lời:

Saigon 3/11/78
Thân gởi cháu Ngọc,
Hôm qua tôi được bưu thiếp cùa cháu gởi từ Hà Nội ngày 29/9. Cảm động nhất là câu: “Cháu đến thăm Văn miếu, nghĩ đến bác nhiều”. Tôi hiểu rồi chắc cháu nhớ một đoạn cuối tập Bí quyết thi đậu của tôi. Cảm ơn cháu nhiều lắm. Cháu hiểu tôi. Cháu làm tôi nhớ hồi trẻ tôi học ở trường Bưởi (Chu Văn An) ngoài đó quá. Cháu có xem Hồ Tây, chùa Quan Thánh, đường Cổ ngư (nay là đường Thanh Niên?) không? Trường Bưởi của tôi ở bên bờ Hồ Tây đấy. Mà trường Yên Phụ (tiểu học) của tôi ở trên bờ hồ Trúc Bạch trông ra đường Cổ ngư đấy.
Đứng trên đường này nhìn về phía Bắc sẽ thấy núi Tản Viên, quê tôi ở gần chân núi đó. Nhớ quá đi. Cháu có đi thăm đền Ngọc Sơn, đền Voi Phục, chùa Láng … không? Toàn những cảnh mà hồi trẻ tôi mê.
Mê nhất là cái sắc trời, cái không khí trong trẻo, những làn sương lam nhẹ là là mặt đât, ngọn gió hây hẩy, những lá vàng, làn nước xanh, hương lúa của mùa thu ngoài đó. Toàn là những teintes douces, gợi những tình cảm buồn buồn mà nên thơ, nên thơ lắm. (…)

Nhớ lại trước đó nữa, đầu năm 1974, tôi gởi tặng ông bài thơ mới viết: Đi cho đỡ nhớ, ghi lại cảm xúc của mình trong ngày đầu tiên trên chuyến xe lửa nối liền Saigon-Biên Hòa mà mơ một chuyến tàu thống nhất… Ông trả lời:

Saigon 30/1/74
Cháu Đỗ Hồng Ngoc,
Tôi mới ở Long Xuyên lên. Bài “Đi cho đỡ nhớ” cảm hứng mới mẻ đấy, mà thú. Đọc hoài thơ yêu nhau và nhớ nhau, với thơ chiến tranh, ngán quá rồi. Nhưng cháu làm cho tôi thèm đi quá. A, bao giờ Saigon mới được nối với Hà Nội bằag xe lửa đây? Lúc đó tôi sẽ bỏ hết các công việc, nhờ cháu làm revision générale cho bộ máy của tôi, rồi lên xe lửa thăm non sông Nam, Trung, Bắc một lần cuối cùng. Sẽ uống dừa Tam Quan, ăn cam Xã Đoài, rồi ăn nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm Vòng v.v.. Thèm không cháu?(…)

Ông thường nhắc trong thư cảnh núi Tản hùng vĩ, cảnh ngã ba Bạch Hạc mênh mông mùa nước lớn, cảnh đồng ruộng văng vẳng tiếng sáo diều và thoang thoảng hương lúa, cảnh chợ quê lèo tèo mấy gian cột tre mái rạ với những quán chè tươi… làm tôi cũng nhớ quá!
Cơ hội đã đến với ông. Năm 1979, ông được mời đi dự Hội nghị khoa học toàn quốc về vấn đề Giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt tại Hà Nội, thế nhưng lần đó ông không đi được vì bệnh. Rồi thôi, không còn dịp nào nữa!

22.10.79
Cháu Ngọc,
Tôi đã bỏ ý ra Hà Nội rồi. Cơ hội tốt, đáng tiếc thật. Nhưng ngại chỗ ở và ăn lắm, cũng ngại cuối Oct. thời tiết lạnh đau bao tử và rhinite trở lại. Cũng còn li do: ông Trương Văn Chình không được mời ra, không hiểu tại sao. Đi một mình, buồn.
(Ghi chú: Trương Văn Chình là người cùng hợp soạn với ông cuốn Khảo luận về Ngữ pháp Việt Nam. NXB Đại học Huế, 1963).

Rồi ông về ở hẳn Long Xuyên, quê hương thứ hai của ông ở miền Nam, ráng viết cho xong các tác phẩm triết học Trung Quốc mà ông nói là “hy vọng còn có giá trị trong vài mươi năm nữa”- và “cũng để bắt đầu óc phải làm việc” cho nó đừng sớm “lão hóa”. Cũng trong thời gian này, ông nói ông băn khoăn không biết có nên viết hồi ký hay không, và, nếu có viết thì sẽ viết những gì. Trong các thư riêng gởi tôi, ông tâm sự như thế và nghĩ rằng có lẽ cũng nên viết chút gì đó chừng trăm trang... Thế rồi Hồi ký Nguyễn Hiến Lê cũng đã hình thành như ta được biết hôm nay.
Những năm cuối đời, ông thường ưu tư buồn bã, mà vẫn khôn nguôi nỗi nhớ quê xưa:

Nhớ lại hồi đó, mới đây thôi mà đã đúng như câu thơ cổ: “Vạn sự tan như mây khói” cả rồi. Cả cái mộng đi một tua thăm Nam Trung Bắc cũng tan luôn nữa.
Tôi chưa về thăm ngoài đó….
(Long Xuyên 30.7.79)

***

TP.Hồ Chí Minh có con đường mang tên Nguyễn Hiến Lê*. Một cách ghi nhận công lao của một “người Hà Nội” đã sống và làm việc miệt mài suốt nửa thế kỷ ở miền Nam và đã để lại một di sản đáng quý, góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa nước nhà.
Và với riêng tôi, Nguyễn Hiến Lê còn để lại biết bao niềm trân trọng và trìu mến để tôi được “Nhớ đến một người” giữa “mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió” của Hà Nội hôm nay./.

*Đường Nguyễn hiến Lê trên Google Map : chỗ chữ A ở trên.



29-9-10















Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Sir Gustave Eiffel - "Ngài kỹ sư vĩ đại" ... Người thông minh làm gì cũng thông minh

Ngày 10-10-1889, khi tới thăm Tháp Eiffel, nhà phát minh trứ danh người Mỹ Thomas Edison đã viết vào sổ vàng lưu niệm ở đây những lời lẽ trân trọng đến mức tưởng như không còn gì đáng trân trọng hơn:
Xin gửi tới Ngài Eiffel,
Công Trình Sư dũng cảm đã xây dựng nên mô hình khổng lồ và kỳ diệu của công nghệ hiện đại, lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ cao nhất của tôi dành cho tất cả các kỹ sư (đã tham gia xây dựng Tháp), bao gồm Ngài Kỹ Sư Vĩ Đại.
Vị Chúa Tốt Lành,
Ký tên: Thomas Edison.
Sự trân trọng tột cùng đó hoàn toàn xứng đáng với một con người không chỉ tạo ra một Tháp Eiffel huyền thoại, mà còn là đồng tác giả của Tượng Nữ Thần tự Do bất hủ ở Mỹ, và là tác giả của hàng chục công trình sắt thép khổng lồ nổi tiếng khác trên khắp thế giới, trong đó có Cầu Long Biên ở Hànội, Cầu Tràng Tiền ở Huế và Kết Cấu Nhà Bưu Điện Sàigòn.
Cầu Long Biên đầu thế kỷ 20
Cầu Tràng Tiền, Huế (ảnh mới chụp gần đây)
Nhà Bưu Điện Sàigòn bên ngoài và bên trong (ảnh 2001)
Nhưng cuộc sống đôi khi rất nghịch lý: Người đời thường để ý đến công trình của ông nhiều hơn chính bản thân ông.
Năm 1889, khi chứng kiến đám đông nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng chiếc Tháp Eiffel, tác giả của chiếc Tháp đã phải thốt lên: "Tôi phát ghen lên với nó, vì nó còn nổi tiếng hơn tôi!".
Trong bài báo "Gustave Eiffel: The Man Behind The Masterpiece" (Gustave Eiffel: Người đứng sau công trình kiệt tác), Karen Plumley viết:
"Mặc dù Eiffel tự hào với cái Tháp huyền thoại mang tên ông, nhưng ông thường cảm thấy chính huyền thoại đó lại cản trở công chúng biết đến ông hơn như một kỹ sư và nhà nghiên cứu tài ba. Khi Eiffel lấy tên mình để đặt cho ngọn Tháp, đó là một biểu hiện chính đáng của lòng kiêu hãnh, nhưng rồi chính ông phải lấy làm ân hận. Trải qua thời gian, cái tên đó và công trình đó hợp nhất làm một, trong khi tác giả đứng đằng sau công trình bất hủ đó thì dần dần bị quên lãng trong bóng tối của chính công trình sáng tạo của mình".

Cầu Long Biên, một tác phẩm của Eiffel, một trong những dấu ấn biểu tượng của Hànội
Vậy thiết tưởng đã đến lúc chúng ta phải biết rõ Alexandre Gustave Eiffel (1832-1923), người đã để lại trên thế gian này những kỳ đài bất hủ không thể nào quên, và đặc biệt đã để lại trên đất Việt Nam của chúng ta một kiệt tác về kết cấu và nghệ thuật – Cầu Long Biên Hànội, một "con rồng của Thăng Long" trong thế kỷ 20.

1] Một Gustave Eiffel đa tài và lãng mạn:

Alexandre Gustave Eiffel sinh ngày 15-12-1832 tại Dijon, Pháp. Là một người đa tài, làm nhiều việc, giỏi nhiều nghề, nhưng ông nổi danh với tư cách một kỹ sư tài ba về kết cấu thép và nền móng. Tuy nghề nghiệp luôn đòi hỏi những tính toán chính xác đến mức khắt khe, bản tính ông lại rất lãng mạn, thích tự do phóng khoáng, không chấp nhận sự gò bó áp đặt, thích sống theo hứng thú của bản thân, ngưỡng mộ văn chương cổ điển, ngốn ngấu đọc Voltaire, Zola, Hugo, và nhiều tác giả khác.
Với bản tính đó, Eiffel là người sống đầy nhiệt huyết, hăng say hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Vừa là một công trình sư bậc thầy, vừa là một nhà doanh nghiệp lớn, vừa là một nhà nghiên cứu khoa học: Ngoài những công trình bằng xương bằng thịt mà ai cũng thấy, ông đã để lại cho đời 31 cuốn sách và rất nhiều bài khảo cứu về kết cấu công trình và kết cấu nền móng. Ông được coi là vua – nhà tiên phong – trong lĩnh vực kết cấu thép. Nhiều phương pháp xử lý kết cấu của ông đến nay vẫn được áp dụng và đã trở thành kinh điển.
Làm việc phi thường nhưng Eiffel được ông Trời ban cho một sức khoẻ hiếm có: Ngoài 80 tuổi vẫn bơi khoẻ, đấu kiếm tốt, mãi đến năm 1923 mới mất, thọ 91 tuổi. Hiếm có một danh nhân, một nhân vật nào đạt tới vinh quang tột đỉnh lại có tuổi thọ cao đến thế! Ông được người đời kính trọng và yêu mến, phần thưởng danh dự do các chính phủ trên thế giới trao tặng cho ông nhiều đến mức không đếm xuể.
Tính cách năng động, tháo vát, thông minh, nhanh nhạy của Eiffel không làm ta ngạc nhiên nếu ta biết rõ nguồn gốc xuất thân của ông: Ông nội của Eiffel từng dựng nên một doanh nghiệp sản xuất thảm rất giầu có tại Pháp, đem lại một đời sống tiện nghi cho nhiều thế hệ trong dòng họ Eiffel.
Cha của Eiffel tham gia quân đội Napoléon Bonaparte từ năm 16 tuổi. Mẹ của Eiffel là một phụ nữ rất thông minh tháo vát. Bà có một cái đầu sắc sảo trong buôn bán. Bà không những lo lắng chăm sóc cậu con trai trong việc học hành lúc nhỏ, mà còn tạo dựng nên hai doanh nghiệp lớn, một về cung ứng than và một về cung ứng hàng hoá đường biển, cả hai đều làm ăn phát đạt. Sau này chính bà đã giúp Eiffel tạo dựng nên một doanh nghiệp riêng. Hai mẹ con gắn bó yêu thương nhau suốt đời.
Năm 1862, tròn 30 tuổi, Eiffel thành hôn với cô Marie Guadelet, cháu của Edouard Régneau, một nhà ủ rượu bia nổi tiếng. Hai vợ chồng sống với nhau được 15 năm hạnh phúc, sinh được 5 người con, trước khi Marie mắc chứng viêm phổi rồi mất năm 1887. Đau đớn vì sự ra đi của vợ, Eiffel sống độc thân trong 36 năm còn lại, không hề đi bước nữa.
Trong thời trẻ, Eiffel chiụ ảnh hưởng nhiều nhất bởi hai người: Một là ông chú Jean-Baptiste Mollerat, một nhà hoá học thành đạt, người đã phát minh ra quy trình chưng cất giấm từ thùng gỗ; Hai là Michel Perret, một nhà hoá học khác trong vùng. Cả hai nhà hoá học này dành rất nhiều thời gian chuyện trò với Eiffel, nhồi nhét vào đầu cậu bé hàng đống tư tưởng, từ chuyện hoá học, khai thác hầm mỏ cho tới chuyện tôn giáo và triết học.
Ông chú Mollerat không chỉ là một người đàn ông đáng kính về khoa học, mà còn là một người có tư tưởng cộng hoà mạnh mẽ. Có lần ông nói với Eiffel: "Này con trai, cháu hãy nhớ rằng tất cả bọn vua chúa đều là đồ xấu xa!". Câu nói này có thể gây tổn thương đối với cha mẹ Eiffel, bởi dẫu sao cha Eiffel cũng đã từng phục vụ dưới triều đại Napoléon – vị hoàng đế lừng danh thế giới. Tuy nhiên, tư tưởng của ông chú đã dần dần ảnh hưởng đến Eiffel, biến Eiffel thành một người có thiên hướng cộng hoà. Thiên hướng này đã có dịp biểu lộ rõ rệt khi cậu bé trưởng thành: Eiffel trở thành một đồng tác giả không thể thiếu của Tượng Nữ Thần Tự Do.
Thủa cắp sách tới trường, Eiffel là một cậu bé đặc biệt thông minh và tò mò, nhưng không chuyên cần lắm. Tại trường Lycée Royal (Trung Học Hoàng Gia), cậu cảm thấy các môn học ở đó nói chung nhàm chán, buồn tẻ, không khí nhà trường tù hãm, đến lớp chỉ phí thời gian. Mãi đến hai năm cuối phổ thông Eiffel mới tìm thấy sở thích của mình, nhưng không phải trong các môn kỹ thuật hoặc công nghệ, mà là lịch sử và văn chương! Từ đó Eiffel mới thật sự thích học, kết quả học tập của cậu được cải thiện rõ rệt và cuối cùng Eiffel đã tốt nghiệp trung học xuất sắc trong cả các môn nhân văn lẫn khoa học.
Sau khi tốt nghiệp trung học Eiffel lên Paris, theo học tại Collège Sainte Barbé để luyện thi vào École Polytechnique – trường Đại Học Bách Khoa nổi tiếng thế giới. Nhưng chàng sinh viên bản tính lãng mạn không thể kìm nén được tình yêu say đắm đối với Paris hoa lệ. Anh dành hầu hết thì giờ rỗi để bơi lội trên Sông Seine, thăm Bảo Tàng Louvre, đi xem kịch tại Nhà Hát Opera. Kết quả là anh không chuẩn bị đủ kiến thức cho kỳ thi vào Đại Học Bách Khoa. Anh thi trượt, nhưng không hề lãng phí thì giờ vào việc buồn nản, mà lại thi ngay vào École Centrale des Arts et Manufactures, một dạng trường bách khoa khác, có xu hướng tự do cởi mở hơn, và được đánh giá là một trong những trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ hàng đầu Châu Âu thời bấy giờ.
Đến lúc đó Eiffel vẫn tuyên bố hoá học là mục tiêu chủ yếu của đời ông. Ông chú Mollerat cũng hứa sẽ dành cho nhà hoá học tương lai một chỗ làm tại những trung tâm sản xuất giấm của ông ở Dijon. Tuy nhiên, năm 1855, gần đến lúc Eiffel lĩnh bằng tốt nghiệp thì xẩy ra chuyện xích mích giữa cha mẹ Eiffel với ông chú. Hai bên nặng mặt với nhau, hậu quả là lời hứa của ông chú về chỗ làm dành cho Eiffel cũng bị huỷ bỏ, Eiffel phải tìm một định hướng mới cho tương lai.

2] Người thông minh làm gì cũng thông minh:
Quả là "trong cái rủi có cái may", việc thất hứa của ông chú lại dẫn Eiffel tới một bước ngoặt: Thay vì trở thành nhà hoá học, ông lại kiếm được một chân quản lý dự án xây dựng cầu đường sắt trong công ty kỹ thuật của Charles Nepveu thuộc Hội Kỹ Thuật Dân Sự Pháp. Chẳng bao lâu sau, công ty Nepveu vỡ nợ, một công ty của Bỉ mua lại công ty này, sự nghiệp của Eiffel tưởng chừng gặp cơn bĩ cực nhưng hoá ra lại đến ngày thái lai: Ông chủ mới thuê luôn Eiffel làm việc với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu kỹ thuật của công ty.
Tại Việt Nam những năm 1950-1960, một chuyên gia nổi tiếng về kết cấu và nền móng là kỹ sư Phạm Đình Biều thường tâm sự với học trò của ông rằng chuyện "cải nghiệp" của Eiffel dạy chúng ta 2 bài học: Một, người thông minh làm gì cũng thông minh. Hai, người trí thức chân chính và thực sự có tài phải là người có khả năng tự học, tự nghiên cứu. Một nền giáo dục tốt không phải là nền giáo dục chỉ lo nhồi nhét kiến thức hàn lâm cho học trò, mà quan trọng nhất là phải biết gợi mở để học trò say mê môn học, từ đó họ có thể tự học, tự nghiên cứu. Một nhà sư phạm không hiểu điều này sẽ không bao giờ hiểu được tại sao một người được đào tạo thuần tuý về hoá học như Eiffel lại có thể trở thành một kỹ sư kết cấu bậc thầy, không cần qua một trường đào tạo chuyên môn về xây dựng và kết cấu nào cả. Niềm say mê tự học có giá trị gấp hàng trăm lần so với lối học khoa cử chỉ cốt giành giật bằng cấp và danh vọng.
Trở lại Eiffel, năm 1858, ông đã tạo nên một "cú" đột phá đầu tiên trong đời: Ông được giao trách nhiệm xây dựng một chiếc cầu bằng thép vượt qua sông Garonne gần thành phố Bordeaux, dài khoảng 500m, và chỉ sau 2 năm công trình đã được hoàn thành mỹ mãn, gây một tiếng vang lớn trong giới chuyên môn cầu cống! Chính trong dịp này Eiffel đã có một phát minh kỹ thuật nổi tiếng – sáng tạo nên Hệ nén thuỷ lực (một hệ thống máy vận hành nhờ nước, hơi nước và khí nén) – cho phép đóng các vật liệu làm nền móng sâu xuống lòng đất tới 25m. Nhờ đó, không những công trình được khánh thành đúng thời hạn mà còn làm cho Eiffel nổi danh như một nhà phát minh và một kỹ sư tài ba.
Năm 1864, lúc này đã có vợ và cư trú tại Paris, với sự giúp đỡ của bà mẹ, Eiffel cho ra đời công riêng của mình. Trong 20 năm tiếp theo Eiffel đã phát triển và hoàn thiện hàng loạt phương pháp kỹ thuật mới và áp dụng ngay những phương pháp đó vào trong những công trình của mình. Chẳng hạn, trong khi thiết kế gian đầu tiên cho Palais des Machines (Gian trưng bầy máy móc) của Triển Lãm Quốc Tế Paris năm 1878, Eiffel đã tạo ra những hệ vì kèo và vòm mái thép cứng hơn nhưng lại nhẹ hơn. Cấu trúc mới này có hình dạng như những mạng lưới vừa rất đẹp mắt vừa có sức chịu đựng rất lớn, bất chấp gió bão.
Một trong những dự án lớn của Công Ty Eiffel là xây dựng chiếc cầu Sioule, cao 80m so với mặt sông Sioule, đạt kỷ lục một trong những chiếc cầu cao nhất thời bấy giờ. Dự án này cho phép Eiffel thử nghiệm ba sáng kiến mà sau này ông đã áp dụng vào việc xây dựng Tháp Eiffel: Sử dụng loại thép có chạm trổ thay cho loại thép nặng, giòn, dễ vỡ thường vẫn được sử dụng thời đó. Ông khám phá ra rằng thép chạm trổ cứng hơn, dẻo dai hơn, chịu đựng được những cơn gió mạnh tốt hơn. Ông cho uốn cong bờ mép của những chân cột móng mà trước đó thường là hình vuông hoặc hình chữ nhật, do đó móng được ổn định hơn và bền hơn. Ông phát triển một hệ thống được gọi là "launching" trông như một cái cưa khổng lồ, trong đó sử dụng những bộ phận cân bằng cho phép dịch chuyển các cấu kiện riêng lẻ một cách dễ dàng hơn vào đúng vị trí cần thiết trong công trình.
Cứ như thế, danh tiếng của Eiffel càng ngày càng tăng lên theo danh mục các dự án của ông: Những chiếc cầu lắp ghép làm sẵn cho quân đội hành quân, Cửa hàng Bon Marché nổi tiếng ở Paris, giàn khung Nhà Thờ Đức Bà Paris, và khung thép Tượng Nữ Thần tự Do – công trình tuyệt tác trước khi ra đời Tháp Eiffel huyền thoại của ông.

3] Tượng Nữ Thần tự Do:

Tượng Nữ Thần Tự Do với tên đầy đủ là Tự Do Soi Sáng Thế Giới (La liberté éclairant le monde/Liberty Enlightening the World), là một món quà đặc biệt của nước Pháp dành tặng nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập (thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh).
Cách Mạng Pháp 1789 là ngọn cờ thúc đẩy tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái lan rộng ở Pháp rồi ra toàn thế giới trong suốt những năm tháng tiếp theo. Một trong những người Pháp đi tiên phong trong trào lưu này là Édouard René Lefèvre de Laboulaye, một nhà chính trị kiêm nhà văn chuyên viết về lịch sử Mỹ. Chính ông là người đề xuất ý tưởng tặng nước Mỹ một món quà để ca ngợi nền tự do. Ý tưởng của ông lập tức được chính phủ Pháp ủng hộ, và việc thiết kế mỹ thuật được giao cho nhà tạc tượng trứ danh Frédéric-Auguste Bartholdi.
Bartholdi đã thiết kế nên hình ảnh một phụ nữ khoẻ mạnh có nét đẹp kinh điển như những bức tượng Hy Lạp cổ đại với kích thước khổng lồ ở tư thế đứng thẳng, đầu đội vương miện với 7 tia hào quang toả ra tượng trưng cho 7 biển và lục địa trên trái đất, tay trái mang một phiến đá ghi dòng chữ "JULY IV MDCCLXXVI", tức là "Tháng Bẩy, Ngày 4 Năm 1776" (ngày độc lập của Mỹ), tay phải giương cao bó đuốc của tự do, thân mặc tấm áo choàng phủ kín tới chân.
Nhưng ngay lập tức Bartholdi phải đối mặt với 2 bài toán nan giải:
• Làm thế nào để bức tượng khổng lồ có thể tháo rời ra từng bộ phận để chuyên chở sang Mỹ?
• Bức tượng sẽ được dựng trên Đảo Tự Do trong Cảng New York, vậy phải làm thế nào để nó chịu đựng được gió bão rất mạnh ngoài biển Đại Tây Dương?
Người thích hợp nhất có thể giúp Bartholdi giải 2 bài toán hóc búa đó không thể là ai khác Gustave Eiffel!
Tượng Nữ Thần Tự Do trên Đảo Tự Do, Cảng New York, biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ
Vào thời điểm này, tên tuổi Eiffel đã được nhiều người biết đến như một công trình sư tài ba từng xây dựng nên những công trình khổng lồ có kết cấu phức tạp và chắc chắn, vì thế ông được mời giúp Bartholdi xây dựng Tượng Nữ Thần tự Do. Ngay lập tức Eiffel hưởng ứng và bắt tay vào việc.
Trước hết, bài toán thứ nhất được giải bằng cách "cắt rời thân thể" Nữ Thần Tự Do ra làm 350 mảnh rồi chất lên chiếc thuyền buồm mang tên Isère để chở sang Mỹ. Tới Mỹ, nó được đưa lên một hòn đảo có tên là Đảo Tự Do (Liberty Island) ở cửa sông Hudson nhìn ra cảng New York (New York Harbour).
Để giải bài toán thứ hai, Eiffel xây dựng một hệ thống cốt sắt làm cốt lõi bên trong để lắp ghép 350 mảnh đồng, tạo nên một bức tượng cao 46m, nặng tổng cộng 204 tấn, đứng trên một bệ cao 45,7m (bệ do người Mỹ xây dựng). Riêng cánh tay giơ bó đuốc đã dài tới 12m, ngón trỏ dài 2,4m, cái đầu tính từ cằm tới vuơng miện cao 5m, riêng cái miệng rộng 1m. Ngày nay du khách tới thăm bức tượng sẽ phải leo 354 bậc thang để lên tới vương miện. Bản thân vương miện là một "gian phòng" rộng với 25 cửa sổ, trông từ xa như 25 viên đá quý cài trên vương miện. Tổng cộng bức tượng bao gồm 31 tấn đồng và 125 tấn thép. Các tấm đồng làm bề mặt bức tượng có chiều dày 2,37 mm, được ghép với nhau sao cho cách ly với khung thép bằng những tấm cách điện để tránh hiệu ứng pin kim loại làm rỉ chỗ ghép do hơi nước biển gây nên.
Mặc dù được hai tài năng xuất chúng là Bartholdi và Eiffel phối hợp thực hiện, dự án này vẫn không thể nào hoàn thành kịp thời hạn kỷ niệm 100 năm nước Mỹ độc lập (1876), mà phải đợi tới mười năm sau, tức 1886, Tượng Nữ Thần Tự Do mới được tổng thống Mỹ Groover Cleveland chính thức cắt băng khánh thành.
Trong bài báo "Gustave Eiffel: The Man Behind The Masterpiece" (Gustave Eiffel: Người đứng sau tác phẩm bậc thầy), ký giả Karen Plumley viết: "Eiffel dựng một khung thép để gắn các tấm kim loại vào đó, và đặt nhiều chùm thép thẳng đứng cắm sâu vào trong bệ đá granite của nền móng để giữ cho bức tượng khổng lồ đứng vững. Kết quả là có một bức tượng nhẹ hơn (so với tượng đặc) nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn, có khả năng chịu đựng được một tải trọng khổng lồ và hàng loạt tác động khắc nghiệt khác. Một lần nữa, Eiffel đã chứng minh khả năng của ông trong việc giải quyết những bài toán kỹ thuật phức tạp và khó khăn nhất, trong đó sử dụng những kỹ thuật mà trước đó không ai dám làm".
Bách khoa toàn thư Wikipedia cho rằng thiết kế kết cấu của Eiffel là điều kiện không thể thiếu để biến dự án Tượng Nữ Thần Tự Do khổng lồ thành hiện thực. Kể từ 1886, kiệt tác văn hoá này nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc gia của nền tự do ở Mỹ, đem lại niềm kiêu hãnh cho người Mỹ, trở thành một tâm điểm thu hút khách du lịch và di dân từ khắp thế giới đến Mỹ, thúc đẩy nền kinh tế ở đây phát triển mạnh mẽ chưa từng có [Một số người Mỹ sống ở Pháp rất hài lòng với món quà mà người Pháp đã dành tặng cho đất nước họ, vì thế họ trả ơn người Pháp bằng cách xây dựng một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do ở Pháp. Phiên bản này cũng bằng đồng, cao 11m (khoảng ¼ bức tượng ở New York) đã được dựng lên tại hòn đảo Thiên Nga cách Tháp Eiffel khoảng 2km về phía bắc. Tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, cũng từng xuất hiện một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do với kích thước nhỏ cao 2,85m, dân gian gọi là "Tượng Bà Đầm Xoè", lúc đầu được triển lãm trong Hội Chợ Đấu Xảo Hànội (Cung văn hoá hữu nghị hiện nay), sau được chuyển về Vườn Hoa Chí Linh (vườn hoa trước cửa Ngân Hàng Trung Ương hiện nay), sau đó đã được đặt trên nóc Tháp Rùa, rồi lại chuyển về Vườn Hoa Cửa Nam, cuối cùng bị giật đổ ngày 01-08-1945 dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, vì bị coi là biểu tượng của nhà nước thuộc địa].
Bước sang năm 1887, chưa kịp nghỉ ngơi nhấm nháp vinh quang do Tượng Nữ Thần tự Do mang lại, Eiffel đã gặp cảnh "hoạ vô đơn chí": Vợ ông mắc bệnh nặng và ra đi vĩnh viễn. Nỗi đau chia tay người vợ yêu thương chưa kịp hồi phục thì một tai hoạ thứ hai giáng lên đầu ông, liên quan đến việc làm ăn với Công Ty Kênh Đào Panama của Pháp do Ferdinand de Lesseps lãnh đạo.
Theo hợp đồng ký kết với công ty Lesseps, Công ty Eiffel tiến hành thiết kế và xây dựng những chốt khoá đóng mở cho kênh đào này. Nhưng không may, do quản lý kém, công ty Lesseps bị vỡ nợ, làm trắng tay hàng trăm ngàn nhà đầu tư Pháp. Một cuộc điều tra được mở ra, trong đó tất cả những ai dính líu đến việc sử dụng nguồn vốn đầu tư đều bị luật pháp hỏi thăm, Eiffel không phải là ngoại lệ... Nếu bị kết án, ông có thể sẽ phải đối mặt với một bản án tù ít nhất 2 năm. Nhưng sau 5 năm điều tra, Eiffel được chứng minh là vô can. Tuy vậy, cuộc điều tra đã làm ông mệt mỏi, dẫn tới quyết định về hưu vào năm 1893, khi ông đương chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty.
Nhưng trong hoạn nạn mới rõ mặt anh hùng: Chính trong những ngày tháng mệt mỏi nhất vì phải đối mặt với cuộc điều tra, Eiffel đã làm nên công trình huyền thoại của đời mình - Tháp Eiffel!

4] Huyền thoại Eiffel:


Để kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp (1789 – 1889), nhà nước Pháp quyết định tổ chức Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Paris vào năm 1889, với một cổng chào kiểu vòng cung khổng lồ bằng sắt thép sẽ được dựng trên Quảng Trường Tháng Ba (Champs de Mars) bên bờ sống Seine, nhằm phô trương sức mạnh công nghiệp và khoa học kỹ thuật của nước Pháp với thế giới. Trong 700 đề án thiết kế dự thi, đề án của Gustave Eiffel được chấp thuận vì nó đẹp nhất, chắc chắn nhất, rẻ nhất.
Khởi công từ giữa năm 1887, khánh thánh giữa năm 1889, Tháp Eiffel trở thành ngọn tháp cao nhất thế giới vào thời điểm đó (324m), trong đó phải huy động tới 300 công nhân lắp ghép 18038 cấu kiện sắt thép với 2 triệu rưỡi đinh rivets.
Lúc đầu, việc xây dựng Tháp bị công chúng phản đối dữ dội, vì bị coi là chướng mắt, kỳ quái, phá hỏng vẻ đẹp truyền thống cổ kính của Paris hoa lệ. Một trong những người phản đối mạnh nhất là nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant. Nhà văn này tuyên bố ông sẽ thường xuyên leo lên Tháp Eiffel để ăn trưa, làm mọi người sửng sốt không hiểu. Khi được hỏi tại sao, Maupassant trả lời: "Vì đó là cách tốt nhất để không nhìn thấy cái chướng mắt do Tháp Eiffel gây ra".
Nhưng ngay từ những ngày đầu mở cửa cho khách vào xem, Tháp Eiffel đã thu hút nườm nượp người đến Paris. Riêng năm 1889 đã có gần 2 triệu khách đến tham quan, đạt kỷ lục về du lịch trên thế giới vào thời điểm bấy giờ. Từ đó đến nay Tháp Eiffel càng ngày càng nổi tiếng. Tính đến 2002, tổng số khách du lịch tới thăm kể từ ngày khánh thành đã lên tới hơn 200 triệu người, mang lại cho nước Pháp một lợi nhuận kếch xù, vượt quá mọi dự tính lúc ban đầu. Riêng năm 2006 vừa qua, số khách tới thăm đạt mức kỷ lục: 6.719.200 người, tiếp tục giữ kỷ lục du lịch của các công trình xây dựng trên thế giới.
Nhưng vượt lên trên nguồn lợi kinh tế, Tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng kiêu hãnh của nước Pháp nói chung và của Paris nói riêng. Trong thế kỷ 20, rất nhiều tháp khác cao hơn Tháp Eiffel đã được dựng lên trên thế giới, nhưng không có một tháp nào có thể sánh nổi với Tháp Eiffel về vẻ đẹp và sự nổi tiếng. Người Pháp tự hào vì nó, người nước ngoài háo hức muốn được diện kiến nó. Người ta truyền tụng nhau: "Đến Paris mà chưa đến Tháp Eiffel thì cũng coi như chưa đến!".
Vậy mà có một kẻ muốn đánh sập Tháp Eiffel, đó là Adolf Hitler!
Ngày 23-08-1944, liệu chừng sẽ phải rút khỏi Paris vì không chống đỡ nổi các mũi tấn công của đồng minh, Hitler ra lệnh cho Dietrich von Choltitz, tổng chỉ huy quân đội Đức tại Paris:"Không được để Paris rơi vào tay kẻ thù, trừ khi nó đã hoàn toàn trở thành một đống gạch vụn!". Nhưng không hiểu sao, Choltitz không tuân lệnh chủ, rút lui khỏi Paris mà không phá huỷ. Tại sao Choltitz hành xử như vậy? Có nhiều giải thích trái ngược. Đây là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ của lịch sử.
Lẽ ra thì Hitler cũng chẳng có dịp diện kiến Tháp Eiffel, vì theo kế hoạch ban đầu, Tháp chỉ được phép tồn tại trong 20 năm, nghĩa là đến 1909 sẽ phải tháo dỡ. Thực ra Eiffel đã thiết kế sao cho Tháp có thể dễ dàng tháo dỡ ngay sau khi Hội Chợ Triển Lãm 1889 kết thúc. Nhưng như chúng ta đã thấy: Nó không bị tháo dỡ và đã tồn tại cho đến ngày nay! Tại sao vậy? Đơn giản vì nó đã trở thành niềm kiêu hãnh của nước Pháp, đem lại uy tín khoa học kỹ thuật và ích lợi kinh tế cho nước Pháp vượt quá sự mong đợi.
Ngày nay người ta không thể hình dung một Paris không có Tháp Eiffel. Trái ngược với giới văn nghệ sĩ cuối thế kỷ 19, các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ ngày nay đã lấy Tháp Eiffel làm nguồn cảm hứng để sáng tác. Tháp Eiffel đã trở thành một huyền thoại! Gần đây, nó đã cùng với Tượng Nữ Thần Tự Do lọt vào danh sách 20 công trình cuối cùng được đề cử trong cuộc bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới do tổ chức phi lợi nhuận NOWC (New Open World Corporation) tổ chức (kết quả bình chọn cuối cùng đã được công bố ngày 07-07-2007 tại Lisbon, Bồ Đào Nha).
Trong 30 năm cuối đời, Eiffel sống và làm việc trong cái tháp mang tên ông theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông đã tìm cách tận dụng chiếc Tháp vào những mục đích mang lại lợi ích thiết thực: Ông xây dựng trạm quan sát thiên văn, phòng thí nghiệm thủy động lực học và phòng nghiên cứu thông tin liên lạc ngay trên các tầng của Tháp. Ông đắm mình trong những phòng nghiên cứu đó, cống hiến hết sức mình cho những nghiên cứu mới lạ cho đến hơi thở cuối cùng. Cũng chính trong những năm tháng này, ông đã thiết kế Cầu Long Biên Hànội, Cầu Tràng Tiền Huế, và Nhà Bưu Điện Sàigòn.

5] Kết:
Ngày 27-12-1923, Eiffel ra đi một cách nhẹ nhàng tại nhà riêng, thọ 91 tuổi.
Đối với chúng ta, những người Việt Nam, tên tuổi Eiffel sẽ mãi mãi được ghi nhớ không chỉ như một công trình sư lỗi lạc đã để lại cho nhân loại những kỳ đài kiệt tác, mà còn là cha đẻ của những công trình đã trở thành dấu ấn ba miền của đất nước: Cầu Long Biên Hànội, Cầu Tràng Tiền Huế và Nhà Bưu Điện Sàigòn.
Bài viết này xin được thay cho một nén hương tưởng nhớ ông.





Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Ghi vội từ Trung Quốc


* phần 1
Bây giờ là buổi tối ở Thượng Hải. Trời đang mưa, nhiệt độ khoảng 30 độ C, cũng nóng ẩm như ở VN. Chiều nay, khi tôi đến, trời không mưa nhưng không hề nhìn thấy mặt trời. Cả thành phố ở dưới một màn mây màu xám do khói bụi kết lại; không khí lúc nào cũng như phủ sương mù. Tuy thế, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay Pudong, tôi lập tức nhận ra Thượng Hải là một thành phố có định hướng quốc tế rất rõ ràng. Những người quy hoạch cho thành phố này có vẻ có ý thức rất rõ việc biến nó thành một trung tâm quốc tế trước hết là ở châu Á và sau đó là cả thế giới. Từ sân bay đồ sộ và hiện đại, tới đường cao tốc nhiều làn, có kẻ biển hiệu giống hệt ở Mỹ, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, tới những thứ nho nhỏ như việc người ta cử người xếp các xe đẩy hành lý trong sân bay thành một hàng một trên vỉa hè để cho hành khách có thể dễ dàng lấy xe... Những cái đó thể hiện một tinh thần hướng vào dịch vụ, tiện nghi, hướng vào việc thỏa mãn khách hàng ở mức phổ quát nhất và quốc tế nhất.

Không kể lần đi Hồng Kong năm ngoái thì đây là lần đầu tôi tới Trung Quốc - để dự một hội thảo quốc tế về công tác xã hội và chính sách xã hội mà tôi có một bài thuyết trình, đồng thời là một thành viên của ban tổ chức từ phía Hội những người giảng dạy CTXH châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo này có nhiều bên đồng tổ chức - trường đại học Đông Á ở Thượng Hải, Hội những người giảng dạy CTXH nói trên, Đại học New York, Humboldt Foundation của Đức, và Vụ các vấn đề xã hội của Thượng Hải. Về cơ bản thì phần nội dung là do bên Hội tổ chức; các thành phần còn lại hỗ trợ về mặt kinh phí và hậu cần. Đặc biệt, sự tham gia của ĐH New York nằm trong chiến lược mở một chi nhánh của ĐH New York tại Thượng Hải nhằm đặt một tiền đồn cho thị trường TQ và châu Á - giống như họ đã mở một campus ở Abu Dhabi để đặt một tiền đồn ở khối các nước nói tiếng Ả rập. Theo dự kiến, năm 2013, tức là chỉ 2 năm nữa, campus ở Thượng Hải sẽ khai giảng khóa đầu tiên. Trong vòng một năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho Đại học San Jose và triển khai khóa học mùa hè về CTXH cho sinh viên Mỹ tại Việt Nam, tôi nhận thấy rất rõ cái thế của TQ trong thị trường giáo dục Mỹ. Ở Mỹ hiện tại, trong hầu hết các trường đại học, "châu Á" về cơ bản được hiểu là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Các khoa ngôn ngữ và văn minh châu Á chủ yếu dạy tiếng, văn hóa, lịch sử, vv... về các nước này; toàn bộ phần còn lại của châu Á gần như bị bỏ không.

Từ sân bay về khách sạn mất 40 phút. Đường cao tốc từ sân bay vào thành phố 4-5 làn, xây hiện đại không khác gì ở Mỹ, và xe chạy tương đối quy củ, chắc chắn là hơn hẳn VN. Giá đi taxi ở đây có vẻ cũng rẻ hơn ở Hà Nội. Tôi check-in vào khách sạn, và lập tức được yêu cầu phải trả trước toàn bộ tiền phòng cho 3 tối, cộng với 100 đô la đảm bảo. Mà đây là khách sạn chính thức của hội thảo. Cái tâm lý “ăn chắc mặt bền”, không tin người và luôn đề phòng thủ lợi cho mình trước là một tâm lý rất đáng buồn ở nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt này, tôi buộc phải nói rằng ở Mỹ sống dễ hơn rất nhiều vì không phải nhìn trước ngó sau, không phải suy đoán xem người ta có đang lừa mình không. Bản thân luật và các dịch vụ ở Mỹ cũng thế: hầu hết dựa trên mặc định rằng đa số người ta là tốt và trung thực (hoặc muốn được sống trung thực), phần không trung thực là rất nhỏ; cho nên không nên vì đề phòng phần không trung thực mà tạo ra các loại cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa, tra xét rất tốn thời gian và tốn tiền, lại không tôn trọng con người. Cho nên, ở Mỹ, bạn không phải đi xin xác nhận của phường hay của bất cứ ai khi đi đăng ký kết hôn, chỉ cần cái cam kết và chữ ký của chính bạn là đủ. Người Mỹ “thực dụng” thực sự chính là ở những chỗ như thế này: với họ, tính về hiệu quả kinh tế, tin tưởng lẫn nhau thực ra có lợi hơn là đề phòng và tạo các cơ chế kiểm soát mà theo đó ngầm mặc định sự thấp kém của con người.

Phòng khách sạn có internet nhưng không vào được Facebook, Blogspot và nhiều trang khác vì tường lửa. Google và nhiều trang nghiễm nhiên chuyển sang tiếng Trung. Cái cảm giác bị quản lý và theo dõi ở đây rất rõ và lộ liễu. Tôi lập tức thấy mình cảnh giác – nên không vào banking online và hạn chế luôn cả việc vào Internet.

Buổi tối, tôi bắt taxi chạy vào khu trung tâm thành phố. Tính về mức độ sầm uất, mật độ nhà chọc trời, sự phong phú của hàng hóa thì Thượng Hải còn hơn các thành phố lớn của Mỹ và châu Âu. Nhưng xét về mặt dịch vụ và văn minh thì còn một khoảng cách lớn. Một ví dụ đơn giản là việc nhân viên phục vụ nhà hàng ở đây không hề quán xuyến khách – mà cứ phải để khách phải gọi. Một ví dụ khác là việc khi bạn đứng chụp ảnh thì những người đi qua đi lại không hề có ý thức tránh ra giúp bạn; họ cứ thản nhiên đi ngang qua màn hình hoặc thậm chí đứng lại nhìn; hoặc chen ngang chặn trước mặt bạn. Văn minh và sự quý trọng con người phải đến từ hai thứ - một là cái triết lý sống sâu xa của xã hội đó, và hai là quá trình thực hành thói quen sống văn minh. Tôi nhớ hồi năm ngoái, khi bố tôi sang Chicago thăm tôi, sáng nào cụ cũng dậy sớm đi bộ trên mấy con đường quanh nhà, và cụ cứ tấm tắc (gần như kinh ngạc) một việc là khi cụ đi bộ trên vỉa hè, thì những người đi ngược chiều với cụ lập tức tránh qua bên kia từ xa để nhường đường cho cụ, hoặc nếu họ dắt chó thì họ lập tức đứng lại, ghìm dây chó thật chắc và mỉm cười chào cụ, chờ cụ đi qua xong họ mới đi tiếp. Hoặc cụ cứ tấm tắc là khi chúng tôi đi chơi, thì những người đi qua nhìn thấy tôi chụp ảnh cho bố mẹ tôi là họ tươi cười hỏi "Các bạn có muốn tôi chụp cho cả ba người hay không?".

Đồ ăn ở Thượng Hải nhiều dầu mỡ xào nấu, hầu như chỉ có vị của đồ nêm, không còn có vị nguyên chất của thực phẩm. Ít rau, nhiều thịt, và tương đối cay. Có lẽ vì thế mà người Thượng Hải không đẹp – họ nặng nề, các nét thô, xương to, da thô; cả một ngày, tôi không gặp một cô gái nào mà tôi thấy là đẹp. Ở Hà Nội, mật độ này dày. Bạn tôi nói người Bắc Kinh đẹp hơn.

Trước khi đi ngủ, tôi mở vô tuyến xem truyền hình của TQ. Trong một chương trình gì đó có vẻ là thời sự, người dẫn chương trình đang nói chuyện bàn tròn với hai người đàn ông khác có vẻ là chính trị gia; họ chiếu nhiều hình ảnh hải quân và tàu trên biển – chắc chắn là đang nói về Biển Đông. Trong một chương trình ca nhạc khác, một cô bé khoảng 3 tuổi, mặc quân phục trắng của quân đội, đội mũ quân đội đang cầm một chiếc micro rất to hát sang sảng một bài gì đó chắc chắn nói về tình yêu nước hay tinh thần cách mạng hay cái gì đó đại loại như vậy. Cô bé quắc mắc, giơ nắm đấm lên cao. Khán giả vỗ tay vang dội. Tôi nghe cái âm sang sảng và những tiếng rin rít trầm bổng của thứ tiếng Tàu được phát âm với nhiều cảm xúc mà không khỏi nghĩ đất nước này là một khối tham vọng khẳng định bản thân khổng lồ, kể từ trong cái khí độ của ngôn ngữ trở đi. Bất kể cái tham vọng khẳng định đó có hình thù cụ thể là gì thì cái khối 1 tỷ người khổng lồ này, dưới sự định hướng của chính quyền TQ hiện tại, có vẻ đang rất cần giải tỏa, khai thông nó để tránh làm cơ thể Trung Hoa suy nhược do bế khí. Ở cạnh một khối khí aggressive đang cần khai thông như thế thì không thể nào lơ là việc tập luyện cho mình khỏe lên, lành mạnh lên, vững vàng lên.

* phần 2

Ngày hôm nay là ngày đầu tiên của hội thảo. Buổi sáng, tôi tỉnh từ 5 giờ vì vẫn còn bị lệch giờ với Mỹ. Kéo rèm cửa sổ nhìn ra, bên ngoài trời đã hửng sáng nhưng vẫn không có mặt trời. Bên dưới đường, mặt đất ẩm ướt; có nhiều người đi tập thể dục sớm – họ cũng mặc áo may-ô, quần cộc, đi giày ba-ta, vừa đi dọc các vỉa hè vừa vẩy tay theo lối tập dịch cân kinh mà nhiều người tập thể dục buổi sớm ở HN cũng hay tập. Nhìn thấy thế, tôi lại nghĩ: người dân ở đâu thì cũng như nhau – chủ yếu vẫn chỉ muốn no ấm, khỏe mạnh, nuôi con cái học hành nên người. Rồi lại nghĩ: nhưng không ai được chọn tổ quốc mà mình sinh ra, và số phận của một người không bao giờ có thể tách rời hoàn toàn số phận của tổ quốc họ, dân tộc họ.

Chúng tôi ăn sáng trong khách sạn rồi cùng lên xe ô tô tới đại học Đông Á, nơi tổ chức hội thảo. Bên trong sảnh, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là hai dãy bàn lớn bày sách giáo khoa ngành công tác xã hội mà trường Đông Á đã in. Các sách này có một phần là sách của các tác giả Trung Quốc; phần lớn còn lại là sách dịch từ tiếng Anh hoặc sách mà một tác giả Trung Quốc là đồng tác giả với tác giả nước ngoài. Chỉ nhìn thì biết là họ chọn sách rất kỹ và tương đối tốt; ví dụ như sách về family therapy thì dùng của Michael Nichols và Minuchin. Tôi hỏi họ sách này của trường in bằng quy trình và kinh phí như thế nào thì những sinh viên đứng giúp việc bán sách ở đó không biết tiếng Anh đủ để trả lời; tôi rất tò mò vì nhìn vào bìa sách thì có thể suy đoán là dường như trường Đông Á đã lên một kế hoạch đầy đủ về một bộ sách tổng thể mà họ cần dịch, rồi tiến hành dịch và in sách để bán cho sinh viên chứ không dựa vào các nỗ lực manh mún của từng người dịch. Ở VN, điều này chưa xảy ra. Cái mơ ước của tôi cho đến gần đây vẫn là làm thế nào để ra được một bộ sách giáo khoa tương đối chuẩn về ngành CTXH cho sinh viên VN vì số sách hiện có về ngành này ở VN có thể đếm trên đầu ngón tay và chất lượng thấp. Hiện tại, một nhóm giáo viên và sinh viên CTXH mà tôi tham gia đang bắt tay dịch thử một vài cuốn sách mặc dù chưa rõ đầu ra. Việc dịch sách giáo khoa ở VN rất khó: những cá nhân như tôi, dù muốn, không thể đứng ra in sách mà cần phải có một NXB nào đó đứng ra đại diện mua bản quyền. Nhưng các NXB hầu như không muốn làm sách giáo khoa dịch từ nước ngoài vì khó có lãi và mất công. Giá có ai tài trợ cho chúng tôi làm một bộ sách chuẩn thì tốt.

Dĩ nhiên TQ đã bắt đầu phát triển ngành CTXH trước chúng ta khoảng gần 2 thập kỷ. Năm 1978, họ đã phê duyệt việc đào tạo cử nhân về CTXH và đến năm 2010, họ có 200 chương trình cử nhân, 58 chương trình thạc sỹ; mỗi năm đào tạo ra 50 ngàn cử nhân và 15 ngàn thạc sỹ. Chính phủ TQ đặt kế hoạch là đến năm 2020, họ sẽ có 3 triệu nhân viên CTXH. Tuy thế, đây cũng là một dạng quyết định duy ý chí khác. Giáo sư X ở Anh ngồi cạnh tôi trong hội nghị đã có nhiều năm làm việc với TQ; ông nói, chương trình của TQ thực sự là tồi tệ; bởi vì giáo viên không được đào tạo về CTXH lại đi dạy sinh viên; và sinh viên thì hầu như không có thực hành; ra trường rồi ngơ ngơ ngác ngác. Tình trạng này có vẻ không xa lạ. Ở VN bây giờ, chúng ta cũng đang đối mặt với chính những nguy cơ này.

Chúng tôi bắt đầu họp lúc 8 giờ sáng. Trường Đông Á là một trường nhỏ mặc dù khoa CTXH của nó được đánh giá là một trong những khoa rất tốt ở TQ. Xem cách họ tổ chức hội thảo này và cách phát biểu khai mạc của các vị chức sắc trong trường thì thấy người TQ đã tiến hơn VN một bước trong văn hóa họp hành. Họ đã biết học người Mỹ và châu Âu ở chỗ đi thẳng vào vấn đề, nói ngắn gọn, có trọng điểm, theo đúng giờ và chương trình, rồi rút lui. Không trình bày lan man, chung chung, nghe phát chán vì chẳng hiểu người nói nói gì như tôi đã nhiều lần chứng kiến ở VN. Tuy thế, đến phần hỏi đáp, tôi thấy sinh viên TQ và cả cán bộ TQ giống hệt người VN ở chỗ hỏi chủ tọa chủ yếu để thể hiện, và cũng kính thưa kính gửi một cách hết sức dài dòng, e dè. Các câu hỏi được đặt ra đều là những câu hỏi hết sức thông thường theo cái lối không lo lắng về ý tưởng, vấn đề, khoa học, mà thường lo lắng về con người, quan hệ, thể chế, chuyện bên lề. Đấy là những cách tiếp cận vấn đề hết sức phí phạm; nhưng chuyện này nói ra thì dài.

Buổi chiều, hội thảo bắt đầu chia các phiên họp riêng theo lĩnh vực. Tôi ngồi ở phòng hội thảo về phúc lợi trẻ em và gia đình. Có hai giáo sư – một của Trung Quốc, một của Hồng Kông – trình bày về hai vấn đề gần nhau nhưng không trùng nhau là “child abuse” và “child victimization”. Người thứ nhất là một giáo sư trong biên chế của nền giáo dục TQ và người này nói rằng tỷ lệ child abuse ở TQ là 5%; người thứ hai làm một nghiên cứu độc lập theo lối phương Tây và kết luận rằng child maltreatment ở TQ lên tới 28%, riêng sexual victimization là 8%. Hai báo cáo hoàn toàn không liên quan và khi tôi hỏi họ về sự bất đồng các con số và cách họ đo “child abuse” trong cái báo cáo thứ nhất thì câu trả lời đưa ra không nêu rõ nguồn số liệu và cách đo. Tôi rất tò mò muốn biết là TQ đã làm một điều tra toàn quốc nào về vấn đề này chưa, nhất là với lạm dụng tình dục trẻ em. Việt Nam cũng chưa có con số thống kê chính thức về các vấn đề này, nhất là đối với lạm dụng tình dục. Bản thân diễn ngôn về các vấn đề này cũng đang trong giai đoạn hình thành và xã hội hóa (đây đủ là một đề tài khoa học hết sức hay).

Có một bài trình bày đáng chú ý là bài của nhóm tác giả ở ĐH North Carolina về việc ứng dụng một mô hình đào tạo các kỹ năng xã hội-tình cảm cho trẻ em Mỹ vào Trung Quốc. Một bài khác nói về kỹ năng phỏng vấn trẻ em từng bị lạm dụng tình dục. Đối với VN bây giờ, đào tạo kỹ năng và thực hành có lẽ là điều cần hơn cả. Triết lý, lí luận thì người VN có lẽ còn giỏi hơn người các nước; chúng ta phê chuẩn và có đủ loại văn bản đảm bảo phúc lợi trẻ em và gia đình nhưng việc thực hành thì hầu như rất yếu bởi vì thiếu kỹ năng. Tôi nghĩ từ lâu, nếu về nông thôn giảng giải cho người dân về việc không được bạo hành gia đình thì còn lâu mới giải quyết được vấn đề; nhưng nếu dạy cho phụ nữ các kỹ năng đối phó với cơn giận của chồng, hoặc dạy các ông chồng cách quản lý cơn giận, vv… thì có thể xoay chuyển tình thế tốt hơn. Hiện tại, theo các thống kê khác nhau, cứ 2 đến 3 người phụ nữ VN thì có 1 người từng chịu bạo hành gia đình trong cuộc đời họ - bao gồm cả bạo hành thể chất và tinh thần.

Buổi tối có chiêu đãi ở một nhà hàng. Có mấy phòng ăn khác nhau và người nước ngoài nói chung ngồi với người nước ngoài, người TQ ngồi với người TQ, cán bộ to ngồi với nhau, và sinh viên ngồi với sinh viên. Sau một hồi, tôi thấy các lãnh đạo TQ, được tháp tùng bởi cấp dưới, cũng lần lượt đi từng bàn chúc rượu, và uống hết chén này tới chén khác, mặt mũi đỏ văng và có người ngà ngà say. Không khác gì Việt Nam.

Trong ngày hôm nay, cái ý nghĩ lớn nhất của tôi – và không phải một ý nghĩ vui vẻ gì – là sự giống nhau quá mức giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc. Ngoại trừ ngôn ngữ, cách chúng ta ăn mặc, hành xử, suy nghĩ, vv… quá giống người TQ (hoặc là người TQ quá giống ta?). Điều này bản thân nó không phải là một điều xấu tự thân nếu những cái giống đó là những mẫu số chung của một đời sống con người tối ưu; nhưng ở đây có vẻ không phải như vậy. Tôi chưa có thời gian nghĩ kỹ về vấn đề này, chỉ cảm thấy nó hết sức không ổn. Nếu như VN, với tư cách là một dân tộc, muốn có một vị trí và bộ mặt riêng biệt trên thế giới, thì chúng ta phải “thoát TQ” một cách triệt để. Nó không khác gì, làm người phải có tính cách riêng, nhân cách riêng, suy nghĩ riêng; không nên là bản sao bất tự giác của ai khác.

(những ghi chép trên đều là ghi nháp trong ngày)

Viết Về Cha nhân ngày Father’s Day

Ngô Kỷ
Kể từ khi tôi mất mẹ, có nhiều lần tôi muốn viết về mẹ, nhưng rồi lại thôi, không làm sao viết nỗi, mới vài đoạn là đôi mắt bị loè nhoè bởi những giọt nước mắt vô hình từ đâu trào ra, và tôi nhận chân ra được là từ thâm tâm của một thằng con ngỗ nghịch và hư đốn này, tôi thương nhớ mẹ rất nhiều.

Mother’s Day 2010 rồi, ba mươi năm tôi mồ côi mẹ, thời gian khá xa so với một đời người, nhưng tình mẫu tử sao lại quá gần, gần đến nỗi tôi có thể thấy được mẹ trước mắt, có thể ôm choàng được mẹ vào lòng, có thể nói cho mẹ nghe tiếng “I Love You”..., và vì những xúc c ảm thiêng liêng, nghẹn ngào đó mà tôi đã không viết gì được cho mẹ. Cho mãi đến hôm nay, nhân ngày Father’s Day, tôi viết mấy dòng chữ cho cha tôi, tôi cố gắng viết thật lẹ, viết thật mau, viết được chừng nào hay chừng đó vì tôi sợ, sợ rằng sẽ không còn cơ hội viết được nữa như tôi đã từng không viết được cho mẹ.

Cuối năm 2008, trong bài “Áo Vũ Cơ Hàn, một vì sao đã tắt”, tôi có nhắc về Ba tôi, và mới đó mà các điều tôi lo sợ bây giờ nó đang lù lù đến. Tôi đã viết như sau:

“Sáng nay, hẹn nhau quán chay Zen của nhà báo Lý Kiến Trúc trên đường Bolsa, chưa kịp hello thì Etcetera hỏi “Sao thấy mặt anh hôm nay xìu quá dzậy?”. Sẵn máu “cải lương” trong người nên trả lời ngay “Không biết hôm nay tại sao tôi buồn. Buồn vì Trời mưa hay bão trong tim?”. Vâng quả thật tôi đang buồn, nhưng không phải buồn vì bị tan vỡ một mối tình trai gái, mà tôi buồn vì hay tin một ngôi sao vừa tắt trên bầu trời nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Minh Phụng, hay Áo Vũ Cơ Hàn, hay Mộ Dung Thạch, hay Mẫn Vân Lâu, hay Hồ Thiên Vũ, hay Tần Lĩnh Sơn, hay Trần Tự Tâm …đã trở về với cát bụi, đã miên viễn ra đi…

Nếu trong Thánh Kinh phán rằng “Không thấy Chúa mà tin”, thì trong trường hợp của tôi, “Không quen biết gì với nghệ sĩ Minh Phụng, thế mà tôi cảm thấy tiếc tiếc, thương thương khi biết tin anh qua đời”. Tâm lý con người thật lạ, cái hạnh phúc có trong tầm tay không thấy quý, nhưng khi vụt mất thì hụt hẫng.

Chiều hôm qua đưa Ba đi bệnh viện, lần này đem theo tờ Việt Weekly đọc trong khi chờ bác sĩ. Lướt qua những trang đầu bởi không thích đọc lại các bài mình đã viết, “cái tôi đáng ghét” mà, nhưng khi đọc đến trang 21 bài “Vĩnh biệt lãng tử “Áo vũ cơ hàn” Minh Phụng - Người nghệ sĩ tuyệt vời nhất trên những đỉnh núi hương sa” do Trần Quốc Bảo viết, bỗng dưng lòng tôi chùng xuống, nghĩa là con tim tôi vẫn còn biết rung động, máu tôi vẫn còn nhồi, thế mà lâu nay dư luận và thiên hạ lại ra rả lên án và nguyền rủa tôi là “đồ bất nhân, bọn tán tận lương tâm, lũ ác độc”, vân vân và vân vân….

Dù tôi và nghệ sĩ Minh Phụng không có “dây mơ rễ má” gì cả, nhưng giữa chúng tôi có lẽ “nặng nợ” nhau một cách vô hình. Cũng vì cái nghèo rách mồng tơi của chàng lãng tử Áo Vũ Cơ Hàn trong tuồng Tâm Sự Loài Chim Biển mà tôi tự nhiên trở thành “nạn nhân” mỗi lần Ba tôi coi cái DVD đó. Mà càng xui cho tôi là ông ta lại mê cái DVD đó nữa mới chết chứ. Ông coi đi coi lại, mà mỗi lần coi như vậy là tôi chuẩn bị nhận “ly cà phê đen” của Ba: “cuộc đời mày cũng chẳng khác chi cái anh chàng Áo Vũ Cơ Hàn này cả”.

Trời ơi, ông Áo Vũ Cơ Hàn nghèo thì kệ ổng chớ có mắc mớ gì tôi. Quả là Ba tôi unfair với tôi. Cái sướng, cái tốt, cái giỏi của Áo Vũ Cơ Hàn thì Ba tôi lại không nhắc tới. Tại sao Ba tôi lờ đi cái cảnh Áo Vũ Cơ Hàn hạnh phúc khi được người đẹp Cát Mộng Thùy Dương yêu thương, được công chúa Tô Ngã Phương Đài an ũi. Ba tôi lại phớt đi cái chuyện Áo Vũ Cơ Hàn đối xữ cao thượng với người bằng hữu Tô Ngã Giang Châu, và Ba tôi cũng làm thinh về cái tài và lòng mã thượng của Áo Vũ Cơ Hàn đối với tên cướp biển Thạch Vũ. Ông bà mình quả thật mình nói không sai, “Bụt nhà không thiêng”, và điều này lại vô tình ứng dụng vào trường hợp của tôi.

Tôi ghét cái ông Áo Vũ Cơ Hàn này dễ sợ, nói đúng hơn là tôi “ghen” với ông. Ông nghèo nhưng ngoài đời ông có tới mấy vợ, nào là Kiều Tiên, Diêu Huê…, nào là có cả một đàn con nối nghiệp, mà trong đó có Tiểu Phụng, Y Phụng đang là nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi danh. Ông đang có hàng triệu khán thính giả tại quốc nội và hải ngoại ái mộ. Chỉ cần ông chia cho tôi một phần nho nhỏ cái mà ông đang có thì tôi đã cảm thấy hạnh phúc biết dường nào.

Từ nhỏ tôi đã thích loài chim biển, chính vì vậy hầu hết những văn thơ “con cóc” của tôi được lấy bút hiệu là Hải Âu, và cho đến khi qua Mỹ, thì ngoài cái tên Email ngokyusa@yahoo.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. thì tôi cũng có thêm cái Email ngoviethaiau@yahoo.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. và nickname trên các diễn đàn Paltalk tôi cũng lấy là Ngô Việt Hải Âu. Quả là một trùng hợp ngẫu nhiên khi phát giác ra là mình thích tuồng Tâm Sự Loài Chim Biển từ lúc nào không biết. Phải chăng trong tôi đã ái mộ nghệ sĩ Minh Phụng và ngưỡng mộ khí tiết bất cần đời của lãng tử Áo Vũ Cơ Hàn?

Nói về Áo Vũ Cơ Hàn mà không nói sơ về Ba tôi thì quả là việc thiếu sót. Như đã nói, Ba tôi luôn sẵn sàng “lợi dụng” cái anh chàng Áo Vũ Cơ Hàn này để “xài xể” tôi, tuy nhiên nói cho cùng thì ông ta cũng có cái lý của ông, tôi đâu có oan ức gì mà phản đối. Ba tôi so sánh tôi với nhân vật Áo Vũ Cơ Hàn như vậy là ổng đã nâng cấp tôi lên một bực rồi đấy, vì Áo Vũ Cơ Hàn khá hơn tôi nhiều, còn có rượu để uống, còn có vua mời vào cung điện để ở, chứ còn tôi thì trên trang Thư Độc Giả của báo Người Việt thì không thiếu những câu: “Ngô Kỷ biểu tình để xin bố thí miếng bánh mì, đồ du thủ du thực, mất dạy, du côn, chí phèo, homeless, chống cộng quá khích, cực đoan, chống cộng tới chiều, làm chuyện tào lao, bao đồng, dị hợm,” vân vân và vân vân.

Làm Cha Mẹ ai lại không xót xa và tủi thân khi thấy con cái mình bị “nguyền rủa” như vậy, tôi thấy ân hận và có lỗi với Ba tôi quá. Nhưng “Cha Mẹ sinh con, Trời sinh tính”, tôi sống theo cái nhân sinh quan và lý tưởng của tôi. Chính vì vậy những chuyện “ngoài đường” ít khi nào tôi kể cho Ba nghe, hay những trang báo nhục mạ tôi thường được tôi “tự ý đục bỏ” trước khi đưa cho Ba đọc. Tôi không muốn Ba tôi buồn, tôi không muốn Ba tôi chịu nhục lây một cách vô tội vạ.

Con nào mà không thương Cha Mẹ, Khổng Tử có khuyên: “Kẻ nào tôn kính mẹ cha, sẽ thấy niềm vui trong con cái mình”, và “Tuổi của cha mẹ không nên không biết: một là để mừng (cha mẹ sống lâu), một là để lo (vì cha mẹ già yếu)”. Chính vì vậy mà tôi muốn Ba tôi sống bình thản vô tư để ông có thể sống thêm vài ba năm nữa với con với cháu.

Thời trung học, tôi có đọc Nhị Thập Tứ Hiếu, có người con lấy làm buồn khi những ngọn roi cha quất vào lưng mình không còn mạnh và không cảm thấy đau vì thể hiện sức cha đã già yếu lắm rồi. Do đó tôi sẽ lấy làm lo âu và sẽ cảm thấy thiếu thốn và hồi hộp nếu tôi không còn nghe tiếng la mắng của Ba “cuộc đời mày cũng chẳng khác chi cái anh chàng Áo Vũ Cơ Hàn này cả”.

Tài liệu viết rằng cải lương hiền hòa, chất phác, thủy chung, điệu nghệ, khí khái, và tôi tin là nghệ sĩ cải lương Minh Phụng có đủ yếu tố như vậy. Nghệ sĩ Minh Phụng ra đi để bao thương tiếc, ngậm ngùi cho gia đình, cho khán thính giả mộ điệu bốn phương. Còn riêng tôi, tôi bắt đền anh vì tôi chỉ lo rằng anh chết đi rồi, Ba tôi không còn xem tuồng “Tâm Sự Loài Chim Biển” nữa, và tôi hết còn được nghe Ba mắng “cuộc đời mày cũng chẳng khác chi cái anh chàng Áo Vũ Cơ Hàn này cả”. Vĩnh biệt anh!”

Bài viết trên chưa được hai năm thế mà những điều tôi lo sợ, hay nói đúng hơn là những điều tôi không muốn đến thì nó đang từ từ trở thành hiện thực. Nghĩa là sức khỏe bây giờ không cho phép Ba tỉnh táo xem tuồng Tâm Sự Loài Chim Biển nữa, và tôi không còn nghe được tiếng Ba mắng “cuộc đời mày cũng chẳng khác chi anh chàng Áo Vũ Cơ Hàn này cả.” Bây giờ Ba đọc trước quên sau nên tôi không còn phải “kiểm duyệt” báo trước khi đưa cho Ba đọc vì Ba không còn đủ minh mẫn để phải xót xa vì những lời lẽ nhục mạ, phỉ báng con mình trên báo, và tôi bắt đầu phập phồng lo sợ…

Tôi thích bài thơ đơn sơ nhưng gói gắm lắm “Tình Cha Nghĩa Mẹ” được “thanhthuy” post trên mạng như sau:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không

Đọc lại bài thơ trên làm tôi nhớ đến mẹ. Năm 1979, tôi rời nước Mỹ để đi làm overseas tại Thụy Sĩ không phải vì ham món tiền lương hậu hỹ, mà mục đích là sẵn tiện qua đó làm việc, tôi sẽ tìm cơ hội bảo lãnh Ba Má, Anh Chị Em còn lại Việt Nam được ra ngoại quốc, vì vào thời điểm đó còn sớm quá, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có một liên hệ ngoại giao nào cả, mà Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập, có Liên Hiệp Quốc, có Hồng Thập Tự và có nhiều quan hệ với Việt Nam.

Tôi muốn đưa Má ra ngoại quốc để lo chạy chữa bịnh tình cho Má. Nhưng bất hạnh thay, một tiếng sét đánh ngang tai, tôi nhận tin Má chết từ một người bạn du học ở Ý về Việt Nam thăm nhà gọi phone qua báo tin. Trời đất quay cuồng, không gian như tối sầm lại. Tôi như người mất trí, bao nhiêu kỷ niệm mẹ con ôm ấp trong ký ức bỗng có dịp tuôn trào ra. Tôi khóc không nhiều bằng cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu khóc mẹ đến mù mắt, tôi chỉ biết là tôi đã khóc thật nhiều và thật nhiều khi hay tin mất mẹ.

Là người sống thực tế, tôi chẳng bao giờ ngạc nhiên và bận tâm về bất cứ cái gì xãy ra trên cõi đời ô trọc này, thế mà có một điều tôi không bao giờ chuẩn bị đón nhận, đó là việc tôi mất mẹ. Chính giờ phút đau khổ lớn lao này, tôi mới thấy tâm trạng chính tôi trong bài thơ Mất Mẹ của Xuân Tâm - Bảo Uyên:

“Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi

Lúc bé tôi không tin
Người thân yêu tôi mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất

Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng Mẹ khóc trước

Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm Mẹ, tôi không thấy!
Lúc buồn, biết trốn đâu?

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Mất cả một bầu trời.

Ôi trời cao xanh thẳm
Có nghe rõ lời tôi
Từ trần gian cát bụi
Tôi đã mất mẹ rồi!

Tôi hụt hẫng khi nghe tin Má chết, và ngay cả trong lúc viết những giòng chữ này, tôi ngậm ngùi nối tiếc những năm tháng sống gần Má mà tôi đã không biết trân quý, để đến bây giờ, trong cuộc hành trình đầy cô đơn, trống vắng này tôi thấy nhớ Má vô cùng. Một danh ngôn mà tôi cho là bất tử: “Thế giới có rất nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt vời vĩ đại nhất vẫn là trái tim của mẹ.”

Sau năm 1975, theo vận nước nổi trôi, gia đình tôi bị Cộng Sản đánh tư bản. Tài sản nhà cửa bị tịch thu, Ba tôi bị bắt đi “cải tạo” tại trại trù Tiên Lãnh, Quảng Nam, Má tôi với cái thân xác gầy gò bịnh hoạn bị bắt đi làm thủy lợi “lao động vinh quang”. Sức tàn lực kiệt, Má được gia đình đưa đến bịnh viện khẩn cấp. Trong giờ thập tử nhất sinh, thế mà bệnh viện bắt gia đình tôi phải chồng đủ tiền y phí trước mới chữa trị, và Má tôi qua đời trong uất nghẹn.

Nguồn hy vọng đưa Má ra nước ngoài chữa bịnh bị sụp đổ, tôi thất vọng tràn trề. Tôi không còn thiết tha gì nữa, tôi quyết định trở lại Mỹ. Trả lời ký giả Eric Bailey số báo Los Angeles Times ngày 20 tháng 8 năm 1992 nhân ngày Đại Hội Đảng Cộng Hòa Toàn Quốc, trong bài “Proud Immigrant Stands Out Stand Up for Free Vietnam” (Người Di Dân Hãnh Diện Đứng Lên Tranh Đấu Tự Do Cho Việt Nam), tôi nói: “Tôi mất mẹ và tôi mất cả quê hương, nghĩa là tôi đã mất tất cả. Tôi nghĩ rằng tôi phải làm một cái gì khác hơn, điều đó là mong muốn được phục vụ đồng bào tôi.” (I lost my mother and my country – It’s everything… I thought I had to do something different. Something to help my people.)

Và trong bản tin “Protests Divide SoCal’s Little Saigon” của hãng thông tấn Associated Press (AP) đánh đi toàn thế giới, viết về cuộc biểu tình tự phát chống báo Người Việt nhục mạ lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, ngày 8 tháng 4 năm 2008, ký giả Gillian Flaccus đã trích dẫn lời phát biểu của tôi: “Những cái giá trị nhất trong đời tôi là Mẹ tôi và lá cờ nước tôi. Tôi đã mất hết. Còn sót lại gì trong cuộc đời của tôi? Tôi không còn gì cả.” (The most valuable things in my life – my mother and my flag – I lost it… What else do I have left in my life? I have nothing.)

Có một số người không biết lý do nên họ ngạc nhiên, và từ ngạc nhiên họ lên án, dè bỉu công cuộc đấu tranh chống cộng, chống Việt gian của tôi. Nếu họ nhớ lịch sử nước nhà, nếu họ nhớ sự kiện giặc Tàu giết ông Nguyễn Phi Khanh cha của Nguyễn Trãi, giết ông Thi Sách chồng bà Trưng Trắc thì họ sẽ hiểu tâm trạng và thái độ đối kháng của tôi trước cảnh cả một dân tộc bị áp bức và Má tôi bị chết bởi chính sách ngu muội và tàn nhẩn của bọn cộng sản vô thần.

Tôi không nhớ hết những lời Má tôi dặn dò, nhưng tôi chắc chắn hầu hết bà mẹ đều muốn con mình trở thành người có chí khí, lý tưởng và liêm sĩ. Và bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán chính là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng, là hành trang cho những bước tôi đi. Bài thơ như sau:

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
 Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Rất tiếc tôi không phải là thi nhân, văn nghệ sĩ để có thể dùng văn chương, nghệ thuật mà vinh danh hai đấng sinh thành. Tôi xin mượn bài thơ “Cảm Ơn Nghĩa Mẹ, Tình Cha” của Quốc Vương để bày tỏ lòng biết ơn Cha Mẹ từ một đứa con có lắm “tội tình”:

Cảm ơn nghĩa mẹ, tình cha
Cảm ơn công đức mẹ cha cao dày
Khi xưa bồng bế trong tay
Cha mẹ dìu dắt, thơ ngây vào đời
Bao dung cha nở nụ cười
Cho con ý chí giữa đường thơ ngây
Mẹ hiền dành trọn tình thương
Ngày đêm gian khổ, đoạn trường nuôi con
Ơn cha cao cả núi non
Tấm lòng của mẹ suối nguồn biển khơi
Cho con mái ấm cuộc đời
Cho con mở mắt nhìn đời mai sau
Cho con hiểu biết cuộc đời
Cho con tất cả biển trời bao la
Cảm ơn nghĩa mẹ, tình cha
Cho con công đức mẹ cha sinh thành.

Ngô Kỷ - Father's Day 2010




Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Hịch…trí sỹ

Hịch tướng sỹ. Ảnh: Le Van
Cảm ơn anh Nguyễn Đăng Tấn đã gửi bài Hịch…Khoa học và Công nghệ. Tác giả blog cũng gửi lời cảm ơn tới tác giả Trần Công Nghệ.

 Hịch…Khoa học và Công nghệ.
Tác giả: Trần Công Nghệ.


Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.

Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Pháp dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.

Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ …
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Viện Khoa học CN VN. Ảnh minh họa.

Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.

Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép
Ta nào có kém gì?

Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Say sưa. Ảnh minh họa.

Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.
Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ

Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!

Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.

Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn chưa thoát nghèo
Tài giỏi thông minh, sao vẫn còn lạc hậu
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ
Gs. Ngô Bảo Châu nhận giải Field. Ảnh: TTOL

Kiếm giải thưởng field cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lexus, xuống Rolls-Royce
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Villa, ra Resort.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.

Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?

Cho nên mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!

Hịch của Khoa học Đại vương Trần Công Nghệ

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

HÔM NAY, GIỖ CỤ VÕ VĂN KIỆT


Thưa chư vị,
Hôm nay, tròn 3 năm ngày Ông Võ Văn Kiệt đi xa. Để tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, NXD-Blog gửi tới chư vị chùm bài về ông, gồm:
- Bài văn cúng cơm và bài tế văn Cụ Võ Văn Kiệt do Lâm Khang viết cách đây 3 năm, trong lúc thi hài của Người đang quàn trong nhà lạnh.
- Bài điếu văn của Trần Quang Đức - lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, viết khi được tin ông Võ Văn Kiệt qua đời.
- Các bài của TS. Tô Văn Trường, ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị - Cựu Chủ tịch tỉnh An Giang)..

VĂN TẾ CỰU THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
Nguyễn Xuân Diện soạn

Sụt sùi trời Nam
Tang thương đất Bắc
Sáng sớm, Tân – Gia – Ba tin về
Giữa trưa, Bờ - lốc – gơ cấp báo
Đau đớn thay! Anh Sáu Dân từ trần
Ngao ngán nhẽ! Nguyên Thủ tướng tạ thế!
Nhớ linh xưa:
Mười sáu tuổi, đương thửơ hoa niên, dứt tình nhà đi làm Cách mạng
Tám lăm tuổi, ngại tiếng an chi, nặng lòng nước ra tay phản biện
Ra Bắc vào Nam
Viết văn, làm báo
Gặp gỡ giới báo chí, đầu bạc sát đầu xanh, nằm ngồi lo vận nước
Tâm tình văn nghệ sỹ, lòng son cùng máu đỏ, bó gối ngẫm cơ trời.
Lên tiếng phản biện, lòng đã quyết lòng
Hạ bút luận bàn, chí còn bền chí!
Không mở rộng thủ đô, đừng biến Hà Nội thành nơi thí nghiệm
Hãy giữ lấy Ba Đình, nên để Hội trường làm chỗ tham quan.
Đau đớn thay! Công việc dở dang
Thương tâm quá! Đàn em bỡ ngỡ
Trời Sài Gòn một màu ảm đạm, vật vã mây vần
Mây Biển Đông sắc pha tối sẫm, ầm ầm sóng thét.
Anh em khắp nước bặm môi ghìm tiếng khóc thương
Bè bạn năm châu gạt lệ cúi mình mặc niệm
Xin chúc anh linh Người, sẽ đời đời thanh thản ở chốn Bồng Lai
Nguyện tiếp bước đường Anh, bước chăm chăm hăm hở tới đài Dân chủ!

23h30, ngày 12 tháng Sáu, 2008
Lâm Khang cẩn bút
Nguyễn Xuân Diện

BÀI CÚNG CƠM CỰU THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
Nguyễn Xuân Diện
Sáng Thứ Sáu, 13.6.2008

Việt Nam quốc,
Hà Nội thủ đô năm hai ngàn lẻ tám
Tháng Sáu, ngày Mười Ba
Chập tối qua Đảng phát tang
Sáng sớm nay, dân òa khóc
Trời Hà Nội mấy ngày oi bức, một sớm khóc òa
Mây khắp nước một đêm nghẹn trời, từng giờ nức nở
Dẫu chưa thiết lập linh sàng
Cũng xin dâng Người cơm cúng.
Trước anh linh xin dâng:
Một ánh nến thắp bằng dòng điện, mà Người kéo từ Bắc vô Nam
Bát cơm trắng nấu từ vựa lúa, mà Người cho thay chua rửa mặn.
Đơn sơ lễ bạc lòng thành
Thống thiết lòng đau lệ chảy.
Phục duy thượng hưởng
Cấn cáo

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (thứ 2 từ phải sang), cùng đoàn lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng nhớ Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sáng nay (9/6), nhân lễ giỗ lần thứ 3 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/6/2008- 11/6/2011), Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long tổ chức đoàn do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Lực làm trưởng đoàn đến TP Hồ Chí Minh, viếng và thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng. Cùng đi có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Truyền khóa VII, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh cùng các đồng chí cách mạng lão thành. Đoàn đã thắp hương bày tỏ lòng tri ân, đồng thời gởi lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe đến gia đình cố Thủ tướng.
Đoàn lãnh đạo tỉnh thăm hỏi sức khỏe gia đình và phu nhân cố Thủ tướng.

Đoàn lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với gia đình tại nhà thờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Những ngày qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước và những người bạn đã từng chiến đấu, công tác với ông cũng đã đến thắp hương tưởng nhớ ông- người chiến sĩ cách mạng hoạt động liên tục trên 70 năm và đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tin, ảnh: THÚY QUYÊN


Phóng viên Xuân Hồng của BBC phỏng vấn Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn hôm 17.04
Phóng viên Xuân Hồng của BBC phỏng vấn Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn hôm 17.04
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, vị thủ tướng của những năm đổi mới đầu tiên ở Việt nam đã có ý kiến chính thức với lãnh đạo đất nước là nên đối thoại với những người bất đồng chính kiến.
Ông nói rằng " chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng."
Ông cũng nói thêm chính phủ không nên áp dụng "biện pháp hành chính đi đầu" với họ, trừ phi là " con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta".
Ông nhận xét rằng dân chủ tại Việt Nam đã có những bước phát triển tốt, nếu tính tình hình đổi mới từ đầu vì người dân phê phán mạnh hơn các sai trái của các người cầm quyền.

 Phần một cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt
 Phần hai cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt
 Phần ba cuộc phỏng vấn với ông Võ văn Kiệt

Trong cuộc phỏng vấn dài, ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập tới cuộc bầu cử quốc hội hiện nay.
Ông nói : " Tôi và một số không ít anh em khuyến khích là nên có đổi mới, khuyến khích có tình trạng tự ứng cử để cho các ứng viên có trách nhiệm "
Ông Kiệt nói: "Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ"
Ông Võ Văn Kiệt khiêm nhường nói rằng ông có trách nhiệm thi hành chính sách đổi mới, chú nhất mực không nhận là kiến trúc sư của đổi mới.
Theo ông, kiến trúc sư đổi mới chính là Bộ Chính Trị Trung Uơng Đảng mà ông là một thành viên.

Tổ quốc là của riêng ai
Ông cũng khẳng định: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả"
Trong một cuộc phỏng vấn dài với BBC, ông Kiệt nói Việt Nam nay đã bắt tay với tất cả các kẻ thù trong quá khứ và không có lý do gì người Việt không thể cùng ngồi lại.
''Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được.
''Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau.''

''Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến."

Trong phỏng vấn với Xuân Hồng của đài BBC tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư thứ 32 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông Kiệt cũng nói về những mất mát trong chính gia đình ông:
''Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến.
''Và có thể tôi nhắc ông nhớ trong thảm sát ở sông Sài Gòn năm 1966, Mỹ bắn chìm một cuộc hành quân ở vùng Củ Chi đất thép, bắn chìm chiếc tàu Thuận Phong. Trên 100 người trong đó có vợ con tôi, tức là một đứa trai, một đứa gái và vợ tôi.
''Tới bây giờ tôi chưa tìm lại được hài cốt. Có thể một số người dân khác họ bị nạn cũng tương tự như thế.''
Ông Kiệt cũng nói chính trong gia đình ông cũng có những người đứng ở hai bên bờ chiến tuyến do hoàn cảnh bắt buộc như vậy.
Vị Cựu Thủ tướng nói đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà ông nói rằng phần nhiều do 'nước ngoài' can thiệp gây ra.

Nhiều đường yêu nước
Nói đến cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, ông cho biết ông ủng hộ mạnh chuyện để các ứng viên tự ứng cử và muốn người dân được "tự do lựa chọn,"
Ngoài ra, ông hoan nghênh việc người Việt ở nước ngoài có hai quốc tịch và được tham gia ứng cử ở Việt Nam.
Vấn đề định nghĩa thế nào là một người Việt Nam yêu nước cũng được BBC đặt ra với nhà chính trị được nói là tuy nghỉ hưu nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng.
Trước hết ông bác bỏ quan điểm rằng người cộng sản không yêu nước. Ông khẳng định ông là một "người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản".
Ngược lại, ông Võ Văn Kiệt nói: "Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình".
Phóng viên Xuân Hồng của BBC và Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt
"Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào."
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Ông nói "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào".
Quan điểm về hòa hợp hòa giải dân tộc và cụm từ thường được gọi là 'quốc gia và cộng sản" cũng được ông nói đến.
Về hòa hợp hòa giải dân tộc, ông khen đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 'làm tốt hơn tôi' về vụ nghĩa trang Biên Hòa.
Và cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng kể lại với BBC giai đoạn 10 năm sau 1975 mà ông coi là "có nhiều sai lầm" vì theo một mô thức kinh tế nhất định.

Đối với văn nghệ sĩ
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng trong tiến trình hội nhập, thì các văn nghệ sĩ ở miền nam trước đây có tác phẩm " chống đối, không phù hợp hoặc cản trở cho hướng đi lên của đất nước", nay cũng có thể được đánh giá khác hơn.
Ông cũng lấy trường hợp của bốn người có tham gia vào phong trào " Nhân Văn & Giai Phẩm", mặc dù chưa được "phục hồi" nhưng vừa qua đã được thưởng bằng tiền mặt.
Ông Kiệt nói "Có nhiều tác phẩm không có nội dung như truớc đây, nhưng cũng đã được xuất bản, vì trong quá trình đi lên, có mặt này, mặt khác trong việc xử lý những văn nghệ sĩ".
Ông bộc bạch " Nói thẳng với nhau : cũng như những người đối lập bây giờ, có những ý kiến khác nhau, chính kiến khác nhau, thì mình xử lý không được tốt, và phải nhìn lại".

Phải bảo vệ môi truờng
Khi được hỏi tại sao ông lên tiếng bảo vệ 41 con cọp được một hộ dân nuôi, ông nói rằng quan hệ giữa cá nhân ông với loài thú hoang dã như một thứ "hàm ân".
Ông tỏ ra thích thú với "hàm ân" và nói: " Theo thời gian, con người có thể gần và thậm chí nuôi được các con thú hoang dã".
Ông khẳng định " Không có con đường nào khác hơn là phải bảo vệ các loài động vật quý hiếm trước nguy cơ chúng bị diệt chủng và ngăn cấm con người săn đuổi chúng"
Ông cũng công nhận khi còn tại chức ông chỉ hiểu "chung chung" về môi trường, nhưng nay, nhờ tiếp cận được với tiến trình phát triển, ông thấy rằng môi trường là một vấn đề gây "nhức nhối".
Ông nói rằng : "nếu tiến trình phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nếu không có biện pháp tích cực ngăn việc phá hoại môi trường".
Ông nói: " Ngay trong lúc này, môi trường đã bị xăm hại rất nhiều , và ông không thể chấp nhận tình trạng này".
Trong cuộc nói chuyện dài hơn một giờ đồng hồ, ông Võ Văn Kiệt cũng nói đến các nhân vật như ông Nguyễn Hộ và ông Trần Bạch Đằng.
Một kỷ niệm khó quên với Xuân Hồng là dù chính ông Võ Văn Kiệt đã đồng ý để BBC phỏng vấn nhưng phóng viên BBC đã phải mất nhiều cuộc gặp với cơ quan chức năng, mới gặp được ông chỉ một giờ trước khi ra phi trường về Anh.


Tác giả: Tương Lai

Trước những diễn biến phức tạp đang dồn dập xảy ra ở Biển Đông, người ta lại nhớ đến suy tư của ông Sáu Dân dạo nào: "thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc".
"Nỗi niềm tưởng đến mà đau", ông Sáu Dân ra đi thế là đã ba năm. Một nghìn tám mươi ngày đà mấy chốc, thế mà thời cuộc bể dâu biết bao chuyện đáng suy tư.
Anh bạn thân của tôi đang ở bên Úc, người từng cận kề với ông Sáu Dân trong những công việc liên quan tới công tác đối ngoại, trong thư vừa gửi có hỏi: "anh TL nè, không biết nếu anh Sáu còn sống, thì anh Sáu sẽ nói gì nhỉ? Anh có đoán được ra không? Có lần anh ấy đã nói với em ở Tây Hồ, ít ngày trước khi em sang Úc... gặp anh, em sẽ kể lại anh những gì anh Sáu nói với em dạo ấy".
Tuy hồi hộp chờ chuyện anh bạn sẽ kể, nhưng tôi không "đoán", mà là mường tượng được ông Sáu đã nói gì với Tr... về những mối quan tâm trên lĩnh vực đối ngoại trong dịp ấy, và rồi sẽ nói gì vào lúc này, về những sự kiện đang khuấy động tâm tư của mỗi người Việt Nam ưu tư về vận mệnh của đất nước. Một người bạn thân tình và cũng là người trợ giúp tin cậy của ông Sáu Dân, anh Việt Phương, trong bài thơ vừa gửi cho tôi đã nói hộ điều đó:
"Ba năm hơn một nghìn ngày
Bao nhiêu biến động đổi thay cõi người
Chuyện nhà chuyện nước chuyện đời
Người còn trăn trở không nguôi nỗi niềm..."
Đâu chỉ có một mình ông Sáu Dân trăn trở, cho nên phải nói là ông trăn trở những điều mà cả nước đang trăn trở. Chính ở đây, người ta muốn có những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược như ông Sáu Dân đã từng làm, để từ đó mà đưa ra được những giải pháp sáng tạo, giàu tính thuyết phục, khởi động được sức mạnh to lớn của dân.
 
Ảnh tư liệu.
Và rồi, trước những diễn biến phức tạp đang dồn dập xảy ra ở Biển Đông khiến người ta lại nhớ đến suy tư của ông dạo nào: "thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc. Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc".*
Thách thức đi liền với cơ hội. Chuyện này chẳng có gì mới, cũng chẳng có gì "đột phá", nhưng sẽ là "đột phá" ở cách vận dụng sao đây để biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế.
Bình sinh, ông Sáu Dân thường có những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược như vậy. Mà "đột phá" được vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình. Có được bản lĩnh ấy nhờ biết coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí nguyện vọng của dân.
Bằng sự chân tình của một con người mà nhịp đập của trái tim mình nối kết được với nhịp đập trái tim yêu nước của người dân, ông Sáu Dân đã từng vận dụng một cách trung thành và sống động tư tưởng Hồ Chí Minh về cách bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến đại đoàn kết dân tộc, cũng chính là nói về tập họp và phát huy ý chí, trí tuệ và sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân trong đời sống hàng ngày muôn hình muôn vẻ của họ mà đôi khi cứ như "tự phát" hoặc "không theo một chỉ thị, nghị quyết" nào!
Ông biết cách chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của từng con người trong nhiều tầng lớp nhân dân. Do cảm nhận được tâm tư, nguyện vọng của con người đang cùng ông chia ngọt sẻ bùi, những con người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau với cách biểu tỏ lòng yêu nước, thương nòi không giống nhau, thậm chí có khi rơi vào những tình huống éo le, khó xử mà ông từng chứng kiến, khiến cho ông thấm thía hơn ý nghĩa "đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung" trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong ảnh: tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc cắt cáp.
Để thật sự có khối đại đoàn kết dân tộc, Võ Văn Kiệt biết và dám tìm mọi cách để khơi dậy mọi khả năng đang còn tiềm ẩn trong mỗi một con người thuộc mọi tầng lớp, rũ bỏ những định kiến, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của dân tộc mà chân thành đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước.
Cũng chính vì thế, ông có được một tầm nhìn vượt xa lên phía trước về phát huy dân chủ, xem đó là điều kiện tất yếu để có đoàn kết chân thành và bền vững, động lực quyết định của phát triển. Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi một con người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của đất nước. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Có thể nói chữ dân trong khối óc và trái tim của Sáu Dân gắn làm một với dân chủ.
Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào, đồng chí của mình ông tiếp thu vào mình nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với nguồn mạch đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự kiên trì học hỏi và chân thành lắng nghe những chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Những cái đó suối nguồn bất tận làm nên một tầm vóc Võ Văn Kiệt, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách.
Trong bối cảnh phức tạp đang diễn ra lại nhớ đến những suy tư của ông: "Việt Nam ta hiện nay phải lựa chọn: hoặc không có một chỗ dựa nào nữa, hoặc phải tìm một tình thế quốc tế tối ưu cho mình. Về điều này, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức rất tốt về tình hình quốc tế, biết tính toán rất kỹ các phương án. Không thể chỉ nói như là đã giải quyến được vấn đề" * 2[526] .
Ông đưa ra những gợi ý rất đáng suy nghĩ: "Ngày nay khi thế giới hai cực không còn nữa thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó còn có thể tìm được chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào. Chỗ dựa và cách dựa bây giờ khác đi. Bây giờ không phải đi tìm một cường quốc nào đó mà là cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm"* .
Trong tư cách là người gánh vác trọng trách trước dân, ông đặt vấn đề rất công khai và sòng phẳng: "phải trân trọng những cái mới, phải khuyến khích những những tìm tòi, những hướng đi mới, không nên khư khư giữ nếp cũ hoặc thỏa mãn với những gì làm được. Nếu chỉ sợ chệch hướng theo một đánh giá nào đó thì thực tế cầm chắc là sẽ tụt hậu. Vào thời kỳ trước 1986, tất cả những mũi đột phá sáng tạo đều đã từng bị những quan điểm bảo thủ quy kết là chệch hướng...
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu trong những năm gian nan ấy mà những quy kết đó không kiên trì khắc phục, thì mọi mũi đột phá đều bị ngăn cản. Như vậy, Việt Nam có vượt qua được khủng hoảng và bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện không?
Từ kinh nghiệm đó, chúng ta phải thẩm tra xem ngày nay đang có những gì cần phải tiếp tục tìm tòi, phải biết tìm mọi cách phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo động lực mới để bứt phá, tìm ra những hướng sang tạo mới trong các bước đi để bắt kịp được nhịp phát triển của thời đại. Cần phải rạch ròi và song phẳng chỉ ra những hướng đi đang còn bị ngộ nhận và quy kết đơn giản là chệch hướng, liệu có đúng là chệch hướng không?...Chẳng lẽ phải đuổi kịp thiên hạ là chệch hướng, để đất nước tụt hậu ngày càng xa là đúng hướng?" *
Cổ vũ cho những mạnh dạn tìm tòi với ý thức trách nhiệm cao trước dân, ông Sáu Dân hay nhắc lại về những bài học thực tiễn, có những điều từng được truy chụp là sai lầm, chệch hướng nhưng sau đó thực tiễn lại chứng minh là đúng đắn và sáng tạo. Ngược lại, có những điều được khẳng định là vấn đề có tính nguyên tắc, là định hướng đúng đắn thì rồi thực tiễn đã bác bỏ khi những điều tưởng là "thiên kinh, địa nghĩa" đã bị cuộc sống vượt qua.
Ông nghiêm khắc phê phán những người "...sẵn sàng cao giọng bảo vệ chế độ, tích cực chống bọn tấn công vào Đảng, vào chủ nghĩa xã hội. Thực ra là họ sợ hãi cho lợi ích bất chính của họ..."* Đó là những người mà ông Sáu Dân gọi là "tham nhũng những giá trị trí tuệ, những danh vị cao quý bằng chủ nghĩa cơ hội..."*
Thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này ông hiểu rằng sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng. Điều này dễ hiểu. Ở những quãng sông nước chảy xiết, nhất là ở những khúc ngoặt, váng bẩn sẽ nổi lên nhiều, nhưng dòng sông vẫn chảy. Khi tư tưởng đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh vật chất tao ra những bứt phá, đưa đất nước đi tới. Nhân ngày giỗ ông Sáu Dân, nghĩ về ông , thiết thực nhất là nhắc lại một vài ý tưởng có sức thuyết phục của ông.
________________
* "Võ Văn Kiệt, người thắp lửa". NXB Trẻ. 2010, tr. 471, 526, 525, 524, 528




Tác giả: Vũ Khoan *

Thật tình, tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau tôi càng nghiệm thấy rõ rằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại.

Chiến thuật "hoa sen nở" của anh Sáu Dân
Tôi gặp anh Sáu lần đầu vào cuối những năm 70, khi anh Sáu dẫn đầu một đoàn đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh sang thăm thành phố kết nghĩa ở Liên Xô cũ là Leningad (nay là Saint Peterburg). Lúc đó tôi đang công tác tại Đại sứ quán nước ta ở Liên Xô và được giao trách nhiệm chăm lo cho Đoàn. Trước đó tôi đã từng được nghe tiếng về anh Sáu như một nhà lãnh đạo từng trải ở Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến và năng nổ ở thành phố HCM sau ngày giải phóng; khi gập lần đầu thì điều gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là anh đó rất cởi mở, chuyện trò, bông phèng rất tự nhiên với các đồng chí Liên Xô và bọn tôi, đúng phong cách của một "anh Hai Nam bộ".
Sau này tôi có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc trực tiếp với anh Sáu, khi thì trên cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khi thì với trách nhiệm là Bộ trưởng Thương mại, khi thì tham gia Ban Bí thư Trung ưong Đảng và Thường trực Chính phủ. Đã có không ít người chia sẻ những ấn tượng, đánh giá về anh Sáu với tư cách là một nhà lãnh đạo xuất sắc về chiến tranh và xây dựng, riêng tôi muốn chia sẻ vài cảm nghĩ về anh trên mặt trận đối ngoại.
Nụ cười Võ Văn Kiệt
Vào đầu những năm 90 thế kỷ trước đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nước ta có cơ hội thoát khỏi tình thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế. Tại một cuộc họp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn về vấn đề này, trong lúc nghỉ giải lao anh Sáu gọi tôi - đại diện cho Bộ Ngoại giao được triệu tập sang dự họp, ra một góc để trao đổi ý kiến. Anh đặt vấn đề: đã có sự nhất trí cao về đánh giá tình hình và chủ trương phá vây, song ta cần tính kỹ bước đi sao cho có hiệu quả nhất.
Trong quá trình trao đi đổi lại, anh gợi ý nên áp dụng chiến thuật "hoa sen nở", đi từ trong ra, theo đó trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam A vốn có lợi ích sát sườn trong quan hệ với ta đi đôi với việc bình thường hoá quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc; từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật bản, Hàn quốc, Ôtxtrâylia, Niu Di-lân, tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là EU; thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận nước ta.
Thật tình, tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau tôi càng nghiệm thấy rõ rằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại.
Cũng giống như khi chỉ đạo các công việc trong nước, một khi đã xác định mục tiêu chiến lược thì anh thường rất quyết đoán, không quá băn khoăn về những khía cạnh cụ thể, tiểu tiết. Như trên đã nói, đoàn đại biểu chính phủ ta do anh Sáu dẫn đầu đã lần lượt đi thăm Thái lan, Inđônêxia, Malaixia...Giữa các chuyến thăm đó, anh Tư Triết, Bộ trưởng Bộ Thương mại lúc bấy giờ có việc quá cảnh Singapore bỗng nhiên được Phó Thủ tướng Lý Hiển Long tiếp và ngỏ ý sẵn sàng đón đoàn ta. Anh Tư Triết gọi điện cho tôi thông báo việc này và đề nghị cho ý kiến ngay để trả lời bạn. Tôi lập tức gọi điện xin ý kiến anh Sáu, anh đó chỉ thị cho tôi cứ nhận lời, anh sẽ thu xếp thủ tục nội bộ sau.
Cũng vào đầu những năm 90 thế kỷ XX ta đã tính đến việc gia nhập ASEAN và giữa những năm 90 đã xuất hiện những tín hiệu từ các nước thành viên sẵn sàng kết nạp nước ta vào Hiệp hội. Sau khi xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ngoài Hà Nội, tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến anh Sáu đang họp ở trong đó. Bước vào sảnh Uỷ ban Thành phố, tôi nhờ anh em vào báo cáo anh Sáu tôi có việc quan trọng cần xin ý kiến gấp. Một lúc sau anh Sáu bước ra với vẻ mặt hơi khó chịu và hỏi: Có việc gì gấp "dzậy"? Nghe tôi trình bầy đầu đuôi, anh nói: tôi đã có ý kiến từ lâu rồi, còn đắn đo gì nữa, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội!
Trong quá trnh đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, chúng tôi cũng được anh Sáu chỉ đạo sát sao, nhiều khi trực tiếp xử lý những vụ việc phức tạp nảy sinh, "cương, nhu" kết hợp nhuần nhuyễn.
Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ với ta đúng vào lúc anh Sáu làm Thủ tướng. Đây là quá trình không đơn giản chút nào nếu tính rằng, giữa ta và Hoa Kỳ có biết bao vấn đề gay cấn do chiến tranh để lại như MIA, ODP (chương trình ra đi có trật tự), HO (người trong trại cải tạo ra), con lai, tài sản ngoại giao, trong đó có câu chuyện về những ngôi nhà thuộc sở hữu của hai bên. Thú thật, chúng tôi ở Bộ Ngoại giao không biết sẽ xoay sở ra sao để xử lý những chuyện đầy nhậy cảm ấy nếu không có sự chỉ đạo, nhiều khi trực tiếp can thiệp quyết liệt của anh Sáu. Anh làm tất cả những chuyện này đều xuất phát từ lợi ích của đất nước, từ tầm cao chiến lược cho dù vợ con anh đã bị máy bay Mỹ giết hại.
Năm 2000, sau khi được cử sang làm Bộ trưởng Thương mại, một trong những việc tôi phải tiến hành là làm thế nào để sớm ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ nhằm mở ra một thị trường có dung lượng lớn nhất thế giới. Thực ra cuộc đàm phán đã hoàn tất vào năm trước song ngay trước khi Hiệp định được ký ở Auckland (Niu Di-lân) nhân dịp Cấp cao APEC họp đã bị hoãn lại do còn có sự băn khoăn về một số điểm. Nay tôi phải đàm phán tiếp để giải quyết nốt những điểm đó và ký Hiệp định. Trước khi khăn gói lên đường sang Oa-sinh-tơn đương nhiên tôi phải xin ý kiến lãnh đạo. Anh Lê Khả Phiêu, lúc này đã là Tổng Bí thư yêu cầu tôi xin thêm ý kiến các đồng chí cố vấn BCH TW Đỗ Mưòi, Lê Đức Anh và Võ văn Kiêt. Khi gặp anh Sáu, tôi định trình bầy các phương án cụ thể để giải quyết từng điểm còn lại thì anh đó ngắt lời nói: tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định này đối với quan hệ quốc tế của nước ta và việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, còn những điểm cụ thể các anh tự lo liệu rồi xin ý kiến quyết định của Thủ tướng Chinh phủ.

Những quyết định rất độc đáo
Đó là vài việc "đại sự quốc gia", còn ngay cả các vấn đề cụ thể anh Sáu cũng có những quyết định rất độc đáo. Tôi nhớ khi anh Sáu quyết định cấm đi dép lê, đội mũ tại các cuộc họp công cộng; yêu cầu phải mặc com-lê, đeo cra-vát trong các nghi lễ trọng thể, ngay anh em chúng tôi vốn quen hoạt động ngoại giao cũng thầm nghĩ rằng, quyết định ấy không thực tế. Thế mà chẳng bao lâu sau, tại một cuộc họp chính thức ở một tỉnh miền núi tôi bị "hố" vì chỉ có một mình mình ăn mặc tuyềnh toàng, còn các vị lãnh đạo địa phương đều mặc com-lê, đeo cra-vát tuốt ! Anh cũng là người nêu ra sáng kiến thiết kế quốc phục, thậm chí đã có một triển lãm nội bộ, song tiếc rằng việc này không thành vì có quá nhiều ý kiến khác nhau.
Một việc nữa cũng nhờ có sự quyết đoán của anh Sáu mà nay đã có sự thay đổi căn bản. Số là trước đây ta tổ chức nghi thức đón các đoàn cấp cao nước ngoài tới thăm Việt Nam ở quảng trường vườn hoa "Con cóc", trước Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền và Ngân hàng Nhà nước. Chỗ đó chẳng có ý nghĩa lịch sử hay mang tính tượng trưng gì lại trống huyếch trống hoác, rất không phù hợp với các nghi lễ trang nghiêm. Thấy vậy anh Sáu bèn quyết định cải tạo lại sân trước Chủ tịch phủ làm nơi tiến hành công việc trang trọng này. Nơi đó vừa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và mang tính biểu tượng cao, cảnh quan đẹp, bốn bề rợp bóng cây xanh. Thế nhưng lúc đó cũng đã nẩy sinh tiếng bấc tiếng chì, cho là lãng phí! Trong một lần đi kiểm tra công trình, anh Sáu chia sẻ với tôi tâm tư trước những lời bàn tán đó và nói rằng, việc này liên quan tới bộ mặt quốc gia, tuy có tốn đôi chút vẫn là việc nên làm, đã thấy đúng thì cứ mạnh dạn làm, rồi ra người ta sẽ hiểu. Quả thực bây giờ không thể tưởng tượng nổi một nơi nào xứng đáng hơn cho nghi lễ trang trọng này.
Trong quan hệ quốc tế, anh Sáu đã tạo dựng được tình thân với nhiều nhà lãnh đạo các nước - một nhân tố cực kỳ quan trọng, có lợi cho mối bang giao giữa nước ta với các nước. Nhiều lần bồi đồng anh Sáu tiếp xúc với khách nước ngoài tôi nhận ra rằng, sở dĩ vậy vì anh Sáu có một phẩm chất rất quý là luôn chân thành, thẳng thắn, thiết thực. Khi giao lưu, tiếp xúc với khách nước ngoài, anh Sáu ít khi dùng những ngôn từ, câu nói xã giao sáo rỗng, mà thường "áp dô" những vấn đề thiết thực. Gặp ông Lý Quang Diệu là vấn đề xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu của Singapore ở Sông Bé, nay là Bình Dương, gặp ông Mahathir (Thủ tướng Malaysi) là vấn đề xây dựng khu chế xuất của Malaixia, gặp ông Murdani - Bộ trưởng Quốc phòng Inđônêxia, phụ tá thân cận của Tổng thống Suharto là vấn đề thềm lục địa giữa hai nước, gặp Thủ tướng Anand của Thái lan là vấn đề thay đổi chính sách hà khắc đối với bà con người Việt ở Thái lan, gặp Thủ tướng Úc Keating là chuyện cầu Mỹ Thuận...
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng lãnh đạo nước ngoài.
Nhiều người đã nói tới ý nguyện của anh Sáu mở rộng tấm lòng với bà con người Việt ở nước ngoài, thực hiện sự hoà hợp dân tộc. Khi chuẩn bị đi thăm Ô-xtrây-lia ta nhận được tin một số phần tử quá khích sẽ tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ để chống phá đoàn ta và quan hệ hai nước. Tôi sang gập anh Sáu báo cáo công việc, trong đó có việc xử lý tình huống này. Anh Sáu nói không có gì đáng ngại, chúng chỉ là thiểu số nhỏ nhoi, còn đại đa số bà con vẫn hứớng về đất nước. Khi tới Can-be-ra thì quả nhiên bọn quá khích đã gây ra những hành vi láo xược khi đoàn ta tới hội đàm ở Nhà Quốc hội. Buổi tối hôm đó Thủ tướng Keating tổ chức chiêu đãi chào mừng đoàn. Anh Sáu đề nghị tôi gập Chánh Văn phòng Nội các trước, yêu cầu có biện pháp không để những kẻ quá khích tới dự chiêu đãi. Bạn đã giữ lời hứa không để bọn chúng xuất hiện song mời khá đông đại diện Việt kiều thuộc nhiều chính kiến khác nhau tới dự. Lúc đầu bà con còn giữ kẽ, né tránh chuyện trò với các thành viên trong Đoàn, nhất là với anh Sáu nhưng chẳng bao lâu sau, với thái độ chủ động, thân mật, cởi mở anh Sáu đã hút họ về phía mình, chuyện trò rôm rả, chú chú cháu cháu như người thân lâu ngày mới gặp, thậm chí trời đã về khuya vẫn chưa dứt, mấy lần tôi phải nhắc anh rời cuộc tiệc để chủ nhà còn về nghỉ.
Chẳng biết số phận run rủi thế nào mà khi tham gia ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ tôi được xếp ở nhà công vụ nơi anh Sáu ở trước; khi nghỉ hưu được bố trí sử dụng chiếc xe nhãn hiệu Crown mà anh Sáu đã từng dùng đến tận khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Một lần khi ra Hà Nội, anh Sáu rủ tôi lên Nhà nghỉ Hồ Tây hàn huyên. Lúc đó vào buổi tối, bước vào nhà tôi thấy anh Sáu thoải mái trong bộ cánh bà ba nâu, tươi cười chào hỏi. Hai anh em đàm đạo gần 2 tiếng đồng hồ, đủ chuyện trên trời dưới đất, trong đó anh trăn trở nhiều điều. Anh cho rằng phải rất tích cực, chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng; chính vì vậy anh có ý định sang thăm Hà Lan - một quốc gia mà ngay tên gọi đã có nghĩa là vùng đất thấp, để tìm hiểu kinh nghiệm của họ ứng phó với tình cảnh này thế nào. Trước khi chia tay anh còn khuyên tôi nên chủ động theo dõi sức khoẻ bản thân bằng cách định kỳ đi thử máu.
Thế mà chỉ vài hôm sau tôi bỗng nhận được tin anh Sáu đã rời thế gian về cõi vĩnh hằng.
--------------------------------------------------------
* Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, nguyên Bĩ thư Trung Ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ