Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Ghi vội từ Trung Quốc


* phần 1
Bây giờ là buổi tối ở Thượng Hải. Trời đang mưa, nhiệt độ khoảng 30 độ C, cũng nóng ẩm như ở VN. Chiều nay, khi tôi đến, trời không mưa nhưng không hề nhìn thấy mặt trời. Cả thành phố ở dưới một màn mây màu xám do khói bụi kết lại; không khí lúc nào cũng như phủ sương mù. Tuy thế, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay Pudong, tôi lập tức nhận ra Thượng Hải là một thành phố có định hướng quốc tế rất rõ ràng. Những người quy hoạch cho thành phố này có vẻ có ý thức rất rõ việc biến nó thành một trung tâm quốc tế trước hết là ở châu Á và sau đó là cả thế giới. Từ sân bay đồ sộ và hiện đại, tới đường cao tốc nhiều làn, có kẻ biển hiệu giống hệt ở Mỹ, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, tới những thứ nho nhỏ như việc người ta cử người xếp các xe đẩy hành lý trong sân bay thành một hàng một trên vỉa hè để cho hành khách có thể dễ dàng lấy xe... Những cái đó thể hiện một tinh thần hướng vào dịch vụ, tiện nghi, hướng vào việc thỏa mãn khách hàng ở mức phổ quát nhất và quốc tế nhất.

Không kể lần đi Hồng Kong năm ngoái thì đây là lần đầu tôi tới Trung Quốc - để dự một hội thảo quốc tế về công tác xã hội và chính sách xã hội mà tôi có một bài thuyết trình, đồng thời là một thành viên của ban tổ chức từ phía Hội những người giảng dạy CTXH châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo này có nhiều bên đồng tổ chức - trường đại học Đông Á ở Thượng Hải, Hội những người giảng dạy CTXH nói trên, Đại học New York, Humboldt Foundation của Đức, và Vụ các vấn đề xã hội của Thượng Hải. Về cơ bản thì phần nội dung là do bên Hội tổ chức; các thành phần còn lại hỗ trợ về mặt kinh phí và hậu cần. Đặc biệt, sự tham gia của ĐH New York nằm trong chiến lược mở một chi nhánh của ĐH New York tại Thượng Hải nhằm đặt một tiền đồn cho thị trường TQ và châu Á - giống như họ đã mở một campus ở Abu Dhabi để đặt một tiền đồn ở khối các nước nói tiếng Ả rập. Theo dự kiến, năm 2013, tức là chỉ 2 năm nữa, campus ở Thượng Hải sẽ khai giảng khóa đầu tiên. Trong vòng một năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho Đại học San Jose và triển khai khóa học mùa hè về CTXH cho sinh viên Mỹ tại Việt Nam, tôi nhận thấy rất rõ cái thế của TQ trong thị trường giáo dục Mỹ. Ở Mỹ hiện tại, trong hầu hết các trường đại học, "châu Á" về cơ bản được hiểu là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Các khoa ngôn ngữ và văn minh châu Á chủ yếu dạy tiếng, văn hóa, lịch sử, vv... về các nước này; toàn bộ phần còn lại của châu Á gần như bị bỏ không.

Từ sân bay về khách sạn mất 40 phút. Đường cao tốc từ sân bay vào thành phố 4-5 làn, xây hiện đại không khác gì ở Mỹ, và xe chạy tương đối quy củ, chắc chắn là hơn hẳn VN. Giá đi taxi ở đây có vẻ cũng rẻ hơn ở Hà Nội. Tôi check-in vào khách sạn, và lập tức được yêu cầu phải trả trước toàn bộ tiền phòng cho 3 tối, cộng với 100 đô la đảm bảo. Mà đây là khách sạn chính thức của hội thảo. Cái tâm lý “ăn chắc mặt bền”, không tin người và luôn đề phòng thủ lợi cho mình trước là một tâm lý rất đáng buồn ở nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt này, tôi buộc phải nói rằng ở Mỹ sống dễ hơn rất nhiều vì không phải nhìn trước ngó sau, không phải suy đoán xem người ta có đang lừa mình không. Bản thân luật và các dịch vụ ở Mỹ cũng thế: hầu hết dựa trên mặc định rằng đa số người ta là tốt và trung thực (hoặc muốn được sống trung thực), phần không trung thực là rất nhỏ; cho nên không nên vì đề phòng phần không trung thực mà tạo ra các loại cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa, tra xét rất tốn thời gian và tốn tiền, lại không tôn trọng con người. Cho nên, ở Mỹ, bạn không phải đi xin xác nhận của phường hay của bất cứ ai khi đi đăng ký kết hôn, chỉ cần cái cam kết và chữ ký của chính bạn là đủ. Người Mỹ “thực dụng” thực sự chính là ở những chỗ như thế này: với họ, tính về hiệu quả kinh tế, tin tưởng lẫn nhau thực ra có lợi hơn là đề phòng và tạo các cơ chế kiểm soát mà theo đó ngầm mặc định sự thấp kém của con người.

Phòng khách sạn có internet nhưng không vào được Facebook, Blogspot và nhiều trang khác vì tường lửa. Google và nhiều trang nghiễm nhiên chuyển sang tiếng Trung. Cái cảm giác bị quản lý và theo dõi ở đây rất rõ và lộ liễu. Tôi lập tức thấy mình cảnh giác – nên không vào banking online và hạn chế luôn cả việc vào Internet.

Buổi tối, tôi bắt taxi chạy vào khu trung tâm thành phố. Tính về mức độ sầm uất, mật độ nhà chọc trời, sự phong phú của hàng hóa thì Thượng Hải còn hơn các thành phố lớn của Mỹ và châu Âu. Nhưng xét về mặt dịch vụ và văn minh thì còn một khoảng cách lớn. Một ví dụ đơn giản là việc nhân viên phục vụ nhà hàng ở đây không hề quán xuyến khách – mà cứ phải để khách phải gọi. Một ví dụ khác là việc khi bạn đứng chụp ảnh thì những người đi qua đi lại không hề có ý thức tránh ra giúp bạn; họ cứ thản nhiên đi ngang qua màn hình hoặc thậm chí đứng lại nhìn; hoặc chen ngang chặn trước mặt bạn. Văn minh và sự quý trọng con người phải đến từ hai thứ - một là cái triết lý sống sâu xa của xã hội đó, và hai là quá trình thực hành thói quen sống văn minh. Tôi nhớ hồi năm ngoái, khi bố tôi sang Chicago thăm tôi, sáng nào cụ cũng dậy sớm đi bộ trên mấy con đường quanh nhà, và cụ cứ tấm tắc (gần như kinh ngạc) một việc là khi cụ đi bộ trên vỉa hè, thì những người đi ngược chiều với cụ lập tức tránh qua bên kia từ xa để nhường đường cho cụ, hoặc nếu họ dắt chó thì họ lập tức đứng lại, ghìm dây chó thật chắc và mỉm cười chào cụ, chờ cụ đi qua xong họ mới đi tiếp. Hoặc cụ cứ tấm tắc là khi chúng tôi đi chơi, thì những người đi qua nhìn thấy tôi chụp ảnh cho bố mẹ tôi là họ tươi cười hỏi "Các bạn có muốn tôi chụp cho cả ba người hay không?".

Đồ ăn ở Thượng Hải nhiều dầu mỡ xào nấu, hầu như chỉ có vị của đồ nêm, không còn có vị nguyên chất của thực phẩm. Ít rau, nhiều thịt, và tương đối cay. Có lẽ vì thế mà người Thượng Hải không đẹp – họ nặng nề, các nét thô, xương to, da thô; cả một ngày, tôi không gặp một cô gái nào mà tôi thấy là đẹp. Ở Hà Nội, mật độ này dày. Bạn tôi nói người Bắc Kinh đẹp hơn.

Trước khi đi ngủ, tôi mở vô tuyến xem truyền hình của TQ. Trong một chương trình gì đó có vẻ là thời sự, người dẫn chương trình đang nói chuyện bàn tròn với hai người đàn ông khác có vẻ là chính trị gia; họ chiếu nhiều hình ảnh hải quân và tàu trên biển – chắc chắn là đang nói về Biển Đông. Trong một chương trình ca nhạc khác, một cô bé khoảng 3 tuổi, mặc quân phục trắng của quân đội, đội mũ quân đội đang cầm một chiếc micro rất to hát sang sảng một bài gì đó chắc chắn nói về tình yêu nước hay tinh thần cách mạng hay cái gì đó đại loại như vậy. Cô bé quắc mắc, giơ nắm đấm lên cao. Khán giả vỗ tay vang dội. Tôi nghe cái âm sang sảng và những tiếng rin rít trầm bổng của thứ tiếng Tàu được phát âm với nhiều cảm xúc mà không khỏi nghĩ đất nước này là một khối tham vọng khẳng định bản thân khổng lồ, kể từ trong cái khí độ của ngôn ngữ trở đi. Bất kể cái tham vọng khẳng định đó có hình thù cụ thể là gì thì cái khối 1 tỷ người khổng lồ này, dưới sự định hướng của chính quyền TQ hiện tại, có vẻ đang rất cần giải tỏa, khai thông nó để tránh làm cơ thể Trung Hoa suy nhược do bế khí. Ở cạnh một khối khí aggressive đang cần khai thông như thế thì không thể nào lơ là việc tập luyện cho mình khỏe lên, lành mạnh lên, vững vàng lên.

* phần 2

Ngày hôm nay là ngày đầu tiên của hội thảo. Buổi sáng, tôi tỉnh từ 5 giờ vì vẫn còn bị lệch giờ với Mỹ. Kéo rèm cửa sổ nhìn ra, bên ngoài trời đã hửng sáng nhưng vẫn không có mặt trời. Bên dưới đường, mặt đất ẩm ướt; có nhiều người đi tập thể dục sớm – họ cũng mặc áo may-ô, quần cộc, đi giày ba-ta, vừa đi dọc các vỉa hè vừa vẩy tay theo lối tập dịch cân kinh mà nhiều người tập thể dục buổi sớm ở HN cũng hay tập. Nhìn thấy thế, tôi lại nghĩ: người dân ở đâu thì cũng như nhau – chủ yếu vẫn chỉ muốn no ấm, khỏe mạnh, nuôi con cái học hành nên người. Rồi lại nghĩ: nhưng không ai được chọn tổ quốc mà mình sinh ra, và số phận của một người không bao giờ có thể tách rời hoàn toàn số phận của tổ quốc họ, dân tộc họ.

Chúng tôi ăn sáng trong khách sạn rồi cùng lên xe ô tô tới đại học Đông Á, nơi tổ chức hội thảo. Bên trong sảnh, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là hai dãy bàn lớn bày sách giáo khoa ngành công tác xã hội mà trường Đông Á đã in. Các sách này có một phần là sách của các tác giả Trung Quốc; phần lớn còn lại là sách dịch từ tiếng Anh hoặc sách mà một tác giả Trung Quốc là đồng tác giả với tác giả nước ngoài. Chỉ nhìn thì biết là họ chọn sách rất kỹ và tương đối tốt; ví dụ như sách về family therapy thì dùng của Michael Nichols và Minuchin. Tôi hỏi họ sách này của trường in bằng quy trình và kinh phí như thế nào thì những sinh viên đứng giúp việc bán sách ở đó không biết tiếng Anh đủ để trả lời; tôi rất tò mò vì nhìn vào bìa sách thì có thể suy đoán là dường như trường Đông Á đã lên một kế hoạch đầy đủ về một bộ sách tổng thể mà họ cần dịch, rồi tiến hành dịch và in sách để bán cho sinh viên chứ không dựa vào các nỗ lực manh mún của từng người dịch. Ở VN, điều này chưa xảy ra. Cái mơ ước của tôi cho đến gần đây vẫn là làm thế nào để ra được một bộ sách giáo khoa tương đối chuẩn về ngành CTXH cho sinh viên VN vì số sách hiện có về ngành này ở VN có thể đếm trên đầu ngón tay và chất lượng thấp. Hiện tại, một nhóm giáo viên và sinh viên CTXH mà tôi tham gia đang bắt tay dịch thử một vài cuốn sách mặc dù chưa rõ đầu ra. Việc dịch sách giáo khoa ở VN rất khó: những cá nhân như tôi, dù muốn, không thể đứng ra in sách mà cần phải có một NXB nào đó đứng ra đại diện mua bản quyền. Nhưng các NXB hầu như không muốn làm sách giáo khoa dịch từ nước ngoài vì khó có lãi và mất công. Giá có ai tài trợ cho chúng tôi làm một bộ sách chuẩn thì tốt.

Dĩ nhiên TQ đã bắt đầu phát triển ngành CTXH trước chúng ta khoảng gần 2 thập kỷ. Năm 1978, họ đã phê duyệt việc đào tạo cử nhân về CTXH và đến năm 2010, họ có 200 chương trình cử nhân, 58 chương trình thạc sỹ; mỗi năm đào tạo ra 50 ngàn cử nhân và 15 ngàn thạc sỹ. Chính phủ TQ đặt kế hoạch là đến năm 2020, họ sẽ có 3 triệu nhân viên CTXH. Tuy thế, đây cũng là một dạng quyết định duy ý chí khác. Giáo sư X ở Anh ngồi cạnh tôi trong hội nghị đã có nhiều năm làm việc với TQ; ông nói, chương trình của TQ thực sự là tồi tệ; bởi vì giáo viên không được đào tạo về CTXH lại đi dạy sinh viên; và sinh viên thì hầu như không có thực hành; ra trường rồi ngơ ngơ ngác ngác. Tình trạng này có vẻ không xa lạ. Ở VN bây giờ, chúng ta cũng đang đối mặt với chính những nguy cơ này.

Chúng tôi bắt đầu họp lúc 8 giờ sáng. Trường Đông Á là một trường nhỏ mặc dù khoa CTXH của nó được đánh giá là một trong những khoa rất tốt ở TQ. Xem cách họ tổ chức hội thảo này và cách phát biểu khai mạc của các vị chức sắc trong trường thì thấy người TQ đã tiến hơn VN một bước trong văn hóa họp hành. Họ đã biết học người Mỹ và châu Âu ở chỗ đi thẳng vào vấn đề, nói ngắn gọn, có trọng điểm, theo đúng giờ và chương trình, rồi rút lui. Không trình bày lan man, chung chung, nghe phát chán vì chẳng hiểu người nói nói gì như tôi đã nhiều lần chứng kiến ở VN. Tuy thế, đến phần hỏi đáp, tôi thấy sinh viên TQ và cả cán bộ TQ giống hệt người VN ở chỗ hỏi chủ tọa chủ yếu để thể hiện, và cũng kính thưa kính gửi một cách hết sức dài dòng, e dè. Các câu hỏi được đặt ra đều là những câu hỏi hết sức thông thường theo cái lối không lo lắng về ý tưởng, vấn đề, khoa học, mà thường lo lắng về con người, quan hệ, thể chế, chuyện bên lề. Đấy là những cách tiếp cận vấn đề hết sức phí phạm; nhưng chuyện này nói ra thì dài.

Buổi chiều, hội thảo bắt đầu chia các phiên họp riêng theo lĩnh vực. Tôi ngồi ở phòng hội thảo về phúc lợi trẻ em và gia đình. Có hai giáo sư – một của Trung Quốc, một của Hồng Kông – trình bày về hai vấn đề gần nhau nhưng không trùng nhau là “child abuse” và “child victimization”. Người thứ nhất là một giáo sư trong biên chế của nền giáo dục TQ và người này nói rằng tỷ lệ child abuse ở TQ là 5%; người thứ hai làm một nghiên cứu độc lập theo lối phương Tây và kết luận rằng child maltreatment ở TQ lên tới 28%, riêng sexual victimization là 8%. Hai báo cáo hoàn toàn không liên quan và khi tôi hỏi họ về sự bất đồng các con số và cách họ đo “child abuse” trong cái báo cáo thứ nhất thì câu trả lời đưa ra không nêu rõ nguồn số liệu và cách đo. Tôi rất tò mò muốn biết là TQ đã làm một điều tra toàn quốc nào về vấn đề này chưa, nhất là với lạm dụng tình dục trẻ em. Việt Nam cũng chưa có con số thống kê chính thức về các vấn đề này, nhất là đối với lạm dụng tình dục. Bản thân diễn ngôn về các vấn đề này cũng đang trong giai đoạn hình thành và xã hội hóa (đây đủ là một đề tài khoa học hết sức hay).

Có một bài trình bày đáng chú ý là bài của nhóm tác giả ở ĐH North Carolina về việc ứng dụng một mô hình đào tạo các kỹ năng xã hội-tình cảm cho trẻ em Mỹ vào Trung Quốc. Một bài khác nói về kỹ năng phỏng vấn trẻ em từng bị lạm dụng tình dục. Đối với VN bây giờ, đào tạo kỹ năng và thực hành có lẽ là điều cần hơn cả. Triết lý, lí luận thì người VN có lẽ còn giỏi hơn người các nước; chúng ta phê chuẩn và có đủ loại văn bản đảm bảo phúc lợi trẻ em và gia đình nhưng việc thực hành thì hầu như rất yếu bởi vì thiếu kỹ năng. Tôi nghĩ từ lâu, nếu về nông thôn giảng giải cho người dân về việc không được bạo hành gia đình thì còn lâu mới giải quyết được vấn đề; nhưng nếu dạy cho phụ nữ các kỹ năng đối phó với cơn giận của chồng, hoặc dạy các ông chồng cách quản lý cơn giận, vv… thì có thể xoay chuyển tình thế tốt hơn. Hiện tại, theo các thống kê khác nhau, cứ 2 đến 3 người phụ nữ VN thì có 1 người từng chịu bạo hành gia đình trong cuộc đời họ - bao gồm cả bạo hành thể chất và tinh thần.

Buổi tối có chiêu đãi ở một nhà hàng. Có mấy phòng ăn khác nhau và người nước ngoài nói chung ngồi với người nước ngoài, người TQ ngồi với người TQ, cán bộ to ngồi với nhau, và sinh viên ngồi với sinh viên. Sau một hồi, tôi thấy các lãnh đạo TQ, được tháp tùng bởi cấp dưới, cũng lần lượt đi từng bàn chúc rượu, và uống hết chén này tới chén khác, mặt mũi đỏ văng và có người ngà ngà say. Không khác gì Việt Nam.

Trong ngày hôm nay, cái ý nghĩ lớn nhất của tôi – và không phải một ý nghĩ vui vẻ gì – là sự giống nhau quá mức giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc. Ngoại trừ ngôn ngữ, cách chúng ta ăn mặc, hành xử, suy nghĩ, vv… quá giống người TQ (hoặc là người TQ quá giống ta?). Điều này bản thân nó không phải là một điều xấu tự thân nếu những cái giống đó là những mẫu số chung của một đời sống con người tối ưu; nhưng ở đây có vẻ không phải như vậy. Tôi chưa có thời gian nghĩ kỹ về vấn đề này, chỉ cảm thấy nó hết sức không ổn. Nếu như VN, với tư cách là một dân tộc, muốn có một vị trí và bộ mặt riêng biệt trên thế giới, thì chúng ta phải “thoát TQ” một cách triệt để. Nó không khác gì, làm người phải có tính cách riêng, nhân cách riêng, suy nghĩ riêng; không nên là bản sao bất tự giác của ai khác.

(những ghi chép trên đều là ghi nháp trong ngày)