Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Đàn cò trắng giữa lòng phố

SGTT.VN - Câu chuyện xảy ra đã lâu. Những bức ảnh tôi chụp cũng đã phủ một lớp bụi thời gian. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ một nỗi niềm đã đeo đẳng mình suốt những năm qua, khi chọn dấn thân vào nghiệp “ghi nhật ký thiên nhiên” bằng hình ảnh.
Ảnh 1: Thiên nhiên giữa lòng thành phố Phan Thiết, giải 3 cuộc thi ảnh du lịch Khoảnh khắc Việt Nam (2001). Ảnh: Lê Hoài Phương
Nhà tôi ở phường Xuân An, Phan Thiết. Hằng ngày 5g sáng tôi chở con đi học ngang qua những cánh đồng muối. Mỗi lần như thế tôi hay chú ý đến một hiện tượng rất lạ: từ 5g đến 6g sáng khi mặt trời chưa mọc, luôn xuất hiện hàng chục đến cả trăm con cò trắng tụ tập từng đàn trên ruộng muối, nhưng khi mặt trời mọc đến suốt ngày hôm đó thì chỉ còn vài con kiếm ăn đơn lẻ, bầy cò đông đúc đi đâu không rõ.

Làm quen với cò
Ngây ngất trước vẻ đẹp hiếm hoi của thiên nhiên, tôi quyết định mỗi sáng chở con đi học mang luôn máy ảnh theo. Khi con vào lớp, tôi quay lại ruộng muối. Ngày đầu tiên, hễ tôi đi cách đàn cò khoảng 200m là chúng… bay hết. Ngày thứ hai, tôi đến cách chúng khoảng 200m và đứng luôn đó. Còi hụ báo hiệu đến giờ làm việc thì đàn cò cũng từng con bay đi kiếm ăn và tôi trở về cơ quan mình. Ngày thứ ba, khi tôi đến cách 180m, đàn cò vẫn tỉnh bơ đùa giỡn, tôi tiến tới gần hơn. Cứ thế đến ngày thứ 10, 15, 20… tôi chỉ còn cách đàn cò chừng 50m và tha hồ chụp ảnh. Có lần tôi đang say sưa chụp thì bỗng dưng đàn cò bay lên hoảng loạn, tìm hiểu mới biết, do có một người đàn ông đang từ xa đi tới. Vì sao đàn cò không sợ tôi mà sợ một người nào đó đang đi cách xa chúng cả trăm mét? Có lẽ vì trong suốt hai tháng đi theo đàn cò, tôi chỉ mặc độc nhất một bộ đồ xanh là trang phục của cán bộ viện Kiểm sát, với những động tác chụp ảnh quen thuộc mà không gây nguy hại gì cho đàn cò, nên chúng xem tôi là người quen mà không lo sợ.

Trễ thời cơ, chờ… một năm
Quan sát đàn cò nhiều này, tôi nghiệm ra được lý do vì sao chúng chỉ tụ tập từ 5-6g sáng và bay đi khi mặt trời mọc. Bởi làm muối có hai loại ruộng: một ruộng để chứa nước mặn, một ruộng để tạo muối. Tháng ba, tư, năm là giai đoạn khô nóng nhất trong năm, ruộng chứa nước mặn bốc hơi, cạn dần nên cò đậu xuống giữa ruộng mà không bị ướt lông, chính vì thế nơi đây trở thành điểm đàn cò tụ hội kiếm ăn và "nô đùa" cùng nhau sau nhiều tháng xa cách. Khi mặt trời lên, mặt nước như một mặt gương, sự phản chiếu làm sức nóng tăng lên buộc chúng phải bay đi nơi khác kiếm ăn.
Nếu không nắm bắt thời cơ, chỉ cần một cơn mưa thôi, mặt nước đầy lên đàn cò sẽ không trở lại và nhà nhiếp ảnh phải đợi đến năm sau!

Nỗi oan thi ảnh ghép!
Năm 2001, tôi gởi bộ ảnh chụp đàn cò đi thi ở cuộc thi ảnh du lịch Khoảnh khắc Việt Nam. Sau khi cân nhắc, tôi chọn ảnh chụp một bầy cò có chiếc ôtô đang chạy cho có tính trung thực, lấy tên Thiên nhiên giữa lòng thành phố Phan Thiết vì cuộc thi không nhận ảnh lắp ghép trên máy tính và sẽ kiểm tra phim gốc khi ảnh đoạt giải. Quá trình chấm, bức ảnh của tôi được chọn vô giải nhì. Bỗng dưng trong một cuộc gặp trước với các tác giả để hỏi thêm một số thông tin, một vị giám khảo nữ nổi tiếng đã phán một câu xanh rờn khi nhìn ảnh của tôi: “Chỗ này tôi chụp hoài, cò ở đâu mà nhiều dữ vậy”. Chỉ câu nói gọn lỏn vậy thôi mà bức ảnh của tôi bị rớt xuống giải ba (ảnh 1).
Năm 2005, tại cuộc thi ảnh báo chí của tổ chức môi trường Liên hiệp quốc UNEP, tôi quyết định gửi bộ ảnh (gồm ba ảnh) Thiên nhiên giữa lòng thành phố Phan Thiết để thi thố một lần nữa. Lần này tôi đoạt bằng danh dự (ảnh 2, 3, 4, bên dưới), phim gốc của ba bức ảnh này được UNEP kiểm tra và hiện còn lưu giữ.


Bộ ảnh (gồm ba ảnh) Thiên nhiên giữa lòng thành phố Phan Thiết đoạt bằng danh dự cuộc thi ảnh báo chí của tổ chức môi trường Liên hiệp quốc UNEP.
Vì sự phát triển nóng của đô thị nên đất sống của thiên nhiên đang mất dần. Nhiều nơi từng xanh cây, rộn tiếng chim, giờ trở lại nghe đau ran những tiếng còi xe và những khoảng không bốn bề cao ốc. Câu chuyện về đàn cò một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, muốn tìm hiểu về thiên nhiên thì cách duy nhất là tìm hiểu qui luật của tự nhiên và sống hài hoà với thiên nhiên (ảnh dưới).

Bài và ảnh: Lê Hoài Phương