Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Biểu tình chống Trung Quốc





Sáng nay, vào lúc 7h45, đã có rất đông nhân dân Việt Nam tập trung trước cửa ĐSQ Trung Quốc, 49 Hoàng Diệu để phản nhà cầm quyền Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và vừa gây hấn tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Người dân mang theo cờ Việt Nam, cùng các khẩu hiệu, pa-nô ghi những dòng chữ phản đối Trung Quốc.
Cùng lúc, tại Tp Hồ Chí Minh, các nhà nhân sĩ trí thức thuộc CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình, gồm các vị: Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đình Đầu, Đinh Kim Phúc, Lê Công Giàu, Hồ Cương Quyết...cũng đã dẫn đoàn người đi đến Lãnh sự quán TQ tại Tp Hồ Chí Minh để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc.
Tại Hà Nội, từ 8h đến khoảng 9h, đoàn người tụ tập hát Quốc ca, Như có Bác trong ngày đại thắng. 8h30, xe chở lực lượng cảnh sát cơ động được điều đến. Cảnh sát chăng dây mềm để ngăn đoàn biểu tình tiếp cận ĐSQ Trung Quốc. Lằn dây đã trờ thành đường biên, và tiến dần để đưa đoàn biểu tình rời khỏi khu vực Vườn hoa đối diện ĐSQ Trung Quốc, mặc dù tiếng hát Tiến Quân ca vẫn vang lên "Tiến lên...cùng tiến lên". Trong đoàn người có rất nhiều người già và phụ nữ. Không có cảnh xung đột giữa an ninh và đoàn người.
Sau khi bị đẩy khỏi Vườn hoa trước cửa ĐSQ, đoàn người tiếp tục tuần hành ra Hồ Gươm - lẵng hoa giữa lòng Thủ đô, ngôi đình, ngôi nhà rông của Người Hà Nội...9h15, đoàn người đã đi đến Nhà Thủy Tạ bằng đường Hàng Bông - Hàng Gai. Một đoàn khác, lúc này (9h43)đang tuần hành trên đường Phùng Hưng - con phố thâm nghiêm có nhiều hàng cây cổ thụ.
Tại Hà Nội, chúng tôi thấy sự có mặt của một số văn nghệ sĩ trí thức, các blogger bày tỏ sự quan tâm đặc biệt trước sự kiện này.
Chúng tôi vừa có cuộc nói chuyện điện thoại với Ông Lê Hiếu Đằng. Ông cho biết, đoàn diễu hành tại Tp Hồ Chí Minh do Nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu dẫn đầu. Lúc này (10h13), tại Tp Hồ Chí Minh, đoàn diễu hành đã đi tới Nhà thờ Đức Bà, với khoảng hơn 1000 người. Ngoài ra, trên khắp thành phố Hồ Chí Minh, còn có nhiều nhóm khác cũng đang tuần hành. Ông Lê Hiếu Đằng vui mừng biết Hà Nội rất khí thế. Và ông gửi lời thăm và siết chặt tay với anh em Hà Nội.
10h48, sau khi các đoàn người trở lại ĐSQ Trung Quốc thì bị lực lượng an ninh giải tán, họ tiếp tục đi ra Bờ Hồ một lần nữa. Lúc này, đoàn người (khoảng 200 người) đang tuần hành trên đường Tràng Thi, hướng về phía ĐSQ Trung Quốc.
12h48: Hiện tại, tại Tp Hồ Chí Minh vẫn còn một nhóm khoảng 30 người ở trước Lãnh sự quán TQ. Có một bạn trẻ đã đứng ở đó trong khoảng 1 giờ đồng hồ giương biểu ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Chốc chốc, các bạn đến đưa nước và lau giúp mồ hôi cho người thanh niên này, đang đứng giữa nắng trưa Sài gòn.

Vài hình ảnh biểu tình
Ở HÀ NỘI


Ở TP HỒ CHÍ MINH
Người Bắc, người Hà Nội chắc còn phải học hỏi nhiều …





Do Trung Quan 
Đêm qua tôi bay chuyến cuối cùng từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Các Anh Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Lê Hiếu Đằng hẹn “Sáng 5-6-20011 ở Sài Gòn”. 6g 30 sáng 5-6: Người đến sớm nhất là anh A. Menras, tên Việt là Hồ Cương Quyết, người Pháp quốc tịch Việt. Hơn 30 năm trước, Menras đã treo cờ mặt trận trên tượng đài Thủy Quân Lục Chiến trước Hạ nghị viên Sài Gòn và giờ này đang ngồi cặm cụi viết biểu ngữ “ Hòa bình và công lý cho Hoàng Sa- Trường Sa & biển Đông”. Lần lượt các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Lê Công Giàu, Lê Hiều Đằng, Nguyễn Quốc Thái và Giáo sư sử học ngoài 90 tuổi Nguyễn Đình Đầu, quần áo chỉnh tề, cùng có mặt. Hai chiếc taxi ra Nhà thờ Đức Bà, đồng hồ chỉ 8 giờ kém 15 phút.

Đối thoại trước lãnh sự quán Trung Quốc
Chúng tôi nhập vào một nhóm người trẻ đến sát Lãnh sự quán Trung Quốc xế bên Nhà Văn Hóa Thanh Niên số 4 Phạm Ngọc Thạch. Khu vực tràn ngập chốt chăn và cảnh sát chìm thường phục nhưng dễ nhận họ ra bằng máy bộ đàm. Nhiếu người thường phục đưa máy ảnh, điện thoại di động lên chỉa về phía chúng tôi. Cuộc đối thoại bắt đầu. Một chiếc áo thường phục hung hăng nhất: “Đề nghị giải tán, hoạt động phải có luật pháp”. Anh Cao Lập, cựu tù Côn Đảo vốn nóng tính, hét to: “Pháp luật là để bảo vệ người dân và bảo vệ đất nước không phải để bảo vệ bọn Trung Quốc!”. Tiếng vỗ tay ầm ĩ. Một người mặc thường phục khác tiến về anh Lê Hiếu Đằng [Cựu Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP], anh Đằng chỉ mặt quát: “Anh đứng về phía nào, Việt Nam hay Trung Quốc?”. Người mặc thường phục phải lùi lại. Anh Huỳnh Tấn Mẫm và tôi băng qua đường sang phía Nhà Văn Hóa Thanh Niên quan sát.
Trụ sở của Đoàn thanh niên Cộng sản kéo cổng, vắng tanh, trừ những nhân viên an ninh. Trên sân thượng, Camera chỉa xuống thu toàn cảnh. Một người còn trẻ tiến đến nói: “Chú Quân, chú Mẫm, khuyên dùm anh em, bày tỏ thế là được rồi, giải tán đi…”. Đấy là một cán bộ thành đoàn tôi không biết tên, anh Huỳnh Tấn Mẫm nói: “Được là sao? lẽ ra Thành đoàn phải tổ chức cho thanh niên, Thành đoàn không dám thì thanh niên họ phải tự làm thôi!”. Bên kia đường, các anh Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập, A. Menras dương cao các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc. Một vài người lăm lăm dùi cui tiến đến chỉ vào mặt anh Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn, Mẫm: “Đề nghị các chú giải tán!”. Anh Lê Hiếu Đằng nói: “Hãy để cái dùi cui vào mặt bọn Trung Quốc. ”. Chắc họ còn trẻ không biết, nhưng camera trên Nhà Văn Hóa Thanh Niên đã biết và báo cho ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành phố. Một cán bộ Thành đoàn ra, nói: “Anh Ba Đua mời các anh vào nói chuyện”. Anh Lê Hiếu Đằng khoát tay: “Chúng tôi không có chuyện gì để nói?”. Ba mươi phút sau, đích thân ông Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài xuất hiện, bắt tay và đề nghị chúng tôi vào trụ sở thành đoàn số 1 Phạm Ngọc Thạch để tiếp chuyện. Sau vài phút hội ý anh Lê Công Giàu , Huỳnh Tấn Mẫm ,Lê Hiếu Đằng , Cao Lập… đồng ý vào.

Cuộc đối thoại trong trụ sở Thành đoàn TNCS TP
Những nhân vật trụ cột của Thành ủy: Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thị Quyết Tâm… có mặt đủ. Thái độ của ông Nguyễn Văn Đua và các thành viên được ghi nhận là nhã nhặn. Ông Nguyễn Chơn Trung [ Sáu Quang-Nguyên Bí thư Đoàn TNCS TP ] lại không được nhã nhặn, ông đập tay xuống bàn nói với ông Lê Hiếu Đằng : “Các anh muốn gì cũng phải có phương pháp đúng đắn”. Ông Lê Hiếu Đằng [ môi giựt, tay run]: “Anh không phải dạy chúng tôi về phương pháp…”. Ông Cao Lập đứng bật dậy: “Tôi không thể tưởng tượng hôm nay anh Sáu Quang tệ hại đến mức này”.Ông Huỳnh Tấn Mẫm điềm đạm “ Chúng tôi đã bày tỏ xong thái độ.Nếu nhà nước hiểu lòng dân chúng tôi sẽ ủng hộ, nếu không thì chúng tôi tiếp tục bày tỏ thái độ. “ Ông Ba Đua vui vẻ gọi Andre Menras là “ đồng chí “. Andre - Hồ Cương Quyết nói “ đồng chí không có nghĩa là cùng trong đảng. Từ lâu nay tôi đứng về phía Việt Nam trong mọi cuộc chiến đấu chống sự bành trướng và xâm phạm chủ quyền VN, cuộc tuần hành này cũng trong tinh thần ấy.... “Cuộc đối có lúc khá thoại căng thẳng. Họ là những người từng đứng cùng một chiến tuyến chống Mỹ trước 1975. Ông Lê Công Giàu, cựu Phó bí thư thường trực Thành Đoàn, khét tiếng kiên cường trong tù đày, tra tấn. Ông Lê Hiếu Đằng, ngay cả khi đã giữ các trọng trách vẫn không vì phú quý vinh hoa, cứ theo lẽ phải mà đấu tranh. Ông Huỳnh Tấn Mẫm Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, một người không chỉ nổi tiếng trong nước mà thành tích đấu tranh trước năm 1975 của ông còn làm tốn nhiều giấy mực của báo chí quốc tế.
Lúc 13g 00, khi tôi rời điểm nóng, cuộc tuần hành vẫn tiếp tục trên các tuyến trung tâm. Trong đám đống ấy tôi nhận thấy những gương mặt “già” quen thuộc: nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, giáo sư Tương Lai, Osin Huy Đức… tùy sức khỏe, người đi hết cả hành trình, người tham gia từng chặng. Buổi sáng ngày 5-6-2011 chắc chắn sẽ làm cho những người ngồi trong tòa nhà Thành đoàn và trong Tổng Lãnh sự Trung Quốc hiểu như thế nào là Việt Nam.
một vài người tôi chưa hân hạnh biết tên. chỉ biết đeo cà vạt là gs sử học nguyễn đình đầu. ông lê hiếu đằng đứng cạnh gs,các ông andre, cao lập và bs huỳnh tấn mẫm đứng cuối cùng tay phải...*

*Từ trái qua: Đình Vượng, Vương Đình Chữ, cụ Nguyễn Đình Đầu, cựu “quan chức” Mặt trận Tổ quốc Lê Hiếu Đằng, Nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh, Andre Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm