Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Kinh nghiệm về đào tạo và đánh giá học sinh trung học tại Mỹ

LÊ TỰ HỶ (Atlanta, Mỹ)

Song song với việc hình thành Đại học Quốc gia chất lượng cao, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết lập kế hoạch để đào tạo hàng loạt những người trẻ Việt Nam đạt trình độ ở tầm biên giới của tri thức nhân loại trong các chuyên ngành. Nói cách khác, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng năm có thể có được vài chục đến cả trăm người trong độ tuổi 24-30 hoàn thành các công trình nghiên cứu có giá trị, đạt học vị tiến sĩ tại các đại học chất lượng cao ở trong hay ngoài nước.

Điều cũng vô cùng quan trọng là làm sao cho những người trẻ này trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng đất nước. Sẽ không phải là tối ưu trong việc sử dụng khi buộc phải 100% số tài năng trẻ này lại làm việc toàn thời gian tại nước ta. Có lẽ tốt nhất là khoảng 50% làm việc trong nước, 50% làm việc ở nước ngoài, nhưng những người làm ở nước ngoài mỗi năm đều về làm việc ở Việt Nam trong các dịp nghỉ hè hay nghỉ đông và vài tháng trong năm sabbatical của họ.
Chính sự liên kết công việc giữa hai lực lượng trong và ngoài nước này sẽ tạo điều kiện cho các chuyên ngành của nước ta dễ vươn lên tầm thế giới. Không ai yêu đất nước Việt bằng chính người Việt, và người trí thức Việt sẽ vô cùng hạnh phúc khi sử dụng được tài năng chuyên ngành của mình đóng góp vào sự phát triển của đất mẹ. Vấn đề là nhà nước cần có chính sách như thế nào để họ cảm thấy an vui trong lúc phục vụ quê hương.
Để tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao này chúng ta cần phải cải cách quy trình và cả phương thức đánh giá khả năng học tập của học sinh trung học. Trước khi nêu lên một số ý tưởng về cải cách quy trình đào tạo và đánh giá học sinh, chúng ta thử xem một số kinh nghiệm của người Mỹ. Cần biết là không phải cái gì người Mỹ làm trong giáo dục đều tốt đối với nền giáo dục của nước ta. Nhưng tôi nghĩ rằng, 3 chương trình sau đây là rất đáng cho chúng ta tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để giúp cải cách nền giáo dục nước ta.

Chương trình Tìm tài năng khoa học Intel (Intel STS = Intel Science Talent Search)
Vào năm 1942 Hiệp hội Khoa học & Quần chúng (SSP = The Society for Science & the Public)(1) bắt đầu mở cuộc tranh tài hàng năm với sự tài trợ của Công ty điện Westinghouse (Westinghouse Electric Corporation)(2) nên cuộc tranh tài này có tên là Chương trình tìm tài năng khoa học Westinghouse (Westinghouse Science Talent Search). Vào năm 1998, Công ty Intel(3) trở thành nhà tài trợ cho chương trình này sau khi đã trả giá cao hơn công ty Siemens, để mua được hệ thống phát điện của Công ty Westinghouse.
Từ đó, chương trình này có tên Intel Science Talent Search. Đây là một cuộc tranh tài khoa học hàng năm dựa trên nghiên cứu (research-based science competition) dành cho những học sinh năm cuối trung học ở Mỹ. Chương trình này được xem như là “cuộc tranh tài khoa học xưa nhất và có uy tín nhất quốc gia của Mỹ”.
Những học sinh cuối cấp 3 tham gia cuộc tranh tài bằng việc thực hiện một nghiên cứu có tính sáng tạo, độc đáo (original research) hoặc tự mình tại nhà hoặc làm việc với những nhóm lãnh đạo nghiên cứu tại các đại học, bệnh viện và các phòng thí nghiệm tư nhân. Quá trình tuyển chọn có tính cạnh tranh rất cao, và ngoài bài nghiên cứu ra, thì những thư tiến cử (letter of recommendation), bài luận văn (essay), các điểm thi các bài kiểm tra khả năng (test scores), các hoạt động ngoại khóa (extracurricular activities), và học bạ trung học có thể được xem xét như những yếu tố trong việc tuyển chọn những ứng viên vào chung kết và những người thắng giải.
Mỗi năm có khoảng 1.700 bài nghiên cứu gởi tới tham dự cuộc tranh tài. Trong số đó, 300 ứng viên được đánh giá cao nhất sẽ được chọn vào bán kết (semifinalists) vào khoảng giữa tháng 1 và trường mà ứng viên ấy đang theo học sẽ nhận được 1.000 USD. Vào cuối tháng 1, sẽ loan báo 40 người được tuyển chọn từ 300 ứng viên bán kết để thành ứng viên chung kết (finalists), cũng gọi là những người thắng giải (award winners).
Vào tháng 3, những ứng viên chung kết được mời tới Washington D.C., tại đó họ sẽ được phỏng vấn bởi một Hội đồng giám khảo để chọn ra 10 người đứng đầu (top ten spots) với phần thưởng 100.000USD cho người đứng đầu, và giảm dần tới 20.000USD cho người thứ 10. 30 người còn lại trong danh sách chung kết đều nhận được phần thưởng 7.500USD.
Hội đồng giám khảo gồm những nhà khoa học hàng đầu, trong đó có những người đoạt giải Nobel như Glenn T. Seaborg (Giải Nobel Hóa học năm 1951 với Edwin M. McMilan) và Joseph Hooton Taylor, Jr. (Giải Nobel Vật lý năm 1953).
Ngoài phần thưởng ra, 40 học sinh này đều được các trường đại học hàng đầu của nước Mỹ mời đón tạo điều kiện tốt nhất về cả trợ cấp tài chính lẫn học thuật để học tập đến nơi đến chốn.
Trong cuộc tranh tài năm 2011 có 1.744 ứng viên. Ngày 15/3/2011, Intel STS (Intel Science Talent Search) đã công bố 40 ứng viên vào chung kết. Ông Chủ tịch và CEO Paul Otellini của Intel phát biểu: “Tính chất sáng tạo và tinh thần lãnh đạo của 40 nhà toán học và khoa học được tuyển vào chung kết trong chương trình Intel Science Talent Search này đã sở hữu tiềm năng rất to lớn để đưa đất nước chúng ta tiến về phía trước. Họ đã đề cập đến những vấn đề thực sự đang xảy ra của thế giới (real-world problems) như cách điều trị ung thư, vấn đề phòng ngừa bệnh tật và an ninh quốc gia...”
Alexandria Huynh, người Mỹ gốc Việt, 17 tuổi, nhận bằng Cử nhân Sinh Hóa hạng ưu tại Đại học CSULA Mỹ.
Chương trình AP (Advanced Placement)
Đây là một chương trình tại các trường trung học Mỹ, điều hành và tài trợ bởi College Board(4) bằng cách soạn và đưa ra giáo trình chuẩn theo từng môn học cho các học sinh trung học mà nội dung thường thường được các đại học thừa nhận tương đương với những giáo trình trong cấp cử nhân.
Những giáo trình này được dạy tại trường trung học, nhưng việc thi cuối khóa thì do College Board tổ chức chung trên phạm vi toàn nước Mỹ vào tháng 6 hằng năm. Mỗi môn thi thường gồm 2 phần: phần trắc nghiệm được chấm nhanh bằng máy, phần tự luận được đọc chấm bởi những người gọi là Reader được huấn luyện cẩn thận bởi một phân ban gọi là AP Reading do College Board điều hành. Điểm tổng hợp giữa trắc nghiệm và tự luận của một môn AP được College Board qui định theo thang điểm từ 1 tới 5 (những môn thuộc chương trình trung học chỉ từ 0 tới 4).
Môn AP có số học sinh dự thi nhiều nhất là AP lịch sử nước Mỹ (AP United States History) vào năm 2008 với 346.641 học sinh thi. Ít nhất là AP về Ngôn ngữ và Văn hóa Ý (AP Italian Language and Culture) với 1930 học sinh thi.
Hiện nay có nhiều trường trung học Mỹ (high school từ lớp 9 tới lớp 12) có dạy chương trình AP, và tất nhiên có nhiều trường không đủ điều kiện điều dạy AP. Nhưng College Board cho phép mọi học sinh trung học tự cảm thấy đủ trình độ thì cứ dự thi bất kể trường họ học có dạy AP hay không và kể cả những học sinh không theo học ở trường nào mà được học ở nhà (home-schooled students)(5).
Vào mùa thi năm 2011, chi phí mỗi môn thi AP là 87USD, nhưng phần lớn chi phí này đã có được sự tài trợ của các chương trình địa phương hay bang, cho nên nhiều học sinh chỉ phải đóng trực tiếp cho nhà trường khoảng 8USD để dự thi một môn AP.
Chính nhờ chương trình AP mà mỗi năm có cả triệu học sinh trung học ưu tú Mỹ vào đại học khỏi phải học một số môn cơ bản trong chương trình cử nhân, và do đó có nhiều sinh viên tốt nghiệp cử nhân trước hay vào khoảng 20 tuổi.

Chương trình nhập học sớm (EEP = Early Entrance Program).
Với chương trình AP trên đây thì học sinh phải qua lớp 12 rồi mới vào đại học, còn với chương trình EEP thì không cần phải đợi qua lớp 12, mà những học sinh ưu tú, có tài năng thiên phú có thể được chọn vào đại học từ năm 11 tuổi.
Hiện nay, điển hình cho chương trình nhập học sớm (EEP = Early Entrance Program) là một chương trình vào đại học sớm dành cho các cá nhân có tài năng thiên phú vào độ tuổi học sinh cấp hai hay cấp ba ở Đại học bang California tại Los Angeles (CSULA = California State University, Los Angeles) và Đại học Washington, tại học xá Seattle (University of Washington, Seattle campus)(6).
Chương trình cho phép người học nhảy qua các lớp học của trường bình thường, trở thành sinh viên toàn thời gian để lấy văn bằng đại học. Mặc dầu có một số chương trình vào đại học sớm, nhưng EEP là chương trình duy nhất thuộc loại này ở Mỹ trong việc xúc tiến một kế hoạch chuyển trực tiếp từ cấp hai và cấp ba vào đại học mà không qua việc học tập bù kiến thức trung gian. Mới đây, EEP đã lôi kéo được sự quan tâm của các phương tiện truyền thồng đại chúng quốc gia. Các ứng viên vào EEP bây giờ đến từ khắp nơi trên nước Mỹ cũng như các vùng quốc tế.
Giám đốc chương trình EEP chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động của EEP. Vị trí này có thể so sánh với vị trí kết hợp của một hiệu trưởng trường cấp ba và một người tham vấn đại học (academic advisor/counselor). Giám đốc hiện tại là Richard Maddox, tiến sĩ tâm lý giáo dục tại USC (University of Southern California). Maddox chịu trách nhiệm về thiết kế chương trình EEP hiện tại, và là giám đốc chương trình từ năm học 1995-1996. Ông cũng đã khuyến khích việc quảng bá chương trình EEP, xúc tiến việc thừa nhận chương trình này trên phạm vi toàn quốc.
Để nộp đơn vào EEP, ứng viên phải thi SAT hay ACT(7) đạt một số điểm theo quy định, chẳng hạn với ACT thì số điểm tối thiểu về Toán là 23/36 và Anh ngữ là 24/36. Khi đã đạt hay vượt điểm tối thiểu này thì điểm thi ACT không ảnh hưởng gì đến kết quả thu nhận vào EEP, nghĩa là, chẳng hạn, ứng viên 23 điểm Toán và 24 điểm Anh ngữ không được xem là thua ứng viên 30 điểm Toán và 32 điểm Anh ngữ. Sau đó ứng viên thi bài WPCT (The Washington Pre-College Test = Bài thi vào đại học Washington).

Cuộc phỏng vấn đầu tiên: Sau khi ứng viên vượt qua số điểm yêu cầu bài thi WPCT thì được hẹn ngày giờ phỏng vấn với Giám đốc chương trình EEP. Những ứng viên vượt qua được cuộc phỏng vấn này được gọi là “Provisionals” hay “Provies” (những phó sinh viên, những sinh viên tạm thời), sẽ được cho biết về quy trình mà họ sẽ trải qua để được tuyển chọn chính thức thành sinh viên của chương trình EEP gồm:
- Pre-Summer Orientation hay Provisional Family Orientation (Chương trình định hướng trước mùa hè hay Chương trình định hướng lâm thời với sự tham dự của cha mẹ): Các sinh viên tạm thời (Provisionals, Provies) và cha mẹ cùng tham dự một hay vài buổi họp ban điều hành chương trình EEP vào cuối tháng 5 để được thông hiểu về tất cả quá trình mà các Provies phải trải qua trong mùa hè cho việc tuyển chọn chính thức.
- Provisional Summer Quarter (Học kỳ hè chuyển tiếp): Đây là học kỳ hè kéo dài trong 11 tuần để cho mọi phó sinh viên (Provisionals, Provies) trải nghiệm tất cả những gì sẽ xảy ra trong cuộc sống trong chương trình EEP. Những phó sinh viên sẽ dự 3 buổi định hướng mà không có cha mẹ tham dự. Qua các buổi định hướng này, mỗi phó sinh viên chọn cho mình một nhóm cố vấn (Mentor Group) gồm những sinh viên bình thường ngoài chương trình EEP mà tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ khi cần, và đồng thời chọn hai môn học tại Đại học CSULA (California State University, Los Angeles) để học trong Học kỳ hè chuyển tiếp (Provisional Summer Quarter). Các phó sinh viên phải học hai môn đã chọn và phải đạt điểm trung bình tối thiểu là 3/4. Đồng thời, các phó sinh viên cũng được khuyến khích là dành thời gian để dự các sinh hoạt, giao tiếp với các phó sinh viên khác và các sinh viên bình thường tại sảnh đường EEP Lounge.
- Advancement to Candidacy (sự tiến lên tình trạng ứng viên): Mỗi năm có khoảng 100 phó sinh viên, nhưng vào tuần thứ 8 của Khóa học hè chuyển tiếp (Provisional summer quarter ) thì có khoảng từ 25 tới 40 phó sinh viên ưu tú nhất được chọn tiến lên tình trạng ứng viên cho chương trình EEP và với khoảng từ 5 tới 10 phó sinh viên trong danh sách dự khuyết.
Đến cuối tuần thứ 11, nếu những phó sinh viên ở tình trạng ứng viên vẫn duy trì được kết quả học tập tốt thì sẽ trở thành sinh viên chính thức của chương trình EEP và bắt đầu học tại Đại học CSULA vào khóa mùa thu tới. Những phó sinh viên ở tình trạng ứng viên mà bị sa sút trong học tập thì có thể bị loại hay vào danh sách dự bị, còn nếu ứng viên dự bị mà kết quả học tập tiến bộ lên thì được trở thành sinh viên chính thức.
Mặc dầu EEP được thiết kế cho 5 năm, một số sinh viên trong EEP cần hơn 5 năm nhưng cũng có những sinh viên học trong 4 năm đã hoàn tất văn bằng cử nhân. Các sinh viên trong chương trình EEP này thường tốt nghiệp cử nhân trong độ tuổi 16-20, và những sinh viên tốt nghiệp cử nhân xuất sắc này được cấp học bổng vào học chương trình tiến sĩ tại các đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ. Một điển hình là cô Alexandra Huynh, người Mỹ gốc Việt, được nhận vào chương trình EEP năm 13 tuổi, và sau 4 năm, đã nhận bằng cử nhân sinh hóa hạng ưu vào ngày 12/6/2010 khi mới 17 tuổi tại Đại học CSULA (California State University), và là người tốt nghiệp cử nhân trẻ nhất trong số 20 cử nhân chương trình EEP năm 2010 tại Đại học CSULA.
Alexandria Huynh đã được Đại học Harvard cấp học bổng toàn phần để bắt đầu học chương trình tiến sĩ ngành Miễn dịch học (Ph.D. in Immunology) từ mùa thu năm 2010. Các trường đại học danh tiếng khác như Đại học Yale, Đại học Pennsylvania cũng đã mời gọi Alexandria Huynh để cấp học bổng học chương trình tiến sĩ.
Ba chương trình trên chứng tỏ người Mỹ rất quan tâm tới việc tìm kiếm, bồi dưỡng, đào tạo những người trẻ có khả năng để họ sớm trở thành những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong độ tuổi 20. Chính những chương trình này với chương trình cấp học bổng dưới dạng Teaching Assistant (Trợ giảng) cho những sinh viên ưu tú từ mọi nơi trên thế giới tới học cấp cao học – tiến sĩ tại các đại học Mỹ mà các đại học Mỹ đã đào tạo ra được nhiều nhà khoa học giỏi, và hầu hết làm việc tại Mỹ sau khi học thành tài. Đó là một trong những điều thiết yếu nhất để nền khoa học của Mỹ đã và vẫn ở hàng đầu thế giới.
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, với sứ mạng xúc tiến sự tham gia của quần chúng trong nghiên cứu khoa học và giáo dục.
(2) Công ty điện do George Westinghouse thành lập năm 1886. Công ty này mua lại Công ty CBS năm 1995 và do đó đổi tên thành CBS Corporation năm 1997, và bị mua bởi Công ty Viacom năm 1999.
(3) Thành lập năm 1968 tại Santa Clara, California, Mỹ. Hiện nay, Intel là một công ty công nghệ toàn cầu của Mỹ và là công ty sản xuất các con chip bán dẫn lớn nhất thế giới.
(4) Hiệp hội gồm các thành viên là các tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, được thành lập năm 1900 như là Hội đồng thi vào đại học (CEEB = College Entrance Examination Board). College Board hiện gồm hơn 5.700 thành viên là những trường học, trường cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Sứ mạng của College Board là tạo ra và bán các bài thi chuẩn dùng để thẩm định khả năng của sinh viên trong giáo dục đại học.
(5) AP: Frequently Asked Questions from collegeboard.com.
(7) SAT: Scholastic Aptitude Test, bây giờ là SAT Reasoning Test do College Board quản lý điều hành. ACT: American College Testing do ACT, Inc. quản lý điều hành. SAT và ACT là những bài thi thẩm định khả năng học tập mà các đại học Mỹ yêu cầu học sinh trung học Mỹ phải nộp kết quả thi trong hồ sơ xin nhập học vào năm thứ nhất đại học.