LÊ TỰ HỶ (Atlanta, Mỹ)
Liên quan đến vấn đề du học và những “được – mất” của du học, TS Lê Tự Hỷ (Atlanta – Hoa Kỳ) đã có bài viết về vấn đề làm gì để thoát khỏi sự chi phối nặng nề của giáo dục nước ngoài. Được sự cho phép của GS - TS Lê Tự Hỷ, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của ông về vấn đề này.
LUỒNG SÓNG DU HỌC NƯỚC NGOÀI - LỢI BẤT CẬP HẠI
Trong những năm qua, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) và một số địa phương đã có các chương trình đào tạo cán bộ trình độ cao bằng cách cấp kinh phí cho những cán bộ đi học nước ngoài để tu nghiệp hay lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Chẳng hạn, năm 2011 bộ GD - ĐT sẽ cấp kinh phí cho 500 học bổng tiến sĩ, 500 học bổng thạc sĩ và 50 thực tập sinh (Tuổi Trẻ, ngày 3/3/2011). Các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng bằng sông Cửu Long... cũng đã cấp kinh phí cho hàng trăm sinh viên đi học nước ngoài. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, nhiều cha mẹ học sinh cũng đã gửi con đi học tự túc tại nhiều nước trên thế giới từ Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Nga, Pháp, Đức, Hà Lan...
Riêng tại Mỹ, số học sinh, sinh viên Việt Nam du học đã tăng từ 2.022 năm 2000 lên 12.823 năm 2009 (nguồn: Institute for Vietnamese Culture & education (IVCe), New York, 4/8/2010). Cứ lấy trung bình chi phí 30.000 USD/sinh viên/năm học, thì trong năm học 2008-2009, số tiền từ Việt Nam đổ vào Mỹ cho sinh viên du học vào khoảng 30.000 USD x 12.823 = 384.690.000 USD/năm. Và có lẽ tổng chi phí du học ở tất cả các nước khác Mỹ xấp xỉ bằng tổng chi tại Mỹ thì cả nhà nước lẫn tư nhân Việt Nam đã chi ra gần 1 tỉ USD/năm cho việc du học.
Đấy là một số tiền đầu tư khá lớn của giáo dục Việt Nam ra nước ngoài so với tổng chi phí rất ít, khoảng 15 triệu USD/năm cho một đại học tầm cỡ ở nước ta như Đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Chi phí trung bình khoảng 5 triệu USD/năm cho một đại học/cao đẳng Việt Nam thì tổng số tiền du học hàng năm tương đương với chi phí cho 200 trường đại học/cao đẳng, tức tổng số chi phí du học hàng năm của Việt Nam xấp xỉ bằng 2/3 tổng chi phí cho giáo dục đại học/cao đẳng vừa công lập lẫn tư thục trong nước!
Đó là chưa kể đến tình trạng rất nhiều trường từ mẫu giáo đến đại học mang nhãn hiệu “quốc tế tự phong” không những ở các thành phố lớn mà có thể ở rất nhiều địa phương nước ta đang chiếm lĩnh một nguồn đáng kể các học sinh, sinh viên là con nhà thuộc tầng lớp trung lưu và giàu nước ta. Ngoài ra, nhiều học sinh ưu tú nhất của nước ta đã được các nhà chiến lược nước ngoài “đón lõng” để đào tạo thành tinh hoa của họ. Chẳng hạn, hàng năm Singapore đã và đang tuyển chọn những học sinh ưu tú lớp 9, 10 của ta để đưa về Singapore nuôi ăn học.
Tất cả những điều này góp phần không những làm “mờ nhạt” vai trò của nền giáo dục công lập nước ta, mà còn gây tâm lý chê “giáo dục nội địa”. Nhưng thật ra, trong số 13 ngàn sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, chỉ trừ một tỉ lệ không cao lắm những sinh viên ưu tú được học bổng để theo học tại một số những đại học có uy tín, còn phần lớn những sinh viên học tự túc tại các trường thường thường bậc trung thì khi tốt nghiệp đại học trình độ học thuật của họ không hẳn vượt trội hơn trình độ những sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy tại Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh hay Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng nhờ ánh hào quang của nhiều đại học hàng đầu thế giới của Mỹ mà “sản phẩm từ đại học Mỹ nói chung” cũng đều được các nhà sử dụng ở nước ta “coi trọng hơn” sinh viên tốt nghiệp trong nước.
Mặt khác, xã hội Mỹ là xã hội gắn liền với cải tiến-sáng tạo-sản xuất cho nên mặc dù với trình độ tốt nghiệp đại học không hơn gì trình độ ở Việt Nam, nhưng một khi được sử dụng thì người tốt nghiệp được thực hành và làm việc trong cái guồng cải tiến - sáng tạo - sản xuất ấy nên sau 5, 10 năm người kỹ sư có được trình độ học thuật ở tầm tiên tiến hiện đại nhất, trong khi xã hội ta chủ yếu đang trong thời kỳ buôn bán, phân phối sản phẩm của các nước tiên tiến cho nên người kỹ sư của ta sau 5, 10 năm không có được trình độ tiên tiến như người kỹ sư được sử dụng ở Mỹ.
Quy trình cải tiến - sáng tạo - sản xuất là tổng hợp của những kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, các viện - trung tâm nghiên cứu với yêu cầu giải quyết các nhu cầu thực tế từ cuộc sống của xã hội. Do vậy, nếu không có đại học chất lượng cao, ở đó những ý tưởng thuộc biên giới sự hiểu biết trong các chuyên ngành được thăm dò và thực nghiệm thì xã hội không thể đạt được trạng thái cải tiến - sáng tạo - sản xuất.
Vì vậy, nếu không sớm tổ chức nền giáo dục đại học công lập chất lượng cao, không sớm hoạch định chiến lược đào tào nhân tài mà đất nước có thể sử dụng ngay sau khi học tập thì tình trạng đầu tư giáo dục ra nước ngoài quá lớn nói trên cứ kéo dài mãi. Đó sẽ là sự nguy hại cho sự phát triển của đất nước: không những thất thoát một số lớn ngoại tệ mà còn mất cả nguồn nhân lực có khả năng nhất để xây dựng sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật cho đất nước, khiến nước ta càng khó vươn lên ngang tầm với các nước Đông Nam Á.
Về một cách nhìn khác, nếu chúng ta không xây dựng thành công được nền giáo dục đại học chất lượng cao thì chúng ta đang trong quá trình đưa dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ mới: nô lệ giáo dục nước ngoài, và từ đó sẽ nô lệ văn hóa, nô lệ kinh tế, nô lệ khoa học kỹ thuật nước ngoài. Sự nô lệ này tuy âm thầm lặng lẽ, nhưng kìm hãm sự phát triển của dân tộc, nguy hại không kém gì bị ngoại bang chiếm cứ đất đai và không dễ giải phóng như nô lệ sự thống trị về lãnh thổ mà các thế hệ cha ông tốn bao xương máu mới giải phóng được.
Chúng tôi thấy có hai vấn đề cải cách giáo dục cần thực hiện để có thể giúp nền giáo dục nước ta sớm thoát khỏi sự chi phối quá nặng nề của giáo dục nước ngoài: 1.Xây dựng Đại học Quốc gia chất lượng cao; 2. Cải cách quy trình đào tạo bậc trung học, đặc biệt tại các trường chuyên.
Về việc xây dựng Đại học Quốc gia chất lượng cao: Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế kỹ thuật của nước ta, chúng tôi nghĩ là không nên xây dựng mới các đại học gọi là có đẳng cấp quốc tế, mà nên nhanh chóng xây dựng Đại học Quốc gia chất lượng cao như sau:
1. Về cơ sở vật chất: Chưa cần phải xây trường mới. Chỉ cần sử dụng các phòng ốc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện có tại các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và của các viện nghiên cứu. bổ sung và nâng cấp dần dần chất lượng sử dụng của các cơ sở này theo yêu cầu đào tạo và nghiên cứu.
2. Về cán bộ giảng dạy: Tất cả cán bộ giảng dạy ở các đại học công lập và cán bộ nghiên cứu ở các viện nghiên cứu mà đã có công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế và hiện đang còn theo đuổi nghiên cứu một cách tích cực, đều được mời trở thành cán bộ giảng dạy Đại học Quốc gia chất lượng cao. Lương của họ được tính sao cho họ không làm gì thêm ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy chương trình chất lượng cao (không dạy thêm ở các chương trình khác để kiếm thêm thu nhập) mà vẫn có được đời sống tương đối tốt cho bản thân, gia đình và nuôi được các con ăn học ít nhất tại các trường công lập.
Ngoài ra, cần mời thêm một số giáo sư nước ngoài, đặc biệt lưu tâm mời những giáo sư gốc Việt đã đạt được uy tín trong nghiên cứu và giảng dạy tại các đại học nước ngoài (kể cả Đông Âu, Nga, lẫn Tây Âu, Nhật, Mỹ, Úc...). Họ có thể tới nước ta dạy, làm seminar, hướng dẫn các sinh nghiên cứu hay hợp tác nghiên cứu với cán bộ giảng dạy của ta. Chính những giáo sư nước ngoài này giúp nâng tầm chất lượng của sinh viên và đồng thời nâng chất lượng và uy tín của đại học Việt Nam lên tầm quốc tế. Họ có thể đến giảng dạy vào các dịp họ nghỉ hè, nghỉ đông hay cả năm sabbatical (*).
Vấn đề chính là ở chỗ chúng ta biết khéo tổ chức, khéo mời người ta. Họ sẽ giúp các sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp cử nhân nhận học bổng để học cấp tiến sĩ tại các đại học có uy tín tại nước ngoài, và những sinh viên này về sau sẽ trở thành cán bộ giảng dạy của Đại học Quốc gia chất lượng cao.
3. Về sinh viên: Tất cả những sinh viên đậu hạng cao trong kỳ thi tuyển sinh, chẳng hạn tốp 10% đầu danh sách trúng tuyển, được trở thành sinh viên Đại học Quốc gia chất lượng cao. Những sinh viên này được tạo điều kiện tốt tối đa để học tập, và nếu đạt thành tích học tập xuất sắc hay giỏi ở bậc cử nhân thì được chuyển tiếp ngay lên học cấp tiến sĩ trong hay ngoài nước. Không những họ được miễn đóng học phí mà còn được ở ký túc xá, được trợ cấp một số tiền đủ để ăn, mua sách vở, dụng cụ học tập...
Tiền học bổng ở đâu ra? Một phần của nhà nước (chỉ cần giảm bớt những hội họp “vô bổ” và các chi phí trong những hội họp hay đi công cán trong và ngoài nước hàng năm của cán bộ ngành giáo dục cũng dành ra được khá nhiều tiền cấp học bổng), một phần đáng kể có thể được huy động từ các nhà hảo tâm cá nhân hoặc doanh nghiệp. Những nhà hảo tâm có thể lựa chọn cụ thể tên một số sinh viên để cho học bổng suốt học trình cho đến khi tốt nghiệp. Những số tiền mà cá nhân hay doanh nghiệp đóng góp để cấp học bổng cho sinh viên thì được nhà nước trừ vào tiền thuế doanh thu của họ.
4. Về ngôn ngữ giảng dạy: Không nên hiểu sai lầm rằng phải dạy mọi môn học bằng tiếng Anh mới là “chất lượng cao” hay “đẳng cấp quốc tế”, mà “đẳng cấp” ở chỗ kết quả nghiên cứu của các thầy và trình độ học thuật của sinh viên tốt nghiệp dù ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt, hay tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp...
Ở đây, sinh viên vốn là những người ưu tú nên họ cần phải: tinh thông tiếng Việt trong chuyên ngành đồng thời tinh thông hai ngoại ngữ mà trong đó một phải là tiếng Anh, ngoại ngữ còn lại tùy chọn trong số các ngoại ngữ Nga, Pháp, Đức, Nhật, Trung sao cho có thể chuyển lên học cấp cao học - tiến sĩ ở các trường đại học tại Mỹ, Anh, Úc hoặc Nga, Pháp, Đức, Nhật...Muốn được như vậy, người sinh viên ngoài việc học hai ngoại ngữ: Anh và một tự chọn, học các môn chuyên ngành bằng tiếng Việt với các thầy người Việt trong nước, và bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức với các thầy đến từ các đại học nước ngoài (nếu cần thì với sự phiên dịch ban đầu của các thầy Việt Nam). Khi nhà trường có uy tín lôi kéo được sinh viên nước ngoài đến học thì những sinh viên này sẽ được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chúng ta cần đa dạng hóa ngoại ngữ vì ngoài tiếng Anh bắt buộc ra, nước ta còn có sẵn mối liên hệ khá sâu với các đại học Nga và Đông Âu, Tây Âu, Nhật.. qua đó có thể giúp đại học và sinh viên của ta nâng cao trình độ.
5. Quy mô tuyển sinh: Muốn có chất lượng cao thì quy mô phải nhỏ, hệ chính quy. Trong giai đoạn đầu, mỗi chuyên ngành chỉ có thể chọn từ vài chục tới tối đa khoảng 100 sinh viên ưu tú nhất trong tốp 10% đầu danh sách trong kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm. Chúng ta nên biết rằng, các đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard dù có lịch sử hơn 300 năm mà hiện nay mỗi năm chỉ tuyển vào khoảng 1.600 sinh viên năm thứ nhất chung cho tất cả các ngành; Princeton chỉ tuyển khoảng 1.200 v.v... Nhưng họ chú trọng về nghiên cứu nên hàng năm tuyển cả ngàn sinh viên vào cấp cao học - tiến sĩ; tổng số sinh viên của họ trong khoảng từ 14.000 đến 18.000.
6. Chuyên ngành: Để dễ dàng cho sự hình thành ban đầu, chúng ta nên nhanh chóng xây dựng các ngành mà các đại học công lập và các viện nghiên cứu hiện tại của ta đang có trình độ cao và mạnh nhất về nhân lực và cơ sở vật chất và sự phát triển không đòi hỏi quá tốn kém về trang thiết bị và cơ sở thực hành. Chỉ nên bắt đầu “chất lượng cao” với các ngành mà nhà trường đã có truyền thống và thành tích nghiên cứu.Thật ra, ngay bây giờ, chưa cần có ngay ban bệ của trường Đại học Quốc gia chất lượng cao, mà các trường Đại học Quốc gia có thể hình thành các lớp sinh viên chất lượng cao với đội ngũ cán bộ giảng dạy chất lượng cao, cơ sở vật chất cho các lớp chất lượng cao. Cứ thế phát triển trong một thời gian rồi ráp nối các yếu tố chất lượng cao từ các đại học ấy lại sẽ hình thành trường Đại học Quốc gia chất lượng cao. Chất lượng “đẳng cấp vùng”, “đẳng cấp quốc tế” sẽ từ đó mà có. Phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Đã chậm trễ lắm rồi. Về vấn đề cải cách quy trình đào tạo bậc trung học, chúng tôi sẽ đề cập tới trong một dịp khác.
--------------------------------------------------------------------------------
(*) Tại Mỹ, sabbatical hay sabbatical leave là thời gian một cán bộ giảng dạy có thể tạm ngưng làm việc tại trường đại học trong nửa năm học mà vẫn hưởng đầy đủ lương hay trong cả năm học thì hưởng nửa số lương của năm ấy. Sabbatical không phải được cấp một cách tự động cho mọi cán bộ giảng dạy, mà chỉ cấp cho các cán bộ giảng dạy có đơn xin và đã làm việc liên tục từ 5 tới 7 năm với các thành tích cao, đã chứng tỏ có những thành công trong nghiên cứu đã qua, và đang có một dự án nghiên cứu có triển vọng theo một kế hoạch được thiết lập tốt mà cần sự nỗ lực trong một thời gian để hoàn thành.