Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Mấy ý kiến về cải cách phương pháp giảng dạy bậc trung học và tiểu học

LÊ TỰ HỶ (Atlanta, Mỹ)

Để có thể có được nguồn học sinh phù hợp với Đại học Quốc gia chất lượng cao, chúng tôi xin nêu mấy ý kiến cải cách về nội dung, phương pháp giảng dạy và phương thức đánh giá kết quả học tập ở bậc trung học và tiểu học.

Hiện nay ở bậc tiểu học và trung học của ta từ nội dung, phương pháp giảng dạy và cả phương thức thẩm định kết quả học tập đều quá thiên về học thuộc lòng: học thuộc những đoạn văn mẫu, những con số, những chi tiết rời rạc, rập khuôn ý tưởng của người khác, thiếu phát huy tính sáng tạo hay ý tưởng riêng độc đáo.
Đã từng có bài luận văn được điểm tối đa, được tuyên dương trên phạm vi toàn quốc, nhưng sau cùng bị khám phá ra là bài chép thuộc lòng của văn mẫu! Thêm nữa, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục luôn chạy theo thành tích thi cử ở mọi cấp. Tất cả những thứ đó khiến học sinh chịu một áp lực học quá sức, học từ sáng tinh mơ đến khuya với sự nhồi nhét kiến thức. Với cung cách này, nền giáo dục của ta sẽ không đào tạo được thế hệ trẻ có đầy đủ sức khỏe, có trí tuệ, có đức hạnh, ham thích việc tự học, tìm tòi, khám phá để phục vụ đất nước.

1. Rèn luyện kỹ năng cơ bản ở bậc tiểu học
Ngày nay, các chương trình và phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất trên thế giới(1) đều khuyến cáo nhằm vào:
- Kích thích óc tò mò (curiosity) và điều tra tìm hiểu (inquiry) để củng cố tinh thần khám phá và cảm thấy thích thú trong học tập.
- Trang bị cho học sinh các kỹ năng để học và tiếp thu kiến thức một cách cá nhân hay tập thể, và để áp dụng những kỹ năng và kiến thức ấy trong một phạm vi rộng gồm nhiều lãnh vực(2).
Nhờ đó, có thể phát triển các nhân tố cần thiết trong việc hình thành phẩm chất của các nhà nghiên cứu tương lai:
- Phát triển óc tư duy phản biện (tư duy phê đoán độc lập dựa trên logic và dữ liệu khách quan (critical-thinking) và các kỹ năng suy luận (reflective skills).
- Phát triển các kỹ năng nghiên cứu (research skills).
- Phát triển các kỹ năng học tập độc lập (independent learning skills)(3) để tự học suốt đời.
Việc đánh giá kết quả học tập, chẳng hạn kỳ thi tú tài, là để thẩm định mức độ mà học sinh đã nắm vững được các kỹ năng về học tập để hoàn thành các mục tiêu trên đây, thể hiện qua các việc như:
- Phân tích và trình bày thông tin.
- Đánh giá và cấu trúc các lập luận.
- Giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo.
Trong đó bao gồm 3 kỹ năng cơ bản mà học sinh cần nắm vững:
- Có tầm hiểu biết cơ bản qua các kiến thức được học tập trong chương trình (retaining knowledge).
- Am hiểu các khái niệm chủ chốt trong các môn học (understanding key concepts).
- Áp dụng các phương pháp tiêu chuẩn (applying standard methods)(4).
Như vậy, việc học không phải là học thuộc lòng mọi bài mẫu, những chi tiết nhỏ nhặt, những con số khô cứng, những sự kiện rời rạc, mà chỉ cần học những yếu tố cơ bản đủ làm cơ sở cho suy luận. Một học sinh thuộc làu làu rất nhiều bài mẫu để có thể chép nguyên xi lại trong bài thi thì thực chất không được xem là giỏi, có khả năng hơn một học sinh chỉ đọc một số bài mẫu, nhưng biết phân tích, tổng hợp và nêu lên được cảm nhận, ý kiến riêng của mình về vấn đề ấy. Trong đề thi, phần nhớ chỉ nên chiếm nhiều lắm là 50% và là những điều cơ bản phải nhớ, còn lại hơn 50% là vận dụng kiến thức, suy luận.
Cách dạy ở bậc tiểu học cần sinh động để tạo hứng thú cho các em. Ảnh minh họa.
2. Về quy trình đào tạo bậc trung học
Vẫn duy trì 7 năm học từ lớp 6 đến lớp 12, nhưng không tổ chức một lớp gồm một số nhất định học sinh cùng học chung với nhau mọi môn trong một phòng học như bấy lâu nay, mà nên tổ chức lớp học uyển chuyển như sau:
- Uyển chuyển theo môn học: Vào giờ học “G”, học sinh “H” tới phòng “P” học môn “M” do thầy “T” dạy. Như thế là trò di chuyển còn thầy dạy tại một phòng cố định. Chẳng hạn, một học sinh “H” lớp 7, có thể học Văn với vài chục bạn nào đó tại phòng “P1” nhưng có thể không cùng học Toán với tất cả các bạn học Văn với mình, mà có thể học Toán với một số bạn khác cùng trình độ với mình tại phòng “P2”. Cách tổ chức này cho phép thực hiện được “cá nhân hóa” trong đào tạo, nhờ đó học sinh sớm được phát huy tài năng theo tiến độ học tập riêng của mỗi người qua các vấn đề :
- Uyển chuyển theo trình độ: Những học sinh giỏi, có khả năng có thể được học các môn học ở trình độ cao với học sinh các lớp trên. Chẳng hạn, một học sinh lớp 7, nhưng giờ Toán thì học Toán lớp 9 với các học sinh lớp 9, một học sinh lớp 10 học Vật lý với học sinh lớp 12 v.v...
- Uyển chuyển theo môn học tự chọn: Ngoài các môn bắt buộc chung, học sinh có thể chọn một số môn tự chọn tùy theo ý thích và khả năng. Chẳng hạn, ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, một học sinh có thể chọn học thêm hoặc tiếng Pháp, hay Đức, Nga, Nhật, Trung Quốc, hay Hán - Nôm... Hiện nay như ở Mỹ, học sinh cấp 2, cấp 3 ngoài việc đăng ký học một ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức... có thể tự chọn học thêm một cổ ngữ như tiếng La Tinh..., thậm chí có nơi các học sinh gốc Ấn Độ được chọn học tiếng Phạn.
Ngoài các môn lý thuyết, hàn lâm, học sinh trung học nên được khuyến khích chọn một môn thực hành nghề nghiệp như nghề mộc hay cơ khí ô tô, đồ họa vi tính, lập trình máy tính, chụp hình nghệ thuật... và ngoài ra, mỗi học sinh phải chọn thực hiện một số giờ phục vụ cộng đồng như tại một trung tâm chăm sóc người già, một trung tâm y tế, một thư viện... Đặc biệt ở ta nên khuyến khích học sinh tham gia chương trình Mùa hè xanh.
- Uyển chuyển theo sự liên thông với đại học: Những học sinh có khả năng học vượt trội môn học nào thì cứ cho học lên trình độ cao, không đợi tuổi hay lớp, kể cả việc học các môn ở trình độ đại học. Chẳng hạn, một học sinh lớp 9 hay 10 mà đã học hết chương trình Toán lớp 12 thì cho ghi tên học Toán cao cấp như chương trình Giải tích, Đại số, Thống kê, Xác suất... Nội dung những chương trình này, cũng như việc thi cuối khóa nên do một Hội đồng Đại học soạn và tổ chức chung trên phạm vi toàn quốc. Cho nên kết quả các môn thi này sẽ được các đại học thừa nhận, và như thế các học sinh đã đạt mức điểm cao nào đó thì khỏi phải học lại môn ấy ở bậc đại học. Nhờ đó, các sinh viên ưu tú, có năng khiếu có thể hoàn tất chương trình cử nhân sớm một vài năm so với các sinh viên bình thường khác, và họ được chuyển tiếp lên học cấp cao học - tiến sĩ, để có thể hoàn thành luận án tiến sĩ khi họ mới vào khoảng 20 - 24 tuổi (*).

3. Về ngoại ngữ
- Mọi học sinh đều phải học môn Anh văn từ lớp 3 tới lớp 12.
- Mỗi học sinh đều phải chọn thêm một ngoại ngữ như Pháp, Đức, Nga, Nhật, Trung Quốc từ lớp 6 tới lớp 12.
- Ngoài ra, hiện nay khả năng hiểu, viết tiếng Việt của thế hệ trẻ của Việt Nam đang xuống cấp vì đại đa số không hiểu thấu đáo nghĩa của các từ Hán Việt, vốn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tiếng Việt. Để chấn chỉnh tình trạng này và cũng để giúp thế hệ trẻ Việt Nam không bị đứt đoạn hoàn toàn với văn hóa truyền thống của cha ông, mọi học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 cần phải học, viết khoảng 1.000 từ chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt chứ không đọc theo âm Bắc Kinh; có thể minh họa bằng các câu chữ Hán viết trên bàn thờ, bài vị, bia mộ, đền đài...Với vốn ấy, nếu có hứng thú, học sinh có thể tự học và nhờ các tài liệu tham khảo, có thể tự tìm hiểu sâu về các vấn đề mà cha ông chúng ta đã nghĩ, đã làm...
- Các môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Vi tính... từ lớp 10 trở lên đều được cho học sinh danh từ đối chiếu Việt-Anh để giúp học sinh có thể tự tham khảo sách, báo trong chuyên ngành bằng tiếng Anh, và tự chuẩn bị dự thi các bài thi như SAT, ACT của Mỹ nếu thấy cần.
Ngoại ngữ đang dần trở thành một phương tiện không thể thiếu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay. Ảnh minh họa.
4. Về các trường chuyên
Nếu chúng ta thực hiện qui trình giảng dạy uyển chuyển như đề nghị trên đây thì không cần trường chuyên, lớp chọn như hiện nay mà chúng ta vẫn bồi dưỡng được những tài năng trẻ sớm thành nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Điều cần nhấn mạnh là mục tiêu của trường chuyên, lớp chọn là tạo điều kiện thuận tiện nhất để đào tạo những người có khả năng, có năng khiếu để họ sớm trở thành những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong độ tuổi 20 chứ không phải là biến họ thành những “con gà chọi” để đem thành tích về cho nhà trường, cho địa phương qua các kỳ thi học sinh giỏi được tổ chức dày đặc từ huyện, tỉnh, thành phố, trên phạm vi toàn quốc và quốc tế. Vì vậy, đề nghị :
- Các trường chuyên tại các Đại học Quốc gia TP.HCM, Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội nên được chuyển thành các Trung tâm thực hiện chương trình Vào đại học sớm như chương trình EEP ở Mỹ(*) để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các học sinh có năng khiếu từ 11 tuổi trở lên để họ sớm trở thành những nhà nghiên cứu, nhà khoa học với trình độ tiến sĩ vào độ tuổi 20.
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: nhansuvietnam.vn
- Các trường chuyên khác sẵn có: chương trình ở các trường chuyên nên hướng học sinh về tìm tòi, nghiên cứu hơn là chỉ thuần học thuộc lòng các kiến thức có sẵn. Để giúp thực hiện điều này, chương trình cấp 3 của các trường chuyên nên thêm vào 3 yêu cầu(5):
a- Dạy cho học sinh giáo trình Lý thuyết về tri thức (Theory of Knowledge): một giáo trình được thiết kế để khuyến khích học sinh suy nghĩ sâu về bản chất của tri thức bằng cách xem xét có tính phê phán những cách thức khác nhau của sự hiểu biết (nhận thức, cảm xúc, ngôn ngữ và lý lẽ) và những loại khác nhau về tri thức (khoa học, nghệ thuật, toán học và lịch sử).
b- Tính sáng tạo, cung cách làm việc, tinh thần phục vụ đòi hỏi học sinh phải học tập một cách chủ động từ kinh nghiệm của việc thực hiện các công việc thực tế bên ngoài lớp học. Cho nên mỗi học sinh phải chọn một công việc có tính phục cộng đồng hay nghiên cứu riêng tại một cơ sở ngoài nhà trường để làm với tổng số giờ ít nhất đạt mức nào đó.
c-Viết một tiểu luận (extended essay): đây là một yêu cầu để tập cho học sinh tham gia vào nghiên cứu thông qua một sự tìm hiểu sâu về một vấn đề liên quan tới một trong những môn mà học sinh đã hay đang học.
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) The IB Diploma Programme (http://www.ibo.org/diploma/)
(2) Three programmes at a glance (http://www.ibo.org/programmes/). How does the IB define "international education"?
(3), (4) Diploma Programme assessment (http://www.ibo.org/diploma/assessment/)
(5) The IB Diploma Programme (http://www.ibo.org/diploma/)