Ngô Minh
Mỗi lần dự Đại lễ cầu siêu cho liệt sĩ là lòng tôi lại trào dâng niềm xốn xang day dứt. Đất nước mình nghìn năm đánh giặc, lớp lớp thịt xương thành đất nuôi người. Chỉ tính trăm năm lại đây, mộ anh hùng liệt sĩ trắng phau từ Điện Biên, đến Mũi Cà Mau... Mộ có tên, mộ không tên và bao nhiêu hài cốt còn nằm côi cút nơi rừng xanh núi đỏ. Tôi ra Côn Đảo , 113 năm có 20.000 người tù bị giặc giết , trong đó chỉ có 1907 người có mộ ở nghĩa trang Hàng Dương, trong đó chỉ có 702 ngôi mộ có tên . 16 năm Trường Sơn hơn 20 vạn người trẻ trung đã ngã xuống , từng tấc núi , tấc rừng đã thấm đậm máu xương . Quảng Trị đất thiêng. nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng. 70 vạn dân Quảng Trị đang chăm sóc 60.000 mộ liệt sĩ đã được quy tập. Ở Hải Thượng , Hải Lăng, xã có 4.000 dân thì có trên 2.000 mộ liệt sĩ. Rồi nghìn dặm biển Hoàng Sa, Trường Sa, máu hàng trăm chiến sĩ giữ đảo đã đổ năm 1974, 1988 trước giặc Tàu xâm lược. Máu anh đã thành mặt trời mỗi sáng !
Linh hồn các anh các chị luôn hiện về bên ta trong từng việc làm, giấc ngủ. Năm 2003, tại nghĩa trang liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị ngày 27/7. Mùa hạ, trời nắng đỏ, gió Lào hừng hực. Các đoàn khách lần lượt đặt vòng hoa dâng hương dưới chân đài liệt sĩ . Đúng ngọ, khoảng trời trên nghĩa trang đang trong xanh văn vắt bỗng tối sầm lại, gió cuộn lên như lốc. Lư nhang lớn bỗng bốc cháy ngụt ngụt. Ngọn lửa cuộn lên trời cao . Có ai đó thốt lên ‘’ Các anh ấy đang về !’’ . Tất cả các quan khách đứng nghiêm trang, cúi đầu vái tưởng. Một phút sau, bầu trời bỗng sáng trở lại. Cảnh tượng linh ứng và bi tráng ấy được hàng nghìn người chứng kiến. Chiều hôm đó, trong bữa cơm, khi đó nhắc lại hình ảnh ‘’ Giây phút các anh về” lúc trưa , anh Nguyễn Đức Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lúc đó, kể rằng lúc lễ khởi công xây dựng Đài tưởng niệm thành cổ Quảng Trị cũng xảy ra y như thế. Buổi sáng, trời cũng trong veo, nắng chang chang. Khi tất cả các bài diễn văn theo nghi thức đọc xong, băng khánh thành vừa cắt thì trời cũng đột nhiên tối sầm và gió nổi lên như lốc, cuốn tung cả tấm bạt làm phông lễ đài lên trời ! Lúc đó mọi người đếu lầm rầm truyền tai nhau: ‘’Các anh ấy đang về ! Các anh ấy đang về !’’. Chiếc xe cẩu nổ máy, nâng cần cẩu lên cao để chuẩn bị xúc xúc đất đầu tiên khởi công công trình, bỗng nhiên cẩu chết cứng, không hạ xuống được, dù máy xe vẫn còn nổ. Một anh bộ đội leo xuống xe, cầm nén nhang nghiêm trang đứng vái , rồi cắm xuống ụ cỏ gần đó . Từ lúc ấy cẩu xúc đất mới hoạt động được... Những câu chuyện huyền bí trên như một lời nguyền, một nỗi ám ảnh trong tôi …
Vâng, linh hồn các anh vẫn luôn mong được siêu độ. Bởi các anh còn chưa vừa lòng với những việc làm chưa tốt, với bao nhiêu tệ nạn nhiễu nhương trên đất nước này. Các anh còn nợ mẹ già, nợ em gái làng quê yêu dấu một giọt nước mắt chia tay. Nên các Đại lễ cầu siêu diễn ra suốt mấy năm nay ở Điện Biên Phủ, ở Ngã ba Đồng Lộc, ở Nghĩa trang Trường Sơn, ở Núi Bạch Mã nơi đại ngàn Trường Sơn, ở Phú Quốc, Côn Đảo, Huế, Thành cổ Quảng Trị… mà hàng ngàn Sư thầy ở Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các tỉnh và giới tăng ni, phật tử liên tục tổ chức trong tiếng kinh cầu, trong ánh sáng của ngàn cây nến và đèn hoa đăng với mong mỏi tột cùng : anh linh của các anh được siêu thoát tịnh độ. Phật quan niệm : ánh lung linh ở ranh giới đất trời là ánh sáng của Phật pháp. Vong linh thấy ánh sáng đó mà về nương tựa cõi Phật sẽ được an lạc và siêu thoát .
Nhưng Phật cũng dạy rằng, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho ai. Tôi nghĩ rằng đó cũng là quan niệm của các anh lúc còn sống. Các anh thừa biết rằng, cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, để thể hiện tấm lòng thương kính và biết ơn đối với người đã mất. Cầu nguyện để là làm nguôi đi những nỗi đau của những người còn sống. Những câu kinh tụng da diết cất lên nơi hương đàn không chỉ cho người quá cố mà hơn hết là nhằm giáo dục cho người sống phương pháp tu tập và làm phước. Nghĩa là thương nhớ tri ân người chết thì hãy tu thân tích đức cho đến lúc thành chánh quả. Đào ao chẳng đợi trăng sao / Khi ao có nước trăng sao hiện về.
Mỗi năm, đến ngày 27/7 dương lịch, cả nước lại cầu siêu cho các anh. Nén nhang nghi ngút tâm linh nguồn cội. Cả nước một lòng mong các anh tịnh độ, và nguyện với các anh một điều thiêng liêng nhất : Xin linh hồn các anh ngàn năm siêu thoát, chúng tôi còn sống đây đều là con dân nước Việt, chung lòng chung sức làm cho dân giàu, nước mạnh , quyết không để mất một tấc đất, tấc biển, tấc trời của Tổ Quốc thân yêu của chúng ta ! Các anh hãy về , hãy nhập vào đoàn biểu tình phản đối bọn Trung Quốc đang hàng ngày xâm lấn biển đảo Tổ Quốc ta, bắn giết, bắt bớ , cướp bóc tài sản của ngư dân ta ngay trong vùng biển nước ta. Linh hồn các anh linh thiêng hãy chặn đứng đám người đang đàn áp, ngăn chặn biểu tình để nhân dân được tự do thể hiện lòng yêu nước của mình trước họa xâm lăng phương Bắc.
Ôi, các anh đang về . Các anh đang về...
ƠI HỒN THIÊNG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN
Ngô Minh
Các anh liệt sĩ ơi
Chiều nay Ngô Minh đến Nghĩa Trang Trường Sơn
Thắp nhang kính cáo 10 vạn linh hồn
Các anh có nghe lòng dân Bắc-Trung-Nam đang dậy sóng
Đuổi giặc Tàu xâm lấn biển Đông
Các anh đã hiến tuổi xuân cho đất nước hình chữ S
Thế mà một dải biên cương Mục Nam Quan , Bản Dốc...
Xương máu ông cha chúng chiếm mất rồi
Chúng chiếm Hoàng Sa năm 1974
Chúng chiếm Gạc Ma năm 1988
Chúng còn diễu võ giương oai muốn nuốt hết Trường Sa
Lè lưỡi Hán đỏ ngầu biển Đông liếm trọn
Các anh ơi
Các anh là hồn sông núi
Hãy xuống đường cùng chúng tôi
Máu ngư dân ta đang nhuốn đỏ ngư trường
Hàng trăm vọng phu ngóng biển
Thềm lục địa đen dày tàu giặc
Hồn thiêng hãy khóa tay lũ người dàn áp dân biểu tình chống giặc
Hồn ơi hãy xuống đường lần nữa
Hồn hãy gọi triệu liệt sĩ trên đất nước này cùng hét lên
Phù hộ chúng tôi
Bên cạnh chúng tôi
Vì nòi giống Việt Nam
Vì toàn vẹn biển trời Tổ Quốc !
Xuống đường, xuống đường
Tổ Quốc lâm nguy các anh nằm cũng không yên
Nghĩa trang Trường Sơn rừng thông réo gọi
Khói nhang bay như vòng tay xiết chặt
Mười vạn hồn thiêng
đang về
đang về...
Nghĩa Trang Trường Sơn , 1-7-2011
Vĩnh Khánh
Ngày thương binh liệt sỹ năm nay như sâu sắc hơn bởi những sự kiện biển Đông gần đây buộc mỗi người Việt nam phải suy nghĩ nhiều hơn về lịch sử và tương lai của dân tộc Việt nam. Máu của tiền nhân, của các anh hừng liệt sỹ đã đổ xuống trên mỗi mét vuông đất, biển và đảo để có hình hài và niềm kiêu hãnh dân tộc hôm nay. Và tương lai của dân tộc sẽ do chính những người con đất Việt hôm nay quyết định. Đất thiêng, sông thiêng, biển thiêng, đảo thiêng của đất nước có vẹn nguyên hay không là do ý chí và trí tuệ, tình yêu và sự quả cảm của mọi người dân Việt quyết định.
Lợi ích và giá trị của dân tộc là trên hết. Đó là quy luật muôn thuở của thế giới loài người kể từ khi hình thành dân tộc. Lịch sử hiện đại đã chứng minh rõ ràng điều đó. Dân tộc ta càng thấm thía hơn ai hết điều đó. Không phải một lần những nước lớn, những kẻ sô vanh đã ‘đi đêm” trên số phận của dân tộc Việt nam. Không dân tộc nào hy sinh lợi ích dân tộc mình cho dân tộc khác. Các dân tộc phải tự bảo vệ lấy độc lập và danh dự của mình để vươn lên và phát triển.
Thời đại nào thì nước nhỏ, nước yếu cũng bị nước lớn, nước mạnh chèn ép. Lịch sử Việt Nam là một điển hình chống sự xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Bằng ý chí giữ nước kiên cường, bằng trí tuệ và kinh nghiệm chống giặc trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tiên tổ, cha ông chúng ta đã giữ được nước và dựng xây đất nước phát triển đến ngày hôm nay. Bí quyết lớn nhất của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông là đoàn kết, là sự tôn trọng lẫn nhau giữa các giai cấp, đẳng cấp, các tộc người, các tôn giáo... Có đoàn kết mới phát huy được ý chí và trí tuệ toàn dân tộc. Nhà Trần ba lần thắng giặc Nguyên là vì vua – tôi và dân cùng một lòng vì nước. Đó là bài học sâu sắc cho chúng ta hôm nay và cả cho con cháu mai sau.
Uống nước nhớ nguồn. Đó là đạo lý của dân tộc Việt nam, của người Việt nam. Bởi vậy hãy khắc ghi công lao của tất cả những ai, thuộc bất cứ thời đại nào, giai cấp nào, tộc người nào, tôn giáo nào, chính kiến nào… đã chiến đấu hy sinh vì độc lập, chủ quyền của dân tộc. Hãy tôn vinh những ai đã đổ máu xương và sự sống cho sự trường tồn của dân tộc hôm nay một cách chân thành, sâu sắc, thiết thực, không hình thức phô trương.
Nhớ ơn và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ không chỉ là đạo lý mà còn là chất kết dính để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí giữ nước cho mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là điều kiện cần thiết để dân tộc ta chủ động đối phó với bất cứ tình huống khó khăn, nguy hiểm nào trong công cuộc bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội giữ cờ Tổ quốc, đánh trả quân Trung Quốc trên đảo Gạc Ma, 14/3/1988
Mai Thanh Hải Blog - Trải qua 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chống quân Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía Bắc cùng bè lũ phản động Pôn Pốt Iêng-Xary tại biên giới Tây Nam, hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống để giữ gìn đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong số này, còn hàng vạn người chưa tìm thấy hài cốt và thân xác các anh - các chị vẫn đang nằm lẫn giữa lá rừng, đất núi, đầm lầy, lòng biển sâu...
Lễ truy điệu các Liệt sĩ hy sinh trong trận 14/3/1988
Một sự kiện xảy ra gần đây mà không phải ai cũng biết: Sáng ngày 14/3/1988, tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam), lính đặc nhiệm Hải quân Trung Quốc đã ào ạt đổ bộ lên đảo Gạc Ma, giật cờ Tổ quốc và tấn công tốp chiến sĩ bảo vệ đảo thuộc Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Hải quân Việt Nam) khiến toàn bộ đơn vị hy sinh - bị thương. Ngay sau đó, súng - pháo hạng nặng từ các tàu chiến đấu Trung Quốc đã trút đạn vào 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam đang chở nguyên vật liệu xây dựng, củng cố đảo khiến cả 3 tàu bị chìm, bốc cháy ngay tại chỗ. Dã man hơn, súng - pháo của tàu chiến đấu Trung Quốc còn bắn thẳng vào đội hình công binh Hải quân của Trung đoàn 83, đang quần đùi áo may ô, tay không tấc sắt, vận chuyển gạch đá, xi măng, cát sỏi từ tàu lên đảo, không có khả năng kháng cự - tự vệ... khiến đại đa số cán bộ chiến sĩ trên đảo Gạc Ma trúng đạn, hy sinh ngay tại chỗ và thi thể chìm xuống lòng biển sâu hoặc vẫn mắc kẹt trong khoang tàu vận tải.
Pháo 37mm Trung Quốc bắn CBCS công binh Hải quân trên đảo Gạc Ma
Một số chiến sĩ bị thương, cố bơi thoát ra khỏi khu vực mù mịt đạn pháo, lính Trung Quốc trên tàu dùng súng tiểu liên AK bắn thẳng hoặc dùng câu liêm - gậy, bổ vào đầu, làm chìm mất xác... Đặc biệt, sau khi xảy ra sự việc, tàu chiến đấu Trung Quốc còn ngăn chặn không cho các tàu cứu hộ, tàu mang cờ Chữ Thập đỏ đến khu vực Cô Lin - Gạc Ma để tìm kiếm, cứu nạn thương binh và vớt thi thể tử sĩ.Kết cục, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma, bắn cháy - chìm 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam (HQ-505, HQ-604, HQ-605) và giết chết, bắt làm tù binh 74 cán bộ - chiến sĩ thuộc các đơn vị của Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên các đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao. Đó là các cán bộ - chiến sĩ thuộc các đơn vị: Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Vận tải 125, Trung đoàn Công binh 83, Phân đội Hải đồ thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng, Trường Sĩ quan Hải quân...
Chiến sĩ Hải đồ Trương Văn Hiền bị lính Trung Quốc bắt làm tù binh 14/3/88
Xin được nói thêm: Tháng 8/2008, trong khi hành nghề lặn biển tại khu vực Cô Lin - Gạc Ma, một số ngư dân Việt Nam đã phát hiện xác tàu HQ-604 bị chìm sâu dưới đáy biển và vớt lên được 4 hài cốt Liệt sĩ mắc kẹt trong tàu, chuyển giao cho Bộ Quốc phòng (khi mới vớt lên, 4 bộ hài cốt được quàn tạm trên đảo chìm Cô Lin). Ngay sau đó, phía ta đã triển khai việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ hy sinh trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, nhưng tàu quân sự Trung Quốc dùng mọi cách ngăn cản, ngăn chặn...
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2011), Mai Thanh Hải Blog lật lại một phần tư liệu về Chiến dịch CQ-88 của Hải quân nhân dân Việt Nam và sự kiện ngày 14/3/1988. Xin được xem như nén hương, tưởng nhớ linh hồn 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã ngã xuống trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, bởi pháo hạm, đạn nhọn, lưỡi lê của lính Trung Quốc và đến bây giờ, thi thể của các anh vẫn nằm im lặng dưới lòng biển sâu Trường Sa.Quần đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 8°38′ Bắc 111°55′ Đông, với diện tích (đất liền) nhỏ hơn 5 km², gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên diện tích gần 410.000 km² ở giữa biển Đông. Quần đảo hiện đang trực thuộc đơn vị hành chính của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
Đảo Trường Sa Lớn (5/2011)
Quần đảo Trường Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: Cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí. Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Trường Sa có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông. -----------------------------
Trước ngày 30/4/1975, Hải quân Việt Nam Cộng hoà đóng giữ các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa của quần đảo Trường Sa.
Từ ngày 14/4/1975 đến 29/4/1975, Đội 1 thuộc Đoàn 126 - Đặc công nước Hải quân, phối hợp với Đoàn 125 và một bộ phận của Tiểu đoàn 471, Đặc công Quân khu 5 lần lượt giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa.
Liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh 14/4/1975 khi giải phóng đảo Song Tử Tây
Tháng 4/1976, Quân chủng Hải quân tổ chức diễn tập đổ bộ, chống đổ bộ trên các đảo Trường Sa.Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường trinh sát quanh các đảo ta đã đóng quân.
Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang.
Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông.
Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh).
Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông.
Đảo Phan Vinh, 1988 (ảnh: Thiềm Thừ Blog)
tháng 4/1978, 1 phân đội được đưa ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978, phân đội được rút về đất liền.Ngày 8/5/1978, Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa được thành lập. Năm 1980, đơn vị được nâng cấp thành Lữ đoàn 146 thuộc vùng 4 Hải quân, đóng tại Cam Ranh
Tháng 11/1978, Hải quân Malaysia vây đảo An Bang, nhưng tàu của họ phải rút đi sau 11 ngày gây áp lực với quân ta, nhưng không có kết quả.
Ngày 6/4/1983, ông Hồ Ngọc Nhường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (cũ) dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh ra thăm và đặt mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Thuyền Chài.
Từ tháng 1/1987 đến giữa năm 1987, việc xây dựng nhà lâu bền trên đảo Thuyền Chài được lực lượng công binh Hải quân và tàu vận tải hoàn thành.
Đèn pha của tàu HQ-931 dùng để khảo sát ban đêm ở Ba Kè, Huyền Trân 1988
Cuối năm 1987, tình hình hoạt động của nước ngoài ở khu vực quần đảo ngày một phức tạp hơn, nhất là quanh các đảo Sinh Tồn, An Bang, Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa Đông… Đặc biệt, Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở khu vực Trường Sa từ 16/5 đến 6/6/1987.Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam ra lệnh cho các đảo Trường Sa chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 25/10, quân ta đóng giữ thêm 4 đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập). Cuối năm có sóng to gió lớn, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.
Trong những tháng đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng Đá Chữ Thập (31/1), tiếp đó đến các bãi đá Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Huy Gơ (28/2), Xu Bi (23/3) thuộc quần đảo Trường Sa.
Đô đốc Giáp Văn Cương đọc lời thề quyết tử bảo vệ Trường Sa (5/1988)
Đô đốc Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, vào căn cứ Cam Ranh lập Sở Chỉ huy để trực tiếp chỉ huy chiến dịch Chủ Quyền 88 (CQ-88).Hải quân nhân dân Việt Nam khẩn trương đóng giữ các bãi Đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3). Chúng ta đã bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Hải quân Trung Quốc.
Ngày 14/2/1988, tại vùng biển Trường Sa xuất hiện 3 tàu chiến của Trung Quốc lăm le định lên chiếm đảo chìm Đá Lớn. Đúng 1h30 ngày 15/2, tàu HQ-701 do biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân và thuyền trưởng Hà Văn Thái chỉ huy (đang làm nhiệm vụ đưa hàng Tết ra đảo Nam Yết thì được lệnh neo cạnh Đá Lớn từ 6/2) đã được lệnh lao lên đảo. Chiếc tàu bị hỏng và trở thành chiếc lô cốt, bia chủ quyền trên đảo Đá Lớn.
Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực Trường Sa, gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.Dự đoán đối phương sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này.
Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ sáng ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14/3, cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Công binh Hải quân tập kết đá xây nhà trên đảo Len Đao, tháng 5/1989
9h ngày 13/3, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. 17 giờ ngày 13/3, tàu Trung Quốc áp sát uy hiếp các tàu HQ -604, 505 của taĐêm 13/3, quân ta bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma.
Sáng 14/3/1988, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) phát hiện 4 tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Một tổ 3 người được cử lên đảo Gạc Ma bảo vệ Quốc kỳ.
Lính Trung Quốc lên xuồng đổ bộ tấn công Gạc Ma
Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ trong tay những người lính Việt kiên cường, chúng đã bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.Nhưng đã có thêm hàng chục chiến sĩ ta từ tàu HQ-604 lao xuống biển bơi vào đảo theo lời kêu gọi của Trung tá Trần Đức Thông, tiếp tục xây lưng với nhau quây thành 1 vòng tròn để bảo vệ lá cờ thấm máu đồng đội.
Lính Trung Quốc bắn pháo 100 mm từ 2 chiến hạm vào tàu HQ-604, khiến tàu bị thủng nhiều lỗ và chìm xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại uý thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh cùng tàu HQ-604.
Tàu HQ-604 bị bắn cháy và chìm ngay tại chỗ
Tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã cắm 2 lá cờ trên đảo lúc 5h. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi trong làn pháo địch. Con tàu này đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo trước khi bị tàu địch bắn cháy. Thủy thủ tàu HQ-505 vừa dập lửa cứu tàu, triển khai bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma.Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8 giờ20 ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắn vào tàu HQ-605. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn an toàn.
Hỏa lực địch tấn công Công binh Hải quân E83 trên đảo Gạc Ma
Mặc dù thua kém đối phương về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng ta mất 3 tàu, 64 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh hoặc mất tích, 11 người bị thương, nhưng đã bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao.Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma.
Các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tàu HQ-505, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Di ảnh Liệt sĩ Trần Văn Phương
Di ảnh Trung tá - Liệt sĩ Trần Đức Thông
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ Trung Quốc gây hấn 14/3/1988 đăng trên Báo Nhân dân (15/3/1988)
CBCS tàu HQ-671 tình nguyện cứu hộ đồng đội trong trận 14/3/1988
CBCS tàu HQ-505 tham gia trận 14/3/1988 (chụp tháng 5/1988)
Hoạt động tích cực của Vùng 4 Hải quân trong Chiến dịch CQ-88
Trong năm 1988, quân ta đóng giữ thêm 11 bãi đá ngầm khác, nâng tổng số đảo đóng giữ tại quần đảo Trường Sa lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân.
Từ tháng 6-1989, để tăng cường bảo vệ chủ quyền tại thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp giáp quần đảo Trường Sa, Hải quân nhân dân Việt Nam bắt đầu đóng giữ các bãi đá ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đừơng, Ba Kè. Tại đây chúng ta đã xây dựng nhiều trạm Kinh tế - khoa học – dịch vụ (DK1).
Hình tư liệu: Cục Chính trị, Vùng 4 Hải quân; Lữ đoàn 146; Thiềm Thừ Blog, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa... và một số trang mạng xã hội khác
Bia ghi tên các Liệt sĩ tại Cam Ranh, Khánh Hòa
Mai Thanh Hải Blog - Ngay sau khi diễn ra sự kiện 14/3/1988 trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma (Trường Sa, Khánh Hòa), Nhà nước - nhân dân ta đã cực lực phản đối hành động dã man của nhà cầm quyền Trung Quốc và trên thực tế, đã có sự chuẩn bị - sẵn sàng đối phó nếu sự việc tương tự xảy ra một lần nữa. Minh chứng rõ nhất là những bài đăng trên Báo Nhân dân và tin - phóng sự trực tiếp từ hiện trường đảo chìm Cô Lin, do Nhà báo Trần Bình Minh (nay là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện, phát liên tục trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Chủ nhật vừa rồi, thấy bà con cầm tờ giấy A4 ghi tên những Liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988, bạn mình dụi mắt lắc đầu: "Có những cái tên Liệt sĩ mới nghe lần đầu!".
Đài Tưởng niệm
Hôm nay, thấy trang của TS Nguyễn Xuân Diện đăng Entry "Lời tạ lỗi", do ai đó viết, gửi đến "Những người tham gia biểu tình và các công dân Việt Nam khác" (Nghe "hùng hồn" như thể... "Thánh chỉ"! Kinh!), mới thấy là bạn mình đúng. Té ra, người ta in tên mấy người còn đang sống, làm thành "Liệt sỹ hy sinh tại Trường Sa, 14/3/1988" và giơ ra, như... cán bộ chính sách.
Xin được nói rõ: Ngày 28/3/1988, Báo Nhân dân đã công bố danh sách 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam "bị mất tích do tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc". Sau này, đã xác định một số cán bộ - chiến sĩ bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh. Như vậy, số chiến sĩ hy sinh trong ngày 14/3/1988 là 64 người và từ tháng 4/1988, những người nằm xuống đều được Nhà nước truy tặng Liệt sỹ, gia đình - người thân của họ đều được hưởng mọi chế độ dành cho Liệt sỹ
Bây giờ, nếu ai đi từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang, nếu để ý sẽ thấy Tượng đài Tưởng niệm các quân nhân Liên Xô (cũ) và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực bằng đá hoa cương cao trên 20 mét, với biểu tượng chiếc máy bay chiến đấu lao vút lên trời cao và 2 người lính công kênh bé em trên vai.
Tổ quốc và nhân dân ghi công các anh
Nếu ai đó thực sự tưởng nhớ, biết ơn 44 quân nhân Liên Xô/ Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã ngã xuống ở khu vực Cam Ranh, miền Trung, hãy dừng lại thắp 1 nén hương, cúi đầu tưởng niệm và đọc tên những người đã nằm xuống. Những người lính hy sinh ở Cô Lin - Gạc Ma, Trường Sa năm 1988, đều có 1 ngày hy sinh chung nhất: 14/3.
Nhắc đến lịch sử là nhắc đến tính chính xác và tôn trọng sự thật. Nhất là sự thật này làm bằng máu, bằng mạng sống của 64 người lính Việt, rất trẻ và rất linh thiêng... trên vùng biển Cô Lin-Gạc Ma phẳng lặng, giữa sóng cuộn gió gào Trường Sa biển xanh, máu đỏ.
---------------------------------------------------------------------------
DANH SÁCH LIỆT SỸ HY SINH NGÀY 14/3/1988
(Danh sách do Phòng Chính trị, Lữ đoàn 146, Vùng 4 - Hải quân cung cấp)
Stt Họ tên Năm sinh Cấp bậc Chức vụ Nhập ngũ Đơn vị Quê quán
1 (2+39) Trần Văn Phương 1965 Thiếu uý B trưởng 3-1983 Gạc Ma Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình
2 (1) Trần Đức Thông 1944 Trung tá Lữ phó 146 4-1962 Gạc Ma Minh Hoà, Hưng Hà, Thái Bình
3 (40) Nguyễn Mậu Phong 1959 Thượng uý B trưởng 11-1977 Gạc Ma Duy Ninh, Lệ Ninh, Quảng Bình
4 (41) Đinh Ngọc Doanh 1964 Trung uý B trưởng 9-1982 Gạc Ma Ninh Khang, Hoa Lư, Ninh Bình (Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hoà)
5 (42) Hồ Công Đệ 1958 Trung uý (QNCN) Y sĩ 2-1982 Gạc Ma Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hoá
6 (43) Phạm Huy Sơn 1963 Chuẩn uý (QNCN) Y sĩ 2-1982 Gạc Ma Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An
7 (44) Nguyễn Văn Phương 1969 Trung sĩ Cơ yếu 3-1987 Gạc Ma Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình
8 (45) Bùi Bá Kiên 1967 Trung sĩ Chiến sĩ 3-1986 Gạc Ma Văn Phong, Cát Hải, Hải Phòng
9 (46) Đào Kim Cương 1967 Trung sĩ Báo vụ 2-1985 Gạc Ma Vương Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
10 (47) Nguyễn Văn Thành 1967 Trung sĩ Chiến sĩ 3-1982 Gạc Ma Hương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh
11 (48) Đậu Xuân Tứ (Tư) 1964 Trung sĩ Chiến sĩ 3-1985 Gạc Ma Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An
12 (49) Lê Bá Giang 1968 Hạ sĩ Báo vụ 3-1987 Gạc Ma Hưng Dũng, Vinh, Nghệ An
13 (50) Nguyễn Thanh Hải 1967 Hạ sĩ Quản lý 3-1986 Gạc Ma Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh
14 (51) Phạm Văn Dương 1967 Hạ sĩ A trưởng 3-1986 Gạc Ma Nam Kim 3, Nam Đàn, Nghệ An
15 (52) Hồ Văn Nuôi 1967 Trung sĩ Chiến sĩ 8-1985 Gạc Ma Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An
16 (53) Cao Đình Lương 1967 Trung sĩ A trưởng 8-1985 Gạc Ma Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An
17 (54) Trương Văn Thịnh 1966 Trung sĩ Chiến sĩ 8-1985 Gạc Ma Bình Kiến, Tuy Hoà, Phú Yên
18 (55) Võ Đình Tuấn 1968 Trung sĩ Quản lý 8-1986 Gạc Ma Ninh Ích, Ninh Hoà, Khánh Hoà
19 (56) Phan Tấn Dư 1966 Trung sĩ Báo vụ 2/1986 Gạc Ma Hoà Phong, Tây Hoà, Phú Yên
20 (3) Vũ Phi Trừ 1955 Đại uý Thuyền trưởng HQ604 Đội 10, Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hoá
21 (101) Vũ Văn Thắng Thượng uý Thuyền phó HQ604 Văn Hàn, Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình
22 (98) Phạm Gia Thiều 1962 Thượng uý Thuyền phó HQ604 Hưng Đạo, Đông Hạ , Nam Ninh , Nam Định
23 (99) Lê Đức Hoàng 1962 Trung uý Thuyền phó HQ604 Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hoá
24 (102) Trần Văn Minh 1962 Thiếu úy (QNCN) Máy trưởng HQ604 Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An
25 (103) Đoàn Khắc Hoành 1959 Thượng sĩ Trưởng thông tin HQ604 163 Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, Hải Phòng
26 (106) Trần Văn Chức 1965 Hạ sĩ Nv cơ điện HQ604 Đội 1, Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình
27 (109) Hán Văn Khoa 1962 Trung sĩ Nv cơ điện HQ604 Đội 6, Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ
28 (111) Nguyễn Thanh Hải 1968 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Mỹ Ca, Chính Mỹ, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng
29 (104) Nguyễn Tất Nam 1967 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ An
30 (105) Trần Khắc Bảy 1967 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Lê Hồ, Kim Bảng, Hà Nam
31 (110) Đỗ Viết Thành 1964 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hoá
32 (113) Nguyễn Xuân Thuỷ 1967 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Phú Linh, Phương Đình, Trực Ninh , Nam Định
33 (120) Nguyễn Minh Tân 1956 Thượng uý E83 công binh HQ604 Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình
34 (129) Võ Minh Đức 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Liên Thuỷ, Lệ Ninh, Quảng Bình
35 (131) Trương Văn Hướng 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Hải Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình
36 Nguyễn Tiến Doãn Binh nhất A trưởng E83 HQ604 Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
37 (133) Phan Hữu Tý 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Phong Thuỷ, Lệ Thủy, Quảng Bình
38 (140) Nguyễn Hữu Lộc 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 22 Hoà Cường, Đà Nẵng
39 (141) Trương Quốc Hùng 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 55, Hoà Cường, Đà Nẵng
4 (142) Nguyễn Phú Đoàn 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 47, Hoà Cường, Đà Nẵng
41 (137) Nguyễn Trung Kiên 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Nam Tiến, Nam Ninh , Nam Định
42 (143) Phạm Văn Lợi 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Tổ 53, Hoà Cường, Đà Nẵng
43 (123) Trần Văn Quyết 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Quảng Thuỷ, Quảng Trạch, Quảng Bình
44 (146) Phạm Văn Sỹ 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 7, Hoà Cường, Đà Nẵng
45 (144) Trần Tài 1969 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 12, Hoà Cường, Đà Nẵng
46 (145) Lê Văn Xanh 1967 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 38, Hoà Cường, Đà Nẵng
47 (139) Lê Thể 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 29 An Trung Tây, Đà Nẵng
48 (138) Trần Mạnh Việt 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Tổ 36, Bình Hiên, Đà Nẵng
49 (121) Trần Văn Phòng 1962 Thượng uý C trưởng E83 HQ604 Minh Tân, Kiến Xương, Thái Bình
50 (122) Trần Quốc Trị 1955 Binh nhất A trưởng E83 HQ604 Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
51 (147) Mai Văn Tuyến 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Tây An, Tiền Hải, Thái Bình
52 (127) Trần Đức Hoá 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình
53 (125) Phạm Văn Thiềng 1967 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
54 (134) Tống Sỹ Bái 1967 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Khóm 3, phường 1, Đông Hà, Quảng Trị
55 (135) Hoàng Anh Đông 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Khóm 2, phường 2, Đông Hà, Quảng Trị
56 (126) Trương Minh Phương 1963 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình
57 (128) Hoàng Văn Thuý 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Hải Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình
58 (131) Võ Văn Tứ 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình
59 (100) Phan Hữu Doan 1960 Trung uý Thuyền phó HQ605 Chí Tiên, Thanh Hòa, Phú Thọ
60 (112, 114) Bùi Duy Hiển 1966 Trung sĩ Báo vụ HQ605 Thị trấn Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình
61 (169) Nguyễn Bá Cường 1962 Thượng sĩ Học viên HVHQ HQ605 Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam
62 (170) Kiều Văn Lập 1963 Thượng sĩ Học viên HVHQ HQ605 Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội
63 (171) Lê Đình Thơ 1957 Thượng uý (QNCN) Nv đoàn 6 HQ605 Hoằng Minh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá
64 (172) Cao Xuân Minh 1966 Binh nhất Chiến sĩ đoàn 6 HQ605 Hoằng Quang, Hoằng Hoá, Thanh Hoá
Danh sách CBCS Hải quân mất tích, đăng trên Báo Nhân dân ngày 28/3/1988
Tên Liệt sĩ hy sinh 14/3/1988 tại Trường Sa, trên bia tưởng niệm đặt tại Cam Ranh
Viếng đồng đội (Nghĩa trang Tân Biên, Tây Ninh)
Nhà thơ Thanh Thảo - Buổi sáng ngày 24/7/2011, tôi lặng lẽ leo 160 bậc đá lên tới đỉnh ngọn đồi ở Hoà An (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hàng trăm Liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc từ tháng 2/1979. Lên chỉ để thắp cho các anh một nén hương. Và đứng lặng rất lâu trước những ngôi mộ đang được huyện trùng tu.
Tôi đọc trên bia mộ: “ Liệt sĩ Hoàng Văn Dử, sinh tại Lạng Sơn, thuộc đại đội 10, trung đoàn 851, sư đoàn 346, hy sinh ngày 18/2/1979”; “ Liệt sĩ Triệu Quang Dũng, sinh tại Hoà An-Cao Bằng, thuộc sư đoàn 346, hy sinh ngày 24/2/1979”... Và đây nữa “ Liệt sĩ Nguyễn Văn Vân, sinh năm 1962 tại Đại Từ-Thái Nguyên, thuộc đại đội 14, sư đoàn 346, hy sinh ngày 5/10/1984”, nghĩa là anh Vân hy sinh sau khi đất nước thống nhất hơn 9 năm. Tất cả họ đã hy sinh khi giữ từng tấc đất, từng mỏm đá ngọn núi dòng suối của đất Cao Bằng.
Mai Thanh Hải tại nghĩa trang Trường Sơn
Và từ nơi địa đầu Cực Bắc của Tổ quốc, tôi lại như nhìn thấy Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc ta, nơi vào tháng 1/1974 đã xảy ra trận hải chiến khốc liệt và đã có 74 chiến sĩ người Việt Nam hy sinh khi quyết giữ Hoàng Sa tới giây phút cuối. Họ đã chết và chúng ta đã mất Hoàng Sa. Nhưng họ còn trong nỗi nhớ chúng ta, và Hoàng Sa thân yêu mãi mãi vẫn là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam".
Tôi như nhìn thấy Trường Sa thương yêu của Tổ quốc ta, nơi tháng 3/1988 đã chứng kiến một cuộc chiến đấu hoàn toàn không cân sức giữa những chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng đảo Gạc Ma, lúc đó không mang vũ khí bên mình và những tàu chiến của hải quân Trung Quốc trang bị vũ khí mạnh. 64 chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh, nhưng chúng ta vẫn còn giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.
Mộ Liệt sĩ Hải quân trên đảo Nam Yết
Tôi bỗng thấy những ngọn núi đá Cao Bằng dưới nắng mai vút lên rực rỡ một vẻ đẹp ngỡ ngàng, khiến ta trào nước mắt. Ai là người Việt Nam mà không yêu Tổ quốc mình đến quặn thắt, đến xót xa, ngay khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp diệu kỳ của núi của sông của biển quê hương mình.
Xót xa vì cứ như từng tấc đất tấc biển đều thấm máu các Liệt sĩ . Là người Việt Nam, đã hy sinh vì Tổ quốc thì tất phải là Liệt sĩ. Nhưng nhiều Liệt sĩ đã ngậm cười nơi chín suối bao nhiêu năm song vẫn chưa chính thức nhận được danh xưng “Liệt sĩ” mà Tổ quốc tôn vinh cho những đứa con trung hiếu của mình.
Cứ quặn thắt trong lòng vì đất nước hoà bình đã 36 năm mà sự an nguy của Tổ quốc vẫn dồn nặng trên đôi vai những người chiến sĩ, dù là người chiến sĩ biên phòng suốt chiều dài biên giới 332 km của Cao Bằng hay người chiến sĩ giữ đất trời biển đảo Trường Sa.
Thành kính
Lòng biết ơn là một phẩm chất lớn của một dân tộc, cũng là một phẩm chất lớn của mỗi con người. Mà cao cả nhất của lòng biết ơn, là biết ơn những Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Lòng biết ơn ấy không thể hời hợt, không thể hình thức, đãi bôi, nó phải thấm sâu vào lòng mỗi người Việt Nam. Như máu hoà trong máu. Như một lời nguyền trong lặng lẽ: “ Không một ai bị lãng quên, không một điều gì bị quên lãng”( Thơ On-ga Bec-gôn-nữ thi sĩ Nga vĩ đại). Nếu lúc nào chúng ta lãng quên những Liệt sĩ của mình, chính là lúc ta đang sống vật vờ bên ngoài Tổ quốc.
Nhà thơ Thanh Thảo (gửi về từ Cao Bằng), Bài đăng trên Báo Thanh niên số ra 27/7/2011.
Chào cờ Tổ quốc trên đỉnh chốt Biên phòng Lai Châu
Mai Thanh Hải Blog - Ngày 27/7. Xin thắp nén hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Tự dưng, mình cứ luẩn quẩn với bài thơ in trong tập: "Hà Nội - Một thời trai chinh chiến", không hiểu nhớ của tác giả nào, viết về tâm trạng người mẹ khóc con trai mình hy sinh nơi "xa lắc xa lơ":
"Ngày con lên đường, phiếu xanh, bìa đỏ
Mái phố nghèo ấm áp tiễn con đi
Giấy gọi con vào Trường Đại học Y
Mẹ xếp phẳng đợi con về đi học.
Mộ Liệt sĩ Đỗ Khánh Hưng (hy sinh 2008), trên đảo Sơn Ca, Trường Sa
Bốn năm sau nhận tin con vừa mất
Nơi chiến trường xa lắc, xa lơ
Mẹ dại điên sống quanh quẩn bàn thờ
Lúc nhắm mắt ôm con về với đất.
Máu Mẹ chảy nơi chiến trường ác liệt
Xương Mẹ tan cát bụi chỗ con nằm
Vía gọi hồn khắc khoải đến ngàn năm
Cỏ mãi xanh, khôn thiêng về với Mẹ".
Tưởng nhớ đến người đã ngã xuống nhưng không quên tri ân những người còn đang sống, đã đóng góp 1 phần thân thể, phần đời và cả những người thân, ruột thịt cho những cuộc chiến tranh khốc liệt trên dải đất S.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Các cựu chiến binh thắp hương cho Liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa (có mộ phần trên đảo Nam Yết), 5/2011