Trong tâm thức của người Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa gần gũi tựa như cái sân liền với ngôi nhà là dải đất hình chữ S, chỉ bước chân ra là tới. Hoàng Sa ghi dấu trong ký ức bao thế hệ người Việt, là nơi thấm đẫm máu xương, mồ hôi và nước mắt của người dân Việt kiên cường vượt lên đầu sóng ngọn gió để mưu sinh, và khi cần thiết người Việt cũng đã quyết tử để bảo vệ quần đảo - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Khai thác phốt phát trên đảo Hoàng Sa năm 1940
Hoàng Sa trong ký ức của người Việt thời xưaKý ức của người Việt Nam thời xưa còn được ghi lại rõ ràng trong sử sách có lẽ chính là nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784). Trong sách Phủ Biên Tạp Lục soạn năm 1776, Lê Quý Đôn cho biết: "Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển. Ngoài biển, về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia đi hoặc một ngày, hoặc vài canh giờ thì đến. Trên núi có chỗ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên cạnh đảo có vô số yến sào. Các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi, to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai, vỏ ốc có thể đẽo thành tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà. Có ốc xà cừ để khảm đồ dùng. Lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bộng giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, có thể muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đồn đột, bơi lội ở bên bãi. Lấy về, dùng vôi xát qua, bỏ ruột, phơi khô. Lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi; nấu với tôm và thịt lợn càng tốt. Các thuyền ngoại phiên bị bão thường vào đậu ở đảo này. Trước, họ Nguyễn sai đặt đội Hoàng Sa lấy 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Cắt phiên, cứ mỗi năm tháng 2, nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng. Đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu (đắm), như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ. Đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hạt ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào Cửa Eo đến thành Phú Xuân nộp”.
Lý Văn Phức, một văn nhân nổi tiếng đời vua Minh Mạng, năm 1832 đi thuyền sang Philippines suýt nữa bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Ông đã ghi cảm tưởng của mình khi tận mắt nhìn thấy bãi cát vàng mênh mông trên biển cả ấy trong bài tựa và bài thơ nhan đề "Vọng Kiến Vạn Lý Trường Sa Tác”. Bài tựa nói rằng: "Vạn Lý Trường Sa là một dãi cát từ bể nổi lên, phía tây tiếp dương phận trấn Quảng Ngãi, phía đông giáp dương phận nước Lữ Tống, phía bắc tiếp dương phận các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Dằng dặc kéo ngang, không thể lượng đo được. Ấy là chỗ rất hiểm đệ nhất có tiếng từ xưa đến nay. Tàu thuyền qua đó, thường thường kiêng dè sự không thấy nó. Ấy vì chân bãi cát ra rất xa. Một khi lầm thì không thể trở lại. Ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1832), thuyền rời Quảng Ngãi, đã vào hải phận trấn Bình Định. Trù tính là không lầm, một đường thẳng vo, lấy hướng kim Mão-Ất (đông, hơi xế nam) mà tiến. Không dè gió trái, nước xiết, con thuyền không tiến. Thình lình trưa hôm sau, ngóng trông thấy nó. Sắc cát lờ mờ, khắp chân trời đều trắng. Tất cả người trên thuyền, trong lòng bừng bừng, nước mắt rưng rưng. Trên thuyền, ngoảnh hỏi người cầm lái là một tay lão luyện tây dương, nói rằng: lấy thước Đạc Thiên (lục phân) mà đo thì may thuyền chưa phạm vào chân bãi cát, còn chuyển buồm kịp. Bèn lấy hướng Kim Dậu (tây), nhằm Quảng Ngãi mà lùi. May nhờ phúc lớn của triều đình, về đến cửa bể Thái Cần mà tạm đỗ. Cuối cùng không việc gì”.
Trong lịch sử các gia tộc ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) còn chép khá đầy đủ hoạt động của tổ tiên dòng họ vâng lệnh triều đình hàng năm dẫn đội hùng binh ra các đảo Hoàng Sa. Từ thời các chúa Nguyễn đã cho thành lập đội Hoàng Sa. Đến đời vua Gia Long, chính sử còn ghi lại rất rõ năm 1815 vua sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa và tuyển các binh phu cùng đi ra Hoàng Sa và cả Trường Sa thám sát và đo đạc thủy trình. Các tài liệu phổ hệ, sắc phong, linh vị...viết bằng chữ Hán Nôm trong nhà thờ hậu duệ của họ Phạm nói đến nhiều người trong họ tộc đi lính Hoàng Sa không trở về. Trong đó có Chánh suất thủy quân cai đội Phạm Hữu Nhật, người đã cùng với Phạm Quang Ảnh được Tổ quốc đặt tên cho hai hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa (đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh). Mới đây, dòng họ Đặng ở đảo Lý Sơn đã hiến tặng cho Nhà nước bản gốc duy nhất Sắc chỉ của vua Minh Mạng phái một đoàn thuyền với 24 lính thủy ra canh giữ quần đảo Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Giáp Ngọ (1834). Trong một tờ lệnh có đóng triện của hai vị quan bố chánh và án sát tỉnh Quảng Ngãi cùng năm Giáp Ngọ (1834) ghi rất rõ những tên tuổi tham gia hải đội Hoàng Sa đợt này như Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định, Võ Văn Hùng, Phạm Quang Tình, Võ Văn Công, Võ Văn Hùng, Ao Văn Trâm, Trần Văn Kham...Lừng lẫy nhất là Phú Nhuận Hầu Võ Văn Phú kiêm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ và cai đội Hoàng Sa. Ông Võ Văn Phước hậu duệ đời thứ 16 hiện đang ở Lý Sơn còn ghi nhớ nhiều câu chuyện kể về cha ông mình can trường cưỡi lên đầu sóng ngọn gió ở Hoàng Sa bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Trên đảo Lý Sơn quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa ngày nay vẫn còn nhiều mộ gió do dân làng lập nên cho những đứa con của làng hy sinh ở Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước. Mỗi lần ra biển, họ đều đến thắp hương khấn vái và cầu mong linh hồn bất tử của những thủy binh hải đội Hoàng Sa tung hoành một thuở chở che cho họ vượt qua phong ba bão táp, gặp may mắn hanh thông trong những chuyến biển dài trên vùng biển mà máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam đã hòa vào biển cả hàng trăm năm qua.
Đặc điểm nổi bật của quần đảo Hoàng Sa là những đảo san hô vào loại lớn. Toàn bộ quần đảo trải trên một diện tích khoảng 15.000 km vuông trên mặt biển
Hoàng Sa trong ký ức của người Việt thời nayTập san Sử Địa số 29 xuất bản tại Sài Gòn đầu năm 1975 sau khi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực là một chuyên đề đặc biệt về Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó có bài của tác giả Trần Thế Đức, ghi chép lại một vài sự kiện liên quan tới quần đảo Hoàng Sa qua lời tường thuật của những người trong cuộc. Kể về hoạt động của Trạm Khí tượng Thủy văn Hoàng Sa, tác giả cho biết các nhân viên khí tượng ở đảo Hoàng Sa mỗi ngày có 8 lần quan trắc gọi về Sài Gòn qua hệ thống vô tuyến điện siêu tần số. Khi có bão, quan trắc phải làm và báo cáo hàng giờ. Nhờ đó, sức mạnh và hướng đi của trận bão được biết rõ và thông báo cho dân chúng, tàu bè, máy bay qua lại trong vùng. Từ Sài Gòn qua hệ thống viễn thông vùng Đông Nam Á, thế giới biết đến Hoàng Sa qua ám số 48860 (48 là vùng Đông Nam Á, 860 là Ty Khí tượng Hoàng Sa). Ty Khí tượng còn kiêm luôn cả Ty Bưu điện, đóng dấu gửi thư từ đảo về đất liền và ngược lại.
Phân phosphate trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là một nguồn lợi mà nhiều nhà kinh doanh chú ý. Năm 1956, ông Lê Văn Cang được chính quyền VNCH cho phép khai thác phosphate trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1961, Công ty Lê Văn Cang bắt đầu khai thác, Công ty Hữu Phước được hợp đồng chở phân bón về Sài Gòn. Từ năm 1960, có thêm Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành tham gia. Sau năm 1970, thị trường phân bón mở rộng nên nhiều công ty khác cũng chú ý đến nguồn phosphate ở Hoàng Sa. Công ty Kỹ nghệ Phân bón Đại Nam (KYPHADACO) do ông Đào Nhật Tiến làm chủ, cho biết thành phần phosphate lấy từ các đảo Hoàng Sa có phẩm chất rất tốt. Ông Tiến còn khám phá ra một tài nguyên khác ở Hoàng Sa là cát và vỏ sò, vỏ ốc. Cát và vỏ sò, vỏ ốc Hoàng Sa xay thành bột nung ở nhiệt độ cao được sản phẩm gọi là "cát Hoàng Sa” có thể trị phèn trong ruộng và trộn với thức ăn gia súc.
Vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa là nơi lui tới của nhiều tàu lạ. Người Việt vốn quý khách. Khách tới, đi ca nô hay xuồng nhỏ vào đảo là được tiếp niềm nở. Nhất là những lúc khách gặp cơn hoạn nạn cần được cứu giúp. Chủ và khách đều vui vẻ. Khách chân thật không có gì đáng e ngại, vì khách thường tới từ các tàu cá, không có vũ khí, chủ nhà còn được xuống tàu khách tham quan. Khách có thể lên đảo nghỉ ngơi, tắm nước ngọt, phơi cá, phơi lưới trên đảo, trao đổi hàng hoá, nước ngọt, rau tươi... Nghỉ ngơi xong, khách lại xuống tàu nhổ neo ra đi. Tuy nhiên, có một lần khoảng năm 1970, một bọn người không rõ quốc tịch lên đảo xin nghỉ ngơi, nói tàu đánh cá của họ bị bão. Chủ nhiệt tình giúp đỡ, cho họ vào tạm trú chân. Các anh lính bỗng chú ý vì họ mang theo một tấm giấy lớn, mở ra thì nhận ra ngay là bản đồ quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Một anh lính thấy họ cầm bản đồ ngược, liền kêu lên. Người nọ giật mình, quay bản đồ lại. Thì ra họ biết tiếng Việt. Thế rồi sau này xảy ra chuyện ngày 19-1-1974.
Một nhân viên của Trạm Khí tượng Thủy văn Hoàng Sa trước năm 1974
Trong khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến động viên, khích lệ của độc giả, trong đó có những ý kiến rất tâm huyết, trăn trở về việc thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Có độc giả đề nghị nên bắt đầu bằng việc vinh danh xứng đáng những người con đất Việt đã quên thân mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Mới đây, ông Nguyễn Thiện, tác giả chương trình "Dân ta biết sử ta”, đã gửi tới báo Đại Đoàn Kết bức thư tâm huyết đề nghị "cần vinh danh những người con đất Việt đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”. Vinh danh những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa cũng là một cách để khắc ghi ký ức Hoàng Sa vào tâm thức dân tộc mãi mãi không phai mờ. Nhìn nhận sự hy sinh của ông Ngụy Văn Thà – Hạm trưởng tàu Nhật Tảo (HQ10) cùng gần 60 đồng đội khác của ông trong trận quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa ngày 19-1-1974, ông Nguyễn Thiện bày tỏ: "Vinh danh những người con đất Việt hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 là minh chứng sâu sắc rằng Tổ quốc là của mọi con dân nước Việt, là thể hiện sâu sắc sự công bằng với lịch sử, có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, là bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc.”. Ký ức Hoàng Sa có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai nhạt với những con người gắn cả cuộc đời mình với vùng biển thân thuộc tiếp nối từ nhiều đời trong gia tộc như "sói biển” Mai Phụng Lưu, ngư dân đảo Lý Sơn, người 4 lần bị Trung Quốc bắt khi đang đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Sau một thời gian khánh kiệt không còn khả năng để sắm thuyền và ngư cụ ra khơi, nay ông vừa được một quỹ hỗ trợ ngư dân cho vay ưu đãi để giúp "sói biển” trở về ngư trường quen thuộc của cha ông như xưa. Ông Lưu chia sẻ: "Không biết sao chứ cứ ra tới biển là trong đầu tui cứ nhớ đường tới Hoàng Sa. Có lần tui chạy về hướng Trường Sa được 180 hải lý rồi tự nhiên tay lái cứ bẻ lên Hoàng Sa”. Ông Võ Hiển Đạt, người trông coi Âm Linh Tự thờ cúng hương hồn các dân binh Hoàng Sa nói: "Đối với bà con Lý Sơn, Hoàng Sa y như cái đảo Bé ở đây. Chỉ bước chân ra là tới. Đó là nhà của dân Lý Sơn từ bao đời nay”. Có lẽ trong tâm thức của mọi người Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa cũng giống như sân nhà mình, chỉ bước chân ra là tới.
Nhóm PV Biển Đông