Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Khơi lại ngọn lửa chống ngoại xâm của nghĩa quân Tây Sơn

Sáng 27/1 (mùng 5 Tết), hàng nghìn người dân đã đổ về Công viên Văn hóa Gò Đống Đa để ôn lại ngọn lửa quật cường chống ngoại xâm sau 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn. Cũng như nhiều năm trước, để tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung và các anh hùng dân tộc, năm nay nhân dân xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) và quận Đống Đa tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động tế lễ, các trò chơi dân gian và các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Xem thêm: Trận Ngọc Hồi - Đống Đa
Một số hình ảnh được ghi lại tại lễ hội.
 Dưới chân tượng đài Quang Trung từ sáng sớm đã có rất nhiều người đến thắp hương…

…và công đức…

…để cầu mong những điều tốt lành cho năm mới

Chuẩn bị đồ cúng để làm lễ dâng hương dưới chân tượng đài vua Quang Trung

Châm hương tiến hành buổi lễ

Dẫn đầu lễ dâng hương

Thành kính tiến về phía tượng đài

Đi sau cùng là đoàn múa sênh tiền

Sau khi quỳ lạy vua…

…đoàn lễ lần lượt dâng lên vua hương, hoa, nến…

Từng đoàn lần lượt tiến về phía tượng đài

Người dân cũng chắp tay thành tâm trước vị vua anh hùng


Thi đấu cờ người luôn là một trò chơi dân gian thu hút

Các em thiếu niên được trang điểm, ăn mặc hệt như những vị vua, vị tướng…

Lễ hội rực rỡ sắc màu
Thu Hiền



Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Chúc mừng Tết Nhâm Thìn 2012


Nhân dịp Tết Nhâm Thìn 2012 chủ trang nhà này muốn gửi lời chúc mừng năm mới đến các bạn và bạn đọc xa gần. Chúc các bạn một cái Tết đầm ấm, vui vẻ, và an lạc. Chúc các bạn một năm Nhâm Thìn nhiều may mắn (thời đại này chúng ta cũng cần may mắn) và thăng tiến trong công việc.

Riêng đối với cá nhân tôi, năm nay là một cái mốc thời gian đáng nói. Đó là năm đánh dấu 30 năm tôi định cư ở Úc (và 31 năm xa quê). Nhạc sĩ Y Vân có câu “60 năm cuộc đời”, và chiếu theo câu đó thì tôi đã ở đây hơn nửa đời người. Nhớ lại những ngày đầu chông chênh trong xã hội Tây, vất vả làm ngày làm đêm bươn chải kiếm từng đồng đôla cho cái xe hơi, cho căn nhà, và … gửi về Việt Nam, tôi thấy mình đã đi một quãng đường dài. Nói là “dài” nhưng thật ra là ngắn. Trong tâm tưởng, tôi cứ thấy cái thời gian bĩ cực đó như là hôm qua! Đời người đo bằng đơn vị ngày tháng thì quả là như bóng câu qua cửa sổ. Mới đó mà đã 30 năm!

Tết là thời điểm để suy nghiệm những gì trong quá khứ và suy nghĩ về tương lai. Tôi nghĩ về thế hệ trẻ. Ba chục năm là thời gian của một thế hệ. Một thế hệ người Việt mới đã hình thành ngoài Việt Nam, và tôi may mắn là một chứng nhân trước sự trưởng thành đó. Không chỉ là sự trưởng thành của con tôi mà còn của cháu tôi. Năm nay về quê thăm nhà cùng một lúc với mấy đứa cháu bên Mĩ, tôi mới thấy lạc quan cho thế hệ kế tiếp. Mới hôm nào mình còn bồng bế chúng nó trên tay, mà nay chúng nó đã tốt nghiệp cử nhân, cao học, có địa vị vững vàng trong xã hội Mĩ, ăn nói tự tin cứ như là sếp. Mà chúng làm sếp thật. Không chỉ có học, có địa vị, chúng nó còn có tham vọng làm việc tốt cho quê nhà. Tôi hỏi con nhỏ cháu 24 tuổi rất xinh gái rằng “năm năm nữa con sẽ làm gì”, nó không ngần ngại nói một tràng dài rồi kết luận “con sẽ hoàn tất chương trình PhD và sẽ trở thành giáo sư về marketing”. Tôi nói con phải tìm cho mình một mentor nổi tiếng và nên tận dụng thời gian ở UCLA. Để nhấn mạnh ý định làm giáo sư, nó nói một cách khẳng định: I will. Tôi hỏi thằng cháu là em của nó một câu hỏi tương tự, nó nói “Con sẽ hoàn tất chương trình học làm hiệu trưởng trung học, và con sẽ dứt khoát làm hiệu trưởng, và sẽ làm thay đổi cái trường con đang dạy”. Anh chàng này hồi còn bé thì lù lù, rất ít nói chuyện, mà bây giờ nói lưu loát như két, và có nhiều nhận xét rất hay về xã hội Việt Nam. Chúng ngạc nhiên không hiểu những nghịch lí trong xã hội Việt Nam và không hiểu tại sao chẳng ai làm gì để khắc phục. Hỏi về quê nhà, đứa nào cũng nói chưa biết làm gì, nhưng sẽ cố gắng hết sức mình đóng góp cho quê nội chúng nó tốt hơn.

Tuổi trẻ ngoài này có tham vọng và hoài bảo, chúng nó biết mục tiêu và biết mình đi đâu hay sẽ làm gì. Tôi chợt so sánh với giới trẻ bên nhà (cũng là con cháu tôi), và thấy hình như chúng không có tham vọng, thậm chí không dám suy nghĩ cái gì lớn lao. Tôi hỏi câu “năm năm nữa con sẽ làm gì”, thì đứa nào cũng không trả lời cụ thể được. Chúng nó chỉ biết là lên đại học, hay tốt nghiệp đại học, rồi sau đó làm gì thì chúng nó không biết. Tôi có cảm tưởng giới trẻ trong nước thiếu tham vọng. Cũng có thể họ có tham vọng nhưng không dám nói ra. Hình như hai chữ “tham vọng” trong cái nhìn của nhiều người ở VN là hàm ý không tốt. Tham vọng có khi hiểu đồng nghĩa với có mưu mô chiếm đoạt. Trong môi trường xã hội mà nói ra tham vọng của mình dễ bị gắn nhãn hiệu “nổ”, hay “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, thì chẳng trách giới trẻ co rút lại với những chuyện nhỏ nhặt và tủn mủn. Chúng được lớn lên với quan điểm rằng “chuyện lớn” đã có Nhà nước lo, có lãnh đạo phụ trách. Thật ra, giới trẻ trong nước cũng có nghĩ đến chuyện lớn, nhưng vì viễn ảnh bị sách nhiễu và cánh cửa tương lai bị đóng, nên giới trẻ chọn cách bày tỏ thụ động hoặc tốt hơn hết là không nói. Thật đáng quan tâm nếu một [hay nhiều] thế hệ trẻ lớn lên mà thiếu tham vọng và không được bày tỏ hoài bảo liên quan đến đất nước.

Ba mươi năm qua, chưa một lần tôi có dịp ăn Tết ở bên nhà. (Cũng không bao giờ đi mấy cái gọi là hội chợ Tết ở đây, mà theo tôi là hội chợ nhậu chứ chẳng có văn hoá gì cả). Bởi vậy, cứ mỗi lần Tết về là tôi nhớ quê da diết. Nhớ những buổi sáng se se lạnh, gió bấc lao xao qua rặng dừa nước, và đêm về lủ nhỏ chúng tôi soi đèn đi bắt cá bóng. Nhớ những hôm sang nhà Ngoại để đánh bóng bộ lư. Nhớ buổi sáng Mồng Một diện bộ độ mới đi … xin lì xì. Nhớ nhiều lắm. Nhưng nay thì những kỉ niệm đó đã đi vào dĩ vãng. Bởi vậy, cứ mỗi dịp Tết về, tôi mở máy nghe ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ mà tôi muốn gửi tặng các bạn ở đây:

Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ, đưa hương theo làn gió
Em nói rằng em viết thành thơ
Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Em đứng chờ tôi trước song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa
Xuân đến xuân đi, xuân về gieo thương nhớ
Xuân qua để tôi chờ
Xuân đến xuân đi, xuân về mơn lá hoa,
Xuân qua rung đường tơ
Bước sông hồ như đắm như mơ
Trở về đây khi gió sang mùa
Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ
Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ

Một lần nữa, mến chúc các bạn một năm Nhâm Thìn với nhiều tham vọng và hoài bảo mới và thực hiện thành công những hoài bảo cá nhân.

NVT



Từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện để mưu sinh, Nguyễn Văn Tuấn đã tự vươn lên, trở thành Giáo sư, Tiến sĩ, là nhà nghiên cứu khoa học giỏi về xương, dịch tễ học.
PV báo SVVN đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu rõ hơn về nỗ lực, sự phấn đấu của một nhà khoa học Việt Nam nơi xứ người.

Để vượt lên “nghịch cảnh”

Sang Úc và làm công việc phụ bếp tại một bệnh viện lớn rồi trở thành một giáo sư có tiếng. Con đường này diễn ra thế nào, thưa anh?
Các bạn trẻ kể từ thời sau chiến tranh sang đây học tập quả là có nhiều thuận lợi và suôn sẻ. Còn với mỗi người Việt Nam thuộc thế hệ của tôi thì đều có một "lịch sử", hiểu theo nghĩa thăng trầm trong cuộc đời. Khi mới sang đây định cư, tôi vừa làm đủ thứ nghề để kiếm sống vừa đi học. Thời gian đầu tôi làm phụ bếp, rồi làm phụ tá trong phòng thí nghiệm sinh học, trong xưởng,…
Trong thời gian đi làm như thế, tôi đi học ban đêm, gọi là học bán thời gian. Suốt gần 5 năm liền, đêm nào cũng về nhà lúc 10 hay 11 giờ đêm. Lúc đó cuộc sống cực nhọc lắm. Nhưng có lẽ vì còn trẻ nên tôi chẳng thấy khổ cực gì cả!

GS Nguyễn Văn Tuấn đang phát biểu tại một hội thảo quốc tế.
Sinh viên ngoài công việc chính là học thường dành thời gian rảnh rỗi để làm một công việc part-time, trong khi anh thì ngược lại, học vào thời gian không phải làm. Bí quyết vượt lên "nghịch cảnh" của anh là gì?
Tôi chẳng có bí quyết nào cả. Tất cả chỉ là cố gắng và quyết tâm học hành thôi. Nếu có "bí quyết" thì tôi nghĩ lúc đó tôi có quyết tâm đạt được mục tiêu mình đề ra, sử dụng quỹ thời gian nghiêm chỉnh, và chọn môi trường học tốt.
Khi làm trong nhà bếp Bệnh viện St Vincent's (nơi tôi đang làm hiện nay), tôi được biết rất nhiều phụ bếp đều xuất thân là chuyên gia đến từ các nước Liên Xô (cũ), Đông Âu, Trung Quốc, nhưng vì hoàn cảnh nên đã làm trong nhà bếp cả 10, 20 năm trời. Lúc đó tôi rất "ngán", và nghĩ đến chuyện phải làm sao thoát khỏi hoàn cảnh này. Do đó, tôi tự hứa với lòng là bằng mọi giá phải đi học lại. Cũng may, lúc đó còn trẻ, nên dễ dàng vượt qua hoàn cảnh, chứ nếu như bây giờ tôi chẳng biết mình sẽ làm thế nào.
Vì vừa làm vừa học, nên tôi phải quản lý quỹ thời gian rất nghiêm chỉnh, rất ít đi chơi, dứt khoát không có chuyện… nghỉ hè, và dồn tất cả thời gian trống vào việc học hành. Thật ra, lúc đó, chương trình học nặng lắm, nên có muốn đi chơi cũng không được!

Cái khó của một người trẻ muốn khẳng định mình nơi xứ người là gì?
Phải phấn đấu học nhiều hơn, làm việc nhiều hơn và tốt hơn so với người bản xứ. Khi tôi mới vào học, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ trở thành giáo sư, vì trong môi trường ở Úc, chuyện đó nằm ngoài tầm tay của mình. Thời đó, ở Úc, các bạn tôi qua đây trước cho tôi biết rằng nên cố gắng học hành xong và tìm việc làm, chứ đừng mơ đến vị trí giáo sư hay thậm chí giảng viên cao cấp, vì đã mấy mươi năm qua số giáo sư gốc Á châu trong đại học Úc chỉ đếm đầu ngón tay.
Có một anh bạn thân với tôi khuyên rằng nếu mình (người Á châu) muốn bằng họ (người bản xứ) thì mình phải "cao" hơn họ 2 cái đầu, chứ ngang hàng hay cao hơn 1 cái đầu vẫn chưa đủ! Tôi nghiệm ra câu này hết sức đúng. Do đó, có thể nói lúc nào tôi cũng đặt mục tiêu gấp 2 lần những tiêu chuẩn dành cho người bản xứ.

Việc học của anh có do ảnh hưởng của những người đi trước?
Có lẽ người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là anh Hai tôi. Thời gian "lên thành" học, tôi ở chung với anh ấy và chịu nhiều "cực hình" về học hành. Lúc đó, tôi nghĩ mình học không đến nỗi tệ, nhưng anh ấy không bao giờ khen tôi, mà lúc nào cũng chê bai, so sánh với những bạn học giỏi hơn. Lúc đó tôi rất khổ tâm, vì nếu anh ấy "báo cáo" về nhà tôi học dở là rất dễ bị khiển trách và cúp tài trợ! Nhưng thật ra, anh ấy chỉ đặt ra những cái ngưỡng để tôi vượt qua, chứ chẳng có ý chê trách gì. Anh Hai tôi dạy rằng học cái gì là phải học từ căn bản, chứ đừng có "học lớt lớt", và câu đó trở thành phương châm học hành của tôi.
Một anh bạn người Huế, tuy không chỉ dạy gì cho tôi, nhưng thái độ học của anh có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Lúc đó, chúng tôi tự học tiếng Anh. Mỗi ngày, anh ôm sách và báo ngồi một góc ở thư viện, và nguyên ngày anh chỉ học một chữ tiếng Anh, nhưng học từ nguồn gốc của chữ, ý nghĩa, cách sử dụng,… Anh ấy "rủ" tôi đi học kiểu đó, khuyến khích tôi làm theo anh ấy, và tôi thấy rất hiệu quả. Cách học này tuy chậm, nhưng rất vững chắc.

Tiến sĩ... nhiều chuyện

Công việc hiện nay của anh là gì?
Hiện nay, công việc chính của tôi là lãnh đạo một nhóm nghiên cứu về loãng xương tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Tôi còn giữ chức giáo sư tại trường y và trường y tế cộng đồng thuộc Đại học New South Wales. Nhóm nghiên cứu của tôi có 2 chương trình nghiên cứu chính là di truyền học và dịch tễ học lâm sàng liên quan đến xương. Vài việc chính của tôi là suy nghĩ về những định hướng nghiên cứu cho nhóm, tìm tài trợ cho chương trình nghiên cứu, và hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ngoài ra, tôi còn phải làm vài việc ngoài phạm vi quốc gia, như tham gia các hội đồng chuyên ngành quốc tế; tham gia biên tập các tập san y khoa liên quan đến ngành xương; bình duyệt bài báo khoa học, đề cương nghiên cứu, luận án tiến sĩ,…

Vậy thời gian nào anh dành cho báo chí và quê nhà? 24h/1 ngày của anh được phân bổ thế nào?
Ngày của tôi hơi dài so với nhiều người khác. Tôi thức sớm, khoảng 6h30 mỗi sáng, chuẩn bị đi làm. Mỗi ngày tôi có một danh sách việc phải làm. Tôi đi làm bằng xe điện nên có thì giờ soạn ra những việc phải làm trong ngày và đọc sách, đọc tài liệu, đọc bài báo khoa học… trên xe điện. Nhiều khi tôi duyệt bài báo khoa học trên xe điện! Do đó, khi đến cơ quan, tôi cứ căn cứ vào danh sách việc cần làm trong ngày mà làm.
Tối về, tôi lại làm việc tiếp, nhưng phần lớn là việc liên quan với Việt Nam, như trả lời thắc mắc các bạn trong nước về nhiều vấn đề, viết bài cho báo chí, cập nhật trang web cá nhân,… Ngày làm việc của tôi thường kết thúc vào khoảng 23h30.
Tôi hay nói đùa rằng ban ngày thì làm việc cho Úc và cho thế giới, ban đêm làm việc cho Việt Nam. Nói tóm lại, bây giờ nhìn lại, tôi thấy thời gian tôi dành cho làm việc hơi nhiều, có lẽ tôi phải thay đổi nay mai.

Nếu anh trở về tuổi hai mươi, việc đầu tiên anh làm là...?
Tôi theo đuổi ngành Y học vì muốn tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực loãng xương và nội tiết mà tôi đã ham thích từ lúc tôi tham gia vào các dự án nghiên cứu lâm sàng trong Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Tôi nghĩ theo đuổi nghiên cứu như chúng tôi đang làm có thể giúp nhiều người mà cũng hợp với ý nguyện cá nhân, nên không có gì phải nhìn lại cuộc đời mình với chữ "nếu".
Tuy nhiên, nếu được trở về tuổi đôi mươi, tôi khẳng định mình vẫn đi học. Nhưng sẽ học thêm làm phóng viên báo chí. Tôi thích làm phóng viên để được đi đây, đi đó, lắng nghe và suy nghiệm những câu chuyện của thế giới.

Có người nói Nguyễn Văn Tuấn hơi... nhiều chuyện vì anh tham gia ở đủ các lĩnh vực như y khoa, báo chí và cả văn học. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nghĩ mình quan tâm đến nhiều chuyện, hơn là "nhiều chuyện". Tôi đam mê về văn học từ lúc còn nhỏ, nên nếu có viết lách gì về lĩnh vực này thì cũng là chuyện bình thường, như là một thú tiêu khiển. Hơn nữa, một người làm khoa học cần phải có cái nhìn tổng thể, chứ không chỉ giới hạn vào chuyện chuyên môn hằng ngày, mà văn học và văn chương là lĩnh vực rất có ích cho khoa học.
Albert Einstein từng nói rằng: "Nếu bạn có logic, thì bạn có thể đi từ A đến B nhưng nếu bạn có tưởng tượng, bạn có thể bay bổng bất cứ nơi nào". Tôi nghĩ văn học và văn nghệ nói chung làm cho cuộc sống thêm phong phú, gieo sự tưởng tượng trong đầu, và làm cho mình bay bổng, và đó là một điều rất có ích cho khoa học.
Tôi là đồ đệ của cụ Nguyễn Khắc Viện, là "fan" của cụ Nguyễn Hiến Lê, những người bàn về nhiều vấn đề chẳng dính dáng gì đến chuyên môn của họ.
Giá trị sống mà anh theo đuổi, tôn thờ nhất là gì?
Theo tôi, giá trị sống là những gì mình hành động để gặt hái được và giữ được trong sự giới hạn về thời gian của một đời người. Hiểu như thế, tôi thấy giá trị sống của mình gần với triết lý nhà Phật, dựa vào triết lý "từ bi" của Phật. "Từ bi" ở đây phải hiểu theo nghĩa "từ" là giúp đỡ người khác, làm cho người khác hạnh phúc, an lành hơn; và "bi" là diệt khổ. Đó chính là tiêu chí làm việc hằng ngày của tôi.
Mỗi ngày, phải để ý đến cái mà giới khoa học gọi là "tỉ số thiền" (Zen ratio). Tử số của tỉ số thiền là những việc làm đem lại niềm vui và phúc lợi cho cộng đồng, và mẫu số là những việc làm hay hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, là những điều mình làm nhưng chưa đạt. Bởi vì mỗi hành động mình làm dù có ý định tốt, nhưng có tiềm năng gây tổn hại đến người khác, cho nên mẫu số của tỉ số thiền không thể nào là 0 được.
Do đó, trong mỗi việc làm và mỗi thời khắc, tôi tâm niệm làm sao duy trì tỉ số thiền này phải là 10 hay trên 10 thì càng tốt. Tôi làm nhiều việc như chia sẻ thông tin với mọi người cũng vì cái giá trị sống mà tôi mô tả trên.

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn
Giảng viên cao cấp tại ĐH New South Wales, Úc.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc.
Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC).
1987-1997: Thạc sĩ ĐH Macquarie (Úc); Tiến sĩ thống kê, chuyên về dịch tễ học ĐH Sydney (Úc); Tiến sĩ y khoa ĐH New South Wales (Úc), Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại ĐH Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz (Thụy Sĩ) và Bệnh viện St Thomas (Anh).
1998: Được bổ nhiệm Phó Giáo sư y khoa ĐH Wright States (Mỹ).
2009: Được bổ nhiệm Giáo sư ĐH New South Wales (Úc).

Theo Lê Ngọc Sơn - Ngọc Dung
Sinh Viên Việt Nam

Nghĩ về cột mốc 2020

SGTT Xuân 2012 - Ở cột mốc 2020, Việt Nam dự tính sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu này được ghi trong các văn kiện chính thức, được thường xuyên nhắc đến trên các phương tiện thông tin, nhưng ít thấy đâu bàn rõ nội hàm của nó là gì? Nhất là cụm từ “theo hướng hiện đại” nên hiểu thế nào?
Theo thống kê mới nhất của UNDP, thu nhập bình quân trên đầu người Việt Nam hiện nay là 2.800 USD/năm (tính theo sức mua và giá trị USD năm 2005), thuộc 52 nước nghèo nhất thế giới. Nếu trong những năm tới ta cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 7 – 8%/năm, thì sau tám năm nữa, người Việt vẫn cứ nghèo hơn người Thái Lan và người Trung Quốc hiện nay, khoảng 7.500 USD/năm. Với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trên 10%/năm như những năm gần đây, chênh lệch mức sống giữa ta và họ sẽ còn doãng rộng ra nữa vào năm 2020.
Nếu căn cứ vào chỉ số phát triển con người (hdi) của Liên hiệp quốc, thì hiện nay Việt Nam xếp ở vị trí thứ 128 trong số 187 quốc gia, trên Lào và Campuchia mười bậc, nhưng dưới rất nhiều nước trong vùng như Indonesia (124), Philippines (112), Thái Lan (103), Trung Quốc (101), Malaysia (61), Hàn Quốc (15)… Từ nhiều năm nay chúng ta vẫn quanh quẩn ở vị trí này, sau tám năm nữa chắc tình hình sẽ không thể cải thiện hơn nhiều, bởi không riêng gì Việt Nam, các nước khác đều phát triển.
Chỉ số hdi phối hợp cả ba mặt phát triển cơ bản của con người bao gồm mức sống, học vấn và tuổi thọ trung bình. Ở đây người ta xem con người phát triển trên nhiều mặt chứ không chỉ đuổi theo thu nhập đơn thuần. Theo kết quả vừa công bố cho năm 2011, Na Uy có chỉ số phát triển con người cao nhất thế giới. Đứng cuối bảng là Cộng hoà dân chủ Congo. Giữa hai đầu mút này là 185 nước trải dài trên những cung bậc khác nhau, từ lạc hậu đến hiện đại. Trong nhóm 30 nước dẫn đầu, ngoài các nước Tây Âu và Bắc Mỹ từng bắt đầu công nghiệp hoá từ vài thế kỷ trước, còn có Nhật Bản, ba nước và lãnh thổ Đông Á mới trỗi dậy là Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore. Đương nhiên họ được xem như hình mẫu hiện đại mà nhiều nước khác muốn vươn tới.
Rất dễ nhận ra những đặc điểm bề ngoài phân biệt các nước hiện đại với các nước kém phát triển do có sự chênh lệch rất lớn về mức sống, dân trí và những điều kiện bảo đảm sức khoẻ cho người dân (bao gồm cả chất lượng môi trường sống). Nhưng những nhân tố “bên trong” làm nên sự hiện đại lại khó lượng hoá, cho nên phải nhận dạng ra chúng để thấy rõ những nước hiện đại đã đi lên bằng con đường nào. Những nhân tố ấy phản ảnh quyền hạn và nghĩa vụ của các chủ thể trong xã hội, mối tương tác giữa con người, cộng đồng, nhà nước, môi trường tự nhiên, và giữa các nước với nhau trong thời đại toàn cầu hoá. Từ đây, có thể thấy ba đặc điểm của một quốc gia hiện đại:
1) Năng suất lao động rất cao dựa trên tri thức khoa học công nghệ và quản lý.
2) Quyền tự do được bảo đảm cho mỗi người và mọi người, xã hội dân chủ, nhà nước minh bạch và không lạm dụng quyền lực, xã hội dân sự phát triển.
3) Kinh tế phát triển mang lại phúc lợi xã hội, nhưng không làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo và suy thoái môi trường sống, như xu hướng thường thấy ở các nước lạc hậu.
Các nước đang công nghiệp hoá muốn vươn lên hiện đại phải sẵn sàng chấp nhận bước lên các quỹ đạo khá dài và đầy chông gai này. Khoảng cách về của cải vật chất giữa tiên tiến và lạc hậu tuy rất lớn, song không lớn bằng khoảng cách về tri thức khoa học công nghệ và không đáng sợ bằng tính cố thủ kìm giữ xã hội trong lạc hậu. Tiền bạc không mua được tri thức và dân chủ.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay khi mà sản phẩm công nghệ lan toả rất nhanh ra khắp thế giới, khoảng cách muôn trùng giữa người sở hữu và người tiêu thụ công nghệ rất dễ bị ngộ nhận. Với chiếc iPhone 4S bên tay lái Mercedes ngày một phổ biến trên các xa lộ, chúng ta, những người ở xứ lạc hậu, rất dễ ngộ nhận rằng mình cũng hiện đại chẳng kém ai, đó là nhờ mình biết đi tắt đón đầu, biết chộp ngay lấy những thứ hiện đại nhất để tiêu xài. Lối tư duy vĩ cuồng này có thể làm chúng ta quên mất mình đang ở đâu trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới. Tương tự, sản phẩm công nghệ cao từ các khu chế xuất của nhà đầu tư nước ngoài lại được tính vào thành phần công nghệ cao và kinh tế tri thức trong GDP, mặc dù quá trình sản sinh ra chúng không để lại dấu ấn nào từ trí tuệ của chúng ta.
Du nhập công nghệ, đồng hoá nó, rồi đổi mới nó để cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chính là con đường làm công nghiệp hoá của các nước đi sau như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi các nước Âu – Mỹ phải trải qua vài trăm năm để công nghiệp hoá bằng tri thức khoa học công nghệ của mình, thì Nhật Bản đi sau đã rút ngắn đoạn đường công nghiệp hoá và đuổi kịp họ ngay ở giữa thế kỷ trước. Quãng đường công nghiệp hoá của Hàn Quốc lại còn ngắn hơn. Chỉ sau vài chục năm ở cuối thế kỷ trước, những Samsung, LG, Hyundai đã cạnh tranh ngang ngửa trên thị trường toàn cầu với các ông lớn Âu – Mỹ. Trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người mới đây của Liên hiệp quốc, Hàn Quốc xếp thứ 15, trên cả Anh, Pháp, từng là hai nền công nghiệp tiên tiến nhất đầu thế kỷ trước. Tiếp bước Hàn Quốc trên con đường hiện đại hoá là Trung Quốc, rồi đến lượt Ấn Độ. Từ những bài học thành công này có thể thấy lộ trình hiện đại hoá thường gắn với những bước đột phá từ tư duy lãnh đạo.
Công cuộc hiện đại hoá của nước Nga là một bài học khác. Lênin từng đưa ra định nghĩa: “Chủ nghĩa xã hội = vô sản chuyên chính + điện khí hoá toàn quốc”. Với công thức này, Liên Xô đã trở thành một nước công nghiệp, thậm chí từng là siêu cường, nhưng chưa bao giờ được hiện đại hoá. Bởi vế thứ nhất trong công thức trên không thể song hành với tự do, dân chủ và minh bạch. Mâu thuẫn càng không thể dung hoà khi công nghệ thông tin tràn ngập thế giới. Vế thứ hai cũng trở nên lỗi thời khi khẩu hiệu điện khí hoá toàn quốc bị lạm dụng.
Nhớ lại những gì xảy ra sau cuộc chiến Trung Đông đầu thập kỷ 1970, cùng với viễn cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu lúc bấy giờ sẽ thấy rõ điều gì đã cản trở nước Nga hiện đại hoá. Quá ỷ lại vào nguồn tài nguyên thiên nhiên “vô tận” của mình, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhiên liệu trong nhiều thập kỷ, Liên Xô hầu như ngủ quên giữa ban ngày trước những biến đổi khởi đầu một thời đại văn minh mới của nhân loại – thời đại công nghệ thông tin.
Trước thập kỷ 1960, các thiết bị điện tử sử dụng transistor bán dẫn, mỗi chiếc to bằng đầu đũa. Năm 1971, sau cuộc chiến Trung Đông, con chip vi xử lý Intel 4004 đầu tiên ra đời ở Mỹ nhét được 2.300 transistor trên một diện tích 3 x 4mm2. Sau đó, lượng transistor cứ tăng gấp đôi sau 18 tháng theo một định luật nổi tiếng của Moore. Đến nay, người ta đã có thể nhét được ngót 1 tỉ transistor vào trong một con chip trong khi năng lượng tiêu tốn giảm đi hàng triệu lần. Nhờ có xu thế tiểu vi hoá này mà cách mạng thông tin ra đời, đưa nhân loại từ nền văn minh công nghiệp tiến lên nền văn minh thông tin ngay trước thềm thế kỷ 21. Đặc điểm quan trọng của nền văn minh thông tin là trong khi tiện ích cuộc sống ngày càng tăng về lượng và chất, thì nhu cầu năng lượng cho các tiện ích ấy lại giảm đi nhanh chóng.
Liên Xô hầu như đứng ngoài cuộc. Máy móc thiết bị của họ rất cồng kềnh và tiêu tốn năng lượng, các nhà máy phát điện sử dụng quá nhiều nhiên liệu so với các nước phương Tây. Sở hữu một đội ngũ tri thức tinh hoa với những vị trí nổi bật trên mặt tiền khoa học thế giới, nhưng nền kinh tế thiếu hẳn động lực để giải quyết những yếu kém này. Lại thêm trở lực rất lớn từ tâm lý ỷ lại vào nguồn tài nguyên vô tận dưới lòng đất. Hậu quả là Liên Xô mất hẳn ưu thế quân sự trong cuộc chiến tranh lạnh trước phương Tây, hầu như không có công nghiệp máy tính thế hệ vi xử lý, và sử dụng năng lượng vào loại lãng phí nhất thế giới.
Vào những năm đầu thế kỷ 21, để làm ra 1 USD, nước Nga và sáu nước SNG thuộc Liên Xô cũ phải tiêu thụ trung bình 2,8kW/h điện, nhiều gấp tám lần các nước kỹ nghệ phương Tây. Trong bảng xếp hạng chỉ số hdi mới đây của Liên hiệp quốc, nước Nga đứng ở vị trí thứ 66, sau rất nhiều nước vốn được xem là lạc hậu thời Liên Xô.
Năng lượng là số hạng quan trọng có mặt trong chương trình phát triển của mọi quốc gia. Thành bại trong công cuộc hiện đại hoá tuỳ thuộc rất nhiều vào tư duy năng lượng. Nhất là hiện nay khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang thực sự lộ diện cùng với thảm hoạ kép về biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nguyên nhân trực tiếp lại cũng chính là lạm dụng năng lượng trong công nghiệp hoá. Nước biển dâng lên, thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều đang đe doạ cuộc sống ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo khó như Việt Nam. Thậm chí, cơn khát năng lượng toàn cầu có thể sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới và là mối đe doạ trực tiếp đến an ninh và độc lập dân tộc của các nước.
Những biến cố gần đây trên thế giới sớm muộn sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng năng lượng để đưa nhân loại bước lên một nền văn minh mới – nền văn minh xanh – sau ba nền văn minh nông nghiệp (một vạn năm trước), công nghiệp (hai thế kỷ trước) và thông tin (cuối thế kỷ trước). Không phải rồi đây năng lượng sẽ thừa thãi, mà ngược lại nó cần được khai thác và sử dụng một cách khôn ngoan nhất để bảo vệ con người và trái đất. Phải đón trước xu thế này để vươn lên hiện đại và hết sức tỉnh táo trước những mối de doạ do cơn khát năng lượng ở khắp nơi và ở cả chính chúng ta.

Phạm Duy Hiển
Một bảng ghi kết quả điều tra về Việt Nam trong báo cáo HDI năm 2011.


Nhà văn Ma Văn Kháng: Tết xưa phôi phai


Chúng ta cứ băn khoăn về những thay đổi của cái Tết truyền thống, tại sao mọi thứ cứ nhạt đi? Không còn không khí thiêng liêng, hào hứng, rộn rã như trước đây nữa? Làm thế nào để giữ lại cái hồn của Tết? Nhà văn Ma Văn Kháng đã có những chia sẻ rất sâu sắc về cảm nhận Tết xưa, Tết nay.
Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: Cand

Tết có cái tưng bừng, rộn rã

Nhiều người bảo, muốn biết cái Tết của người Hà Nội thế nào thì nên đọc Mùa lá rụng trong vườn.
Đó là cái Tết của thời bao cấp. Sự vụ quan trọng nhất của cái Tết lúc đó là lo được đầy đủ cái ăn. Ăn Tết mà! Đói khổ, thiếu thốn gì thì Tết cũng phải được ăn uống cho đầy đủ. Thành ra trước Tết cả tháng, cơ quan, công đoàn, chi bộ đã bàn lo mua gà ở đâu, nước mắm ở đâu, thịt, gạo nếp ở đâu... Có năm mua được con lợn theo giá cung cấp của một hợp tác xã về, cả cơ quan toàn những anh cầm bút lóng nga lóng ngóng, trói không chặt, nó lại xổng ra, vất vả lắm mới bắt lại được.
May mấy ông lái xe biết chọc tiết, rồi mọi người xúm vào cạo lông, xả thịt, làm lòng, chia đủ mấy chục suất. Các bà chia giỏi lắm, ai cũng có miếng sấn, miếng mông, miếng bụng, thăn, lòng, gan, tim, phổi... Rồi bày trên lá chuối, viết giấy để bốc thăm. Còn tiết thì cho vào nấu một nồi cháo lớn, mọi người cùng ăn, ai nhà gần thì mời cả con cái đến hoặc múc vào cặp lồng đem về... Cái Tết thời khốn khó ấy hoá ra lại có cái tưng bừng, rộn rã, có niềm vui của nó.

Chẳng lẽ vì cùng chung lo cho miếng ăn miếng uống nên người ta được gần gụi nhau nhiều, thân thiết với nhau hơn, Tết cũng tưng bừng hơn?
Không hẳn thế đâu. Trước hết, với ngày Tết, đó là cái vui vốn có, bắt nguồn từ bản chất hồn nhiên, lạc quan của con người. Trước cảnh đất trời hớn hở sang xuân, khi mỗi con người vừa trải qua một chặng đường với phía trước đang phấp phỏng bao mong chờ, sau một năm trời vất vả được nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, đoàn tụ gia đình, hồi tưởng công đức tổ tiên và những người đã khuất, cởi mở tâm tình, thăm hỏi người thân...
Thêm nữa, trong thời bao cấp thì niềm vui này còn được nhân lên thêm vì chính là cuộc sống chung có sự đồng cam cộng khổ. Tết nhất là một dịp để con người cùng chia sẻ, gắn kết với nhau thêm. Thời đó mức sống mọi người đều sàn sàn như nhau, chưa đến nỗi cách biệt giàu nghèo quá lớn như sau này. Tết hồi đó là những ngày thật đặc biệt.

Ngày nay với nhiều người Tết không còn đặc biệt lắm nữa?
Bây giờ quanh năm vẫn ăn uống như thế, ăn mặc như thế, vui chơi như thế, chúc tụng nhau như thế rồi, nên ngày Tết đến có phần dửng dưng với nhiều người thì phải. Trước đây, đến Tết tự dưng trong lòng người, kể cả người già cũng có cái hớn hở trẻ trung lạ lùng lắm. Giao thừa là thời khắc thật linh thiêng, từ giã năm cũ, bước sang năm mới đồng nghĩa với những gì là may mắn, tốt đẹp còn đang chờ đợi ở phía trước. Còn bây giờ, nói thất vọng thì không đúng, nhưng cái niềm hy vọng, sự khấp khởi xem ra có vẻ ít hơn. Có thể là vì người ta sống thực tế hơn chăng?

Theo ông, muốn giữ lại cái hồn của Tết thì nên giữ cái gì?
Thời trước bánh chưng là linh hồn của Tết, không nhà nào không gói. Khổ lắm, nào giục giã con cái, um xùm hết cả nhà cửa lên. Từ lúc mậu dịch dựng cái lán bán lá dong là không khí Tết đã về rồi. Bây giờ có nhà vẫn muốn giữ nếp tự gói bánh chưng để giữ cái không khí Tết, nhưng cũng ít thôi còn chủ yếu là đặt mua, tôi nghĩ thế cũng không sao.
Nhưng dù thế nào vẫn phải giữ lại cái không khí tết nhất thiêng liêng cổ truyền trong sự sum họp, tâm linh cộng cảm, ý thức trùng phùng hướng về gia đình, dòng họ, tổ tiên, dân tộc. Giữ lại cái không khí cộng đồng yêu thương, chia sẻ, chan hoà và hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Một cái vẫn còn giữ được nữa là bữa cơm tất niên sum họp cả gia đình và mâm cúng đêm 30. Cũng không thể để mất cái mỹ tục thăm hỏi chúc Tết, mừng tuổi ông bà, thầy cô, người thân, họ hàng...
Và làm sao mà mất được cái niềm vui hồn nhiên lạc quan của con người với ngày Tết, cái niềm vui ở trên mọi nỗi nhọc nhằn vất vả, thời nào cũng có, bất biến, vĩnh hằng.

Con người bị chia sẻ ghê gớm lắm

Dường như chúng ta đang có sự đứt gãy về văn hóa. Nhiều thứ mất đi quá, ví dụ như tục thờ cúng tổ tiên!
Tôi cũng có chút lo ngại về điều này. Một chút thôi. Vì theo tôi hiểu, lòng tri ân tổ tiên của người Việt mình là một giá trị, một sức mạnh đặc biệt. Có người nói, nó vững bền còn hơn kim tự tháp! Tuy nhiên cũng vẫn có chút e sợ.
Trong họ nhà tôi, người duy nhất thông thạo việc thờ cúng là bà chị họ, nhưng bà mất năm kia, thọ 90 tuổi. Bà có bài khấn riêng. Chỉ là xuất khẩu ngẫu hứng nhưng rất hay về nghĩa lý và văn chương, không thẳng đuồn đuột như bài khấn nôm bây giờ. Bà giữ gìn từng ly từng tí nếp sống gia phong. Phần mộ của tổ tiên cùng ngày giỗ kỵ các cụ tổ bốn, năm đời, bà nhớ vanh vách. May, tôi ghi lại được trước khi bà mất. Rồi lập thành gia phả và gửi thư điện tử cho anh em, họ hàng, con cháu. Chứ không thì e rằng con cháu chẳng còn ai nhớ.

Mặc dù ngày nay người ta đi lễ nhiều hơn, cúng bái to hơn, rầm rộ hơn.
Đúng là cúng bái thịnh soạn, linh đình hơn. Bàn thờ cũng đồ sộ, hoành tráng, đẹp hơn trước nhưng cái không khí xưa cũ xem ra có vẻ đã phôi pha. Đến thế hệ tôi, bà xã vẫn chịu khó nấu nướng để làm mâm cúng với đủ các món cổ truyền, tức là đủ hết lệ bộ, cả măng, miến, nem, mọc, xào nấu... nhưng đến đời con cháu thì chắc là sẽ giản tiện đi rất nhiều. Đến ngày đó chắc chỉ bày mâm cúng (chủ yếu là đặt sẵn ở nhà hàng), thắp nén hương rồi nói mấy câu... Còn để tạo nên không khí thiêng liêng thương nhớ tổ tiên, sum họp gia đình thì có lẽ không có đâu. Mất cái đó thì tiếc quá!

Nhiều người cứ dễ dãi cho rằng mọi cái phải đơn giản đi. Nhưng tôi thấy chính sự thay đổi những cái đơn giản như mâm cỗ cúng, hay cách cúng giỗ còn dẫn đến những thay đổi lớn hơn trong quan hệ gia đình.
Quan hệ gia tộc cũng có nhiều nét khác xưa. Mọi khi cúng giỗ nhà tôi tụ hội đông đủ con cháu. Gần đây thì vắng mặt người này người kia là bình thường. Rồi nhà nào làm cỗ ở nhà ấy, không còn không khí đại gia đình nữa. Con tôi với con ông anh thì còn gắn bó vì sống với nhau một thời gian, chứ cháu tôi với cháu ông anh thì biết nhau rất lơ mơ. Ngay trong gia đình, bố tôi đối với tôi thì vô cùng thiêng liêng, gần gụi, nhưng đến con tôi thì xem ra đã xa vắng, mờ nhạt khá nhiều rồi.

Đó là do lỗi của người lớn, không hay kể chuyện về các cụ.
Đáng lẽ giỗ chạp, tết nhất là dịp quy tụ gia đình. Rồi ông bà nội, ngoại ngồi vân vi chuyện nọ chuyện kia với con cháu. Bây giờ làm gì còn cảnh đó nữa. Ngồi ăn thì rào rào, kể chuyện chả đứa nào nghe, còn bận nghe nhạc, tán chuyện đường phố... Nhịp sống đô thị cũng làm phai nhạt đi các mối liên hệ truyền thống. Mấy anh em cùng ở trong một thành phố mà có khi 5 - 6 tháng không gặp, trong khi bây giờ phương tiện đi lại, giao tiếp lại quá dễ dàng và vô cùng phong phú.

Tại sao vậy, thưa ông?
Tôi nghĩ, cuộc sống ngày hôm nay đã có nhiều điều khác trước. Trong sự phát triển chung của xã hội, đời sống mỗi con người giờ đây phong phú hơn lên rất nhiều. Con người có thể biểu hiện mình ở nhiều chiều kích hơn. Về hưu rồi, phương tiện giao tiếp chỉ còn là mạng internet và chiếc điện thoại di động, vậy mà lắm khi tôi có cảm tưởng chẳng mấy khi được thanh nhàn!
Chuyện bạn bè, chuyện đường phố, chuyện trong nước, chuyện thế giới... cứ liên tục vang động vào mình. Ừ thì nhiều khi biết là đã cao tuổi rồi, có quan tâm cũng chả giải quyết được gì, nhưng không nghĩ ngợi, dù là vẩn vơ cũng không được. Con người bị chi phối, bị chia sẻ ghê gớm lắm.

Đọc đoạn sắm Tết và làm cỗ Tết trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của ông, tôi cứ tưởng phải là phụ nữ thì mới có những quan sát tỉ mỉ và tinh tế đến thế.
Không khí tết nhất đó vào từ chính gia đình tôi, từ mấy bà chị dâu. Lúc ấy nhà tôi ở bên khu tập thể Thành Công, Hà Nội . Tôi có hai bà chị dâu đều có cái nét của nhân vật Lý trong truyện, rất tháo vát, đảm đang. Hăm ba Tết năm ấy tôi nằm trong nhà nghe các bà ấy đi chợ về kể chuyện mua bán tíu ta tíu tít. Mà đi chợ Tết về thì vui lắm, kể chuyện, rồi thì khoe mua được cái này, cái kia rẻ... Thế là mình nhổm dậy lấy giấy bút ghi lại tức thì.

Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khoẻ để đón một mùa xuân mới nhiều niềm vui!

Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là người Hà Nội gốc, sinh ra tại làng Kim Liên. 13 tuổi, ông thoát ly đi kháng chiến. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ông xung phong lên Lào Cai dạy học. 22 năm sống ở đây, ông đã kết nghĩa với một ông họ Ma và trong công tác lấy tên là Ma Văn Kháng. Ông nguyên là tổng biên tập, phó giám đốc Nhà Xuất bản Lao động, tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác phẩm chính: Đồng bạc trắng hoa xoè; Vùng biên ải; Trăng thề; Mùa lá rụng trong vườn; Đám cưới không có giấy giá thú; Một mình một ngựa; Bóng đêm; Bến bờ... phai...

Nhật Minh (thực hiện)
UỐNG RƯỢU NGÀY TẾT
Chuyện pha rượu của thi hào Goethe


Lê Viết Duyên sưu tầm.

J.W.Goethe là thi hào của nước Đức giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết "Nỗi đau khổ của chàng Werther", với truyện thơ "Faust"(đều được dịch in ở Việt Nam ta) và nhiều câu thơ mang hàm ý triết lý sâu sắc. Nhiều bạn đọc chúng ta hẳn còn nhớ hai câu thơ có tính châm ngôn nổi tiếng của ông: Mọi lý thuyết đều màu xám/ Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi.
Đây là câu chuyện xảy ra thời thanh niên của ông, chúng cho thấy ở nhà thi sĩ bậc nhất này khả năng châm biếm sắc sảo.
Lần ấy, Goethe đến một cửa hàng ăn uống. Quanh bàn ăn của ông là một đám thanh niên đang nhậu nhẹt, cười đùa một cách khả ố. Thấy vậy, Goethe vẫy người hầu bàn đến, gọi một ly rượu và nhắc thêm anh ta đưa kèm cho ông một ly nước lọc. Xong đâu đấy, ông lặng lẽ bình thản đổ lẫn hai thứ đó vào với nhau, uống từng ngụm một cách thản nhiên.
Thấy điệu bộ khác thường, cách uống rượu "kỳ quặc" của ông, đám thanh niên bất lịch sự kia đổ ra những tràng cười giễu cợt. Thậm chí, một người trong đám họ còn khệnh khạng bước lại bên nhà thơ, hỏi một cách thô bạo:
- Uống kiểu gì lạ vậy? Tại sao lại là rượu trộn lẫn với nước?
Hết sức bình tĩnh, Goethe trả lời:
Chỉ uống riêng nước, người ta sẽ trở thành câm lặng. Chính tôm cá dưới ao hồ đã chứng minh điều đó. Chỉ uống riêng rượu sẽ làm cho người ta trở nên thiếu văn hóa và thừa lố bịch. Chính các anh đã chứng minh điều đó. Vì không muốn thiếu văn hóa và thừa lố bịch như các anh, nên tôi uống rượu trộn lẫn nước như các anh thấy đó!

Còn đây là chuyện pha rượu ở VN:
Tại một làng nọ, có ba anh chàng rủ nhau đi nhậu. Cả ba người đều nhắc nhở nhau rằng mỗi người nhớ đem theo phần rượu của mình để trộn chung vào uống cho đậm tình bằng hữu. Đến hẹn, anh thứ nhất tự bảo: “Mình đem chai nước lạnh này đi, trộn vào rượu của hai thằng kia, ai mà biết!” Anh thứ hai cũng mang theo chai nước vì nghĩ rằng chắc hai ông bạn mình đem rượu mạnh, pha loãng cho vơi. Đến lượt anh thứ ba cũng đem chai nước thay vì rượu như đã hứa vì nghĩ chắc rằng hai anh kia đã đem rượu theo. Tại quán rượu, cả ba anh hồ hởi pha chung ba chai lại với nhau.
Khai tiệc, ba anh cụng ly, khà một tiếng, và…đều khen “rượu chúng ta ngon thật”!

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

TẾT NGUYÊN ĐÁN

Lê Thương
Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của Việt Nam. Ngày Tết không những là ngày thiêng liêng của người Việt mà nó còn mang sắc thái văn hóa đặc thù của dân tộc ta. Trên bầu trời cao, những cánh én đã về, mùa Xuân đã trở lại với vạn vật. Những cành lá trơ trụi của mùa Đông đã chuyển mình với những mầm non, với lá xanh mơn mởn. Trong bốn mùa, Xuân là mùa của ngàn hoa tươi thắm, với những cành lộc non xanh tươi vì thế mùa Xuân được người đời ưa chuộng hơn cả. Trong niềm rạo rực đón Xuân, Hàn Mạc Tử đã sáng tác bài “Mùa Xuân Chín”, xin hãy nghe:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý – bóng xuân sang.


Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.


Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây.
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.


Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.

“Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.

Sau 37 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, cứ mỗi lần Tết đến người Việt tha hương khắp năm châu cảm thấy lòng nao nao nhớ lại những mùa Xuân êm đềm mang nhiều kỷ niệm nơi cố quốc và cảm thấy thấm thía qua những vần thơ “Xuân Tha Hương” của Nguyễn Bính:

Bốn biển vẫn chưa yên sóng gió,
Xuân nầy em chị vẫn tha hương.
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắc say hoài rượu bốn phương.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Em đi non nước xa khơi quá,
Nỗi độ Xuân về bao nhớ thương.
Mỗi độ Xuân về em lại thấy,
Buồn như tên lính ở biên cương.

Chữ Tết Nguyên Đán mang các nghĩa: Tết do chữ Tiết, có nghĩa là ngày lễ; Nguyên có nghĩa là bắt đầu; Đán có nghĩa là buổi sớm mai.
Vậy Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và may mắn mới.
Đúng ra phải dùng cả ba chữ Tết Nguyên Đán, nhưng người Việt ta có tính giản dị nên chỉ gọi Tết hay Ngày Tết. Chữ Tết được dùng trong nhiều thành ngữ như: Ngày Tư Ngày Tết, Năm Hết Tết Đến, Sống Tết Chết Giỗ, Tết Nhất, Chợ Tết, Ăn Tết, Chúc Tết, Thiệp Tết, Quà Tết, Lương Tết, Tết Thầy, Tết Xếp... Ngày Tết mang rất nhiều phong tục cổ truyền và các phong tục này đã thấm nhuần trong lòng người Việt Nam từ xưa đến nay.

Sửa Soạn Tết
Ngay từ đầu tháng Chạp, ở thôn quê cũng như thị thành, thiên hạ đã bắt đầu sửa soạn Tết. Nhà nhà lo mua heo, bò, gà, vịt để sẵn, rồi còn mua nếp, đậu hầu chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra còn muối dưa, nén hành, may sắm quần áo mới, sơn phết trang hòang nhà cửa, lau chùi bàn thờ, mua tranh, pháo, câu đối, cùng các loại bánh mứt, trái cây, trà, rượu... Còn những người thích chơi cảnh, chơi hoa như các loại hoa hải đường, hoa mai, bích đào, thủy tiên... phải lo vun trồng, cắt xén để hoa kịp nở vào đầu Xuân. Đa số người Việt Nam chỉ lo ăn Tết có 3 ngày, tuy nhiên nhiều gia đình, nhất là những gia đình khá giả chuẩn bị Tết trong nhiều tháng trước.

Chợ Tết
Khoảng trung tuần tháng Chạp, phố xá, chợ búa bắt đầu thêm nhộn nhịp, nhất là các buổi chợ cuối năm càng tưng bừng tấp nập, đông đúc kẻ bán người mua. “Đông như chợ Tết”. Vào những ngày chợ Tết hàng hóa tràn ngập, nhiều gấp bội ngày thường, nào gian hàng vải, gian hàng bánh mứt, hàng hoa, hàng trái cây, dưa hấu bày bán la liệt. Thấy dưa hấu là thấy Tết. Dưa hấu lềnh khênh, chất cao thành đống. Khách mua cố lựa những trái dưa khi cắt ra ruột đỏ tươi vì người ta cho rằng mua dưa đầu năm lựa đuợc những trái dưa ruột đỏ thắm thi suốt năm gặp tòan những điều may mắn. Còn những người bán thì trưng bày những trái dưa mẫu ruột đỏ au để chiêu dụ khách hàng. Đặc biệt là vào những ngày cận Tết, ta thấy các ông đồ Nho râu tóc bạc phơ gò mình trên những tờ giấy hoa ở vỉa hè hay góc chợ, múa bút viết những câu đối với những nét chữ “Rồng bay, Phượng múa” để bán cho những khách hàng mua về dán ở nhà hay ở bàn thờ.

Đưa Ông Táo Về Trời
Một trong những cổ tục của ngày Tết là đưa ông Táo về Trời. Ông Táo là cái bếp nấu cơm trong mọi gia đình. Người ta tiễn ông Táo về Trời bằng bánh mứt, thèo lèo, trà và pháo. Theo truyền thuyết, cứ mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo cỡi cá chép bay về Trời để “báo cáo” với Ngọc Hoàng mọi chuyện xảy ra dưới trần gian trong suốt năm qua.

Cây Nêu
Nói đến Tết, theo truyền thống, người Việt nghĩ ngay đến bốn thứ điển hình là Cây Nêu, Hoa Mai, Bánh Chưng với Tràng Pháo:
Ở thôn quê, thiên hạ bắt đầu dựng cây nêu vào ngày 27 tháng Chạp, trễ lắm là vào buổi chiều ngày 30 Têt, nếu tháng thiếu là ngày 29 và hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Nêu là cây tre dài chặt tới gốc còn đủ ngọn lá, được dựng ở trước sân với một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng buộc ngang thân, có nơi treo trên ngọn mấy chiếc khánh và bùa chú mà người ta tin tưởng rằng có thể ngăn cản, xua đuổi tà ma xâm nhập vào nhà để quấy phá gia chủ trong những ngày Tết. Riêng ở thành thị vì nhà cửa phố phường san sát không tiện trồng cây nêu nên ta thường buộc cành đa, lá dứa ngoài ngõ. Có nơi thiên hạ rắc vôi ngoài sân, ngoài cổng với hình bàn cờ, cây cung cùng tên bắn ra đằng trước và hai bên, ngụ ý trấn giữ nhà cửa ngăn chận tà ma.

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.

Vật điển hình thứ hai của Tết là hoa mai. Mai vàng là màu sắc đặc thù của ngày Tết, thấy mai là thấy Tết và mai vàng tạo niềm rạo rực, rộn ràng trong lòng mọi người. Cho nên, dù giàu, dù nghèo thiên hạ nhà nào cũng tạo cho được một cành mai. Giàu có, khá giả không những tạo một nhành mai mà còn rước cả một cây mai to lớn đầy hoa về để trang trí nhà cửa trong những ngày Xuân. Còn nghèo khó không mua nổi một nhánh mai tươi thì cũng phải sắm cho được một cành mai giả để cũng có màu sắc Tết cho gia đình.

Tết không mai không ai biết Tết,
Mai không Tết chẳng thiết khoe vàng.

Vật điển hình thứ ba của Tết là bánh chưng. Tùy theo tục lệ từng miền, người ta có bánh chưng hay bánh tét, đó là hương vị không thể thiếu được của mọi gia đình trong những ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét thường được ăn với thịt mỡ, dưa hành hay củ kiệu. Trong lúc nhìn mai vàng nở trên cành, nghe những tràng pháo Tết rộn rã mà ăn một lát bánh chưng hay một khoanh bánh tét với một cục thịt mỡ và một miếng dưa hành là nuốt cả một mùa Xuân dân tộc vào tâm hồn ta vậy.
Vật điển hình thứ tư của ngày Tết là pháo. Pháo là âm thanh, âm điệu rạo rực nhất của ngày Xuân. Nghe pháo nổ là nghe như Tết đang reo vang trong lòng mọi người. Pháo bắt đầu nổ lác đác từ chiều 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về Trời. Rồi đến Giao Thừa pháo càng rộ lên cùng một lúc, xen lẫn trong những tràng pháo chuột là những tiếng pháo đại nổ chát chúa, vang rền như những quả đạn pháo kích. Tết đến, từ các cơ sở thương mại cho đến tư gia, nhà nào cũng đốt một vài phong pháo để đón Chúa Xuân. Người ta đốt pháo từ lễ Giao Thừa và vào sáng mồng một, mồng hai, mồng ba. Ngoài ra khi người bạn quý đến “xông đất” chủ nhà cũng mang ra một phong pháo đốt để “nghinh tân” ngược lai, người bạn cũng đốt một phong pháo để “Chúc Xuân” gia chủ. Còn các cơ sở thương mại, những nhà giàu có vào ngày Tết đốt pháo thường có múa lân vì thiên hạ tin tưởng rằng lân đến nhà đầu năm sẽ mang lại thịnh vượng.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Mâm Ngũ Quả
Mâm ngũ quả thường gồm thơm, đu đủ, dừa, xoài, trái sung. Phải thừa nhận rằng đa số nguời Việt Nam, nhất là giới bình dân mang nhiều sự mê tín, dị đoan rất dễ thương. Vì thế mâm ngũ quả chưng bàn thờ trong những ngày Tết người ta thường chọn những loại trái cây có tên tốt, mang ý nghĩa như thơm, đu đủ, dừa, xoài, sung... vì theo họ, những loại hoa quả nầy tượng trưng cho một năm mới đầy thơm tho, tiền bạc trong nhà đầy đủ và cuộc sống sung túc.

Tiệc Tất Niên
Ở thành thi, theo thông lệ, cứ đến cuối năm, thiên hạ thường tổ chức những bữa tiệc tất niên tại các công, tư sở, xí nghiệp, trường học hầu các công tư chức, nhân viên, hoc sinh, sinh viên, thầy cô có dịp họp mặt vui vẻ, chuyện trò thân mật, chúc Tết lẫn nhau trước khi chia tay để về nhà hoặc về quê ăn Tết với gia đình.

Đưa Rước Ông Bà
Vào ngày Tết người Việt Nam ta có tục đưa rước ông bà. Trưa hôm 30 Tết người ta làm lễ cúng tất niên đồng thời đón rước ông bà hoặc người thân quá cố để vong linh họ về sum họp với gia đình trong những ngày Xuân. Qua đến ngày mồng bốn, ta tiễn đưa vong linh ông bà về phương cũ.

Giao Thừa Và Lễ Trừ Tịch
Giao Thừa có nghĩa là cũ giao lại cho mới tiếp nhận. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm 30 Tết là Giao Thừa, thiên hạ làm lễ Trừ Tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới còn được gọi là lễ “Tống Cựu, Nghinh Tân”. Theo cổ tục, người ta tin rằng từ năm Tý đến năm Hợi là 12 năm thì có 12 vị thần Hành Khiển luân phiên nhau, mỗi năm một vị lo trông coi việc nhân gian vì thế mà ta có lễ Trừ Tịch để tiễn đưa và đón các vị thần Hành Khiển của năm cũ và năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản Cảnh Thành Hoàng và Thổ Công Thần Kỳ mà ta có câu tục ngữ “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.
Lễ Trừ Tịch ở các làng xã còn giữ cổ tục, người ta thiết lập hương án ở trong trung thiên hoặc nơi sân đình, cũng có khi ở ngã ba làng xã với vàng mã, hương, đèn, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà tế lễ rất trọng thể. Trong khi tế lễ, họ đánh trống, khua chiêng, đốt pháo vang dậy trong giờ Giao Thừa. Còn các tư gia cũng cúng lễ Giao Thừa trong sân hay trước cửa nhà với mâm lễ vật đặt trên bàn rồi vái tứ phương. Khi tới Giao Thừa chuông, trống ở các Đình, Chùa, Giáo Đường khắp nơi cũng được đánh lên vang rền kèm theo tiếng pháo đón Giao Thừa nổ giòn giã. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng pháo của giờ Giao Thừa là âm điệu truyền thống của ngày Tết.
Những kẻ đã từng nghe những âm điệu nầy trong quá khứ, nay vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải xa lìa đất mẹ thân yêu, vào đêm Giao Thừa họ thường gục đầu im lặng để chờ nghe lại âm điệu ngày xưa, nhưng giờ Giao Thừa cứ lặng lẽ trôi qua và những âm điệu âu yếm kia vẫn biền biệt, khiến họ hụt hẫng, lòng họ dâng trào niềm nuối tiếc và uất hận, rồi lòng họ cảm thấy nghẹn ngào và đôi dòng lệ tự nhiên tuôn trào thấm ướt bờ mi. Vì ai mà họ đã đánh mất kỷ niệm thân yêu nầy? Vì ai mà họ phải khóc trong những đêm Giao Thừa xa cố quận?
Về Giao Thừa, nữ sĩ Hô Xuân Hương có hai câu đối như sau:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
Kẻo sợ ma vương đem quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa,
Để cho thiếu nữ rước Xuân vào.
Tiền Của Vào Như Nước

Ở thành thị, phố phường ta có tục lệ sau giờ Giao Thừa, những người gánh nước mướn tự động gánh nước đến những nhà trong hàng xóm một vài đôi nước ngụ ý rằng năm mới gia chủ sẽ làm ăn phát đạt “tiền của vào như nước” và gia chủ vui vẻ thưởng tiền rất hậu. Cũng có những người buôn bán, vào những ngày cận Tết đã ân cần dặn trước những người gánh nước thuê đừng quên gánh nước đổ vào nhà cho mình.

Đi Lễ Chùa, Giáo Đường Và Hái Lộc
Sau khi cúng Giao Thừa xong, thiên hạ làm lễ Thổ Công rồi sửa soạn đi lễ tại các Đền, Miếu, Đình, Chùa, Giáo Đường để cầu phúc, cầu may cho năm mới. Ngoài mục đich đi lễ Phật, lễ Chúa, lễ các vị Thần Linh họ còn có dụng ý hái lộc và xin xăm. Hái lộc là một tục lệ nên thơ của người Việt Nam. Người ta tin rằng lộc là lộc của Trời vì thế hái lộc đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng cho suốt một năm. Vì lẽ đó mà vào ngày đầu năm thiên hạ già, trẻ, trai, gái chen chúc nhau lên Chùa để hái lộc. Còn xim xăm, đa số người Việt rất tin vào số mệnh nên song song với việc lên Chùa lễ Phật, hái lộc họ còn lên Chùa để xin xăm hầu biết vận mệnh của mình và gia đình mình trong năm mới. Hình thức xin xăm là sau khi van vái Trời, Phật với tất cả lòng thành rồi người ta rút một thẻ xăm trong ống (hoăc lắc cho thẻ xăm rơi ra), đọan mang đến cho người đoán xăm, đôi khi là một thầy bói, đôi khi là một nhà sư để giải đoán dùm những ngụ ý trong quẻ xăm. Hầu hết những người lên Chùa xin xăm vào dịp đầu năm đều ra về với vẻ mặt “vui như ngày Tết” vì những lá xăm của họ đều hứa hẹn những điều tốt đep.

Xông Nhà, Xông Đất
Theo cổ tục, vào đầu năm người đến nhà ai trước nhất là người “xông nhà, xông đất” cho gia chủ và thiên hạ tin rằng đầu năm mới được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết hoặc những người có tên như: Thương, Mến, Hùng, Dũng, Đẹp, Giàu, Sang, Phú, Quý, Thịnh, Vượng, Tài, Báu, Lợi, Phước, Lộc, Thọ, Có, Tiền, Bạc, Vàng, Triệu, Tỷ, Thơm... đến nhà trước nhất thì gia chủ sẽ được mọi chuyện tốt lành, đẹp đẽ, thịnh vượng, phú quý, may mắn quanh năm. Còn ngược lại, gặp người khẳn tính, cộc cằn, độc ác, khờ dại, ngu ngơ, đần độn hoặc những người có tên như: Nghèo, Khổ, Xấu, Ghét, Ngu, Hư, Thúi, Chết, Xụi, Thua, Lỗ, Nợ, Nần, Túng, Thiếu, Đau, Ốm, Bệnh, Ghẻ, Chốc, Bại, Xụi, Bần, Hàn, Đói, Rách, Gian, Ác... thì suốt năm gia chủ làm ăn lủng củng, thất bại hay gặp những chuyện vẩn vơ, bực mình.... Chinh vì vậy mà các cụ lớn tuổi hoặc những người còn mang nặng cổ tục rất kén chọn người đến xông nhà, xông đất, thường họ mượn người tốt nết, tinh tình dễ thương, có tên đẹp đến xông đất dùm. Còn trong gia đình, sau khi đi lễ Chùa, Nhà Thờ về là xông đất nhà mình và gia đình thường để cho người tốt nết nhất vào nhà trước.
Theo tục lệ, người đến xông đất đốt một phong pháo và chúc gia chủ mọi điều tốt lành, tùy theo trường hợp, lời chúc có thể:
- Nếu gia chủ có cha mẹ già thì chúc “Tăng phúc, tăng thọ”
- Nếu gia chủ là nhà nông thì chúc “Phong đăng hòa cốc”
- Nếu gia chủ là một nhà công kỹ nghệ thì chúc “Tốt tài sai lộc”
- Nếu gia chủ là một thương gia thì chúc “Buôn may, bán đắt, nhất bản vạn lợi”
- Nếu gia chủ là một quân nhân hay công chức thì chúc “Mau thăng quan, tiến chức”
Trong trường hợp chẳng may gặp người xấu nết, tính tình cộc cằn hay xui hơn nữa bị một
lão ăn mày đến viếng đầu năm thì gia chủ phải lấy gạo, muối ra vãi tứ phía và cúng vái gọi là
“đốt phong long” rồi chờ một người khác khá hơn đến “tái xông”

Mừng Tuổi Và Chúc Xuân
Một trong những tục lệ đẹp đẽ nhất của người Việt Nam là mừng tuổi ông bà, cha mẹ vào dịp đầu Xuân. Đây là một hình thức hiếu đạo của con cháu đối với công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành đã nuôi dưỡng nên minh mà chỉ Việt Nam mới hãnh diện có cổ tục nầy trên thế giới ngày nay.
Mừng tuổi là mừng ông bà, cha mẹ thọ thêm một tuổi. Sáng mồng một Tết, sau khi ông bà, cha mẹ khăn áo chỉnh tề, con cháu cũng xúng xính trong những bộ quần áo mới, trải chiếu xuống đất lạy 2 lạy đồng thời chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp, hiếu thảo. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu ngoan ngoãn, thông minh, chóng lớn, học hành mau đỗ đạt rồi cho con cháu những tờ giấy bạc mới đựng trong những phong bì màu đỏ gọi là tiền “lì xì”, có nghĩa là những đồng tiền may mắn.
Ngoài tục lệ mừng tuổi, vào ngày Tết thiên hạ còn có lệ chúc Tết lẫn nhau. Nếu ở xa người ta gởi thiệp, còn nếu ở gần bạn bè, họ hàng thăm viếng và chúc Tết với nhau. Những lời chúc thông dụng là “Phước, Lộc, Thọ”, “An Khang, Thịnh Vượng”, “Vạn Sự Như Ý”, “Sống Lâu Trăm Tuổi”, “Tân Xuân Vạn Hạnh”, “Con Đàn, Cháu Lũ”, “Tiền Vào Như Nước”, “Tiền Rừng Bạc Biển”, “Đa Tài, Đa Lộc”, “Mau Thăng Quan, Tiến Chức”...
Ngoài việc họ hàng, bạn bè thăm viếng chúc Tết lẫn nhau, các nhân viên thuộc quyền ở các Ty, Sở, Đơn Vị vào ngày Tết cũng có lệ đến chúc Tết các xếp của mình. Kèm theo những lời chúc Tết đẹp nhất, họ còn có “quà biếu” cho các xếp họ nữa. Xin hãy nghe bài “Chúc Tết” của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau: Trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen nầy ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,
Trăm, nghìn, vạn, mớ để vào đâu.
Phen nầy ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi lọ phải cầu.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen nầy ông quyết đi buôn lộng,
Vừa bán, vừa la cũng đắt hàng.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc con,
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Kiêng Cữ
Đa số người Việt Nam ta tin rằng việc gì xảy ra đầu năm thì sẽ liên tục xảy ra suốt năm vì thế ta có rất nhiều tục kiêng cữ trong những ngày Tết:

Giông
Giông có nghĩa là xui xẻo, cho nên vào những ngày cuối năm có mượn đồ vật hoặc nợ nần của ai thì phải lo trả vì nếu để sang năm mới người ta đến đòi thì bị “giông”. Vì thế vào những ngày cuối năm, các chủ nợ thường đến đòi tiền các con nợ vì để qua năm mới đến đòi sợ “giông” người vay nợ. Ngược lại, các con nợ Tết đến cũng lo chạy đôn, chạy đáo để thanh toán tiền nợ của mình vì sợ để leo qua năm mới sẽ bị xui và sẽ bị mang nợ suốt cả năm nên ta có câu:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,
Giàu khó ba mươi Tết mới hay.

Cữ Quét Nhà
Vào ngày Tết người ta cữ quét nhà trong suốt ngày mồng một, mồng hai và mồng ba vì sợ rằng quét nhà sẽ quét hết tiền bạc, của cải và các điều may mắn ra ngoài. Nều nhà có rác, ta chỉ quét sơ và gom vào một xó để chờ hết Tết rồi mới đem đi đổ.

Cữ Quần Áo
Trong những ngày Tết, người Việt ta cữ ăn mặc quần áo trắng hoặc đội khăn trắng vì sợ trong năm sẽ có tang.

Cữ Ăn Nói
Vào những ngày đầu năm, người trong gia đình phải hết sức thận trọng về “lời ăn tiếng nói”, chỉ nên dùng những lời lẽ đẹp và tránh những lời nói không hay như khỉ, chết, đau, ốm hay những lời nói tục tằn, chửi thề... để suốt năm không gặp những chuyện xui xẻo.

Cữ Đánh Con
Vào ngày Tết cha mẹ phải cữ đánh con cho dù rằng vào những ngày nầy con cái “phá như quỷ” cha mẹ cũng đành dằn lòng vì nếu đánh con trong những ngày Tết thì con sẽ bị “huông”, nghĩa là suốt năm con sẽ bị đòn hoài.
Ngoài các điều trên, thiên hạ còn kiêng cữ nhiều thứ khác trong ngày Tết như kiêng cãi nhau, kiêng đánh lộn, kiêng gây tiếng động, kiêng làm vỡ chén bát, ly tách, kiêng tiếng khóc dù là tiếng khóc của trẻ con đòi bú sữa. Ngoài việc kiêng cữ những điều “xấu”, người ta còn phải làm những điều “tốt”, đó là tục lệ đi mua muối đầu năm. Muối tượng trưng cho sự đâm đà, mặn mòi. Nhưng ngược lại ta cữ đi mua vôi vì vôi tượng trưng cho sự bạc bẽo, vong ân, bội nghĩa như ta thường nghe câu “ăn ở bạc như vôi” vì thế dân gian có câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Bói Toán
Vào ngày đầu năm người Việt ta thích đi xem bói toán để biết vận mệnh của mình trong năm mới. Bói toán có nhiều cách, như bói Kiều, bói sách, bói tuồng, nhờ thầy bói xem bói dùm... Bói Kiều là lấy cuốn Kiều ra để trên bàn, sau khi thắp hương đèn và khấn vái Nguyễn Du, Thúy Kiều, Kim Trọng rồi người ta lật bất cứ trang nào của Kiều ra xem, những câu thơ sau đây được xem là tốt:

Dưới dòng suối chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.

Đầu năm mà gặp nước, gặp cầu, gặp vàng thì không có gì may mắn, hạnh phước cho bằng. Nước tượng trưng cho tiền bạc nên ta có câu thành ngữ “tiền vào như nước”, còn cây cầu tượng trưng cho sự thông giao, sự liên lạc, sự đoàn tụ và vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Ngược lại những câu thơ sau đây được xem là điềm xấu:

Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.

Hoặc:

Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.

Đầu năm bói Kiều mà gặp cảnh gia đình tan nát, phân ly hay gặp cảnh “Sầu đong càng lắc càng đây” như trên thì người ta tin rằng đó là điềm xui xẻo.
Bói sách cũng tương tự như bói Kiều, còn bói tuồng là ngày Tết ta chọn tuồng hát để xem, nếu xem nhằm tuồng kết thúc cốt chuyện bằng sự sum họp, thắng lợi, hạnh phúc, giàu có là điềm may. Còn nếu tuồng hát kết thúc bằng cảnh gia đình tan nát, chia ly, chết chóc là điềm không tốt. Ngoài việc bói Kiều, bói sách, bói tuồng, thiên hạ còn tìm đến các thầy bói để nhờ xem dùm vận mệnh, tình duyên, công ăn, việc làm của mình trong năm mới.

Khai Bút
Vào dịp đầu Xuân, người Việt Nam ta có tục lệ tao nhã khác đó là tục lệ Khai But đầu năm. Khai Bút là năm mới cầm bút viết lần đâu tiên. Những người thường hay viết lách như các cụ đồ, các nhà khoa giáp, các văn nhân thi sĩ, các nhà báo vào dịp đầu Xuân chọn ngày giờ tốt lấy giấy mực ra làm thơ, viết văn, ngâm vịnh và thưởng Xuân.
....

Kính Chúc Quý Vị Độc Giả Một Năm Mới An Khang – Thinh Vượng

Lê Thương

Richmond - Virginia



Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Đà Nẵng vang bóng một thời




Nguyễn Quý Đại

Từ thế kỷ 18 thành phố Đà Nẵng thay thế Hội An giữ vai trò quan trọng, là cửa ngõ giao thông về ngoại thương, phát triển kinh tế của miền Trung. Những thương thuyền ngoại quốc từ các nước Âu Châu, Mỹ hay các quốc gia Á Châu như Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Macau, Singapore, Manila..từng lui tới cảng Đà Nẵng qua nhiều giai đoạn khác nhau. ##M --> tiếp##Về địa danh Đà Nẵng theo tài liệu lịch sử có nhiều danh xưng như: Hàn Cảng, Hiện Cảng… nhưng người ta thường gọi là: Hàn, Tourane, Đà Nẵng

Từ năm 1817 thực dân Pháp từ bỏ ban giao bằng ngôn ngữ, thay thế bằng vũ lực là tàu đồng, súng đại bác với đoàn quân viễn chinh thiện chiến. Năm 1847 vì nhu cầu bành trướng thế lực ở Viễn Đông, tìm thị trường tiêu thụ và khai thác vật liệu rẻ. Việt Nam có bông vải, lụa, đường, gạo, café, cao su, quế gỗ quý…Những quốc gia ở Á Châu như: Ấn Độ, Trung Hoa, Mã Lai, Phi Luật Tân đều bị các nước Tây phương xâm lăng. (triều đình Việt Nam thi hành chính sách bế môn tỏa cảng cấm đạo, tình hình trong nước không ổn định, giặc giã nổi lên khắp nơi, thêm nạn giết giáo sĩ truyền giáo là một cái cớ để Pháp xâm lăng). Ngoại trừ Thái Lan và Nhật Bản còn độc lập. Thái Lan ký hiệp ước thương mại dễ dàng với Anh năm 1826 và Hoa Kỳ năm 1833, với Pháp 1856, khôn khéo ngoại giao với người Tây phương tránh được tai họa xâm lăng, Nhật Bản từ năm 1868 mở đầu công cuộc Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin) Cuộc cải cách nầy đã tạo nên một thời đại mới cho nước Nhật. Minh Trị Thiên Hoàng (Mutsohito) chủ trương canh tân đất nước, theo lối giáo dục, thương mại của Tây phương, Nhật Bản trở thành quốc gia quân chủ lập hiến giàu mạnh

Tóm lược những điểm chính trong biến cố lịch sử (1859-1945)

Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, nhiều lần tàu chiến Pháp vào Đà Nẵng thử sức với quân VN, đại tá Lapierre cho tàu Gloire bắn phá ngày 15.4.1847, ngày 26.09.1856 Lelieur cho tàu Catinat bắn phá các pháo đài bảo vệ Đà Nẵng. Tiếp theo chính sách sai lầm của vua Tự Đức với thảm kịch xử chém Giám mục Maria Diaz Sanjunjo người Tây Ban Nha ngày 20.7.1857. Nên Pháp lôi kéo quân Tây Ban Nha tham chiến tại Việt Nam.

Liên quân Pháp-Tây Ban Nha vào Sơn Trà mở màn cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam, giai đoạn tấn công mở màn từ 01.09.1858 đến năm 1959 Pháp và Tây Ban Nha chiếm vùng đất hữu ngạn sông Hàn, khống chế vịnh Đà Nẵng và sông Hàn được 1 năm sáu tháng hai mươi hai ngày (01.09.1959 đến 23.03.1960) Trong thời gian đánh Đà Nẵng Pháp chia quân vào Nam từ 10.02.1859 đánh lấy thành Gia Định. Sau khi chiếm thắng Gia Định, De Genouilly trở ra Đà Nẵng ngày 20.4.1958, những trận đánh ác liệt xảy ra, đô đốc Genouilly bị bệnh nên phó đề đốc Page lên thay thế ngày 1.11.1859. Bộ Hải quân và thuộc địa Pháp ra lệnh Page tái chiếm Sài Gòn, qua những lần thương thuyết với triều đình Huế không thành công. Page tự động công bố Sài Gòn là hải cảng thương mại tự do ngày 22.2.1860. Vì bận tham chiến với Anh ở Trung Hoa. Page ra lệnh ngày 23.3.1860 rút toàn bộ quân khỏi Đà Nẵng vào Sài Gòn cố thủ, Page đưa quân sang mặt trận bên Trung Hoa. Sau khi giải quyết xong ở Tàu, Pháp tiếp tục quyết tâm xâm lăng Việt Nam, trở lại Gia Định ngày 07.2.1861 chiếm Ba Tỉnh Miền Đông Nam Kỳ. Ngày 25.2.1861 đánh đồn Kỳ Hòa, thành bị vỡ, Nguyễn Tri Phương bị thương, tán lý Nguyễn Duy tử trận, Gia Định bị chiếm đóng, liên quân Pháp Tây Ban Nha chiếm Mỹ Tho, Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long. Ngày 11.4.1861 phó đề đốc Léonard Chaener ra nghị định xây dựng thành phố Sài gòn trên vùng đất rộng 2.500 ha

Những cuộc nội chiến ở Bắc kỳ càng ngày thêm phức tạp, phó đề đốc Bonard gởi chiến thuyền ra Đà Nẵng uy hiếp triều đình Huế, trước tình hình rối ren như vậy phải trên bàn thương thuyết, bắt đầu ngày 28.5.1862 các quan đại diện cho triều đình là Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đến Sài Gòn và Louis Bonard đại diện Pháp cùng ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 05.06.1862. (gồm 11 điều khoản) Việt Nam chịu nhiều thiệt hại, dù trong có điều trả lại Vĩnh Long. Sau Hiệp ước Nhâm Tuất triều đình Huế muốn chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, nên cử phái đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản đến Paris 13.9.1863. Nhưng chuyến đi vận động ngoại giao của phái đoàn Việt Nam hoàn toàn thất bại, trước tham vọng chiếm Việt Nam làm thuộc địa.

Chính phủ Pháp bổ nhiệm phó đề đốc Bonard làm tư lệnh toàn quyền hành chánh và quân sự. Ngày 15.06.1867 De la Grandière chỉ huy đoàn quân 1200 nguời, 400 lính tập với tàu chiến pháo hạm từ sông Sài Gòn đến chiếm Mỹ Tho, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Sau khi mất ba tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản (1796-1867) tuyệt thực uống thuốc độc tự tử ngày 05.7.1867

Pháp đánh Hà Nội, ngày 20.01.1873 đại uý Francìs Garnier tấn công thành Hà Nội, con trai Phò mã Nguyễn Lâm tử thương, Nguyễn Tri Phương (1800-1873) bị thương, ông nhịn đói chịu đau từ trần 20.02.1873. Pháp tiếp tục đánh chiếm phủ Hoài Đức, Gia Lâm, Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định. Một tháng sau, F. Garnier bị giết (chặt đầu) ở Cầu Giấy. Trong thời gian nầy đại diện phái đoàn Huế Nguyễn Văn Tường và Philastre cùng ký thỏa ước đầu tiên ngày 05.01.1874 Pháp phải trả lại Ninh Bình, Nam Định, Đến ngày 06.02.1874, Nguyễn Văn Tường và Philastre ký thỏa ước thứ 2, nhiều khoản cho quân Pháp đồn trú ở Hải Phòng đặt một trú sứ Pháp với quân hộ vệ ở Hà Nội. Vua Tự Đức lo ngại các thỏa ước đã ký, nhưng vẫn để Nguyễn Văn Tường vào Sài Gòn cùng Lê Tuấn bàn chuyện ký hoà ước mới.

Hoà ước Giáp Tuất 15.03.1874 gồm có 22 điều khoản, Hoà ước ký xong chánh sứ Lê Tuấn từ trần 17.03.1874, Nguyễn Văn Tường về Huế. Dupré bàn giao chức thống đốc cho phó đề đốc Krantz, về Pháp 16.03.1874

Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ 2 lấy cớ khai thông sông Hồng gặp khó khăn. Đại tá Henri Rivière rời Sài Gòn với đoàn quân 500 người và tàu chiến ngày 26.03.1882 đến Hải Phòng ngày 02.4.1874 và hôm sau tới Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu cử tuần phủ Nguyễn Hữu Xứng đến yều cầu Henri R. cho biết lý do đến Hà Nội. Ngày 04.04 Henri R. đến gặp Hoàng Diệu cho biết đến bảo vệ kiều dân Pháp và yêu cầu Hoàng Diệu bỏ các công sự phòng thủ. Hoàng Diệu không thuận, sáng ngày 25.04 .1882 Henri R. dàn quân trước thành gởi tối hậu thư buộc Hoàng Diệu giao thành đầu hàng trước 8 giờ sáng. Hoàng Diệu quyết tử chiến, nhưng không thể giữ thành được, để tránh thiệt hại ông ra lệnh binh sĩ rút lui, Hoàng Diệu (1828-1882) vào văn miếu viết tờ di biểu gởi về triều đình và thắt cổ tự tử. Triều đình cử Trần Đình Túc tới Hà Nội ngày 10.05.1882 Henri R. tuyên bố trả thành Hà Nội hai bên cùng giải quyết vấn đề địa phương. Giai đoạn nầy Nhà Thanh và Pháp muốn chia hai Bắc Kỳ, Trung Hoa điều quân qua Việt Nam vì mưu lợi, trong lúc Pháp muốn chiến trọn Bắc Kỳ. Nhưng ngày 10.12.1882 tại Thiên Tân, Bourée và Lý Hồng Chương tạm ước về Bắc Kỳ theo đó Trung Hoa chiếm phía bắc sông Hồng, Pháp thuộc về phiá nam Sông Hồng. Vì quyền lợi về hầm và tài nguyên Pháp muốn độc quyền chiếm đóng cả Bắc Kỳ, sau đó xoá bỏ tạm ước Thiên Tân ký với Tàu.

Cuối năm 1882 Quốc hội Pháp đồng ý tăng viện trợ cho Henri Revière 750 quân. Henri R. rời Hà Nội 23.3.1883 đến thành Nam Định 25.3. yêu cầu tổng đốc đầu hàng nhưng tổng đốc Võ Trọng Bình không trả lời, ngày 27.3 quân pháp tấn công chiếm thành, giao cho thiếu tá P.Bandens trấn giữ rồi rút quân về Hà Nội. Ngày 19.05 1883 Henri R. hành quân ngoại ô Hà Nội đang bị quân Việt Nam và cờ Đen bao vây. Henri R. chỉ huy vuợt qua khu Cầu Giấy bị bắn chết

Thực dân Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ chuẩn bị đánh kinh thành Huế, phó đề đốc Courbet được lệnh đánh Thuận Hoá ngày 11.8.1883 của bộ Hải quân và Thuộc địa. Pháp đánh Thuận An, ngày 20.8.1883 quân Việt phải rút lui, ngày 21.8 triều đình cử quan thượng bạc Nguyễn Trọng Hợp đến Thuận An đề nghị đình chiến, cuối cùng phái đoàn Việt Nam phải ký hòa ước Quý Mùi 25.8.1883, sau đó hoà ước Giáp Thân, ngày 06.06.1884 thực dân Pháp đặt nền bảo hộ tại Việt Nam. Từ đó là những trang sử đau buồn cho Việt Nam. Dân tộc Việt Nam luôn tranh đấu qua nhiều phòng trào đánh Tây, muốn thoát khỏi vòng nô lệ nên máu xương của dân quân tiếp tục đổ ra trên dòng sông lịch sử, cho đến ngày dành lại độc lập năm 1945

Đà Nẵng là địa danh góp mặt với đầy đủ vẻ bi hùng trong lịch sử, từ thương mại đến ngoại giao, đã biến thành chiến trường đầu tiên máu lửa. Đà Nẵng bị 62 năm làm nhượng địa cho thực dân Pháp. Ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý, tức ngày 01-10-1888, vua Đồng Khánh ký đạo dụ nhượng hẳn cho Pháp quyền sở hữu hoàn toàn thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và khu Đà Nẵng. Theo đạo dụ này, khu Đà Nẵng gồm 5 xã cắt ra từ huyện Hòa Vang: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương, Nại Hiên Tây. Dụ này được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định ngày 2-10-1888. Thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ có diện tích 10.000ha (tương đương với 20.000 mẫu ta). Nhượng địa Đà Nẵng thay đổi theo từng thời gian đã trở thành một thành phố theo mô hình Tây phương, lấy thương mại làm nguồn sống và phát triển, đứng đầu thành phố là Đốc Lý (thị trưởng) có Hội Đồng Thị Xã.

Năm 1902 Hội An vẫn còn là trung tâm thương mại quan trọng, Pháp cho làm con đường sắt kiểu Deceauvillle, được gọi là Tramway de l‘ilôt de l’Observatoire à Faifoo) nối liền Đà Nẵng Hội An hoạt động tới năm 1916 thì bị dẹp bỏ. Nhiều công ty lớn của Pháp đến Đà Nẵng đầu tư phát triển mạnh như: Messageries Maritmes (hàng hải), hãng Chargeurs- Réunis, Sica (hãng rượu), BGI (hãng bia) Esso (Xăng dầu), Eiffel.(cầu đường)… v v. Đông Dương Ngân Hàng (Banque de l‘ Indochine); Pháp Hoa Ngân Hàng (Banque Franco-Chinois), Ngân hàng Nông Tín Bình Dân (Banque de Crédit Populaire Agricole), hệ thống khách sạn, nhà máy, bưu điện. Y tế. Cảng Đà Nẵng mở rộng đào vét sâu hơn, nhiều thương thuyền ngọai quốc có trọng tải lớn cập bến dễ dàng. Tuy nhiên trước năm 1922 ở Đà Nẵng còn dùng đèn khí đá Carbure, đèn manchon, đèn treo Hoa kỳ đốt bằng dầu lửa. Đến năm 1923 Cty SIPEA (Société Industrielle pour les eaux et L‘ Electricité en Asie) trúng thầu khai thác về điện lực đem lại ánh sáng văn minh đầu tiên về điện cho Đà Nẵng. Hệ thống cung cấp nước máy chưa thực hiện, nên phải dùng giếng bơm hay giếng đào

Từ năm 1927 có hãng xe đò của người Việt ra đời cạnh tranh với hãng xe STACA của Pháp. Vì nhu cầu khai thác kinh tế tại Đà Nẵng, Chính quyền Đông Dương cho mở hải cảng và đường hỏa xa năm 1905 có GA chính đường Lagrée (Nguyễn Hoàng ngày nay) vì nhu cầu cho việc chuyển hàng hoá nên Phòng Thương mại làm thêm đường rầy tới bờ sông Hàn, nên người ta thường gọi GA LỚN và GA CHỢ Hàn. Dân số Đà Nẵng năm 1936 khoảng 25.000 người), người Hoa cũng đến buôn bán kinh doanh thành các bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ

Sau thế chiến thứ II. 1939-1945 lịch sử Việt Nam đã bị ảnh hưởng

Nhật đảo chánh Pháp ngày 09.03.1945 tại Đông Dương, Đại sứ Matsumoto Shunichi tuyên bố trao trả độc lập cho VN (?) „châu Á trả về cho người châu Á“ Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, chế độ bảo hộ và thuộc điạ của Pháp cáo chung. Hòa ước Giáp Thân ký ngày 06.06.1884 dưới thời vua Kiến Phúc (trị vì 1883-1884) vô giá trị. Ngày 17.04.1945 thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim

Ngày 20.07.1945 toàn quyền Nhật Tsuchihasshi long trọng trao trả các thành phố nhượng địa mà họ đã chiếm lại của người Pháp, từ đó danh từ Đà Nẵng chính thức thay thế tên gọi Tourane dưới thời thuộc điạ

Ngày 06.8. và 09.8.1945 Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh ngày 14.8.1945.

Ngày 25.08.1945 vua Bảo Đại thoái vị, kết thúc triều đại nhà Nguyễn trị vì qua 143 năm (1802- 1945).

Ngày16.09.1945 quân Pháp núp bóng quân Anh để trở lại Việt Nam

Ngày 13.03.1946 một thỏa hiệp ký kết giữa Pháp-Hoa.Trung Hoa đồng ý để cho Pháp thay thế trong việc giải giới quân Nhật ở Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc.

Ngày 27.3.1946 một lữ đoàn Thủy quân lục chiến Pháp gồm 700 quân đổ bộ lên cảng Đà Nẵng (1)

Ngày 19.12.1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác nằm trong chiến tranh mới “cuộc chiến không còn chiến tranh thuộc địa mà là cuộc chiến giữa cộng sản và thế giới tự do”. Đà Nẵng có một thời gian ngắn bị đổi là Thái Phiên. Vì nhu cầu của tình hình Việt nam và thế giới, Pháp bắt buộc phải lựa chọn một giải pháp chính trị mới cho Việt Nam và giải pháp đó không gì tốt hơn là chọn cựu hoàng Bảo Đại. Cuối tháng 12.1947, cựu hoàng đến Pháp thương thuyết.

Ngày 5.6.1948 cựu hoàng về vịnh Hạ Long ký kết thỏa ước Hạ Long trên tàu Duguay-Trouin, thừa nhận VN dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bảo Đại một quốc gia độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp. Sau thỏa hiệp nầy quốc trưởng Bảo Đại sang Paris ký thỏa ước Elysée với Tổng thống Pháp là Vincent Auriol. Ngày 08.03.1949 Pháp thừa nhận VN là một quốc gia. Như vậy qua thỏa ước Elysée, Pháp đã giải kết những hoà ước trước đây nhà Nguyễn đã ký kết với Pháp. Thời gian Pháp đô hộ, người dân Đà Nẵng- Quảng Nam luôn đấu tranh chống Pháp qua các phong trào Nghĩa Hội (1885) Phong trào Duy Tân (1905) đến vụ xin xâu chống thuế „Trung Kỳ Dân Biến“ (1908), Ủy ban khởi nghĩa(1916) Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ của Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Hồ Cảnh Vinh, Phan Thành Tài, Lê Cơ với Trần Cao Vân giúp vua Duy Tân khởi nghĩa dù thất bại, nhưng đã làm thực dân Pháp ăn ngủ không yên

Di tích lịch sử và văn hoá

Ngày 03.01.1950 chính phủ Pháp chính thức trao trả Đà Nẵng thuộc về Việt Nam. Phần lớn thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời điểm đó ở Đà Nẵng, đi học, ít chú ý đến biến cố địa đanh, lịch sử của quân dân Việt Nam chống Tây. Kiến thức về lịch sử, địa lý rất hạn hẹp vì chỉ học những giờ Sử điạ ở trường mà thôi. Những thập niên qua với tinh thần trở về nguồn của đồng hương Xứ Quảng, phát hành Đặc san xuân, hàng năm Đại hội liên Trường, ngày giỗ cụ Phan Châu Trinh do Hội ái hữu trường trung học PCT tổ chức, nhờ hệ thống xa lộ thông tin (Information superhighway), tôi có cơ hội liên lạc với các bạn một thời Phan Châu Trinh khắp nơi trên thế giới, làm tôi hồi tưởng lại kỷ niệm về Quảng Nam Đà Nẵng, mái trường xưa

Thời thuộc điạ, người Pháp không thực sự muốn khai hoá dân tộc Việt Nam, giới hạn phát triển các trường Trung và Đại học, trước năm 1936 trường Quốc Học Huế chỉ dạy hết bậc cao tiểu học (trung học đệ nhất cấp) bằng cao tiểu còn gọi là bằng thành chung (Diplôme d’ Etudes Primaires Supérieures). từ năm 1936-1937 trường QH. đổi thành Khải Định bắt đầu mở ban tú tài.

Suốt thời gian bị nhượng địa cho Pháp, Đà Nẵng chỉ có các trường tiểu học dành cho Pháp gọi là École Française và hai trường cho Nam (École des Garçons) và Nữ (École des Jeunes Filles). Tỉnh Quảng Nam đông dân nhất miền Trung không có trường Trung học, những thế hệ trước phải ra học ở Huế, Hà Nội hay Sài Gòn. (năm 1927 Pháp cho mở tú tài bản xứ (baccalauréat local) cho đến năm 1930 được công nhận như tú tài chính quốc (baccalauréat metropolitian).

Sau khi Đà Nẵng được trao trả „độc lập“ do đề nghị của chính quyền, ông Bửu Đài thị trưởng và ông Giám đốc Nha học chánh Trung Việt, ngày 7.8.1952 Thủ hiến Trung Việt ông Lê Quang Thiết, ký công văn số 3214-VP-SV cho phép mở lớp Đệ thất (lớp 6) đầu tiên, khai giảng 15.9.1952 niên học (1952-1953) 50 học sinh tạm thời học chung ở trường Nam tiểu học. Niên khoá (1953-1954) số lớp tăng lên gồm 3 lớp đệ thất và 2 lớp đệ lục, tất cả khoảng 300 học sinh

Ngày 06.05.1954 quyền tổng trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên Bộ Giáo Dục ban hành nghị quyết số 95_GD-NĐ. Thành lập các trường trung học công lập đầu tiên miền Trung như: TH Đào Duy Từ (Đồng Hới) TH Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), TH Trần Quý Cáp (Hội An) TH Võ Tánh (Nha Trang) TH.Duy Tân (Phan Rang) TH Phan Bội Châu (Phan Thiết) Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), có truyền thống giống như các trường Quốc Học Huế, Chu Văn An Hà Nội, Pétrus Ký Sài Gòn.

Thành lập trường trung học công lập đầu tiên tại Đà Nẵng, cố giáo sư toán Bùi Tấn đã đề nghị tên trường là một trong ba danh nhân: Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Thái Phiên và Hội Đồng giáo sư đa số chọn là Phan Châu Trinh (niên khoá 1954-1955).. Mỗi năm số lượng lớp học tăng, phải xây trường mới, đó là khu đất đối diện trường Nam tiểu học, vốn là một vũng sình lầy, nằm trong phạm vi của bốn đoạn đường Lê Lợi, song song với Duy Tân (nay Nguyễn Chí Thanh), đường Nguyễn Hoàng (nay là Hải Phòng), song song với đường Thống Nhất (nay Lê Duẩn)

Ngày 19.05.1961 Bộ trưởng Quốc gia Giáo Dục Trần Hữu Thể ký nghị định số 768-GD/PC/ND chính thức mở rộng lập các trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp. Niên khoá 1958-1959 là năm đầu tiên trường Phan Châu Trinh có thêm lớp đệ tam (lớp10) gồm đủ các ban A-B-C; (A khoa học thực nghiệm, B toán Lý, C văn chương và sinh ngữ), học đến lớp đệ nhị thi tú tài phần1, phải ra Huế học tiếp thi tú tài toàn phần.

Ngày 11.9.1962, Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Nguyễn Quang Trình ký nghị định số 1448-GD/PC/NĐ các trường trung học đệ nhất cấp thành nhị cấp trong đó có trường trung học Phan Châu Trinh. Hiệu đoàn PCT được giáo sư nhạc Hoàng Bích Sơn sáng tác. Năm 1966 giáo sư Đoàn Văn Toàn dạy vẽ dựng cốt và tạc tượng cụ Phan Châu Trinh tại số 5 Đống Đa Đà Nẵng, do học sinh đóng góp phế liệu bằng đồng, bà Châu Liên con gái cụ Phan và nhà văn Nguyễn Văn Xuân góp ý sửa chữa, hoàn thành kinh phí 37.000 đồng trả cho thợ đúc đồng. Ngày 24.3.1966 khánh thành dựng tượng trước cột cờ sân trường, đó cũng là húy nhật thứ 40 cụ Phan Châu Trinh.

Trường Phan Châu Trinh có cả nam, nữ riêng; lớp chúng tôi không có nữ sinh. Sau nầy có trường nữ trung học Hồng Đức thì trường PCT vắng bóng hồng, dù phượng vĩ còn nở đỏ ở sân trường. Đà Nẵng một thời vang bóng, hồi đầu thế kỷ do sự phát triển của thành phố đông dân hơn.Từ năm 1965 vì chiến tranh người dân từ các quận mất an ninh đã về Đà Nẵng sinh sống, làm sở Mỹ, đời sống sung túc hơn. Nhiều trường Trung học công lập: Thanh Khê, Đông Giang, Nguyễn Trường Tộ, Quốc Gia Nghiã Tử, Nữ trung học Hồng Đức, Văn Hoá Quân Đội, Kỹ thuật. Ngoài ra còn có nhiều trường trung, tiểu học tư thục như Bồ Đề, Sao Mai, Thánh Tâm, Phan Thanh Giản, Tây Hồ, Bán công Nguyễn Công Trứ, Pascal, Thọ Nhơn…. Nhờ sự vận động nhiều năm của các vị nhân sĩ Đà Nẵng, mùa xuân năm 1974 Viện Đại Học Cộng Đồng được thành lập (chương trình học như của Hoa kỳ)

Trường Phan Châu Trinh không ngừng phát triển, từ nhà trệt những năm sau xây thêm lầu, có thư viện, phòng thí nghiệm, thính đường sinh hoạt văn hóa, sân bóng rổ. Trường trở nên đồ sộ, có uy tín lớn đào tạo nhiều nhân tài hữu ích cho quốc gia và xã hội. Tính đến ngày 29.3.1975, trường Phan Châu Trinh có 68 lớp gồm 42 lớp đệ nhất cấp và 26 lớp đệ nhị cấp. Giới trẻ ham thích thể thao đều biết sân vận động nằm bên cạnh cầu Vồng, có từ năm 1943 “Sport-Tournaìs” sau này gọi sân vận động Chi Lăng

Bảo tàng Chàm Đà Nẵng thành lập từ năm 1915, dưới sự bảo trợ của viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam. Kiến trúc mô phỏng theo đường nét kiểu tháp Chàm. Trưng bày hiện vật điêu khắc bằng đá và đất nung (có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 15), các hiện vật khai quật từ Quảng Bình đến Bình Định.

Đà Nẵng tiếp xúc văn minh Tây phương đầu tiên, những Giáo sĩ truyền đạo có nhiều cơ hội gieo đức tin Thiên Chúa. Nhưng chỉ có một nhà Nguyện ở thành Điện Hải, nhà thờ Phú Thượng ở cách xa thị xã 20 km (ngã ba Hoà Khánh đi Bà Nà) xây năm 1876 nơi đó còn có dòng tu kín Phao lô, nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng trên đường Độc Lập xây năm 1923, nhà thờ lớn duy nhất được xây dưới thời nhượng địa. Ðến năm 1963 khi Ðức Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được Tòa Thánh bổ nhiệm về làm Giám mục Ðà Nẵng tiên khởi (giáo phận mới thành lập).

Làn sóng di cư năm 1954 từ Bắc vào Đà Nẵng có những khu định cư Thanh Bồ, Đức Lợi, Tam Tòa là giáo dân Công Giáo, đã xây dựng thêm nhà thờ. Giáo dân luôn có bổn phận với tổ quốc và dân tộc, trái với dư luận: “ai theo Thiên Chúa là rước Pháp vào và theo Pháp phản quốc..” cũng như ngày nay những nhóm khủng bố thường phát xuất từ những người Hồi Giáo cuồng tín, nhưng không phải tất cả tín đồ Hồi Giáo đều là khủng bố. Phúc Âm được rao giảng từ các Thừa sai, Giáo sĩ người Tây phương tới Việt Nam từ thế kỷ thứ 16, không phải thực dân Pháp mang Thiên Chúa giáo vào Việt Nam. Những hiểu lầm oan nghiệt cho Giáo dân làm tay sai cho Tây, nên họ phải sống tập trung với nhau để tự bảo vệ. Trường hợp Giáo dân ở vùng Trà Kiệu (2) thuộc quận Duy Xuyên Quảng Nam, phải đương đầu với phong trào Văn Thân chống Tây. Theo lý thuyết, Đà Nẵng là đất của Tây, nhưng đạo Phật phát triển mạnh có nhiều chùa như :

Chùa Phổ Đà: khởi dựng năm 1927, tổ khai sơn là Hòa thượng Thích Tôn Thắng , chùa được trùng tu vào các năm 1937, 1945, 1983 hệ Chính tông Phật giáo nơi nầy đào tạo nhiều tăng ni nổi tiếng, trước có tên Phật học viện Trung phần , năm 1961 đổi tên là Phổ Đà, điạ chỉ 332 Phan Châu Trinh.

Chùa Tam Bảo: xây từ năm 1953-1963, chùa có 5 tháp cao do thợ Quảng Nam pha màu trước khi nung ngói, tạo ra 5 màu sắc biểu tượng của Phật giáo. Đây là chùa theo phái Nam Tông(từ Ấn Độ sang), trước chùa có 2 cây bồ đề là cây con của bộ đề Đạo tràng (nơi Thích Ca thành Phật), Chùa có 2 tầng tháp nơi cất giữ một phần nhỏ Xá Lợi Phật. Toạ lạc số 327 Phan Châu Trinh

Chùa Pháp Lâm: Năm 1936 do nhóm cư sĩ “An Nam Phật Học” thuộc Chi Hội Đà Nãng đứng ra xây dựng, chùa được trùng tu năm 1970 là trụ sở của tỉnh Hội Phật Giáo. Ngoài ra còn các chùa Từ Vân, Bảo Nghiêm, Từ Tôn và các chùa nổi tiếng ở Ngũ Hành Sơn

Hội Thánh Tin Lành: Năm 1911 các mục sư đến từ Mỹ là: R.A. Jaffray, Paul M. Hoster, G. liloryd Hugles mua đất và năm 1913 xây dựng nhà Thờ bằng lá tại đường Khải Định. Đạo Tin Lành cũng gặp khó khăn với chính quyền Pháp, Pháp sợ ảnh hưởng của Mỹ đến Việt Nam(?). Lúc đầu chỉ có 20 tín đồ trong đó có 2 người thuộc hoàng tộc: Công Tôn Nữ Thị Hầu và Công Tôn Nữ Tú Oanh (cháu nội vua Minh Mạng), mãi đến năm 1922 Hội Thánh được xây lại bằng gạch ngói, mục sư Hoàng Trọng Thừa làm Hội trưởng đầu tiên.

Đạo Cao Đài: Năm 1956 đạo Cao Đài khánh thành Trung Hưng Bửu tòa, ra mắt Hội thánh truyền giáo Cao Đài. Sau nầy có các thánh thất như Trung Thành, Trung Đồng, Liên Hoa, Trung Bửu, Trung Tâm Thánh Thất Tịnh

Trước 1975 Đà Nẵng có các rạp Ciné Chợ Cồn (Tân Thanh), Trưng Vương, Li Đô, Kim Châu, Kinh Đô, Kim. Ngoài ra còn có nhà hát Hòa Bình…những quán cafe hữu tình như Lộng Ngọc, Quỳnh Châu, Ngọc Anh. Câu lạc bộ Phượng Hoàng, các quán bê thui ở đường Ông Ích Khiêm, Hội Khuyến Học, Hội Việt Mỹ…Nhiều Ty, cơ sở hành chánh lớn của vùng I. Bộ chỉ Huy Quân Đoàn I, sư Đoàn I Không quân, bộ tư lệnh Hải Quân ở Tiên Sa, phi trường Đà Nẵng. Bệnh viện toàn khoa, bệnh viện Duy Tân của Quân đội. bến xe chợ Cồn đi liên tỉnh, bến xe Diên Hồng (công trường con gà cũ) đi Non Nước, Sơn Trà, ở ngã năm Hoàng Diệu có bến xe “Traction?” đi Huế. và đường xe lửa hoạt động giới hạn giữa Huế. Đà Nẵng chỉ có một cầu De Lattre để qua vùng biển Mỹ Khê, ngoài ra còn có chiếc phà qua lại trên sông Hàn.

Đà Nẵng phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên, phía Tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông là biển Đông. Cách Hà Nội 764 km, Sài Gòn 964 km. Trước 1975 dân số khoảng nửa triệu người. Năm 2009 dân số tăng lên hơn 867.545 người, diện tích 1.255,5 km² (trong đó có 305 km² của Hoàng Sa), mật độ trung bình 690/ km². Biển 15.000 km². Hiện nay có 6 quận và 2 huyện Hòa Vang và Hoàng Sa. Hệ thống giáo dục có 15 trường đại học, học viện; 17 trường cao đẳng; nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề và hơn 200 trường học phổ thông. Có 17 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 11 bệnh viện và trung tâm y tế quận huyện, 47 trạm y tế xã phường và trên 900 phòng khám chữa bệnh tư nhân, cùng với sự hình thành của trường Đại học Y Dược và trường Đại học Kỹ thuật Y tế. Cảng Đà Nẵng sâu có 9 cầu cảng dọc theo sông Hàn, sân bay quốc tế, có nhiều xí nghiệp lớn của các ngành dệt, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghệ chế biến, công nghệ cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng.. (theo tài liệu của thành phố Đà Nẵng).

Sông Hàn dài 204 km, thơ mộng chảy qua Đà Nẵng. Bờ biển dài khoảng 30 km cát trắng mịn, có nhiều bãi tắm đẹp như: Non Nước, Mỹ Khê, Tiên Sa, Thanh Bình, Thanh Khê, Mỹ An, Xuân Thiều, Nam Ô…. Chung quanh bán đảo Sơn Trà có nhiều san hô, Ngũ Hành Sơn cách Đà Nẵng khoảng 7 km là một thắng cảnh đẹp, đứng ở Non Nước có thể nhìn thấy xa xa là cù lao Chàm.

Đà Nẵng nằm giữa vùng kế cận ba di sản văn hoá thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò quan trọng. Đà Nẵng trải qua 703 năm (1306 -2009) gắn liền với các thời kỳ lịch sử. Ngày nay về thăm Đà Nẵng chắc chắn chúng ta phải ngỡ ngàng trước nhiều đổi thay, những con đường xưa, cũng như nhiều trường bị đổi mất tên. Có thêm vài ba cái cầu bắc ngang sông Hàn, nhiều dinh thự, khu nghỉ mát dành cho những giai cấp mới tư bản đỏ sau 1975. Lịch sử Đà Nẵng cùng với lịch sử Việt Nam thay đổi. May mắn thay, tên trường Phan Châu Trinh vẫn trường tồn với thời gian. Tinh thần đấu tranh cho Tự Do và Nhân quyền của cụ Phan vẫn sáng ngời với dân tộc Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1/ Sau hiệp định Genève (20.7.1954) Hoa Kỳ quyết định ủng hộ VNCH để chận đứng làn sóng cộng sản và Trung cộng. Ngày 08.03.1965, tiểu đòan 3 thuỷ quân lục chiến thuộc lữ đoàn 9 Hoa Kỳ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều (Nam Ô) thuộc xã Hoà Hiệp, huyện Hoà Vang nay thuộc quận Liên Chiểu Đà Nẵng, cùng ngày tiểu đoàn thứ 2 được không vận từ Nhật đến sân bay Đà Nẵng. Sau đó hơn nửa triệu quân Đồng Minh vào Việt Nam giúp VNCH chống cộng sản. Cuộc chiến kéo dài gần 30 năm khoái lửa, bom đạn tàn phá quê hương, Người Mỹ vì quyền lợi của nước Mỹ nên Hiệp định Paris ký ngày 07.01.1973 Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, bỏ mặc người bạn đồng minh VNCH cho đến ngày bức tử 30.4.1975

Theo dư luận, tuần dương hạm Trịnh Hòa 鄭和 Zhèng Hé/ Cheng Ho đến cảng Đà Nẵng từ 18 đến ngày 22.11.2008 từ đó đã có nhiều vụ căng thẳng xảy ra trong khu vực thềm lục địa biển Đông Việt Nam bị ảnh hưởng, đang vào vụ cá nam mà mấy trăm tàu tại chợ cá Thọ Quang và cảng cá Đà Nẵng phải đậu bến vì lệnh của Tàu Cộng cấm đánh bắt cá ba tháng ở biển Đông? Hải quân Trung Cộng giống như bọn cướp biển, ăn cướp cá của ngư dân, thường gây tai nạn đe dọa ngư dân Việt Nam trong khi đó đảng CSVN chỉ lên tiếng lấy lệ. Dâng biển cho bọn Tàu cộng để thụ hưởng quyền lợi, không chú ý đến quyền lợi dân tộc và đất nước !

2/ Theo một số sử gia thì trước khi các linh mục Dòng Tên do Cha Buzomi dòng Phanxicô dẫn đầu, đến Hội An và các vùng phụ cận để chính thức tổ chức công cuộc truyền giáo ở Ðàng Trong (1615). Năm 1625 đạo Công Giáo được rao giảng khắp các xứ lớn ở miền Nam... Một điều khác là sử liệu cũng cho chúng ta biết là nhà thờ Trà Kiệu đã có trước thời 1681 - 1682 đã được các Cha dòng Phanxicô cai quản cho đến khoảng năm 1810 mới bàn giao lại cho các Linh mục thừa sai Hội Truyền Giáo nước ngoài Ba-lê (MEP) (lịch sử giáo xứ Trà Kiệu)

Lịch sử Đà Nẵng - nhà văn Võ Văn Dật (Việt Nam California 2007)

Non nước xứ Quảng - Lê Minh Quốc (nhà xuất bản Trẻ Việt Nam 2002)

Bộ Việt Sử Đại Cương nhà văn Trần Gia Phụng NxB Non nước Toronto

Quảng Nam Trong lịch sử Trần Gia Phụng NxB Non nước Toronto 2003

Án Tích Cộng sản Việt Nam Trần Gia Phụng NxB Non Nước Troronto 2001

Lê Minh Quốc trong Non nước xứ Quảng tập 3 trang 100. Nxb ở Saigon Viet Nam năm 2002

Tích tài liệu về Đà Nẵng

Từ 10/1955 đến 29/3/1975

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập thị xã Đà Nẵng gồm 3 quận với 18 khu phố (tương đương với phường).

- Quận I: gồm 9 khu phố: Xương Bình, Phước Ninh, Thiệu Bình, Hải Châu, Thạch Thang, Nam Dương, Hòa Thuận, Bình Thuận, Nại Hiên.

- Quận II: gồm 10 khu phố: Thạc Gián, Hà Khê, An Khê, Phú Lộc, Phục Đán, Chính Trạch, Xuân Đán, Tam Tòa, Thanh Khê, Xuân Hòa.

- Quận III: gồm 9 khu phố: An Hải, Mân Quang, Cổ Mân, Nam Thọ, Mỹ Khê, Phước Trường, Nại Hiên Đông, Tân Thái, Thượng Nghĩa.

31-7-1962

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Tỉnh Quảng Nam có 9 quận, 1 thị xã, 144 xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hội An. Tỉnh Quảng Tín có 6 quận, 1 thị xã, 89 xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Tam Kỳ.

Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam chấp hành Nghị quyết của Khu ủy V, chia Quảng Nam thành hai tỉnh mới để tiện việc tổ chức, chỉ đạo, đối phó với âm mưu của địch.

Phía bắc là tỉnh Quảng Đà gồm 5 huyện (Hòa Vang, Đại Lộc, Thống Nhất, Điện Bàn, Duy Xuyên), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An.

Phía nam là tỉnh Quảng Nam gồm 6 huyện (Quế Sơn, Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà Sơn).

11-1967

Khu ủy V ra quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà.

6-1-1973

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra nghị định giữ nguyên 3 quận như cũ, chỉ sáp nhập 28 khu phố bên dưới cấp quận thành 19 phường. Thị xã Đà Nẵng được đặt dưới quyền điều hành của Hội đồng thị xã, gồm 12 ủy viên, do một thị trưởng đứng đầu.

- Quận I: gồm 7 phường: Triệu Bình, Xương Bình, Thạch Thang, Hải Châu, Nam Phước, Bình Hiên, Hòa Thuận.

- Quận II: gồm 5 phường: Chính Gián, Thạc Gián, An Khê, Thanh Lộc Đán, Hà Tam Xuân.

- Quận III: gồm 7 phường: Nam Thọ, Mân Quang, Mân Thái, An Hải Tây, Phước Mỹ, Nại Nghĩa, An Hải Bắc.

http://lyhuong.net

phanchautrinhdanang.com