Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tết xưa phôi phai


Chúng ta cứ băn khoăn về những thay đổi của cái Tết truyền thống, tại sao mọi thứ cứ nhạt đi? Không còn không khí thiêng liêng, hào hứng, rộn rã như trước đây nữa? Làm thế nào để giữ lại cái hồn của Tết? Nhà văn Ma Văn Kháng đã có những chia sẻ rất sâu sắc về cảm nhận Tết xưa, Tết nay.
Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: Cand

Tết có cái tưng bừng, rộn rã

Nhiều người bảo, muốn biết cái Tết của người Hà Nội thế nào thì nên đọc Mùa lá rụng trong vườn.
Đó là cái Tết của thời bao cấp. Sự vụ quan trọng nhất của cái Tết lúc đó là lo được đầy đủ cái ăn. Ăn Tết mà! Đói khổ, thiếu thốn gì thì Tết cũng phải được ăn uống cho đầy đủ. Thành ra trước Tết cả tháng, cơ quan, công đoàn, chi bộ đã bàn lo mua gà ở đâu, nước mắm ở đâu, thịt, gạo nếp ở đâu... Có năm mua được con lợn theo giá cung cấp của một hợp tác xã về, cả cơ quan toàn những anh cầm bút lóng nga lóng ngóng, trói không chặt, nó lại xổng ra, vất vả lắm mới bắt lại được.
May mấy ông lái xe biết chọc tiết, rồi mọi người xúm vào cạo lông, xả thịt, làm lòng, chia đủ mấy chục suất. Các bà chia giỏi lắm, ai cũng có miếng sấn, miếng mông, miếng bụng, thăn, lòng, gan, tim, phổi... Rồi bày trên lá chuối, viết giấy để bốc thăm. Còn tiết thì cho vào nấu một nồi cháo lớn, mọi người cùng ăn, ai nhà gần thì mời cả con cái đến hoặc múc vào cặp lồng đem về... Cái Tết thời khốn khó ấy hoá ra lại có cái tưng bừng, rộn rã, có niềm vui của nó.

Chẳng lẽ vì cùng chung lo cho miếng ăn miếng uống nên người ta được gần gụi nhau nhiều, thân thiết với nhau hơn, Tết cũng tưng bừng hơn?
Không hẳn thế đâu. Trước hết, với ngày Tết, đó là cái vui vốn có, bắt nguồn từ bản chất hồn nhiên, lạc quan của con người. Trước cảnh đất trời hớn hở sang xuân, khi mỗi con người vừa trải qua một chặng đường với phía trước đang phấp phỏng bao mong chờ, sau một năm trời vất vả được nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, đoàn tụ gia đình, hồi tưởng công đức tổ tiên và những người đã khuất, cởi mở tâm tình, thăm hỏi người thân...
Thêm nữa, trong thời bao cấp thì niềm vui này còn được nhân lên thêm vì chính là cuộc sống chung có sự đồng cam cộng khổ. Tết nhất là một dịp để con người cùng chia sẻ, gắn kết với nhau thêm. Thời đó mức sống mọi người đều sàn sàn như nhau, chưa đến nỗi cách biệt giàu nghèo quá lớn như sau này. Tết hồi đó là những ngày thật đặc biệt.

Ngày nay với nhiều người Tết không còn đặc biệt lắm nữa?
Bây giờ quanh năm vẫn ăn uống như thế, ăn mặc như thế, vui chơi như thế, chúc tụng nhau như thế rồi, nên ngày Tết đến có phần dửng dưng với nhiều người thì phải. Trước đây, đến Tết tự dưng trong lòng người, kể cả người già cũng có cái hớn hở trẻ trung lạ lùng lắm. Giao thừa là thời khắc thật linh thiêng, từ giã năm cũ, bước sang năm mới đồng nghĩa với những gì là may mắn, tốt đẹp còn đang chờ đợi ở phía trước. Còn bây giờ, nói thất vọng thì không đúng, nhưng cái niềm hy vọng, sự khấp khởi xem ra có vẻ ít hơn. Có thể là vì người ta sống thực tế hơn chăng?

Theo ông, muốn giữ lại cái hồn của Tết thì nên giữ cái gì?
Thời trước bánh chưng là linh hồn của Tết, không nhà nào không gói. Khổ lắm, nào giục giã con cái, um xùm hết cả nhà cửa lên. Từ lúc mậu dịch dựng cái lán bán lá dong là không khí Tết đã về rồi. Bây giờ có nhà vẫn muốn giữ nếp tự gói bánh chưng để giữ cái không khí Tết, nhưng cũng ít thôi còn chủ yếu là đặt mua, tôi nghĩ thế cũng không sao.
Nhưng dù thế nào vẫn phải giữ lại cái không khí tết nhất thiêng liêng cổ truyền trong sự sum họp, tâm linh cộng cảm, ý thức trùng phùng hướng về gia đình, dòng họ, tổ tiên, dân tộc. Giữ lại cái không khí cộng đồng yêu thương, chia sẻ, chan hoà và hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Một cái vẫn còn giữ được nữa là bữa cơm tất niên sum họp cả gia đình và mâm cúng đêm 30. Cũng không thể để mất cái mỹ tục thăm hỏi chúc Tết, mừng tuổi ông bà, thầy cô, người thân, họ hàng...
Và làm sao mà mất được cái niềm vui hồn nhiên lạc quan của con người với ngày Tết, cái niềm vui ở trên mọi nỗi nhọc nhằn vất vả, thời nào cũng có, bất biến, vĩnh hằng.

Con người bị chia sẻ ghê gớm lắm

Dường như chúng ta đang có sự đứt gãy về văn hóa. Nhiều thứ mất đi quá, ví dụ như tục thờ cúng tổ tiên!
Tôi cũng có chút lo ngại về điều này. Một chút thôi. Vì theo tôi hiểu, lòng tri ân tổ tiên của người Việt mình là một giá trị, một sức mạnh đặc biệt. Có người nói, nó vững bền còn hơn kim tự tháp! Tuy nhiên cũng vẫn có chút e sợ.
Trong họ nhà tôi, người duy nhất thông thạo việc thờ cúng là bà chị họ, nhưng bà mất năm kia, thọ 90 tuổi. Bà có bài khấn riêng. Chỉ là xuất khẩu ngẫu hứng nhưng rất hay về nghĩa lý và văn chương, không thẳng đuồn đuột như bài khấn nôm bây giờ. Bà giữ gìn từng ly từng tí nếp sống gia phong. Phần mộ của tổ tiên cùng ngày giỗ kỵ các cụ tổ bốn, năm đời, bà nhớ vanh vách. May, tôi ghi lại được trước khi bà mất. Rồi lập thành gia phả và gửi thư điện tử cho anh em, họ hàng, con cháu. Chứ không thì e rằng con cháu chẳng còn ai nhớ.

Mặc dù ngày nay người ta đi lễ nhiều hơn, cúng bái to hơn, rầm rộ hơn.
Đúng là cúng bái thịnh soạn, linh đình hơn. Bàn thờ cũng đồ sộ, hoành tráng, đẹp hơn trước nhưng cái không khí xưa cũ xem ra có vẻ đã phôi pha. Đến thế hệ tôi, bà xã vẫn chịu khó nấu nướng để làm mâm cúng với đủ các món cổ truyền, tức là đủ hết lệ bộ, cả măng, miến, nem, mọc, xào nấu... nhưng đến đời con cháu thì chắc là sẽ giản tiện đi rất nhiều. Đến ngày đó chắc chỉ bày mâm cúng (chủ yếu là đặt sẵn ở nhà hàng), thắp nén hương rồi nói mấy câu... Còn để tạo nên không khí thiêng liêng thương nhớ tổ tiên, sum họp gia đình thì có lẽ không có đâu. Mất cái đó thì tiếc quá!

Nhiều người cứ dễ dãi cho rằng mọi cái phải đơn giản đi. Nhưng tôi thấy chính sự thay đổi những cái đơn giản như mâm cỗ cúng, hay cách cúng giỗ còn dẫn đến những thay đổi lớn hơn trong quan hệ gia đình.
Quan hệ gia tộc cũng có nhiều nét khác xưa. Mọi khi cúng giỗ nhà tôi tụ hội đông đủ con cháu. Gần đây thì vắng mặt người này người kia là bình thường. Rồi nhà nào làm cỗ ở nhà ấy, không còn không khí đại gia đình nữa. Con tôi với con ông anh thì còn gắn bó vì sống với nhau một thời gian, chứ cháu tôi với cháu ông anh thì biết nhau rất lơ mơ. Ngay trong gia đình, bố tôi đối với tôi thì vô cùng thiêng liêng, gần gụi, nhưng đến con tôi thì xem ra đã xa vắng, mờ nhạt khá nhiều rồi.

Đó là do lỗi của người lớn, không hay kể chuyện về các cụ.
Đáng lẽ giỗ chạp, tết nhất là dịp quy tụ gia đình. Rồi ông bà nội, ngoại ngồi vân vi chuyện nọ chuyện kia với con cháu. Bây giờ làm gì còn cảnh đó nữa. Ngồi ăn thì rào rào, kể chuyện chả đứa nào nghe, còn bận nghe nhạc, tán chuyện đường phố... Nhịp sống đô thị cũng làm phai nhạt đi các mối liên hệ truyền thống. Mấy anh em cùng ở trong một thành phố mà có khi 5 - 6 tháng không gặp, trong khi bây giờ phương tiện đi lại, giao tiếp lại quá dễ dàng và vô cùng phong phú.

Tại sao vậy, thưa ông?
Tôi nghĩ, cuộc sống ngày hôm nay đã có nhiều điều khác trước. Trong sự phát triển chung của xã hội, đời sống mỗi con người giờ đây phong phú hơn lên rất nhiều. Con người có thể biểu hiện mình ở nhiều chiều kích hơn. Về hưu rồi, phương tiện giao tiếp chỉ còn là mạng internet và chiếc điện thoại di động, vậy mà lắm khi tôi có cảm tưởng chẳng mấy khi được thanh nhàn!
Chuyện bạn bè, chuyện đường phố, chuyện trong nước, chuyện thế giới... cứ liên tục vang động vào mình. Ừ thì nhiều khi biết là đã cao tuổi rồi, có quan tâm cũng chả giải quyết được gì, nhưng không nghĩ ngợi, dù là vẩn vơ cũng không được. Con người bị chi phối, bị chia sẻ ghê gớm lắm.

Đọc đoạn sắm Tết và làm cỗ Tết trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của ông, tôi cứ tưởng phải là phụ nữ thì mới có những quan sát tỉ mỉ và tinh tế đến thế.
Không khí tết nhất đó vào từ chính gia đình tôi, từ mấy bà chị dâu. Lúc ấy nhà tôi ở bên khu tập thể Thành Công, Hà Nội . Tôi có hai bà chị dâu đều có cái nét của nhân vật Lý trong truyện, rất tháo vát, đảm đang. Hăm ba Tết năm ấy tôi nằm trong nhà nghe các bà ấy đi chợ về kể chuyện mua bán tíu ta tíu tít. Mà đi chợ Tết về thì vui lắm, kể chuyện, rồi thì khoe mua được cái này, cái kia rẻ... Thế là mình nhổm dậy lấy giấy bút ghi lại tức thì.

Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khoẻ để đón một mùa xuân mới nhiều niềm vui!

Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là người Hà Nội gốc, sinh ra tại làng Kim Liên. 13 tuổi, ông thoát ly đi kháng chiến. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ông xung phong lên Lào Cai dạy học. 22 năm sống ở đây, ông đã kết nghĩa với một ông họ Ma và trong công tác lấy tên là Ma Văn Kháng. Ông nguyên là tổng biên tập, phó giám đốc Nhà Xuất bản Lao động, tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác phẩm chính: Đồng bạc trắng hoa xoè; Vùng biên ải; Trăng thề; Mùa lá rụng trong vườn; Đám cưới không có giấy giá thú; Một mình một ngựa; Bóng đêm; Bến bờ... phai...

Nhật Minh (thực hiện)