Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Nhìn từ xa... Tổ quốc - chùm thơ của Nguyễn Duy

Nguyễn Duy và hành trình một bản thảo thơ
Nhìn từ xa... Tổ quốc - chùm thơ của Nguyễn Duy
Nhìn từ xa... Tổ quốc - chùm thơ của Nguyễn Duy
 
Nhìn từ xa... Tổ quốc!
 
Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng
Ðêm bắc bán cầu vần vụ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta
Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng
Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng
Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ
*
Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
ai cứ sau mình lẩn quất như ma
Ai ?
im lặng
Ai ?
cái bóng !
A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà
Thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu me ta
*
Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta cứ mê ta[1]
Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm
Vâng – một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng
thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả tim gan
*
Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
nỗi day dứt không nguôi vón sạn gót chân
nhói dài mỗi bước
Thời hậu chiến vẫn ta người trong cuộc
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ?
Ai ?
không ai
Vết bầm đen đấm ngực
*
Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan
Ai ?
không ai
Vết bầm đen quều quào giơ tay
*
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
Ðêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát
lửa ma trơi
Ai ?
không ai
Vết bầm đen ngửa mặt lên trời
*
Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh
Ai ?
không ai
Vết bầm đen tọa thiền
*
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt… bóng nhân tài thất thểu
Ai ?
không ai
Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh
*
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn
Ai ?
không ai
Vết bầm đen vò tai
*
Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công
Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc
Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông
Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường
Ai ?
không ai
Vết bầm đen nhún vai
*
Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia li toe toét cười
Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về
Ai ?
không ai
Vết bầm đen rứt tóc
*
Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…
Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường
Ai ?
không ai
Vết bầm đen gập vuông thước thợ
*
?…
?…
?…
*
Ai ?
Ai ?
Ai ?
Không ai !
Không ai !
Không ai !
Tự vấn – mỏi
vết bầm đen còng còng dấu hỏi
*
Thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng
*
Ðôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm
Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
phật và ma mỗi thứ tí ti…
Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ
*
Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào
Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào
Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
thầy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội
Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy
xin đừng hót những lời chim chóc mãi
Ðừng lớn lối khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
*
Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét
Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì ?
ta cần thiết cho ai ?
*
Có thể ta không tin ai đó
có thể không ai tin ta nữa
dù có sao vẫn tin ở con người
Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ?
những người tốt đang cần liên hiệp lại!
*
Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân – vậy thì ta tồn tại
*
Giọt từng giọt
nặng nhọc
Nặng nhọc thay
Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

--
1. Thơ Chế Lan Viên
---


Kim mộc thủy hỏa thổ

I.
Quả đất nóng dần lên
tầng ôzôn có vấn đề gì đó

Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ
tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra

Mắt vấn đề toét tai vấn đề ù
bất an vấn đề giấc ngủ

Sâu rầy đang vấn đề cánh đồng
rừng cây vấn đề cháy và trụi

Nón hành khất ngã vấn đề xó chợ
trẻ lang thang vấn đề bụi đời

Lổn nhổn hành tinh vấn đề đẻ và đói
chiến trận tuôn vấn đề đỏ lòm.

*

Chó cứ sủa người cứ đi
những con đường đầy vấn đề ổ gà

Những nhịp cầu chông chênh quá tải
vấn đề nay mai sập bất cứ lúc nào

Những giống người tham gặm nhấm cả trời đất
vấn đề ngày kia thiên nhiên ăn thịt tuốt

Vấn đề nước cầm đầu lũ lụt
vấn đề lửa thủ phạm hoả hoạn

Khủng hoảng thiếu thần linh
Khủng hoảng thừa yêu quái

Ðại loạn thay cái thiên hạ rắc rối
vấn đề tầng ôzôn cả thôi .

II.
Lục bục bụng dạ sôi
ruột gan vấn đề gì đó

Nghe chừng lục phủ ngũ tạng đều cọt kẹt
sida giác quan? ung thư toàn thân?

Không thể nói rằng ta bất cần
ta cần sống và cần đủ thứ

Cần dinh dưỡng cần khí thở
cần giấc mơ nõn ngọn rau xanh

Cần phút lặng thinh mặc niệm những mối tình quan họ
những người tình không giao phối bao giờ

*

Thất xà ngóc cổ trong hũ rượu
nọc rắn tuần hoàn bổ âm bổ dương

Ðộc trị độc nhộn nhạo huyết quản
lúc nhúc hổ mang khè hang hốc xương

Gần đây ta ngài ngại đi ra đường
dù chả để làm gì ta muốn ngồi một mình

Vu vơ một mình trống rỗng một mình
ta sờ sợ nơi nào nhiều khôn vặt ít thông minh

Ta nhờn nhợn cái há mồm vĩ nhân tôm cá
khạc đủ đồ nghề thằng nọ con kiạ

Ta mặc cảm cái bóng đèn điện không có điện
lủng lẳng trần nhà thường làm ta giật mình

Ta ngan ngán bóng quan hoạn gỉa thiến gỉa đạo
vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào

Những phường buôn cứt bán chó
nợ khó đòi thì làm gì nào

Những bất ổn đầy rẫy
thì đã sao ? thì làm sao ?

Có người thách ta đánh nhau
ta bảo ta yếu rồi ta lại không có võ

Có kẻ thách ta chửi nhau
ta bảo ta vừa bị mất trộm cả sọt từ ngữ

Có đứa thách ta nhổ vào mặt nó
ta bảo ta hết đờm rồi .

*

Ta chúi mữi hà hơi lên trang bản thảo
hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở

Ta khao khát tiếng hát giun dế
không kiểm duyệt không biên tập

Ta ao ước cái bay chim chóc
không hộ chiếu không biên giới

Chó già giữ xương mèo già hoá cáo
ta già ta hoá trẻ con

Thiêng liêng thay khoảng lặng cô đơn
người hoá thánh chỉ khoảng khắc ấy

III.
Nóng quá trằn trọc quá
tầng ôzôn có vấn đề gì đó

Quạ cũ kêu sương ươn ướt dĩ vãng
tiếng cú rạch trời rơi từng giọt bầm đêm

Giấc mê mệt thiêm thiếp chiêm bao trắng
loạng quạng ma nhảy nhót trước thềm

Thử nhập đồng khúc tăng gô quỉ
chợt thấy mình thối rữa từ từ

Kèn trống rỗng mọc móng mọc vuốt
gầm gừ đèn lân tinh nhờ nhợt

Ú ớ mồ hôi
chân lỡ nhảy -- phải nhảy -- cứ nhảy ...

*

Bước nhảy nảy tư duy thị trường
kinh doanh xác mình dù giá thậm rẻ mạt

Quạ có mua ta bán trọn gói
hoặc bán từng phần trước khi thối rữa hết

Cú có mua ta chấp nhận hạ giá
chấp nhận cho trả góp từng phần

Như kiểu bán từng phần rừng-bể-núi-sông
từng khúc ruột đất từng mẩu mặt
bằng từng miếng địa ốc

Thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
có thể nước này mua trọn nước kia

Có thể lập những tập đoàn siêu quốc
những quốc gia mất nước từng phần

Cái xác ta thì có nghĩa lý gì
ta tự tháo khớp và tự bán

*

Chuyện xưa ông lão kiết dạy con:
'Khi cha chết xả xác cha mà bán ...'

Ta thì phải tự tay làm lấy
sợ các con chia chác không đều

Tự đọc điếu văn soạn sẵn vĩnh biệt mình
tự giải thoát một thời mộng mị

Cuốn gói hồn đi kinh tế mới vầng trăng
cấy lúa trồng khoai Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ

Ta đi đây ... kinh tế mới vũ trụ
vượt tầng ôzôn đang có vấn đề

IV.
Ngôi sao xa xôi bất ngờ đổi ngôi
ánh sao băng chợt đọng đẫm hố mắt

Ngọn gío thông thường lay ta tỉnh giấc
khí thở thông thường thoi thóp lại ta rồi

Ta bịch về mặt đất bất ổn
nhố nhăng đến chết nết không chừa

Lại lục bục bụng sôi
lại ruột gan vấn đề gì đó

Lại thừ nhớ những mối tình quan họ
những người tình không giao phối bao giờ

Lại đi đưa những đám ma từ ngữ
xác chữ chôn đầy nghĩa địa giấy vô hình

Lại khốn khổ với sọ dừa trì trệ
nhồi tri thức vào tri thức cứ phòi ra

Lại càu nhàu quả đất nóng dần lên
nghi tầng ôzôn có vấn đề gì đọ

V.
Ta lững thững xách sọ dừa đi chợ
tìm chú vịt tàu lai thím vịt xiêm

Ẩn sĩ Lêguym toạ thiền giữa chợ
gia vị ê hề những chua chát đắng cay

Những quàng quạc đành đạch âm nhạc
những cua ốc nghêu sò nguồn thi hứng tràn đầy

Những cuốn muống non ròng ròng ứa nhựa
oái oái khoái cái roi rói chợ

Cứ thế bình tâm cân bằng dần các thứ
ngà ngà say men chợ thường ngày

Cứ phảng phất thơm chùa những hồng hào má
những thắm cười tươi như hoa nhà ai

cứ ấn tượng bàn tay bậc thầy mổ cá
bái phục giáo sư vặt lông vịt thiên tài

Tiết vịt sống hài hoà lòng vịt chín
món tiết canh thần tiên lấp lỗ hổng sọ dừa

*

Vào cuộc nhậu có kẻ rất sợ tiết
dù ở đời họ máu tiết canh nhau

Thì làm sao
thì làm gì nào

Thì ta thi tài với con nít lối xóm
cờ tướng cờ vua cờ ngựa cờ ô ...

Và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì
ván âm dương Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ

Năm ô cờ sắp xếp cả thiên hạ
ngồi xổm chơi hay bệt đất thì tuỳ

Và nghêu ngao lõng thõng hò vè
Và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì
ván âm dương Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ

Năm ô cờ sắp xếp cả thiên hạ
ngồi xổm chơi hay bệt đất thì tuỳ

Và nghêu ngao lõng thõng hò vè
giun dế du dương ễnh ương đắm đuối

Và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội
lời trẻ con phấp phới ngũ hành kỳ.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

VN: 'Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao'



Được đánh giá là một trong các nước Đông Nam Á có tỷ lệ người đỡ đẻ có kỹ năng tại các ca sinh nở cao, nhưng Việt Nam vẫn là một trong sáu nước của khu vực có tên trong danh sách 75 nước trên thế giới phải chịu gánh nặng về tỷ lệ tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh cao.
Theo báo cáo công bố hôm 25/2/2014 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), mỗi năm có gần 12 ngàn trẻ tử vong trong quá trình sinh nở hoặc tử vong trong ngày đầu sau sinh tại Việt Nam.
Con số này trên toàn thế giới là 2,2 triệu em, theo báo cáo "Ending Newborn Deaths" (Chấm dứt tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh).
Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói khoảng một nửa các ca tử vong này lẽ ra có thể tránh được, nếu như các bà mẹ và các bé được tiếp cận với dịch vụ y tế miễn phí và nữ hộ sinh có kinh nghiệm.

'Nhiều tiến bộ'

Trả lời BBC Tiếng Việt, bác sỹ Huỳnh Thị Trong, Trưởng khoa sản Bệnh viện An Sinh từ Thành Phố Hồ Chí Minh nói vấn đề sức khỏe thai sản và trẻ sơ sinh hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ và tốt hơn so với trước đây.
"Cách đây 10, 20 năm, hệ thống sản phụ khoa của thành phố chỉ có một số bệnh viện lớn và các trung tâm y tế quận huyện. Nay đã có thêm nhiều bệnh viện tư, có cả các trung tâm chuyên khoa sản có đầu tư của nước ngoài. Nhờ đó, vấn đề quản lý thai nghén, chăm sóc thai phụ và trẻ sơ sinh tốt hơn nhiều," bác sỹ Trong nói.
"Sản phụ được đi khám thường xuyên hơn để theo dõi bệnh và tầm soát dị tật bẩm sinh của em bé," bà giải thích thêm.
Trong Thông cáo báo chí ra cùng ngày, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đánh giá Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Gunnar Andersen, giám đốc tổ chức này nói: "Chúng ta cũng không nên dừng lại ở những thành tựu có được. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp tục cố gắng để các dịch vụ y tế tốt hơn và không còn có trẻ em bị tử vong bởi những nguyên nhân có thể can thiệp được."
Hồi tháng Năm năm ngoái, báo cáo thường niên của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói Việt Nam là một trong mười nước đứng đầu trên thế giới thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, giảm 48% tính từ 1990 đến 2011.
Việt Nam có tỷ lệ người đỡ đẻ có kỹ năng tại các ca sinh nở cao, 91,9%

Cũng trong báo cáo thường niên này, Save the Children khuyến nghị Việt Nam đầu tư cho các giải pháp chi phí thấp nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, mà theo tổ chức này là chỉ tốn khoảng hơn 100 ngàn đồng chi phí mua sản phẩm cho một lần điều trị đã có thể giúp cứu được một phần ba các ca tử vong.
Các sản phẩm mà Save the Children đề cập tới gồm nội tiết tố dạng tiêm cho các bà mẹ có nguy cơ đẻ non, dụng cụ hồi sức trẻ bị ngạt khi sinh, dung dịch sát khuẩn rốn và thuốc kháng sinh dạng tiêm cho các bé bị nhiễm khuẩn và viêm phổi.
Tuy nhiên, bác sỹ Trong cho rằng khuyến nghị này là không chính xác, bởi "trong tất cả các cơ sở y tế, những cái đó đều được chuẩn bị sẵn hết," kể cả thuốc hỗ trợ phổi cho em bé.
Cùng quan điểm với bác sỹ Trong, bác sỹ Lê Văn Ninh, nguyên Trưởng khoa sản Bệnh viện Gia định nói: "Bây giờ hầu như bệnh viện nào cũng có phương tiện hồi sức cấp cứu sơ sinh cũng như việc tiêm phòng trước và sau sinh. Có rất nhiều tổ chức quốc tế vào huấn luyện, giúp đỡ các bệnh viện. Thuốc nào trên thế giới có là Việt Nam có hết."

'Cần phổ cập kiến thức'

Tuy nhiên, vấn đề trang bị kiến thức thai sản cho phụ nữ mang thai là điều cần được thực hiện tốt hơn, qua đó họ tự biết cách chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai.
"Cần tuyên truyền qua báo chí, qua các tình nguyện viên vào tận trong các nhà máy xí nghiệp, nơi có rất nhiều công nhân trong các khu công nghiệp. Sự hiểu biết của họ [vế sức khỏe thai sản] là rất ít, họ rất cần giúp đỡ"
Bác sỹ Lê Văn Ninh
"Nếu có điều kiện thì cần tuyên truyền qua báo chí, qua các tình nguyện viên vào tận trong các nhà máy xí nghiệp, nơi có rất nhiều công nhân trong các khu công nghiệp. Sự hiểu biết của họ [vế sức khỏe thai sản] là rất ít, họ rất cần giúp đỡ," bác sỹ Ninh nói.
Bác sỹ Ninh cũng cho BBC Tiếng Việt biết vấn đề chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền khác nhau có sự chênh lệch đáng kể: "Ở những thành phố lớn, các trường hợp sinh non, thiếu tháng, thậm chí chỉ 800-900g, cũng vẫn có thể nuôi được. Tuy nhiên, chuyện này không phải đồng đều trên toàn quốc."
Ngay việc đi bệnh viện công hay bệnh viện tư để khám và chăm sóc thai sản cũng là một vấn đề đáng chú ý.
Với việc chất lượng ở cả hai bên đều "tốt như nhau", theo lời bác sỹ Huỳnh Thị Trong, thì việc lựa chọn bệnh viện tư dường như phù hợp với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn thay vì cho đại đa số dân chúng, khi mà việc hỗ trợ chi trả bằng nguồn bảo hiểm y tế cho các đối tượng khác nhau là khác nhau.
"Việt Nam chưa có bảo hiểm rộng rãi. Bảo hiểm y tế chỉ sử dụng chủ yếu trong giới cán bộ công nhân viên hoặc trong các doanh nghiệp mà thôi chứ chưa phải cho toàn dân, trừ những người dân mua bảo hiểm tự nguyện."
"Các loại chế độ bảo hiểm y tế vẫn được áp dụng cả ở các bệnh viện tư và bệnh viện công, nhưng với những ai không đủ điều kiện [mua bảo hiểm] thì người ta sẽ chọn bệnh viện công vì chi phí ít hơn," bác sỹ Trong nói.
Việt Nam là nước hiện đang chi cho lĩnh vực y tế tính theo ngân sách chính phủ trên đầu người là 93,39 đôla Mỹ, cao hơn mức tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, 60 đôla.
Bên cạnh Việt Nam, năm quốc gia Đông Nam Á khác bị đưa vào danh sách 75 nước có tỷ lệ tử vong cao ở bà mẹ và trẻ sơ sinh gồm Campuchia, Lào, Indonesia, Miến Điện và Philippines.
Trong số này, Indonesia là nước có nhiều trẻ sơ sinh tử vong nhất, hơn gần 48 ngàn ca mỗi năm.

Thăm kênh đào Panama



Kênh đào Panama





image
Kênh đào Panama một kênh đào cho tàu bè di chuyển tại Panama, kênh Panama dài khoảng 48-50 miles nối liền tây bắc Đại Tây Dương (Atlantic Ocean/ Caribbean Sea) với đông namThái Bình Dương (Pacific Ocean). Kênh này cắt ngang qua eo đất của Panama và là chìa khóa cho sự giao thông thương mại quốc tế bằng đường thủy.  Kênh đào Panama có nhiều locks (âu thuyền) để dẫn tàu đến Hồ Gatun. Hồ Gatun là một hồ nhân tạo được đào tạo để giúp cho hoạt động của kênh đào  được toàn thiện. Hồ Gatun cao hơn mực nước biển (sea level) cỡ 26.5 m. Những locks/âu thuyền hiện tại có bề ngang là 110 feet / 33.5 m). Hiện nay một âu thuyền thứ ba có bề ngang rộng hơn đang được thiết lập. Báo cáo của Panama và nhân sự liên hệ  cho hay hai âu thuyền mới sẽ hoàn tất vào cuối năm 2014, kỷ niệm 100 năm kể từ ngày kênh Panama được khánh thành vào năm 1914. Nhưng vào thời điểm này (tháng 11 năm 2013) thì dự án cho bộ lock thứ bà này được thông báo là sẽ hoàn tất  sớm nhất là mùa thu năm 2015. 

image
Thăm viếng Gatún Locks


Một chút lịch sử
Kênh Panama là kết quả của sự rất sốt sắng, can đảm của nhiều nhân vật thuộc thế kỷ 16 khi người Bồ đào nha (Spaniards) đặt chân đến Isthmus. Kể từ thời gian đó, mộng xây một đường thủy  xuyên qua Panama đã được khơi mào bởi nước Pháp vào thời điểm 1880, nhưng vì vấn đề tài chính, nhân viên bị chết quá nhiều do bệnh tật  nên Pháp đành phải hủy bỏ mộng ước này. Sau khi lấy lại được độc lập vào năm 1903, Panama thương lượng  một thỏa hiệp  với USA để thiết kế một kênh quan trọng chưa từng có trong lịch sử. Công việc kênh đào hoàn tất vào ngày 15 tháng 8, năm 1914. Qua thỏa hiệp, USA có quyền lợi rất nhiều trong việc quản trị kênh đào cho đến năm 1999 thì USA đồng ý cho Panama  giữ quyền quản trị kênh Panama theo thoả ước Torrijos -Carter mà  Panam đã thương lượng với chính quyền USA từ năm 1977. Như thế thoả ước về giao thông đường thủy này đã cho phép chính quyền Panama  hoàn toàn quản trị kênh Panama từ năm 1999 cho đến hiện tại.

Kênh Panama có lợi ích cho thủy lộ ra sao?

image
Kênh Panama được dùng để làm giảm bớt thời gian các tàu thương mại chuyên chở hàng hoá khỏi phải đi vòng xuống tận mỏm phía dưới của Nam Mỹ (Drake passage và Cape Horn) để di chuyển qua lại từ hai đại dương Thái bình dương và Đại tây dương. Như thế làm giảm được thời gian chuyên chở, đỡ nguy hiểm khi tàu phải đi qua  những vùng không mấy an ninh. Đường thủy đặc biệt kênh Panama  này dài cỡ 82 km và được thực hiện ở điểm hẹp nhất của eo đất Panama và Mỹ Châu.
Dùng hệ thống những locks (âu thuyền) có hai hàng locks (lanes) để dâng mực nước trong lock lên cao và như thế nâng tàu bè trong lock lên mực nước biển, sau đó cửa locks được mở ở đầu thông ra  biển, để  tàu thuyền đi ra khỏi locks, sau khi tàu ra khỏi lock mực nước trong lock lại được hạ thấp xuống và sẵn sàng để đón tàu khác vào lock. Nước dùng để dâng cao hay hạ thấp trong lock được hút từ hồ Gatun bởi trọng lực và đổ vào locks qua một hệ thống cống nước ngang (culvert) chính nằm dưới những phòng locks (chambers) của tường giữa và hai bên cạnh của hệ thống locks.

Sơ đồ của toàn diện kênh đào và hồ nhân tạo cho đến thời điểm cuối năm 2013 như sau.

image
Trong khi trên địa cầu Đại Tây dương (Atlantic sea) ở phía đông của của eo đất và Thái Bình dương (Pacific sea) ở phía tây, hướng chính của kênh lộ từ Atlantic sang Pacific lại là tây bắc qua đông nam bởi vì dạng đặc biệt của eo đất Trung mỹ tại điểm thành lập kênh đào .
Nếu tàu thuyền đi từ Caribbean sea (Atlantic ocean) qua Pacific Ocean (từ locks biển Đại tây dương qua locks biển Thái bình  dương) thì lộ trình kênh Panama hoạt động như sau: 

image
1-Từ điểm vào tại cửa Atlantic, tàu vào vịnh Limón, một cảng thiên nhiên dài 5.4 miles (8.7 km) cung cấp cửa vào vùng nước sâu có nhiều cơ sở để trao đổi hàng hóa. Tàu đi tiếp cỡ 2 mi (3.2 km) thì đến locks Gatun cửa Atlantic sea.
2-Gatun locks: Lock gồm hai bộ lock (2 sets), có bực thang nước ba tầng dài tổng cộng là 1.2 miles (1.9 km) dâng tầu lên mực nước hồ Gatun cỡ 26 m trên mực nước biển. 

image
Tầu vào Gatun locks có "mule" locomotives hai bên hướng dẫn
Vì bề ngang của locks rất hẹp, kề sát ngay sườn tầu nên khi vào locks, hai bên hông tầu đều có hai con lừa xe máy ("mule" locomotives) cột dây vào mạn tầu và hướng dẫn tầu đi thẳng đúng lối.

image
Tầu di chuyển ra khỏi lock, đi vào sông Gatún
3-Hồ nhân tạo Gatún tạo dựng sau khi thành lập đập Gatún, mang tàu thuyền đi trên hồ này cỡ 15 miles (24.2 km) xuyên qua eo đất Trung mỹ. Đây là cao điểm của dải kênh đào với nước từ sông Gatún và hệ thống locks để điều chỉnh mực nước. Sông Gatún được tạo dựng trên đường nước của sông Chagres. Sông Chagres là con sông thiên nhiên chảy ra biển Atlantic.  Sông này với hai đập: đập Gatun và đập Madden dùng để điều chỉnh mực nước trong hồ Gatún, và là con sông chảy ra cả hai biển Atlantic và Pacific tại vùng eo đất này. Hai hồ nhân tạo Alajuela và Gatún đã được thiết kế và tạo dựng trên con đường nước chảy của sông thiên nhiên Chagres. Nằm phía đông của hồ Gatún, hồ nhân tạo Alajuela nhỏ hơn được tạo để chứa nước bổ xung cho kênh đào. Đập chắn Madden từ hồ Alajuela  này điều hòa dẫn nước chảy vào sông thiên nhiên Chagres trước khi đến đường xẻ Culebra. 
4-Đường xẻ Culebra/Gaillard Cut dài 7.8 miles (12.6 km) phân chia lục địa, nằm xuyên qua dưới cầu Centennial.

5-Đi qua Culebra Cut thì sẽ đến ngay Pedro Miguel lock, lock này chỉ có một tầng dài 0.87 mi (1.4 km). Lock này dùng để điều chỉnh phần xuống của kênh đào Panama tới mực nước mong muốn (9.5 m) trước khi đến Miraflores locks (hay điều chỉnh phần lên cho tàu vào Culebra cut cùng Gatun lake từ cửa Pacific sea trước khi đi vào Gatun lake và Gatun locks của cửa ra Atlantic sea).

image
Miraflores locks với Trung tâm quan sát
6-Qua khỏi Pedro Miquel lock thì tàu sẽ đi vào một hồ nhân tạo khác là hồ Miraflores, hồ này dài cỡ 1.1 mi (1.8 km) và  ở cao độ  54 ft (16.5 m) trên mực nước biển.
7-Và sau cùng là hệ thống âu thuyền Miraflores (Miraflores locks) dài 1.1 mi (1.8 km. Lock Miraflores có hai bộ locks (2 sets), và hai bậc thang nước, locks Miraflores sẽ mang mực nước xuống tổng cộng là 54 ft (16.5m) để trở lại mực nước biển. Như thế tổng cộng hai locks (Pedro Miguel 9.6 m + Miraflores 16.5m = 26.1 m) đã điều chỉnh mực nước lên cao hơn 26 m trong hồ Gatun tàu đi qua kênh Panam và trở lại mực nước biển sau khi ra khỏi kênh. 
8-Ra khỏi Miraflores locks, là cảng Balboa nơi có nhiều cơ sở để trao đổi hàng hóa, với thành phố Panama nằm gần đó, và sau đó tàu sẽ đi qua dưới gầm cầu Americas, và sau đó sẽ đi tiếp 8.2 mi (13.2 km) để ra khỏi đường nước kênh đào Panama tiến tới Pacific Sea (vịnh Panama).

Mở rộng kênh đào Panama.

Được biết kênh Panama hiện đang tiếp tục mở rộng với  bộ locks mới thứ ba tại vùng Gatun lock và Miraflores lock.  Cả hai bộ locks mới sẽ có một  hang/lane, có độ sâu sâu hơn vào lòng hồ Gatun, có chiều dài dài hơn trong lock và có bề ngang rộng hơn để sửa soạn đón những tàu lớn hơn.

image
image
Bộ locks thứ ba tại Gatun và tại Miraflores, mỗi tầng có 3 khoang nước bên cạnh
Bộ lock mới tại cửa Đại tây dương nằm ở phía đông bộ lock Gatún dẫn vào kênh sông Gatún. Bộ lock mới cửa thông ra Thái bình dương nằm ở phía tây nam của bộ lock Miraflores, thiết kế không qua hồ Miraflores, không có hai locks riêng biệt như Pedro Miguel và Miraflores. Cả hai locks cửa Atlantic và Pacific đều chỉ có một set lock duy nhất, bậc thang ba tầng. Bên cạnh mỗi tầng lock có 3 khoang nước, tổng cộng 9 khoang nước cho ba tầng thang của bộ locks mới. Bộ lock cửa Pacific bắt đầu lộ trình mới ngay sau khi qua dưới gầm cầu Centennial.
Khác biệt là hai cánh cổng khóa nước trong locks được thay thế bằng cổng trượt ngang, lock mới có bề dài 1,400 ft (427 m), rộng 180 ft (55m) , sâu 60 ft (18.3 m). Locks mới này cho phép tàu lớn hơn với sườn ngang 160 ft (49m), có chiều dài đến 1,200 ft (366m), và khoảng cách từ đường nước đến đáy tàu là 50 ft (15 m) đi qua. Tàu cỡ này được coi như tương đương với tàu chứa cỡ 12,000 container 20 ft (6.1 m)/TEU.

Các locks mới này sẽ có đường nước mới gồm một kênh dài 3.8mi (6.2 km) bắt đầu từ Miraflores đến đuờng xẻ Gaillard, men theo hồ Miraflores. Mỗi kênh sẽ rộng 715 ft (218m) để các tàu hậu Panamax qua đuợc. Đường xẻ Gaillard và kênh qua hồ Gatún được mở rộng đến 918 ft (280m) trên các phần thẳng và cỡ  1,200 ft (366 m) qua các phần cong. Mực nước tối đa trong hồ Gatún sẽ đuợc nâng cao hơn từ cỡ 87.5 ft (26.7 m) lên 89 ft (27.1 m).

image
Sơ đồ bộ locks mới thứ ba tại  cửa Atlantic chụp tại Trung tâm Quan sát sự bành trướng kênh Panama

image
Tầu chở hàng trên kênh Panama chứa container FEUs

image
Tường bộ lock mới đang xây cất
Nói về đơn vị chuyên chở trên tàu bè hay xe lửa, chúng ta  nghe nói đến TEU và FEU. 

Nói chung tiêu chuẩn của các container là có độ dài 20 ft (6.1 mét),  sức chứa đo theo TEU (Twenty-foot Equivalent Units) có kích thước dài 20 ft, rộng 8 ft, cao 8.5 ft (thể tích cỡ 39m3 ). Sức chứa của 1 FEU (Fourty-foot Equivalent Units) bằng 2 TEUs. Những hộp kim loại/containers TEU và FEU với tiêu chuẩn như trên giúp chuyên chở hàng hóa đuợc dễ dàng khi phải chuyển giao qua các phương tiện chuyên chở như tầu bè, xe lửa hay xe hơi vận tải. Với kênh Panama hiện tại, tàu bè chuyên chở qua lại chỉ có thể chứa được tối đa là 5,,000 TEUs. Với đuờng kênh mới trong tương lai tầu lớn hơn có thể chuyên chở được gấp ba lần cỡ 12,000 đến 13,000 TEUs. Theo tài liệu thì hiện nay hàng năm có cỡ 14,000 tàu bè đủ loại qua lại trên kênh Panama và 70% là tầu vận tải từ những bờ biển Hoa kỳ.

image
Containers chuyên chở trên tàu tính theo TEU

image
Một FEU =2 TEUs

Lệ phí đi qua kênh Panama
Những tàu vận tải hàng phải trả $82 cho một container TEU chứa hàng, hay $74 cho một container TEU rỗng. Hiện nay giá biểu có thể tăng cao hơn nữa. Tàu cũng phải trả lệ phí khác như tàu nhỏ kéo theo (tugboats), cùng trợ giúp của "mule" locomotives gồm dây kéo và nhân viên lái "xe lừa máy". Như thế tính chung vào thì một tàu thí dụ như chứa 4,500 containers TEU sẽ phải trả ước lượng là $450,000 một lần đi ngang qua kênh Panama. Tiền này phải trả trước khi tàu vào vùng kênh đào và phải là tiền mặt (trả qua hệ thống wire transfer).

image
Với tàu du lịch đi qua kênh Panama, tàu phải trả $134/ một giường. Nếu giường trống thì phải trả  $108/một giường. Lệ phí qua kênh Panama cũng thay đổi tùy theo kích thước của tàu. Với tàu nhỏ dài kém 50 ft thì lệ phí là  $800. Từ 51-80ft thì là  $1,300. Từ 81-100 ft là  $2,000. Nếu dài hơn 100 ft thì phải trả cỡ từ $1,500 đến $3,200.
Vào năm 2008 được coi là lệ phí cao nhất, du thuyền Disney đã trả USD 331,200 khi đi ngang kênh Panama từ Tây sang Đông. Rồi năm 2010, Tàu Norwegian Star đã trả $375,600 lệ phí. Nhưng rồi phí tổn mỗi ngày một tăng, và hiện nay tàu du lịch tùy theo sồ giường trên tàu, có thể phải trả đến mức gần $400.000 cho một chuyến, thí dụ như chiếc tàu Island Princess đã trả trước $380,000 để được đi ngang qua kênh Panama (full transit) vào tháng 11 năm 2012.

Thăm viếng

Trong hơn 10 năm qua có cỡ 5 triệu người, hầu hết đều là du khách từ các nước ngoài, đã đến những địa điểm để nhìn, quan sát sự di chuyển qua kênh Panama. Địa điểm thăm viếng gồm trung tâm cửa lock Miraflores (Pacific sea), trung tâm quan sát sự bành trướng dự án kênh Panama tại biển Atlantic, và  trung tâm Gatún tại cửa lock Atlantic. Nhiều người thăm viếng nhất là trung tâm quan sát tại Miraflores locks. Nếu tàu du lịch đi theo chiều từ Pacific sea đến Atlantic thì có thể đi thăm trung tâm Miraflores. Nếu tàu đi từ Atlantic qua Pacific thì sẽ có thể thăm viếng trung tâm Gatún lock và Trung tâm Quan sát sự Bành trướng Kênh Panama.

image
Tháng 11, năm2013 vừa qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Bidden đã đến thăm Panama và gặp Tổng thống Panama Ricardo Martinelli để  bàn thêm về dự án phá triển kênh Panama. Dự án lớn lao này đã được ước lượng phí tổn cỡ 5.25 tỷ đến 6 tỷ Mỹ kim. Sự bành trướng này được dự trù là sẽ hoàn tất vào nửa năm chót 2015, đường kênh mới sẽ cho phép những tàu lớn hơn mệnh danh post-Panamax đi qua với trọng tải lớn hơn cỡ 3 lần những tầu hiện đang đi ngang kênh Panama. Những cảng bên phía đông (east coast) của Mỹ cũng sẽ phải sửa soạn lại đào vét sâu xuống lộ trình đường nước mà tầu đi ngang cùng trang bị thêm những cần trục (cranes) lớn post-Panamax. Hiện nay chỉ có hai cảng Norfolk và Baltimore là đủ sâu để có thể để những tầu post-Panamax đi ngang. Những cảnh khác của Hoa kỳ như cảng New-York/New Jersey, cảng Miami , cảng Everglades sẽ đều phải canh tân cho sâu hơn.

Kết luận

image
Nói chung một tàu bắt đầu từ lúc đi vào kênh Panama cho đến khi ra khỏi kênh từ chiều Atlantic đến Pacific hay ngược lại cũng mất cỡ 9 giờ. Du thuyền mà chúng tôi đi vào kênh từ 6AM và ra khỏi vào lúc 3PM.
Muốn xem xét và biết rõ sinh hoạt của kênh Panama thì du khách nên mua vé một chuyến (excursion) thăm viếng Gatún locks nếu đi từ cửa Atlantic, hay Miraflores locks nếu vào từ cửa Pacific để có thể thấu triệt lịch sử và những diễn biến trên kênh (tàu thường đóng neo một ngày ở cảng gần đó trước khi tầu đi vào kênh Panama).
Thăm viếng, đi qua và hiểu rõ hơn về kênh Panama sau chuyến du lịch Panama Canal và sau chuyến du lịch Ai Cập cùng thăm viếng kênh Suez vài năm trước đây, là những kinh nghiệm đáng nhớ. Với những ai ưa thích du lịch thì thăm viếng Panama Canal là một chuyến không thể thiếu được. Và nếu chưa đi cũng như không vội chi thì thăm Panama Canal vào cuối năm 2015 có thể sẽ được chiêm ngưỡng đường kênh Panama mới dự trù khánh thành vào nửa năm cuối của 2015.



Sóng Việt Đàm Giang