Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Bước đi thời gian – bước đi lịch sử




Nắng xuân rực rỡ và đôi lúc mưa xuân nhè nhẹ như sương khói lại về trên thành phố ven sông Hàn, thay cho gió lạnh và mây mù che phủ đỉnh Hải Vân suốt cả một mùa đông. Sông núi đã vào xuân. Nhịp đời hối hả. Đất trời rộng mở. Và lòng người cũng vậy, dù bao tất bật, lo toan. Bước đi của thời gian nhắc chúng ta rằng, mùa xuân đang về, rất gần.
Hà Nội ngày áp Tết. Dọc theo ven đường hồ Tây mênh mang, lác đác những điểm bán hoa với đủ các loài hoa đã bắt đầu khoe sắc. Tôi lặng người ngắm những chậu cây thân hình gầy guộc nhưng cành trĩu quả to tròn, ánh lên một màu vàng tươi hoặc màu đỏ. Chỉ tiếc là ở một số chỗ, hoa Tết đứng chen chân trên những đoạn đường đầy bụi bặm do người ta đang tu sửa cộng với dòng xe cộ nối đuôi nhau như mắc cửi. Tuy thế, xem ra phố phường Hà Nội hãy còn im ắng lắm. Và trong kia, phố phường Sài Gòn cũng vậy, dù hôm tôi rời Sài Gòn đã sát ngày ông Táo lên trời. Nhưng, bước đi của thời gian, vòng quay của thời gian đang lặng lẽ đưa trái đất của chúng ta tiến đến mùa xuân.
Và bước đi lịch sử – bước đi thời gian thường làm ta nhớ, gợi cho ta suy nghĩ về bước đi lịch sử. Nhiều sự kiện lịch sử VN gắn với mùa xuân, tỷ như việc thành lập ĐCSVN chẳng hạn. Cho nên, cứ mỗi độ xuân về, tiếng ca mùa xuân cùng với tiếng ca về đảng hòa quyện, ngân nga, vang xa trên dải đất VN này.
Như thường lệ, nói đến đảng là phải hết sức thận trọng, suy nghĩ thấu đáo, nhất thiết không thể tuỳ tiện. Tôi không dám lạm bàn. Thế là tôi lại nhớ đến một bài viết của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. Song, lần này không phải là bài viết về các bà má miền Nam gọi ông Lê Duẩn và các nhân vật một thời vang bóng bằng “thằng” – một cách gọi thân mật, thân thiết, quý mến rất Nam Bộ. “Má gọi bằng thằng và cười ấm áp. Anh bồi hồi như mọi tầm cao”. Mà là chuyện khác, liên quan đến mối quan hệ giữa dân và đảng, đảng và dân – ngày ấy.
Những năm sau hiệp định Geneve, ông Trần Bạch Đằng hoạt động bí mật tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Năm 1958, ông đến quận Tân Bình, vùng tiếp giáp với ngoại ô Sài Gòn. Khi nghe chi ủy đảng tại đó giới thiệu ông Trần Bạch Đằng là lái trâu với một ông nông dân già để xin nghỉ nhờ vài hôm, ông nông dân trả lời lạnh nhạt: “Nhà tôi chật lắm”. Cù cưa mãi, ông chi ủy đành phải khều ông già ra hè nói cái gì đó. Tình thế thay đổi đột ngột. Ông già đưa ông Trần Bạch Đằng  “ra chuồng trâu, chỉ nắp hầm, dặn hễ có động thì chui xuống:
- Phải nó nói với tôi ngay hồi đầu…Lái trâu thì tôi không chứa, còn Đảng thì bao nhiêu tôi cũng gánh nổi.
Nếu trong giọng ông còn có chút gì chưa thật thoải mái thì rõ là ông hờn chúng tôi, cho chúng tôi chưa tin ông” – ông Trần Bạch Đằng viết.
Một lần khác, bị phục kích trên sông Vàm Cỏ, ông Trần Bạch Đằng chạy lạc vào một khu Thiên chúa giáo nổi tiếng. Với đủ thứ lý do, nhưng không có lý do nào giúp ông thoát khỏi sự nghi ngờ của nhóm “Nhân dân tự vệ” sẵn sàng trói ông nộp lên đồn. Sau khi suy tính, ông nói với một ông già áng chừng có vai vế trong nhóm, trông hiền lành: “Tôi là người cách mạng”. Ông già: “Cách mạng, mà theo đằng nào?”. “Tôi làm việc nước” – ông Trần Bạch Đằng thăm dò. “Ai cũng nói làm việc nước”. “Tôi ở trong rừng”. “Ly khai hả, hễ ly khai thì theo tôi lên đồn” – ông già vặn lại.
Không còn cách nào khác, ông Trần Bạch Đằng đành nói toạc với ông già “tôi là người của Đảng”. Ông “à” lên một tiếng khoan khoái. “Phải vậy chớ, tôi hồ nghi từ nãy”. Ông gọi một thanh niên đến dặn dò. Anh này còn do dự – Đảng nào? “Thì còn đảng nào nữa”. “Thế đảng Cần Lao, đảng Đại Việt?”. Lạy Chúa, lũ đó mà kêu là Đảng được sao ? Ông già quả quyết.
Ngày ấy, những câu chuyện giống như câu chuyện của ông Trần Bạch Đằng chắc rằng không ít. Nó nói lên quan hệ máu thịt giữa đảng và dân, tình dân đối với đảng – hơn mọi thứ tình nghĩa trên đời. Chẳng có gì khó hiểu, đạt được mối quan hệ ấy là kết quả từ hai phía: đảng và dân. Đảng vì dân thì dân nghe đảng, tin đảng, theo đảng. Đảng có dân là có tất cả.
Vẫn theo ông Trần Bạch Đằng, sự tin cậy của dân đối với đảng đến độ khó mà diễn tả bằng lời. Nhiều người, sau khi trở lại cơ sở cũ, ban đêm gõ cửa, bị chủ nhà “cự” liền:
- Lâu dữ ! Sao hổng đi luôn ! Tao tưởng Đảng bỏ tao rồi chớ !
Tại cuộc họp phát động phong trào đồng khởi, đồng bào sốt ruột:
- Thằng Hai chi bộ nói lòng vòng quá. Tụi tao muốn biết, Đảng “xuống lịnh” chưa? Trả lời ngay chóc chỗ đó đi.
Dân cần cái thực chất. Rồi khi có cuộc nổi dậy của quần chúng mà thời cơ chưa chín muồi nên tổn thất lớn, dù quần chúng vẫn sôi sục khí thế, khi nghe cán bộ nói: “Đảng ra lịnh chấm dứt bạo động” thì họ nghe theo ngay. Ở đây, lịnh của Đảng có hiệu lực trực tiếp cao nhất.
Nhưng, nhân danh đảng để làm điều xấu là điều không hề dễ dàng. Tại cuộc tảo thanh quân Bình Xuyên thời chống Pháp, ta thu được 15 ký vàng và 2,5 triệu bạc Đông Dương – một tài sản khá lớn. Tay bí thư có quyền to ở đó muốn chiếm đoạt số tài sản ấy. Song, ông ta đụng phải một người cán bộ chân chính dưới quyền. Hãy nghe đoạn đối thoại rất thú vị trong tác phẩm Người Bình Xuyên của nhà văn Nguyên Hùng:
- Đồng chí hãy viết cho tôi cái giấy biên nhận?
- Tại sao lại phải viết giấy biên nhận? Anh không tin Đảng sao?
- Tin chớ !
- Tin sao lại còn bảo Đảng viết biên nhận?
- Xin lỗi, đồng chí không phải là Đảng.
Thật đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng. “Lạy Chúa, lũ đó mà kêu là Đảng được sao” – câu nói của ông già Nam Bộ lại vang lên trong chúng ta.
Và bây giờ, hãy tạm rời bước đi lịch sử để trở về với bước đi thời gian. Hôm nay đã là ngày 29, Tết đã đến rất cận kề. Trên hè phố, gần chỗ tôi ở, chợt thấy ba nồi bách chưng đặt sát nhau, lửa bừng lên ấm áp lạ thường. Hoa bày bán khắp nơi, song người mua có vẻ ít – dấu ấn của sự suy thoái kinh tế. Hình như người miền Trung chân thành, nồng hậu, mộc mạc nên thích những loài hoa quen thuộc: Mai, đào, cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, cục đại đóa, có cả hoa ly thơm ngát và quất thì bạt ngàn, song ít có thứ hoa trái lạ. Thành phố đầy sắc màu và ánh sáng, nhất là khi lên đèn. Tết này, vẻ đẹp của thành phố dường như kín đáo hơn, tinh tế hơn nhưng lại đa dạng hơn.
Bước đi thời gian luôn gắn liền với bước đi lịch sử. Thời gian làm cho lịch sử sống động hơn và thời gian cũng có thể làm phai nhòa lịch sử. Quá khứ, hiện tại và tương lai hòa quyện với nhau. Một mùa xuân mới đang vẫy gọi và nhắc nhở chúng ta.