Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Ukraine có tổng thống lâm thời - Tymoshenko kêu gọi tiếp tục biểu tình

Ukraine có tổng thống lâm thời


Ông Oleksander Turchynov là cộng sự thân cận của cựu thủ tướng Tymoshenko

Quốc hội Ukraine nêu danh Chủ tịch Quốc hội làm tổng thống lâm thời.
Ông Oleksandr Turchynov lên nắm quyền sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị bãi nhiệm hôm thứ Bảy.
Ông Turchynov nói với các dân biểu rằng họ có từ nay cho tới thứ Ba để hình thành một chính phủ thống nhất.
Quốc hội cũng đã biểu quyết tịch thu khu Bấm dinh thự xa hoa của ông Yanukovych ở gần Kiev, nơi những người biểu tình đã tràn vào hôm thứ Bảy.
Hiện người ta vẫn chưa biết ông Yanukovych, người gọi việc quốc hội ra quyết định bãi nhiệm ông là cuộc đảo chính, hiện đang ở đâu.
Hàng ngàn người ủng hộ phe đối lập hiện vẫn ở Quảng trường Độc lập, nơi bầu không khí được mô tả là yên tĩnh.
Cuối ngày hôm thứ Bảy, cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được thả khỏi nhà tù ở thành phố Kharkiv ở miền đông sau lần bỏ phiếu của quốc hội, đã thúc giục những người ủng hộ phe đối lập tại Quảng trường Độc lập là hãy tiếp tục biểu tình.
Việc trả tự do cho bà là một trong những điều kiện để ký thỏa thuận thương mại EU-Ukraine mà Tổng thống Yanukovych bác bỏ hổi năm ngoái, sự kiện châm ngòi cho các cuộc biểu tình, dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bộ Y tế nói có 88 người, hầu hết là những người biểu tình, đến nay được xác định là đã thiệt mạng kể từ 18/2.
Dân Ukraine tràn vào tư gia Yanukovych
Người dân kinh ngạc chiêm ngưỡng cảnh lộng lẫy, tráng lệ bên trong và ngoài tòa dinh thự của ông Yanukovych ở ngoại vi Kiev.
Ông Turchynov, một cộng sự gần gũi của bà Tymoshenko, nói việc hình thành một chính phủ thống nhất là "nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu".
"Chúng ta không có nhiều thời gian," một trong các lãnh đạo đối lập, đồng thời là cựu vô địch đấm bốc thế giới Vitaly Klitschko nói khi quốc hội bắt đầu thảo luận.
Nói với BBC, ông cũng nêu ý kiến là nên có bầu cử tổng thống như dự kiến, vào ngày 25/5.
"Tôi muốn xây dựng Ukraine thành một nước châu Âu hiện đại," ông nói. "Nếu tôi có thể làm được điều đó qua việc giữ vị trí tổng thống, thì tôi sẽ nỗ lực hết mình."
Trong một diễn biến khác, quốc hội đã biểu quyết bãi nhiệm Ngoại trưởng Leonid Kozhara, một đồng minh của ông Yanukovych.
Các dân biểu thuộc Đảng Vùng miền của ông Yanukovych nay có vẻ như đang bỏ rơi ông.
"Ukraine đã bị phản bội và nhân dân bị gài bẫy để chống lại nhau. Tất cả là do Yanukovych và đám tùy tùng của ông ta," các dân biểu thuộc đảng này nói trong một tuyên bố được hãng tin Interfax-Ukraine đăng tải.
Ông Yanukovych hiện đang khước từ việc chính thức từ chức. Ông được cho là đã có mặt tại Kharkiv sau khi rời Kiev tới đây từ đêm thứ Sáu.
Tin tức trên truyền thông dẫn lời các quan chức Ukraine nói ông đã bị cảnh sát biên phòng chặn lại khi tìm cách bay sang Nga bằng một máy bay riêng.



Tymoshenko kêu gọi tiếp tục biểu tình


Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đã kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chính phủ trong bài phát biểu trước đám đông ở trung tâm Kiev.
Bà Tymoshenko, hiện vẫn bị đau lưng, đã diễn thuyết khi ngồi trong xe lăn.
Bà nói: "Cho tới khi các bạn kết thúc công việc này... không ai có quyền rút lui cả".
Bài phát biểu được đưa ra vào cuối một ngày đầy sự kiện, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovych bị các dân biểu bỏ phiếu truất quyền và phải rời Kiev, nhưng vẫn bác yêu cầu từ chức.
Bà Tymoshenko bật khóc khi nói trước đám đông ủng hộ viên vào khuya hôm thứ Bảy: "Các bạn là anh hùng".
"Không ai có thể làm được những gì các bạn đã làm... Chúng ta đã loại trừ được căn bệnh ung thư và khối u này."
Trong khi nhiều người trong đám đông hò reo cổ vũ Tymoshenko, không phải tất cả các thành viên đối lập đều ủng hộ bà.
Trước khi bà bị cầm tù năm 2011, chỉ số uy tín của bà đã giảm sút và nhiều người Ukraine nghĩ rằng bà có lỗi một phần về tình trạng hỗn loạn hậu Cách mạng Cam, cũng như cho là bà thuộc giới lãnh đạo tham nhũng.
Phóng viên BBC Tim Wilcox có mặt tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev nói hàng chục người đã tỏ thái độ phản kháng bằng cách bỏ đi khi bà xuất hiện trên khán đài.
Bà Tymoshenko được thả sau khi Quốc hội Ukraine thông qua thay đổi trong luật hình sự hôm thứ Sáu 21/2.
Bà đã bị án tù bảy năm sau một phán quyết gây tranh cãi liên quan tơi thời kỳ bà làm thủ tướng.
Sáng thứ Bảy, bà đã rời bệnh viện ở thành phố Kharkiv, nơi bà bị quản thúc chữa bệnh, và bay về Kiev.
Bà nói với các nhà báo có mặt tại sân bay Kiev rằng những kẻ gây ra tình trạng bạo lực "phải bị trừng trị".
Bộ y tế Ukraine nói 88 người đã thiệt mạng kể từ ngày 18/2.

Giành kiểm soát

Người biểu tình đã vào bên trong dinh thự của Yanukovych

Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Yanukovych và quyết định tổ chức bầu cử tổng thống ngày 25/5 tới.
Việc bỏ phiếu nói trên được thực hiện sau khi cảnh sát ngừng canh gác dinh tổng thống, đồng thời cho phép người biểu tình vào xem bên trong dinh thự ngoại ô của ông này.
Ông Yanukovych nói những gì vừa xảy ra ở Kiev là "đảo chính" và thề không từ chức.
Ông so sánh hành động của phe đối lập với sự nổi lên của phe Nazi trong những năm 1930 ở Đức và cáo buộc rằng các dân biểu thuộc đảng của ông bị "đánh đập, ném đá và sách nhiễu".
Phe đối lập hiện đã chiếm kiểm soát thủ đô Kiev, và sự xuất hiện lần cuối được ghi nhận của ông Yanukovych là ở Kharkiv sau khi ông tới đó vào đêm thứ Sáu.
Báo chí dẫn lời quan chức Ukraine nói ông Yanukovych đã bị lính biên phòng chặn lại khi ông tìm cách bay sang Nga bằng phi cơ riêng.
Trả tự do cho bà Tymoshenko là một trong các yêu sách hàng đầu của phong trào biểu tình.
Nó cũng là một trong các điều kiện của thỏa thuận thương mại EU-Ukraine mà ông Yanukovych đã bác từ hồi năm ngoái, dẫn đến các đợt biểu tình phản đối và tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Chủ tịch Ủy hội Âu châu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh việc bà Tymoshenko được thả, nói đây là "điều tối quan trọng cho một nước Ukraine dân chủ".
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực và tập trung vào đối thoại hòa bình, dân chủ."
Người phát ngôn Mỹ Jay Carney
Hoa Kỳ cũng khen ngợi việc này.
Người phát ngôn cho chính phủ Mỹ Jay Carney nói: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực và tập trung vào đối thoại hòa bình, dân chủ".

Không khí hòa bình

Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói "không khí hòa bình" đã bao trùm Kiev sau khi Tổng thống Yanukovych ra đi.
Tháng Tư 2013, Tòa án Nhân quyền châu Âu phán quyết rằng việc giam giữ trước khi mang Tymoshenko ra xử là bất hợp pháp, nhưng không nói gì về tội danh buộc cho bà.
Tòa này cũng không ủng hộ cáo buộc của bà, rằng bà đã bị bắt vì động cơ chính trị, bị đánh đập và từ chối chăm sóc y tế.
Thỏa thuận hòa bình mà ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập ký hôm 21/2 nay dường như bị xếp xó sau các diễn biến mới nhất.
Thỏa thuận này kêu gọi khôi phục Hiến pháp 2004 và hình thành chính phủ đoàn kêt quốc gia.
Nó cũng đã không có tác dụng chấm dứt biểu tình khi các đám đông vẫn trụ lại quảng trường Độc lập và kêu gọi Yanukovych từ chức.

Thân thế và sự nghiệp Yulia Tymoshenko


‘Người hùng của cuộc Cách mạng Cam’ ở Ukraine, bà Yulia Tymoshenko, vừa được trả tự do sau ba năm bị cầm tù.
Người phụ nữ xinh đẹp, hoạt ngôn, từng dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại kết quả bầu cử năm 2004, bị kết tội hồi năm 2011 vì lạm dụng quyền lực khi thỏa thuận hợp đồng khí gas với Nga.
Hợp đồng này bị cho là gây hại cho Ukraine và bà Tymoshenko bị án tù bảy năm.
Bà luôn luôn khẳng định rằng các cáo buộc đối với bà đều là giả dối và do người mà bà đã giúp lật đổ năm 2004, ông Viktor Yanukovych, dựng ra.
Ông Yanukovych quay lại cầm quyền sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010.
Việc trả tự do cho bà Tymoshenko là kết quả của thay đổi trong luật hình sự mà Quốc hội Ukraine vừa biểu quyết thông qua như một phần trong thỏa thuận cho Liên hiệp châu Âu làm trung gian mà Tổng thống Yanukovych ký phê chuẩn hôm 21/2.
Bà Tymoshenko lâu nay đã được cho như biểu tượng của phe đối lập Ukraine và các đồng minh của bà hy vọng bà sẽ sớm quay trở lại chính trường,
Trong thông cáo trên website của mình, bà tuyên bố: “Nền độc tài đã sụp đổ”.
Các luật sư của bà cho rằng nhà chức trách muốn cầm tù bà suốt đời. Bà còn bị buộc tội trốn thuế từ khi còn làm giám đốc một công ty năng lượng tư nhân những năm 1990.

Yulia Tymoshenko

  • 1960 – sinh ra tại Dnipropetrovsk, miền đông Ukraine
  • Những năm 1990 – mở côngty kinh doanh năng lượng và trở nên giàu có
  • 1999-2001 làm việc trong bộ Năng lượng nhưng bất đồng với chính phủ Leonid Kuchma
  • 2004 – ứng viên do Kuchma đỡ đầu là Viktor Yanukovych thắng cử tổng thống nhưng kết quả bị cho là gian lận
  • Cách mạng Cam do Tymoshenko và Viktor Yushchenko dẫn đầu đã lật đổ Yanukovych và là đòn giáng vào Nga
  • 2005 - Tymoshenko trở thành thủ tướng nhưng quan hệ với Tổng thống Yushchenko xấu đi
  • 2010 - Yanukovych thắng cử
  • 2011 – bị tù bảy năm do lạm quyền trong thỏa thuận khí gas với Nga
  • Tháng Hai 2014 – ra tù

Trả tự do cho Tymoshenko là một trong các điều kiện đặt ra cho Yanukovych khi ông cân nhắc ký thỏa thuận thương mại và đối tác EU-Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái.
Bà bị bỏ tù năm 2011 và từng kêu gọi nhà chức trách cho phép bà sang một bệnh viện của Đức để các bác sỹ tại đó có thể chữa bệnh đau lưng mãn tính của bà.
Vào tháng Tư 2013, Tòa án Nhân quyền châu Âu phán quyết rằng việc giam giữ Tymoshenko trước khi xét xử là bất hợp pháp, tuy chưa có quyết định gì về việc kết tội bà liên quan tới thỏa thuận khí gas năm 2009.
Tòa này cũng không ủng hộ cáo giác của Tymoshenko là việc bắt giữ bà mang động cơ chính trị, cũng không xem xét tố cáo rằng bà bị ngược đãi và không được chăm sóc y tế ở trong trại giam.
Đầu tiên bà bị chuyển tới nhà tù Lukyanivska, nơi bà bắt đầu bị đau lưng. Con gái của bà, Eugenia, lúc đó tuyên bố rất lo lắng cho mạng sống của mẹ.
Cuối năm 2011 bà được chuyển tới một trại giam ở thành phố Kharkiv phía đông Ukraine. Tuy nhiên bệnh đau lưng của bà không thuyên giảm và các bác sỹ Đức nói bà phải được chăm sóc của chuyên khoa.
Năm 2012 Tymoshenko tố cáo giám thị trại giam đã đánh bà khi bà từ chối không tới bệnh viện địa phương để chữa bệnh.
Lúc đó bà đã tuyệt thực để phản đối. Nhà chức trách nói bà đã khai man.
Cho tới lúc được trả tự do, Tymoshenko bị quản thúc tại một bệnh viện ở Kharkiv.
Tymoshenko và Yuschenko là đồng minh trong cuộc Cách mạng Cam

Cạnh tranh gay gắt

Yulia Tymoshenko trở nên giàu có vào những năm 1990 khi lập một công ty năng lượng tư nhân và sau đó bắt đầu con đường chính trị.
Bà bắt đầu được biết tới nhiều năm 2004 trong cuộc Cách mạng Cam, khi bà và đồng minh Viktor Yushchenko hô hào người dân xuống đường phản đối cuộc bầu cử bị gian lận có lợi cho ứng viên thân Nga Yanukovych.
Tòa án Tối cao Ukraine đã chuẩn thuận khiếu nại của họ và liên minh màu Cam nắm chính quyền với nghị trình thân phương Tây và chống Nga.
Tuy nhiên ngay sau khi bà Tymoshenko trở thành thủ tướng và ông Yushchenko làm tổng thống thì quan hệ giữa hai người bắt đầu trục trặc.
Ông Yuschenko sa thải bà ngay cuối năm đó sau khi bà có mâu thuẫn với các đảng viên của ông.
Tháng Chín năm 2007 bà được bổ nhiệm trở lại khi hai đảng nối lại quan hệ liên minh, nhưng bà và ông tổng thống vẫn tiếp tục cãi vã.
Tình trạng này khiến chính phủ không đưa ra được phương cách gì khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn ảnh hưởng rất xấu tới Ukraine.
Cử tri bắt đầu than phiền và tới cuộc bầu cử năm 2010 thì Cách mạng Cam chỉ còn là dĩ vãng. Ông Yushchenko giành được chưa đầy 6% số phiếu trong vòng đầu, xếp thứ năm.
Trong khi đó Tymoshenko duy trì vị trí đứng đầu và lọt vào vòng hai để tranh cử với Viktor Yanukovych.
Tuy nhiên uy tín của bà dường như đã sụt giảm và bà thất bại.
Lúc đó bà cũng cáo giác là việc bỏ phiếu đã bị gian lận, nhưng các nhà quan sát nước ngoài công nhận kết quả bầu cử.
Sau đó Quốc hội đã bỏ phiếu loại Tymoshenko khỏi vị trí thủ tướng cho dù bà đã nỗ lực đấu tranh để tại vị.
Trở thành đối lập, bà lên tiếng cam kết sẽ chống Tổng thống Yanukovych tới cùng: "Chúng tôi sẽ bảo vệ Ukraine trước tai họa mới xảy ra với đất nước”.
Thế nhưng nhiều phân tích gia cho rằng tai họa xảy ra từ khi các cuộc đấu đá chính trị giữa các phe phái đã khiến kinh tế Ukraine xuống dốc không phanh.

Tài phiệt kinh tế

Những người ủng hộ Yulia Tymoshenko luôn luôn dựng lên hình tượng bà như một nữ lãnh đạo cách mạng xinh đẹp, đấu tranh không mệt mỏi với tầng lớp lãnh đạo chính trị gân guốc và tham nhũng.
Các cuộc tấn công của bà hướng vào giới tài phiệt vốn kiếm bộn tiền trong thời kỳ trước Cách mạng Cam, khi ông Leonid Kuchma nắm quyền, đã khiến bà được cảm tình của nhiều người Ukraine đang bất mãn vì trì trệ kinh tế và tham nhũng.
Phe chỉ trích thì nhắm tới tài sản riêng của bà.
Tymoshenko sinh năm 1960 tại thành phố công nghiệp Dnipropetrovsk, tại khu vực phía đông chủ yếu nói tiếng Nga, mà nay có nhiều cử tri ủng hộ Yanukovych.
Bà có bằng kỹ sư và kinh tế và khi Liên Xô sụp đổ đã nhanh chóng nắm lấy các cơ hội làm ăn.
Giữa những năm 1990 bà lập ra công ty Hệ thống Năng lượng Liên hợp Ukraine, làm công việc cung cấp khí gas cho nền công nghiệp Ukraine.
Một số đánh giá cho rằng Tymoshenko lúc đó là một trong những người giàu nhất Ukraine, được mệnh danh là “Nữ hoàng khí gas”.
Giống như nhiều nhà tài phiệt ở Ukraine, bà chuyển sang làm chính trị và tham gia chính quyền của Yushchenko thời kỳ 1999-2001, thúc đẩy cải cách năng lượng.
Bà đã bất đồng với tổng thống lúc đó là Leonid Kuchma, bị giam một tháng vì nghi vấn tham nhũng. Từ đó Tymoshenko đặt mục tiêu lật đổ ông này với một chiến dịch mà cao trào là cuộc Cách mạng Cam.

Obama ở xa còn Nga ở gần


Hơn một tuần qua, đợt bạo lực “tồi tệ nhất châu Âu kể từ cuộc chiến Balkans” đang diễn ra ở Kiev chiếm trọn nhiều mặt báo quốc tế.
'Xin đừng lấy tôi', người Ukraine ôm bí ngô theo phong tục trả quà đính hôn tới Sứ quán Nga
Đến ngày 21/2/2014, sau đợt quân đội dùng súng bắn tỉa giết người biểu tình và phe đấu tranh cũng bắn lại cảnh sát làm chừng 80 người chết cả hai phía, tình hình tuy tạm yên chờ bầu cử mới nhưng vẫn chưa rõ sẽ ra sao.
Bức tranh Ukraine cũng không phải chỉ có hai màu đen trắng.
Không thể nói phiến diện rằng phe biểu tình thì tốt, chính phủ thì xấu, châu Âu hay Hoa Kỳ luôn đúng và Nga thì sai bởi còn có nhiều yếu tố lịch sử, địa lý và dân tộc đan xen trong chuyện Ukraine.
Trên thực tế biểu tình ở Ukraine chỉ là sự bùng phát ra ngoài của xung khắc nội bộ ở một xã hội đang đứng ở ngã ba đường.
Giới trẻ và người dân phía Tây Ukraine hướng về EU, Hoa Kỳ nhưng láng giềng sát nách họ lại là Nga.
Di sản của quá khứ cũng đang tiếp tục tác động đến tâm tư người dân ở quốc gia 45 triệu dân, thu nhập trên 3000 USD đầu người một năm này và thể hiện ra trong các đợt biểu tình.

Địa chính trị Ukraine

Mario Platero viết trên một tờ báo ÝIl Sole-24 Ore, đã mô tả chính xác câu chuyện Ukraine như sau:

"Với ông Obama và một nước Mỹ mệt mỏi năm 2014, Ukraine chỉ là một vấn đề xa xôi "
"Với ông Putin và Nga, việc kiểm soát toàn diện Ukraine là vấn đề chiến lược sống còn, với ông Obama và một nước Mỹ mệt mỏi năm 2014, Ukraine chỉ là một vấn đề xa xôi nên để cho các đồng minh châu Âu dính vào...”
Cấm vận, một phương thức từng hữu hiệu với các nền kinh tế khép kín, có thể chỉ đẩy Ukraine nghiêng về phía Nga.
Trong khi châu Âu thông qua cấm vận, Hoa Kỳ đã kiềm chế hơn và như các tiết lộ từ điện đàm ngoại giao của Mỹ, chính quyền Obama cũng không rõ ràng về chuyện ủng hộ ai trong phe đối lập.
Thái độ của người Mỹ là hoàn toàn dễ hiểu.
Rút kinh nghiệm từ chiến tranh cựu Bosnia và Kosovo, không phải cuộc can thiệp nào của Hoa Kỳ vào châu Âu gần đây cũng để lại ấn tượng tốt với tất cả.
Mặt khác, quan hệ với Moscow vẫn luôn có tầm chiến lược hơn vùng Đông Âu và dù muốn dính líu, các quốc gia bên ngoài cũng không thể thay đổi các di sản lịch sử có từ lâu của khu vực ngoại vi nước Nga.

Lịch sử còn tác động

Dù Ukraine đã độc lập được hơn 20 năm, các dấu ấn lịch sử vẫn còn sâu đậm trong tâm trí người dân và có ảnh hưởng đến suy nghĩ của phe đối lập vốn luôn e ngại về tác động của Moscow.
Nạn đói thời Stalin năm 1934 làm chết hàng triệu nông dân Ukraine
Nhắc lại lịch sử, ngay sau Cách mạng Bolshevik năm 1917, sự hình thành Cộng hòa Xô Viết Ukraine năm 1922 đóng vai trò quan trọng cho việc lập ra Liên Xô.
Nhưng vựa lúa mì Ukraine cũng là nơi xảy ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa phái cộng sản và phe dân tộc chủ nghĩa Ukraine, dẫn đến các đợt trấn áp đẫm máu của Stalin với phú nông, địa chủ Ukraine.
Nạn đói thời cộng sản do chính sách tịch thu lúa mì và khoai tây làm hàng triệu người dân Ukraine thiệt mạng.
30 năm đàn áp liên tục của Stalin để làm chủ Ukraine để lại dấu ấn sâu đậm tới mức nhiều người ủng hộ phe đối lập tại Kiev nay vẫn tin rằng nếu thua cuộc ở Quảng trường Maidan, họ sẽ bị công an đến nhà lôi đi vào lúc nửa đêm như chuyện xảy ra trong thập niên 1930.
Có một sự hiểu lầm rằng dân tộc Ukraine chia làm hai khu vực ngôn ngữ tiếng Ukraine ở phía Tây và tiếng Nga ở phía Đông.
Trên thực tế, đa số người dân phía Đông chính là người Nga hoặc con cháu họ được Liên Xô đưa vào Cộng hòa Xô Viết Ukraine và tất nhiên họ không thể nào ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ukraine như những người dân Ukraine chính gốc ở phía Tây.
Nhiều người vẫn nghĩ chủ nghĩa cộng sản tan rã ở Nga vì chính biến tại Moscow năm 1991 và cuộc đấu đá Yeltsin-Gorbachev nhưng thực ra cuộc bỏ phiếu độc lập của Ukraine tháng 12 năm đó mới là yếu tố quyết định xóa sổ Liên Xô về mặt biên giới.
Hơn 90% người Ukraine khi đó đã bỏ phiếu chọn con đường độc lập khỏi Moscow.
Ngày nay, người dân phía Đông có nhiều cảm tình với Nga nhưng người phía Tây tiếp tục nghi ngờ chủ nghĩa Đại Nga và muốn đi về hướng khác.
Thời gian độc lập cũng quá ngắn, chưa đủ để gắn kết quốc gia và chỉ có thế hệ lãnh đạo gốc Liên Xô đầu tiên như Tổng thống Leonid Kravchuk còn khả năng dung hòa hai xu thế và nói chuyện được cả với châu Âu lẫn Moscow.
Sau Cách mạng Cam 2004, các nhân vật chính trị Ukraine đều mang đầu óc khá bè phái, chỉ dựa vào một nhóm ủng hộ cụ thể mà thiếu khả năng liên kết cả nước.

Chạm vào truyền thống

Những người nói tiếng Nga ở Ukraine tiếp tục tôn thờ Stalin
Khác biệt ngôn ngữ, văn hóa hai vùng Đông Tây đã bị đẩy lên cao khi ông Viktor Yanukovych lên làm tổng thống chủ yếu nhờ ủng hộ từ vùng người gốc Nga ở phía Đông.
Ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi nhấn mạnh xung khắc vùng miền qua động tác bác bỏ một hiệp định liên kết với EU và nhận các khoản trợ giúp từ Moscow khiến phe đối lập cáo buộc ông là phản quốc.
Với Moscow, Ukraine không chỉ là vùng đất lập quốc - người Nga tin rằng tổ tiên họ đến từ vùng Kiev - mà còn đóng vai trò hàng đầu trong dự án Phục hưng không gian Liên Xô cũ của ông Putin hiện nay.
Nhưng biến động tại Ukraine đặt câu hỏi về tương lai của kế hoạch mà Nga theo đuổi.
Với chính người Ukraine, có vẻ như trước mắt bất cứ một giải pháp chính trị nào cũng khó làm hài lòng các phe phái và dù có bầu cử mới, tình hình sẽ còn bất ổn.
Châu Âu đã có kinh nghiệm đau thương về xung khắc dân tộc vì lý do lịch sử.
Sau Chiến tranh Lạnh, giải pháp xóa nhòa các mâu thuẫn truyền thống là đưa tất cả các quốc gia và dân tộc vào dưới mái nhà chung châu Âu.
Quan chức cao cấp của EU sang Ukraine nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình
Nhưng với Ukraine, mức sống, trình độ kinh tế và khoảng cách xa khu vực trung tâm của châu Âu khiến lộ trình gia nhập EU nếu có cũng còn khá xa.
Trang web của Ủy hội châu Âu mới chỉ xác nhận Ukraine là “quốc gia đối tác ưu tiên” với mục tiêu hướng tới “liên kết kinh tế và chính trị” thân thiết hơn.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Hoa Kỳ cũng còn rất chung chung và nước Nga thì sẽ mãi mãi ở bên cạnh, thậm chí ở cả bên trong Ukraine.
Câu hỏi làm sao thoát khỏi ràng buộc của lịch sử và địa lý khiến chuyện Ukraine tiếp tục đáng quan tâm.
Đây cũng là vấn đề chung tạo nhiều gợi mở cho không ít các quốc gia khác.