Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

35 năm nhìn lại cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc



35 năm nhìn lại cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc


Thiếu tướng Lê Văn Cương (*)
Kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha cho tàu chiến bắn đại bác lên các đồn Điện Hải, An Hải (Đà Nẵng), sau đó đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam ngày 1.9.1858 đến 30.4.1975, dân tộc Việt Nam đã trải qua 116 năm, 7 tháng, 29 ngày, cầm súng chống xâm lược, trong đó 87 năm sống trong đau khổ dưới ách thực dân Pháp và 30 năm (1945 - 1975) tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
>> “Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh”

>> 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc

>> 1979, cuộc chiến không thể lãng quên
Trong hơn 116 năm, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng hi sinh để bảo vệ vùng đất, vùng biển, vùng trời do cha ông để lại, bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc chiến đấu chống xâm lược giành độc lập, dân tộc Việt Nam luôn nhận được sự cổ vũ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế gần xa, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nhân hậu, thủy chung, sống có trước có sau và không bao giờ quên sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN và bạn bè quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm chiến đấu giành độc lập đã được thể hiện khách quan, đúng đắn trong hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia để thế hệ nối tiếp thế hệ đời đời ghi nhớ.
Sau khi giành được độc lập hoàn toàn (30-4-1975) giang sơn thu về một mối, hơn ai hết, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có mong ước cháy bỏng và khát khao có cuộc sống hòa bình, giao hảo hòa hiếu với bạn bè quốc tế, nhất là các nước láng giềng, tập trung khôi phục đất nước sau 30 năm chiến tranh.
Nhưng, đầu năm 1979 chiến tranh lại ập đến.
Khi trên thân mình Tổ quốc khắp nơi từ Bắc chí Nam còn nham nhở hố bom chưa được san lấp; khi hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam chưa tìm thấy hài cốt con em mình, thì chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ đã huy động sáu chục vạn binh lính vượt biên giới sang xâm lược Việt Nam (17-2-1979). Một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại phải cầm vũ khí chống lại đội quân đến từ phương Bắc.
35 năm là khoảng thời gian đủ cho chúng ta nhìn lại cuộc kháng chiến chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2- 3 năm 1979 từ nhiều chiều cạnh, nhiều góc độ, nhiều hệ quy chiếu, nhiều tiêu chí khác nhau.
Bản chất cuộc chiến
Hầu hết người Việt Nam, kể cả tuyệt đại đa số thanh niên, sinh viên, không khó khăn gì khi cho rằng Pháp và Mỹ là những kẻ xâm lược (trước 1975), nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam chống xâm lược. Trước 1954, Pháp là kẻ thù của dân tộc Việt Nam và trước 1975, Mỹ là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Mọi việc đều rất rõ ràng, mạnh lạc và tất cả đều được thể hiện khách quan, đúng đắn trong hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia từ các cấp học phổ thông, đến đại học, sau đại học.
Cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc vào tháng 2 – 3 năm 1979 thì sao?
Vào thời điểm đó, đúng hơn là giai đoạn đó (chưa thật chính xác, có thể là 1978 - 1987), chính quyền Trung Quốc là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Đã có hàng chục ngàn người con ưu tú của dân tộc bị binh lính Trung Quốc giết hại rất dã man. Hàng chục ngàn gia đình Việt Nam mất bố, mất chồng, mất con trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Trung Quốc khi ấy phát động, có ba vấn đề đặt ra:
Thứ nhất: Tại sao Trung Quốc rắp tâm phát động cuộc chiến với  Việt Nam? Vấn đề này đã có câu trả lời khá mạch lạc, đúng đắn.
Thứ hai: Chính quyền Trung Quốc, họ là ai?
Thứ ba: Từ 1979 đến nay, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc có thay đổi gì không về chính sách nói chung, chính sách đối ngoại nói riêng, thay đổi ở bộ phận nào, bộ phận nào cơ bản không thay đổi?
Đây là những vấn đề rất cần nghiên cứu kỹ, trao đổi sâu để từ đó có những chủ trương, đối sách cho phù hợp. Riêng vấn đề thứ hai và thứ ba hiện còn chưa được làm sáng tỏ.  Trong khuôn khổ một bài viết, chắc chắn không thể lý giải thấu đáo hai vấn đề nêu trên. Chỉ xin lưu ý hai điểm không thể bỏ qua: Toàn bộ kho tàng lý luận của C.Mác, Ph.Angghen và V.I.Lenin không thể biện minh cho cuộc chiến tranh mà chính quyền Trung Quốc thời ấy phát động ở biên giới phía Bắc của Việt Nam vào tháng 2 – 3 năm 1979. Và phải chăng như nhiều học giả đã nghiên cứu và nhận xét: đường lối đối ngoại của Trung Quốc nhìn chung hầu như không thay đổi.
Cần nói về cuộc chiến trong hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia
Trong mười ngày cuối năm 1788 đầu năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh tan tác 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh. Cuộc chiến này đã có vị trí xứng đáng trong sử sách Việt Nam cho con cháu đời sau tự hào và nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước, chí bất khuất quật cường không bao giờ tắt.
Trong 17 ngày (17-2 đến 5-3 năm 1979)  dân tộc Việt Nam đã đánh đuổi sáu chục vạn quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi bờ cõi. Cuộc kháng chiến này cũng hết sức oanh liệt, chiến thắng này hết sức to lớn, vẻ vang. Nhưng, cho đến nay, không tìm thấy dấu tích cuộc kháng chiến trong các cuốn sách lịch sử, địa lý, chính trị trong toàn bộ các cấp học của Việt Nam. Muộn còn hơn không, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn một chương riêng về cuộc chiến, đưa vào hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia (phổ thông, đại học, và sau đại học…).
Xin mở cổng ra nhìn thế giới. Hiện nay, Pháp và Anh là đồng minh của Đức, nhưng hàng ngày, trẻ con, thanh thiếu niên Pháp và Anh vẫn được học và hiểu rõ tội ác của Đức phát xít (Hitle) trong giai đoạn đen tối 1940 - 1945. Cho dù Nhật Bản là đồng minh lớn nhất, quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng thanh niên Mỹ được trang bị để hiểu biết khá đầy đủ, đúng đắn về đòn đánh Trân Châu Cảng 7-12-1941. Ngược lại, hơn một trăm triệu người Nhật Bản luôn khắc cốt ghi xương tội ác của Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki làm hơn hai trăm ngàn người chết vào tháng 8-1945, tuy rằng không có hai quả bom nguyên tử này, Nhật Bản cũng phải đầu hàng.
Lịch sử là lịch sử
Không ai có thể che lấp hoặc xuyên tạc lịch sử.
Việc đưa vào sử sách cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 35 năm một cách khách quan là cần thiết, hợp đạo lý "uống nước nhớ nguồn”. Đây là một việc bình thường mà mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền đều làm. Việc đưa vào sử sách các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc là làm cho dòng chảy lịch sử liên tục, không bị đứt đoạn. Đây hoàn toàn không phải là kích động chủ nghĩa dân tộc.
Việt Nam không kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và không liên kết, liên minh với bất cứ nước nào để chống nước thứ ba. Là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, là một thành viên của Liên hợp quốc, chúng ta có quyền làm mọi việc cần thiết (phù hợp với pháp luật quốc tế và đạo lý thủy chung, hòa hiếu) để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cần vinh danh xứng đáng những người đã trực tiếp, gián tiếp tham gia cuộc chiến
Có rất nhiều việc phải làm. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin lưu ý hai việc: Thứ nhất, vinh danh, ghi công và thực hiện chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh do phía Trung Quốc phát động tháng 2 – 3 năm 1979; Thứ hai, tổ chức kỷ niệm trọng thể chiến công hiển hách của dân tộc trong cuộc kháng chiến này, việc mà lâu nay chúng ta không làm.
Về việc vinh danh, ghi công, khen thưởng, đãi ngộ đối với các anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tham gia cuộc kháng chiến chống xâm lược tháng 2 – 3 năm 1979, chúng ta đã làm, chỉ đề nghị cần tổng rà soát xem còn bỏ sót ai hoặc các hình thức khen thưởng, đãi ngộ chưa tương xứng thì cần bổ sung đầy đủ.
Khoảng gần ba chục năm nay kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt - Trung (1991), vào ngày 17 tháng 2 hàng năm, nhất là vào các năm chẵn (1984, 1989, 1994, 1999, 2004, 2009), hệ thống báo chí khổng lồ của Trung Quốc, nhất là báo viết (Trung Quốc có hơn 3000 tờ) đăng tải hàng vạn bài viết với tiêu đề na ná như nhau: Chiến công oanh liệt của Quân giải phóng (TQ) chống quân Việt Nam xâm lược, Cuộc phản công tự vệ của Quân giải phóng, Chuyện kể các anh hùng trong cuộc phản công tự vệ xâm lược Việt Nam, Cuộc chiến đấu anh hùng của Quân giải phóng để bảo vệ Tổ quốc, Bài học nhớ đời đối với quân Việt Nam xâm lược… Qua hệ thống này, hơn một tỷ người Trung Quốc chỉ nhận được nguồn tin chính thức là ngày 17-2-1979, Quân đội Việt Nam đã vượt biên giới Việt - Trung tràn sang lãnh thổ Trung Quốc? Đó thật sự là luận điệu xuyên tạc, vu cáo. Nhưng sự thật thì chỉ có một: Đó là nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ đã xua quân xâm lược Việt Nam, và người Việt Nam đã cầm súng, đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc! Người Việt Nam nhân hậu, chung thủy, đàng hoàng, không sợ ai vu khống, đổ oan.
Dân tộc Việt Nam luôn tôn trọng những vấn đề mang tính nguyên tắc bất di bất dịch: 1. Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để chống các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc; 2.Việt Nam không liên kết, liên minh với bất cứ quốc gia nào để chống Trung Quốc; 3.Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Quan hệ Việt - Trung là đặc biệt quan trọng. Mọi người Việt Nam cần phải góp phần cùng Đảng, Nhà nước vun đắp, củng cố và làm cho quan hệ Việt - Trung đơm hoa, kết trái ngọt cho nhân dân hai nước được hưởng, hai quốc gia được "Quốc thái dân an”.
(*) Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược- Bộ Công an
Trung tướng Khuất Duy Tiến- nguyên Cục trưởng Cục Quân lực- Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: Chiến thắng của ta chứng tỏ nghệ thuật tác chiến tài tình
Chỉ là dân quân địa phương mà đánh như vậy, khi gặp lực lượng chủ lực của ta thì Trung Quốc làm sao chống đỡ nổi? Cho nên, mới chỉ gặp dân quân du kích của Việt Nam đã bị chặn đứng. Tại thời điểm đó, quân chủ lực của ta hầu như chưa được sử dụng (chúng ta chỉ sử dụng Sư 3 Sao Vàng), bởi đang chiến đấu chống lại Khmer đỏ ở Campuchia. Trung Quốc nghĩ rằng sẽ đánh nhanh khi quân chủ lực của ta đang chiến đấu ở Campuchia, song không phải như vậy.
Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã dạy chúng ta rằng, phải giữ lấy chủ quyền dân tộc, quốc gia nhưng phải thật khéo, phải tỉnh táo, chớ gây ra chiến tranh.
Tôi nghĩ rằng, trong năm nay hoặc sang năm phải có cuộc hội thảo xác định rõ cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979 là xâm lược Việt Nam, những chiến sĩ, người dân đã hy sinh trong chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến này phải được thường xuyên tôn vinh, vinh danh.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc kiên cường, là dân tộc đời đời, bất di bất dịch giữ vững toàn vẹn toàn lãnh thổ. Dân tộc độc lập, thì mới tạo dựng được cuộc sống như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Để giữ được điều đó, về đối nội phải giáo dục cho người dân lòng yêu nước, luôn xây dựng đất nước như mục tiêu chúng ta đã đưa ra: Xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Về đối ngoại thì thật khôn khéo, tỉnh táo,  phải làm sao cho thế giới hiểu và đồng tình, giúp đỡ chúng ta. Riêng việc giáo dục lòng yêu nước, giờ phải soạn lại chương trình, đưa cuộc chiến tranh năm 1979 vào chương trình dạy sử.
H.Vũ (ghi)
Theo Đại đoàn kết
Ảnh bìa: Bên cột mốc biên giới Tân Thanh (Lạng Sơn)