Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Thành phố mới Bình Dương - bước đột phá về tư duy và hành động

   
TTĐT - Thành phố mới Bình Dương với diện tích 1.000ha nằm trong Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị Bình Dương (tổng diện tích 4.196ha). Đây chính là "bộ não và trái tim", là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Bình Dương và là hạt nhân của một Thành phố Bình Dương hiện đại, năng động, bền vững trong tương lai.
   
Sự đột phá về tư duy
 
Nhìn lại quá trình đầu tư và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn đầu với mục tiêu thu hút nhiều nhà đầu tư, trong khi công tác quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu kinh nghiệm, việc thu hút đầu tư dàn trải trên phạm vi toàn tỉnh và nhiều vấn đề bất cập về giao thông, cung cấp điện, nước, xử lý môi trường... Từ thực tế đó, lãnh đạo tỉnh thấy cần phải chuẩn bị các điều kiện, tận dụng các cơ hội để hội nhập sâu hơn, rộng hơn. Suốt 10 năm qua, Bình Dương đã tiến hành các bước hoạch định và quy hoạch lại toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, với sự tư vấn của các Tập đoàn lớn của Pháp, Bình Dương đã tiến hành quy hoạch Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị Bình Dương, trong đó, Thành phố mới Bình Dương là điểm nhấn quan trọng để tạo bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Thành phố mới Bình Dương được định hướng là nơi hội tụ thu hút trí tuệ và phát triển công nghệ. Định hướng này có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch các phân khu chức năng, cơ sở hạ tầng, các giải pháp phù hợp với tiêu chuẩn và tầm nhìn quốc tế. Đồng thời, còn thể hiện tính chủ động của tỉnh Bình Dương trong quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, tạo bước đột phá tiên phong trong lĩnh vực thu hút nguồn tri thức và công nghệ đang đổ vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế theo hướng tri thức, công nghệ. Trong quá trình phát triển, sẽ mở rộng, kết nối ra những vùng khác, tạo thành chuỗi đô thị vệ tinh xung quanh.
 
Thành phố hiện đại và kết nối
 
Để tạo sự đồng bộ trong quản lý, xây dựng và phát triển, tỉnh đã mời gọi các kiến trúc sư nổi tiếng trong và ngoài nước thiết kế những công trình lớn, công trình tạo lực của Thành phố mới, và đây cũng là "lực" để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và triển khai các dự án có quy mô hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
 
Sự đồng bộ trong quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo nên diện mạo hoàn chỉnh của một đô thị hiện đại - Thành phố mới Bình Dương
 
Thành phố mới nằm ở vị trí trung tâm quan trọng, sẽ là cửa ngõ kết nối quốc tế và giao lưu thương mại, dịch vụ và trao đổi, chuyển giao công nghệ ở trình độ khoa học tiên tiến nhất. Đó chính là phương thức mở và hội tụ nhằm phát huy nội lực và thu hút ngoại lực phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương. Trong đó, việc kết nối, gắn kết với thị xã Thuận An, Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một - những địa phương đã có bước phát triển công nghiệp, dịch vụ sôi nổi và đang từng bước cải thiện hạn chế để trở thành những đô thị hiện đại. Đây là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng các nhà máy trên nhiều khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích đồng bộ, sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển chung của cả Thành phố mới Bình Dương.
 
 
Nhiều công trình hiện đại đáp ứng các nhu cầu về giải trí cho người dân (Ảnh: Công viên nhạc nước)
 
Thành phố mới còn giữ vai trò kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh, chủ đạo là 28 khu công nghiệp, trong đó, các khu công nghiệp trọng điểm như VSIP, Đồng An, Sóng Thần, Mỹ Phước... sẽ có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ mới để gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp và xuất nhập khẩu sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao. Ngoài ra, còn tạo được sự kết nối giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây Nam bộ qua các trục đường giao thông lớn, hiện đại như đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, các đường vành đai của TP.Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Thành phố mới sẽ kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1A qua đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn để kết nối với sân bay Long Thành, cảng biển quốc tế Vũng Tàu và ngược lại.
 
Thành phố khoa học - giáo dục
 
Mục tiêu lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh và của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là việc xây dựng trường Đại học quốc tế Miền Đông và khu sản xuất kinh doanh công nghệ cao Mapletree. Cùng với trường Đại học quốc tế Miền Đông, trường Đại học Việt Đức, trường Đại học Thủ Dầu Một và hệ thống các trường THPT được đầu tư tại Thành phố mới sẽ tạo điều kiện liên kết để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, gắn việc học với nghiên cứu khoa học.
     
 
Việc kết hợp giữa học và hành sẽ góp phần nâng cao khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học, từ đó, sẽ có nguồn nhân lực trình độ cao (Ảnh: Ro-bot thực hiện các động tác múa của sinh viên trường Đại học Việt - Đức)
      
Khu sản xuất công nghệ cao Mapletree do Tập đoàn Mapletree của Singapore đầu tư với diện tích 75ha, vốn đầu tư 400 triệu đôla Mỹ. Mục đích là chuyển giao công nghệ và quy trình kinh doanh hiện đại cho Việt Nam, phục vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển công nghệ cao, chế tạo thử và phát triển sản phẩm mới, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
 
Bên cạnh đó, Thành phố mới Bình Dương còn là một thành phố xanh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường, phục vụ cho 125 ngàn người dân định cư và 400 ngàn người địa phương khác thường xuyên đến làm việc.
   
Hoàng Phạm