Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Một mùa tuyển sinh không tiền khoáng hậu


(VTC News) – Giáo sư Võ Tòng Xuân đã chia sẻ quan điểm sâu sắc về những bất ổn của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015.

Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam. 
GS Võ Tòng Xuân hiến kế đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng
GS Võ Tòng Xuân hiến kế đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng không những đối với thí sinh và phụ huynh ăn ngủ không yên, tốn bạc triệu đi tới đi lui xem kết quả tạm thời và chờ đợi rút hồ sơ..., mà còn đối với Hội đồng tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học phải làm việc không nghỉ.  

Nhưng người ngồi không yên nhất có lẽ là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đây là nguồn gốc của tất cả khó khăn. 

Đây là hậu quả của cách quản lý tập trung quá cao độ, bất cứ một quyết định nào cũng phải do Cục này chấp thuận, không cho trường có chút sáng kiến nào.

Sự thay đổi cách tuyển sinh đại học, cao đẳng theo "ba chung"  là một việc rất cần thiết mà xã hội mong muốn từ nhiều năm nay.

Sau cùng nhờ quyết định sáng suốt của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới, soạn quy chế cho tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015. 

Theo đề nghị của nhiều chuyên gia giáo dục, sự đổi mới nằm trong mong muốn của Đại Hội Đảng Toàn quốc suốt trong ba nhiệm kỳ IX, X và XI, cần được cụ thể hóa theo một lộ trình rất lôgic nhưng đơn giản. 
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 
Khâu thứ nhất là tổ chức tốt nghiệp phổ thông: không nên tổ chức quá rườm rà, căng thẳng, tốn kém mà cuối cùng kết quả phần đông học sinh đậu tỉ lệ quá cao một cách rất vô lý, thay vào đó các trường THPT chỉ nên xét học bạ của từng học sinh, nếu không có môn nào rớt trong suốt thời gian học phổ thông thì cho họ Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp THPT.

Không tốn kém bao nhiêu mà kết quả tương đương với tổ chức thi THPT Quốc Gia quá tốn kém về kinh phí và sức người tham gia như vừa qua. 

Khâu thứ hai là xét tuyển vào đại học, cao đẳng: Mỗi học sinh đã có Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp THPT phải có thêm một Giấy Chứng Nhận Đủ Trình Độ Vào ĐHCĐ do một Trung Tâm Khảo Thí cấp. 

Trung Tâm Khảo Thí được Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập tại các cụm tỉnh khắp nước (có thể đặt tại một trường đại học của vùng). 

Các Trung Tâm Khảo Thí này sẽ tổ chức thi lấy Giấy Chứng Nhận Đủ Trình Độ Vào ĐHCĐ mỗi năm 2 lần, dùng đề thi trắc nghiệm là chính, lấy từ bộ đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Mỗi thí sinh đến Trung Tâm gần nhà mình nhất đăng ký xin thi lấy Chứng Chỉ A, B, C, D… tùy ngành học mà họ hằng mơ ước. 

Thí sinh có thể yêu cầu bao nhiêu bảng kết quả điểm thi thì đóng tiền bấy nhiêu, tùy họ muốn nộp đơn vào bao nhiêu trường để xin vào học. 

Tâm lý của phụ huynh và thí sinh là muốn nộp đơn cho nhiều trường cùng có ngành học lý tưởng của họ, xác suất vào được một trường sẽ lớn hơn chỉ được nộp ở một trường. 
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học nội vụ trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 tại ĐH Nội Vụ Hà Nội
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học nội vụ trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 tại ĐH Nội Vụ Hà Nội 
Khâu thứ ba là nhập học: Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một ngày nhập học cho tất cả thí sinh được nhà trường thông báo trúng tuyển. Đến ngày này, thí sinh nào không vào học theo Giấy Báo Trúng Tuyển của trường này thì cũng có nghĩa là thí sinh này đã chọn trường khác rồi. 

Các thí sinh ảo sẽ bị loại ra một cách rõ ràng khỏi danh sách trúng tuyển đợt 1 này. Các trường không có đủ thí sinh trúng tuyển đợt 1, sẽ lấy tiếp những thí sinh có điểm thấp hơn kế tiếp, hoặc tuyển mới đợt 2.
Lộ trình đơn giản, rõ ràng như thế dễ thực hiện, không tốn thời gian và tiền của của phụ huynh và thí sinh. 

Lộ trình này không cần những tập trung quyền hành quá đáng vào Cục Khảo Thí như quản lý điểm thi của từng thí sinh, buộc thí sinh chỉ nộp đơn vào trường theo NV1 và bắt phải chọn 4 ngành học khác nhau trong trường đó.  

Điều này triệt tiêu ước mơ ngành học lý tưởng của thí sinh (đáng lẽ là cho thí sinh nộp đơn vào 4 trường có cùng ngành lý tưởng, thì nay Bộ lại bắt nộp vào 1 trường và phải chọn 4 ngành trong trường đó không hoàn toàn theo lý tưởng). 

Đây là một quy chế rất sai lầm, phản khoa học, làm hại tương lai của thanh niên ta. Việc quản lý điểm thi của tất cả các thí sinh toàn quốc cũng là một sai lầm quá lớn. 

Cục Khảo Thí sợ điểm bị lộ, phải sử dụng phần mềm của Bộ để giữ đến nỗi bị nghẽn mạch ngay trong mấy phút đầu; một thí sinh muốn rút đơn ra cũng quá khó khăn vì dữ liệu của mình chưa được xóa. 

Tội nghiệp vô cùng cho các gia đình ở tỉnh lẻ đưa con vào TP.HCM hoặc Hà Nội, đi đi về về nhiều lần vẫn thấp thỏm, lo rút đơn mà không được. 

Sự hỗn loạn này đã khiến Bộ phải ra thông báo chỉ thị thường xuyên, vì các trường không ai dám vi phạm quy chế, dù quy chế không hợp lý, hành hạ người dân. 

Cuộc xét tuyển đại học, cao đẳng 2015 ở NV1 kéo dài gần 20 ngày mà chưa biết kết quả ra sao, cả xã hội đều lo sợ, phập phồng. 
Cũng nên nói thêm một vô lý khác của Cục Khảo Thí là tuyên bố cho các trường nào muốn hưởng quy chế xét tuyển theo học bạ thì phải đăng ký để Bộ cho phép tuyển như thế. 

Do đó nhiều trường "chạy" được sự đồng ý của Bộ, đã mạnh dạn quảng cáo trên báo chí: "Tại sao bạn phải lo lắng học thi THPT Quốc Gia làm gì? Hãy nộp đơn vào trường XYZ chỉ cần xét học bạ của bạn mà thôi." 

Nhưng rồi thì quyết định đó không áp dụng được vì quy chế mới là thí sinh phải có bằng THPT!

Chúng ta rất mong những nghịch lý trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ được thay thế bằng cách làm lôgic hơn để trong các năm tới học sinh Việt Nam và phụ huynh không trải qua một trận kinh hoàng như năm nay.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp của ông giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Hiệu trưởng ĐH An Giang và hiện là quyền Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư đang đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang.


Giáo sư nhận rất nhiều danh hiệu, trong đó có Huy chương Công trạng Nông nghiệp Pháp, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới", Nikkei Châu Á về Tăng trưởng Vùng. 

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Rockefeller, Viện Quản lý châu Á và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế…