(TNO) Công việc quan trọng bậc nhất của Đảng hiện nay là phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát những cá nhân được giao quyền lực. Khi quyền lực gắn với chữ “tham” thì không thể gửi trứng cho ác, đem sự nghiệp của dân của nước trao vào tay họ. Đó là ý kiến của TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo T.Ư trong bài viết gửi riêng báo Thanh Niên.
Thanh Niên Online xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong buổi bình minh của nhân loại, khi con người còn hoang sơ, cuộc sống còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, người ta đã nghĩ và tin rằng, quyền lực thuộc về tự nhiên, do các thần linh nắm giữ. Sau đó, nhờ trình độ nhận thức tăng lên, con người đã dần dần nhận ra và phân biệt được sức mạnh của tự nhiên và sức mạnh của con người biết chế ngự tự nhiên và quản lý xã hội. Từ đó quyền lực bắt đầu xuất hiện.
Quyền lực, khởi nguyên là của nhân dân, của cộng đồng. Không phải cá nhân ai bỗng nhiên có được. Khi mọi người tự nguyện đồng lòng tôn vinh ai đó là thủ lĩnh, là người phụ trách, thay mặt họ để xử lí công việc chung, thì đồng thời kèm theo, trao quyền lực cho người ấy. Bắt đầu từ đó, người thủ lĩnh, người phụ trách có quyền lực. Về bản chất thì quyền lực không phải của họ, mà họ được nhân dân trao quyền, ủy quyền, để sử dụng cho mục đích chung.
Khi quyền lực được trao cho người có nhân cách tốt thì nó được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Người xưa có câu “Đức trọng, quyền cao”. Câu ấy theo cách tôi hiểu là trên cơ sở của đạo đức, nhân cách, mà trao quyền lực. Người có đạo đức là mười thì có thể trao quyền lực đến bảy, tám, tức là trao quyền lực ít hơn, càng không trao vượt quá. Người có đạo đức ít, thấp mà trao quyền lực nhiều, cao thì vô cùng nguy hiểm, giống như “gởi trứng cho ác”, sai lầm, tai họa là nhất định không tránh khỏi. Theo đó, người có chức quyền càng lớn thì đạo đức, nhân cách phải càng lớn hơn. Không biết từ bao giờ, người ta lại nói chệch sang là “chức trọng, quyền cao”, tức là trọng chức tước chứ không phải trọng nhân cách.
Khi quyền lực trao cho người không đủ nhân cách, thì nó trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích phe nhóm”, thậm chí là công cụ để làm việc ác. Trong lịch sử thế giới và Việt Nam, đã có nhiều trường hợp nhân dân trao quyền và mất quyền, trở thành đối tượng cho quyền lực cai trị. Như vậy quyền lực có thể đem lại công bằng, hạnh phúc và cũng có thể đem lại tai họa, sự đau khổ cho con người. Điều đó phụ thuộc vào việc quyền lực được trao vào tay ai.
|
Quyền lực vốn là của nhân dân, nhưng trong chế độ nô lệ, các chủ nô đã chiếm giữ và sử dụng, để cai trị xã hội, biến nhân dân (vốn là chủ nhân của quyền lực) thành những người mất quyền, phải làm nô lệ. Trong chế độ phong kiến, quyền lực của nhân dân rơi vào tay vua và tập đoàn phong kiến, còn nhân dân thì nói chung không có quyền, họ chỉ có một số quyền ít ỏi nào đó do nhà vua ban cho. Ngay cả đến quyền sống cũng không có, ý vua là ý trời, vua đại diện cho pháp luật, muốn giết ai thì giết, thậm chí giết luôn cả dòng họ, cả mấy đời (tru di tam tộc, tru di cửu tộc).
Thời kỳ đầu của chế độ tư bản, quyền lực do giai cấp tư sản – nhất là giới tài phiệt chi phối, chiếm giữ và sử dụng. Ngày nay, CNTB hiện đại đã tiến bộ rất nhiều theo hướng dân chủ, tuy vậy, nhìn chung, giới tài phiệt ở các nước vẫn còn chi phối đáng kể quyền lực. Riêng ở những nước tư bản phát triển nhất, tính chất xã hội hóa cao, họ thực hiện khá tốt vấn đề dân chủ, thậm chí hơn nước ta nhiều, thì nơi đó, phần đáng kể quyền lực đã thuộc về nhân dân, và họ từng bước hình thành các nhân tố của một xã hội mới, đó sẽ là xã hội XHCN.
Điều vừa nói, chính C. Mác đã dự báo. Việc ở một số nước TBCN phát triển hiện đại dân chủ hơn ở nước ta là do trình độ phát triển. Dân chủ là một vấn đề khách quan, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, nhất là trình độ dân trí, quan trí và sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.
Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách. Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hóa. Một người khi giữ chức vụ thấp hơn thì nguy cơ tha hóa ít hơn và ngược lại.
Mặc dù vậy, nói chung phần lớn quan chức đều thích có nhiều quyền lực. Không có gì hấp dẫn, cám dỗ bằng quyền lực. Nó là “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Khi có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy quyền lực hấp dẫn bằng các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người ta đam mê nó, suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn sống chết để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Bản thân việc ấy đã là biểu hiện của sự tha hóa.
Quyền lực làm tha hóa con người nhanh nhất, nhanh không thể tưởng nổi. Chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, người có quyền lực ấy có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, ra oai hơn, cách nói cũng vậy, thấy phát ngượng lên nhưng chính họ không biết, cứ như là việc đương nhiên vậy, nghĩa là nó đã thấm rất nhanh vào máu, thành phản xạ tự nhiên.
Quyền lực không chỉ làm tha hóa mấy con người cụ thể, mặc dù đúng là bắt đầu từ đó, nó còn làm tha hóa lớn hơn – tha hóa một chế độ, một vương triều. Nhiều trường hợp khi thắng đến đỉnh cao rồi thì đó là lúc bắt đầu thua chính mình; khi có trong tay tất cả thì bắt đầu mất dần.
Thử nhìn lại các triều đại phong kiến Việt Nam: Hầu hết, lúc đầu được nhân dân ủng hộ lên nắm quyền, làm được nhiều việc lớn cho đất nước, dân tộc nhưng sau đó thì bị tha hóa bởi quyền lực, từ tha hóa một số người đến một bộ phận rồi thành việc phổ biến của một vương triều, rồi sụp đổ, vương triều khác sau đó lên thay, một thời gian cũng lặp lại y như vậy.
Nhà Ngô, nhà Đinh, Tiền Lê có công như vậy, nhưng mỗi triều đại chỉ tồn tại trong vòng 15-30 năm; nhà Lý, nhà Trần có công lớn, nhiều lần đánh thắng quân Tống và quân Nguyên, nhờ biết lấy dân làm gốc mà chiến thắng, cầm quyền vào loại lâu nhất, trên dưới 200 năm mỗi triều đại, dù vậy, nhưng cuối cùng cũng bị tha hóa mà kết thúc; nhà Hồ thì quá ngắn, mặc dù có một số tư tưởng và chủ trương cải cách nhưng ngay từ khi mới lên đã không được dân chúng đồng tình, mâu thuẫn quyền lực trong giới quý tộc và mất nước vào tay ngoại xâm; nhà Hậu Lê (Lê sơ) mặc dù lúc đầu được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, đứng lên làm khởi nghĩa Lam Sơn, thắng giặc Minh hung bạo, nhưng khi lên cầm quyên rồi lại tha hóa, giết các trung thần vì họ can ngăn những việc làm sai trái và sợ họ chi phối quyền lực, Nguyễn Trãi cũng bị giết trong giai đoạn này, sau nhờ có minh quân mà nhà Hậu Lê gượng lại được một thời gian, và rồi cuối cùng cũng tha hóa, tồn tại chưa được trăm năm; nhà Mạc cũng vậy, chỉ tồn tại khoảng 65 năm; tiếp theo là thời kỳ vừa có vua và có chúa, chúa giành nắm hết quyền lực, nhiều khi vua chỉ là hình thức cho có vì, các chúa cũng tranh giành nhau quyền lực, đến mức phải cắt cứ vùng này, vùng kia, chia cắt đất nước ra để mỗi bên cai trị một vùng; đến Tây Sơn cũng vậy, chiến công oanh liệt, lẫy lừng là thế, vậy mà sau khi Quang Trung mất thì tha hóa, tham nhũng và sụp đổ, tồn tại chỉ có 24 năm.
Phần lớn các triều đại ấy đã thoái hóa ngay cuối đời vua thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, chứ không lâu, tất nhiên là trừ một ít trường hợp. Lâu nay lịch sử nước ta đã ghi lại khá rõ các chiến công lừng lẫy của cha ông, nhưng lịch sử chưa viết kỹ về thời kỳ suy thoái, sự tha hóa quyền lực và nhất là nguyên nhân của nó. Đây rất có thể là một khiếm khuyết trong viết sử. Chính vì vậy mà không rút được kinh nghiệm đầy đủ để phòng ngừa, nên cứ bị lặp đi lặp lại.
Liên Xô trước đây cũng vậy, thời kỳ đầu thực hiện khá tốt tư tưởng nhà nước của dân, quyền lực về tay các Xô – Viết là cơ quan thật sự đại diện cho đại đa số nhân dân, làm việc vì nhân dân, đã lập nên nhiều công tích lớn lao, vĩ đại, đánh thắng 14 nước đế quốc bao vây, bảo vệ được chính quyền nhân dân non trẻ, chiến thắng trong đại chiến thế giới thứ 2, cứu nhân loại khỏi thảm họa phát – xít, công nghiệp hóa thành công một đất nước khổng lồ trong thời gian ngắn, đưa một nước chủ yếu còn nông nghiệp, thủ công lên thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới, một cường quốc, dẫn đầu nhiều lĩnh vực; vậy mà sau đó không lâu thì bị tha hóa về quyền lực, về đạo đức, bảo thủ và giáo điều, không chịu đổi mới, ai nói khác thì bị quy chụp là “xét lại”, là “muốn đưa đất nước đi theo con đường TBCN”… và cuối cùng thì đổ ào một cái, đến mức khó hiểu nổi.
Trước đây có nhiều lần giải thích rằng, Liên Xô đổ là do các thế lực thù địch phá bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Địch thì lúc nào chẳng phá, do nó phá nên mới gọi là địch, mà phá sao bằng trước đó, 14 nước đế quốc đến bao vây khi nhà nước Xô – viết còn non trẻ, đại chiến thế giới thứ 2 quân đội phát xít tập trung toàn lực tấn công Liên Xô làm chết hàng chục triệu người. Nếu địch mà phá ngã đổ Liên Xô như thực tế đã xảy ra thì địch quá giỏi (?) Chẳng phải vậy đâu! Liên xô đổ chính là “tự đổ”, do suy thoái, tha hóa mà đổ. Liên Xô đã tự đánh gục chính mình.
Sự tha hóa về quyền lực có thể dẫn đến cha con giết nhau, anh em, chồng vợ giết nhau, người ta giết cả vua, gây ra những cuộc chiến tranh mất bao nhiêu sinh mạng để tranh giành quyền lực, thậm chí người ta bán rẻ Tổ quốc và đem dân tộc làm nô lệ cho ngoại bang để đổi lấy ngai vàng.
Tất nhiên trong xã hội thời nào cũng có người tốt, nhân cách đáng trọng. Đối với họ, quyền lực được giao là để bảo vệ dân, đất nước và bảo vệ lẽ phải, đạo nghĩa, chống gian trừ tà. Họ luôn sẵn sàng trao trả quyền lực trở lại cho nhân dân khi đủ điều kiện. Đã có những ông quan thanh liêm treo ấn từ quan vì xét thấy mình không còn đủ sức gánh vác chuyện sơn hà hoặc là không muốn có lỗi với dân vì không ngăn cản nổi những điều ngang trái. Đã có những ông vua từ bỏ ngai vàng, trao quyền lực cho lớp người trẻ, kể cả vào chùa để thúc đẩy các công việc thánh thiện cho đời và cho muôn dân.
|
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, giành lại được một đất nước đã mất, người có công lớn nhất lãnh đạo cuộc cánh mạng là Hồ Chí Minh, nhưng lúc đầu Người không chịu làm Chủ tịch, Người nói không muốn làm vua, không muốn công danh quyền lực. Tập thể phân tích đây là trách nhiệm trước quốc dân đồng bào, là gánh vác trọng trách và khó khăn, cuối cùng Người đã nhận lãnh trách nhiệm, phát biểu trước đồng bào sẽ làm hết sức mình để phụng sự nhân dân và mong nhanh có người thay thế để được về vui sống với điền viên, giản dị và thanh bạch.
Ngày ấy có một Huỳnh Thúc Kháng đang sống ẩn sĩ trong vườn mít ở miền Tây Quảng Nam được Hồ Chí Minh mời ra làm Phó Chủ tịch nước, có lúc làm Quyền Chủ tịch nước, cũng một con người như vậy, không cần mong vinh hoa phú quý, chỉ đem toàn bộ tâm lực phục vụ nhân dân. Đó là những con người có nhân cách lớn, quyền lực không đe dọa được và cũng không cám dỗ được.
Ngay cả các nước tư bản cũng có không ít người ra ứng cử để cống hiến cho quốc gia, chứ không phải để làm giàu. Thời gian vừa qua, ở nơi này nơi khác, thỉnh thoảng có những đồng chí bí thư thành ủy, thường vụ tỉnh ủy đã tự nguyện chủ động rút lui sớm, khi chưa hết tuổi và chưa hết nhiệm kỳ, để những vị trí lãnh đạo cho các đồng chí trẻ hơn (như Bí thư Thành ủy Tam Kỳ và Bí thư Thành ủy Hội An ở tỉnh Quảng Nam chẳng hạn)…
Ngược lại, trong xã hội, ở chốn quan trường, không ít người đầy tham vọng quyền lực. Khi quyền lực được gắn với chữ “tham”, lòng tham, thì đó chính là động cơ, nguyên nhân và biểu hiện của tha hóa quyền lực. Không thể hy vọng và tin tưởng gì ở họ, ngược lại phải hết sức cảnh giác, đề phòng bị lừa phỉnh phủ dụ, mị dân, đừng gửi trứng cho ác, đem sự nghiệp của dân của nước trao vào tay họ.
Mặc khác, quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Không ngây thơ được! Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể biến người sử dụng nó từ một người chưa xấu trở thành người xấu, biến người sử dụng nó thành nô lệ cho nó. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Nội dung các văn bản ấy nhìn chung đều đúng, không sai, việc tổ chức thực hiện cũng tích cực, thậm chí có lúc vất vả nữa, nhưng tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm”, mua quan bán chức…, gọi chung là thoái hóa, không dừng lại mà còn tăng lên, lan rộng hơn, gây nhức nhối hơn, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục giảm sút, đến mức nghiêm trọng và báo động. Vì sao vậy?
Chắc chắn không phải việc chống các tiêu cực ấy là ta chủ trương giả vờ, không chống thật. Mà là chống không được, không nổi. Vậy còn thiếu cái gì ? Trên Báo Tuổi trẻ nhân dịp ngày 3.2 năm nay tôi có nhấn mạnh hai vấn đề còn thiếu, coi như chưa làm, mà nếu không làm thì không khắc phục được tình hình, và có thể sẽ tiếp tục xấu hơn, không tránh được. Đó là tập trung kiểm soát quyền lực và bổ sung mạnh các cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội.
Quyền lực như đã nói, luôn có mặt trái là làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng nó mà không đủ nhân cách. Nó như con dao hai lưỡi, con ngựa bất kham, luôn lồng lên quật ngã những người cưỡi nó, nếu họ không đủ nhân cách, bản lĩnh, năng lực cầm cương. Nhất thiết phải kiểm soát quyền lực, không thể chủ quan, lơ là, không thể đùa với lưỡi dao nhọn, đã có rất nhiều bài học thực tiễn rồi, thực tế đã chứng minh rồi. Phải bàn kỹ và có quyết tâm chính trị để thực hiện. Đảng ta phải tập trung cao, tích cực lãnh đạo công việc này. Đây là loại công việc quan trọng vào bậc nhất.
Trong đó có các việc như cơ cấu và phân bổ lại chức năng, quyền hạn của các cơ quan nhà nước theo hướng kiểm soát và điều chỉnh lẫn nhau (để Nhà nước thật sự là một cơ thể thống nhất và tự kiểm soát, tự điều chỉnh được mình, có sức đề kháng cao với căn bệnh thoái hóa quyền lực, có khả năng sửa sai nhanh nhất…), kể cả chuyện Tòa án Hiến pháp cũng nghiên cứu, xem thử người ta làm thế nào, có mặt ưu, mặt nhược gì, ta vì sao không, vì sao nên; đổi mới căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có phương thức lãnh đạo xây dựng nhà nước thật sự của dân, bảo đảm quyền lực là của nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho nhà nước. Ủy quyền mà không mất quyền. Ủy quyền và kiểm soát được quyền lực, không để lộng quyền.
Một dân tộc muốn tiến lên cần phải có bộ tham mưu chiến lược. Có sự lãnh đạo của một Đảng chân chính và trí tuệ là yêu cầu khách quan. Nhưng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì hoạt động của Đảng không tránh khỏi có nhiều việc liên quan với quyền lực. Tuy vậy, Đảng phải tự mình luôn ý thức về sự lãnh đạo của mình chủ yếu phải bằng giá trị (văn hóa) chứ không phải bằng quyền lực, và Đảng phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát mình, kể cả nhân cách và việc sử dụng quyền lực, để Đảng được rèn luyện liên tục, thường xuyên, từ đó mà không bị thoái hóa và ngày càng trưởng thành hơn. Thực hiện điều ấy bằng cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế thực thi dân chủ.
Để có thể thành công, bản thân Đảng phải gương mẫu, từng cấp ủy và từng cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, vượt qua chính mình. Đảng phải là “con” của nhân dân, là “con nòi” của dân tộc, là đứa con trung hiếu và trưởng thành, để “lòng dân yêu Đảng như là yêu con” như cách nói của Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu. Làm được như vậy, Đảng sẽ được nhân dân luôn tin yêu, nhờ đó mà giữ vững được vai trò lãnh đạo lâu dài của Đảng, để Đảng làm tròn được sứ mệnh phụng sự nhân dân và Tổ quốc.
TS. Vũ Ngọc Hoàng