Bộ Ngoại giao Mỹ đã tài trợ 2,5 triệu USD cho Trường Đại học Harvard nhằm chuyển đổi một chương trình học bổng chính phủ danh tiếng thành trường Đại học tư nhân, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam. Trường Đại học này sẽ đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và liên kết với các trường Đại học Mỹ.
Theo kế hoạch, trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mở rộng đào tạo dựa trên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, học bổng chính phủ mà trung tâm Ash ở trường Kennedy của Harvard thành lập năm 1994 với sự liên kết của Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Học bổng Fulbright cũng nhận được một phần kinh phí tài trợ từ Phòng Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trường Đại học mới này dự kiến được ra mắt vào tháng 09/2016, gồm ba trường: trường Quản lý và Chính sách công, Trường kỹ thuật và khoa học ứng dụng và trường Fulbright theo hướng các trường Liberal Arts của Mỹ (tập trung đào tạo toàn diện nhằm phát triển các kỹ năng nói, viết, và lý luận). Trường Quản lý và Chính sách công sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa học Thạc sĩ đầu tiên vào mùa thu năm 2016.
Đại học Harvard sẽ không trực tiếp quản lý hoạt động của trường Đại học mới, nhưng sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giảng dạy và nghiên cứu tại đây.
Ông Daniel B. Harsha, phát ngôn viên trung tâm Ash cho biết: "Bước tiếp theo mà Đại học Harvard cảm thấy thực sự cần thiết đối với học bổng Fulbright chính là việc phát triển một ngôi trường Đại học tư nhân, giảng dạy Chính sách công".
Trường Đại học mới sẽ mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên Việt Nam, nơi các trường Đại học tư nhân bị chi phối bởi lợi nhuận trong khi các trường Đại học công thì thiếu khả năng nghiên cứu. Ông tin tưởng rằng Đại học Fulbright sẽ phát triển và tiếp cận được nhiều sinh viên hơn nữa trong tương lai.
Về phần mình, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ ca ngợi trường Đại học mới là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ ngoại giao và giao lưu học thuật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoại trường Mỹ John F. Kerry trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 8 cho biết nhờ có tự do học thuật, cùng sự tâm huyết và hợp tác đến từ Đại học Harvard, trường Đại học Fulbright sẽ là một "tài sản" vô giá, giúp trình độ học vấn của Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt thành lập trường Đại học tư nhân Fulbright vào năm ngoái, và hiện trường đang trong quá trình gây quỹ. Mục tiêu của Đại học Fulbright là gây quỹ 100 triệu USD và tuyển sinh 2.000 sinh viên trong 5 năm đầu tiên. Cho đến nay đã có khoảng 40 triệu USD cam kết tài trợ cho trường.
Trường Đại học Harvard đã có thâm niên trong việc tham gia phát triển giáo dục Đại học tại Việt Nam. Trường đã thành lập học bổng Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1 năm trước khi Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, và thậm chí trong một thời gian, Harvard đã trực tiếp quản lỹ quỹ học bổng Fulbright tại Việt Nam, vai trò thường là của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ông Harsha cũng cho biết thêm Harvard đã đóng một vai trò quan trọng giúp bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực sự cảm thấy thực sự biết ơn vì điều đó.
Với chương trình giảng dạy đến từ trường Kennedy nổi tiếng, trường Fullbright hi vọng trở thành một điểm sáng của giáo dục Đại học Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ