(CAO) Trước phiên khai mạc Đại hội vào ngày mai (21-1), Ban Chấp hành Trung ương đã tham mưu cho Đại hội (ĐH) về công tác nhân sự ra sao?
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này. Theo ông Hoàng, điểm mới nổi lên trong nhân sự kỳ này là số lượng Bộ Chính trị (BCT) không tái cử nhiều. “Chưa lần nào số lượng BCT không tái cử lên tới 9 người, chiếm hơn đa số” - ông Hoàng nói.
CHƯA CÓ HỘI NGHỊ NÀO BỎ PHIẾU NHIỀU NHƯ THẾ
Phóng viên: Ông có thể cho biết điều gì về quá trình làm nhân sự tại các hội nghị Trung ương vừa qua?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Chuẩn bị nhân sự có một quá trình nhiều năm chứ không phải đến trước Đại hội (ĐH) mới họp lại, thảo luận rồi bỏ phiếu. Việc này bắt đầu bằng quy hoạch mà quy hoạch thì bắt đầu từ hơn nửa nhiệm kỳ nay. Còn bây giờ, làm nhân sự là trên nền của quy hoạch, trên cơ sở của quy hoạch mà chọn lại. Như vậy cũng có nghĩa là công tác nhân sự trước Hội nghị 14 đã được bắt đầu từ cách đây mấy năm rồi.
Điều thứ hai tôi muốn nói là công tác nhân sự được làm công phu, cẩn thận, có trách nhiệm, được bàn đi bàn lại, bỏ phiếu đi bỏ phiếu lại. Riêng Hội nghị Trung ương 14 vừa rồi đã bỏ phiếu kín tới 13 lần. Tôi chưa thấy Hội nghị nào mà bỏ phiếu nhiều như vậy.
|
- Việc này cho thấy điều gì, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Cho thấy sự cẩn thận chặt chẽ, dân chủ. Trong quá trình thảo luận lúc đầu ý kiến còn phân tán, khác nhau, trái chiều, có tranh luận. Nhưng các đại biểu được thảo luận cho đến khi không còn ý kiến nữa thì mới bỏ phiếu, cho nên Hội nghị định bế mạc sớm hơn nhưng đã kéo dài và bế mạc muộn hơn dự kiến. Nhưng việc ấy là cần thiết, là dân chủ và quyết định tập thể, có trách nhiệm. Trong cơ chế và thể chế của mình hiện nay thì làm như thế là cách tốt. Còn để đổi mới về cơ chế, thể chế thì còn nhiều cái phải nghiên cứu nữa.
Trong câu chuyện nhân sự cũng thể hiện tính kế thừa, tính trẻ hoá. Hồi đầu có lo ngại rằng lần này BCT nghỉ nhiều quá, còn lại ít quá, hẫng hụt khi phân công nên thấy có khi phải ở lại 2 người, 3 người. Nhưng qua thảo luận lại cho rằng ở lại 2, 3 người thì trường hợp đặc biệt nhiều quá, không đảm bảo tính trẻ hoá, mà không trẻ hoá hôm nay thì sau này lại tiếp tục các trường hợp đặc biệt, kéo dài mãi.
Thế là quyết định ở lại 1. Việc quyết định ở lại 1 là do BCT họp, thảo luận và đề nghị. Mà để quyết định như vậy thì nghĩa là phải có 9 đồng chí trong BCT nghỉ.
hưng BCT vẫn thống nhất cao phương án này, cho thấy tập thể BCT khi đưa ra quyết định là đều vì việc chung. Nếu không vì việc chung thì có thể nhiều người ở lại. Sau khi thống nhất phương án một người ở lại, ra Trung ương bàn vẫn còn ý kiến là phải 2, phải 3 nhưng sau đó bỏ phiếu thì nhất trí là một người như ý kiến của BCT.
|
- Qua tờ trình của BCT và ý kiến thảo luận ở Trung ương ông thấy có điểm nào mà hai bên chưa thống nhất không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Mọi việc đều có điều chỉnh qua lại. Nếu trong lần thứ nhất có ý kiến khác nhau thì lần sau điều chỉnh nên đã thống nhất. Tôi nhớ, từ hội nghị trước BCT đề nghị mấy trường hợp đặc biệt của Trung ương. Ra hội nghị Trung ương giới thiệu thêm khoảng chục trường hợp nữa. BCT quay về họp, tiếp thu ý kiến Trung ương, đề xuất thêm 3 trường hợp. Ra Trung ương đồng ý chọn 2 trong số đó. Như thế có thể thấy giữa Trung ương và BCT có khác nhau nhiều lần nhưng thu hẹp dần dần, cả hai bên đều có tiếp thu, có điều chỉnh.
Hay là danh sách BCT. BCT giới thiệu ra nhưng sau Trung ương quyết định có 5 đồng chí trước đó BCT chưa giới thiệu vô danh sách. Như thế quyền quyết định là Trung ương, còn Bộ Chính trị thì đề xuất để Trung ương xem xét. Với nhân sự chủ chốt, trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến khác nhau nhưng đến giờ chót lại khớp lại giống nhau, thống nhất cao.
|
- Nhưng ông có cho rằng việc phải bỏ phiếu nhiều lần cho thấy có sự không thống nhất không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Trong trường hợp này thì không phải vậy. Tôi thấy như thế là cần thiết. Còn anh cứ đưa ra bao nhiêu tôi bỏ phiếu theo ý anh hết, không có ý kiến gì khác thì không hẳn đã tốt. Cần phải thảo luận kỹ và bỏ phiếu nhiều lần như thế. Hôm đó thảo luận cho đến hết ý kiến rồi mới bỏ phiếu.
|
QUYỀN QUYẾT ĐỊNH LÀ CỦA ĐẠI HỘI
- Lâu nay người ta vẫn có cảm giác Trung ương đang làm thay công việc của ĐH?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Đâu phải, làm thay thế nào được. Quyết định là của ĐH, còn Trung ương chỉ là một ý kiến đề xuất không hơn không kém. Việc này là Trung ương được giao nhiệm vụ, coi như cơ quan tham mưu cho ĐH. Muốn ĐH thành công thì công tác chuẩn bị phải tốt chứ, chuẩn bị tất cả mọi thứ, kể cả nội dung. Trung ương làm công tác chuẩn bị nhưng quyết định là của ĐH.
Mặt khác, nhiều khi đại biểu không có đầy đủ thông tin, nên thường lắng nghe xem Trung ương bàn sao, coi đó là cơ sở để mình lựa chọn. Mình không có thông tin thì mình sẽ khó quyết định, cho nên việc chuẩn bị là rất cần thiết. Vấn đề là ở ĐH sẽ phát huy dân chủ và phản ánh đúng quyết định là của tập thể ĐH, trong đó đại biểu phải được cung cấp thông tin một cách chân thực, đầy đủ và lành mạnh.
|
- Với sự chuẩn bị kỹ càng như vậy, ông có tin các phương án Trung ương trình sẽ thuyết phục được ĐH không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Tôi tin về cơ bản.
|
- Cơ sở của niềm tin đó là gì?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Thứ nhất là Trung ương đã bàn rất kỹ và có trách nhiệm, thể hiện khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan của ai.
Thứ hai là đại đa số đại biểu cũng như Trung ương đều có tư duy độc lập và đều xuất phát từ cái chung chứ không dễ bị ai tác động, ai mua chuộc gì. Tác động hay mua chuộc thì cũng chỉ được một ít chứ không thể tác động tất cả được mà nhiều khi nó còn có tác dụng ngược đối với những người có ý thức vì việc chung.
Thứ ba, nếu cách làm của BCT dân chủ và cung cấp thông tin đầy đủ, lành mạnh cho ĐH biết, kể cả quá trình làm thì tôi tin sẽ cơ bản như vậy.
|
- Vẫn có ý kiến bên lề rằng, có thể có những việc Trung ương trình chưa chắc đã được ĐH chấp nhận. Điều này liệu có tạo ra biến động gì không, thưa ông?
00:14 ngày 25/12/2014
Tôi tin rằng Đại hội cơ bản sẽ tin ý kiến tham mưu của Trung ương vì tôi thấy quá trình chuẩn bị rất tốt, khách quan chứ không phải do ý muốn chủ quan của ai, nghĩa là nó có tính hợp lý nhất định của nó. Mà đại biểu dự ĐH cũng có trách nhiệm chung. Còn một số việc nào đó ĐH không quyết định như đề xuất của Trung ương mà theo ý chí của ĐH là bình thường, vì Ban chấp hành cũ chỉ làm công tác tham mưu thôi. Nếu để yếu tố không lành mạnh làm thay đổi kết quả thì mới đáng thắc mắc, mới là chuyện không bình thường (ví dụ hiểu nhầm thông tin do sự tác động thì động cơ không lành mạnh nào đó…)
|
Ông Vũ Ngọc Hoàng.
CHỌN NGƯỜI NÓI THẲNG, NÓI THẬT
- Như ông có nói, các đại biểu có thể không có nhiều thông tin về các ứng viên trong khi trên mạng lại lan tràn rất nhiều thông tin đúng - sai lẫn lộn. Vậy làm sao để giúp đại biểu sàng lọc, tiếp cận được với những thông tin chính xác?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Thực ra để đi xác định từng thông tin và kết luận thì phải làm cả năm trời. Nếu các phương tiện thông tin đại chúng có ý thức trách nhiệm đưa được một số thông tin chính xác, phủ nhận những thông tin sai thì sẽ tạo ra sự cảnh giác, sức đề kháng cho người nghe, người xử lý thông tin trước những thông tin sai trái, bịa đặt. Đó cũng là làm cho môi trường thông tin lành mạnh, chân thực.
|
- Nhưng để họ có sức đề kháng như vậy thì phải có vaccine, nghĩa là họ phải có những nguồn thông tin “sạch”, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Tôi nghĩ trong quá trình thảo luận nhân sự các đại biểu sẽ được tiếp cận thông tin. BCT, tiểu ban nhân sự sẽ cung cấp thông tin cho các đoàn.
|
- Vừa rồi ông có nói quy hoạch nhân sự được làm từ giữa nhiệm kỳ. Từ thời điểm đó ông có cảm nhận nỗ lực của các ứng viên trong việc khẳng định năng lực của mình không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Tôi chưa nhận thấy rõ chuyện họ cố gắng thể hiện năng lực qua công việc mà tôi lại thấy họ bắt đầu giữ ý, giữ tứ, sợ động chạm, sợ mất phiếu, tất nhiên không phải ai cũng vậy. Cái này phải đổi mới đấy. Không nên chọn những anh sợ mất phiếu, nên chọn anh dám nói thẳng, nói thật và dám làm. Như vậy là phải đổi mới công tác cán bộ, đổi mới công tác tư tưởng.
|
CẦN TIẾN TỚI CÓ TRANH CỬ
- Ông thấy sao về cơ chế “đảng cử dân bầu”?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Không nên kéo dài cơ chế Đảng cử dân bầu. Cái đó liên quan đến đổi mới về mặt chính trị, về mặt thể chế, cơ chế lựa chọn cán bộ. Sau này thì Đảng vẫn mãi mãi được quyền giới thiệu, như một kênh rất quan trọng nhưng bình đẳng với các kênh khác. Nên làm như thế. Cũng cần tiến tới có tranh cử. Quá trình tranh cử chưa chắc chọn được người giỏi nhất (vì có thể người giỏi nhất không tham gia tranh cử) nhưng chắc chắn không phải là một người dở, người kém.
|
- Lại bàn về công tác quy hoạch cán bộ, theo ông việc cơ cấu độ tuổi có ý nghĩa gì không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Thực ra cứ lấy tuổi mà cưa thì nhiều trường cụ thể cũng không đúng, vì ông lớn tuổi hơn có khi lại khoẻ hơn ông ít tuổi. Có ông ít tuổi mà tư duy ông ấy đã già rồi thì sao. Nhưng trong tình hình của chúng ta hiện nay, nếu như không dùng độ tuổi để cưa thì cũng phức tạp lắm. Về đại thể nói chung, cơ cấu theo độ tuổi vẫn có phần đúng vì khi già yếu thì anh không thể năng động. Nhưng vào cụ thể thì sẽ có nhiều trường hợp không đúng. Việc này khoa học phải nghiên cứu
|
- Thế cơ cấu vùng miền thì có khoa học không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Nói về mặt tập hợp lực lượng (trong dân) thì cơ cấu vùng miền cũng cần thiết. Chú ý là khi hai anh bằng nhau, năng lực và nhân cách bằng nhau thì có thể quan tâm thêm cơ cấu vùng miền để tập hợp chứ không thể vì vùng miền mà đánh đổi, bỏ một anh tốt hơn, có năng lực hơn để lấy một anh kém hơn là không thể được.
|
- Xin cảm ơn ông!