NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM
KẾT QUẢ VÀ TIẾN BỘ TRONG GHÉP TẠNG Ở VIỆT NAM
GS.TS. LÊ TRUNG HẢI Phó Cục trưởng Cục Quân y
G
|
hép tạng là một trong mười thành tự khoa học lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Ghép tạng cho phép thay thế một tạng của cơ thể bị bệnh bằng một tạng khác khỏe mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhất là chất lượng cuộc sống.
Trên thế giới, trường hợp ghép thận đầu tiên được thực hiện năm 1954, trường hợp ghép gan đầu tiên thực hiện năm 1963 và trường hợp ghép tim đầu tiên, ghép tụy đầu tiên vào năm 1967. Đến nay, ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị có hiệu quả cao đối với các bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối.
Ở Việt Nam, năm 1965 giáo sư Tôn Thất Tùng nghiên cứu ghép gan thực nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức, năm 1971 giáo sư Lê Thế Trung ghép thận thực nghiệm tại Học viện Quân y. Những trường hợp ghép tạng trên người đầu tiên của Việt Nam (ghép thận tháng 6/1992, ghép gan tháng 1/2004 và ghép tim tháng 6/2010) đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103.
Tính đến năm 2013, ở nước ta đã có hơn 900 trường hợp ghép thận được thực hiện tại 14 bệnh viện, trong đó có 53 ca ghép thận từ người cho chết não và hơn 160 ca lấy thận bằng phẫu thuật nội soi. Đã có 37 trường hợp ghép gan tại 5 trung tâm y học (Bệnh viện 103, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy), trong đó có 21 ca ghép gan từ người cho sống và 16 ca ghép gan từ người cho chết não. Đã có 9 ca ghép tim từ người cho chết não tại Bệnh viện 103, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Việt Đức.
Chúng tôi giới thiệu một số kết quả và tiến bộ trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.
1. Kết quả và tiến bộ trong ghép thận:
Số lượng ghép thận tăng nhanh:
Từ năm 1992-2008, có gần 300 trường hợp ghép thận được thực hiện. Song chỉ trong 5 năm gần đây (2009-2013) đã có hơn 600 ca ghép thận, trong đó 53 ca ghép thận từ người cho chết não. Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở có số ca ghép thận nhiều nhất ở Việt Nam với hơn 300 trường hợp.
Tại Bệnh viện 103, trong tổng số gần 160 ca ghép thận đã thực hiện qua hơn 20 năm, có 74% được thực hiện trong 5 năm gần đây, nhiều đợt đã tiến hành ghép 2 đến 3 cặp trong một ngày. Riêng từ năm 2011-2013, Bệnh viện 103 đã ghép thận cho gần 100 ca. Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được ứng dụng trong tuyển chọn, trong mổ lấy thận, rửa thận, ghép thận, trong gây mê hồi sức và điều trị sau ghép mang lại các kết quả tốt.
Giáo sư Lê Thế Trung (thứ hai từ phải sang) và
các bệnh nhân ghép thận đầu tiên tại Việt Nam
Kỹ thuật ghép thận ngày càng hoàn thiện:
Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật cho kết quả tốt như: lấy thận ghép ở người cho sống bằng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc ở hơn 100 trường hợp (kỹ thuật đơn giản, an toàn, thận sau ghép phục hồi tốt); kỹ thuật chuyển vị mạch máu trong ghép thận khi có tĩnh mạch thận ngắn ở hơn 60 trường hợp; kỹ thuật Lich Gregoir cải tiến trong nối niệu quản và bàng quang giúp hạn chế các biến chứng tiết niệu…
Ghép thận từ người cho sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Tại Bệnh viện 103, vô cảm cho người nhận thận đã áp dụng gây tê ngoài màng cứng kết hợp ở 75,5% số trường hợp, giúp bệnh nhân nhanh phục hồi sau mổ và đỡ độc hại.
Triển khai ghép thận lấy từ người cho chết não:
Trong năm 2010, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 103, đã tiến hành ghép thận lấy từ người cho chết não. Đến nay Bệnh viện Việt Đức là cơ sở y tế có số ca ghép thận từ người cho chết não nhiều nhất ở Việt Nam (36 ca) và lấy ghép đa tạng từ người cho chết não (trong đó có ghép thận).
Ghép thận lấy từ người chết não tại Bệnh viện 103
Ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức
|
Điều trị và theo dõi sau ghép thận đạt nhiều kết quả tốt:
Đã ứng dụng nhiều thuốc ức chế miễn dịch mới, mang lại hiệu quả tốt hơn.
Kết quả theo dõi sau ghép thận cho thấy tỉ lệ sống thêm sau ghép của bệnh nhân và của thận ghép ngày càng gia tăng (trên 90%). Trường hợp ghép thận sống lâu nhất đến nay là trên 20 năm (bệnh nhân Lê Thanh N., thực hiện ghép thận tại Bệnh viện 103 tháng 7/1993, hiện nay sức khỏe và chức năng thận ghép của bệnh nhân đều tốt).
2. Kết quả và tiến bộ trong ghép gan:
Đến nay, ở nước ta đã có 37 người được ghép gan, trong đó có 20 trường hợp tuổi từ
38-74 (trung bình 52,5 tuổi, tỉ lệ viêm gan virut là 85%), 11 trường hợp dưới 2 tuổi và 6 trường hợp từ 5-16 tuổi. Bệnh lý để chỉ định ghép gan gặp nhiều nhất là ung thư gan (14 ca), sau đó là teo đường mật bẩm sinh (10 ca), xơ gan (8 ca), suy gan cấp (4 ca) và vàng da ứ mật do thiếu hụt citrin (1 ca).
38-74 (trung bình 52,5 tuổi, tỉ lệ viêm gan virut là 85%), 11 trường hợp dưới 2 tuổi và 6 trường hợp từ 5-16 tuổi. Bệnh lý để chỉ định ghép gan gặp nhiều nhất là ung thư gan (14 ca), sau đó là teo đường mật bẩm sinh (10 ca), xơ gan (8 ca), suy gan cấp (4 ca) và vàng da ứ mật do thiếu hụt citrin (1 ca).
Ngoài 16 trường hợp ghép gan từ người cho chết não, 21 trường hợp còn lại được ghép gan từ người sống cho gan. Người sống cho gan có tuổi từ 28-56 (trung bình 35,8 tuổi), nhiều nhất là mẹ, bố và bà nội của bệnh nhân. Cắt lấy gan ở người cho sống nhiều nhất là thùy bên trái (12 ca), ít hơn là gan phải (7 ca), thùy bên trái và thùy đuôi (1 ca), gan trái (1 ca).
Trong kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đã áp dụng nhiều tiến bộ như: chụp đường mật trong mổ, cắt gan bằng dao siêu âm CUSA, tạo hình tĩnh mạch và rửa gan, nối động mạch và nối đường mật nhỏ ở trẻ em bằng kỹ thuật vi phẫu và sinh thiết mảnh ghép sau mổ.
Kết quả chung: 100% người sống cho gan sau mổ đều ra viện mạnh khỏe; 85% người được ghép gan có thời gian sống thêm sau ghép trên 1 năm. Trường hợp sống lâu nhất sau ghép gan đã gần 10 năm, đó là một bệnh nhân khi ghép gan mới 11 tuổi, đến nay đã tăng thêm gần 30 kg, học giỏi, xinh xắn và khỏe mạnh.
3. Kết quả và tiến bộ trong ghép tạng khác:
Ghép tim:
Trong số 9 trường hợp ghép tim tại Việt Nam, có 8 trường hợp bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ IV; 1 trường hợp bị nhồi máu cơ tim đã điều trị bằng ECMO hai tuần, có các bệnh kết hợp là đái tháo đường và viêm gan, trước đó đã được ghép thận. Các bệnh nhân ghép tim có tuổi từ 13-59 (trung bình 38,3 tuổi). Có 1 ca được ghép theo kỹ thuật nối hai tâm nhĩ và 8 ca nối hai tĩnh mạch chủ. Trường hợp sống thêm lâu nhất sau ghép tim đến nay đã gần 3 năm.
Ghép tụy thực nghiệm:
Gần đây, Học viện Quân y đang triển khai đề tài ghép tụy thực nghiệm trên lợn, đã thực hiện được gần 40 trường hợp với kết quả khả quan, tiến tới sẽ ghép tụy - thận trên người. Học viện đã cử các kíp đi học tập ghép tụy ở Nhật Bản và tổ chức hội thảo về ghép tụy - thận từ người cho chết não.
Gần đây, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (2007) đã bước đầu đi vào cuộc sống, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã được thành lập (2013). Năm 2005, cụm công trình khoa học ghép tạng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ - giải thưởng cao quý nhất của nước ta về lĩnh vực khoa học công nghệ. Năm 2011, Bệnh viện 103 được trao tặng Kỷ lục Việt Nam do đã thực hiện ghép thận, ghép gan và ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt về ghép tạng.
4. Nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phương hướng ghép tạng trong thời gian tới ở Việt Nam:
Nguyên nhân thành công:
Có sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ các thầy thuốc; sự đoàn kết và hợp tác giữa các cơ sở y tế trong nước và quốc tế; sự động viên và giúp đỡ của Nhà nước.
Bài học kinh nghiệm:
Công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt; khắc phục các khó khăn và chủ động sáng tạo; nghiên cứu công phu và nỗ lực học tập; làm tốt công tác tổ chức ghép tạng; đoàn kết, hợp tác khoa học giữa các chuyên ngành và các cơ sở y tế; kết hợp quân dân y và hợp tác quốc tế.
Những khó khăn và thuận lợi trong ghép tạng:
- Khó khăn: thiếu kinh phí, chi phí ghép còn cao; thiếu nguồn cho tạng, bị động bệnh nhân ghép tạng; các vấn đề sau ghép (theo dõi, quản lý, tâm lý...); mạng lưới điều phối ghép tạng chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhiều bất cập và quá tải tại các bệnh viện.
- Thuận lợi: có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm trong ghép tạng; trang thiết bị và cơ sở hạ tầng được nâng cấp; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác bước đầu đi vào cuộc sống; đời sống kinh tế xã hội ngày càng được nâng cao; nhu cầu ghép tạng rất nhiều; những lợi ích của ghép tạng mang lại là rất lớn.
Phương hướng ghép tạng trong thời gian tới:
- Ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng; tiếp tục lấy ghép đa tạng từ người cho chết não; nghiên cứu triển khai ghép tụy, ghép tụy - thận kết hợp, ghép khối tim - phổi và ghép thận lấy từ bệnh nhân chết tim.
- Tăng cường các nguồn cho tạng, nhất là từ người cho chết não; làm tốt công tác giáo dục, vận động hiến tạng, công tác tư vấn, truyền thông, tạo nguồn hỗ trợ (từ cộng đồng, bảo hiểm...) và công tác tôn vinh, đãi ngộ trong hiến ghép tạng.
- Đẩy mạnh mạng lưới điều phối ghép tạng toàn quốc; mở rộng thêm các cơ sở ghép tạng, thành lập Hội Ghép tạng Việt Nam, Hội Vận động ghép tạng, Quỹ Hỗ trợ hiến ghép tạng... Hợp tác, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm ghép tạng trong nước và quốc tế.
Cặp ghép gan (bố cho con gái) đầu tiên
ở Việt Nam sau ghép gần 10 năm
5. Kết luận:
Trong những năm gần đây, lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Các kết quả và tiến bộ trong ghép tạng ở nước ta là rất đáng khích lệ, mở ra phương pháp điều trị mới, hiệu quả cao ở trong nước cho các bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối, thúc đẩy nền y học nước nhà phát triển và giúp chúng ta tiếp cận với trình độ kỹ thuật ghép tạng trên thế giới.
Thành công của ghép tạng ở Việt Nam đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, các cơ sở y tế trong và ngoài nước, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và bộ đội. q