Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Kể về Thảo Cầm Viên ngày xưa


Kể về Thảo Cầm Viên ngày xưa

Nếu viết về những công trình ở Sài Gòn mà không kể đến thảo cầm viên là một điều thiếu sót rất lớn. Công trình này nằm ở cuối đường Thông Nhất nhìn đối mặt với dinh Độc Lập và là một trong mười thảo cầm viên lâu đời nhất của thế giới. Ấy mà có lúc người ta tính xóa sổ nó lấy đất làm chuyện khác nhưng bị phản đối, trong khi ở các quốc gia khác thì những công trình xưa luôn luôn được trân trọng và gìn giữ. Trong đó quán quân là thảo cầm viên Padoue thuộc vùng  Vénétie, Italy thành lập năm 1545. 
Đây là số liệu lịch sử thảo cầm viên Sài Gòn mà tôi trích từ Wikipedia:
Ngày 23 tháng 3 năm 1864, Đề đốc De La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Vườn Bách Thảo tại Sài Gòn. Ngay sau đó, ông Louis Adolphe Germain, một thú y sĩ của quân đội pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12 ha vùng đất hoang ở phía đông bắc rạch Thị Nghè (Pháp gọi là Arrroyo d'Avalanche, lấy theo tên chiến tàu chiến đã vào rạch Thị Nghè để tấn công thành Gia Định) để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Tháng 3 năm sau (1865) bước đầu, ông Germain đã xây dựng được một số chuồng trại.
Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương; vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Muséum national d'histoire naturelle và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn; viên Toàn quyền Đông Dương nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn, nên đã mời cho ông J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc vào ngày 28 tháng 3 năm 1865.
Cuối năm 1865, Vườn Bách Thảo đã được nới rộng đến 20 ha. Sang năm 1924, khuôn viên sáp nhập thêm bên bờ bắc rạch Thị Nghè 13 ha nữa; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927. Và cũng trong năm đó, nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ Nhật đã cung cấp cho Vườn Bách Thảo khoảng 900 giống cây lạ.
Ngày 15 tháng 12 năm 1867, Thống đốc De La Grandière ban hành nghị định số 183 nhằm chấn chỉnh tổ chức và điều hành Vườn Bách Thảo, đặt nơi đây dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn, với một ngân khoản điều hành 21.000 quan Pháp/năm, do ngân sách thuộc địa cung cấp.
Ngày 17 tháng 2 năm 1869, phó đô đốc G. Ohier, quyền Thống đốc Nam Kỳ, ký nghị định số 33 thành lập Ủy ban thường trực do Philastre làm chủ tịch, để giám sát việc chi tiêu tại Thảo Cầm Viên. Vào thời điểm này, chi phí hàng năm của Vườn Bách Thảo đã được nâng lên 30.000 quan Pháp/năm. Cũng theo nghị định trên, đúng ngày Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7 năm 1869, Vườn Bách Thảo mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.
Liệt kê thêm một số lần chỉnh trang, tôn tạo khác:
Năm 1924 - 1927: trải nhựa đường nội bộ trong khuôn viên, xây dựng các chuồng thú có qui mô lớn và kiên cố như chuồng lồng tròn để nuôi khỉ, chuồng cọp v.v...
Năm 1956: lại được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Năm 1984: xây dựng mới nhiều hạng mục công trình, như: kè đá dọc kênh Thị Nghè, cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống dây điện trần, trải nhựa và bê tông đường nội bộ, xây dựng tường rào dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm...
Như vậy Đô đốc Toàn quyền Đông Dương, Pierre-Paul De La Grandière, người đã quyết định để xây dựng khu vườn này 10 tháng 6 năm 1863. Ông có tham vọng để thực hiện một nâng cao, văn hoá, bảo tồn và động vật và thực vật nghiên cứu cho các nhà khoa học Đông Dương. Ban đầu, công viên trải rộng trên 12 ha. Trong năm 1865,các loài động vật đầu tiên đến và bắt đầu gieo cây. Cuối năm 1865, vườn tiếp tục mở rộng lên gần 20 ha và 33 ha vào năm 1924.
Năm 1867, chính phủ Pháp đã cấp ngân sách hàng năm của 21.000 franc cho việc quản lý của mình, và 30.000 franc vào năm 1869. Tại thời điểm đó, công viên có 509loài động vật trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim và 45 loài bò sát. Các nhà thực vật học người Pháp cũng sẽ trồng gỗ gụ Senegal, vùng Caribbean, các baobab Phi ...
Việc trông coi quản lý nơi này phải kề đến công trạng của vị giám đốc đầu tiên của thảo cầm viên là Ông Jean Baptiste Louis Pierre (1833 - 1905). Ông là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp khoa học. Nhờ ông, nhiều cây rừng tự nhiên được tồn tại, một số loài cây đại mộc từ các lục địa khác được du nhập, một số cây ăn trái thuộc khu vực Đông Nam Á được ươm trồng, để từ đây cho ra đời những giống cây trái ngon.
Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá nữa, đó là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Thành phố Hố Chí Minh và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn...
Để tưởng nhớ và ghi công ông, vào tháng 2 năm 1933, Hội đồng khoa học Pháp đã cho xây dựng một cột bia, bằng đá hoa cương đặt phía sau khu vườn kiểng. Trên mặt cột bia, ghi lại câu nói của ông trước khi qua đời: Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật, chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi.
Vào năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cột bia đã được tôn tạo và đặt ngay trên trục đường chính, giữa Bảo tàng lịch sử và Đền thờ các vua Hùng. Lần này, cột bia có gắn thêm bức tượng bán thân bằng đá hoa cương màu hồng, tạc hình ông J.B. Louis Pierre.
Jean-Baptiste Louis-Pierre (1833-1905)
Không biết các bạn có những kỷ niệm nào về thảo cầm viên hay không, riêng tôi có một vài kỷ niệm về nó và một chút hiểu biết về nơi này. Tôi sẽ kề cho các bạn sau đây:
1. Chuyện về cây cầu trong thảo cầm viên:
Cây cầu được xây dựng vào thời kỳ nới rộng thảo cầm viên qua bên kia sông Thị Nghè; về sau năm 1954 thảo cầm viên chỉ còn bên mặt này của sông Thị Nghè còn khu bên kia lấp dần nhà cửa của dân và chợ Thị Nghè. Năm 1957 chính quyền Ngô Đình Diệm mở một hội chợ bên trong thảo cầm viên và đã xảy ra một vụ sập cầu nghiêm trọng.
Đây là một đoạn kể lại trong: "tản mạn Sài Gòn" của tác giả Thanh Liên: "Quốc Khánh năm 1957, lần đầu tiên Thủ đô Sàigòn có Hội chợ trong vườn hoa Thị Nghè, muốn vào Hội chợ phải mua vé vào cổng Sở thú, từ Sở thú đi qua một chiếc cầu đúc mới sang chỗ Hội chợ, đêm ấy người ta nô nức đi xem Hội chợ, tôi cũng trong đám người đó, lúc ấy chừng 7 giờ đêm, tôi vừa mới bước lên đầu cầu, thì cảnh chen lấn xô đùa nhau, kêu la vang dậy bắt đầu, cảnh sát nổ súng chỉ thiên, cũng không làm sao tái lập trật tự, tôi muốn đi lui cũng chẳng được, tôi bị người ta xô, người ta lấn, khi ra đến giữa cầu tôi muốn nhảy xuống sông bơi vào bờ cũng không làm sao leo lên lan can cầu, và tôi cứ bị xô lấn qua tới bên kia cầu, quần áo xốc xếch, giày săn-đan của tôi bị đứt quai, tôi không thấy ai bị thương tích gì nặng. Sáng hôm sau báo chí đăng tin, tôi mới biết rằng có đến 17 người chết và mấy chục người bị thương phải đưa đi bệnh viện
Sau này mỗi lần vào Sở Thú, đi ngang chiếc cầu định mệnh đó, tôi vẫn còn nhớ nỗi kinh hoàng của năm kia. Người ta đồn cầu sập, cầu gãy, thật ra không có sập hay gãy gì cả, chỉ vì cảnh xô lấn mà thôi, nguyên nhân có lẽ do bọn người xấu muốn tạo ra cảnh đó để cướp giật, họ cũng không ngờ cảnh hoảng loạn đã tạo ra đến nông nổi đó!
Sự việc xảy ra do có người la lên là cọp xổng chuồng mới xảy ta cớ sự như vậy."
2.Cuộc cảnh sát thảo cầm viên:
Thông thường một cuộc cảnh sát được phân bổ theo khu vực dân cư và hình như mỗi phường là có một cuộc cảnh sát. Nhưng ở đây có một cuộc cảnh sát lại nằm trong khu thảo cầm viên gần khu vực chuồng nai. Cái kỳ lạ là chổ đó vì đây không phải là khu vực dân cư.
3. Hồ nuôi cá chép vàng:
Cái hồ có rất lâu đời từ hồi thành lập thảo cầm viên, nó có hình thể tròn ở giữa là một đão nhỏ có nhà thủy tạ. Người ta chỉ thả cá chép vàng về sau những năm cuối thập niên 60. Lai lịch những con cá chép vàng này là từ cái hồ dưới chân tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng.
Lúc đó những con cá này còn nhỏ. Còn lý do mang những con cá vào thảo cầm viên theo tôi xuất phát từ lý do là bị câu trộm rất nhiều (trong đó có tôi là một thủ phạm). Muốn câu trộm cá chỉ việc ra Chợ Cũ mua dây, lưỡi và mồi rồi ra dười chân tượng giả bộ ngồi ngắm cảnh rồi tay lòn thả mồi.
Và cũng một phần là lý do loại cá này rất lớn con, hồ ở bến Bạch Đằng không chứa nổi nên chúng được đưa vào thảo cầm viên. Nhưng số phận những con cá này cũng không được yên, vô đây chúng lại bị chính những cảnh sát ở cuộc Thảo cầm viên câu vô làm mồi nhậu.
Các hướng đạo sinh thiếu đoàn Lê Quý Đôn trong buổi thực tập chụp ảnh với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm tại bờ hồ thảo cầm viên năm 1971
4. Hầm P42 và đồng hồ trên mặt đất (dựa theo lời kể của một nhân viên cảnh sát VNCH):
Tới cạnh chổ chuồng nai ta cũng thấy một điều lạ là tự nhiên trong thảo cầm viên lại có một văn phòng của một công ty mà giờ này tôi quên tên. Đây thực chất là một địa điểm trá hình bề ngoài là văn phòng kinh doanh nhưng bên trong lại là lối xuống hầm P42 chuyên nhốt những tù nhân cộng sản thuộc loại gộc thời đó. Hầm này kéo dài tới dưới cái đồng hồ trên mặt đất đây là nơi thông hơi xuống hầm.
5. Đền thờ Hùng Vương:
Đền này nguyên thủy nó là lầu của nhân viên lâm nghiệp trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn sau là ngôi chùa nhỏ trongThảo cầm viên Sài gòn, về sau được tu chỉnh lại để làm đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Năm 1926, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng cạnh cổng chính trong khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đối diện với Viện Bảo tàng Blanchard de la Bross, một ngôi đền mang tên Đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir), để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất.
Sau năm 1954, đền được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương, và thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác, như: Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo...
Những thập niên 60 thế kỷ 20, khi vào thăm thảo cầm viên người ta thường thấy ông Vương Hồng Sển bắt ghế bố nằm nghỉ trước đền khi ông Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn. Ông là một nhà nghiên cứu về Sài Gòn và là một nhà khảo cổ có tiếng; ông cũng từng là học sinh của trường Chasseloup Laubat.
Đền tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất
Đền tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất
Sau đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương, và thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác, như: Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo
Bên phải Đền Quốc Tổ Hùng Vương , có đặt một tượng voi đồng lớn nhất Việt Nam. Voi nặng hơn ba tấn, cách tạo hình và nét chạm khắc rất mỹ thuật, tiêu biểu cho nền thủ công tinh xảo của vương quốc Thái Lan. Voi được đặt trên bệ làm bằng xi măng hình khối chữ nhật. Bốn mặt bệ, có gắn bốn biển đồng lớn cũng hình chữ nhật. Cả bốn biển đều có khắc dòng chữ lưu niệm giống như nhau, bằng bốn thứ tiếng: Việt, Thái,Anh, Pháp. Bản tiếng Việt ghi
Đức hoàng đế Paramindr Maha Prajadhipok, vua nước Xiêm La, đã tặng để làm kỷ niệm trong việc Ngài ngự qua bên nước Indochine lần đầu, ngự lên tại Sài Gòn ngày 14 tháng 4 1930.
Tuy nhiên, mãi đến ngày 20 tháng 10 năm 1935, tượng voi mới được vận chuyển từ Bangkok vào đến bến Nhà Rồng.
6. Viện bảo tàng quốc gia ở Thảo Cầm Viên:
Nằm đối diện với Đền Quốc Tổ Hùng Vương là Bảo tàng quốc gia Sài Gòn. 
Từ 1866, Phó đô đốc De la Grandière đã ra lệnh cho các lực lượng viễn chinh của mình song song với các cuộc hành quân phải quan tâm thu thập các cổ vật ở xứ ở mới chinh phục. Năm 1865, Ủy ban Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ (Comité Agricole et Industrie de la Cochinchine) được thành lập nhằm mục đích tìm hiểu tài nguyên và chuẩn bị cho công cuộc khai thác thuộc địa và đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu và sưu tầm các cổ vật. Năm 1883, Ủy ban bày trở thành Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) đặt nền móng cho việc xây dựng một nhà bảo tàng cổ vật.
Ngày 22-11-1927, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse ra Nghị định về việc thành lập một nhà bảo tàng cổ vật tại Sài Gòn đặt tại tòa nhà trưng bày của Cơ quan nghiên cứu thóc gạo (Musée du Riz) nằm trong Vườn Bách thảo Sài Gòn (được thành lập từ ngày 10-6-1863). Nghị định tiếp theo ký ngày 28-11-1927 xác định những quy chế hoạt động của Viện đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền và sự chỉ đạo về chuyên môn của Trường Viễn Đông bác cổ (EFEO).
Ngày 1-1-1929, Bảo tàng được khánh thành và mang tên Blanchard de la Brosse. Ngay trong năm 1929, có 140.000 người đến xem một sưu tập gồm 2893 cổ vật, chủ yếu là bộ sưu tập của Holbé do Hội Nghiên cứu Đông Dương mua lại với giá 45.000 đồng.
Đến năm 1956, ngày 16 tháng 5 theo nghị định 321-GD/NĐ đổi tên là Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.
Bảo tàng Blanchard de la Brosse
Bảo tàng quốc gia nhìn từ đền quốc tổ Hùng Vương
Nhớ hồi xưa mỗi lần họp hướng đạo muốn vào thảo cầm viên, chúng tôi thường đi băng qua hàng rào trước trường Trưng Vương vì chổ bị hở một mãng lớn. Không phải chúng tôi gian lận gì đâu vì như thế khỏi mất công phải gởi xe nếu đi cổng chính và hướng đạo thì không mất tiền vào cổng.
Vào những năm 70, diện tích thảo cầm viên bị tóp lại với sự ra đời của hồ tắm Yết Kiêu nằm bên đường Hồng Thập Tự. Trong thời gian này, thảo cẩm viên cho tư nhân mở dịch vụ trò chơi cho trẻ em như đu quay, cưỡi ngựa quay vòng, xe lữ trên cao, lâu đài cổ tích, v.v...ngoài ra có cả một sân khầu ca nhạc và quán giải khát. Đây là các hình thức để câu khách vào Thảo Cầm Viên.
Năm 1974, đại hội nhạc trẻ được tổ chức tại thảo cầm viên và đây cũng là đại nhạc hội cuối cùng tại miền Nam Việt Nam.
Tôi nhớ sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm, người ta có mang vào thảo cầm viên mấy con két của Ngô Đình Cẩn. Đây là giống két Nam Mỹ rất đẹp.
Trong thời buổi chiến tranh lúc đó việc duy trì hoạt động của thảo cầm viên của chính quyền Sài Gòn là một việc làm đầy nổ lực trong đó có việc bổ sung thêm một số thú như hươu cao cổ, đà điểu, kangourou, v.v...từ các đại sứ quán Úc và một số nước châu Phi tặng. Trong ngày 30 tháng 4 và sau thảo cầm viên vẫn an toàn và nguyên vẹn.
7. Một số hình ảnh về Thảo Cầm Viên:
Nơi đây ban nhạc Phượng Hoàng đã chụp hình đăng trong cuốn tuyển tập nhạc của mình
Đường chính từ cổng vào
Trú nắng dưới dàn bông giấy
Hồ nước trước đền quốc tổ Hùng Vương
Khu nuôi vượn
Chuồng voi
Chuồng gấu
Chuồng cò
Chuồng ngực vằn
 Chuồng khỉ
Nguồn: ThaoLQĐ