Bâng khuâng kiến trúc sư Ngô Viết Thụ
TP - Cảm giác bâng khuâng không chỉ khi đứng ở Dinh Độc Lập, công trình thiết kế của kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ, mà mỗi khi chợt bắt gặp và phải chạm mặt với những mảng khối kiến trúc, trang trí rối rắm lòe loẹt hoa hoét tại một tư gia hay công sở nào đó, những khi ấy liền nghĩ ngay đến cái chất Ngô Viết Thụ dung dị uẩn súc hàm chứa bao liên tưởng tốt lành.
Dinh Độc Lập. Ảnh: TL
Không làm cái việc biên chép lại những thông số các hạng mục trong Dinh Độc Lập xây dựng hết những 150 ngàn lượng vàng thời 1960.
Cứ lẩn thẩn nghĩ thêm về một KTS từng được hai người mời một cách ưu ái khẩn thiết. Đó là Ngô Đình Diệm và Võ Văn Kiệt.
Ngô Viết Thụ quê Thừa Thiên có một tuổi thơ nhọc nhằn, túng thiếu. Phải ở với ông ngoại may được ông kèm cặp chữ Hán. Chả phải mệnhthân cư thê, nhưng quả chàng trai Ngô Viết Thụ mang ơn nhiều bên vợ. Năm 1948, học xong Trường Cao đẳng kỹ thuật Đà Lạt, được gia đình vợ giúp sang du học ở Pháp. Năm 1950, Ngô Viết Thụ thi đậu vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris.
KTS Ngô Viết Thụ
Đoạt giải khôi nguyên năm 1955, ông đỗ đầu giải kiến trúc La Mã, được Hội Kiến trúc sư Pháp tặng huy chương vàng. Muốn tham dự cuộc thi này, thí sinh phải có quốc tịch Pháp; tuổi dưới 25, độc thân và phải có đạo Thiên Chúa. Trong khi đó, Ngô Viết Thụ không có quốc tịch Pháp; tuổi đã 28, đã có vợ con và lại là Phật tử. Có lẽ tài năng đã cứu giúp ông. Ông đã lần lượt vượt qua 4 vòng của cuộc thi và có mặt trong số 10 người ở vòng cuối. Trong kỳ thi cuối cùng (100 ngày) thí sinh không được bước chân ra ngoài trường thi.
Bài thi Ngôi thánh đường trên đảo Địa Trung Hải, có ngôi thánh đường hình parabol trên mặt bể Địa Trung Hải như ẩn hiện dưới bầu trời. Kết quả khi bỏ phiếu của Ban giám khảo cuộc thi (28/29), ông đoạt giải nhất - gọi là Khôi nguyên La Mã (Premier Grand Prix de Rome); khi ấy ông 29 tuổi. Với việc đoạt giải Khôi nguyên La Mã của Viện Hàn lâm Pháp, ông được cấp học bổng 3 năm nghiên cứu và sáng tác tại các khu biệt thự Medicis thuộc tài sản Pháp ở La Mã. Một vinh dự lớn nữa, một triển lãm trình bày các sơ đồ kiến trúc mang tên Ngô Viết Thụ được Tổng thống hai nước Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành.
Phòng làm việc của Nguyễn Văn Thiệu
Vào những năm đầu 60, ngành qui hoạch trên toàn thế giới vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, và tại Việt Nam lúc đó chỉ có ba người có cả hai văn bằng kiến trúc sư và văn bằng phát triển quốc gia tại nước ngoài là: KTS Huỳnh Kim Mãng (GS Cao đẳng kiến trúc Sài Gòn), KTS Lê Văn Lắm (giám đốc Tổng nha kiến thiết đô thị) và KTS Ngô Viết Thụ.
Năm 1960, KTS Ngô Viết Thụ về Sài Gòn làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở tuổi 30. Một thời kỳ sung sức, hứng khởi. Ông là tác giả nhiều đồ án xây dựng, kiến trúc đồ sộ, trong đó có Dinh Độc Lập, bây giờ là dinh Thống Nhất, Đại học sư phạm Huế, Trung tâm nguyên tử Đà Lạt. Đại Chủng viện Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Làng Đại học Thủ Đức, chợ Đà Lạt, Khách sạn Hương Giang 1 Huế, Nhà thờ Phú Cam, Trụ sở Việt Nam Hàng không vv…
… Tới lui trên khoảng cỏ trước Dinh Độc lập, tôi ngắm ngó hồi lâu để cố mà vỡ vạc ra những nắc nỏm của thiên hạ rằng trong kiến trúc Dinh, yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn đổi mới sáng tạo, dung chứa một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc. Trong công trình Dinh Thống Nhất, ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng: chữ Vương và chữ Tam - tượng trưng cho Nhân, Minh, Võ đức - để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo. Chữ Chủ - giữ vững chủ quyền đất nước, chữ Khẩu - đảm bảo tự do ngôn luận của người dân, chữ Trung - trung với quốc dân, và chữ Hưng - làm cho đất nước hưng thịnh. Tổng thể khối kiến trúc Dinh thống nhất có hình chữCát hàm nghĩa tốt lành...
Hình như ý nghĩa chiết tự - triết học và cái tao nhã của Dinh Độc Lập như một mục đích, cảm hứng chủ đạo là dân chủ đã rộng đường cho hậu thế, ngay từ lúc Dinh khánh thành (1966) đã mặc sức khen chê?
Chữ Trung, nếu là trung với vua, với nước thì phải có chữ Tâm ở dưới? Còn không thì trung chỉ mang nghĩa chính giữa. Chữ cát là tốt. Nhưng chiết tự, chữ cát có hình thót hậu. Về phong thủy, người ta kiêng kiểu đất thót hậu. Vượng địa phải là vuông vắn hay nở hậu, mới lâu dài, tốt đẹp.
Cũng như vậy, bao nhiêu những lời khen tặng về bức rèm đá hình cây trúc theo điển Tiết trực Tâm Hư của nhà Nho ca tụng khí tiết cương trực của người quân tử. Trúc tiết tâm hư thị ngã sư (lòng rỗng của đốt trúc đích thầy ta) Rằng đây là điều mà ông Diệm ưa thích. Quốc huy thời ông Diệm chính là cành trúc.
Tấm rèm đá này ở giữa với mục đích che chắn hung khí từ đại lộ Thống Nhất nhiễm vào và đón ánh sáng không khí tự nhiên ùa vào hành lang. Thế mà không thiếu những suy luận rằng, các đốt trúc trắng này trông xa như hình xương ống chân, ống tay. Cái mà người ta gọi là rèm lại chính là một số xương ống tay, ống chân treo trên dinh Độc Lập. Đây là một điềm báo trước cái chết của gia đình ông Diệm(!?)
Các phòng trong Dinh Độc Lập
Có lẽ hiếm một công trình như Dinh Độc Lập tròn nửa thế kỷ dằng dặc những luận bàn này khác nhưng nó vẫn tồn tại vẫn trở thành một trong Trung tâm hành chính quốc gia mọi thời. Vẫn rốt cuộc một mẫu số chung là nó… lạ nhưng bắt mắt. Và đẹp!
Xin trích thêm bộc bạch của KTS Ngô Viết Nam Sơn (con trai cố KTS Ngô Viết Thụ) trong một bài viết về cha mình.
Về mặt phong thủy, đa số công trình cho các vị vua ngày xưa đều xây dựng theo triết lý bá đạo, tức là làm sao có lợi nhất cho chủ nhân, mà không tính đến chuyện gây hại cho người khác.
Với Dinh Độc Lập, cha tôi theo quan điểm vương đạo, tức là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, khi cộng đồng thịnh vượng, trong đó sẽ có mình. Nhiều người cho rằng trục chính đi thẳng vào dinh là xấu, nhưng cha tôi vẫn làm, và dùng hồ nước để hóa giải. Ông cho rằng, vua thì phải làm gương, phải đứng ra gánh vác, chiếu không ngay, không ngồi. Tôi tự hào về cha, và ảnh hưởng nhiều về phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp trong các công trình kiến trúc của ông.
Trên nóc Dinh Độc Lập
Tài liệu còn lưu lại trong Dinh 40 năm trước
…Cha tôi là người khí tiết, không chỉ trong lời nói, mà cả hành động. Sau này ông Diệm muốn đưa cha tôi vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhưng cha tôi từ chối. Lúc đó, làm bộ trưởng Xây dựng giàu sang, uy quyền lắm, phụ trách luôn cả xổ số kiến thiết.
Và vẫn luôn một KTS Ngô Viết Thụ đa tài! Trong lãnh vực hội họa, nội bộ tranh Sơn Hà Cẩm Tú gồm 7 bức, mỗi bức dài 2m, rộng 1m được trưng ngay trong chính Dinh Độc Lập đã khiến ông nổi danh. Lại thạo ngón chơi đàn Tranh, đàn Kìm và Sáo. Ông để lại hàng trăm bài thơ và bài viết.
Ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) dường như tìm đến ông hơi bị muộn? Đó là thời điểm sau khi ông Thụ đi học tập cải tạo 1 năm trở về…
Nhiều ý kiến đánh giá, sở dĩ KTS Ngô Viết Thụ không di tản vì từng chịu ảnh hưởng ông Võ Văn Kiệt trong đó có câu khi nào anh không chịu được nữa thì biểu tôi. Chứ đi như thế nguy hiểm lắm…
Ông Sáu Dân thời điểm chưa ở cương vị Thủ tướng, một lần đi công tác nước ngoài bằng phi cơ của Air France, mời ông đi cùng. Ghế của KTS Ngô Viết Thụ là hạng phổ thông. Trong khi hàng ghế hạng thương gia của ông Sáu Dân lại dư. Ông Sáu đề nghị phi hành đoàn mời KTS Ngô Viết Thụ lên nhưng ông không chịu. Ông Sáu Dân kiên quyết, nếu ông không lên thì ông Sáu sẽ xuống hạng phổ thông ngồi. Khi đó KTS Ngô Viết Thụ mới chịu.
Lần đó đi Vịnh Hạ Long, ông Sáu Dân thân mài mực nho và giữ giấy cho gió biển khỏi bay để KTS Ngô Viết Thụ họa cảnh.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt công du Pháp và Algeria mời KTS Ngô Viết Thụ đi cùng. Đến Pháp, không may KTS bị chứng bệnh thận cấp tính phải lưu lại chữa trị. Trong thời gian chữa bệnh có rất nhiều lời mời ông ở lại, và hứa bảo lãnh cả gia đình sang nước ngoài luôn. Nhưng ông kiên quyết trở về. Con trai ông kể lại, ông trở về vì một lời đã hứa với chú Sáu. Ông nói: “Kẻ sĩ đã tin nhau thì không bao giờ được phụ lòng nhau”.
Rồi có thời điểm ông là cố vấn Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam, và cũng là cố vấn Ban Chấp hành Hội KTS TPHCM các nhiệm kỳ I, II, III, và IV. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời ông là thành viên tổ chuyên gia tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng.
Các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước theo chế độ “5 không”: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.
Lúc rời Dinh nhớ thêm chi tiết của người hướng dẫn, Ban tổ chức đám tang KTS Ngô Viết Thụ đã cho dừng linh cữu xe tang trước cổng Dinh Độc Lập để vong hồn ông được nhìn lại lần cuối tác phẩm ông đắc ý nhất trong số các tác phẩm kiến trúc mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời.
(Còn nữa)
KTS Ngô Viết Thụ dường như đã thanh thản ra đi 15 năm trước bởi có người con trai tài danh đã kế được nghiệp mình. Đó là TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn có hơn 20 năm trong ngành kiến trúc và quy hoạch, từng thành công với nhiều dự án lớn ở Mỹ như đại học Washington tại Seattle. Đại học California tại San Francisco; dự án quy hoạch khu nhà ở thương mại cao cấp Lachine ở Montreal (Canada); quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải - Trung Quốc); quy hoạch đô thị mới Filinvest (Philippines); Almaden Plaza, San Jose (Mỹ)...; thành viên nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội Mới, quy hoạch lại Đà Nẵng, Phú Quốc…
Kỳ cuối: Vườn Dinh
TP - KTS Ngô Viết Thụ đã đặt toàn bộ hình khối đường nét Dinh Độc Lập vào một tổng thể cực kỳ hài hòa cây cối thảm thực vật sum suê hoành tráng của khuôn viên hơn trăm ngàn mét vuông. Và nữa, ông không trồng cây nào nhưng lại trồng cỏ. Bồn cỏ là một thảm xanh mướt mát 102 mét vuông ngay mặt tiền Dinh tạo cảm giác thư thái mát lành. Khoảng cỏ xanh quý giá và hợp lý ấy nghe đâu cũng chính là cái bình phong trấn trạch?
Mặt tiền chếch mái Dinh Độc Lập
Điều vô cùng tối kỵ trong phong thủy phương Đông là trong việc xây cất có con đường đâm thẳng vào nhà? Quả là đại lộ Norodom (đường Thống Nhất bây giờ) hướng đường chiếu thẳng vô Dinh Độc Lập. Để hóa giải điều kỵ này, KTS Ngô Viết Thụ đã bố trí một bồn cỏ hình bầu dục xanh ấy cùng hệ thống đài phun nước. Khách vô Dinh phải rẽ về 2 phía cánh gà là như vậy. Mà hình như phương Tây cũng chuộng cùng kỵ khoản này? Cung cách hóa giải của KTS Ngô Viết Thụ ở Dinh Độc Lập cũng là hóa giải theo kiểu Tây là sử dụng thảm cỏ và đài phun nước? Ấy là nhắc lại cho vui rằng nói zậy thì biết zậy bởi nếu cái Dinh Norodom Toàn quyền Pháp xây hình như đã phạm vô điều hung hiểm chi đó? Bởi Nhật từng hất cẳng Pháp, và Pháp phải bỏ Việt Nam mà về? Rồi Ngô Đình Diệm người ra lệnh xây Dinh Độc Lập trên nền Dinh Norodom ấy, có được ở ngày nào đâu mà Dinh cũng bị hòn tên mũi đạn rồi Ngô Tổng thống bị đảo chánh, bị giết? Kiểu hóa giải phong thủy sau này của Dinh Độc Lập không cứu được nền Cộng hòa Đệ nhị của Tổng thống Thiệu?
Công nhân chăm sóc cây
Xin trở lại cái vườn cây cổ thụ um tùm mướt mát xanh của Dinh Độc Lập. Giống thụ mộc trong số ngàn vạn cây trong vườn Dinh bây giờ đa số được trồng tự khi nao? Theo Học giả Vương Hồng Sên (Vương Hồng Sển, Nửa đời còn lại. Nxb Tổng hợp thanh phố Hồ Chí Minh, tr. 26) vì dân chúng ngưỡng mộ và tôn thơ Tả quân Lê Văn Duyệt làm Thượng công, nên lấy đất và khu vườn cây thuộc lãnh vực chỗ ông ngồi ngự trị để đặt la Vươn Ông Thượng. Nhưng nhà văn Sơn Nam đã rủ rỉ chắc nịch rằng sở dĩ có tên là Vườn Ông Thượng là để chỉ Toàn quyền Pháp Maurice Long. Cụ Sển không chịu, cho là cái tên Vườn Ông Thương đã có từ trước khi Maurice Long qua Việt Nam. Ông ấy làm Toan quyền hai lượt: lần đầu tư 21/2/1920 đến 17/12/1920, lần thứ hai từ ngày 1/4/1921. Số đông dường như nghiêng về cái lý của cụ Sển!
Đất cùng Vườn Ông Thượng ấy thực chất là một khu rừng cây cối um tùm sum suê bao la gồm Dinh Độc Lập và liền thửa với công viên Tao Đàn bây giờ. Chịu khó tỉ mẩn một buổi thôi thấy cái giống loài thụ mộc của thảm thực vật của Dinh Độc Lập và Tao Đàn nhìn bề ngoài ngó hao hao. Tỷ mẩn hơn ngó kỹ thì nhiều giống loài y chang!
Được dư dả thời giờ cùng thư thả sải bước thật chậm bên những thứ thụ mộc lâu năm trong vườn Dinh là cả một cái thú! Có những cội, cây lạ hoắc. Cái tên cũng lần đầu được nghe. Chủ vườn Dinh đã tỷ mẩn cẩn thận mỗi một cổ thụ gắn cho một tấm biển như thứ lý lịch trích ngang vậy. Chả hạn như cây Viết. Thuộc họ Viết (tất nhiên!) tên latinhmimusops. Mục phân bổ ghi vỏn vẹn 2 từ Đông Dương. Phần công dụng cho bóng mát. Rồi một thứ lạ nữa có tới 6 tán um tùm cả một góc vườn Dinh. Dưới gốc là một hệ thống rễ chồi lên cuồn cuộn ngổn ngang u mấu. Đó là cây Điệp phèo heo sau cái tên latinh dài dặc, có dòng mục phân bổ ghi Mỹ nhiệt đới, công dụng cây che mát có tán rộng.
Rồi giống dầu con rái thân vút tăm tắp thấy có nhiều ở vùng Đồng Nai miền Đông hình như có tên gọi chệch là dầu rái?
Rồi giống sao đen cùng công dụng với dầu con rái, gỗ chắc cứng chịu được nước.
Kia là thứ gõ đỏ, giống này thấy lắm ơ rừng miền Đông, miền Trung nhiều nhất ở Quảng Bình. Sang rừng Nam, Trung Lào gặp luôn. Nhưng trong lý lịch cây chỉ ghi khiêm tốn ở mục phân bổ là Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Gỗ chắc, quý. Công dụng dùng làm gỗ mỹ nghệ.
Kia thứ sần sùi có tên lim xẹt được ghi là phân bổ khắp châu Á, công dụng che bóng mát. Còn giống sao đen phân bổ ở Đông Dương gỗ cứng chắc chịu dưới nước thuộc họ dầu...
Tóm lại tinh những giống cây phổ biến của đất rừng phương Nam, thổ nhưỡng phía Nam tịnh không gặp cái giống thường nhan nhản ở mạn Bắc như xà cừ, sấu… Có bằng lăng nhưng là thứ bằng lăng ổi thân vút thẳng tắp tán cây lơ lửng lưng trời với tàn lá nhỏ rậm rì. Thảng hoặc bắt gặp vài gốc ngọc lan nhưng cung cách bố trí khéo chừng như đủ để thoang thoảng thứ hương quý phái ấy cho góc nọ khoảng kia trong khu vườn Dinh?
Như thứ vô duyên tự dưng chuế mắt bởi gặp cái giống cau vua ngoài Bắc lẫn trong Nam lắm nhà vườn đang phải muốn tống khứ đi mà chưa được. Được ghi lý lịch phân bổ châu Mỹ nhiệt đới với công dụng cho bóng mát. Có lẽ nó lạc vào vườn Dinh sau 1975 hoặc muộn hơn?
Thi thoảng đủng đỉnh bên mình giống cu gáy với vòng cườm điệu đà quanh cổ thon ngó gọn sang trọng chứ không phải thứ bồ câu ục ịch. Đâm giật cả mình trong không gian tĩnh lặng những cái loạt soạt đột ngột của giống sóc đầu nhỏ tí mang dáng chuột nhưng có bộ đuôi diêm dúa.
Vườn cây cổ thụ um tùm mướt mát xanh của Dinh Độc Lập
Photo: ..
Khẽ ướm lòng tay vào một thân bằng lăng ổi để chạnh nhớ diện tíchhơn 10 ha cây xanh hạn hẹp khiêm tốn của Dinh này cũng phải chia đều cho đầu sân Sài Thành. Tạm tính những khoảng xanh mướt mát trong thành phố kín đặc người dường như đang sắp chớm cái nạn nhân mãn của những Đầm Sen, Văn Thánh, Kỳ Hòa Tao Đàn và cả vườn Dinh đây mới chỉ hơn trăm héc ta và cũng tạm chia, tạm phân bổ cho đầu người Sài Gòn thì mới tròm trèm một mét vuông xanh/người. Thế mà năm 2000 một nghị quyết được ghi trong kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố cố gắng phấn đấu đến năm 2010 sẽ đạt 6-7 mét vuông cây xanh/người. Đủ biết, đủ thấy cái sinh thái xanh nó cần kíp câu thúc với người thành phố đến như thế nào? Trong vô vàn dự ánlàm ăn xôm tụ tiền bạc cho thành phố, hình như không có dự án nào đầu tư cho cây xanh? Nó vắng bặt thậm chí xa xỉ bởi cái sự sinh lời của những dự án đại loại vậy chẳng hấp dẫn với các nhà đầu tư?
Đẩy cái xe gom lá và rác với một chị công nhân quân số thuộc Công ty Công viên cây xanh một đoạn thấy như dài thêm câu chuyện… Hóa ra chị cùng quê Thanh Hóa theo chồng vào thành phố làm ăn 5 năm nay. Chị tên Hà, quê ở Hà Phú của huyện Hà Trung vùng đất lầy thụt khó làm ăn. Giọng chị rầu rầu cho biết những năm trước còn tạm mát mặt thu nhập các khoản của chị em đây cũng tròm trèm 9 triệu đồng/tháng. Đùng cái, sau vụ xì căng đan quỹ lương lãnh đạo hồi năm ngoái, công nhân bị vạ lây, bây giờ chị chỉ còn 5 triệu. Tiền ấy chi dùng sinh hoạt có 2 đứa con nhỏ đang đi học khá là vất! Ngó thêm khu nhà trệt phía góc đường Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Thị Minh Khai, trước 1975 là khu sinh hoạt của đội cận vệ phi hành đoàn lái máy bay cho Nguyễn Văn Thiệu và bộ phận chăm sóc vườn cây. Hiện là bếp ăn tập thể của cán bộ công nhân viên Hội trường Thống Nhất.
Chợt bâng khuâng khi qua gốc Điệp phèo heo sau Dinh Độc Lập. Chẵn 40 năm trước, trưa 30/4, những người lính tăng Bắc Việt hốc hác bụi đầy người từng chẻ củi bắc bếp cạnh bồn nước lớn giữa sân cỏ trong Dinh và quanh bộ rễ của cây Điệp phèo heo này để nấu cơm. Cơm chín, cứ bát B52 mà vục thẳng xuống nồi quân dụng. Nhiều anh bụng đói mà lòng cứ lâng lâng. Dân nhiều người túa vào xem Quân giải phóng. Mới đầu lạ lẫm nhưng dạn dần. Có một bà già còn mạnh bạo sờ mông một anh lính để coi có… đuôi như người ta nói không?
Khoảng 13h có chiếc xe jeep chở mấy “anh giải phóng” là phóng viênBáo Quân đội nhân dân, các anh nói xe sẽ chạy liên tục ra Hà Nội cho kịp đưa tin, anh em nào quê ở miền Bắc thì viết thư, chúng tôi mang ra Bắc gửi bưu điện cho. Tôi cắt vội lấy mảnh giấy gói bộc phá ghi địa chỉ nhà gấp lại, mặt sau ghi: “Mặt trận thắng đến đâu. Con vào sâu đến đó… Dẫu chân đạp trăm đường. Con nhìn quê vẫn rõ…Chiến tranh là tàn khốc, đời diễn cảnh tang thương. Hẹn gì cùng non nước, là tuổi em ở trường…”.
Lá thư viết tại Dinh Độc Lập, không tem, không có phong bì, sau này biết ở nhà vẫn nhận được. Ngủ lại một đêm trong khuôn viên của Dinh, khoảng 14h hôm sau, chúng tôi rút ra.
Tôi đã bắt gặp những dòng như thế trong tập hồi ký Dinh Độc Lập, những thời khắc không thể nào quên của các cựu binh Nguyễn Thái An - Bùi Xuân Vinh đại đội 8 Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 219 Quân đoàn 22 Nguyễn Hữu Cam Trung đội trưởng Trưởng xe 746 thuộc C3 D4 Lữ 203 Tăng thiết giáp QĐ 2.
Hình ảnh cuối lúc rời vườn Dinh là cái đình bát giác đường kính 4m ở phía trái đàng sau Dinh trên một gò đất cao, chung quanh không xây tường, mái ngói cong cổ kính. Trước 1975 giới kiến trúc luôn chê bai cái đình bởi kiểu kiến trúc hơi lạc lõng thậm chí vô dụng vì Tổng thống và quan khách không ai ra ngồi đó?
Nhưng bây giờ hóa ra lại hạp? Bởi khách tham quan có mỏi cẳng thì có chỗ rất tiện ngồi nghỉ mệt.
Cũng có thể cây cối trong vườn Dinh Độc Lập được trồng vào thời điểm xây dinh Norodom? Người trần mắt thịt khó biết được tuổi cây đành đợi phán quyết của người có trách nhiệm.
Theo Xuân Ba/Tiền Phong