TTO - Ông Trần Quốc Trung - bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ thu ngân sách bằng tỉnh Bình Dương. Câu chuyện hạ tầng yếu kém hiện vẫn là vấn đề bức xúc của toàn vùng.
Tại hội nghị liên ngành triển khai hiệp định CTPPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, không có Mỹ) do Bộ Công thương tổ chức tại Cần Thơ ngày 21-3, ông Trần Quốc Trung chỉ ra cả vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành nhưng chỉ thu ngân sách bằng một tỉnh Bình Dương (khoảng 50.000 tỉ đồng).
Ông Trung cũng nhận định các địa phương trong vùng "dù có cố gắng nhưng còn nhiều hạn chế".
Một trong những "hạn chế" mà ông Trung chỉ ra chính là hạ tầng giao thông gồm đường bộ, thủy, hàng không còn yếu kém. Vì vậy, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào vùng còn thấp, ngay như Cần Thơ đến nay tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chưa đến 1 tỉ USD.
Trong khi về cơ sở vật chất, cả vùng đất liền ĐBSCL chỉ có Cần Thơ có 2 và Cà Mau có 1 khách sạn 5 sao và chỉ Cần Thơ đáp ứng được việc tổ chức các hội nghị, sự kiện quốc tế quy mô lớn.
"Từ Cần Thơ đi TP.HCM chưa đầy 200km mà mất 3-4 tiếng đồng hồ, nhà đầu tư sao đến được khi hạ tầng như vậy", ông Trung trăn trở.
Trước thực trạng trên, ông Trung đề nghị Chính phủ sớm đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời nâng cấp các tuyến kết nối như quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp đang xuống cấp trầm trọng.
"Không giải tỏa được vấn đề này thì ĐBSCL không bao giờ phát triển được. Toàn vùng chỉ duy nhất Cần Thơ điều tiết ngân sách về trung ương nhưng chỉ có 9%, rất xót ra", bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết là một thành viên Chính phủ, ông cũng đã có ý kiến về vấn đề đường cao tốc cho vùng ĐBSCL.
"Vùng này cần đẩy nhanh hơn nữa đầu tư hạ tầng đường bộ và đường thủy. Nếu không cải thiện giao thông nói riêng, logistics nói chung thì vùng ĐBSCL không thể thu hút đầu tư được", ông Trần Tuấn Anh nhận định.