Thời pháp thuộc, cả Nam kỳ đều nghe danh Bối Ba Cụm. Đó là hình thức trộm cắp tinh vi của một làng nhỏ ven sông Bến Lức, một con sông nối liền sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn đi qua các địa danh Ba Cụm, Chợ Đệm, Bình Điền. Vì chịu tác động thuỷ triều của 2 con sông trên nên có một vùng “giáp nước” tại Ba Cụm, thuộc làng Thanh Hà (nay là Tân Bửu), huyện Bến Lức. Ghe thương hồ các tỉnh miền Tây lên Gia Định đi từ Mỹ Tho, theo sông Bảo Định lên Vũng Gù (nay là Tân An), gặp sông Vàm Cỏ Tây. Từ đây có kinh Thủ Đoàn (còn gọi kinh Bánh Tét) qua Thủ Thừa, lên Bến Lức và đến Ba Cụm. Là khu dân cư đông đúc tụ họp thành ba cụm buôn bán chạp phô, sửa ghe thuyền cho khách thương hồ chờ con nước xuôi dòng đỡ phải chèo chống. Đó là điều kiện cho bối “hành sự”.
CỞI QUẦN MỸ A … CHO BỐI.
Chiếc ghe cui khẳm đừ. Trên chất rất nhiều hủ đường vàng nghỉnh, loại hủ 20 lít, chuyên đựng đường chảy mà dân gian gọi là đường hủ. Một người ngoài tứ tuần đang chèo từ từ ngắm cảnh tìm mối quen dừng ghe mua ít thứ chạp phô (tạp hoá) nấu bữa cơm chiều. Trước mũi ghe là một cô gái bảnh bao trong bộ bà ba áo lãnh Cẩm Cuống, quần Mỹ A Tân Châu đúng mốt thời thượng, tuổi trạc hăm, mặn mà sắc sảo. Chuyện mấy ông thương hồ chở vợ bé đi buôn cũng là mốt thời thượng. Cô gái mệt mỏi nằm lim dim trước mũi ghe. Gió sông mơn man vén hai tà áo khoe bờ eo trắng nõn. Đám bối trên bờ theo dõi không bỏ sót chi tiết nào. Thằng bối anh chắt lưỡi: “Con nhỏ ngon cơm quá tụi bây!” Bọn đàn em lao nhao: “Đại ca chỉ thích chuyện ấy! Tụi em đói meo đây nè!” “Lấy đường kìa mà ăn!” “Lấy cái quần Mỹ A kia thích hơn, còn đại ca một phen nhìn được cái trong quần Mỹ A!” Cả bọn cười ầm. Rồi một thằng bối em thì thầm hiến kế. Nó phóng ùm xuống sông. Chẳng biết làm thế nào, cô gái lim dim mơ màng kia la thất thanh và tuột cái quần Mỹ A đạp xuống sông, còn nó cười ha hả lấy cái quần lội vào bờ. Ông lái đường trố mắt ngạc nhiên nhìn cả bọn chỉ biết cười trừ vì rừng nào cọp nấy!
Lên bờ bọn bối kháo nhau: “Mầy làm phép gì vậy?”, tên bối anh cười hì hì: “ Giỏi! Giỏi! Nó lấy cọng mái dầm dốt dốt. Nó ong cho săn (se như xe chỉ), lén đút vào ống quần con nhỏ. Cọng mái dầm vừa trơn vừa lạnh bị bung ra uốn éo như con rắn chui ống quần. Con nhỏ thất kinh tuột quần la hoảng”. Cả bọn thán phục tài thằng bối em mới vào nghề.
KẺ CẮP CHẤP… BÀ GIÀ!
Truyền thống nhà “bối” hành sự ở đâu xa chớ không được hành nghề ở làng mình. Đó là luật bất thành văn của những kẻ hành nghề trộm cắp. Thế nhưng thằng bối gặp cơn khốn khó nên đánh liều đột kích nhà bà chánh tuần. Nó lựa lúc ông chánh đi rỏn. Bà chánh ở nhà với con sen. Người già rất kỹ tính. Chiều sập xuống bà chánh hối con sen dọn dẹp, đi xem trong, coi ngoài, coi từng kẹt bồ lúa, sàn chõng, sàn giường… rồi mới đóng cửa. Bà ngồi chong đèn hoa kỳ têm trầu nhai hết miếng này đến miếng khác. Chưa buồn ngủ bà còn lôi truyện Tàu ra đọc. Thằng bối cứ rình mà không có cách nào đột nhập. Nó bèn nghĩ ra một kế. Nó sai vợ qua nhà bà chánh biếu một nắm trà Phật, loại trà lá tươi, uống thơm mùi sen. Thứ ấy chỉ có trong nhà quyền quý mà nó “bối” được.
-Thưa bà chánh, có người vừa biếu con thứ trà ngon. Con nghĩ trong làng mình, chúng con cũng nhờ ân đức của ông bà, nên con kỉnh ông bà uống lấy cái thảo! Vợ thằng bối nói chuyện ngọt lịm. Bà chánh đang đọc truyện tới hồi gay cấn, muốn thức đợi ông và đọc hết cuốn truyện.
-Quý hoá hông! Bà xin nhận tấm lòng thành vậy! Con Bé Tư đâu? Mầy nấu cho bà một ấm nước.
Con sen pha trà, mùi hương sen bốc lên thánh thiện. Bà nhấp thử, thật sảng khoái. Rồi bà đọc miên man, vừa xít xoa, vừa chửi đổng! Lâu lâu bà phải bỏ sách mở cửa “đi ngoài”. Thằng bối nấp sau cánh cửa chỉ chờ có vậy, chui vào sàng ngựa, nơi bà ngồi đọc sách. Bà tiếp tục đọc. Lát sau lại thèm trầu. Bà vói tay lấy cái dao bầu trong khai, bẻ trái cau hòn, liếc 5 nhát là xong phần vỏ xanh. Chuẩn bị tách vú cau thì tay bà vuột rớt trái cau xuống đất. Nơi ấy lại là nơi thằng bối đang ngồi chong ngóc. Bà đưa tay chộp cái đèn Hoa Kỳ để rọi đường, trái cau biết đâu nó lăn cù cù trong sàn ngựa rồi. Chân bà xỏ vô chiếc dép Phi Phụng mà ông mua cho bà tận trên Sài Gòn. Thằng bối xanh máu mặt. Kiểu nào lộ tẩy rồi. Trong cơn hoảng loạn, nó chợt loé ra sáng kiến. Nó lượm trái cau nhét vào chiếc dép bên phải chưa kịp xỏ của bà chánh. Bà đạp trái cau đau điếng, buông cái đèn, thò tay lượm lên, tiếp tục xít xoa, bổ cau, têm trầu và đọc sách.
Sáng hôm sau, ông chánh giật mình thức giấc vì những tia sáng ban mai lọt qua cái cửa toác hoác. Trên nhà thờ, cặp lục bình Khang Hy không cánh mà bay mất.
LẤY CHỒNG… XÓM BỐI
Nàng quê ở Lương Hoà, một xứ khóm nổi tiếng khắp Nam kỳ. Trong một lần đi buôn khóm lên Chợ Đệm với cha bằng ghe, dừng lại ở Ba Cụm nấu cơm ăn thì mất tiêu túi tiền. Cô gái khóc sướt mướt vì tiếc công lao động. Một thanh niên bảnh trai lân la hỏi thăm cớ sự. Cảm thương nàng, hứa sẽ tìm ra bọn bối tiền. Và anh ta tìm được. Xóm bối kể ra cũng thương người nghèo nên trả lại, vậy thôi. Tình cảm của họ nảy nở. Năm sau họ cưới nhau. Đêm tân hôn trằn trọc. Cô gái miệt đồng đầy ắp những ý nghĩ phải làm gì để chinh phục tình cảm gia đình bên chồng, để chứng tỏ một thiếu nữ công, dung, ngôn, hạnh. Trước tiên là dậy sớm, nấu nước pha trà cho cha chồng, sau đó nấu cơm cho mọi người ăn sớm để còn ra đồng…
Bốn giờ sáng nàng thức giấc. Lục tục xuống bếp nấu ấm nước. Nàng đi nhè nhẹ, đốt một cái đèn dầu trứng vịt. Lấy nước mưa nấu vừa một gáo dừa, đủ để tráng ly, bình trà và châm nửa bình trà móc câu. Tiếp tục nàng xúc 3 dùa gạo lượng đủ 5 người ăn, đổ nhè nhẹ vào cái nồi đồng, bưng ra sàn nước, nơi có cái lu mái đầm và cái gáo dừa múc nước. Nhưng lạ chưa, cái gáo dừa đâu mất tiêu. Nàng nghĩ rằng nó rớt đâu đó, mình mới múc nước nấu pha trà đây mà! Kiếm hoài không có. Thôi! Vô nhà lấy cái tượng múc nước cho rồi. Sáng kiếm sau. Vào nhà lấy cái tượng ra thì cái nồi đồng đựng gạo mất biệt. Bấy giờ nàng mới phát hoảng. Nhà có ma? Nổi gai ốc! Nàng vào nhà đếán bên chồng, cả nhà đều an giấc điệp, chẳng có một chút động tĩnh nào. Đi kiếm một cái nồi khác nấu cơm cũng không có. Nàng vào nằm với chồng và… khóc. Chồng nàng giựt mình thức giấc. Chẳng hiểu cớ gì.
-Sao khóc vậy em?
-Nhà mình có ma! Ghê quá!
Nàng mới tức tưởi kể lại chuyện cho chồng nghe. Anh chồng cười khì:
-Ngủ thêm chút đi! Không có chuyện gì đâu!
Rồi ôm vợ mà ngủ. Nàng trằn trọc mãi.
-Sáng ra cơm đâu mà ăn để đi làm sớm?
-Em ngủ đi, sáng cơm chín.
Lúc ấy bà mẹ chồng nghe tiếng rù rì của đôi vợ chồng trẻ trở dậy đi ra sau, đứng ở sàn nước nói vọng qua nhà bên kia con xẻo nhỏ:
-Chết tụi bây nghe! Em nó mới về nhà chồng mà giỡn gì giỡn ác vậy!
Nhà bên cạnh có tiếng cười ầm lên:
-Thấy thiếm nó cực, con nấu cơm dùm ấy thôi. Để cho thiếm biết thế nào là làm dâu xóm bối!
BỐI BA CỤM LÀ VẦY NÈ!
Vào một sáng mùa đông, một tốp ngư dân đang giở chà cá he trên sông Tiền. Lưới bao chà xong, mọi người cùng nhau giở từng cọng chà (nhánh cây khô) ra khỏi lưới. Công đoạn nặng nhọc nhất là lặn ở độ sâu 5-6 mét, dùng lạt tre hoặc lạt dừa, phăng diền lưới sát vào nhau và cuối cùng kéo lưới lên… bắt cá. Để chuẩn bị công đoạn cực nhọc, mọi người tụm nhau lại người hút thuốc rê trảng, từ mồi lửa một con cúi bện bằng mo nang dừa, người thì uống nước mắm để chống lạnh.
Bỗng nhiên có một chiếc ghe buồm từ hạ lưu chạy tới gần. “Ghe ai đỏ mũi, xanh lườn; giống ghe Gia Định xuống vườn thăm em”, loại ghe buôn miệt trên xuống. Họ tiến từ từ dưới sức căng của chiếc buồm, đẩy bởi cơn gió bấc lất phất. Một người đàn ông vạm vỡ ló mặt ra từ cửa ghe.
-Quí vị cho xin lửa nấu cơm. Ống tàn hết ăn lửa rồi!
Hồi ấy chưa có hộp quẹt, nên người ta khẻ đá lấy lửa, mồi bằng bùi nhùi gọi là ống tàn. Một ngư dân đưa con cúi cho họ. Chiếc ghe buôn neo lại nấu cơm. Đám ngư dân hè hụi nhau kéo lưới, bắt cá bỏ vào gọng. Người trên ghe buôn hỏi mua cá, một ngư dân xúc cho họ một vợt cũng vài cân cá. Mùi cơm nàng thơm ngào ngạt, mùi cá nướng bốc lên. Người trên ghe buôn bày cơm, bày rượu. Họ không quên mời khách. Thế là hai nhóm người bỗng dưng quen nhau, cùng uống rượu nói chuyện oang oang, hào sảng trên sông lộng gió. Người cầm đầu đám ngư dân cất giọng hỏi thăm:
-Quý vị chắc là người Gia Định?
-Ừ,
-Nghe nói trên ấy có nhiều bối ba cụm. Bối là sao vậy?
-Chút nữa các ông sẽ biết!
Rượu ngà ngà. Chủ khách chia tay. Mấy ngư dân đồng bằng xuống xuồng nhỏ của mình để chèo ghe lên chợ Vãn mà bán. Lúc đó mới biết mấy gọng cá he biến mất. Họ đưa mắt tìm kiếm thì thấy năm cái gọng cá được vèo phía sau lái của chiếc ghe Gia Định kia tự hồi nào. Ông chủ ghe từ trong khoang nói lớn cho mọi người nghe:
-Bối Ba Cụm là vầy nè!
Rồi họ căng buồm dong tuốt.
TRỘM TRÂU
Vàm Rạch Sấu mấy hôm nay xuất hiện một tay thương hồ chuyên bán cà-ràng Xà-Toóng. Hắn là một trung niên, nước da ngăm đen, bộ dạng lùn liền, mắt lúc nào cũng ti hí, lim dim, dáng đi chậm chạp. Bán buôn chẳng đăïng bao nhiêu. Chiều chiều hắn vận bộ bà ba trắng, đội nón cối trắng lên chợ Bà Cờ ngồi uống trà với mấy vị kỳ lão nói chuyện thiên cơ. Lâu lâu hắn bói cho một người nào đó miễn phí một quẻ gia đạo. Đặc biệt hắn có kiến thức khá rộng về coi tướng trâu. Nào là “Tam tinh, phan nạng thì sang xoáy ở chổ kín tan hoang cửa nhà”. Thời Pháp thuộc, người nuôi trâu phải làm khai sinh cho trâu, hằng năm đóng thuế một cắc hai (0,12 đồng Đông Dương, tương đương giá 1 giạ lúa). Trong khai sinh phải ghi tên, họ con trâu. Họ là họ của ông chủ. Tên phổ biến cho trâu đực là Xe, Pháo, Ngựa, Sấm, Sét, Đụng…Trâu cái thì có tên Chim, Bay, Chấp…Phải ghi 3 loại xoáy đặc trưng: xoáy mặt, xoáy vai và xoáy đùi. Trâu có 3 xoáy mặt giăng ngang trên trán là xoáy Tam tinh; một xoáy mặt, hai xoáy vai, không xoáy đùi là xoáy phan nạng…Trâu có xoáy cạnh sừng là trâu chém người, xoáy ngay bộ phận sinh dục tướng hại chủ tan hoang cửa nhà. Trâu tướng tốt phải có cạnh sừng lớn, rộng, cạnh đuôi rộng, chân to, bụng lớn, mắt lồi. Chân to mà cổ chân không thắt thì chậm nhưng bền, cổ chân thắt thì lanh lẹ. Trâu mà bị lỏng cạnh đuôi là trâu hết xí quách, máng cày vô thì nằm hoặc chạy tét vô chuồng. “Lỏng cạnh đuôi” trở thành thành ngữ trong dân gian chỉ những người bỏ cuộc.
Nhờ tài nói mép, hắn được người trong xóm gọi là thầy Bảy. Rồi mấy cô gái trong xóm cũng len lén đến thầy nhờ coi tay, bói quẻ. Cô năm Huê lại phải lòng thầy nên chiều nào cũng nập nợn ở ngoài vàm trong bộ bà ba trắng bằng vải Batic, đầu chải tango phùng “be bờ đám mạ”. Ông Năm Đào cha cô Huê vốn là một tay bao hóa (người thay mặt địa chủ thu lúa ở một khu vực) có rất nhiều trâu. Năm Đào rất thích thầy Bảy nên thường uống trà đàm đạo. Có lúc cao hứng dẫn thầy ra chuồng trâu xem tướng, phân loại từng con. Bộ dạng của thầy khệnh khạng đi qua cầu giống như một thằng mù, khiến bọn trẻ bắt chước nhạo báng.Ông Năm Đào có 2 con trâu chiến: đực Sấm, đực Sét…hàng năm đi trục đua ăn bứt khắp làng, hơn chục năm chưa có đối thủ. Độc đáo hơn con đực Sét có xoáy tam tinh cực kỳ lợi chủ. Cả làng này đâu ai hiểu hết cái điệu nghệ của ông Năm. Bây giờ có thầy Bảy coi như là người tri kỷ vậy. Ông cũng biết con gái ông để ý thầy Bảy, nhưng tốt chớ chả sao, trong làng có thằng nào được như vậy?
Thầy Bảy dời ghe thương hồ về nhà ông Năm Đào cách vàm cũng trăm thước. Cô Năm Huê ngày càng tình thắm, duyên ưa với thầy.
Đùng một cái, sáng sớm ông Năm Đào đi khắp xóm hô hoán lên: cặp trâu quý của ông biến mất, thầy Bảy cũng biến mất. Chỉ còn chiếc ghe cui mục trên bến sông trong có vài ba cái cà –ràng Xà-Toóng. Thì ra hắn là tên trộm trâu!
ĐẠO… HỮU
Chuyện trộm trâu làm ông Năm Đào xẩu mình cả năm trời. Con gái ông phải đóng cửa khuê phòng không dám nhìn người làng. Lần này ghé vàm Rạch Sấu là một ghe hát Sơn Đông. Cha của ông Năm trước kia vốn là một người theo hội kín “kèo vàng” của Thiên địa hội, sau theo Kỳ ngoại hầu, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo biệt tích. Ông tuy làm bao hoá cho Cả Khanh nhưng ăn ở với người làng rất là hào hiệp. Mỗi khi người làng có hữu sự, ông là người có mặt đầu tiên. Ông hò hét đám thanh niên làm việc răm rắp. Chuyện bàn tán rồi cũng qua, người làng quý ông ở cái nghĩa.
Gánh Sơn Đông kỳ này về là một cụ cao niên và hai đệ tử một trai, một gái. Cụ già râu tóc bạc phơ, đầu bới xi-nhông cao tới ót, dáng người dong dỏng tiên phong đạo cốt, giỏi võ “gồng”. Họ biểu diễn nội công và bán thuốc “trật đả huờn”, mấy đứa trẻ trong xóm gọi là trật đả hoài. Sau lần bị gạt, ông Đạo ngại tiếp xúc với người lạ.
Ông già Sơn Đông có biệt danh ông Thiên Cơ. Hàng đêm ông uống trà ngoài quán gió của cô Út Hiên nói chuyện “thiên cơ bất khả lậu”.
Nào là sấm Trạng Trình : “Chim bay về núi tối rồi, bậu ơi toan liệu rửa nồi nấu cơm.”; nào là “Bao giờ lúa mọc trên chì, voi đi trên giấy còn gì thầy tăng?” Rồi ông bình phẩm: lúa mọc trên chì chính là đồng tiền cắc có hình bụi lúa, voi đi trên giấy chính là người Pháp cho in tờ 100 bạc có hình con voi, trước kia hình bộ lư. Thầy tăng là thằng Tây. Thời của thằng Tây sắp thua rồi. Dân làng bàn tán nhau chuyện ông Thiên Cơ có vẻ hả hê lắm. Ông Năm Đào thấy cũng quý họ. Một tối nọ ông mời ông Thiên Cơ đến nhà chơi, chủ khách uống trà bàn sấm Trạng Trình và đoán thời cuộc. Từ ấy, họ gọi nhau bằng “đạo hữu”, người làng chưng hửng không biết đạo của họ là đạo gì?
Đúng nửa tháng, gánh Sơn Đông của ông Thiên Cơ biến mất không một lời tạ từ. Năm Đào buồn lắm đi ra bờ sông Cửu Long ngắm theo coi còn thấy dáng hình cố tri. Ông giật nẩy mình khi thấy đám mía thanh dịu bị đốn sạch còn mấy hàng, trên một thân mía còn lại có dán một mảnh giấy nhỏ viết :
“Đạo ở chốn giang hồ hành hiệp,
Tôi đốn chưa kịp còn lại ba hàng,
Đâm thuyền chạy thẳng Trà Bang,
Xin đạo hữu đừng mong, đừng đợi!”
Tôi đốn chưa kịp còn lại ba hàng,
Đâm thuyền chạy thẳng Trà Bang,
Xin đạo hữu đừng mong, đừng đợi!”
ĐÀO HẦM KHOÉT VÁCH
Trước cách mạng tháng 8, nạn trộm cướp nổi lên như rươi ở Nam kỳ, trộm cướp thời kỳ này chuyên đào hầm khoét vách. Nếu chúng yếu thì trộm, mạnh thì cướp. Trong dân gian vẫn còn câu thành ngữ “đào hầm khoét vách”. Nhà ông Năm Đào thuộc loại giàu có nhất xóm Rạch Sấu.Ông mới về đây hơn chục năm. Người ta đồn rằng trước kia nhà ông ở Cai Lậy, một lần phát hiện tên trộm đào hầm chui vô bị ông “hạ thủ” chết dưới hầm nên bỏ xứ mà đi đến đây. Năm rồi ông xây nhà mới, ông cho mua rất nhiều hủ đường chôn xung quanh bờ tường để chống trộm đào hầm.
Hôm ấy nhân lễ hạ điền ở làng, mọi người kéo nhau đi xem hát bội. Những tên trộm không biết từ đâu tới. Chúng đào hầm nhỏ từ xa, xuyên qua bên dưới hàng hủ đường vào nhà ông từ lúc nào và nguỵ trang cẩn thận, đợi ông Năm đi cúng đình là chúng hành sự. Đêm ấy bà Năm ở nhà với đứa cháu gái làm con sen. Hai người con trai với cô Năm Huê cùng đi coi hát. Trời chưa sụp tối, gánh hát “Bầu tèo” gõ lung tung…phèn là tụi nó kéo nhau đi biệt. Bà Năm vốn mê hát bội, nhưng khổ một nổi không ai giữ nhà nên đành phải chịu. Đêm ấy hát tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc”. Bà thương Hồ Nguyệt Cô quá! Người ta tán thưởng Tiết Giao như một vị anh hùng. Trong đôi mắt Hồ Nguyệt Cô đầy nước mắt, muốn làm người cũng khó quá! Chỉ vì yêu mà công phu tu luyện ngàn năm bị phế, phải trở lại thân phận cáo chồn. Nhưng cô biết hy sinh cho tình yêu. Bà nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến người tình xưa mà ứa nước mắt! Ngoài đình tiêáng trống càng dìu dặt. Thình lình, tiếng mâm thau rớt một tiếng xoảng. Bà hét con sen: “Mày coi con mèo ăn vụng. Tao nói hoài “chó treo, mèo đậy mà mày hổng nghe!”
Con sen chạy vụt đi xuống bếp, rồi vác cái mặt xanh như chàm chạy lên thều thào: “Trộm…vô nhà!”. Bà nhác thấy một bóng đen trong nhà bếp, rồi bóng thứ hai, thứ ba…Một tên cầm cái mâm thau, một tên cầm nồi đồng, một tên mở then gài cửa. Bà lẹo lưỡi, đánh bù cạp cầm cập. Bà kéo con sen vào lòng và ôm nó cứng ngắc: “Đừng có la!” Tên trộm ung dung lấy cặp lục bình Khang Hy, bộ tôn tước bằng gốm lưu ly, bộ lư đồng… ở nhà trên. Chúng xếp vào hai cái gióng gánh. Hai tên còn lại lục đục kiếm cái đòn gánh. Hai bà cháu lấy mền trùm kín đầu không dám dòm. Tên cầm đầu hối: “Lẹ lên tụi bây! Giãn hát rồi đó nghen!” “Không có đòn gánh thì làm sao?” “Thì vác mẹ nó đi!”
Bà Năm chịu hết nổi cái không khí ngột ngạt chừng nửa tiếng đồng hồ: “Cái đòn gánh giắt trên chái nhà kìa! Mấy ông gánh đi lẹ lẹ dùm con!”
Hai tên đàn em nghe tiếng người, mặt dòm dáo dác. Tên cầm đầu trấn an: “Đồ khùng! Nhà có hai người đàn bà làm gì mà nhát vậy! Cứ lấy đòn gánh mà gánh đi!”.
Bà Năm nghe tới đó bật dậy lạy như tế sao: “Xin mấy ông tha mạng!”. Mấy tên trộm gánh đồ chạy tuốt.
RỪNG CẢ VÂN
Nói về nhân vật Thầy Bảy, hắn có biệt danh là Bảy Choắt, có lẽ do tướng người loắt choắt. Sau khi hắn trộm được hai con trâu của ông Năm Đào, suốt đêm cưỡi tuốt về vùng đất Phú Lộc, nơi còn nhiều đất lâm, có một phồn trâu nổi tiếng giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Cần Thơ. Phồn trâu này có vài trăm con. Trâu ở đây không ai chăn, ngày nó vào rừng ăn cỏ. Tối nó tập trung vào một cái bàu rộng chừng nửa mẫu, trầm mình trong đó để tránh muỗi cắn. Cái bàu ấy gọi là phồn. Người nuôi trâu nhiều cũng thường làm phồn cho trâu vào mùa mưa. Nhưng chủ phồn trâu Phú Lộc này vốn là tay hảo hớn từ phương xa tới, chuyên mua trâu của kẻ trộm với giá bèo bọt và bán lại “một vốn, bốn lời”. Chủ phồn có biệt danh là Sầm Hưng, tướng người vạm vỡ, cằm bạnh, mắt sâu, râu quai nón. Bọn đàn em dưới trướng không biết là bao nhiêu, cách vài ngày có thằng dẫn trâu về như Bảy Choắt. Thường trực có ba tên. Ba tên này lúc nào cũng thay mặt Sầm Hưng mà giao dịch với người làng, còn bản thân tên trùm ít khi xuất hiện. Người làng Phú Lộc lo ngại cái ung nhọt ấy nhưng không ai dám hó hé. Mỗi lần Cai Tuần huy động người đi đến khu vực phồn trâu thì Sầm Hưng dong tuốt qua địa phận làng bên thuộc tỉnh An Giang, để lại mấy tên đàn em nói chuyện ầu ơ. Cai Tuần có lần nổi nóng bắt chúng về nhốt ở đình thì lập tức, đêm hôm ấy Sầm Hưng mang người đến giải cứu. Làng xóm ngao ngán.
Trong làng có một người phúc hậu tên là Cả Vân, tính tình hiền lành hay thương người. Người làng yêu mến mà đặt thêm chữ Cả vào tên ông chớ bản thân không phải là chủ, cả gì hết. Ông nội gốc dân Ngũ Quảng vào định cư ở Cồng Cộc, có khai phá mấy mẫu đất dưói này nên chia cho ông. Cả Vân xuất thân lò võ Bình Định, nhưng trong làng không ai biết. Ông lân la vào phồn trâu giả khách mua trâu để tìm hiểu thực lực của Sầm Hưng. Về nhà ông âm thầm tập hợp trai tráng dạy võ.
Ba năm sau, ông gặp Sầm Hưng nói: “Tôi đã mua vùng đất này rồi! Xin phiền ngài dời phồn trâu chỗ khác!” Sầm Hưng nổi xung thiên: “Ta không dời thì sao?” “Hẹn ngày mai giao chiến!”
Trận thư hùng diễn ra, Sầm Hưng đại bại. Cả Vân thả hết bọn đàn em, chỉ dẫn một mình Sầm Hưng về nhốt ở đình. Cả Vân không cho ai vào đình. Chỉ một mình ông và tên chủ phồn, rồi đóng cửa lại. Mở trói cho Sầm Hưng ngồi uống trà. Cả Vân dùng hèo đập vào cột đình hét: “Cho mầy chết!” và nói nhỏ “ La lên đi!” Sầm Hưng chẳng hiểu ất giáp gì cũng làm theo. Tin đồn khắp làng, bọn đàn em của Sầm Hưng trốn biệt xứ. Tối hôm ấy Cả Vân thả Sầm Hưng đi, rồi phao tin nó vượt ngục. Sầm Hưng vừa giận vừa thẹn. Hắn về tập hợp đàn em được vài tên bàn kế sách phục thù. Đòn phủ đầu là tấn công nhà Cả Vân ngay tối nay. Hắn hăm hở dẫn quân đi. Nhà Cả Vân chỉ có một ngọn đèn leo lét. Chúng áp sát vào vây kín và phóng lửa. Nó hâm hở trở về sào huyệt. Tới đoạn đường hẹp, tráng đinh do Cả Vân cầm đầu phục kích bắt gọn. Vân thả hết bọn đàn em, dẫn một mình Sầm Hưng về nhốt ở đình. Lần này ông trói hắn lại, dùng hèo đập vào cột đình hét: “Cho mày chết!” Ông làm vậy trong ba ngày. Sau đó thả Sầm Hưng đi và phao tin nó đã chết. Ông dùng một cái xác chó mai táng đàng hoàng. Từ ấy cái phồn trâu mãi mãi biến khỏi làng Phú Lộc. Cánh rừng ngày xưa giờ trở thành ruộng tốt của người dân Phú Lộc nhưng vẫn được nhân dân trân trọng gọi là rừng Cả Vân.
Nguyên Ngọc